Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Linh tinh, và "Lòng tốt kiểu Sài Gòn"

Hello there! Anybody missing me while I am away? ;-)

Thế mà tôi đã "vắng nhà" (nhà = blog) cả tuần nay đấy! Mấy ngày qua bận rộn quá, hết tổ chức hội nghị tại cơ quan, rồi đi công tác Hà Nội (mới về trưa nay), nên chẳng có chút thời gian nào để trò chuyện với mọi người trên 2 blog của tôi. Thực ra cũng nhớ nhà và nhớ mọi người lắm, nhưng đúng là quỹ thời gian eo hẹp quá, mà lại muốn làm quá nhiều thứ, nên đành ... chịu!

Nhưng hôm nay thì tôi phải có entry mới thôi, vì con gái tôi, Anh Khuê (tên hay hông, chữ lót là tên mẹ đó, còn Khuê là tên mẹ chọn, bố ... duyệt) hỏi, sao lâu nay blog mẹ không có gì mới vậy, mẹ viết cái gì nữa đi! Và mẹ hứa, ừ, để mẹ viết, dù thật ra chưa biết viết cái gì, vì đầu óc còn ngổn ngang quá nhiều thông tin lộn xộn.

Thôi thì cứ viết vài giòng, trước là để giữ lời hứa với con trẻ, hai là để mọi người biết là tôi đã "về nhà". Ừ, về nhà thật chứ, bạn bè tôi, cả những người tôi biết mặt và chưa biết mặt, có lẽ cũng có những người mong tôi về, như mong một người thân về nhà vậy, phải không?

Sẽ viết nhiều thêm sau, các bạn bè của tôi ạ. Thực ra, tôi đang viết dở dang đến mấy entry lận, từ từ có thời gian sẽ hoàn tất và cho nó ra, bảo đảm sẽ ... mua vui được một vài trống canh cho mà xem! Còn bây giờ, xin kết thúc entry này bằng một phần của một bài viết mà bạn bè đã gửi cho tôi qua mail, chẳng rõ từ đâu, về "Lòng tốt kiểu Sài Gòn". Một bài viết mà tôi thích, vì nó nói khá đúng một khía cạnh trong tính cách người Sài Gòn. Gửi lên đây, để chia sẻ với các bạn bè Nam, Bắc (và cả Đông, Tây nữa chứ nhỉ) của tôi.

Tự dưng lại nghĩ: Có khi chính việc đưa những thông tin như vậy lên blog cá nhân (một kiểu truyền thông tham dự, "participatory journalism" hình như thế) cũng góp phần - dù rất nhỏ - trong việc hòa giải dân tộc, phải không?

---
Ông Hai năm nay 73 tuổi, quê ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Thời gian biểu một ngày của ông như sau: Sáng, từ nhà trọ của con gái út ở quận Phú Nhuận đạp xe lang thang, ghé công viên, bờ kè, chùa… nói chung là những chỗ có bóng mát, có lúc tạt vào nhà một người quen nào đó uống trà. Đến chừng 11 giờ trưa ngày chẵn (thứ Hai, Tư, Sáu) thì ghé đến quán cơm 2000 ở cư xá Lữ Gia (quận 11) để ăn bữa duy nhất trong ngày. Nếu là ngày lẻ (thứ Ba, Năm, Bảy), ông sẽ ghé vào quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm bên bờ kè Nhiêu Lộc, gần cầu Lê Văn Sỹ. Riêng ngày Chủ nhật, ông phải đi xa hơn một chút, qua chùa Diệu Pháp ở quận Bình Thạnh.

Chúng tôi gặp ông Hai ở quán Thiện Tâm vào một buổi trưa Sài Gòn nắng gắt. sau khi ông đã dùng xong bữa trưa miễn phí với đậu hũ kho, canh rau… Ông Hai vui vẻ chuyện trò: “Già rồi, mỗi ngày ăn một bữa vậy là đủ. Ở đây là miễn phí, còn bên quán cơm 2000 thì thỉnh thoảng mấy người quen cho vài ngàn đồng để dành nên cũng có tiền trả cho bữa ăn (2.000 đồng một bữa). Đi ăn cơm từ thiện vậy vừa không tốn tiền, lại vừa có lợi cho sức khỏe”.

