Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Người TQ xấu xí (6): "Tâm khẩu bất đồng"

Tâm khẩu bất đồng là cách nói của người TQ để chỉ cái mà người VN ta gọi là "nói vậy mà không phải vậy".

Nói vậy mà không phải vậy có lẽ là một trong những thói quen gây cho người phương Tây sự khó chịu lớn nhất khi làm việc với người Á Đông, trong đó có VN. Vì nó làm cho người ta rất mất thì giờ, đưa ra câu hỏi để mong nhận được câu trả lời thực, nhưng lại nhận được câu trả lời hoặc trái ngược với sự thật, hoặc lập lờ, ỡm ờ, chẳng ra có cũng chẳng ra không.

Tại sao lại như thế nhỉ? Tôi không rõ, nhưng tự nghĩ rằng đấy là một biểu hiện của đạo đức giả. Nguyên nhân của nó có thể chính là sự dề cao quá mức những giá trị "đạo đức" của thời phong kiến do Khổng tử để lại - chẳng hạn như, phải khiêm tốn, phải quan tâm đến người khác, không được tỏ ra quan tâm đến chính mình vì như thế là ích kỷ, và còn nhiều nhiều những giá trị khác nữa, như "công, dung, ngôn, hạnh" của phụ nữ, "cần, kiệm, liêm, chính" của người công bộc, "nhân, trí, dũng" của kẻ anh hùng ...

Những giá trị đạo đức này không phải là không tốt, nhưng cũng giống như căn bệnh thành tích trong giáo dục của VN, người ta đưa ra những đòi hỏi thiếu khả thi tế bất chấp khả năng đáp ứng của thực tế, và cứ thế áp đặt xuống cho tất cả mọi người. Tuyệt đối không chấp nhận bất kỳ sự trao đổi, phản bác, đóng góp và thay đổi gì cả đối với những yêu cầu đó. Ai làm khác, nói khác hoặc nghĩ khác thì đều bị lên án kịch liệt, có lẽ không còn có đất sống nữa.

Trong điều kiện đó thì người ta làm gì? Ừ, thì ... nói dối, cho xong. Giống như lạm phát điểm thi, lạm phát học sinh giỏi ở VN, vậy thôi. Vì nếu báo cáo lên cấp trên rằng tỉnh của tôi học sinh kém lắm, thi TN THPT chỉ đậu có 60% thôi, thì lập tức là tôi sẽ có vấn đề ngay. Trong khi đó, nếu tôi làm gian, nói dối, thì thực ra cũng chẳng ai biết, chẳng ai kiểm tra, mà ngay lập tức tôi sẽ được tưởng thưởng vì đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu trên giao!!!! Thì thử hỏi, làm sao mà không nói dối, không gian lận, không "tâm khẩu bất đồng" cho được?

Các bạn đọc đoạn trích bên dưới nhé, đọc để thấm thía cho những cái xấu trong nền văn hóa của TQ (và ... cả của VN chăng? Thì đã có người bảo VN với TQ là "đồng chủng, đồng văn" mà lại?)

--------
Nhiều người nước ngoài [...] nói với tôi là giao thiệp với người Hoa rất khó, nói chuyện cả ngày cũng chẳng hiểu trong thâm tâm họ nghĩ gì. Tôi bảo: "Cái đó thì có gì mà kỳ quặc? Không phải chỉ người Tây phương các anh, mà ngay cả người Trung Quốc chúng tôi cũng gặp vấn đề đó".

Nói chuyện với người Trung Quốc anh phải biết quan sát sắc mặt, điệu bộ, cử chỉ, phải biết quanh co úp mở. Hỏi người nào "Anh ăn cơm chưa?", anh sẽ nghe người đó đáp "Tôi ăn rồi!" nhưng kì thực anh ta chưa ăn, cứ để ý nghe thì thấy bụng anh ta hiện đang sôi lên sùng sục.

Lại nói ví dụ về chuyện tuyển cử. Nếu là người phương Tây thì tác phong như sau: "Tôi cảm thấy tôi có khả năng giữ chức vụ đó, xin mọi người hãy bầu cho tôi!". Còn người Trung Quốc sẽ xử sự như Gia Cát Lượng lúc Lưu Bị tới cầu hiền (tam cố thảo lư). Nghĩa là nếu được mời, anh ta sẽ năm lần bảy lượt từ chối, nào là "Không được đâu! Tôi làm gì có đủ tư cách!" Kỳ thực, nếu anh tưởng thật mà đi mời người khác thì anh ta sẽ hận anh suốt đời.

Chẳng khác nào nếu anh mời tôi diễn giảng, tôi sẽ nói: "Không được đâu, tôi chẳng quen nói chuyện trước công chúng!" Nhưng nếu anh thật sự không mời tôi nữa, sau này nếu nhỡ lại gặp nhau ở Đài Bắc, có thể tôi sẽ phang cho anh một cục gạch vào đầu.

Một dân tộc hành xử theo kiểu này không biết đến bao giờ mới có thể sửa đổi được lầm lỗi của mình; sẽ còn phải dùng mười cái lỗi khác để khỏa lấp cái lỗi đầu tiên, rồi lại dùng thêm trăm cái khác để che đậy mười cái kia thôi.

Có lần tôi đến một trường đại học ở Đài Trung để thăm một vị giáo sư người Anh. Một anh bạn tôi cũng dạy cùng đại học đó chợt đến. Thấy tôi, anh nói: "Tối nay đến đằng tôi ăn cơm". Tôi đáp: "Xin lỗi, tôi còn có hẹn". Anh bảo: "Không được, nhất định phải đến". Tôi trả lời: "Được rồi, ta bàn sau". Anh lại bảo: "Nhất định phải đến đấy, xin chào!" Giữa người Trung Quốc với nhau chúng tôi hiểu rõ tâm lý của nhau. Nhưng người Tây phương lại hoàn toàn mù tịt.

Đến lúc làm việc xong, khoảng giờ cơm tối, tôi bảo: "Thôi, tôi phải về đây!" Người giáo sư Anh nói: "Ê! vừa rồi chẳng phải anh vừa hẹn với anh kia sao? Anh phải tới nhà anh ta chứ!" Tôi bảo: "Làm gì có chuyện ấy?". Ông giáo sư nói: "Anh ấy nhất định là đã làm cơm chờ anh đấy!" Người nước ngoài thật khó mà biết được cái kiểu "tâm khẩu bất đồng" này của người Trung Quốc.

Tình trạng nói trên khiến người Trung Quốc ngay từ thủa lọt lòng đã rất khốn khổ. Bởi vì mỗi ngày đều phải tìm hiểu ý tứ người khác. Nếu là bạn bè đồng lứa thì còn đỡ, nhưng nếu phải tiếp cận với những kẻ quyền thế, quan trên, kẻ có tiền, anh sẽ phải từng giây từng phút khổ công tìm hiểu đến nơi đến chốn, xem họ nghĩ gì. Cái việc này là một sự lãng phí tinh thần kinh khủng.

Cho nên có câu tục ngữ: "Tại Trung Quốc làm việc dễ, làm người khó".

Nghệ thuật "làm người" thuộc về cái "văn hóa thân mềm" (để dễ uốn cong, chui luồn, nghĩa bóng đến từ động vật thân mềm). Các vị ở nước ngoài lâu năm về lại Trung Quốc chắc biết cái sức nặng của câu này như thế nào. Làm việc thì dễ như 2 + 2 = 4, nhưng làm người khó bởi vì có khi 2 + 2 = 5 , hoặc cũng có khi = 1, hay = 853. Anh nói sự thật, nhưng người ta lại cho rằng anh công kích và muốn lật đổ chính quyền. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, nó làm cho chúng ta không thể nào thoát khỏi sự nói khoác, nói suông, nói dối, nói độc.
----
Viết thêm: Đã đọc cuốn sách này mấy lần rồi, nhưng bây giờ đọc lại đoạn trích trên, tôi vẫn thấy đáng ngán ngẩm, chỉ biết thở dài mà chẳng biết nói sao! Vì ... hình như VN mình cho đến giờ vẫn cứ như thế thì phải" "Bốn ngàn năm ta lại là ta" mà lại!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét