Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Đọc: "Vấn đề nhạy cảm hay là sự né tránh..."

Thật ra tựa đầy đủ của bài viết ấy là "Vấn đề nhạy cảm hay là sự né tránh trách nhiệm". Nhưng tôi lại thấy chỉ cần nói "sự né tránh" đã là đủ. Tựa ngắn mà đủ ý thì có lẽ hay hơn? Chủ quan, chủ quan!

Bài ấy ở đây. Tôi đọc nó vì được bạn bè nhắc phải đọc, vì nó đáng đọc. Sau khi tôi post entry mới đây về một bài đáng đọc khác, nói về "sợ chụp mũ".

Vậy thì đây, những trích dẫn, kèm phản ứng và bình luận của tôi khi đọc bài này:

[...] [Đ]iều tôi băn khoăn, lo lắng là: liệu các văn kiện trong Đại hội sắp tới có thể tiếp nhận được những trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân cũng như những mong mỏi đề xuất từ cuộc sống nhất là từ cơ sở hay không? Hay chúng ta chỉ làm chiếu lệ, hình thức, mà biểu hiện là các văn bản dự thảo trước khi lấy ý kiến nhân dân và các văn bản sau khi có ý kiến của nhân dân đóng góp sôi nổi, đầy trách nhiệm mà chả khác là bao.

Vâng, thưa TS Mai Liêm Trực. Cái này thì tôi rất có kinh nghiệm ạ. Nó xảy ra hàng ngày đối với rất nhiều quy chế, quy định của nhà nước. Hậu quả có thể thấy của việc này: (1) lãng phí thời gian, công sức của cả người góp ý lẫn người thực hiện việc thu thập ý kiến góp ý; (2) các quy chế, quy định không phù hợp vì thiếu những ý kiến đóng góp của người dân.

Nhưng tệ hại hơn, mà mọi người có thể không thấy, là lãng phí niềm tin của dân chúng. Khi người dân còn góp ý, thì đó là biểu hiện người ta còn tin vào khả năng làm tốt hơn, khả năng thay đổi của người được góp ý.

Nhưng sau khi góp ý, nếu mọi việc vẫn mãi như cũ, thì người ta sẽ không tin nữa. Và sẽ không nói nữa, mà cứ làm thôi. Mỗi người làm một kiểu, theo ý mình, bất chấp luật lệ, quy định, vì đàng nào thì các luật lệ quy định đó cũng chẳng phản ánh thực tế.

Ví dụ, quy định họp chuyên môn là 70 ngàn đồng/lần. Có thể nào mời các chuyên gia đến góp ý cho những vấn đề chuyên môn, khoa học,hoặc những vấn đề chính sách, quản lý, phải đi xa đến 20 cây số, và trả cho họ 70 ngàn không? Cho nên phải lách, họp một lần thì phải khai làm 3 lần, được 210 ngàn, để trả 200 ngàn, giữ lại 10 ngàn mua nước trong buổi họp. Chuyện này ai cũng biết, nhưng quy định thì vẫn thế, không ai nói và/vì cũng chẳng ai buồn thay đổi???

Lạm dụng những từ nhạy cảm, phối hợp, phức tạp để tránh phải đối diện với những vấn đề bức xúc cần giải quyết là không thể chấp nhận được.

Nhất là trong thời điểm hiện nay thì quyết định chậm cũng là quyết định sai vì chậm là mất thời cơ bứt phá.

Phần in đậm nghiêng ở trên quá đúng, không thể bình luận gì thêm.

Cái nghề của lãnh đạo là phải ra quyết định, chứ chờ đến khi mọi người đồng tình rồi mới quyết định thì nói làm gì nữa, đâu cần đến anh lãnh đạo nữa. Cứ nói "nhạy cảm" nhưng ở những cấp cao không ai làm thì ai sẽ làm? Tại sao chúng ta cứ phải né tránh?

Lại một nhận xét quá hay. Nhưng câu hỏi của tôi: Tại sao những người lãnh đạo thuộc kiểu như vậy vẫn có thể tồn tại? Mà theo kinh nghiệm của tôi thì hình như lại tồn tại tốt nữa là khác. Cái này có liên quan gì đến tâm lý đám đông không BS Hồ Hải?