Cái gọi là lợi cho sức khỏe mà ông nói chính là chuyện đạp xe suốt ngày, coi như… tập thể dục! Vợ chết, bốn đứa con đã dựng vợ gả chồng, tất cả đều lam lũ kiếm ăn và thuê nhà ở Sài Gòn, nhưng ông Hai không thể nương nhờ vào đứa con nào. Chỗ ông đang ngủ qua đêm cũng là căn phòng trọ bé xíu của vợ chồng con gái út, đứa con tạm gọi là có hiếu nhất. “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” như trường hợp ông Hai thì thời nào cũng có và nơi đâu cũng có, nhưng đó là câu chuyện khác…

Những người già không được ai nuôi và không tự nuôi nổi mình như ông Hai, may thay vẫn còn sống được nhờ những bữa ăn từ thiện. Có thể chỉ ra ngay những địa chỉ cần biết ở Sài Gòn cho một bữa ăn trưa khi đang gặp khó khăn: quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm trên đường Hoàng Sa, gần cầu Lê Văn Sỹ (mở cửa các ngày thứ Ba, Năm, Bảy) từ 10-12 giờ với khoảng 400 suất ăn, quán cơm 2000 ở đường số 3, cư xá Lữ Gia, quận 11 (mở cửa thứ Hai, Tư, Sáu).

Quán cơm 2000 ở 14/1 đường Ngô Quyền, quận 10 (mở cửa thứ Ba, Năm, Bảy) mở cửa từ 11-13 giờ với khoảng 200-300 suất ăn mỗi ngày. Rồi quán Vợ Thằng Đậu của cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu ở 40 Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức mở cửa hằng ngày với vài trăm suất cơm chay. Riêng bếp ăn từ thiện Bảo Hòa, 220 Đinh Tiên Hoàng, quận 1 chuyên cung cấp khoảng gần 1.000 suất ăn miễn phí từ lúc bảy giờ sáng hằng ngày cho bệnh nhân ở các bệnh viện Ung Bướu, Chợ Rẫy, Gia Định… và hầu hết các chùa trên địa bàn thành phố đều sẵn lòng phục vụ bữa ăn cho người lỡ đường.

Nói chung, chỉ có hai khác biệt dễ nhận thấy ở các bữa ăn từ thiện trong thành phố. Thứ nhất, hầu hết những bữa cơm tại các địa chỉ nói ở trên đều hoàn toàn miễn phí, chỉ có hai quán cơm 2000 ở cư xá Lữ Gia và đường Ngô Quyền là thu tượng trưng 2.000 đồng cho mỗi suất ăn. Thứ hai, trong khi tất cả các quán cơm từ thiện khác không phân biệt đối tượng, chỉ quy định chung là người gặp khó khăn và… sinh viên nghèo thì bếp ăn Bảo Hòa lại phát phiếu ăn hằng tháng cho các bệnh nhân sau khi họ đã đưa ra những giấy tờ cần thiết như hồ sơ bệnh án, giấy tờ tùy thân…

Đi một vòng quanh những địa chỉ cung cấp bữa ăn từ thiện, dễ thấy trong số những người đến ăn, ngoài người già có hoàn cảnh như ông Hai, còn có các em bé bán vé số, đánh giày, những người chạy xe xích lô, bệnh nhân ở tỉnh lên thành phố chữa trị, các sinh viên nghèo, những kẻ lỡ đường… Đó là người được nhận bữa ăn, còn những người làm ra bữa ăn từ thiện đó là ai?

Lòng tốt kiểu Sài Gòn
Anh Phúc, một trong những người đang điều hành bếp ăn Bảo Hòa là một dân nhập cư gốc Bắc. Hằng ngày, anh tất bật với cả một núi công việc, từ khâu tổ chức nấu ăn, vào hộp, vận chuyển đến các bệnh viện để phân phát cho bệnh nhân, chuẩn bị cho ngày tiếp theo và cả tiếp nhận quà hỗ trợ từ những người hảo tâm đóng góp. Khi chúng tôi đến, anh đang viết “Giấy cảm tạ” để gửi cho một tiểu thương chợ Bà Chiểu đã tặng bốn bao gạo loại 25kg.

Rất bận bịu, nhưng anh vấn cười tươi: “Mệt, nhưng vui!”. Khi chúng tôi chưa kịp hỏi vui thế nào thì ngoài đường có một thanh niên dừng xe lại, thả xuống một bao gạo, mỉm cười và đi luôn! Anh Phúc nhún vai, cười nhẹ, lật sổ ghi vào: “Một bao gạo 25kg - Người cho: Vô danh”. Chúng tôi không hỏi tiếp nữa, bởi vừa được chứng kiến niềm vui của người đang điều hành bếp ăn từ thiện lớn nhất thành phố này.

