Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Bá Dương viết về Khổng tử và Nho giáo

Một entry về chủ đề Khổng tử và Nho giáo là điều tôi đã muốn viết từ rất lâu nhưng chưa dám viết. Chưa dám, vì biết mình chẳng có mấy hiểu biết về Khổng tử và Nho giáo, dù cũng biết rằng mình đang sống trong một nền văn hóa thấm đẫm những giá trị mà Khổng tử và Nho giáo đã để lại từ hàng nghìn năm nay. Nhưng vẫn muốn viết, vì có lẽ cũng như không ít người khác, tôi cảm thấy mặc dù di sản tinh thần mà Khổng tử và Nho giáo để lại cho chúng ta - trong đó có cả tôi nữa, tất nhiên - thật là đồ sộ, nhưng cái truyền thống văn hóa Khổng giáo này cũng rất nặng nề, ngột ngạt và gây nhiều điều tai hại.

Xét chung lại, công tâm mà nói thì thực tình tôi cũng không biết là giữa phần "công" và phần "tội" của Khổng tử và Nho giáo thì phần nào nặng hơn phần nào nữa. Riêng tôi, có lẽ vì ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây do hoàn cảnh mang lại, nên tôi thiên về quan điểm cho rằng Khổng tử mang lại những cái hại lớn hơn là những cái lợi. Tại sao ư, thực ra tôi chẳng có đủ chứng cứ và lập luận để chứng minh đâu, chỉ là cảm nhận cá nhân mà thôi.

Kỳ may là khi đọc Người TQ xấu xí của Bá Dương, tôi lại tìm thấy một đoạn nói về Khổng tử và Nho giáo. Đọc, và thấy những điều tôi muốn nói thì Bá Dương đã nói giúp hết cả rồi. Và những gì VN giống với TQ thì suy cho cùng cũng là vì giống như TQ, chúng ta đã tôn Khổng tử lên thành bậc thầy vĩ đại nhất, và có lẽ là duy nhất. Nhất nhất mọi việc chúng ta làm đều đã có đạo thánh hiền (thánh hiền đây là Khổng tử, đạo đây là đạo Nho) dạy bảo chi tiết rồi, chúng ta cứ việc theo đó mà làm thôi.

Các bạn đọc dưới đây nhé, và xem thử xem chúng ta cần tiếp thu Khổng giáo một cách có chọn lọc ra sao, để tránh trở thành "Cái vại tương" như TQ (lời của Bá Dương). Ấy vậy mà TQ hiện nay đang xây dựng hoặc hỗ trợ xây dựng rất nhiều trung tâm nghiên cứu Khổng giáo trên khắp thế giới, để mà phổ biến và xuất khẩu nền văn hóa Cái vại tương kia đến các nước (chư hầu?) đấy!

Cho nên, có học cái gì của ai thì cũng nên cảnh giác. Như nhà nước VN vẫn luôn cảnh giác với phương Tây trước nguy cơ diễn biến hòa bình. Tốt lắm, phương Tây hẳn là cũng thâm hiểm vì họ trước hết xuất phát từ lợi ích quốc gia, lợi ích cục bộ của họ. Nhưng chẳng phải nước nào cũng thế hay sao, kể cả TQ, nước láng giềng "núi liền núi, sông liền sông" (mà ranh giới lại không mấy rõ ràng nên lâu lâu báo chí của ta lại lẫn lộn địa danh, địa giới của ta thành địa danh, địa giới của TQ)? Thôi thì đó là việc của nhà nước (!), nhưng về mặt văn hóa, thì mỗi người chúng ta cũng phải tỉnh táo và cảnh giác, các bạn ạ, tôi nghĩ thế.

-------------
Tôi cho rằng Khổng Khâu (Khổng Tử) là một nhân vật vĩ đại, tri thức uyên bác, lại có một tấm lòng nhân hậu và những cống hiến lớn đối với xã hội. Cái Nho giáo do Khổng Khâu cùng những học phái Nho gia sau này lập ra đều đã ảnh hưởng đến người Trung Quốc một cách sâu rộng, và còn ảnh hưởng ngay cả đến chúng ta ngày nay. Nhưng tinh thần nhà Nho là một tinh thần bảo thủ, nói một cách nghiêm túc hơn thì nhà Nho không những rất bảo thủ mà còn phản tiến bộ.

Chữ "Nho" này vào thời Xuân Thu Chiến Quốc chỉ được dùng theo nghĩa sử dụng trong nghi lễ cúng tế. Một nhà Nho là một người hiểu biết cái trình tự cúng tế. Gặp lúc quốc gia cần các nghi lễ mới cần loại người này đóng góp ý kiến. Bản chất loại người này vốn nệ cổ. Thời đó chưa có lễ nhạc mới, phải dùng lễ nhạc thời cổ. Để có miếng cơm nhà Nho phải giữ gìn sao cho nghề nghiệp của họ được ổn định nên sinh ra thói nệ cổ. Nếu chúng ta không dùng từ nệ cổ, sùng bái những cái cũ, vì cho rằng nó có nghĩa xấu thì cũng phải bảo là họ rất bảo thủ.

Cái tinh thần bảo thủ này ở Trung Quốc đã trở thành một ý thức bền bỉ, làm cho xã hội mất hết sức sáng tạo, mất tập quán tự tìm hiểu, tự phê phán.

Bạn bè lúc nói chuyện về nước Mỹ (xin lỗi, tôi cứ múa búa trước cửa Lỗ Ban, tôi muốn nói chơi thôi, xin quý vị cứ nghe chơi chứ đừng tin thật!), có người nói về việc đàn áp chủng tộc, nào tàn sát dân da đỏ, ngược đãi da đen, kỳ thị da vàng. Tôi đã từng đi tham quan đảo Angel (En-giơn), đã được nhìn thấy chữ và những dòng thơ người Trung Quốc để lại nói lên những sầu thảm và đau khổ của đời họ.

Những khuyết điểm này của nước Mỹ có thật không? Dĩ nhiên là có thật, thậm chí còn hơn sự tưởng tượng của chúng ta nữa. Nhưng chúng ta phải lưu ý thêm một vấn đề khác, đó là đối với các khuyết điểm kia họ có khả năng sửa đổi không? Tự họ có ý thức được vấn đề không? Tình hình hiện nay so với trước có khá hơn không? Nếu không thì tiền đồ của nước này chắc chắn cũng không sáng sủa gì. Nếu có thì chúng ta phải thấy rằng đấy là một quốc gia vĩ đại, có một sức sống dồi dào.

Trước kia nước Mỹ có "cây treo cổ người", bây giờ không còn nữa. Xưa kia nước Mỹ đối với tù nhân có dùng "nhà lao nước". Bây giờ khi bắt bớ người, họ phải đọc điều thứ 9 của Hiến pháp cho người ấy. Nước Mỹ đã có những điều sai lạc, nhưng lại có năng lực sửa sai.

Nhưng dân tộc Trung Quốc chúng ta lại hoàn toàn không có năng lực này. Tình trạng nệ cổ lâu dài, không cầu tiến, bảo thủ, đã làm cho cái năng lực này tiêu tan.

-------------

Có ông thánh nói: "Biết mà không làm, không phải biết thật" (Tri nhi bất hành, bất vi chân tri). Biết và làm đều quan trọng, không kết hợp được hai cái đó với nhau thì không phải thật là biết. Hiểu được đoàn kết là sức mạnh, nhưng trong hành động lại không chịu đoàn kết thì cũng chưa thể cho là hiểu được.

Căn bệnh này không hẳn do bản tính của người Trung Quốc, mà vì mọi người ăn phải bả của bọn Nho gia học phái, rồi không tiêu hóa được. Thật ra Khổng Tử trên nguyên tắc đề xướng Chủ nghĩa cá nhân hơn là Chủ nghĩa tập đoàn. Khổng Tử thường lải nhải dậy dỗ các môn đệ, những "ông thánh bậc hai", về cái gọi là "giáo dục đại chúng". Thật ra cái giáo dục mà ông ta nói cũng chẳng khác nào số những hạt trân châu trong các vỏ trai. Phần lớn những điều dậy bảo của ông chỉ nhắm vào giáo dục cá nhân, khuyến khích chủ nghĩa cá nhân là chính.

Lý tưởng của nhà Nho cơ bản gồm hai điều:

Một là làm sao cho đám dân thường cúi mặt, cúp đuôi, không dám ngó ngàng gì đến chuyện chính trị, chuyện quốc gia đại sự, chỉ còn biết lo cho gia đình, tài sản riêng, như câu "Người khôn giữ mình" (Minh triết bảo thân), hoặc "Thức thời mới là người tài giỏi" (Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt). Đây là một cách làm cho sức đề kháng của một con người trên phương diện xã hội càng ngày càng yếu đi.

Lý tưởng thứ hai là cầu xin kẻ nắm quyền nương tay đối với dân lành vô tội, lúc đạp lên đầu họ thì đạp nhè nhẹ một tí. Nên có chữ: "Hành nhân chính", nghĩa là thi hành chính sách nhân đạo.

-------------------

Bị chủ nghĩa thực dụng chi phối, hễ có người đụng một tý vào những việc khó khăn hay mạo hiểm là người Trung Quốc liền cho rằng đó là những thằng điên.

Châm ngôn của người Trung Quốc là: "Thân nghìn vàng (của ta) không thể ngồi trong ngôi nhà sắp đổ" (Thiên kim chi tử, tọa bất thùy đường), và "Tay không đánh nhau với cọp, không thuyền mà lội bừa qua sông lớn thì có chết cũng không ai thương tiếc, nhưng ta thì không thể nào như vậy!" (Bạo hổ bằng hà, tử nhi vô hối giả, ngô bất dữ giã - lời Khổng Tử khuyên Tử Lộ là học trò lỗ mãng).

Trên thế giới này biết bao việc mạo hiểm như nhảy dù từ trên không, đi thuyền qua thác nước, đi mô-tô qua tường lửa,v.v... đó chỉ là những thứ của mấy thằng khờ khạo, kiến thức nông cạn.

Người Trung Quốc chân chính không thể nào làm những thứ đó. Bởi vì theo họ nghĩ, ngoài việc tìm lấy những cảm giác mạnh ra, làm những thứ đó chẳng đem lại được một lợi ích thực tế gì.
----------------
Nói một cách ngắn gọn, di sản của Khổng tử và Nho giáo là gì? Là giữ nguyên trạng, là mỗi cá nhân hãy lo cái lợi ích cá nhân của mình, còn việc lớn đã có giai cấp cầm quyền, thống trị họ lo cả rồi. Mà họ thì như trời biển, như cha mẹ, thương dân không biết để đâu cho hết, và cũng đầy uy nghi quyền bính có quyền sinh quyền sát đối với ta, tóm lại nếu ta không tận tâm tận lực làm theo họ vì yêu quý họ, thì cũng phải tận tâm tận lực vì sợ họ. Cho nên để tồn tại tốt trong xã hội thì hãy biết sợ kẻ có quyền, và biết tự lo cho mình bằng mọi cách, biết tránh xa những rủi ro, mũ ni che tai, đèn nhà ai nấy rạng, khôn lỏi, đạo đức giả (nói cho đúng sách vở, kẻo lại bị ... phiền hà). Thử hỏi, một di sản văn hóa như vậy thì bao giờ chúng ta sẽ có được một xã hội dân sự với cơ chế tự sửa sai để mà tiến bộ như phương Tây?

Ôi, sao mà di sản văn hóa của chúng ta lại nặng nề đến thế nhỉ?

Bonus: Các bạn có thể download cuốn sách của Bá Dương ở đây. Tôi mua trên mạng, đã trả tiền (rẻ thôi), các bạn sử dụng miễn phí đấy nhé!

5 nhận xét:

  1. Xin chào chị Phương Anh! Lâu lắm mới tới thăm chị. Chúc chị sức khoẻ, hạnh phúc và viết được nhiều bài có giá trị. Tôi thấy chị viết thật sắc sảo, bản lĩnh và trí tuệ. Chúc mừng chị!

    Trả lờiXóa
  2. Anh Đức thân mến,

    Cám ơn lời (quá) khen của anh, và rất vui gặp lại anh trên trang blog này.

    Tôi đang viết cho anh trong hội nghị ở Ấn Độ anh ạ. Lần đầu tiên đến đất Phật, nhiếu ấn tượng lạ lùng. Hy vọng sẽ có entry mới.

    PA

    Trả lờiXóa
  3. Hi Cô PA,

    Cám ơn cô đã viết một loạt bài về cuốn sách của Bá Dương. Hy vọng đọc xong cuốn sách này, em sẽ hiểu thêm về nền văn hóa Trung Hoa và Việt Nam.

    Quang Tiến

    Trả lờiXóa
  4. Dear Tiến,

    Thanks for your nice commment. Read the book, and share with us what you think, won't you?

    I think I will be sharing other books that I've read and like on this blog, as it seems that many readers of this blog like that.

    Cheers,

    Cô PA

    Trả lờiXóa
  5. Chúc chị có một chuyến đi thành công cả về chuyên môn lẫn tâm thức!

    Trả lờiXóa