Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

"Đạo văn và nhân học"

Không, entry này không liên quan gì - ít ra là không liên quan trực tiếp - đến vụ scandal đạo văn mà mấy ngày nay tôi đã làm phiền bạn bè của tôi mất thì giờ theo dõi, khuyên răn, can gián, hoặc thúc đẩy ... để giúp tôi lấy lại bình tĩnh và thanh thản để làm việc bình thường đâu ạ.

Thật ra thì entry này tôi cũng không định đưa lên đây, mà đưa lên trang ncgdvn, nơi tôi dành để thể hiện con người não trái của tôi cơ. Nhưng bên ấy tôi lại đang viết dở dang một mẩu về vụ bằng dỏm quốc tế (liên quan đến vụ Irvine) nên cũng không muốn chen bài khác vào, vì nó lạc điệu. Mà ngẫm lại, để nó ở đây thì cũng tương đối hợp lý, vì có liên quan đến 'mạch văn' đang chảy trên blog này.

Nhưng 'nó' là cái gì mới được chứ? Ừ, thì là một bài báo tiếng Anh có cái tựa (well, part of it) mà tôi dùng làm tựa entry này. Rất đáng đọc, đặc biệt là trong tâm trạng hiện nay của tôi. Tựa đầy đủ tiếng Anh của nó là "Susan Blum, plagiarism, and anthropology". Trong đó, Susan Blum là tên tác giả một (vài?) cuốn sách về đạo văn, còn 2 từ còn lại, tôi đã dịch ra và đưa lên làm tựa entry này rồi đó!

Vậy có gì đáng nói? Ừ, trước hết, cách đặt tựa này rất giống phong cách của tôi, các bạn thấy không? Kết nối 2, 3 thứ linh tinh vào với nhau thành cái tựa, dường như chẳng ăn nhập gì với nhau hết. Rất ... thú vị, thực vậy, vì nó gây tò mò mà.

Mà không phải chỉ có cái tựa. Khi đọc vào, sẽ thấy bài viết có những điểm bất ngờ. Đạo văn và nhân học? Cũng có nghĩa, đạo văn chủ yếu là một vấn đề văn hóa? Tức, có những nền văn hóa, những giai đoạn lịch sử, nơi đạo văn phổ biến hơn nơi khác, lúc khác? Đúng vậy đấy!

Nếu vậy, có lẽ VN và TQ thuộc về 'văn hóa đạo văn' chăng? Ừ, đáng suy nghĩ lắm chứ?

Ai tò mò muốn đọc, xin vào đây. Còn tôi, giờ tôi phải đi ngủ!

5 nhận xét:

  1. Chị P.A. ui,

    Thật ra là chúng ta có suy nghĩ hay làm đuợc một việc nào đều là chúng ta học đuợc của nguời khác chứ thật ra nếu không có những nguời khác. Nhựng nguời khác ở đây bao gồm Ông Bà, Cha Mẹ, anh chị em trong nhà, bạn học, bạn bè hay cả những nguời nào mà chúng ta đã gặp qua và tiếpxúc trong đời sống hàng ngày.

    Học thì cũng có nhiều cách học. Học chính quy đàng hòang, học lóm, học trộm của nguời khác. Như bản thân tôi đây tôi cũng đang học cách viết, cách dùng câu, chữ mới trong những trang Blog này. Cũng rất là thú vị phải không chị. Cách học này của tôi là cách học lóm, và nhiều khi cũng học trộm chữ của các bạn trên này để dùng và nhiều khi cũng để khoe với vợ con là tôi vừa học đuợc thêm từ mới của Việtnam.

    Tôi cứ suy nghĩ mài vì chị dùng chữ nhân học. Tôi không hiểu rõ chữ nhân học của VN. Có phải Nhân học là Anthropology không hả chị. Nếu đúng là Anthropology thì ừ một cái cho tôi nhớ. Thếlà tôi lại thêm đuợc một từ VN mới. Cám ơn chị nhiều.

    Bàn thêm về tựa bài "Đạo Văn Và Nhân Học." Chị dùng tựa hay quá vì chị lông cái văn hóa vào trong đó thì đích thực nó nằm ở trong bộ môn Cultural Anthropology.

    Còn VN và Trung Quốc có thuộc về "Văn Hóa Đạo Văn Không?". Cái vấn đề này tôi phải xem lại lịch sử của VN và Trung Hoa. Cái "Đạo" những câu nói lịch sử của các danh nhân thì nhiều rồi, cái muợn tên nguời khác lồng vào của mình thì cũng nhiều rồi, và cái học giả lấy bằng thật đoem nôp để thăng quan tiến chức thì cũng nhiều rồi. Còn nguời đuợc đi học tử tế, mà lại học (cho là học cao) mà lấy nguyên si của nguời làm của mình thì bây giờ tôi mới thấy có một.

    Mà mới chỉ có một hay hai vụ ở VN thôi thì chắc chưa nâng lên tầm văn hóa đuợc đâu phải không chị. Đợi thêm một vài vụ nữa thì mình có thể đi đến kết luận là nguời....đã sáng tạo ra nền V9n Hóa Đạo Văn.

    Những cái như là một lúc 300 thạc sĩ học lấy bằng dỏm hay một tá Tiến sĩ-6 tháng thì có thê nâng lên tầm "Văn Hóa Bằng Dỏm" rồi.


    Choi

    Trả lờiXóa
  2. Bác Chơi,

    Sáng ra đọc comment của bác - thực ra là 2 comments, một ở đây và một bên ncgdvn - thấy y như gặp người thân ở xa mới về, thực vậy bác ạ.