“Tất cả rau, củ phục vụ cho bếp ăn đều là của chị em tiểu thương các chợ trong thành phố mang cho, mà nhiều nhất là chợ đầu mối Bình Điền. Còn gạo thì nhiều lắm, kiểu như anh thanh niên thả bao gạo lúc nãy thì ngày nào cũng có” - anh Phúc vui vẻ nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thoạt tiên những người sáng lập ra các bữa cơm từ thiện như cô Thủy ở bếp ăn Bảo Hòa, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu ở quán Vợ Thằng Đậu, ông Thương ở quán Thiện Tâm, chủ nhân các quán cơm 2000 ở đường Ngô Quyền và cư xá Lữ Gia… đều muốn làm điều hảo tâm với những gì họ có. Theo thời gian, lòng nhân ái của họ đã tác động đến cộng đồng cư dân Sài Gòn và thế là các bếp ăn từ thiện phát triển được như hiện nay.

[...]

Tản mạn cho và nhận
Cô gái tên Di, nhà ở quận 1, năm nay 16 tuổi, đang học lớp 11 tại một trường quốc tế ở Singapore. Cuối năm, Di về Việt Nam vì có kỳ nghỉ giữa năm dài một tháng rưỡi. Hằng ngày, Di đến bếp ăn Bảo Hòa phụ giúp việc chuẩn bị các bữa ăn. Trả lời cho thắc mắc của chúng tôi về chuyện tại sao không tận dụng thời gian nghỉ ngắn ngủi để đi chơi đây đó mà lại đến đây gọt củ cải, cô gái chỉ cười: “Em thích dzậy!”.

“Thích” không phải là lý do, mà những người đang cùng ngồi gọt củ cải cùng cô bé ấy ở cơ sở Bảo Hòa là những người làm từ thiện… chuyên nghiệp! Nhóm của dì Hai (gồm những người cùng quê ở Vĩnh Long) là một trong 13 nhóm tình nguyện của bếp ăn Bảo Hòa. Mỗi năm dì lên Sài Gòn một tháng làm nhiệm vụ chuẩn bị bữa ăn từ thiện tại đây. “Ở nhà đang sạ lúa và dọn rẫy, nhưng tới phiên nhóm mình thì phải giao việc lại cho mấy cha con để lên đây thôi” - dì cho biết.

Cái sự cho và nhận thì phải những người trong cuộc mới thấy hết ý nghĩa. Những lời có cánh thường được nghe trên tivi hay đọc trên các bài báo về các Mạnh Thường Quân có vẻ như rất xa lạ đối với những người như em Di, dì Hai, chú Tám, anh Phúc hay anh thanh niên thả bao gạo xuống rồi mỉm cười đi ngay. Họ đang làm những việc đầy ý nghĩa với suy nghĩ rất đơn giản là giúp một tay cho những người đang gặp khốn khó. Chỉ một điều chắc chắn là tất cả đều rất vui, rất hạnh phúc với những việc mình đang làm.

Đó là tâm tư của những người cho, còn kẻ nhận thì sao? Lần chúng tôi ghé quán cơm 2000 ở cư xá Lữ Gia, có một nhóm sinh viên đang ngồi ăn trưa ở quán cơm đối diện quán 2000. Minh, một sinh viên đại học Bách khoa, quê ở Bình Thuận tâm sự: “Ăn bên này trả bảy ngàn đồng cho một đĩa cơm, bên kia chỉ tốn có hai ngàn đồng. Tụi em chọn bên này vì gia đình cũng không đến nỗi, lại có tiền nhờ đi dạy kèm, còn để dành phần ăn bên kia cho mấy bạn sinh viên năm đầu, nhà nghèo, vì số suất ăn hai ngàn đồng có hạn. Coi vậy chứ mấy bạn đó cũng băn khoăn lắm khi buộc phải vào ăn cơm từ thiện, cực chẳng đã thôi anh à”.

