Chà, tựa entry này nghe "gợi cảm" quá, đúng không? Thật ra, nó là tựa của một bài báo đã đăng trên báo mạng của vietnamnet cách đây cả tháng trời, vào ngày 28/2, ở đây.
Tác giả của bài viết đó, nếu ai đã click vào link ở trên chắc đã nhận ra, là ... còn ai trồng khoai đất này nữa, đích thị rồi, tôi đấy :-). Nhưng chính tôi cũng không biết điều này, cho đến hôm nay mới hay, khi nhận được mail của tòa soạn nhắc đến lãnh nhuận bút (300 ngàn, bằng một buổi dạy của tôi cho sinh viên cao học).
Thật ra thì vấn đề này tôi được một nhà báo quen đặt để viết. Tôi nhận lời, nhưng nói đã có viết một mẩu trên blog rồi, xin gửi nhà báo nếu thấy dùng được. Bài đó đã đăng từ tháng 12/2009 trên trang blog ncgdvn của tôi (nhà báo liên hệ với tôi cách đây mấy tháng rồi). Với cái tựa khác: Chống tham nhũng và giáo dục công dân. Khi viết, đâu có biết là sẽ có ai khác sử dụng, và lại càng không biết là sẽ có chút nhuận bút. Nhu cầu viết trước hết là để cho mình, và để chia sẻ với mọi người, nên viết xong là thấy hài lòng rồi. Còn có đăng lên báo là để chia sẻ thêm với một độc giả rộng rãi hơn nữa, lại còn có nhuận bút nữa chứ, thì quá tốt rồi.
Tôi chưa kịp đọc lại bản đăng trên báo để xem sự khác biệt giữa bản đã biên tập và bản gốc. Mà có lẽ cũng không cần thiết lắm. Chỉ ghi nhận một sự tình cờ thú vị: tôi, một kẻ yêu thơ (nhưng đã không chọn thơ làm cái nghiệp, hay nói đúng hơn, thơ đã từ chối chọn tôi), đã không nhắc đến thơ trong tựa bài viết của mình, vì muốn đặt vấn đề một cách nghiêm túc. Nhưng rồi chính tờ báo lại đưa thơ vào tựa bài, và đó thực ra cũng là điều tôi muốn nói, dù lúc ấy tôi không ý thức.
Bởi vì thơ văn thực sự có tác động tốt đối với tâm hồn mỗi người, và vì thế hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giáo dục. Mặc dù mối liên hệ giữa thơ và việc chống tham nhũng khá là mơ hồ, thậm chí vô lý. Tôi vẫn nhớ Huy Quang, một blogger ở miền Bắc mà tôi không biết mặt, chỉ biết tên (và biết ... lưng, qua hình chụp trên blog) hay nhắc đến "cảm xúc sạch". Tôi không tin một người thực sự yêu thơ văn lại là một người tham tiền, muốn kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả bằng cách tham nhũng. Tại sao tôi tin vậy ư? Không biết. Có lẽ qua kinh nghiệm những người tôi biết chăng ...
Tản mạn vài dòng, cũng là để say hello với bạn bè trên blog này. Cả tuần nay tôi bận quá, vừa đi làm vừa đi dạy, mà lại làm 2, 3 jobs cùng một lúc (không thì ... lấy gì ăn?) nên không có entry mới, "blog bliếc" buồn hiu hắt. Nay có tin này, cũng kéo ra (tám ra) được một entry. Và thấy vui vui, vì entry này cũng có ... thơ. Ít ra là có cái tựa có chứa từ "THƠ".
Và tự nhiên lại nhớ mấy câu thơ đã thuộc từ hồi đi học, chả nhớ là của ai:
Sẽ là gì cuộc sống của nhà thơ
Nếu không là đau khổ?
Và đại dương kia có nghĩa lý gì
Khi không còn bão tố?
--
Tớ xin can cái vụ thơ phú này chủ nhà ơi! Mấy hôm nay tớ đọc báo thấy mấy em nhỏ được khuyến khích thuộc lòng mấy bài bài thơ bài nhạc Xung Phong Ra Chiến Trường... hãi quá!
Trả lờiXóaTrẻ con thì chỉ biết nhõng nhẽo và làm sao hiểu được chi tiết và làm được gì để chống tham nhũng?
Bà 8
Bà Tám ơi,
Trả lờiXóaĐọc nhận xét của Bà Tám xong tôi hoảng quá. Trời ơi, nếu người ta hiểu theo nghĩa đen cái tựa bài báo này như thế thì thật nguy hiểm.
Bài gốc của tôi (bác xem link trong bài) chỉ muốn nói: dạy con người cho tử tế, đặc biệt là dạy giáo dục công dân cho tốt, và dạy "chân, thiện, mỹ" thông qua thơ ca, nhạc họa (= giáo dục toàn diện) thì sẽ tự nhiên giảm bớt các điều xấu trong xã hội, trong đó có tham nhũng.
Nếu bây giờ người ta lại hiểu nghĩa đen là phải dạy cho học sinh các bài thơ chống tham nhũng (!!!), thì ... hu hu hu!!!!! Tôi không biết nói gì nữa Bà Tám ơi!
Nhưng nếu vậy, xin cho tôi có một đề xuất: Hãy đổi tựa của entry này ra thành: Dạy chống tham nhũng bằng ... vè!!! Vì những bài "thơ chống tham nhũng" có mục tiêu chính trị trần trụi như vậy, lẽ nào lại có thể gọi là thơ????
Chỉ có thể có giáo dục tốt nếu người ta thực sự tôn trọng chân thiện mỹ, Bà Tám ạ. Khi chân thiện mỹ không được tôn trọng, thì ... sẽ có rất nhiều vấn đề xã hội, mà đến lúc đó thì ngành giáo dục cũng sẽ hoàn toàn bó tay thôi!
PA