Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2010

Sữa tươi VN và Gabriel Marcia Marquez


Mẹ lại linh tinh nữa rồi, tôi đang mường tượng thấy Khuê, con gái tôi, lầm bầm khi đọc entry này của mẹ.

Ừ, mẹ linh tinh thì đã rõ lắm rồi. Nhưng cái sự linh tinh này nó có lý do, mà lý do cũng ... có lý lắm đấy Khuê và các bạn ạ.

Số là cách đây ít hôm tôi đọc thấy tin về bệnh dịch tả ở TP HCM. Gì chứ dịch tả là một trong 2 cái dịch mà tôi chỉ nghe tới tên là đã sợ hãi hùng rồi. Vì hồi bé học tiểu học, tôi được học về mấy loại bệnh dịch nguy hiểm cho cộng đồng, trong đó có 2 loại dịch đó. Ngoài ra còn mấy loại bệnh truyền nhiễm khác như đậu mùa, ho lao gì gì đấy, nhưng không hiểu sao dịch tả và dịch hạch là tôi thấy sợ nhất. Mà nhất là dịch tả.

Dịch tả, dân gian gọi là ... thổ tả. Vì triệu chứng của nó là "thượng thổ hạ tả", tức là trên ói, dưới ... xin lỗi, nói thẳng ra thì thô quá, xin cho tôi tôi dùng uyển ngữ (euphemism) ạ, là ... đại tiện thường xuyên và cấp kỳ, hay còn gọi là tiêu chảy cấp ấy!

Đang lo lắng và bực bội về việc tại sao đến giờ này TP HCM vẫn còn dịch tả, thì tự nhiên lại đọc thấy cái tựa entry mới của một blogger mà tôi hay đọc, BS Lê Đình Phương tự là Dr Nikonian, nhắc lại cái vụ thịt chó mắm tôm nổi cộm cách đây mấy năm, và "tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả"! Ở đây.

Đọc cái entry đó mà thấy giận. Giận cho cái sự ... mơ mơ hồ hồ, bất minh của ngôn ngữ. Ừ thì uyển ngữ là cần thiết. Nhưng mà nó cần cho những người viết tiểu thuyết, hay là viết văn lăng nhăng lảm nhảm như tôi thôi. Để tiêu khiển ấy mà.

Còn các nhà chính sách, và nhất là các nhà chuyên môn (như Bộ Y tế) thì nói năng phải cho rõ ràng, rành mạch, minh bạch, thì dân chúng mới hiểu, nghe theo và ứng xử cho nó đúng chứ!

Ví dụ, dịch tả xuất hiện thì cứ nói thẳng là dịch tả xuất hiện. Hà cớ gì lại dùng uyển ngữ, "tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả", là sao, bố ai hiểu được, hả trời?

Đang cáu, thì lại đọc được một cái tựa khác, lần này là trên google news, "Thị trường sữa tươi VN được đánh giá là không minh bạch". Á à, lại dùng uyển ngữ, bớ người ta!

Đọc ra thì mới biết google news đưa tin này là của RFA, một đài ... không mấy thân thiện với VN. Hèn chi mà viết theo kiểu ... lừa đảo, úp úp mở mở. Còn nói huỵch toẹt ra, cho nó rõ nghĩa ấy mà, thì phải viết như thế này này: Thị trường sữa tươi: Người tiêu dùng bị đánh lừa, móc túi. Ở đây này. (Tiền Phong Online). Hoặc: Sữa tươi rởm đang tung hoành (Lao Động). Hoặc ít ra là: Sữa tươi đánh đố người tiêu dùng (Dân Trí). Các bạn chỉ cần google thôi thì có mà đầy, tha hồ đọc (và tức!).

Thì ra lâu nay mình bị móc túi mà không biết! Vì nhà tôi sử dụng sản phẩm sữa tươi thường xuyên. Hừm, thời thế thổ tả gì thế này không biết?

Thời thổ tả? Cái gì thời thổ tả ấy nhỉ? À đúng rồi, "Tình yêu thời thổ tả", tác phẩm nổi tiếng của Grabriel Marcia Marquez đây mà! Love in the time of cholera, một tác phẩm vĩ đại, viết xong năm 1986 gì đó. Của tác giả Trăm năm cô đơn, cũng không kém vĩ đại.