Nhận bao giờ cũng khó khăn hơn là cho, kể cả khi được nhận ở nơi hào phóng như ở miền đất hứa này. Điển hình như ông Hai, dù đã có “thâm niên” hai năm đi ăn cơm từ thiện, ông vẫn ước ao có ít vốn liếng để lấy vé số đi bán hầu tự nuôi sống tuổi già của mình. Chúng tôi đã vào vai một người lỡ đường đi ăn cơm từ thiện và cảm nhận được tâm thế của kẻ nhận. Còn vui buồn của người cho? Khi tạm biệt ông Hai, tôi móc túi tặng ông mười ngàn đồng. Ông Hai nhìn chúng tôi biết ơn, giọng cảm động: “Chừng này là tui đủ trả năm ngày ăn cơm rồi đó!”.
---
Lòng tốt kiểu Sài Gòn đấy, dễ thương lắm phải không? Tự nhiên lại nhớ một câu hát cũng rất ... Sài Gòn: "Anh khách lạ/ đi lên đi xuống/ May mà có em, đời còn dễ thương"...

May mà còn có những nghĩa cử và những con người như thế này, nên dù giáo dục đang xuống cấp, đạo đức suy đồi, cướp, hiếp, giết, nhưng đời vẫn còn dễ thương, phải không mọi người ơi?

Cập nhật ngày 14.6.2010:
Hai tấm hình tôi mới đưa lên đây là do một bạn đọc của blog này từ nửa vòng trái đất gửi cho tôi đấy. Trong khi bản thân tôi còn chưa biết đến những nơi này - well, trừ quán cơm từ thiện "Vợ thằng Đậu" trên đường Đặng Văn Bi tôi đã đi qua. Thế giới nhỏ lắm, và làm gì rồi thì mọi người cũng đều biết cả, phải không các bạn?

10 nhận xét:

  1. Comment cho mẹ nè. Entry hay lắm. Mà hơi bị linh tinh ;) Sao con hổng thấy ai vào comment cho mẹ hết dzậy? Con thấy mấy bữa mẹ đăng entry là có nhiều ngừ dzô comment lắm mà. Chắc mẹ để "vườn không nhà trống" lâu quá đó. Cố viết thật nhiều nha mẹ. :D

    Trả lờiXóa
  2. Hi Khuê,

    Thì tựa của entry này là linh tinh mà lại! :-)

    Mà Khuê có thấy người SG có cái lòng tốt kiểu SG đó không? Chứ mẹ thì thấy nó đúng đó.

    Bởi dzậy nên mẹ mới chơi với bạn bè Nam nhiều dzậy đó, mặc dù người Bắc cũng rất dễ thương, kiểu khác (nói chính xác theo kiểu Bắc là "đáng yêu" cơ).

    Hôm nào mẹ sẽ viết xong bài về người Bắc, Khuê tha hồ mà đọc nhé.

    Ông Tư (ủa, mà sao Ông Tư lại là "mẹ" được Khuê ha?)

    Trả lờiXóa
  3. Em cũng biết 1 người, chú ấy là một kỹ sư cầu đường, thích làm từ thiện tới nổi bán nhà để lấy tiền làm luôn, giờ 2 vợ chồng ở trong 1 cái nhà bé xíu, bề ngang chắc khoảng 2m ở quận PN,mà trước kia có 1 cái nhà mặt tiền to vật vã. Con gái chú ấy mỗi tháng cũng góp tiền để Bố làm từ thiện.
    Có nhiều người, làm từ thiện như 1 cái nghiệp Cô nhỉ.

    Thỉnh thoảng (1 năm vài lần), em cũng hay đi với mấy người bạn,nấu ăn cho các cụ già ở các chùa. Những lúc đó,thấy vui lắm.

    P/s:Thấy 2 mẹ con "ông Tư" thủ thỉ dễ thương ghê :). Em cũng ước gì mình có 1 đứa con gái.

    Trả lờiXóa
  4. ôi mừng cô đã trở lại!!!!!!!! em là một trong số rất nhiều người ngày say yes cho câu hỏi ở đầu entry của cô ^^

    bài này hay quá cô ạ, và cô đã chốt lại một câu đúng như cảm nhận của em sau khi đọc xong entry: nhờ những câu chuyện như vậy em mới thấy, giữa những bức xúc khi theo dõi các Bộ trưởng trả lời chất vấn, giữa chuyện IQ và đường sắt cao tốc mấy ngày nay, đời vẫn còn có cái gì đó đáng để hy vọng, còn chút tươi sáng, và còn dễ thương như cô nói :-)

    Trả lờiXóa
  5. Hi Sông và Xuxu,

    Gặp lại các bạn, vui lắm!

