Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Về ... tôi, và quà sinh nhật

Sao lại "Về ... tôi, và quà sinh nhật"?

À là bởi vì, sinh nhật tôi vừa mới qua đúng 2 ngày thôi. Và sinh nhật, thì đương nhiên (?) phải có quà. Ấy là theo kinh nghiệm của tôi, còn kinh nghiệm đó có đúng cho tất cả mọi người VN hay không, thì có lẽ phải cần ... nghiên cứu!

Sinh nhật của tôi bao giờ cũng có quà. Ít nhất là quà của ông xã. Đều đặn, năm nào cũng thế.

Hồi VN còn chưa mở cửa (tôi lập gia đình năm 1985), quà sinh nhật mà tôi và ông xã tôi tặng cho nhau là hết sức ... thực dụng. Chỉ là những cái mà đàng nào thì mình cũng phải mua để mà dùng hàng ngày.

Tôi vẫn nhớ, món quà sinh nhật đầu tiên mà tôi mua cho ông xã (khi đã là ông xã), là mấy cái ... quần xà-lỏn và áo may-ô! Nhưng cũng gói lại cẩn thận, kèm thêm một bức thư "tình cảm mùi mẫn", để vào một chỗ bí mật (để tăng yếu tố bất ngờ, thú vị). Cũng tốn nhiều công sức lắm, và giá trị của nó vì thế tăng lên gấp bội, vì "của một đồng, công một nén" mà!

Quà sinh nhật của ông xã tôi tặng tôi hồi đó thì có lẽ ít thực dụng hơn một chút. Hình như món quà sinh nhật đầu tiên mà ông xã tôi tặng cho tôi là một cái bóp để đựng các đồ lặt vặt đi làm. Nhưng dù gì thì cũng là những đồ dùng hàng ngày, chứ không phải là những thứ ... xa xỉ như ... hoa, chẳng hạn. Mà chính tôi cũng không thích được tặng hoa, vì tôi chỉ thích hoa dại (giống tôi), chứ không thích những loài hoa hương sắc rực rỡ như hoa hồng, hoa lys, hoa cẩm chướng ...

Nhưng những món quà sinh nhật mà tôi hay được ông xã tặng nhất, vừa thực dụng (vì dùng được, lại không đến nỗi quá đắt tiền), là sách. Tôi vốn thích sách, một thói quen học được từ thời còn bé ở gia đình. Vì thế, tôi rất hay được tặng sách, và cũng rất thường xuyên tự mua sách cho mình.

Quay trở lại chuyện sinh nhật năm nay. Tôi cũng có quà, trước hết là của gia đình. Một ổ bánh sinh nhật, cho cả nhà cùng ăn, tất nhiên rồi. Của ông xã. Và 2 cuốn sách, của 2 đứa con, vì chúng biết rõ mẹ chúng thích gì, mà, như đã nói ở trên, sách cũng là loại quà most affordable đối với chúng.

Nhưng năm nay tôi còn một món quà khác nữa, tình cờ thôi, nhưng lại rất ý nghĩa. Đó là bài phỏng vấn viết về tôi như một nhân vật (chà chà, nở mũi!!!!), trên tờ DNSG. Đăng đúng ngày sinh nhật tôi (dù chắc chắn là tờ báo không biết điều này), và được gửi tặng đến nhà tôi đúng vào ngày ấy.

Nên ngày 25/8 khi tôi đi làm về, thì ở nhà, các món quà sinh nhật của tôi đã chờ sẵn. Một ổ bánh, 2 cuốn sách, và 1 tờ báo trong đó có bài phỏng vấn tôi.

Về bánh và sách, các bạn xem hình dưới đây này.
Sách này là con trai tặng mẹ đấy!Còn đây là sách của con gái.

Và bài phỏng vấn, hiện nay nó chỉ có trên báo giấy, ít nữa mới đưa lên online thì mọi người mới kiểm chứng được xem tôi có nói xạo hay không. Tôi có bản mềm của cuộc PV này, nhưng nó khá dài, mà chép hết lên đây thì ... kỳ, mà cũng tốn chỗ chưa chắc đã có ai đọc, Trong khi tôi lại thích ... nói, nên nếu chép hết lên thì còn chỗ ở đâu mà tôi nói nữa đây?

Nhưng dù sao thì cũng muốn đưa lên đây một ít, để ... nói về chính mình nhân dịp sinh nhật của mình, dù đã qua vài ngày.
Còn đây là bánh của ông xã, và 2 ông bà già, ngũ tuần rồi chứ ít gì. Già rồi, mà còn 'hí hửng' quá nhỉ!

Biết là tự nói về mình thì không khiêm tốn, và là điều không được khuyến khích trong văn hóa đông phương cũng như văn hóa thiên chúa giáo mà tôi thấm đẫm không gột đi được, nhưng dù sao thì một năm đến ngày sinh của chính mình, có lẽ ai mà chẳng tự ngồi mà suy nghĩ lại về cuộc sống của mình, phải không?

Vì vậy, nói về chính mình trong dịp như thế này, tưởng cũng chấp nhận được. Mà tôi cũng chỉ xin trích lại đây một ít mà thôi, những gì tôi tâm đắc nhất. Cũng trong tâm trạng reflect về chính mình, về cuộc đời, để còn biết sẽ đi tiếp con đường của chính mình như thế nào thôi mà.

Các bạn đọc ở dưới nhé.

CHỈ LÀM NHỮNG ĐIỀU MÌNH TIN LÀ ĐÚNG

Vũ Thị Phương Anh bảo vệ luận án tiến sĩ ở Úc, năm 36 tuổi. Đến nay, bà đã làm việc trong ngành giáo dục 28 năm và hiện là giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù đứng trong hệ thống giáo dục nhưng người phụ nữ này được biết đến như một tiếng nói phản biện khá bền bỉ chung quanh những bất cập của ngành này. Đằng sau những góp ý thẳng thắn là một tấm lòng dành cho giáo dục. Phải hiểu, phải tha thiết với ngành giáo dục nhiều lắm thì người phụ nữ này mới mạnh dạn nói lời ngỏ với vị tân bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận: “Nếu có cơ hội nói, tôi khuyên bộ trưởng tập trung làm đến nơi đến chốn những việc đúng quy luật mà Bộ đang làm, như tiếp tục đổi mới cơ chế quản trị đại học theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường, và đừng đưa ra thêm những sáng kiến mới, từ trường chuyên, cho đến những chỉ tiêu phi thực tế.”.

Cuộc trò chuyện diễn giữa chúng tôi diễn ra vào một buổi chiều trung tuần tháng 8, ít giờ sau khi GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields ở Ấn Độ.


Trên đây là cái tựa và phần mở đầu của bài phỏng vấn. Rất tình cờ, cuộc trao đổi lại rơi vào đúng ngày NBC được trao giải thưởng Fields (không tính trước vì đâu có ai biết là ngày đó thì NBC có giải). Nên cuộc trao đổi cũng xoay quanh vấn đề giáo dục, nhân tài, đi và ở, trong và ngoài hệ thống, vv. Tôi xin trích lại dưới đây vài câu hỏi, và phần trả lời của tôi.

Lương cho giáo viên đã trở thành câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
Chúng ta là nước nghèo. Vậy thì tại sao Nhà nước lại muốn bao thầu ngành giáo dục? Hãy mở cửa cho tư nhân làm. Tư nhân biết những gia đình nào sẵn sàng đóng học phí năm triệu đồng/tháng và những gia đình nào không đủ khả năng đóng học phí. Giáo dục công nên tập trung chăm sóc cho 2 đối tượng thôi, đó là đối tượng có tài năng đặc biệt và đối tượng nghèo, không đủ điều kiện đi học, còn lại để xã hội tự điều tiết. Có thể nhiều người không đồng tình nhưng tôi cho rằng nên dỡ trần học phí. Tuy nhiên, những trường muốn nâng học phí phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện đi kèm, được công khai, minh bạch.