Tôi đã đọc Tình yêu thời thổ tả, và vài cuốn sách khác của Marquez, từ thời trẻ lận! Rất hay, nhưng bây giờ quên gần hết rồi. Đọc vào cái thời còn trẻ và còn đói khổ, nhưng lại đọc sách rất nhiều - chứ không phải như lúc này, không còn đói nữa nhưng dường như cuộc sống lại nghèo nàn hơn về tinh thần?

Thế rồi đầu óc lẩn thẩn, linh tinh của tôi bắt đầu hoạt động. Rằng, bây giờ người ta không gọi thổ tả là thổ tả nữa. Mà gọi là "tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả".

Ô, thế tác phẩm của Marquez nếu lúc này mà tái bản thì sao nhỉ, phải đổi tên là "Tình yêu thời tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả" hay sao?

Bí hiểm quá! Không minh bạch! Như thị trường sữa tươi VN vậy!

Bực quá, tôi viết entry này. Và, xin lỗi quý vị, cho phép tôi nói tiếng Đức theo kiểu của tôi nhé: Đúng là cái thời tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả!!!!!

Nói xong, thấy không "đã" gì cả: nó dài quá! Xin phép được nói lại: Đúng là cái thời thổ tả!

Và xin lỗi cụ Grabriel Marcia Marquez mà tôi luôn ngưỡng mộ và yêu quý. Ai chưa biết về cụ thì đọc ở đây này.
---
Viết thêm:
Đi lang thang trên mạng lại vớ được cái này: Ẩm thực thời thổ tả. Đem link về đây cho nó khỏi lạc đàn. Ở đây này. Mọi người đọc thử nhé!

12 nhận xét:

  1. Em không đọc được Marquez, không biết vì sao. Tình cờ mấy hôm trước khi về VN em mua Love in the time of cholera ở nhà sách, nhưng chỉ đọc được một nửa. Em thích phần đầu, có nhiều đoạn về ageing rất hay. Đến phần kể chuyện yêu đương thì lại thấy mệt. :D Nhưng em lại thích một ông mà Marquez rất thích, là Kawabata. Nếu cô PA muốn đọc (lại) bản tiếng Anh (hard copy) hôm nào em gửi sách cho cô.

    SGK

    Trả lờiXóa
  2. Hi SGK,
    Không phải ai cũng thích Marquez. Thật ra ông rất khó đọc, vì có phong cách rất riêng. Nhưng ai thích thì sẽ rất thích. Và có lẽ ông chỉ thành công đến thế hệ của cô thôi (ông là 2x, tức hơn cô khá nhiều rồi), còn đến thế hệ của em thì chắc là xa quá rồi chăng?

    Còn Kawabata có lẽ cô chưa đọc. Cô ít đọc tác giả Nhật, chỉ gần đây có đọc Haruki Murakami qua bản dịch. Em có Kawwabata thì gửi cho cô đi, hard copy đúng rồi (soft ở đâu ra mà có phải không?)

    PA

    Trả lờiXóa
  3. Hì hì mượn về đăng nhe chị PA. Cám ơn nhìu nhìu!

    Trả lờiXóa
  4. À, ý em nói là hard copy của Love in the time of cholera, bản tiếng Anh. Chứ Kawabata, nhà văn Nhật đầu tiên được Nobel, thì mấy năm trước VN có xuất bản một quyển dày cộm như từ điển, có hầu hết các tác phẩm chính của ông, có điều lúc em tìm mua thì đã hết. Cuối cùng em phải mượn của bạn đọc khi về VN năm ngoái. Còn soft copy thì nhiều cô ạ, cả Kawabata, Marquez và Murakami. Có gì em gửi cô sau. Tạm thời cô đọc bài Marquez viết về Kawabata, xem như giới thiệu:
    http://sites.google.com/site/vanhocfamily/mot-truyen-ngan-cua-marcia-marquez

    SGK

    Trả lờiXóa
  5. Cậu Long ơi,
    Cậu mượn thì hân hạnh quá! Xin cậu cứ tự nhiên cho! Viết ra mà có người đọc mà thích, thì còn gì bằng cậu hỉ?