    Hôm nay cô vẫn còn bị disoriented vì những việc vừa xong (hội nghị, rồi công tác xa nhà), nên chưa thực sự hoàn hồn, nói năng còn lẩm cẩm. Hy vọng sẽ trở lại bình thường trong vài ngày tới.

    Và cảm động vì những việc làm nhỏ nhặt, bình thường của mình vẫn có những tác động nho nhỏ. Incremental changes sẽ chắc chắn dẫn đến peaceful revolution theo đúng quy luật phát triển của cuộc sống, cô vẫn tin như vậy, phải không các em?

    Chúng ta sẽ mãi cùng nhau thắp lên những ngọn nến nho nhỏ, các em nhé!

    PA

    Trả lờiXóa
  6. Quá nhiều nghĩa cử đầy tình người trong một xã hội thiếu thốn với nhiều bất công qua những điển hình về "cho và nhận" trên đây ở Sàigòn. Câu chuyện về cuộc sống qua ngày với 1 bữa cơm từ thiện của Ông Hai mặc dù ngắn ngủi nhưng quá đầy đủ để suy ra những cơ cực cùng thủ phận quá đơn giản của những người già có hoàn cảnh như ông Hai, các cháu bé bán vé số, đánh giày, những người chạy xe xích lô, bệnh nhân ở bịnh viện không thân nhân, các sinh viên nghèo, những kẻ lỡ đường..... trong một thành phố mà cách đây khá lâu được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông.

    Tám đây có 1 huynh cùng trường khoảng 67-68 tuổi và đang "ăn tiền già", ông ta cùng vợ qua Little Saigon dưới dạng H.O. sau hơn 20 năm cải tạo cùng cơ cực do thời thế. Nhà thì mướn nhưng mua được xe, TV bự cùng giàn karaoke hiệu cùng tự tái lập 1 đời sống kể như thoải mái cùng ổn định cũng khá lâu, cách đây gần 2 năm ông ta bị stroke lúc lái xe nên dụng gẫy 1 cột đèn cùng vài thiệt hại khác cho 1 góc đường, và vì tai nạn này nên cặp mắt bị mờ và 1 chân yếu đi nên mất bằng lái xe trong khi chị vợ thì chưa khi nào dám tập lái và thường ra vô bịnh viện "như cơm bữa" từ ngày qua Mỹ, và mới đây phải nằm ở bịnh viện gần 3 tuần vì bà ta đi đứng khó khăn. Thế là cuộc đời 2 người lại bị tan tành thêm 1 lần nữa, phải không?

    Dạ thưa không! Từ ngày tai nạn ấy, cả 2 vợ chồng đang được 3 nhà nước (USA, California, Quận Cam Sành) cùng nhau chia sẻ trách nhiệm phụ giúp vô hạn định, cụ thể như sau:

    1. Hằng tháng mỗi người được 738 đô tiền mặt để tiêu xài tùy ý, như những người già khác;
    2. Tiền thuê nhà cùng điện, nước, điện thoại, gas... được phụ giúp khoảng 50%; và hơn thêm trong mùa lạnh;
    3. Khi cần đi chợ, bác sĩ, nhà thờ, thăm viếng... kể cả đi tập thể dục ở health clubs đều có Taxi hoặc xe bus đưa rước với giá tượng trưng, 10% so với người khác;
    4. Tất cả vấn đề về sức khoẻ như bác sĩ, thuốc men, bịnh viện, thể dục, dụng cụ y khoa, thuốc, xe lăn, walker, giường (kiểu đầu chân lên xuống bằng điện), vv..... được gởi tới nhà theo định kỳ và đều free;
    5. Công việc dọn dẹp trong nhà, tắm rửa, vệ sinh thì có "osin" của nhà nước tới giúp, ngày 3 tiếng cũng như y tá tới tuần 2 lần để khám sức khoẻ tổng quát và canh chừng an toàn trong ngoài nhà.
    6. Ngày 3 lần có xe mang "cơm" nóng hổi và bổ dưỡng tới tận nhà cho cả 2 người qua chương trình Meals on Wheels";
    7. Tháng 1 lần có vài "cán bộ" về xã hội, tâm thần, tâm linh..... tới thăm viếng;
    8. Và còn nhiều trợ giúp.... "linh tinh" khác nữa từ 3 nhà nước.