Tôi nghĩ Nhà nước càng bớt thọc tay vào quản lý giáo dục càng tốt. Ví dụ, Bộ Giáo dục của liên bang ở Mỹ chỉ làm một việc là xét cấp tiền hoặc cho vay tiền đối với người học đại học. Nhưng để vay được tiền thì người học phải chọn học ở những trường đã chứng minh được việc đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng, nhằm đảm bảo cả chất lượng lẫn khả năng hoàn trả khi người học tốt nghiệp ra trường. Các tiêu chuẩn chất lượng này được quy định bởi chính các trường, bởi các hội nghề nghiệp, và sự thừa nhận của thị trường. Tất cả đều minh bạch và các đối tượng liên quan tự giám sát lẫn nhau. Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết.
[...]

Bà phê phán ngành giáo dục ở nhiều mặt. Tại sao bà không thoát ra khỏi hệ thống này cho thảnh thơi?
Tôi luôn ở trong tâm thế sẵn sàng rời hệ thồng bất kỳ lúc nào nếu không thể làm được những điều mình tin là đúng. Thực tế, tôi cũng đã nhiều lần xin từ chức.

Nhưng rồi bà vẫn được giữ lại?
Có thể vì người ta thừa nhận điều mình nói là đúng. Mà cũng có thể vì không có nhiều người giống như tôi lại chấp nhận làm việc với mức lương hàng tháng năm, bảy triệu đồng trong khu vực nhà nước như thế này. Thực ra, tôi có thể kiếm tiền một cách khá dễ dàng ở bên ngoài. Nhưng kiếm tiền dễ tôi không thích. Tôi mong được làm đúng giá trị của mình và được tưởng thưởng một cách xứng đáng. Với tôi, phần thưởng vật chất không phải là chính yếu.
[...]

Có nói ra hết những điều bà suy nghĩ?
Tôi biết tự kiểm duyệt mình. Tôi nghĩ mình là một công dân tốt. Một người được giáo dục cẩn thận trước hết là biết tôn trọng pháp luật. Những chỗ pháp luật chưa hợp lý thì mình góp ý, xây dựng cho tốt hơn. Còn việc những ý kiến của mình có được lắng nghe hay không lại là một câu chuyện khác.
[...]
Điều đau đớn nhất với những người làm khoa học là cảm giác mình bị phí hoài. Có một thời kỳ dài, mỗi năm Úc cho Việt Nam 150 suất học bổng. Những người sau khi học xong ở lại cũng nhiều, nhưng số lượng những người về nước cũng không ít. Nhưng bây giờ những người đó đang ở đâu? Họ đi làm cho các công ty nước ngoài không hoàn toàn vì thu nhập, mà bởi vì ở đó tài năng của người ta được trân trọng.

Tại sao bà không ở lại Úc như những người khác?
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, tôi được đề nghị ở lại làm chương trình hậu tiến sĩ (postdoc) Lúc đó Úc đang có chương trình khuyến khích nhập cư “chất xám”. Bạn bè dẫn tôi đến cơ quan nhập cư, tôi hỏi tất cả thủ tục xong rồi… thôi. Tôi quyết định về vì muốn gần chồng con. Đơn giản có vậy thôi


Bài phỏng vấn ấy kết thúc với câu hỏi liên quan đến đi và ở mà tôi có trích ở trên. Xin nói thêm: ông xã tôi ít khi (thèm) đọc những bài báo chí viết về tôi, phỏng vấn tôi, vì ... ông ấy đã hiểu tôi quá rõ rồi, vả lại báo chí có thể có quan điểm khác, mục đích khác, mối quan tâm khác khi trao đổi với tôi, và đó không phải là cái ông ấy quan tâm. Nhưng hôm ấy, 25/8, ông xã tôi có bỏ thời gian đọc hết bài phỏng vấn khá dài, và ... trầm ngâm suy nghĩ. Không chê gì hết, và điều này cũng khác thường. Có lẽ vì bài viết kết thúc bằng câu tôi nói "vì muốn gần chồng con. Đơn giản có vậy thôi."

Vâng, đơn giản chỉ có thế. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong bài thơ của Robert Frost:

I took the one [ie, the road] less traveled by
And that has made all the difference.


And that has made all the difference, bạn bè của tôi ơi!

Và cám ơn T., PV của DNSG, về buổi nói chuyện rất thú vị, và bài viết rất hay của em. Một món quà sinh nhật rất có ý nghĩa T. ạ. Vào sinh nhật trọn 50 tuổi (bước sang 51) của chị.

Có ai biết, 25/8 cũng là ngày Bảo Đại thoái vị không nhỉ? Có lẽ điều đó đã "ám" vào vận mệnh của tôi chăng?

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

"Thủy triều lên, thủy triều dần xuống"

Là tựa của một bài thơ tôi đã học vào năm thứ ba đại học, của thi sĩ lãng mạn rất nổi tiếng người Mỹ của thế kỷ thứ 19, mà hồi còn đi học bọn tôi thường gọi là "Gã dài" (Longfellow mà).

Tựa tiếng Anh của bài thơ này, rất đơn giản, có thể suy word-for-word từ tiếng Việt ra, là "The Tide Rises, the Tide Falls". Lần đầu tiên tôi đọc bài thơ này là vào năm đúng 20 tuổi, đầu năm thứ ba đại học, khi học môn American Literature với GS Lê Văn Diệm ở trường ĐH Văn khoa cũ, lúc ấy đã được đổi thành ĐH Tổng hợp, và bây giờ là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Nguyên văn bài thơ bằng tiếng Anh ở dưới đây:

The Tide Rises, the Tide Falls,

The tide rises, the tide falls,
The twilight darkens, the curlew calls;
Along the sea-sands damp and brown
The traveler hastens toward the town.

And the tide rises, the tide falls.

Darkness settles on roofs and walls,
But the sea, the sea in darkness calls;
The little waves, with their soft, white hands
Efface the footprints in the sands.

And the tide rises, the tide falls.

The morning breaks; the steeds in their stalls
Stamp and neigh, as the hostler calls;
The day returns, but nevermore
Returns the traveler to the shore.

And the tide rises, the tide falls.


Và bản dịch của tôi, chép lại theo trí nhớ. Thắm thoát thế mà 30 năm rồi đó, kể từ ngày tôi đọc bài thơ này lần đầu tiên. Bây giờ quay trở lại, "tôi về với tôi".

Thủy triều lên, thủy triều dần xuống

Thủy triều lên, thủy triều dần xuống
Chim gọi bầy khắc khoải, bóng chiều buông
Bờ cát dài xa thẳm, trên đường
Lữ khách vội bước chân về phố vắng.

Và thủy triều lên, thủy triều dần xuống.

Đêm xuống dần, những nóc nhà im ắng
Chỉ còn vang tiếng biển gọi trong đêm
Những đợt sóng nhấp nhô, chậm rãi, êm đềm
Xóa sạch những dấu chân trên bờ cát.

Và thủy triều lên, thủy triều dần xuống.

Trời hửng rồi, vang trong chuồng ngựa hí
Khi người phu vội vã thắng yên cương
Lại một ngày thêm, lại lên đường
Nhưng đâu rồi, hôm nay, lữ khách?

Và thủy triều lên, thủy triều dần xuống...


Xin gửi bài thơ dịch này như một lời cám ơn đến mọi người vì những lời chúc mừng chân thành và tốt đẹp nhân ngày sinh của tôi hôm qua, 25/8/2010.

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Chúng ta là những con cừu!


Entry này viết về con cừu.

Trước hết, phải nói về cái tựa. Trước khi quyết định chọn tựa này ("Chúng ta là những con cừu"), tôi đang có trong đầu vài cái tựa khác. Ví dụ: "Tội nghiệp con cừu". Hoặc "Không được xúc phạm con cừu" (cái này là chôm ý tưởng trong comment của một người khác trên blog Thích học toán). Hoặc, "Tại sao người ta phải chịu làm cừu?".

