Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

Lập lờ nước đôi

Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo.


Tôi học được câu ca dao này từ thời còn rất nhỏ, có lẽ là năm lớp 6. Lúc ấy tôi 11 tuổi, mới vào học ở trường Gia Long, chương trình môn Văn lớp 6 lúc ấy là học về tục ngữ, ca dao, hình như thế.

Câu ca dao ấy là một trong rất ít những câu cao dao mà tôi có một tình cảm lẫn lộn, khó tả. Một mặt, tôi thấy nó rất ... hay, dí dỏm, thông minh, dù có hơi ... láu cá. Mặt khác, tôi cảm thấy khó chịu trong lòng, cảm thấy như mình bị ... lỡm, do tôi tự đặt mình vào tâm trạng của người dại trong câu ca dao ấy.

Vì từ nhỏ đến giờ, tôi không khéo ăn khéo nói (viết thì được - mà hình như người nào nói không giỏi thì người ta thường viết thì phải?) Và chơi với bạn bè thì thường thật thà, ngu ngơ, ai nói gì cũng tin, ai trêu chọc gì cũng tưởng thật, nên thường xuyên rơi vào tình trạng bị mọi người cười ầm lên trước những phản ứng ngu ngốc của mình, còn mình thì vẫn chẳng hiểu tại sao mọi người lại cười như thế. Tóm lại, bị mắc lỡm!

Đó là chuyện cũ, chuyện ngày xa xưa, mà tôi cũng quên đi từ lâu lắm rồi. Nhưng sau này, khi đi học, chẳng hiểu trời run rủi sao tôi lại chọn học Ngữ văn Anh. Trong các môn học, tôi thích nhất là mấy môn Semantics và Lexicology (ngữ nghĩa học và từ vựng học). Và trong các chủ đề được học, tôi thích nhất là chủ đề về ambiguity, tức sự mơ hồ, tối nghĩa, hoặc đa nghĩa.

Ambiguity có thể là một cái lỗi trong sử dụng ngôn ngữ. Do kém, nên nói không rõ ràng, định nói cái này mà bị người ta hiểu thành cái khác. Ví dụ như những bảng hiệu hoặc thông báo quái gở, dở khóc dở cười mà ta có thể thấy nhan nhản hồi sau năm 1975: Nhận xay bột em bé (!). Cửa hàng may mặc sẵn (?). Quầy thịt thanh niên (???!!!) Hay một câu khẩu hiệu đọc từ bài diễn văn chuẩn bị sẵn của một vị lãnh đạo cấp quận mà tôi được nghe, hình như là vào năm 1976 (?) khi đang có phong trào cải tạo tư sản công thương nghiệp, vận động họ đi các khu kinh tế mới, mà tôi không bao giờ quên vì nó quá ... ấn tượng, đó là: [...] "Nhà nước gây khó khăn cho đời sống của nhân dân", trời ạ! Thề có chúa, tôi không thêm không bớt gì cả, có ai tin được không cơ chứ?

Nhưng các bạn bình tĩnh đi nào, chờ tôi kể lại đầu đuôi đã. Số là hôm ấy mọi người được mời đi họp để nghe chủ trương về cuộc vận động đưa dân đi kinh tế mới. Cuộc họp rất lâu, có rất đông người, vào buổi tối, bắt đầu lúc 7 giờ. Tôi được ở nhà "cử" đi họp thay cho mẹ tôi, và vì tôi là con nít, lại ngồi tuốt đàng sau, nên chẳng nghe được gì, bèn ngủ gà ngủ gật.

Tôi chỉ nhớ mang máng rằng lúc ấy là gần cuối cuộc họp, và một vị lãnh đạo nào đó đang đọc một văn bản gì đó dài lắm, chắc là nghị quyết của thành ủy gì đó, về việc cần thiết phải cải tạo công thương nghiệp, mà tôi cũng chẳng hiểu gi mấy. Bỗng nhiên tôi giật thót mình khi nghe một vị lãnh đạo ấy đọc, giọng rất hùng hồn, như đã tả ở trên: .../ NHÀ NƯỚC (cao giọng, ngưng lại để lấy hơi) GÂY KHÓ KHĂN CHO ĐỜI SỐNG CỦA NHÂN DÂN (ngưng, xuống giọng, hết câu).

Đọc xong đến đây thì vị lãnh đạo đó ngưng lại hẳn mấy giây, hình như hơi bối rối. Và thế là tôi lập tức tỉnh ngủ, vì quá ngạc nhiên. Và bỗng như sực tỉnh, tôi nhớ mang máng hình như câu trước đó là như thế này: ... BỌN TƯ SẢN PHẢN ĐỘNG PHÁ HOẠI CHÍNH SÁCH/ (NHÀ NƯỚC GÂY KHÓ KHĂN CHO ĐỜI SỐNG CỦA NHÂN DÂN).

