Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Bên lề phố vắng, buổi chiều ...

Đó là câu đầu của một bài thơ, chẳng rõ là của ai, mà tôi đã được học thuộc lòng vào thời tiểu học, cũng chẳng nhớ là lớp mấy. Hình như là lớp năm, tức là lớp một bây giờ.

Tôi nhớ lại bài thơ này, dù rất lâu đã không nhớ hoặc nghĩ gì đến nó, là do đọc một entry trên blog của BS Hồ Hải, nói về thời sinh viên vất vả, khó nhọc của bọn tôi, những năm đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Nó ở đây.

Trong entry ấy, chủ nhân blog đã nhắc đến và chụp hình một trang sách có ghi dòng chữ của chủ nhân cuốn sách khi phải rời xa nó. Những dòng chữ còn đó như chứng nhân lịch sử của một thời đau khổ, một thời lầm lạc của dân tộc. Rất xót xa.

Đối với tôi, dòng chữ ấy còn có một ý nghĩa khác nữa: lòng yêu mến đối với sách vở, một truyền thống đáng trân trọng của người Việt Nam. Nó phản ánh sự tôn trọng của xã hội đối với tri thức, và với giới trí thức. Một truyền thống mà dường như bây giờ đã phai nhạt mất, như rất nhiều truyền thống tốt đẹp khác.

Đọc giòng bút tích của người chủ viết khi chia tay cuốn sách vì buộc phải bán nó để kiếm một ít tiền, tôi thật xúc động. Vì tôi cũng có khá nhiều cuốn sách cũ có ký tên một chủ nhân khác như vậy. Và chính tôi cũng đã từng phải bán sách, để kiếm ít tiền trang trải những nhu cầu trong cuộc sống.

Tôi nhớ có lần đem ra hiệu sách cũ một số sách vở mà tôi cho là rất quý, suy nghĩ mãi mới quyết định đem bán. Thế mà người chủ hiệu sách không hề thèm liếc qua bất kỳ tựa sách nào, thản nhiên bỏ lên cân xem nặng bao nhiêu, và báo cho tôi giá mua tính bằng giá giấy vụn. Đau xót quá, tôi không bán, mang về. Để rồi vài ngày sau cũng lại phải mang lại bán, như giấy vụn!

Nên mới nhớ ra bài thơ này, chép lại cho tôi và mọi người, nhất là thế hệ sau tôi. Có một vài chỗ nhớ mang máng, có thể chưa chính xác hoàn toàn:

Bên lề phố vắng, buổi chiều
Thấy chăng những sách tiêu điều, ngổn ngang?
Phơi bày trước mặt khách hàng
Nhỏ to, cũ mới, tím, vàng, xanh, đen.

Dập dìu kẻ lạ người quen
Sách còn nửa giá, đua chen mua hời
Người quây lớp đứng, lớp ngồi
Khách đòi giá rẻ, chủ nài tiền cao.

Văn chương rẻ mạt, trách nào!
Văn gia bóp óc biết bao công trình
Tạo nên cuốn sách xinh xinh
Ngờ đâu tác phẩm của mình nằm trơ!

Thế gian bao kẻ hững hờ
Đi bên sách quý, còn ngờ của ôi.


Chép xong, thấy bài thơ có chút ngây ngô, hơi ... vè. Lời thơ chưa trau chuốt. Tự nhiên tôi nghĩ, có lẽ tác giả bài thơ này là người Nam Bộ? Thật thà. Nhưng đối với tôi nó vẫn gây xúc động. Nói thêm, hồi tiểu học tôi học ở trường công giáo. Tên là trường Thánh Tâm, ở khu vực Chí Hòa, một xứ đạo rất lớn của người miền Nam. Mọi người nói tiếng Nam rặt.

Tôi còn nhớ mang máng là cô giáo giảng bài này có kể chuyện đi mua sách vở sao đó, mà tôi về nhà cứ suy nghĩ mãi. Và nhớ luôn bài thơ. Vì đi mua sách là một thói quen của ba tôi mà nay đã trở thành một truyền thống của gia đình tôi. Hồi còn nhỏ, ông hay dắt anh chị em tôi đi mua sách ở nhà sách Khai Trí. Rất thích. Đối với tôi, những lần đi mua sách ấy giống như một cuộc đi chơi.

Những mảnh vụn của ký ức sao cứ ùa về. Có lẽ tôi đã già, thật vậy. Bởi người trẻ thì có tương lai để hướng đến. Còn người già, chỉ còn hoài niệm. Những hoài niệm rất có ý nghĩa, gắn với những cảm xúc sâu thẳm. Vui có, buồn có, nhưng đều pha chút xót xa.

Nhưng cũng chỉ có ý nghĩa cho riêng mình. Còn thế gian, người ta sẽ vẫn hững hờ thôi...

7 nhận xét:

  1. Một thế hệ sinh ra trong bom đạn, lớn lên trong gian nan, nhưng chính vì thế mà thành người. Suy cho cùng trong cái mất có cái được. Nhân quả luôn có hậu cho những ai biết năng niu hiện tại và quá khứ. Ngược lại quá khứ là đám cưới chạy tan thì hiện tại sẽ trỡ thành kẻ mua danh bán tước chị ạ.

    100 năm ngày phụ nữ hạnh phúc và bình an,

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn lời chúc ngày 8/3 của BS Hải, người cùng thời của tôi!

    Hạnh phúc và bình an là những gì chúng ta đang cần trong những ngày còn lại của đời mình phải không bác? Khổ đau, loạn lạc, xót xa, cả thù hận nữa, có lẽ đã đủ nhiều ...

    Một lần nữa cám ơn bác.

    PA

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay, xin phép chị tôi đem về đăng tại trang nhà: http://caulongbachai.multiply.com
    Tôi cũng là bạn của anh Hải. Thân.

    Trả lờiXóa
  4. Cậu Long,

    Vâng, "cậu" cứ sử dụng bài viết. Tôi viết ra cũng chỉ mong chia sẻ với nhiều người thôi ạ.

    Bạn của bạn cũng là bạn của mình. "Cậu" là bạn của anh Hải, thì đương nhiên cũng là bạn tôi rồi. Rất hân hạnh có thêm một người bạn mới. Vậy tôi xin gọi bằng anh Long nhé?

    Chắc anh cũng là người cùng thời phải không anh Long?

    Trả lờiXóa
  5. Tôi cũng ở vào tâm trạng như chị. Có một lần tôi cho một người bạn mượn cuốn sách mà tôi rất quý, đó là cuốn Tuyển tập văn xuôi của Puskin. Thời gian sau không thấy trả, tôi buộc lòng phải đòi, người bạn thản nhiên bảo mất rồi. Tôi đau xót, ngẩn ngơ suốt gần chục năm ròng. Ngày 10/3/2003, tôi lang thang vào một hiệu sách cũ (tôi có thói quen đi sưu tầm sách cũ), sau một hồi lục lọi, tôi bỗng run lên khi trông thấy cuốn sách tuyển tập văn xuôi Puskin (tất nhiên không phải là cuốn sách của tôi dạo nào)lập tức tôi mua lại cuốn đó. Người bán sách vui vì được tiền, còn tôi quá sung sướng vì được sách. Cảm giác hạnh đó vẫn còn mãi tới bây giờ, thỉnh thoảng tôi lại lấy cuốn sách trên giá xuống ngắm nghía và đọc lại một vài truyện. Thật tuyệt vời phải không chị.
    Nhân ngày 8/3, kính chúc chị luôn có được những niềm vui tốt đẹp nhất.

    Trả lờiXóa
  6. Anh Đức thân mến,

    Rất vui được anh đến thăm nhà và chia sẻ tâm tình.

    Một ngày nào đó, chúng ta cần ngồi lại để ôn lại những kỷ niệm của thời đã qua, và rút ra những bài học của đời mình, cho đời sau, anh nhỉ?

    Rất quý mến,

    PA

    Trả lờiXóa
  7. Vâng! Tôi rất tâm đắc với câu nói: "Tương lai của con tôi phụ thuộc những gì tôi để con tôi lại cho tương lai". Những kỷ niệm của thời đã qua, những bài học được rút ra từ đó rất quan trọng cho mai sau chị ạ.
    Rất mong được làm quen và trò chuyện với chị!

    Trả lờiXóa