Hoặc, cái tựa này thì phức tạp hơn, và telling hơn, vì nó nói lên cái nguồn gốc giáo viên tiếng Anh của tôi: "I am a sheep. You are a sheep. We are ...?" Cái chỗ ... này là giống như cô giáo đi dạy, mớm lời tới đó thì dừng lại để học trò điền vô, và câu trả lời ở đây, nếu bạn đang mới học hết lớp 7 ở VN như Khuê Vũ, thì có lẽ bạn sẽ trả lời là sheeps (danh từ số nhiều thì phải thêm -s mà mẹ!). Tôi hy vọng các bạn đọc blog này thì đều biết số nhiều của sheep là gì nên không đưa câu trả lời ra đây, e rằng xúc phạm các bạn quá!

Thế tại sao lại chọn cái tựa đang dùng? À, có nhiều lý do. Lý do đầu tiên, và gần nhất, đó là vì Khuê Vũ thích cái tựa ấy. Tôi hỏi tại sao, cô bé bảo, vì có cái quảng cáo trên TV, "Chúng ta là những con bò" (quảng cáo sữa, hình như thế, với hình mấy con bò đứng bằng 2 chân, tay cầm ly sữa thì phải; tôi ít xem TV nên không nhớ rõ). Ừ, hay đấy nhỉ. Đã là bò, nay lại là cừu, vậy chúng ta là trại súc vật. Là Animal Farm. Hay lắm.
Nhưng tại sao hôm nay lại viết về cừu? Nguyên nhân gần, chắc là ai cũng biết, là câu nói rất nổi tiếng của một người VN rất nổi tiếng hiện nay, đố biết là ai nào (ai mà chẳng biết phải không), rằng (đại khái) bám theo lề là việc của những con cừu, không phải là việc của người tự do.

Một câu trả lời rất thông minh, dí dỏm, và khí khái. Đáng mặt anh hào. Vì cái câu ấy, mà NBC - ừ, chứ còn ai nữa - lại thêm một lần nổi tiếng. Theo THD, thì cái câu ấy khiến NBC xứng đáng nhận thêm một giải Nobel nữa.

Ừ, xứng đáng thật chứ. Ở VN, có ai nói được câu nói ấy đâu, mặc dù cái trò lề trái lề phải cũng đã được nhắc đến ở VN từ mấy năm nay rồi. Đúng là câu nói của người thông minh có khác. "Miệng người sang có gang có thép". (Chà, viết xong câu này lại nhớ câu đối của nó, "đồ nhà khó..."! Nguy quá, mà oan quá, tôi chẳng có ý gì đâu nhá, chỉ là thuộc nhiều thơ văn nên cứ bạ đâu là trích dẫn đó thôi!)

Nhưng, sau khi thích thú vì câu phát biểu của NBC về con cừu và người tự do, tự nhiên tôi đâm ra trầm ngâm suy nghĩ. Anh NBC thì đúng là người tự do rồi, nên anh ấy không (thèm) bám theo lề nào cả. Còn tôi, tôi có là người tự do không, hay tôi là con cừu? Chà, khó trả lời quá! Rõ ràng tôi cũng muốn khí khái như NBC, cũng muốn làm người tự do chứ, kể cả tự do bắt chước thần tượng của mình (xin nói trước, NBC không phải là thần tượng của tôi nhé, tôi có rồi!).

Vả lại, ai lại tự nhận mình là con cừu (= ngu ngốc, chỉ biết theo đàn) bao giờ, nhất là, dù sao thì mình cũng là người ... có học (nhưng chưa chắc là trí thức, GS Chu Hảo bảo thế, ai không biết thì gúc "Chu Hảo" và "trí thức Việt Nam", chắc thế nào cũng tìm thấy!)

Nhưng có chắc là tôi hoàn toàn tự do không nhỉ? Ví dụ, tự do đi ... bên lề trái, chẳng hạn? Chà, cái này thì tôi "trăm lần không, vạn lần không", thật thế! Cho tiền, tôi cũng không đi lề trái các bạn ạ, các bạn nào lề trái thì tha cho tôi nhé, cho em xin hai chữ bình yên! Vả lại, tôi là người Công giáo, mà đạo chúa thì dạy con chiên của mình (à, chiên tức là cừu đấy ạ!) phải tôn trọng luật pháp và những người ở vị trí lãnh đạo, vì người ta mà ngồi được vào vị trí ấy thì đó cũng là một phần kế hoạch của Thượng đế, vì (nếu bạn là người Công giáo thì bạn phải tin) mọi sự đều do Thiên chúa sắp đặt cả mà!

Đang loay hoay suy nghĩ về con cừu và người tự do, tôi lại bắt gặp trên facebook một câu hỏi đúng ngay tâm trạng của tôi - "sự khác biệt giữa một con cừu thông minh và một người tự do là gì?" Các bạn để ý nhé, con cừu thông minh cơ đấy, chứ không phải bất cứ con cừu nào đâu!

Ồ thế thì tôi có giải pháp cho mình rồi. Ừ, thì tôi là con cừu, nhưng mà là con cừu thông minh, được chưa? Có thế chứ. Tôi thông minh như thế nào ư? Đây này, xem câu trả lời cho câu hỏi nêu trên về sự khác biệt nhé:

"Con cừu thông minh đi bên lề mà nó biết người ta muốn nó đi, vì nó không muốn bị làm thịt; người tự do đi bên lề mà chính họ chọn vì họ tin rằng không ai làm gì được mình, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng!"
Trời ơi, xuất thần chưa! Tôi trả lời đấy, thật mà, bản quyền của VTPA, trả lời vào tối hôm qua trên facebook. Ai không tin thì ... mặc kệ, ai ... ăn cắp bản quyền cũng mặc kệ, tôi biết tôi là tác giả, thế là đủ rồi.

Và khi trả lời xong câu hỏi trên, tôi thấy tôi có thể tự tin mà nói rằng, I am a sheep (but a smart one you know!), you are a sheep, and we are sheep!

Và cũng có luôn câu trả lời cho những câu hỏi được đặt ra hoặc ám chỉ trong những cái tựa mà tôi đã không dùng đến cho entry này (ai quên xin xem lại phần đầu ở trên): Tại sao người ta phải chịu làm cừu? À, là vì người ta thông minh mà!

Cho nên, không được xúc phạm con cừu, hoặc ít ra là không được xúc phạm những con cừu thông minh như tôi đây (!!!!), nghe chưa! Mà, xúc phạm làm gì, chúng ta đều là những con cừu thôi mà (nhưng mà là cừu thông minh, các bạn ạ!).

Nhưng dù có thông minh (hoặc có lẽ, chính vì thông minh), thì con cừu vẫn phải chịu để người ta xén lông, làm thịt, chỉ biết đi theo bầy, và im lặng - sự im lặng của bầy cừu. Mặc dù không ai hiểu rõ sự im lặng đó có nghĩa gì. Ừ, im lặng, khó hiểu lắm chứ, có khi là đồng ý, có khi là đồng lõa, có khi là phản kháng, và cũng có khi là phân vân chưa biết tính sao. Đâu phải lúc nào cũng có nghĩa là ngu ngơ, đần độn, không có gì trong đầu, như người ta nghĩ về loài cừu đâu. Nên tôi mới có cái tựa (suýt chọn) cho entry này là "Tội nghiệp con cừu" như trên đã nêu.

Nhân tiện nói tiếp, con cừu thật ấy, nó cũng hay lắm nhé, mọi người cứ nói người này người kia là bầy cừu, nhưng thực ra đã hiểu hết về loài cừu chưa? Chứ tôi mới đọc trên wikipedia về con cừu, thấy, như bất kỳ loài vật nào khác, mọi tính cách của nó đều có lý do môi trường (nature vs nuture mà). Và khi thay đổi môi trường, chắc chắn tính cách của các loài vật cũng sẽ khác. Mà riêng loài cừu, thì ứng xử của nó trong đàn và trong nhóm nhỏ là khác nhau đấy nhé, tôi mới đọc thấy thế đấy.