    Bác đọc mà thích entry này của em thì em thấy sung sướng lắm, vì đúng là 'tri kỷ tri âm' đó bác. Chứ thường thì em viết/nói ít người hiểu lắm, càng không thể nói là thích.

    Vì, xét theo tình cảm thì em thuộc loại trắng đen không rõ ràng, yêu mà vẫn ghét, và ghét mà vẫn yêu (vd, ghét cái xấu của người mình yêu, và yêu cái hay, cái đẹp của người mà mình có lý do để ghét) - tức là cái mà người VN hình như khó chấp nhận. Còn xét về lý trí, thì hình như đầu óc em thuộc loại phức tạp, rối rắm, hay liên tưởng lung tung, nên nói năng cũng dài dòng rườm rà, khó hiểu, không mấy ai thích.

    Entry này là một ví dụ của cái kiểu tư duy rối rắm, liên tưởng lung tung của em. Vậy mà bác đọc, hiểu em, và thích, thì nếu em không xem bác là tri âm, thì phải xem là gì bây giờ?

    Còn bây giờ thì trả lời mấy câu hỏi của bác. Vâng, nhân học là anthropology bác ạ. Ngày xưa trước năm 1975 hình như được gọi là nhân chủng học? Nhưng sau đó người ta bảo, nhân chủng học thì hẹp quá, anthropology đâu chỉ nghiên cứu về 'chủng' (race) mà về tất cả những gì liên quan đến con người. Và vì thế người ta gọi là nhân học = khoa học về con người, về loài người. Hay, phải không bác? Hay hơn từ ... uyển ngữ, em thấy thế.

    'Văn hóa đạo văn' và người có học? Bác nói làm em cũng buồn thấm thía. Bác biết không, em bị mang tiếng là khắt khe, xấu bụng, thậm chí ... đố kỵ, ghen tỵ với sự thành công của người khác, vì rất nghiêm chỉnh đòi hỏi sự tôn trọng sở hữu trí tuệ ở người khác, cũng như ở mình. Mà điều đó, xảy ra ngay cả trong những người có học, và học cao, như bác đã nói. Nên lâu lâu, buồn quá, em cứ phải tự an ủi: Ở VN nó thế! Vậy, đã phải là văn hóa chưa?

    Nhưng em không chịu cái văn hóa bằng dỏm của bác đâu. Khắp thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển, ai cũng bị mà? Em thấy giống một người nhà quê ra tỉnh lần đầu tiên, mua nhằm hàng dỏm, rẻ tiền nhưng hào nhoáng, ví dụ mua TV, mua xe gắn máy, hí hửng đem về nhà, rồi sau đó mới biết là bị gạt. Đáng thương, bác ạ. Mặc dù không loại trừ những kẻ biết mà vẫn làm. Em đang viết về cái này đấy bác ạ, ở bên ncgdvn kia kìa. Bác chờ xem nhé!

    Vài dòng linh tinh trao đổi với bác trước khi đi làm. Rất mong thường xuyên được trao đổi với bác.

    PA

    Trả lờiXóa
  3. Chào chị PA,
    Hôm nay tình cờ tôi vào google, rồi gõ vài chữ để tìm tài liệu về đạo văn và thấy được entry này của chị.
    Tôi đã đọc hết các entry liên quan đến việc chị bị đạo văn và nhận thấy chị đúng là một nhà khoa học chân chính, có trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình.
    Tôi nghĩ ở VN chắc chắn cũng có nhiều người bị đạo văn như chị lắm nhưng có lẽ họ chưa thể nói và cũng chưa chắc đã dám nói ra được như chị đâu vì lý do tình cảm, hoặc ngại đụng với pháp luật, hay một vấn đề nào khác mà tôi chưa biết.
    Tôi cũng chắc chắn một điều rằng ở VN không thiếu những người đã và đang đạo văn giống người chị đã nêu.
    Vậy đâu là nguyên nhân của việc này??? Có lẽ sẽ thật kinh khủng nếu 1 xã hội toàn người đạo văn!!! :(

    VT

    Trả lờiXóa
  4. Chào VT,

    Từ viết tắt VT làm tôi ngờ ngợ nghĩ đến một cái tên tôi quen, nhưng không biết có phải không? Thôi thì ở đây thực mà ảo, ảo mà thực, thì tôi đành gọi bạn là bạn VT nhé.

    Tôi cũng đồng ý với điều bạn nêu, tức ở VN khá nhiều người bị đạo văn nhưng không nói ra vì nhiều lý do. Và chính vì điều này mà tôi hơi bị dằn vặt, không biết nên chọn làm điều mình tin là đúng mặc dù khác người, hay nên làm điều giống mọi người (để được cộng đồng chấp nhận, được tiếng hiền lành tốt bụng), dù điều đó là điều trái ngược với hệ thống giá trị của mình.

    Và câu hỏi bạn nêu cũng rất hay: đâu là nguyên nhân? Một đề tài thú vị, mà tôi không tin là tôi có thể tìm được một câu trả lời trọn vẹn, nhưng thôi cũng sẽ cố tìm hiểu.

    Vậy khi tôi tìm hiểu tới đâu thì sẽ viết lên đây để trao đổi với mọi người nhé!

    PA

    Trả lờiXóa
  5. Dear 凱許倫,

    Ồ, tôi bắt đầu nghi ngờ bạn là một người biết đọc tiếng Việt rồi đấy. Vì những comment của bạn make good sense.

    Thank you!

    Trả lờiXóa