Tôi mới về từ trường ĐH Indo (Universitas Indonesia), còn rất mệt, và cũng có rất nhiều muốn nói. Nhưng sẽ cần một entry khác.
Còn entry này chỉ để ghi nhanh một cảm giác đã hình thành trong tôi một cách mơ hồ từ chuyến đi Indo, và khi về đến nhà lại được củng cố khi ông xã tôi nhắc đến một bài báo viết về những chuyến phà miền Tây mà giờ đây có lẽ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn.
Tôi chưa đọc bài báo đó, vì mấy ngày qua không ở nhà và không đọc báo Việt (thì ở Indo mà lại). Nhưng chỉ mới cách đây hơn một tuần thôi, tôi cùng mấy em ở TT của tôi vừa đi qua phà Hàm Luông trong chuyến đi đến Trà Vinh. Và cũng có một cảm giác ngậm ngùi như vậy khi nhìn cảnh những chiếc phà nặng nề, chậm chạm nhưng kiên trì đảm đương nhiệm vụ làm chiếc cầu di động nối liền hai bờ. Vì nghĩ đến một ngày không xa, chúng sẽ không còn nữa, sau cả thế kỷ làm nhiệm vụ.
Nhưng phà của VN thì có liên quan gì đến Indo nhỉ? À, là bởi vì ở Jakarta, thủ đô của đất nước Indo với vài ngàn hòn đảo lớn nhỏ và hơn 200 triệu dân, một nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như VN, với GDP khoảng 5000 USD (gấp hơn 4 lần của VN thì phải), mặc dù cũng đang trong quá trình phát triển, đô thị hóa và toàn cầu hóa, nhưng đi đâu tôi cũng thấy được dấu ấn của truyền thống, của lịch sử Indo.
Cả trong kiến trúc, trong trang phục, lẫn trong tâm thức của mỗi người.
Những mái ngói rất đặc trưng chất Indo ngay tại sân bay Jakarta, những building độc đáo trong trường đại học Indo, những bộ trang phục truyền thống của vị hiệu trưởng và các vị lãnh đạo, quản lý cấp khoa, bộ môn của trường này.
Tóm lại, họ đang hiện đại hóa, nhưng truyền thống vẫn không hề mất.
Nhưng ấn tượng nhất là khi tôi tiếp xúc và trao đổi với các em sinh viên, các giảng viên, và những nhà tuyển dụng có sử dụng sinh viên tốt nghiệp của Bộ môn Kiến trúc (Department of Architecture) thuộc Khoa Công trình (Faculty of Engineering) của UI, thì tôi mới thực sự cảm nhận được cái tâm thức bảo vệ môi trường và bảo vệ truyền thống của người Indo.
Những mô hình thiết kế của các em sinh viên thật độc đáo với tre, nứa, giấy bồi, và kiểu dáng phát huy những nét đẹp của những kiến trúc truyền thống, kết hợp với những đường nét hiện đại. Và cả ý tưởng về một cây cầu lãng mạn với nét thẳng mạnh mẽ chui qua một vòm cổng cong cong duyên dáng, mà vị hiệu trưởng giải thích là nó biểu trưng cho linga và yoni. Hiện đại kết hợp với truyền thống.
Còn VN, hình như chúng ta không có thói quen trân trọng và lưu giữ những gì vốn là truyền thống thì phải? Thay đổi thì đúng là tất yếu, nhưng giữ lại những hình ảnh truyền thống để tạo nên một sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, chẳng phải điều đó cũng rất cần để tạo nên chiều sâu tâm hồn của từng con người và của cả dân tộc hay sao?
Có phải vì chúng ta phá hủy hết cả, nên từ thế kỷ trước Tú Xương mới có bài thơ Sông Lấp nổi tiếng hay chăng?
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò …
Buồn quá, phải không? Dường như tốc độ “biển xanh biến thành ruộng dâu” tại VN hiện nay ngày càng gia tăng thì phải.
Chợt nhớ cách đây khoảng 20 năm (đầu thập niên 1990), ở nhà tôi vẫn thường nghe được tiếng còi xe lửa “xình xịch xình xịch xình xịch uuuuuuuuuuuuu” từ xa xa vọng lại vào mỗi tối, buồn buồn, gợi nhớ một cái gì xa xăm. Tiếng còi tàu ấy giờ đây không còn nữa.
Còn bây giờ, ở miền Tây đang mất dần đi những tiếng phà.
Phà ơi! Phà ơi!
Còn đây nữa, bài thơ Sông Lấp của thời nay. Lại thêm một người hoài cổ.
cám ơn con người của hoài niệm...Phải rồi,còn đâu tiếng còi tàu,còn đâu tiếng máy nổ xình xịch của chuyến phà đưa người qua sông...Âm vang tiếng vọng nghe thật buồn chị PA nhỉ!"Đưa người sao không đưa sang sông/Mà nghe như có tiếng sóng ở trong lòng."Cứ công nghiệp hóa,cứ hiên đại hóa,cứ du lịch hóa,mà không giữ cái hồn của sông của núi.thì than ôi! và chắc chắn "thương hải biến vi tang điền" Ôi! thôi ta buồn ta đi lang thang...
Trả lờiXóa