Bạn đã hiểu chưa nào, đây là lỗi ngắt câu, giống hệt như khi trẻ em học bài về rắn ấy: RẮN LÀ MỘT LOÀI BÒ/ (SÁT KHÔNG CHÂN)... Và câu đúng mà vị lãnh đạo kia phải đọc là: "bọn tư sản phản động phá hoại chính sách nhà nước/ gây khó khăn cho đời sống của nhân dân". Thế có chết (và cả "chết cười" nữa) không cơ chứ!

May thay, do dân chúng đang ngủ gà ngủ gật hết cả (toàn là phụ nữ với trẻ em mà lại) nên cũng chẳng ai phản ứng gì, thế là ... vị lãnh đạo ta sau mấy giây bối rối ngỡ ngàng, lại hùng dũng đọc tiếp!

Nhưng đấy là lỗi, còn khi sử dụng ngôn ngữ, người ta cũng hay dùng trò lập lờ hai nghĩa, hay còn gọi là nói nước đôi, tiếng Anh là doublespeak ấy. Cố tình tối nghĩa, trong ngoại giao người ta dùng cái này thường xuyên lắm, gọi là calculated ambiguity.

Ai muốn đọc thêm về vấn đề này, đặc biệt là dân ngôn ngữ, thì xin đọc thêm bài này của tác giả Pinker, một tên tuổi trong làng ngôn ngữ học. Bằng tiếng Anh (sorry, nhưng có thể cho google dịch cũng hiểu tàm tạm được rồi), ở đây. Rất thú vị.

Còn bây giờ là lời giải thích cho entry này, được viết vào lúc tình hình trong nước và trong khu vực đang dầu sôi lửa bỏng: lũ lụt ở miền trung, bauxite ở Tây Nguyên, và 9 ngư dân Lý Sơn đang còn đang ở Hoàng Sa không biết làm sao mà đón về. Rồi lại còn đang góp ý cho đại hội đảng, rồi quan hệ Trung-Nhật đang căng thẳng nữa chứ...

Cớ sao tôi lại rảnh rỗi mà viết về ngôn ngữ học, là chuyện trà dư tửu hậu thế này nhỉ?

À là bởi vì hôm qua tôi có đọc được một bài trên báo QĐND, có liên quan đến góp ý cho đại hội đảng, ở đây. Trong cái tựa bài báo ấy, có hai từ "lập lờ" mà tôi đã đưa trong tựa bài viết này của tôi. Và nếu bạn đọc vào trong bài, cũng sẽ thấy hai từ "nước đôi" nữa.

Phải nói trước là tôi ít đọc chính trị lắm, mà chỉ đọc những vấn đề xã hội, văn hóa nghệ thuật, và khoa học, giáo dục thôi. Thậm chí kinh tế cũng chẳng đọc. Vì thế, cũng chẳng đọc báo QĐND bao giờ. Nhưng hôm qua ngồi search về 9 ngư dân Lý Sơn xem tung tích thế nào, lan man sao mà tôi lại lạc vào trang báo QĐND, thấy cái tựa ... gợi tò mò, nên mới đọc thôi.

Cũng như tác giả bài báo của QĐ ND, tôi cũng ghét người lập lờ nước đôi lắm (các bạn đọc ở trên thì sẽ rõ). Nói gì, thì nói đại (mẹ nó) ra cho rồi đi (xin lỗi vì mấy từ trong ngoặc, nhưng phải nói như thế thì nó mới "hiệu quả", đủ nhấn mạnh ạ!).

Nhưng khi đọc vào bài thì tôi thấy ... mất dần thiện cảm với tác giả. Vì hình như chính tác giả này cũng ... nước đôi lập lờ lắm.