Cũng như tư duy trong quản lý internet trước đây có lúc là "Quản lý được đến đâu thì mở đến đó" rồi sau đó được thay bằng tư duy "Quản lý phải theo kịp với yêu cầu của phát triển".

Nhưng bây giờ, trong những điều kiện của toàn cầu hoá, chúng ta cần tiến thêm một bước nữa đó là "Quản lý phải thúc đẩy phát triển".

Tôi có 2 nhận xét chỗ này: (1) TS Mai Liêm Trực có ý kiến rất hay, rất đột phá so với tư duy quản lý chung tại VN hiện nay; (2) tuy nhiên, quan niệm này các nước có lâu rồi mà??????

Đó chính là lý do các nhà quản lý phải được hưởng lương cao hơn những người được quản lý. Chứ nếu đặt họ ra để cản trở phát triển thì ... thật quái gở (tư duy ngược), còn đặt họ ra để cho họ theo kịp những người bị quản lý thì thật vô tích sự! Không có họ thì xã hội vẫn phát triển mà, vậy trả lương làm gì cho tốn tiền mà chỉ để giúp cho họ theo kịp yêu cầu phát triển? Tư nhân không ai trả tiền, mà họ cũng vẫn theo kịp mọi yêu cầu của phát triển đó thôi?

Vài dòng bình luận. Đọc xong bài này, tôi nghĩ lý do tại sao VN lạc hậu, chậm tiến đã rõ lắm. Vấn đề là có dũng khí để thay đổi không thôi. Và đó là việc của các nhà lãnh đạo, của Đảng Cộng sản cầm quyền, vì quyền đó đang ở trong tay của Đảng Cộng sản. Như TS Mai Liêm Trực đã phát biểu một cách rất tự tin.

Còn tôi, nếu ai cũng như TS Mai Liêm Trực (well, như trong bài báo đã đưa), thì tôi cũng sẽ chia sẻ niềm tin của Ông.

10 nhận xét:

  1. Khẹt khẹt, đó không là tâm lý đám đông mà là hậu quả của không có mâu thuẩn và đối lập.

    Trả lờiXóa
  2. @PA: TẶNG PA cái avata của BSHỒ HẢI
    ĐÂY NÈ

    Trả lờiXóa
  3. Bác Trèo,

    Cám ơn bác, tôi đã vào blog nhưng không phải để xem avatar của BS Hồ Hải (vì bác ấy tôi gặp trực tiếp nhiều lần rồi mà!), mà để cố tình tìm chính bác, là Dr Treo ấy.

    Và đã tìm thấy rồi! Trông bác rất giống ... bác sĩ (chứ BS Hồ Hải thì trông ngầu quá!). Và, bác cũng rất giống ba của một người bạn thời trung học của tôi. Bạn ấy cũng người miền Tây nhưng tôi không nhớ rõ Long An, hay Vĩnh Long, Mỹ Tho gì đó.

    Vậy có thể hơi hơi hy vọng ra đường gặp nhau sẽ không đánh nhau rồi ;-)

    Trả lờiXóa
  4. PA coi chừng xem nhầm rồi, tôi bên phải áo tắng, cao 1m65

    Trả lờiXóa
  5. à cái chính mà tôi quên nói: chỉ load ảnh BÁC HẢI( avata) ở trang của tôi, còn trang bác HẢI kg load được

    Trả lờiXóa
  6. Vâng, tôi xem đúng mà. Người áo trắng đeo kiếng bên phải mà. Giống bác sĩ, hoặc nhà giáo. Ít ra là giống bác sĩ hơn BS Hải ;-)

    Cám ơn bác tặng avatar của bác Hải, nhưng tặng cho tôi để làm gì ạ? Ơn trời, tôi cũng chưa đến nỗi ái mộ bác Hải đến thế. Vì tôi không đủ sức ái mộ nhiều người, ái mộ một ông xã tôi cũng đủ mệt rồi. :-) Mà chắc bác ấy cũng đủ người hâm mộ rồi nên cũng không cần thêm tôi nữa đâu.