Quy luật biến dị và di truyền ấy mà, hình như thế? Hôm nào tôi phải đọc lại Darwin mới được.

Và cuối cùng, xin tặng các bạn mấy bức hình về loài cừu, mới chôm trên wikipedia. Cừu, cũng đa dạng, và "nhìn lâu cũng đẹp" (giống như Sài Gòn), chứ bộ! Tôi tự chọn cho mình làm con cừu mặt đen đen ấy, các bạn xem nó có đẹp không nhé!

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Chảy máu hay tiếp máu?

Cái tựa của entry này chẳng qua là cách tôi dịch cụm từ "brain drain or brain gain", cặp từ mà hiện nay giới học giả, các nhà chính sách, và báo chí nước ngoài hay nhắc đến mà thôi, chẳng phải sáng tạo gì của tôi đâu.

Brain drain, chảy máu chất xám, thì ai cũng biết rồi. Gì chứ những nước nghèo nghèo, kém phát triển như VN và các nước thế giới thứ ba khác thì cái nạn này là rất bình thường và không tránh khỏi. Nước chảy chỗ trũng mà. Nên máu chất xám của nước nghèo thì chảy vào các chỗ trũng ở Mỹ, Anh, châu Âu, rồi Nhật, Hàn, Singapore, thế thôi.

Nhưng brain gain tiếng Việt là gì thì tôi chưa thấy báo chí VN viết nhiều (chắc vì VN ... chưa có!), nên tự tôi phải chế ra cách dịch (cũng hơi chơi chữ, cho nó đối xứng với "chảy máu") là "tiếp máu chất xám".

Như vậy, sau này nếu cụm từ "tiếp máu chất xám" mà trở nên thông dụng thì nó thuộc bản quyền của tôi đấy nhé! Mặc dù chắc là bản quyền này sẽ không mang lại cho tôi đến nửa xu, tức là quyền tài sản mà nó đem lại là bằng zero, nhưng ít gì tôi cũng đương nhiên có quyền nhân thân = tôi là tác giả.;-)

Quyền này được pháp luật VN bảo hộ rồi đó, nếu ai không tin xin đọc lại Luật sở hữu trí tuệ của VN. Mặc dù, là một dân tộc anh hùng, đã đánh thắng nhiều tên đế quôc sừng sỏ trên thế giới, dân Việt ta có một đặc điểm rất ... anh hùng là dường như chẳng hề xem pháp luật là cái thá gì hết. Ừ, pháp luật là cái gì thế, mà nhà nước ta đã có dạo cứ hăm he đòi đem nó vào cuộc sống ấy nhỉ?

Hôm nay tôi viết lăng nhăng cái gì thế? Ơ mà có bao giờ tôi không viết lăng nhăng đâu cơ chứ? Tôi viết, sau khi điểm qua các tựa báo chí Việt trên mạng, và cả các trang blog cá nhân nữa, đâu đâu cũng thấy nhắc đến NBC với niềm vui òa vỡ, niềm tự hào ngây ngất, niềm hạnh phúc tột cùng...

Nhưng hình như cái vị ngọt ngào ấy có một dư vị đăng đắng. Vì khi người ta nhắc đến NBC thì lại hay nhắc đến LBKT. Tôi mà là LBKT lúc này, thì tôi sẽ ... ghét NBC lắm lắm (xin lỗi anh LBKT, đấy là tôi thôi ạ, chứ tôi tin anh là người rất dễ thương, hiền hậu, khiêm tốn, và anh cũng sẽ rất mừng cho NBC như bất kỳ người VN nào khác. Mà tôi nói mừng cho NBC đấy nhé, chứ không có nói mừng cho đất nước VN đâu!).

Cũng về chuyện NBC được giải Fields này, hôm qua khi trò chuyện với một PV của tờ DNSG, tôi và anh PV ấy (thật ra phải gọi là em ấy, vì còn rất trẻ so với tôi, mới 31 thôi), chúng tôi có đồng ý với nhau: "Quê hương của một nhà khoa học không thể có ranh giới địa lý nào cả." Quả là vậy. Quê hương đích thực của một nhà toán học thì rõ ràng phải là nơi nào ông ấy có thể phát triển toán học một cách tốt nhất. Bản chất của khoa học là toàn cầu, vì các nhà khoa học lỗi lạc là những món quà mà thượng đế tặng cho toàn nhân loại chứ chẳng riêng cho dân tộc nào, đất nước nào cả.

Cho nên, tôi không hiểu tại sao chúng ta phải hỏi, NBC có nên về VN hay không, và NBC có yêu nước hay không?

Hỏi như vậy, chẳng khác nào hỏi một người con đã lập gia đình, rằng có nên đưa gia đình vợ con của mình về ở trong căn nhà nơi cha mẹ và các em đang ở, rất chật chội, cũ kỹ và xuống cấp, thậm chí không có đủ không gian cho những người đang ở, để thể hiện tình yêu gia đình của mình hay không?

Đặc biệt là nếu căn nhà ấy lại ở miền quê, nơi ruộng cày không đủ, mùa giáp hạt mọi người phải đổ xô lên thành thị để kiếm cơm. Trong khi người con đã lập gia đình này lại đang có việc làm có thu nhập tốt, ổn định tại thành phố lớn, đủ sức trang trải cuộc sống của mình một cách tươm tất?

Có cha mẹ nào lại mong muốn con mình rời bỏ cuộc sống ổn định ở thành thị để về quê sống với mình trong căn nhà cũ, nơi hạnh phúc là một tấm chăn quá hẹp nên những đêm lạnh thế nào cũng có những người ấm và những người phải thò chân ra ngoài chăn, lạnh ngắt hay không?

Hay tốt nhất là người con thành đạt kia cứ ở thành thị hưởng cuộc sống sung túc, đồng thời lâu lâu sắp xếp điều kiện thời gian và ... tiền bạc, để về thăm (nếu được), và tiếp tế cho gia đình (cái này mới cần đây, thực thế!).

Tôi nói vậy không phải vì tôi là người thực dụng và lạnh lùng đâu các bạn ạ. Nếu tôi mà là NBC lúc này, khéo tôi lại nể lời mời của PTT quá đi mất, và thương người VN, những người cùng một bào thai trăm trứng của mình, nên sẽ đắn đo một phút rồi chặc lưỡi,"Ừ thôi mình về VN thôi, dù gì đây cũng là chốn quê hương. Dù trong dù đục ...".

Không, NBC thông minh hơn thế, tôi tin vậy. Vì như tôi đã nói ở trên, nếu đặt trường hợp là một đứa con thành đạt trong một gia đình nghèo, thì ai cũng biết đứa con ấy phải làm gì rồi.

Trước hết, hãy lo cho mình sống ổn, không về để mà chia mất phần không gian vốn đã quá hẹp trong ngôi nhà của cha mẹ. Rồi có yêu gia đình, thương cha mẹ, thì lo mà làm, mà cày, rồi lâu lâu sắp xếp mà gửi tiền về, tiếp tế cho cha mẹ, anh em.

Chỉ có cách đó thôi, thực vậy!

Đọc đến đây, thì mọi người đã nhận ra cái "thâm ý" của cái tựa entry này chưa? Mà, tựa hay chứ bộ, ý tưởng của tôi đấy!;-)

Brain gain! Việc này tôi sẽ tìm hiểu thêm và sẽ viết về nó một cách hàn lâm. Nhưng brain gain là điều có thật, và đang xảy ra ở các nước thế giới thứ ba, trong đó rõ nhất hiện nay là Trung Quốc. Chính những mối quan hệ, năng lực và đạo đức khoa học được rèn luyện trong thời gian tha hương của các nhà khoa học TQ đã khiến cho các trường đại học của nước này có được ít nhiều thành tựu như hiện nay đấy.

