Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Người TQ xấu xí (5): "Quan trường"

Có một người bạn gửi mail hỏi tôi, định viết loạt bài Người TQ (người VN?) xấu xí này đến bao giờ thì dừng lại?

Bao giờ ư? Tôi cũng không rõ là bao giờ, vì thực ra chẳng có ý định gì. Thấy cái gì hay hay thì trích lên thôi mà. Chỉ là để chia sẻ với các bạn chưa đọc cuốn sách này. Hoặc đã đọc rồi, nhưng vẫn muốn đọc lại.

Và cũng cám ơn các bạn đã gửi comments - Secret Garden, Trang La, và cuadong. Tôi đang trong giai đoạn ... làm biếng và mệt mỏi quá, nên không có comments để trả lời các bạn được, rất xin lỗi các bạn. Nhưng vẫn hiểu nhận và đọc comments luôn là một phần thưởng của người viết blog, vì biết là có người cùng chia sẻ những suy nghĩ được viết ra của mình. Và đó là lý do của mấy dòng cám ơn này.

Bây giờ thì xin mời các bạn đọc tiếp nhé, bài viết về quan trường của TQ. Chẳng biết các bạn nghĩ sao, chứ tôi đọc mà thấy rùng mình kinh sợ cho cái quan trường của TQ thời phong kiến (chẳng biết thời nay thì thế nào nhỉ, chắc là ... cũng rứa mà thôi!) Và đặc biệt còn kinh sợ hơn vì cái chế độ quan trường ấy hiện nay vẫn tồn tại nghiễm nhiên, rõ mồn một, và hình như đang có đà ngày càng phát triển tại VN.

Tôi hy vọng là tôi nói sai. Vì nếu quả như tôi nghĩ, thì thử hỏi, VN sẽ phát triển như thế nào nhỉ?

----
Chúng ta phát hiện được trong lịch sử Trung Quốc một hiện tượng kỳ quái mà các nước khác không có, đó là chế độ khoa cử, hay gọi tắt là "Quan trường".

Nhật Bản hấp thụ văn hóa Trung Quốc một cách toàn diện. Không cái gì Trung Quốc có mà họ không từng tiếp nhận, từ cái nhỏ như manh chiếu (Tatami), đôi guốc (Geta), đến cái lớn như chế độ, tổ chức chính trị, v.v.., nhưng chỉ có một điểm mà họ không tiếp nhận, mà điểm này đã giúp họ trở thành một nước hùng cường rất nhanh chóng trong thời Minh Trị Duy Tân, đó là chế độ khoa cử.

Chế độ khoa cử Trung Quốc cũng có những tác dụng tốt, nhưng lại đẻ ra "vấn đề quan trường". Quan trường là một cái mạng nhện kỳ quái, nhìn thì không thấy, sờ không đụng, nhưng lúc bị rơi vào rồi mới biết. Ta không thể dùng chữ Bureaucrats tiếng Anh để dịch chữ "quan liêu" trong tiếng Trung Quốc được, bởi chữ này không lột tả hết được cái đặc trưng của nó. Quan liêu chẳng trung thành với quốc gia, lãnh tụ gì cả, chỉ tận tâm tận lực với kẻ cất nhắc nó lên làm quan. Các triều đại Trung Quốc có thể thay đổi, song quan trường vẫn thế.

Người Mãn Thanh sở dĩ thống trị được người Tây Tạng, người Mông Cổ, người Hán vì biết nhắm vào nhược điểm của các dân tộc này.

Đối với người Tây Tạng họ dùng đạo Lạt-ma, mời những tăng lữ lạt-ma đến Bắc Kinh và đối xử với họ cực kỳ cung kính.

Đối với người Mông Cổ thì họ dùng thủ đoạn hôn nhân, gả những công chúa cho những hoàng tử Mông Cổ, con cái lai sinh ra thành ra con cháu của mình, đem chúng nuôi dưỡng ở cung đình nhà Thanh. Các vương tử đó một khi lớn lên không thể nào phản lại chú bác cô dì của chúng.

Trong khi đó công chúa Mãn Châu không bao giờ lấy người Hán. Người Mãn Châu trị người Hán bằng phương pháp khoa cử. Họ biết người Trung Quốc có cái khuyết điểm là thích làm quan. Nếu tôi cho anh cái hy vọng được làm quan thì anh có thể ngoan ngoãn đem giao ngay hết cả ý thức dân tộc lẫn phẩm giá con người.

Sở dĩ "Quan trường" có cái bộ mặt của các xã hội thần bí vì nó mang những tiêu chuẩn cư xử và những quan niệm về giá trị rất đặc thù.

Nó không trung thành với vua, vua thay thì nó vẫn làm quan. Nó cũng không sợ mất nước, nước mất, chỉ cần nó vẫn được làm quan thì nó vẫn làm. Cái xã hội ăn chơi, phù hoa là nơi các quan ra oai, tự nhiên hình thành một hệ thống tương hỗ bao che giữa các quan với nhau - một quan hệ vô cùng phức tạp.

Quyển sách "Quan trường hiện hình ký" là một quyển sách phân tích cái cấu trúc của chế độ quan trường Trung Quốc dưới cặp mắt nghiên cứu những vấn đề xã hội. Bởi vì từ khi quan trường được thiết lập, những quan hệ giữa người với người tại Trung Quốc càng trở nên tinh xảo. Các vị ở Mỹ lâu năm có thấy rằng cái quan hệ giữa con người ở Mỹ so với Trung Quốc thì quá đơn thuần không?