    SGK,
    Vậy em có gì thì cứ cho cô nhé! Take thì bao giờ cũng dễ mà em, give mới khó! ;-)

    PA

    Trả lờiXóa
  6. literal illness = cholera = thổ tả

    Chi so sánh độc hơn thịt chuột. Hay qúa đi thôi.
    RFA (đài Á Châu Tự Do) chuyên dùng ngôn ngữ của bên nhà đưa tin. Tôi có đặt câuhỏi vớihai anh bạn làm VOA và RFA về vấn đề xử dụng ngôn ngữ (Cholera) rồi. Câu trả lời là mục đích là để cho nguời bên VN đọc chứ không phải là để cho nguời Việt ở nuớc ngòai đọc nên phải dùng đúng ngôn ngữ thông tin của bên nhà hiện nay. Bản thân cả hai anh đều sinh tuởng ngoai bắc, di cư mà anh ta cũng nhiềukhi không hiểu nhiều danh từ mới nên đã nhiều lần phải gọi về VN hỏi các cộng tác viên để hiểu tồi mới dám viết.
    Tôi Bắc kỳ chính gốc cũng nhiều khi bó tay không hiểu ngôn ngữ truyền thông bên nhà nữa. Có lần về làng Đan thượng-Hà Đông nghe nguời già ở làng nói tiếng "Quốc Ngữ" cứ phải dạ mà không hiểu gì cả.

    Trả lờiXóa
  7. Xin lỗi có không ghi "Choi" ở cái nặc danh 06:51 July, 11.
    Không khéo lạibị rủa là "Cholera" thì chết mất.
    Choi

    Trả lờiXóa
  8. Bác Chol, ấy chết (!), bác Choi ạ,

    1. Em đùa bác tí, bác đừng có giận, hoặc ... chết mất, nghe bác! ;-)

    2. Bác lại mắng oan em rồi! Em có so sánh độc gì đâu mà bác bảo hơn thịt chuột? Chẳng là cái đầu của em nó hay liên tưởng lung tung lắm, mà nó diễn ra thế nào thì em viết y như thế thôi mà?

    Nhưng mà, chắc là em cũng mua vui cho bác (và các anh chị em khác) một vài trống canh rồi, nhỉ? Nếu thế, thì em cũng còn chút ích lợi, không đến nỗi nuôi uổng cơm! :-)

    PA

    Trả lờiXóa
  9. Vào đây là có thơ và truyện nhiều lắm

    http://vnthuquan.net/tho/
    Choi

    Trả lờiXóa
  10. Cháu cũng mới xem phim "Love in the time of cholera", một phim cũ có nhiều cảnh quay đẹp .. Đã thành bệnh dịch thì cái gì cũng đáng sợ cả, ở VN dịch tả ko làm mọi người sợ vì còn nhiều thứ bệnh dịch khác kinh khủng hơn, nặng nề hơn ..

    Trả lờiXóa
  11. Hi Vuong,
    Lâu quá mới 'gặp' lại cháu. Cháu khỏe không?

    "Còn nhiều bệnh dịch khác kinh khủng hơn, nặng nề hơn" --> buồn thế, cháu nhỉ?

    Một xã hội văn minh là xã hội có cơ chế tự sửa để không xảy ra các dịch bệnh, các tình trạng không còn khống chế được. VN chừng nào có cái đó đây?

    Hay dịch bệnh đang trở thành một chuyện ngày thường ở huyện ... VN?

    PA

    Trả lờiXóa
  12. Entry của mẹ viết tếu thiệt. Con thích nhất khúc này: "[...]Bực quá, tôi viết entry này. Và, xin lỗi quý vị, cho phép tôi nói tiếng Đức theo kiểu của tôi nhé: Đúng là cái thời tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả!!!!!

    Nói xong, thấy không "đã" gì cả: nó dài quá! Xin phép được nói lại: Đúng là cái thời thổ tả!" Có vụ nói ko đã xin nói lại luôn mới chịu. ^^ Hay hay ;)

    Trả lờiXóa