Vậy, nếu NBC không về, thì cũng rất dễ hiểu thôi mà. Đừng trách anh không yêu nước. Hãy để cho anh sống "khỏe mạnh" ở nước ngoài, để còn có cơ hội tiếp máu cho nền khoa học (toán học) của đất nước khi cần.

Vì nếu về VN với môi trường và cơ chế hiện nay, có khi chính chúng ta sẽ làm cho anh "mất máu".

Nhưng viết đến đây tôi lại nhớ ... thôi không nhắc đến tên nữa, tủi lắm. Và những người giống như anh. Những anh hùng thầm lặng, thực vậy. Tôi vẫn tin, cả họ nữa, họ cũng đang tiếp máu cho nền khoa học và giáo dục của nước nhà, một cách âm thầm lặng lẽ, chẳng ai nhắc đến, nhưng có hề gì!

Sao entry này viết về NBC, niềm vui lớn, niềm tự hào của người VN (ừ, tự hào chứ bộ!) mà sự ngọt ngào ấy lại có dư vị đăng đắng thế này?

À tôi biết rồi: đấy là vị ngọt của đường hóa học. Ai đã "được" (bị?) ăn đường hóa học - giống như tôi, thời thiếu đường, thiếu gạo, thiếu ... đủ thứ, vào đầu thập niên 1980, thì sẽ biết: đường hóa học khi nuốt vào, sau vị ngọt là đến vị đăng đắng, còn hoài trong cuống họng!

Lẽ ra tôi phải đặt tên entry này là "Sự ngọt ngào của đường hóa học" mới đúng chứ!
---
Cập nhật

1. Xem báo Strait Times của Singapore viết về Ngô Bảo Châu ở đây.

2. Danh sách speakers tại ICM2010, có tên Ngô Bảo Châu (số 10) trong danh sách Plenary Speakers, được ghi là ... USA! Tìm ở đây này: http://www.icm2010.org.in/scientific-program/invited-speakers.

Tôi cập nhật tin này lên đây vì trong các trao đổi (cùng trên trang đã đưa link ở trên) có người hỏi: tại sao lại ghi NBC USA? Anh là người Việt mà? Và câu trả lời, cũng trên cùng trang vừa nêu, là do anh NBC đang thực hiện nghiên cứu ở Mỹ, nên nó ghi thế.

Khi search trên mạng, thì thấy báo chí tiếng Anh ghi cẩn thận là "Vietnamese-born" chứ không ghi "Vietnamese", các bạn ạ. Trên blog của BS Nikonian thì có người đưa tin rằng báo chí Pháp đưa tin về NBC như một người Pháp!

Lại thấy dư vị đăng đắng ở trong miệng!

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

Before it's too late ...

Tôi gõ vào google mấy từ ấy: "before it's too late".

Kết quả: trong 0.19 giây, tôi nhận được gần 90 triệu đường dẫn, một con số lớn bất ngờ đối với tôi. Những popular search khác của tôi chỉ cho khoảng 2, 3 chục triệu trong vòng khoảng 0.30 giây.

Lẩn thẩn, tôi tự hỏi, phải chăng trên đời này người ta rất thường xuyên rơi vào tâm trạng ấy, nhỉ? Cứ để cho mọi việc đến không còn cách nào khác, rồi mới chịu làm. Và thường là ... đã quá muộn!

Trong đời, tôi cũng đã rơi vào tâm trạng này một vài lần rồi. Lần đau đớn nhất là lúc mẹ tôi mất, rất đột ngột vì bị đụng xe vào năm 1992. Lúc ấy, cuộc sống vẫn còn khó khăn lắm, mặc dù sự háo hức mong đợi một tương lai tốt đẹp hơn vẫn đang đầy ắp, vì VN mới bắt đầu mở cửa. Lúc ấy, tôi cũng bắt đầu được đi ra nước ngoài, thấy ở ngoài người ta sống ra sao, để nhìn lại cuộc sống của chính mình, của người thân, của cha mẹ. Và thấy, cuộc sống của dân mình so với các nước người ta, sao mà khổ đến thế?

Nhất là mẹ. Như bất kỳ một người phụ nữ VN nào trong thế hệ của mẹ tôi, cho đến lúc mất, bà chưa bao giờ có một ngày nghỉ nào thực sự, chưa từng có một cuộc đi chơi (du lịch) với con cái, chưa có một ngày hết lo nghĩ - hết lo cho chồng, lại lo con, đứa còn đi học, đứa đã ra trường nhưng làm không đủ sống, đứa có gia đình, đứa còn độc thân, đứa vào đại học, đứa bỏ học dở dang ... Rồi lại lo cháu, coi chừng suy dinh dưỡng, coi chừng đau ốm, coi chừng nói ngọng thành tật, coi chừng chân đi vòng kiềng ...

Và tôi đã từng tự nhủ: phải sắp xếp thời gian, để dành tiền, đưa mẹ đi chơi du lịch với con cái (lúc ấy, ba tôi mới mất ít lâu). Nghĩ thế, nhưng chưa làm được.

Rồi mẹ tôi mất, hết sức đột ngột. Tôi nhớ đã viết đâu đó ở trên blog này, là không thể nào khóc được. Nhưng thực sự, lúc ấy nếu khóc được, và nói được, thì tôi chỉ muốn nói có một câu này thôi: "Bây giờ con không còn có thể làm được gì cho mẹ nữa rồi!"

Vì đã quá muộn! Cảm giác đó thật mới thật khó tả làm sao!

Nhưng tôi đang nghĩ gì thế này nhỉ? Ừ, tôi mới nghe tin về bé Tường. Cháu bé ở Cà Mau mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã kêu gọi sự giúp đỡ. Chiều nay, khi tôi mới rời cơ quan, thì người nhà bé Tường gọi điện cho biết, bác sĩ đã trả em về với gia đình. Nói theo kiểu người Việt, thì "bác sĩ đã chê". Chưa kịp hỏi han gì thêm, thì bây giờ nhìn thấy entry "Chia tay em Tường" trên blog Sầu riêng (NNT). Vậy là đúng rồi.

Vậy mà tôi nhớ hồi em Tường mới vào bệnh viện, mọi người lo lắng vậy, cả những người ở nước ngoài, tôi cũng đến 2, 3 lần, nhưng lần nào vào vẫn thấy mọi việc y như thế. Vẫn nằm lây lất trong phòng chật cứng, ngày uống vài viên thuốc giảm đau, băng bông sơ xịa, khối u của em thì nhiễm trùng mủ máu trông phát sợ, mà y bác sĩ thì dửng dưng, ra quyết định kiểu ... tà tà cầm chừng, hình như để luyện thêm tính kiên nhẫn của người Việt ta, vốn cũng đã kiên nhẫn lắm rồi, có lẽ phải đứng đầu thế giới chăng?

Còn bây giờ thì, sau một hồi nằm bệnh viện lê la, chữa trị cầm chừng, thì phán quyết đưa ra là: It's too late now. Mà có phải là không có tiền đâu? Tôi biết em Tường cũng được mọi người giúp đỡ kha khá.

Ôi, còn biết nói gì đây?

Sao mà tôi căm ghét cụm từ "sorry, it's too late" đó thế không biết? Mà dường như lúc này ở VN mọi việc cứ rơi vào tình trạng too late một cách thường xuyên thì phải? Tôi mới đọc đâu trên báo về vụ 2 thanh niên chạy xe bị va quệt, sinh sự đánh nhau, và cuối cùng thì dẫn đến ... giết người. Không tính trước, không ai chủ mưu, chỉ là nóng giận, không kiềm chế được. Bây giờ, người thì chết, kẻ đang phải chờ đợi phán quyết của tòa án. Và những giọt nước mắt của phạm nhân (còn rất trẻ, chỉ đáng con tôi). But ... it's too late!

