Tết dán câu đối
Nhập thế cục bất khả vô văn tự, (1)
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống thân danh đã đỗ tú tài
Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối.
Đối rằng :
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt. (2)
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay ?
Thưa rằng : hay thực là hay !
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài ?
Xưa nay em vẫn chịu ngài .. .. (3)
(1). Bước vào đời không thể không chữ nghĩa.
(2). Cái phẩm giá tột cùng ở cõi người là tấm tình với trăng gió.
Sự phong lưu bậc nhất trên cõi đời là cốt cách giang hồ.
(3). Câu "chịu ngài" của bà Tú hàm cả hai ý :
chịu văn chương ngài hay và chịu cái tính "ngông" của ngài nữa !
--------------------------------------------------------------------------------
Ba cái lăng nhăng
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái gì hay cái nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà !
--------------------------------------------------------------------------------
Thú cô đầu
Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay,
Cùng nhau dan díu mấy đêm ngày.
Năm canh to nhỏ tình dơi chuột,
Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây.
Êm ái cung đàn chen tiếng hát
La đà kẻ tỉnh dắt người say.
Thú vui chơi mãi mà không chán,
Vô tận kho trời hết lại vay.
--------------------------------------------------------------------------------
Tết tặng cô đầu
Ngày xuân mừng quý khách
Khi vui, lọ đàn phách !
Chuyện nở như pháo rang
Chuyện dai như chão rách,
Đổ cả bốn chân giường
Xiêu cả một bức vách !
--------------------------------------------------------------------------------
Đi hát mất ô
Đêm qua anh đến chơi đây
Giầy chân anh dận, ô tay anh cầm.
Rạng ngày sang trống canh năm
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ.
Hỏi ô, ô mất bao giờ,
Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa.
Chỉ e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình ?
--------------------------------------------------------------------------------
Không chiều đãi
Rước phải cô đào mới tẻo teo
Rác tai đà lắm sự ì èo
Cầm kì thi tửu, vui ra phá (1)
Điền sản tư cơ mấy cũng nghèo.
Bạn ác không vay mà thúc lãi (2)
Thói thành, dầu lịch cũng thành keo. (3)
Thôi thôi xin kiếu cô từ đấy
Chiều đãi thì tôi cũng .. .. váo đèo.
(1). Chuyện cô "đào non" có thói vòi tiền quá thể, nên vui hoá ra phá tán.
(2). Cô nàng như người bạn ác, thúc tiền như thúc lãi nợ.
(3). Người thị thành lịch sự cũng phải xử keo.
--------------------------------------------------------------------------------
Hỏi ông trời
Ta lên ta hỏi ông trời
Trời sinh ta ở trên đời biết chi ?
Biết chăng, cũng chẳng biết gì !
Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu (1)
Biết thuốc lá, biết chè Tầu,
Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi.
(1). Thống Bảo : một sòng bạc của Hoa Kiều.
--------------------------------------------------------------------------------
Tự đắc
Ta nghĩ như ta có dại gì ?
Ai chơi, chơi với, chẳng cần chi !
Kìa thơ tri kỉ, đàn anh nhất,
Nọ phách phong lưu, bậc thừ nhì.
Ăn mặc vẫn ra người thiệp thế,
Giang hồ cho biết bạn tương tri.
Gặp thời gặp vận nên bay nhảy
Cho thoả rằng sinh chẳng lỗi thì !
--------------------------------------------------------------------------------
Chú Mán
Phong lưu nhất ai bằng chú Mán (1)
Trong anh em chúng bạn kém thua xa.
Buổi loạn li bốn bể không nhà
Răng chẳng nhuộm, vợ chẳng lấy, lụa là chẳng mặc.
Mán chỉ làm đủ tiền tiêu vặt
Khi cao lâu, khi cà phê, khi nước đá,
khi thuốc lá, khi đủng đỉnh ngồi xe
Sự đời Mán chẳng buồn nghe.