Đấy, các bạn cứ đọc đi xem nào. Này nhé:
Đảng ta trước sau như một luôn khẳng định nhất quán: Lấy mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” làm điểm tương đồng, chấp thuận ý kiến khác nhau nhưng không trái, không ngược lại với mục tiêu cao cả đó. Tất nhiên, trong hàng vạn ý kiến đóng góp, có những ý kiến đúng, có những ý kiến đúng một phần, có ý kiến chưa đúng. Nhưng các ý kiến phải xuất phát từ mục đích trong sáng, động cơ lành mạnh, tinh thần trung thực, thái độ thiện chí vì đất nước, vì dân tộc. Đảng ta sẵn sàng lắng nghe và trân trọng những ý kiến chưa (hoặc không) đúng. Với phương châm “gạn đục, khơi trong”, Đảng ta tiếp thu có chọn lọc mọi ý kiến đóng góp, miễn là các ý kiến đó có lợi cho quốc kế dân sinh, làm cho dân cường nước thịnh, dân tộc ta ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Đối với những ý kiến truyền bá những quan điểm sai trái, chúng ta cần có thái độ lên tiếng đấu tranh ngăn chặn, phê phán và phản bác kịp thời. Đó cũng là một lẽ thường tình đối với bất cứ một chính đảng cầm quyền nào trên thế giới. Bởi không ngăn chặn, bác bỏ các quan điểm sai trái, các luận điệu thù địch cũng đồng nghĩa với việc tạo “mảnh đất màu mỡ” cho các thành phần (lực lượng) cơ hội, xét lại và chống đối phát sinh và phát triển - một nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của chính đảng cầm quyền đó.

Tôi đọc đi, đọc lại đoạn này mãi, và cứ băn khoăn, không biết tác giả đang nói ai, và ai là trong sáng (nên sẽ được đảng lắng nghe), còn ai là sai trái, có luận điệu thù địch, cơ hội, xét lại, chống đối, nên sẽ bị ...

Chà chà, gì chứ nghe đến từ chống đối là tôi thấy sợ rồi đó, không dám nghĩ thêm nữa, vì tôi không bao giờ có ý định chống đối nhà nước - dù gì cũng là nhà nước của ta mà, đại diện duy nhất của dân tộc Việt vào lúc này (chứ gì nữa, nếu không thì là ai nào?).

Tôi cũng rất thích ... góp ý, nhất là góp các ý kiến trái chiều, vì tôi đơn giản nghĩ rằng, nếu góp ý thì phải góp ý khác cho người nghe rộng đường lựa chọn, chứ cứ nói vào hùa theo thì đâu còn gọi là góp ý, vì đưa ra góp ý xong thì ... cũng y xì như cũ thôi, thì còn góp ý làm gì cho mất công?

Nhưng đọc xong bài báo "nước đôi" này thì sợ thật: thế là hết dám có ý kiến gì rồi. Vì ai biết được ý mình nói ra nó được xem là cái gì: góp ý xây dựng, động cơ trong sáng, hay là ... luận điệu sai trái, thù địch, diễn biến hòa bình ... gì gì đấy. Tôi sợ lắm, chao ơi...

Và đó là lý do tại sao tôi nhớ ra 2 câu ca dao mà tôi chép ở trên đầu cái entry lan man, vớ vẩn này. Các bạn không nhớ thì trở lên đầu entry mà xem vậy nhé!

Còn tôi, thì không dám hó hé gì chuyện chính trị, góp ý đại hội đảng gì đâu. Tốt nhất là làm một con cừu trong bầy cừu đang im lặng vậy thôi. Cho nó ... lành (là tôi bắt chước Dr Nikonian đấy, bác ấy hay nói như thế!)

1 nhận xét:

  1. Bài này chắc lấy cảm hứng từ cái còm về ambivalence của em hả? hehe.

    Cái câu ca dao thật hay mà cũng thật mất dạy cô nhỉ. Em mới nghe cầu này lần đầu tiên đấy, chắc thời em đi học, người ta không dạy nữa, vì chắc lúc đó "nước đôi" bị chiếm đoạt thành một cái quyền, một cái lợi thế cho một nhóm, cá nhân ưu tiên nào đó. Không phải ai muốn nước đôi cũng được nữa! Nước đôi là power mà!

    Nước đôi, theo em nghĩ, còn ở chỗ này: ai cũng được nói, ai cũng được đóng góp, nhưng cái quyền "interpretation" vẫn là quyền của cái cầm quyền. Cầm quyền cũng là cầm quyền diễn dịch. "Mày nói đi, nhưng tao là người duy nhất được interpret cái mày nói đó!" Thế thì cô sợ là phải. heheh

    Cái "ai cũng được" là liên quan đến chủ thể (subject) của công lý. "Ai cũng được" do vậy nghe đầy tính dân chủ. Nhưng công lý không phải chỉ có vấn đề về chủ thể, vấn đề "ai", mà còn là bản thân cái khung, cái frame, của chính nó. Frame of justice cũng là frame of interpretation. The politics of interpretation!
    Anyway, frame nào cũng có thể bị nong đẩy, bị "pushed to its limits" cô ạ, nên cô cứ nói, đừng sợ! haha. Good luck.
    Cheers,
    em Lộc

    Trả lờiXóa