Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2010

Tôi sợ tôi như sợ người khùng trí ...

Lại là một câu trong một bài thơ đã nằm trong trí nhớ dài hạn của tôi, và không rõ tác giả. Tôi biết bài thơ này khoảng năm 1974-1975, lúc ấy tôi 14-15 tuổi.

Xin lạc đề ở đây một chút: giống như bất kỳ một người VN nào khác của thời ấy (và có lẽ cả của bây giờ nữa), tôi không có thói quen nhớ tên tác giả, mà chỉ nhớ những câu thơ hay mà thôi. Biết là nó không phải của mình, nhưng nó của ai thì ... cảm thấy không cần biết? Chẳng hiểu tại sao thế nhỉ? Nền giáo dục của ta không dạy cho chúng ta thói quen tôn trọng sở hữu trí tuệ ngay từ bé, nên lớn lên, nếu có đạo văn, đạo nhạc, luộc sách ... thì có gì là lạ đâu kia chứ?

Quay trở lại bài thơ. Tôi chợt nhớ đến bài thơ này sau rất nhiều năm không nhớ đến nó khi tôi đọc được bài thơ Phố Phái của Nguyễn Việt Chiến đăng trên tờ Thanh Niên hôm nay ngày 4/7/2010. À mà này, ngày hôm nay là July 4th, quốc khánh Mỹ đấy nhé! Xin chúc mừng nước Mỹ, miền đất của tự do (kể cả tự do bán ... bằng giả!)

Bài thơ Phố Phái của NVC mở đầu như sau: Mùa đông chim sẻ phố bay rồi. Và chính câu thơ này đã là chiếc chìa khóa mở ngăn tủ ký ức nơi tôi cất giữ bài thơ mà tôi muốn chép lại ở đây cho tôi và mọi người, vì bài thơ ấy cũng bắt đầu hao hao như thế: Trời mùa đông chim én lạnh lùng bay....

Vâng, trời mùa đông ... Trời mùa thu ... Trời Sài Gòn đang như là vào thu, lành lạnh, bầu trời hơi âm u và nằng nặng hơi nước. Rất lạ và rất hiếm hoi với một thành phố ồn ào, náo nhiệt, nóng nực và bụi bặm, và lúc nào cũng nắng gay gắt, năng lượng mặt trời lúc nào cũng dồi dào đến độ dư sức cung cấp điện cho mọi gia đình trong sinh hoạt hàng ngày để nấu cơm, giặt giũ, tắm rửa ..., tôi nghĩ thế.

Lá vàng, hình do Ba8 cung cấp.
Đưa hình vào entry theo yêu cầu của Khuê.


Lẩn thẩn tự hỏi, vì cớ làm sao mà chẳng có ai nghĩ đến việc khai thác nguồn năng lượng này để đỡ thiếu điện, cắt điện tùm lum như thế này, tôi thực sự không hiểu. Có phải tại độc quyền chăng? Cái này, xin thôi không bàn thêm nữa, nó làm ... loãng và xấu blog này, vốn là nơi trú ẩn của tôi (và một vài thân hữu, chắc là thế). Vì chính trị và thơ có bao giờ đi được với nhau, trừ phi bạn là một "nhân tài" như Tố Hữu. Hoặc, ở một tầm thấp hơn nhiều về chính trị, là Trần Đăng Khoa.

Thôi, lan man thế đủ rồi. Bài thơ mà tôi muốn nói đến, nó ở dưới đây, chép theo trí nhớ không hoàn hảo và nghịch thường của tôi, xin mọi người thưởng thức. Và có ai nhớ tên tác giả thì xin cung cấp cho tôi với!

Nếu biết xa rồi
Trời mùa đông chim én lạnh lùng bay
Tôi đứng đó nghe ngày vui chợt tắt
Chiều thị trấn chưa vàng lên màu mắt
Sao người quên, cho nhung nhớ thêm dài?

Tôi sợ tôi như sợ người khùng trí
Không nhìn đời bằng ánh mắt nhung xanh
Trong giây phút chợt nghe hồn ngã quỵ
Tuổi tên ơi, có vỡ nát tan tành?

Trời Phong Điền chim còn bay cánh lả
Hãy về đây cho tôi ước mơ ngà
Đừng chờ mùa xuân mai vàng chín rụng
Khi linh hồn và giấc ngủ lung lay.

Và tất cả đã không còn gì nữa
Trả cho người ngày cũ để tìm quên
Dù ngày vui, dù cuộc đời chưa hết
Nhưng vết hằn đà chia cắt tuổi tên.

Thì mùa đông loài chim nào không bay?
Đã ngủ vùi chưa trong giấc mơ dài?
Người đã quên tôi, buồn lên tóc rối
Một phương trời, và cuộc sống phân hai.


Bài thơ rất hay, phải không? Với tôi, nó hay trước hết là vì nhạc điệu, trầm trầm buồn buồn. Nhìn lại bài thơ bằng con mắt "kỹ thuật" một chút, bài thơ này sử dụng đa số các từ vần bằng ở tất cả các câu cuối mỗi khổ thơ: Sao người quên, cho nhung nhớ thêm dài? (7/8 từ là vần bằng) Tuổi tên ơi, có vỡ nát tan tành? (5/8) Khi linh hồn và giấc ngủ lung lay. (6/8) Nhưng vết hằn đà chia cắt tuổi tên. (5/8) Một phương trời, và cuộc sống phân hai. (5/8) Hay lắm, như những câu nói buông lửng, buồn buồn của những cặp tình nhân khi phải lìa xa.

Chợt nhớ những câu thơ, khổ thơ sử dụng đa số vần bằng cũng rất hay của các nhà thơ tiền chiến: (Hồn lính mơ qua vài sợi tóc)/Tôi thương mà em đâu có hay? (6/7)(Quang Dũng) Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi (5/7)/Tôi mê Ly Cơ hình nhịp nhàng (6/7)/Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng (6/7)/Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi (5/7). (Xuân Diệu, hình như thế).

Những câu thơ tình, đầy tình cảm lãng mạn được chở bằng cách nói ý nhị, không thẳng thừng sống sượng như thời nay. Ấy là tôi nghĩ thế, chứ chắc thế hệ 8x, 9x thời nay sẽ nghĩ khác: Nói gì thì nói đại ra cho rồi, lòng vòng ấp úng mãi, mệt quá!

Ừ, mệt thật chứ! Đôi khi đọc lại những entry của mình, tôi cũng thấy tôi dài dòng, lòng vòng, lẩn thẩn, lăng nhăng, linh tinh thật đấy. Như một cụ già, nói năng dây cà ra dây muống. Chẳng hề quan tâm đến độc giả, viết tiểu luận môn học như thế này thì chắc chắn là bị ăn con 'zero' tròn trĩnh, thật vậy!

Nhưng có hề gì, tôi viết cho tôi thôi mà? Âu cũng là một thú tiêu khiển. Ai tìm được chút kỷ niệm, chút hương vị quê nhà, chút lạ lẫm, hoặc một chút mình trong các entry của tôi, thì tôi sẽ rất vui. Bằng không, nó chỉ là một mảnh đất con con với đầy cây cỏ dại của tâm hồn tôi, để dành riêng cho tôi, mà thôi.

Lại nhớ 2 câu thơ này của Xuân Diệu:

Lòng tôi đó một vườn hoa cháy nắng
Xin lòng người mở cửa ngó lòng tôi.

3 nhận xét:

  1. Trích "Ấy là tôi nghĩ thế, chứ chắc thế hệ 8x, 9x thời nay sẽ nghĩ khác: Nói gì thì nói đại ra cho rồi, lòng vòng ấp úng mãi, mệt quá!"

    Thế hệ 6X đã hụych tọet ra rồi chị Phuong Anh ạ. Tôi nhớ không lầm thì ngay từ khỏang đầu thập niên 70 "Nam Thanh Nư Tú" Sàigòn cũng đã tiến nhanh tiến mạnh trên đuờng tình ái rồi.

    Lý do đơn giản là tốc độ sống nhanh hơn thập niên 50s và 60s cộng thêm cái vụ Tổng Động Vịên nữa nên các anh chị không có thì giờ vòng vo tam quốc. Các cô chiêu Trưng Vuơng-Gia Long thế hệ 4x hay 5x (5x thì chỉ sinh từ 50-55) là còn chép thư Xuân diệu, Nguyễn bính. Chị Phuơng Anh là thế hệ 60x mà con chép thơ thì cũng hơi bị hiếm đấy.

    Bài thơ chị post buồn qúa. Chị nhắc kỹ thuật thơ lại còn "Bằng" làm tôi nhớ đến "Trắc".

    Bằng bằng trắc trắc bằng bằng trắc.

    Trắc trắc bằng bằng trắc trắc bằng

    (just kidding) tôi hòan tòan "Mù" về luật thơ.

    Tôi dại khờ lắm nhu ngơ lắm
    Chỉ biết chơi thôi chẳng biết gì.

    Đạo thư rồi "tếu" lại cho vui vì tôi tên là chơi.

    Toi không có ý gì đâu vì sau khi đọc bài thư buồn qúa phải góp tí cho đời vui lên.

    Chơi

    Trả lờiXóa
  2. Chào bác Chơi,

    Cám ơn đoạn thơ "chơi" của bác. Chà chà, "dân chơi" là thứ dữ lắm nghe bác! ;-)

    30x (thế hệ cha mẹ tôi), 40x (một số đàn anh và cũng là bạn bè của tôi thuộc thế hệ này, lạ không bác?), 50x (đa số bạn bè của tôi), 6x (tôi thật ra là cuối 5x, đầu 6x, nên liệt vô cái nào cũng được), hay 8x, 9x (thế hệ các con tôi) thì cũng có người này người khác bác ạ!

    Chẳng riêng gì tôi "kỳ cục", hôm qua khi đọc entry này xong đã có một em thuộc thế hệ 8x đã phản đối cái kết luận mang tính chụp mũ này của tôi bằng cách gửi cho tôi chùm thơ của một người thuộc thế hệ 8x. Có khác gì thơ 5x đâu (tôi đoán bài thơ tôi đưa lên đây là thơ 5x).

    Rất vui được đón bác ghé chơi ở khu vườn hoang (không phải vườn hoa như của Xuân Diệu) cháy nắng này!

    À mà bác là thế hệ nào nhỉ? Không quan trọng, nhưng biết đối tượng mình nói chuyện thì vẫn thấy dễ nói hơn! I mean in terms of appropriateness. Còn nếu không, thì chúng ta sẽ bình đẳng trong xưng hô bác nhỉ? Tôi, bác/tôi, anh. Chưa bao giờ xưng hô của tiếng Việt lại bình đẳng như trong thời đại Internet này, bác có thấy vậy không?

    Kính bác,

    PA

    Trả lờiXóa
  3. Thấy 2 chữ "khùng trí" tự nhiên cà tửng ngứa ngáy trongv lòng.Gởi các bác bài thơ TTKH tân thời"
    " Tôi vẫn đi bên cạnh một người,
    Dữ như sư tử của lòng tôi.
    Và từng thu chết từng thu chết.
    Vẫn sợ "vợ"hơn cả sợ trời..."
    Cà tửng hơi lạc đề,mời quý vị đọc cho đời lên hương...

    Trả lờiXóa