Trước đây ít lâu, cũng có một vụ giết người khác. Cũng một thanh niên, nhưng phạm tôi giết cha. Vì cha nghiện rượu, thường xuyên say xỉn, đánh đập vợ con, vô trách nhiệm với gia đình. Tòa đã xử kẻ giết cha: tử hình! Với mục đích, supposedly, răn đe, giáo dục. Nhưng, trời ơi, phải chăng chỉ có cách ấy? Có cách nào khác không, before it's too late?

Tôi nói vậy, để tự nhắc mình, rằng vẫn còn những việc phải làm. Trước hết, là tôi có một lời hứa giúp đỡ một em khác trong BV Ung bướu. Một bé trai, 13 tuổi, bằng tuổi con gái tôi. Ung thư xương cánh tay, mà hiện nay có thể chưa có tiền chữa trị. Đã lê la ở BV Ung bướu đó lâu lắm rồi. Gần đây nhất, cách đây khoảng vài ba tuần, ba của em cho tôi biết, bác sĩ nói không thể hóa trị nữa, chỉ còn cách mổ bỏ cánh tay đi. Em còn đang đi học, và cũng là cánh tay phải đắc lực đỡ đần cha mẹ trong việc làm đồng (child abuse đấy, theo tiêu chuẩn đạo đức của phương Tây).

Mủi lòng, đặc biệt vì lúc ấy cùng là bệnh nhi với nhau nhưng bé Tường do có lời kêu gọi của NNT nên có nhiều người quan tâm giúp đỡ, cha con em (Ngô Nhum là cha, Ngô Nhơn là con) thì chẳng có ai hỏi han gì đến, nên tôi cũng đã hứa, có gì thì cho tôi biết. Thế mà rồi tôi vẫn chưa làm gì, vì bận rộn, đi công tác, đi làm, việc nhà việc cơ quan...

Hãy làm một cái gì đó đi, before it's too late, nghe PA! Hãy làm một cái gì đó tốt, cho một người nào đó mà mình biết, cho người thân, cho người quen, và cho cả người không quen nữa. Đất nước này đang quá cần những bàn tay góp sức, để bớt đi những câu nói bàng hoàng: It's too late now!

Vâng, hãy làm một điều tốt, before it's too late. Đừng trách móc nữa, rằng tại sao những người có chức trọng quyền cao, tiền rừng bạc bể, tại sao họ lại không làm gì hết, để mọi việc đến nỗi quá trễ như vậy. Thôi, họ là như thế đấy. Mình tự lo cho mình thôi!

Before it's too late!

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2010

"Nam ông mộng lục" và nhân tài đất Việt

Hình ngôi chùa Tú Phong tại Bắc Kinh nơi có tấm bia ghi bài văn bia do Hồ Nguyên Trừng soạn. Tự hỏi: nếu bia này ở VN thì liệu đến nay nó có còn không nhỉ? Hình này và hình dưới lấy ở đây:http://www.lyhocdongphuong.org.vn/diendan/lofiversion/index.php/t15177.html

"Nam ông mộng lục", cuốn sách ghi chép lại những điều còn lại trong trí nhớ xa xưa, giống như trong cõi mộng, của một ông già nước Nam.

Là ai thế? Đó là Hồ Nguyên Trừng, con trai đầu tiên của Hồ Quý Ly, anh của Hồ Hán Thương, hai vị vua nhà Hồ, một triều đại hết sức ngắn ngủi trong lịch sử VN. Tôi vẫn nhớ khi học lớp 7, lớp 8 gì đó ở trường Gia Long, cô giáo dạy Sử của tôi đã nói một câu mà tôi mãi không quên: "Nhà Hồ thực ra có nhiều cải cách quan trọng, nhưng vì không được dân chúng ủng hộ, nên đã không thành công."

Vì sao mà cải cách quan trọng nhưng dân chúng lại không ủng hộ? Cô giáo tôi hồi ấy nói như sau, đại khái là: người Việt xưa nay vẫn có truyền thống tôn sùng những người đánh giặc ngoại xâm, giữ nước, nhưng không chú trọng việc xây dựng đất nước. Nên những đóng góp của nhà Hồ không được đánh giá đúng mức.

Tại sao mà hôm nay tôi lại quan tâm đến vấn đề lịch sử xa xưa ấy? Đó cũng là câu hỏi mà Khuê Vũ mới đưa ra khi thấy tôi bắt đầu entry này. Câu trả lời thật đơn giản: Vì hôm nay trên báo Thanh Niên có đăng bài "Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly", có nhắc đến Hồ Nguyên Trừng với tài đúc súng, khi bị nhà Minh bắt thì ông không những không bị giết mà còn được trọng dụng. Hình như ông làm đến tận chức Thượng thư = bộ trưởng, sống suốt cuộc đời còn lại sau khi nhà Hồ mất và sau đó qua đời ở bên Tàu. Hiện nay, nơi có ngôi mộ của ông nay đang sắp bị lấy để làm nơi đua ngựa, hình như thế.

Ai muốn biết nhiều hơn về Hồ Nguyên Trừng nói riêng và nhà Hồ nói chung, chỉ cần google, sẽ có hết (riêng độ chính xác của các thông tin thì còn phải bàn thêm). Còn tại sao mà tự nhiên vào lúc này báo Thanh Niên lại quan tâm đến nhà Hồ, thì tôi cũng không biết nốt, ai biết xin bảo cho tôi với nhé.

Tôi không phải sử gia, nên entry này tôi viết chỉ vì tôi quan tâm đến lịch sử như bất kỳ một người bình thường nào - thậm chí chỉ như một bà nội trợ - cũng có thể quan tâm: Số phận của những con người qua những biến cố lịch sử của đất nước. Và cảm thấy ngậm ngùi, vì hình như lịch sử Việt Nam luôn cho thấy mình người tài không hề hiếm, nhưng dường như chưa được sử dụng một cách tốt nhất để giúp đất nước phát triển, cũng như có được một cuộc sống tốt đẹp cho chính mình.

Trong khi đó, thì những nhân tài Việt lại hoàn toàn có thể phát triển tốt ở những nơi khác ngoài đất mẹ, mặc dù cõi lòng vẫn chẳng bao giờ nguôi ngoai niềm thương nhớ quê hương. Như Nam ông Hồ Nguyên Trừng mà tôi đang nhắc đến.

Xin chép lại đây lời dẫn vào cuốn sách "Nam ông mộng lục" của Hồ Nguyên Trừng. Mấy chỗ in nghiêng đậm là do tôi thêm vào để nhấn mạnh. Và cũng ngắt đoạn ra làm 3 để dễ đọc hơn.
Bài tựa Nam Ông mộng lục do chính ông viết như sau:
Bản dịch:
Sách Luận ngữ từng nói: “Trong cái xóm mười nhà, thế nào cũng có người trung tín như Khâu này vậy”, huống hồ nhân vật cõi Nam Giao từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài! Trong lời nói, việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn được ai nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao?

Nghĩ tới điểm này, tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách đặt tên là Nam Ông mộng lục, phòng khi có người đọc tới! Một là để biểu dương các mẫu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử, tuy đóng khung trong vòng truyện vặt, nhưng cũng là để góp vui những lúc vui chuyện.

Có kẻ hỏi tôi rằng: “Những người ông chép đều là người thiện, vậy thì trong các truyện bình sinh ông nghe thấy, lại chẳng có chuyện nào bất thiện ư?” Tôi trả lời họ rằng: “Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được, còn chuyện bất thiện thì không phải không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi”. Họ lại hỏi: “Sách lấy tên là mộng, ý nghĩa ở chỗ nào?” Tôi trả lời: “Nhân vật trong sách, xưa kia rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải mộng là gì? Các bậc đại nhân quân tử có thấu cho chăng? Còn hai tiếng Nam Ông thì chính là tên chữ, của Trừng tôi vậy”
.
Chỉ đọc lời dẫn thôi, cũng đủ tưởng tượng ra một ông già đau đáu niềm thương nhớ quê nhà, cặm cụi ngồi ghi chép những kỷ niệm - như những mộng tưởng - về quê hương cũ. Ai muốn đọc thêm về Nam ông mộng lục xem Hồ Nguyên Trừng đã viết gì, xin vào đây. Và chắc là còn nhiều nguồn khác nữa, nếu chịu khó tìm.
Còn với tôi, thì câu hỏi mà tôi muốn đặt ra cho mình và cho mọi người là: Liệu có ai biết còn bao nhiêu Nam ông mộng lục khác mà chúng ta chưa biết, những Nam ông mộng lục đã được viết ra và sẽ còn được viết ra?