Ở Trung Quốc có một câu nói: "Làm việc thì dễ, làm người thì khó!". Làm người là thế nào nhỉ? Tức là làm sao cho cái quan hệ giữa con người với nhau được tốt đẹp.

Có một vở Kinh kịch (kịch Bắc Kinh) nhan đề "Thẩm đầu thích thang" (khám đầu tìm kẻ giết ông Thang) trong đó có một quan tòa, một vị bồi thẩm và một góa phụ nhan sắc xinh đẹp mà chồng vừa bị mưu sát. Trong phiên tòa người đàn bà góa ôm một đầu người đứng khóc.

Nhiệm vụ của tòa là phải xác minh xem đấy là đầu của ai. Nếu đúng là đầu của chồng bà ta thì vụ án xem như có thể kết thúc. Nhưng nếu là đầu của một người khác thì vụ án này còn liên quan đến rất nhiều người, và có thể sẽ còn nhiều người khác sẽ chết. Ông bồi thẩm có ý thích người đàn bà góa trẻ đẹp này, và bà này cũng ra ám hiệu cho ông ta biết là bà ta sẽ ưng thuận tái giá với ông ấy, nên ông này một mực rằng đấy là đầu của chồng bà ta. Nhưng sau khi xem chừng vụ án có vẻ xong xuôi, bà góa bèn tỏ ý không muốn lấy ông bồi thẩm nữa. Ông này cũng lập tức quay phắt ra nhất quyết bảo cái đầu ấy lại không phải là của chồng bà ta nữa. Vở kịch này tiêu biểu cho cái phản phúc trong quan hệ quan trường của người Trung Quốc chúng ta. Đầu thật, đầu giả cho đến phút cuối cùng cũng không ai có thể biết như thế nào.

Tôi nghĩ rằng trong chúng ta nhiều người đã về làm việc ở Trung Quốc hoặc sẽ về làm việc trong tương lai, tôi tin chắc khó khăn các vị gặp phải thường không dính dáng đến bản thân công việc, mà dính đến những người cùng làm việc với các vị.

Nói ví dụ anh làm việc ở một lò nguyên tử. Anh có biết gì về nguyên tử hay không, đó là một vấn đề thuộc công việc. Nhưng sẽ rầy rà to nếu một hôm anh cần một đinh ốc cho lò phản ứng mà người quản lý ốc vít lại nghỉ việc. Anh ta bị ốm, đương nhiên xin nghỉ, anh không thể cấm người ta ốm được. Nhưng sự thật anh ta lại không hề cảm cúm gì cả, chỉ nghỉ để đi đánh mạc chược? Tại sao?

Bởi vì quan hệ giữa anh và người ấy không được tốt đẹp. Cái lò nguyên tử của anh có hoạt động được hay không, thậm chí có bị nổ tung đi nữa, cái việc ấy người đó cũng cóc cần. Nếu anh bảo nước nhà bị thiệt hại thì cũng kệ, tôi cứ việc quan tôi làm.

Đó là cái đầu óc quan trường tích lũy từ mấy nghìn năm, một chứng bệnh vẫn còn duy trì đến cuộc Bắc Phạt của quân Cách mạng Quốc dân năm 1928.

Về mặt quân sự, trong khi quân đội đánh dẹp các sứ quân ở miền Bắc, thì về mặt chính trị cái chất độc của quan trường lại tràn xuống miền Nam. Trước kia giữa những đồng chí cách mạng tình cảm rất trong sáng, nhưng khi đã bị cuốn hút vào giới quan trường bỗng trở thành phức tạp ghê gớm, phức tạp đến độ một người lành mạnh không thể nào chịu nổi.

Cái quan hệ giữa con người với nhau trở thành một loại keo dính đến độ hễ dán vào rồi là không thể nào gỡ ra được nữa. Có ai trong các vị thấy điều đó khi về nước không?

Lấy một ví dụ khi anh về nước, bạn bè mời anh đi ăn cơm, anh dám cả gan từ chối thì tình bạn sẽ từ đó bị sổ toẹt ngay. Đó là đặc tính của quan trường, nó làm cho quan hệ con người trở nên khúc mắc ghê gớm. Tại sao lại như thế ? Tại sao anh ta phải xử sự như vậy? Bởi vì làm như thế thì cái địa vị của anh ta mới càng thêm vững chắc.

Tôi có một người bạn về Đài Loan được một người chưa hề quen mời ăn cơm. Sau khi ăn xong, người này mới nhờ anh đem dùm về Mỹ một món đồ. Người này làm ra vẻ nhờ vả rất tự nhiên, như thể bạn bè vẫn thường giúp đỡ nhau chứ không phải đánh đổi một bữa cơm để lấy chuyện đưa đồ.

Cái hiện tượng quan trường là như vậy, giống kiểu anh làm lò nguyên tử, cái lò phản ứng hạt nhân này rất nguy hiểm không phải ai cũng mó vào được. Nhưng người nọ lại cho rằng đã là bạn bè với nhau cho anh ta sờ đến một cái thì đã sao.

Thường thường một người trước khi làm quan và sau khi được làm quan là hai loại người khác nhau. Thật ra nói như vậy không lô-gíc. Chỉ có thể nói rằng hễ cái "quan tính" của một người càng hưng thịnh thì cái nhân tính của người đó càng biến mất đi. Không còn nhân tính nữa, chỉ còn cái quan tính lúc làm quan. Cho đến một ngày tất phải về hưu, lúc đó cái nhân tính may ra mới hồi phục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét