Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Đọc: "Nếu tôi là một nhà lãnh đạo"

Thông thường, một tựa bài như vậy sẽ không làm tôi quan tâm, có lẽ vì tôi cũng không quá quan tâm đến những vấn đề chính trị (tôi đang hiểu chính trị theo nghĩa của phương Tây, tức là quyền lực, cụ thể ở đây là quyền lực nhà nước).

Nhưng không hiểu sao hôm nay tôi lại tình cờ ngồi đọc bài này. Nó vừa được đăng trên Tuần Việt Nam, ở đây. Bài viết dài, hơi khô khan so với "gu" của tôi, nên tôi không đọc kỹ lắm. Bây giờ, già rồi (hic), chỉ muốn đọc cái gì nhẹ nhàng thôi - công việc hàng ngày đối với tôi đã quá nặng rồi, chẳng hơi sức đâu mà rước những cái nặng nề vào đầu mình nữa.

Nhưng không ngờ, đọc loáng thoáng mà cũng phát hiện ra khá nhiều ý tưởng sâu sắc, của một người (tự xưng) là còn trẻ, 30 năm nữa mới mong làm lãnh đạo (nếu vậy, người trẻ này chắc chỉ mới 20 ngoài, hoặc nhỏ hơn?)

Nên phải trích dẫn lại đây kèm những bình luận của tôi, để chia sẻ với bạn bè xa gần, và xem như góp thêm một tiếng nói của người dân đến các vị đang ngồi trong bộ máy nhà nước hiện nay, tại sao không? Mặc dù nếu xem đây là góp ý thì tôi cũng chỉ mới làm lần này là lần đầu tiên, vì, như đã nói ở trên, tôi ít quan tâm đến chính trị!

Dưới đây là những trích dẫn mà tôi cho là đáng chú ý:
[D]ù là các cơ quan nhà nước, hay Nhà lãnh đạo, chúng tôi cũng không được phép có quyền cấm đoán và bác bỏ tùy tiện các ý kiến khác nhau của nhân dân.

Tôi sẽ nêu quan điểm của mình một cách công khai và cùng nhân dân bảo vệ nó mạnh mẽ : Tiêu chí căn bản nhất để phân định các ý kiến khác nhau trong xã hội, phải được xã hội thượng tôn là Luật pháp và Khoa học.

Khác với cách xây dựng xã hội bằng quan điểm, lập trường và các khẩu hiệu chính trị, bằng các dự án, gói thầu, xin - cho, giao - nhận vội vã , tôi sẽ đề xuất, phải luật định cụ thể, việc bắt buộc đưa các Nhà khoa học, các nghiên cứu khoa học vào mọi công việc của xã hội trước tiên, toàn diện và triệt để.

Phải có định chế luật pháp đủ mạnh, thậm chí là từ Hiến pháp để đảm bảo rằng, vị trí thượng tôn của Khoa học và các nguyên tắc Luật pháp sẽ là cơ sở tối cao, tiên quyết và bất khả xâm phạm để phục vụ nhân dân.

Vâng, không thể nói gì thêm. Khoa học và luật pháp phải là cơ sở của mọi quyết sách của nhà nước trong một xã hội hiện đại. Nếu không muốn tự mình gây ra những lộn xộn, rắc rối, hoặc xung đột do những quy định thiếu khoa học hoặc do luật pháp không được thực hiện nghiêm.

Tôi sẽ không bao giờ huênh hoang nói về tầm nhìn và thế giới quan của mình và các cơ quan công quyền, bởi tầm nhìn đó, nếu có thật, cũng chính là trí tuệ được kết tinh từ nhân dân, từ xã hội, được phản ánh qua báo chí, dư luận, được tiếp thu và vận dụng vào luật pháp, vào thể chế và trở thành chính sách.

Và khi báo chí, truyền thông không truyền tải hữu hiệu những phê bình, góp ý, phản biện, thì có nghĩa rằng, lúc đó chúng tôi chỉ làm việc bằng cái nhìn thiển cận, hạn chế của riêng mình, chứ không còn bằng tầm nhìn và trí tuệ của toàn xã hội nữa.

Vai trò của truyền thông! Tôi nghĩ, về việc này chắc tôi còn phải viết dài dài. Bởi vì tôi chân thành tin vào lợi ích của tự do ngôn luận và quyền được thông tin của người dân. Việc kiểm duyệt, độc quyền thông tin xét về ngắn hạn có thể có lợi cho người này người khác, và đôi lúc cũng cần thiết hoặc ít ra là có thể hiểu được. Nhưng nếu đó là nguyên tắc hành xử của nhà nước thì chắc chắn sẽ có tác hại không ít đến sự phát triển của xã hội. Điều này đặc biệt đúng trong giới khoa học: phải có đủ thông tin về lãnh vực mình quan tâm, phải công bố những gì mình tìm được, và phải được quyền cũng như có trách nhiệm tranh luận để thúc đẩy phát triển.

Còn đây là phần trích trong đoạn cuối:
[C]ó thể đây là những điều tôi nói hộ cho những nhà lãnh đạo hiện nay của tôi, khi họ quá bận bịu với công việc của mình mà chưa có dịp viết ra.

Và câu hỏi của tôi sau khi đọc bài này: Khi nào đất nước ta có những người lãnh đạo có cùng quan điểm như bài viết, đặc biệt là về những vấn đề tôi trích dẫn ở trên?

2 nhận xét: