Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

IQ cao và EQ thấp?

Như đã nói trong một entry trước trên blog này của tôi, tôi đang theo dõi cuộc tranh luận trên báo PLTP về trường chuyên, và rất muốn tham gia, nhưng còn đang quá bận (vì lúc này là mùa tuyển sinh đại học, mà năm nay dường như có nhiều vấn đề quá!)

Cuộc tranh luận ấy cho đến nay ngày càng bộc lộ ra nhiều khía cạnh thú vị, đến nỗi có lẽ một lúc nào đấy tôi cũng sẽ phải tham gia cho ... xôm tụ! ;-) Vì tôi cũng có quan điểm về vấn đề này, nhưng ngoài việc bận rộn ra, còn đang chần chừ vì dường như chúng ta đang ở trong một cuộc tranh luận khá giống như học sinh đi thi trắc nghiệm, tức là "đúng vì lý do sai, và sai vì lý do đúng"!

Nói thêm cho rõ: khi đi thi trắc nghiệm, bao giờ cũng có nguy cơ là một thí sinh không biết gì nhưng chọn đại, hoặc quay cóp, và may mắn chọn được câu đúng; ngược lại, nếu câu trắc nghiệm thiếu chuyên nghiệp, thì thí sinh giỏi lại đọc ra nhiều hơn ý định của người ra đề, vì thế có thế chọn câu trả lời sai! Cái này trong "giáo văn" ('education literature', tôi chưa thấy ai dịch là giáo văn cả nhưng thấy cần có một từ tương đương với khái niệm 'y văn' - medical literature - trong giáo dục) nêu thường xuyên lắm, ai có học sơ qua về trắc nghiệm khách quan đều rõ.

Quay lại cuộc tranh luận. Hôm nay tôi đọc thấy trên PLTP bài PV TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện NCGD của ĐHSP, nơi đã thực hiện cuộc nghiên cứu về trường chuyên cách đây ít lâu. Nhìn chung, tôi đồng ý với những ý kiến mà TS Dung nêu ra, nhưng rất tò mò về căn cứ của những kết luận đại khái như "học sinh trường chuyên IQ cao, EQ thấp". Xin trích nguyên văn một câu trong bài phỏng vấn:

Khi nghiên cứu về thái độ của học sinh trường chuyên, chúng tôi có làm một so sánh với học sinh trường THPT đại trà, cho thấy chỉ số EQ của học sinh chuyên thấp hơn chỉ số IQ của chính mình nhưng không thấp lắm.

Tôi nghĩ, từ việc khảo sát và so sánh một (vài) trường chuyên với một (vài) trường đại trà cụ thể và nhận thấy điều mà TS Dung vừa nêu về các em hs ở các trường cụ thể này, đến việc đưa ra kết luận rằng trường chuyên làm cho học sinh bị EQ thấp (well, thấp hơn IQ của chính các em!!!!) có lẽ là một sự khái quát hóa có đôi chút liều lĩnh chăng?

Tôi chưa có dịp đọc toàn văn nghiên cứu của TS Dung, nên sẽ không bình luận gì thêm, nhưng giá mà TS Dung cho công bố rộng rãi toàn văn kết quả nghiên cứu (nếu đã công bố thì tôi xin lỗi, nhưng có lẽ phạm vi tiếp cận vẫn còn hạn chế nên tôi vẫn chưa biết về các số liệu mà chỉ biết về kết luận nghe hơi có vẻ vội vã như đã nêu ở trên), trong đó nêu rõ phương pháp chọn mẫu, công cụ khảo sát, kỹ thuật phân tích, vv, thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Và có một thắc mắc xin được giải đáp:

- Như đã trích dẫn ở trên, "EQ của các em trường chuyên thấp hơn IQ của chính các em". Có sự nhầm lẫn gì ở đây không???? Tôi tưởng là đề tài so sánh EQ của hs trường chuyên với EQ của học sinh trường thường chứ?

- Nếu điều này không có gì nhầm lẫn, xin hỏi tiếp:

+ Khi so sánh với trường thường, thì EQ các em trường chuyên cao hơn hay thấp hơn?

+ Liệu có đúng không khi tôi suy diễn từ phát biểu đã trích của TS Dung ở trên rằng các em trường thường (không chuyên) có EQ cao hơn hoặc ít ra là bằng với IQ của chính các em?

+ Và như thế, có nghĩa là một người có EQ cao hơn hoặc bằng với IQ của chính mình thì tốt hơn là ngược lại?

Lý thuyết nào nói thế nhỉ? Tôi hơi bỡ ngỡ về điều này vì chưa nghe bao giờ, thật vậy! Mà, thử nghĩ xem, IQ với EQ là hai loại thông minh khác nhau, thì làm sao so sánh được để nói rằng "EQ của hs trường chuyên thấp hơn IQ của chính mình" nhỉ? Khó hiểu quá?

+ Và cuối cùng, phải chăng việc quá tập trung vào năng lực hàn lâm như ở trường chuyên đã gây ra (cause) sự suy giảm EQ của các em hs trường chuyên?

Hay, nên giải thích quan sát nói trên của TS Dung như thế này: Những ai có thiên hướng về năng lực hàn lâm (học giỏi theo kiểu trường chuyên) thì vốn đã là những người sẵn có IQ cao và EQ thấp (hơn chính mình) rồi?

Hình như giải thích mới đưa ra này hợp lý hơn, phải không? Và nó cũng phù hợp với lý thuyết, ít ra là thuyết về hướng nội (introvert) và hướng ngoại (extrovert). Hay nói theo thuyết thông minh đa diện là self-smart và people-smart.

Bận quá, nên chỉ viết đến đây thì phải ngưng lại. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi cuộc tranh luận này, và cố gắng tham gia nó, khi có chút thời gian.

Dù sao cũng cám ơn PLTP đưa ra cuộc tranh luận thú vị này! À quên, ai muốn đọc bài phỏng vấn tôi đã nêu thì đọc ở đây.

5 nhận xét:

  1. Cô xem lại một chỗ:

    "
    Như đã trích dẫn ở trên, "IQ của các em trường chuyên thấp hơn EQ của chính các em".
    "




    Chắc cô viết vội nên trích nhầm. TS Dung nói EQ của các em trường chuyên thấp hơn IQ của chính các em.

    Em nghĩ có thể hỏi thử phóng viên Quốc Việt hay TS Dung toàn văn nghiên cứu, vì phóng viên Quốc Việt có dẫn lại kết quả trong bài viết (nên chắc là đọc rồi?). Thật ra thắc mắc lớn nhất của em về nghiên cứu này là: EQ với IQ cao hay thấp thì có liên quan gì đến tên đề tài “Đánh giá chất lượng và hiệu quả giáo dục của các trường THPT chuyên tại TP.HCM"? Kết luận và mục tiêu đề tài hình như là về 2 vấn đề khác nhau?

    SGK

    Trả lờiXóa
  2. Hi Hùng,

    Ừ, cám ơn em, cô sửa lại rồi.

    Đúng là cần đọc toàn văn nghiên cứu rồi mới kết luận về giá trị của nghiên cứu đó được em ạ. Biết đâu đề tài định nghĩa "chất lượng và hiệu quả" = có IQ và EQ tương đương với nhau, hoặc có EQ cao hơn IQ, chẳng hạn?

    Cô nói đùa, nhưng thật sự là nói về những chuyện to tát như thế này thì phải rất thận trọng, nếu không thì rất dễ bị hiểu lầm em ạ! Cho nên, bình dân hóa các thông tin mang tính chuyên môn sâu để đến được với người đọc mà không bị sai sót là chuyện rất khó của giới truyền thông, thực vậy!

    PA

    PA

    Trả lờiXóa
  3. alala!Đề tài hấp dẫn đây vì nó chuyên môn quá ...vậy thì có lẽ các em thông minh thì thường vô cảm...Như vậy quý vi. phụ huynh lưu ý cứ lo nhồi nhét ép con học giỏi coi chừng như cà tửng đây.
    Lại nhớ 1 cuộc tranh luận ở Quốc hội:Vì tôi chỉ số IQ thấp nên không đồng ý đầu tư tàu cao tốc..."hihi!!!

    Trả lờiXóa
  4. IQ và EQ?

    Tôi có thắc mắc là tại sao nhiều nguời chú trọng đến IQ và EQ. Tôi nói thật khi nói về IQ ở bên này nguời ta chỉ dùng để nói đùa hay trêu chọc nhau thôi.

    Các truờng cho học bổng tòan phần không căn cứ vào IQ mà họ căn cứ trong qúa trình học tập. Họ chỉ căn cứ vào GPA và những đóng góp của các em trong các vấn đề sinh họat, community service, và leadership skills (cái này thì giáo viên vịết đề nghị.)

    Như vậy có thể thấy rõ là EQ quan trọng hơi IQ trong vấn đề tuyển sinh học bổng đại học.)