    Dù sao cũng cám ơn bác nhiều nhiều.

    PA

    Trả lờiXóa
  7. anh bên trái(áo nâu) BS LƯƠNG TRUNG SƠN hiệu phó trường trung học y tế VỈNH LONG nay có lên hiệu trưởng chưa tôi không rỏ
    một trong những người sống sót sau vụ mua bán bằng trung học y tế VL khi ấy anh ta chỉ là trưởng đào tạo(nghiệp vụ)

    Trả lờiXóa
  8. Tôi rất thích câu "lãng phí niềm tin" của chị. Đúng như thế đấy, người dân đã bị lạm dụng và bị lãng phí rất nhiều niềm tin khi đứng trước những vấn đề quan trọng của đất nước mà Đảng và Chính phủ đưa ra trong các kỳ Đại hội hoặc các quyết sách phòng chống tham nhũng, lãng phí...lúc ban hành, dân rất tin tưởng nhưng một thời gian sau mọi sự lại chìm vào quên lãng. Người ta chỉ nhắc tới khi nhân dịp tổng kết, sơ kết mà thôi. Chỉ có điều hầu như ở ngành nào, cấp nào cũng không bao giờ quên đó là làm sao "lách luật" để kiếm chác tiền từ các hội nghị. Tôi có dịp dự một hội nghị do MTTQ tỉnh nọ tổ chức, người ta đưa cho đại biểu ký vào hai văn bản để nhận cái gọi là "tiền bồi dưỡng", một bản là số tiền đại biểu được nhận (ít hơn) và bản kia là bản dùng để quyết toán (nhiều hơn). Giải thích việc này, người ta cho biết đó là cách để xây dựng quỹ của cơ quan. Chị thấy có buồn không? Niềm tin (của tôi) cũng lãng phí và dần bị bào mòn từ những việc này đây. Tôi cũng như chị, chỉ mong sao Nhà nước nên thay đổi cách quản lý và như ta thường nói: Lời nói phải đi đôi với việc làm và được thực hiện từ trên xuống dưới. Có như vậy lòng tin mới không bị lãng phí.

    Trả lờiXóa
  9. Vâng, việc anh nói tôi cũng biết, và cũng buồn lắm!

    Khi tôi mới làm GĐ Trung tâm, tôi kiên quyết không cho phép kế toán làm những việc như vậy. Quy định như thế nào thì cứ làm như thế. Rồi sau đó, mới thấy là không thể tuân thủ mọi quy định khi có những quy định lạc hậu, phi thực tế, và rối rắm, chồng chéo như hiện nay. Và sự kiên quyết của tôi đã làm cho kế toán của tôi rất khó khăn, bởi vì có những cái lách đã thành luật (well, lệ, luật bất thành văn), nhưng tôi lại cấm làm, nên kế toán làm việc không được!

    Cuối cùng thì tôi đành ... nhắm mắt làm ngơ, chỉ bám sát mục tiêu của mình, còn kỹ thuật thì kế toán muốn làm gì thì làm. Như thế, cuối cùng thì cũng giống các nước: giao quyền cho cấp dưới, kệ họ muốn làm gì cũng được (miễn đạt mục tiêu của cơ quan).

    Nhưng vẫn có một sự lãng phí rất lớn: kế toán của tôi vẫn phải làm một đống giấy tờ ... không thật (lách) để đối phó với các quy định. Như vậy là lãng phí thời gian. Nhưng quan trọng hơn, là điều này đã dạy cho các em một bài học rất rõ ràng là: tồn tại tốt trong hệ thống này phụ thuộc vào khả năng lách. Chứ không phải vì hiệu quả công việc, vì không có ai bao giờ đánh giá hiệu quả của nhân viên cả.

    Nói tóm lại: hệ thống đánh giá (và đề bạt, bổ nhiệm) nhân viên và lãnh đạo của chúng ta hiện nay là rất có vấn đề. Và nó là căn nguyên của mọi vấn đề hiện nay, tôi nghĩ vậy.

    Chuyện dài, anh Đức ạ!

    PA

    Trả lờiXóa