(1) Chú Mán : một người đến ở Nam Định, làm nghề chở lợn thuê ở chợ Vị Hoàng. Nhưng tính cách có nhiều nét lạ, như một kẻ ngông và phớt đời. Tú Xương nhân lấy chú làm nhân vật trong thơ của mình.
--------------------------------------------------------------------------------
Nghèo mà vẫn vui
Kể xuất thế, ai bằng anh Mán (1)
Trải mùi đời khôn chán, giả làm ngây.
Hổ sinh ra lúc thời này,
An thân mệnh thế, giấu tay anh hùng.
Không danh cho dễ vẫy vùng
Mình không phú quí, mắt không công hầu.
Khi để chỏm, lúc cạo đầu,
Nghêu ngao câu hát nửa Tầu nửa ta.
Không đội nón, chịu màu da dãi nắng,
Chẳng nhuộm răng, để trắng dễ cười đời.
Chốn quyền môn luồn cúi mặc ai ai
Ngoài cương toả thảnh thơi ai đã biết ?
Chỉ ấm ớ, giả câm giả điếc
Cứ vui tràn khi hát khi ngâm
Trên đời mấy mặt tri âm !
(1) Tác giả muợn anh Mán để lồng cái tính cách của mình vào, tạo thành một thứ "nhân vật của thời đại" : có phẩm chất nhưng bất phùng thời, trở nên ngang tàng, kiêu hãnh và .. .. ngông.
--------------------------------------------------------------------------------
Áo bông che bạn (1)
Ai ơi, còn nhớ ai không ?
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu.
Nào ai có tiếc ai đâu ?
áo bông ai ướt khăn đầu ai khô ?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc than ngô một mình
Non non nước nước tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ .. ..
(1) Nguyễn Công Hoan đã phân tích bài thơ và khẳng định "bạn" đây là một cô gái. Các cụ phụ lão ở Vị Xuyên cũng xác nhận đây là bài thơ tình tác giả viết cho bà Hai Đích (tức bà Côn), con gái tiến sĩ Nguyễn Công Độ. Hai người yêu nhau từ hồi còn trẻ, nhưng không lấy được nhau vì gia đình ông Nghè không thuận. Mãi sau này hai người vẫn lưu luyến nhau và bài thơ này ghi lại một kỉ niệm lúc đã muộn mằn.
--------------------------------------------------------------------------------
Hoá ra dưa
Ước gì ta hoá ra dưa
Để cho người tắm nước mưa chậu đồng !
Ước gì ta hoá ra hồng
Để cho người bế người bồng trên tay !
--------------------------------------------------------------------------------
Gửi người cũ (1)
Yêu nhau chẳng lấy được nhau nào
Mình nghĩ làm sao, tớ nghĩ sao ?
Trai gái bởi tay bà mụ nặn
Vợ chồng nguyên mối chị Hằng trao (2)
Xa đi ngán nỗi lòng thương nhớ
Gần lại càng thêm dạ khát khao.
Bến Vị non Nùng xa cách mấy (3)
Mà không buộc chặt sợi tơ đào ?
(1) Tức cô Tuyết, một cô đầu Hà Nội.
(2) Tức bà Nguyệt.
(3) Bến Vị Hoàng (Nam Định) và núi Nùng (Hà Nội).
--------------------------------------------------------------------------------
Nhớ bạn phương trời (1)
Ta nhớ người xa cách núi sông
Người xa xa lắm, nhớ ta không ?
Sao đang vui vẻ ra buồn bã ?
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng !
Khi nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng,
Nỗi riêng riêng cả đến tình chung.
Tương tư lọ phải là mưa gió (2)
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.
(1) Có người nói đây là bài thơ nhớ Phan Bội Châu.
(2) Có bản chép "trai gái".
--------------------------------------------------------------------------------
Cái nhớ
Cái nhớ hình dung nó thế nào ?
Khiến người trong dạ ngẩn ngơ sao !
Biết nhau cho lắm thêm buồn nhỉ
Để khách bên trời dạ ước ao !