Và tôi lại chợt nhớ đến Ngô Bảo Châu, cùng một nỗi băn khoăn: Liệu Ngô Bảo Châu có nên về nước theo lời kêu gọi của nhà nước, để trở thành một Lê Bá Khánh Trình? Hay tốt hơn, nên làm một Hồ Nguyên Trừng, cống hiến sức lực và tài năng của mình ở xứ người, để cuối đời sẽ viết một Nam ông mộng lục khác?

Mà còn những người trở về, như Lê Bá Khánh Trình và nhiều người khác nữa, trong đó có cả tôi, về rồi thì họ ra sao, và sẽ viết gì nhỉ? À, tôi biết rồi: họ viết blog!

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Solitude


Lâu lắm rồi tôi mới đến cơ quan vào sáng sớm, mà lại là một buổi sáng trời đầy sương, như sáng hôm nay.

Bước chân xuống khỏi chiếc xe buýt đưa đón viên chức của cơ quan - chuyến xe sớm nhất trong ngày và vì thế khá vắng vẻ, đặc biệt là vì bây giờ đang là kỳ nghỉ hè - điều đầu tiên đập vào mắt tôi là đám hoa vàng nho nhỏ, xinh xinh và tươi tắn nổi bật trên thảm cỏ xanh. Và xung quanh là những hàng cây, trước đây vài tháng còn xơ xác vì nắng hạn, giờ mơn mởn, sung sức như vì được tắm táp sạch sẽ bởi những cơn mưa mùa hạ.

Bước vào căn phòng trên hành lang vắng vẻ, dường như chỉ mới có mình phòng tôi bật đèn trên cả tầng, tự nhiên tôi thấy lòng vô cùng thanh thản.

An lành! Một cảm giác mà có lẽ từ lâu lắm rồi tôi không có cơ hội để cảm nhận. Cảm giác ấy, hình như tôi chỉ có từ thời rất xa xưa - ngày xưa còn bé - hồi còn học lớp 8, lớp 9 ở trường Gia Long, vào những năm 1974, 1975. Những kỷ niệm của tôi về ngôi trường ấy có lẽ là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời. Một ngôi trường rất cổ kính, uy nghi, nằm yên trong những lùm cây xanh mướt. Cỏ, hoa, cây xanh, sân trường tĩnh lặng trong giờ học.

Từ bé, tôi đã không thích đám đông. Gặp người lạ, tôi chẳng biết nói gì, nên thường tránh. Tránh không được, bị hỏi đến, thì chỉ biết vâng dạ, và cười ngu ngơ. Nói chung, bị xem là ... quá hiền. May mà tôi học cũng khá, chứ nếu không chắc sẽ bị xem là đần, là ngu, không nói vì không có gì để nói.

Thật ra, tôi cũng biết quan sát, có chính kiến, và đặc biệt là không thích bị chỉ huy. Và mặc dù nhìn chung là nhường nhịn, thậm chí hay bị lấn lướt, nhưng thỉnh thoảng, khi cảm thấy không chịu đựng được sự quá quắt của một kẻ ăn hiếp nào đó, thì tôi cũng có thể phản ứng hết sức dữ dội, hết sức bất ngờ cho đối phương. Nhưng thời đi học ở Gia Long thì tình huống ấy nhìn chung là không xảy ra.

Và điều mà tôi cảm thấy sung sướng nhất của thời ấy, là tôi có một không gian rất rộng rãi, khoảng khoát, để mà thở, để tĩnh lặng, để ngẫm nghĩ về thơ ca, về các nhân vật lịch sử hay nhân vật văn học mà tôi biết, để say mê Cung oán ngâm khúc (tôi không thích Kiều, dường như vì mọi người ca ngọi nhiều quá rồi thì phải), để chép và thuộc thơ tiền chiến, để làm thơ, để ước mơ ... một ngày sẽ trở thành văn sĩ.

Thậm chí tôi đã viết, rất nhiều là khác. Tiếc là thời ấy tôi chẳng giữ lại gì. Tôi làm thơ, viết văn, đăng báo, thậm chí đã in chung với các tác giả khác một tập truyện thiếu nhi từ năm 25 tuổi. Lúc mới lấy chồng. Rồi sinh con đầu lòng, vẫn còn viết - lúc ấy, tôi mong mình trở thành nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, giống như Tô Hoài với những truyện về loài vật của ông. O chuột, Quê nghèo, Xóm Giếng ngày xưa ...

Rồi ào một cái, mọi sự thay đổi dồn dập cuốn đến. Để nhìn lại, cuộc sống tôi sao quá bận rộn. Và mệt mỏi. Và ngột ngạt về tinh thần.

Trong tâm lý học, người ta hay nhắc đến những người hướng ngoại và những người hướng nội. Tôi rõ ràng là hướng nội, nhưng dường như cuộc sống ngày nay không còn chỗ cho những người như thế?

Lẩn thẩn, tôi nghĩ, phải chăng các dòng tu chính là nơi dành riêng cho những con người hướng nội? Rồi lại nghĩ, các trường đại học lớn của Âu-Mỹ, đa số chúng đều có nguồn gốc từ nhà thờ, và không khí của chúng cũng rất giống một ngôi thánh đường. Tĩnh lặng và tự do.

Sự tĩnh lặng, cô đơn - solitude, tựa của entry này, mà theo tôi là rất khó dịch vì nếu dịch là cô đơn thì vẫn chưa hoàn toàn đạt; solitude là sự thanh vắng, tĩnh mịch, một mình nhưng không buồn mà trái lại, thậm chí rất vui, một niềm vui nhẹ nhàng, thanh thoát - và tự do tuyệt đối của tư duy, phải chăng đó là những điều kiện cần thiết để phát triển một nền đại học đỉnh cao?

Và đó có phải là cái mà chúng ta đang rất thiếu ở VN hiện nay, với một nền văn hóa đám đông đang áp đảo? Đám đông hỗn loạn, bát nháo, thủ lợi, ganh tỵ, bon chen... Một đám đông vô thức nhưng độc tài, nghiền nát những kẻ nào khác với nó?

Tôi đang suy nghĩ gì thế này nhỉ? Phải chăng tôi là Từ Thức đang muốn trở lại Thiên Thai?

Solitude ... Xin chép vào đây vài câu danh ngôn tôi đã chép từ những ngày đầu học đại học, khi chỉ mới mười tám, đôi mươi:

Language has created the word ‘loneliness’ to express the pain of being alone, and the word ‘solitude’ to express the glory of being alone. Paul Tillich

We live in a very tense society. We are pulled apart... and we all need to learn how to pull ourselves together.... I think that at least part of the answer lies in solitude. Helen Hayes

In solitude the mind gains strength and learns to lean upon itself.
Laurence Sterne

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Tha thứ, hay là quên?

Hình này cũng là hình chôm, trên cartoonstock. Lời 'bào chữa' duy nhất, là dù sao thì trang blog này cũng chỉ được dựng lên for personal use, và phi lợi nhuận, and (hopefully) educational!

Tôi mới vừa được bạn bè gửi cho một bức thư 'tâm tình' của một người có liên quan đến một vụ scandal dính líu đến tôi.