    Tôi hòan tòan đồng với câu này "Người giỏi là người biết hợp tác, chia sẻ"

    Tôi cũng mòn ghế nhà truờng, ít nhất là tôi đã ngồi trong lớp 26 năm cuộc đời rồi. Thật sự là tôi chẳng bao giờ để ý IQ mình như thế nào và thử xem mình đuợc là bao nhiêu.

    Tôi thấy cái IQ nó chẳng dính dáng gì đến cuộc sống con nguời cả.

    Ngay kinh nghiệm trong gia đình, tôi có nguời cháu gọi bằng cậu, full scholarship của MIT về Computer science, ra truờng có job cho Microsoft và tiếp tục học lấy Master rồi PhD. (chắc IQ cao lắm??? Nói chung là học giỏi lắm, cũng trắng trẻo, kính trắng, cũng xinh giai nhưn bây giờ 42 tuổi rồi vẫn ế vì tính tình kỳ lạ lắm, không thể nào có quan hệ bình thuờng với nguời chung quanh. Lúc nào cũng như nguời cõi trên.

    Nguợc lại tối cũng có một nguời cháu, drop out đại học nhưng lại rất thành công ( 1 trong 10 nguời dưới 30 mà có hàng trăm triệu US mà Foebes nêu lên (báo VN cũng trích đang lên từ năm 2002. Thâm chí báo Tuổi trẻ còn có bài trực tiếp phỏng vấn em. Tiếc thay là báo tuổi trẻ phịa ra cuộc phỏng vấn vì ngay khi tôi đọc báo tuổi trẻ tôi có dịch và email cho cháu, Cháu nói chẳng có ai phỏng vấn cả, mà cháu có biết tiếng việt đâu mà trả lời.) Cậu cháu này thì vui không thể tuởng đuợc, lúc nào cũng nói đùa và rất tình cảm. Anh em họ trong nhà mà học khá ( 3. trở lên chứ không đòi hỏi 4.)hay chơi thể thao giỏi, hay sinh họat cộng đồng mà lên báo của truờng là cậu này tặng cả auto mói tinh.

    Đưa hai thí dụ trên cho thấy cái EQ nó quan trọng thế nào.

    Tôi thì tôi chọn EQ vì IQ tôi chắc kém lắm dù là 17 tuổi đỗ tú tài 2 của Tây, còn bằng của Mỹ tốt nghiệp cái thấp nhất là 3.75.

    Cũng xin thêm là tôi chưa bao giờ đi học thêm,hay bị bắt đi học, ngọai trừ bị bắt đi học tập cải tạo.

    Các em cứ sống hồn nhiên với bạn bè, chia sẻ hạnh phúc của tuổi thơ, đừng có vội vàng chuyên mới chả không chuyên để rồi sau này lại Ế cả đấy.

    Xin các ông có trách nhiệm đừng có vì lợi ích cá nhân mà làm hỏng thêm vài thế hệ nữa. Hủy họai cả 3 thế hệ là đã qúa đủ rồi.

    Trả lờiXóa
  5. Một tình cờ thú vị, cách khoảng hơn 1 giờ 8 đây mới 8 về IQ và EQ trên blog của BS Hồ Hải, và cũng hợp để 8 cho entry này, như sau:

    "Đọc bài phỏng vấn đăng trên báo mà bác Hồ vừa giới thiệu, theo tớ qua nguyên tắc statistics cùng xã hội học, những chỉ số IQ hay EQ chỉ có giá trị nhân bản tương đối thực sự ở những xã hội ổn định lâu năm với hệ thống giáo dục trưởng thành và nghiêm túc cho 1 cá thể ngay từ khi lọt lòng trong cả 3 phương diện gia đình, học đường và xã hội. Những chỉ số ngày đã được kiểm chứng (validated) cùng với thống kê rõ ràng qua thời gian.

    Ở những môi trường cùng thực trạng của VN nói riêng và các nước đang mở mang nói chung với quá nhiều outliners cùng unpredictable scenarios..... thì có giá trị hoặc ý nghĩa gì? Hay được dùng trong những tranh luận hoặc ngụy biện của từng cá nhân? Hoặc được dùng như 1 trường phái uyển ngữ theo chiều gió?

    Ai biết 1 khảo cứu khoa học có giá trị thực tiễn nào về những chỉ số IQ hoặc EQ ở VN thì làm ơn cho tớ xin."

    Thực ra sau đó còn 8 thêm chí chút theo link này:
    https://www.blogger.com/comment.g?blogID=3415649745085421823&postID=316146801168018473&isPopup=true

    Bà 8

    Trả lờiXóa