    Lòng tốt kiểu Sài Gòn thật dễ thương và những nghĩa cử và những con người như thế thật rất đáng phục cùng phụ giúp, nhưng theo 8 đây chỉ là vài cây nến le lói trong 1 đường hầm âm u không lối thoát.

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  7. À còn chuyện "cho" từ 2 vợ chồng kể trên đây nữa, như 8 đây biết rõ (nhờ chuyển tiền dùm) là mỗi tháng đều gởi về Việt Nam, như sau:

    1. Con cháu: 100 đô;
    2. Chương trình giúp Người Cùi: 50 đô;
    3. Chương trình Gạo Cho Cụ Già: 50 đô;
    4. Thương Phế Binh & Quả Phụ: 50 đô.

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  8. Tám ui,

    1. "đường hầm âm u không lối thoát": no comment Tám à. Nhưng nếu đúng như vậy, thì lúc ấy ai có nến chắc vẫn cứ phải thắp thôi, hic hic hic.

    2. "cho" (với sự tiếp tay của Tám): cũng là thắp nến trong đường hầm âm u không lối thoát phải không Tám?

    3. Mà nói chung, Tám so làm gì cách tổ chức xã hội của một nước như VN, vùng trũng Đông Nam Á này, với Mỹ, nơi những người đầu tiên đặt chân đến và thành lập ra các nước Mỹ ngày nay đã là những người có lý tưởng đi tìm tự do? Điều duy nhất những người như Tư và các em Sông và Xuxu có thể làm, là thắp nến Tám ạ!

    Chúc Tám dzui dzẻ, khỏe mạnh, và có một ngày nào đó về VN xem mọi người thắp nến trong đường hầm âm u không lối thoát!

    Trả lờiXóa
  9. Ngoài những chương trình An Sinh Xã Hội căn bản cho toàn quốc USA mà hầu như ai cũng biết, để đồng hương cao niên Việt Nam ở California của cả 2 miền Nam và Bắc được thấu rõ, 8 xin phép dùng còm này để list vài chương trình trợ giúp người cao niên cùng tất cả đân cư ở Little Saigon, Huyện Cam Sành rất ư là cụ thể, như dưới đây:

    Chương Trình Dịch Vụ Đa Ích Cho Người Cao Niên (Multipurpose Senior Services Program - MSSP)
    http://www.aging.ca.gov/programs/mssp.asp

    Chương Trình Trợ Giúp Tại Gia (In-Home Supportive Services Program - IHSS)
    http://www.cdss.ca.gov/agedblinddisabled/PG1296.htm

    Chương Trình Khám Nghiệm, Chẩn Đoán, Trị Liệu Sớm & Định Kỳ (Early and Periodic Screening, Diagnosis,and Treatment - EPSDT)
    http://www.dhcs.ca.gov/services/Pages/EPSDT.aspx

    Chương Trình Trợ Giúp Thực Phẩm Của California (California Food Assistance Program - CFAP)
    http://www.sccgov.org/ssa/foods/fschap31.pdf

    Chương Trình 211 của Huyện Cam Sành (2-1-1 Orange County) với hơn 4000 cách giúp đỡ. Ai "cần nhận" hoặc "thích cho" thì chỉ cần a lô số 211. Thế thôi.
    http://www.211oc.org/~oc211/faq

    Nhà nước California với quốc hiệu Cộng Hòa California (California Republic) nhưng rất ư Xã Hội nên hơn hẳn mấy Bang USA khác trong cả "Cho và Nhận" trong lãnh vực An Sinh Xã Hội cho cư dân. Tám đây sẽ đề nghị Nhân Dân California đổi quốc hiệu thành "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Ca-li-phoóc-ni-a" cùng thêm vô lá cờ Gấu hàng chữ "Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc" cho nó "máu".
    http://vi.wikipedia.org/wiki/California

    Vì “Không có gì quý hơn độc lập tự do" và hạnh phúc, nhẩy? HeheheheHuhuhuhu.

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  10. Thật ra, nhìn ở góc độ kinh tế vĩ mô thì không phải tự dưng mà California có chế độ an sinh "xã hội" hơn các bang khác đâu, tiền vay cả không đấy. Năm 2009, thâm hụt ngân sách $25 billion.

    Sài Gòn tất nhiên sống thoải mái hơn Hà Nội phong kiến rồi.

    Trả lờiXóa