Thực ra, việc đó đối với tôi đã xong rồi, đến nỗi tôi đã quên - vì ai mà nhớ mấy việc đó mãi để làm gì, còn quá nhiều việc phải làm mà. Nhiều đến nỗi mấy hôm nay tôi chẳng viết entry gì mới, và hôm nay - weekend - Khue Vu, the most faithful follower of this blog, phải đề nghị tôi: "mẹ viết một cái gì mới đi, nếu không là blog của mẹ rớt hạng đấy!".

Lại phải giải thích câu nói của Khuê, kẻo chẳng ai hiểu gì. Chẳng là cách đây ít lâu, khi viết một bài về thống kê (tôi quên tựa rồi, nhưng tôi viết mẩu đó quanh đợt báo chí nói nhiều về tỷ lệ tốt nghiệp THPT khá cao của năm nay), tôi bèn tò mò tìm hiểu về page rank và sau đó tải luôn tool bar của Alexa để đo page rank lên trang web của mình.

Vì thế, hàng ngày khi vào Internet để vào blog của tôi hoặc vào bất kỳ trang nào khác thì tôi đều được cung cấp thông tin rất tiện lợi về cái popularity của trang ấy. Quả là một con số biết nói, thực vậy! Mà, mấy trang blog của tôi vừa qua lên hạng vùn vụt, vì ... nhiều scandal quá! Vậy mới biết, trong cái rủi cũng có cái may (!) ;-) (Thế nào Khuê cũng nói, "Mẹ này, đúng là bó tay chấm com!")

Bây giờ thì giải thích cái tựa. Như đã nói ở trên, một vài người bạn của tôi - có cả những người tôi chưa biết mặt - có gửi cho tôi một bức thư 'tâm tình' liên quan đến vụ scandal. Tôi đã đọc, rồi lan man nhớ lại những lời khuyên mà bạn bè đã gửi cho tôi trong những ngày đó. Trong đó, có những lời khuyên nhắc đến 'forgiveness', và một câu trong Kinh Lạy Cha. "Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Câu ấy, ai là người theo đạo Công giáo đều rất thuộc, vì nó là một trong những câu kinh được học từ thuở lên 5, lên 3. Đọc ê a, không hiểu cũng đọc. Một bài kinh đơn sơ, mà tôi cho là rất hay, và không dễ để hiểu nó, và càng không dễ để sống nó. Đặc biệt là câu mà tôi nhắc đến ở trên.

Rồi lại nhớ, lúc còn nhỏ, tôi rất thích chép danh ngôn. Trong những câu tôi đã đọc và chép, có 2 câu danh ngôn nói về sự tha thứ với ý nghĩa trái ngược nhau, và đã gây cho tôi một ấn tượng rất mạnh. Mạnh, vì cả 2 câu đều ít nhiều có lý. Tôi cứ nghĩ mãi xem câu nào đúng thực tế hơn, và câu nào là thái độ mình nên chọn để ứng xử trong cuộc đời. Hai câu ấy như thế này:

1. "Tôi có thể tha thứ, nhưng tôi không thể quên."
2. "Tôi có thể quên, nhưng tôi không thể tha thứ."


Tò mò, tôi lên mạng để tìm về tác giả của hai câu này. Không tìm thấy chính xác, nhưng tôi có tìm thấy một số câu có liên quan, bằng tiếng Anh, hơi khác những câu tôi nêu một chút. Xin chép lên đây để chia sẻ với mọi người.

"I never forgive, but I always forget." Arthur James Balfour

Chà, câu này được đây, mà hình như nó rất giống tôi thì phải! ;-)

"Forgiveness does not change the past, but it does enlarge the future." Paul Boese

Một câu rất tuyệt, thật vậy! Đó là lý do tại sao Kinh Lạy Cha lại dạy chúng ta phải tha thứ, phải không các bạn?

"Forgive all who have offended you, not for them, but for yourself." Harriet Nelson

Câu này cũng rất được, và rất đáng cho tôi làm theo. Forgive (và forget nữa), trước hết là cho mình. Cho nó khỏe, các bạn nhỉ!

"We may not know how to forgive, and we may not want to forgive; but the very fact we say we are willing to forgive begins the healing practice." Louise Hay

Nghĩa của câu này hơi giống câu ở trên, tôi nghĩ vậy.

Lại còn câu này nữa, mới ... độc chứ! Nó mâu thuẫn với những câu ở trên. Nhưng không phải là không đúng. Như thế này.

"There is no revenge so complete as forgiveness." Josh Billings

Và một quote cuối cùng:
Wrongs are often forgiven, but contempt never is. Our pride remembers it forever. It implies a discovery of weakness, which we are more careful to conceal than a crime. Many a man will confess his crimes to a friend; but I never knew a man that would tell his silly weaknesses to his most intimate one.
Lord Chesterfield
Rất đúng, và rất đáng suy nghĩ, ít ra là đối với tôi!
----
Cập nhật lúc 11:23 PM
Vì có người hỏi, nên tôi ghi luôn ở đây cho khỏi phải trả lời nhiều lần: Tôi đã cất 2 entries liên quan đến vụ scandal ầm ĩ ở đây đi rồi. Cất, chứ không xóa. Để cho mọi người có thể quên nó đi, và để thể hiện là tôi đã forgive. Nhưng không xóa, vì việc đó là có thật, và vì tôi là người hay lưu giữ các kỷ niệm, dù xấu dù tốt.

Không hiểu hành động rút xuống nhưng không xóa đi thì nó thể hiện thái độ nào trong 2 thái độ đã nêu trong 2 câu nói trái ngược nhau mà tôi đã nói ở trên, nhỉ?

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

"Đạo văn và nhân học"

Không, entry này không liên quan gì - ít ra là không liên quan trực tiếp - đến vụ scandal đạo văn mà mấy ngày nay tôi đã làm phiền bạn bè của tôi mất thì giờ theo dõi, khuyên răn, can gián, hoặc thúc đẩy ... để giúp tôi lấy lại bình tĩnh và thanh thản để làm việc bình thường đâu ạ.

Thật ra thì entry này tôi cũng không định đưa lên đây, mà đưa lên trang ncgdvn, nơi tôi dành để thể hiện con người não trái của tôi cơ. Nhưng bên ấy tôi lại đang viết dở dang một mẩu về vụ bằng dỏm quốc tế (liên quan đến vụ Irvine) nên cũng không muốn chen bài khác vào, vì nó lạc điệu. Mà ngẫm lại, để nó ở đây thì cũng tương đối hợp lý, vì có liên quan đến 'mạch văn' đang chảy trên blog này.

Nhưng 'nó' là cái gì mới được chứ? Ừ, thì là một bài báo tiếng Anh có cái tựa (well, part of it) mà tôi dùng làm tựa entry này. Rất đáng đọc, đặc biệt là trong tâm trạng hiện nay của tôi. Tựa đầy đủ tiếng Anh của nó là "Susan Blum, plagiarism, and anthropology". Trong đó, Susan Blum là tên tác giả một (vài?) cuốn sách về đạo văn, còn 2 từ còn lại, tôi đã dịch ra và đưa lên làm tựa entry này rồi đó!

Vậy có gì đáng nói? Ừ, trước hết, cách đặt tựa này rất giống phong cách của tôi, các bạn thấy không? Kết nối 2, 3 thứ linh tinh vào với nhau thành cái tựa, dường như chẳng ăn nhập gì với nhau hết. Rất ... thú vị, thực vậy, vì nó gây tò mò mà.

Mà không phải chỉ có cái tựa. Khi đọc vào, sẽ thấy bài viết có những điểm bất ngờ. Đạo văn và nhân học? Cũng có nghĩa, đạo văn chủ yếu là một vấn đề văn hóa? Tức, có những nền văn hóa, những giai đoạn lịch sử, nơi đạo văn phổ biến hơn nơi khác, lúc khác? Đúng vậy đấy!

Nếu vậy, có lẽ VN và TQ thuộc về 'văn hóa đạo văn' chăng? Ừ, đáng suy nghĩ lắm chứ?

Ai tò mò muốn đọc, xin vào đây. Còn tôi, giờ tôi phải đi ngủ!