--------------------------------------------------------------------------------
Hỏi ông trăng
Ta lên ta hỏi ông trăng
Hoạ là ông có biết chăng sự đời !
Ông cao ông ở trên trời
Mà ông soi khắp nước người nước ta.
Năm châu cũng một ông mà
Kể riêng thì lại mỗi nhà mỗi ông.
--------------------------------------------------------------------------------
Chiêm bao
Bỗng thấy chiêm bao thấy những người
Thấy người nói nói lại cười cười.
Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng
Mộng thế thì bằng tỉnh mấy mươi.
--------------------------------------------------------------------------------
Văn tế sống vợ (1)
Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ
Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ (2)
Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn ?
Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một bệnh hay gàn hay dở.
Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười
Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ (3)
Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai
Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ.
Ông (4) tu tác cửa cao nhà rộng, phó mặc tay dâu,
Anh (5) lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ
Thế mà:
Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở
Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở.
Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen ?
Hay mình thấy tớ : sáng Tràng Lạc, tối Vĩễn Lai, mà lòng mình sợ ? (6)
Thôi thôi chết quách yên mồ, sống càng nặng nợ
Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ (7) ngày khác sẽ hay,
Duyên trăm năm ông Nguyệt xe dây, kiếp này đã lỡ.
Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển Bồng Hồ, (8)
Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ.
(1) Nhà thơ chơi bời phòng túng, tốn tiền, bà Tú giận doạ tự tử. Nhà thơ nhân đó làm bài văn tế này bày tỏ nỗi cảm thông với vợ.
(2) ý nói được sao hay vậy.
(3) Tức thật thà thẳng thắn, không thớ lợ.
(4) Ông: tức cha của nhà thơ.
(5) Anh : tức nhà thơ
(6) Hàng Thao (Nam Định), phố Giấy (Hà Nội), có nhà hát cô đàu nổi tiếng.
Tràng Lạc, Viễn Lai : Hai hiệu cao lâu nổi tiếng ở Nam Định.
(7) Một mơ ước "viễn tưởng".
(8) Các chốn tiên cảnh (thần thoại Trung Hoa)
--------------------------------------------------------------------------------
Phú thầy đồ dạy học
Thầy đồ thầy đạc
Dạy học dạy hành
Vài quyển sách nát
Dăm thằng trẻ ranh
Văn có hay đã đỗ làm quan, võng điều võng tía,
Số có giỏi đã ra giúp nước, khố đỏ khố xanh.
ý hẳn thầy văn dốt vũ dát, vả lại vừa gàn vừa dở,
Cho nên thầy lẩn quẩn loanh quanh.
Trông thầy
Con người phong nhã
ở chốn thị thành,
Râu rậm bằng chổi
Đầu to tày giành.
Cũng lắm phen đi đó đi đây, thất diên bát đảo,
Cũng nhiều lúc chơi liều chơi lĩnh, tứ đốm tam khoanh.
Nhà lính tính quan, ăn rặt những lạp xường, mặc rặt những quần vân áo xuyến,
Đất lề quê thói, chỗ ngồi cũng án thư, bàn độc, ngoài hiên cũng cánh xếp mành mành.
Gần có một mụ
Sinh được bốn anh :
Tên Uông, tên Bái
Tên Bột, tên Bành.
Mẹ muốn con hay, rắp một nỗi biển cờ mũ áo,
Chủ rước thầy học, tính đủ tiền chè rượu cơm canh.
Chọnh ngày lễ bái
Mở cửa tập tành.
Thầy ngồi chễm chệ
Trò đứng xung quanh.
Dạy câu Kiều lẩy,
Dạy khúc lí kinh
Dạy những khi xuống ngựa lên xe, đứng ngồi phải phép,
Dạy những lúc cao lâu chiếu hát, ăn nói cho sành .. .. (1)
(1) Đủ thấy "chương trình" dạy của thầy đồ có một không hai này "phá cách" đến mức nào !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét