Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Những dòng sông, những cây cầu và những cuộc chia ly

Tôi chẳng hiểu tại sao mình lại yêu những dòng sông đến thế. Mặc dù tuổi thơ của tôi chẳng gắn với một dòng sông nào để có thể gọi là dòng sông tuổi thơ, và suốt cả cuộc đời cũng chẳng sống gần một dòng sông hay thậm chí chỉ là một con rạch nào.

Ngược lại, thời nhỏ tôi có sống gần biển một thời gian, ở Phan Thiết, cho đến khi gia đình tôi dọn vào Sài Gòn lúc tôi 5 tuổi. Nhưng những năm gắn bó với miền biển hồi ấy lại chẳng để lại cho tôi ấn tượng thân thương gì cả. Chỉ thấy biển hoàn toàn xa lạ và quá dữ dội, đáng sợ.

Tôi vẫn còn nhớ lúc còn bé, bố tôi hay dẫn tôi ra bờ biển chơi, nhưng tôi chỉ ở trên bờ chứ không bao giờ dám xuống nước. Tôi sợ những con sóng cứ ập đến rồi lại cuốn ra, sợ nước biển mặn chát khi bị sặc nước, và cũng rất sợ biển nước khổng lồ màu xanh xám và mênh mông tít tắp không bờ bến. 

Lần đầu tiên tôi tự mình cảm nhận một dòng sông thực sự là năm tôi 18 tuổi, trên chiếc phà qua bắc Mỹ Thuận để về miền Tây, qua dòng sông Cửu Long mênh mông, lúc ấy khoảng 5 giờ chiều. Dòng sông thật êm, mặt sông cũng rộng mênh mông nhưng cho tôi một cảm giác êm đềm chứ không hề đe dọa như mặt biển  đối với tôi ngày còn bé. Lúc ấy là trời chiều, xa xa có những đám khói tỏa ra từ những túp nhà be bé, mặt trời chiều còn vương ít sợi nắng, mây chiều pha ráng đỏ ... Một cảnh tượng đối với tôi sao đẹp tuyệt vời, và thực sự làm tôi xúc động. 

Xúc động đến độ tôi đã thốt ra được mấy câu thơ - và sau đó được viết thành nguyên một bài, nhưng giờ thì chỉ còn nhớ láp nháp vài câu - như sau:

"Chiều buông trên dòng sông Cửu Long"
Nghe câu hát từ bao lâu thân thiết
Dòng sông xanh lần đầu ta biết
Vời vợi chiều về trên sông ...

Chiều ơi chiều về chiều buông trên dòng sông
Êm êm trôi dòng nước biếc
Cánh buồm ai lẻ chiếc
Chập chùng trôi trên sông bao la ...

...

 Chầm chậm trôi thời gian, ôi thời gian
Trên dòng sông mênh mang...

Đọc lại mấy câu này bây giờ tôi thấy mình viết hơi "sáo", nhưng quả thật lúc ấy tôi có cảm giác vô cùng xúc động, chẳng rõ tại sao. Chợt nghĩ, phải chăng tình cảm mà tôi dành cho những con sông dù chẳng có gì gắn bó thực sự với chúng, có lẽ chính là vì văn thơ nhạc họa của VN cũng như của thế giới dành quá nhiều thiện cảm cho chúng đó chăng. 

Thì rõ ràng câu đầu tiên trong bài thơ của tôi chính là được lấy trong bài hát "Chiều về trên sông" của Phạm Duy chứ còn gì nữa. Một bài hát thật hay mà ca sĩ Thái Thanh đã trình bày hết sức xuất sắc, với những ca từ thật đẹp. Xin chép ra đây vài câu để các bạn thưởng thức nhé. Còn bạn nào muốn nghe bài hát và lời đầy đủ, xin vào đây: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=0kJ14qRMTT.

Chiều buông
Trên dòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong
Ơi chiều

Về đâu
Ơi hàng cây gõ rong
...

Chiều buông 
Trên dòng sông cuốn mau
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều

Về đây 
Bọt bèo vương khắp nơi
Vui buồn cho có đôi
Không nhiều

Ngày mai sông về quê mến yêu
Cho trùng dương cũng theo hương chiều
Bể sầu không nhiều
Nhưng 
cũng
đủ 
yêu ...

Nói đến sông, thì rõ ràng không thể không nhắc đến cầu, như một cặp đôi không thể thiếu. Vì không có nó thì người ở hai bên bờ không thể qua lại được dễ dàng, và sẽ rơi vào tình trạng hai đầu cách trở. Dòng sông Cửu Long - mà ở miền Tây ta thường nhắc đến nó theo từng nhánh Sông Tiền và Sông Hậu vào lúc ấy - năm 1978 - thì chưa có cầu, còn phải đi phà. Những chiếc phà nặng nề, già cỗi, chăm chỉ làm phận sự như những con ngựa thồ già, cặm cụi đóng vai chiếc cầu di động ngày ngày nối hai bên bờ ngăn cách. Suốt cả trăm năm, hình như thế, chúng đã tròn vai, và nhiệm vụ lịch sử của chúng đã kết thúc khi cây cầu Mỹ  Thuận được khánh thành năm 2000.

"Cây cầu của tình hữu nghị", cây cầu ấy được gọi như vậy vì nó là do Úc viện trợ cho VN. Tôi nhớ năm đó tôi còn ở Khoa Anh Trường ĐH KHXH-NV, lúc ấy có ông thầy hướng dẫn ở Úc đang ở VN, sang dạy chương trình cao học thì sự kiện thông xe cầu Mỹ  Thuận diễn ra. Thế là ông cũng lặn lội đi xuống đó xem, rất thích thú, như một sự kiện lớn đánh dấu quan hệ hai nước. Và mãi mấy năm sau, khi đi qua cây cầu ấy trong một chuyến công tác miền Tây, ông "sếp" của tôi vẫn còn quay phim, chụp hình cây cầu ấy, như một kỳ quan nho nhỏ của VN.

Trong văn học nghệ thuật của VN, cây cầu cũng có một vai trò quan trọng. Có một bài hát mà tôi rất thích - và người bạn thơ chưa biết mặt của tôi cũng thế; việc này sẽ rõ hơn trong entry sau - là bài Bên cầu biên giới của Phạm Duy. Phần mà tôi thích nhất trong bài hát là mấy câu này:

Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mải
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới
Hồn tôi sao vẫn dừng nơi đây ...

Dòng nhạc đỏ, nhạc "cách mạng" của VN cũng có một bài hát về cây cầu mà tôi cũng rất thích, mặc dù bài này không buồn buồn như gu của tôi (một cái gu rất "tiểu tư sản"), mà reo vui, lạc quan "cách mạng", đó là bài "Nhịp cầu nối những bờ vui", có thể tìm thấy ở đây: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=SQerQnppB_

Câu đầu tiên của bài hát này, có lẽ cũng là câu hay nhất (và hay duy nhất?) của câu này, hoặc ít ra là câu mà tôi thích nhất, là câu:

Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta. Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo, đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo. Nhịp cầu nối những bờ vui ....

Hay, vì nó đụng chạm đến tình cảm mang tính phổ quát nhất của nhân loại, không phân biệt tiểu tư sản với vô sản, cách mạng với ... phản cách mạng, đó là tình yêu đôi lứa. Hẹn hò. Gặp gỡ. Nhịp cầu nối những bờ vui....

Kết nối. Rồi gặp gỡ, hò hẹn. Và kết cuộc có thể sẽ rất vui, như bài hát cách mạng ấy: "Anh lại về đây sau ngàn ngày chiến đấu (!)/Ngồi trên cầu thổi sáo đón em".

Nhưng, cuộc đời mà, không phải mọi việc đều có kết cục vui. Mà, theo cái nhìn ủy mị tiểu tư sản của những đứa như tôi, thì kết cục sẽ thiên về sự xa cách, chia ly nhiều hơn. Và những cây cầu, vốn là biểu tượng cho sự hẹn hò gặp gỡ của hai kẻ yêu nhau khi cuộc tình chưa chấm dứt, lại trở thành một vật gợi những nhớ nhung, day dứt, muộn phiền....

Như trong bài thơ bất hủ của Apollinaire, bài Le Pont Mirabeau (cầu Mirabeau), mà tôi cũng đã có lần bon chen dịch ra tiếng Việt vì thích quá, không nhịn được. Bản dịch của tôi là dựa trên bản tiếng Anh, đã đăng trên blog này vào năm 2010 sau khi dịch xong, xin chép lại ở đây. (Bản dịch gốc, và lời dẫn thì ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2010/11/thang-ngay-qua-con-ay-minh-toi.html.)

 Tôi đã đặt cho bài thơ một cái tựa khác, lấy từ trong một câu điệp khúc của bài thơ: "Tháng ngày qua, còn đây mình tôi"

Sông trôi dưới cầu Mirabeau
Người xa trên cầu Mirabeau
Ai có quên cho tôi nhắc nhớ
Đớn đau rồi sẽ được yên vui

Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp
Tháng ngày qua, còn đây mình tôi

Em bên anh ta tay trong tay
Dưới chân cầu dòng sông lặng trôi
Hờ hững nhìn, những con mắt sóng
Nụ hôn kia rồi mai tàn phai

Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp
Tháng ngày qua, còn đây mình tôi

Dòng sông trôi, tình ta cũng trôi
Tình trôi đi, còn đây mình tôi
Đời mệt nhoài, tình xa vời vợi
Dữ dội chi tiếng sóng lòng ơi!

Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp
Tháng ngày qua, còn đây mình tôi

Ngày ngày qua và tuần tuần qua
Thời gian qua không buồn trở lại
Tình yêu qua thôi đành vuột mất
Dòng sông xưa mãi lững lờ trôi

Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp
Tháng ngày qua, còn đây mình tôi ...

Nếu có ai đọc entry trước của tôi, "Thơ dịch, dịch thơ" thì sẽ thấy tôi thuộc trường phái dịch ... ẩu, dịch theo ý mình, miễn sao mình thấy hay, thấy đẹp, chứ không câu nệ dịch sát từng câu, từng từ của tác giả. Dịch như thế, có thể sẽ có nhiều người không đồng ý, nếu người ấy thuộc trường phái dịch trung thành ("tín" là yêu cầu trên hết). Nhưng kệ nó, tôi dịch cho tôi thôi mà, và, vì tôi là tôi, nên tôi thấy bài thơ tôi dịch ra cũng ... rất được, vì hợp ý tôi (!!!).

Lúc dịch bài thơ ấy, một người bạn (tôi hay gọi đùa là "bạn già") của tôi vừa chia tay với chồng chị ấy, và đang rất buồn. Nỗi buồn ấy rất thật, rất rõ ràng, nhưng cũng rất riêng tư, và mỗi khi nghe về chuyện buồn của người khác thì thực sự tôi không thể nào chịu nổi. Vì tôi rất muốn làm một cái gì đó, nhưng lại không biết phải làm gì. Vì an ủi thì nghe nó giả dối - phải chăng người ta có thể dễ dàng vơi đi một nỗi buồn chỉ sau khi nghe vài lời an ủi của mình, nhất là khi mình thực ra cũng không thể cảm nhận nổi mức độ trầm trọng của nỗi đau của người đang chịu nỗi đau ấy? Nhưng không nói gì, không làm gì thì lại có vẻ lạnh lùng, thản nhiên, mà thực ra không phải thế.

Vì vậy, khi chị ấy kể cho tôi, thì tôi chỉ hỏi những câu hỏi rất lý trí, rất ... factual, đại loại như "ông D. đã nói gì?", "ổng phản ứng ra sao?", "rồi chị làm gì?", mà không thốt ra được câu an ủi nào cho ra hồn hết. Nhưng câu chuyện ấy, và nỗi buồn ấy cứ theo tôi suốt mấy ngày.

Nên khi đọc thơ, thấy tâm trạng của một người mới chia tay người yêu, nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm, nhìn đâu cũng đau đớn (như tâm trạng trong một câu hát hình như là trong bài hát của Phạm Duy: "khi rượu uống không hề say/mà chỉ là đắng cay"), thì tôi bỗng ... xuất thần dịch ra được bài thơ như trên. Nói một cách nào đó (như có nhiều người đã nói), tôi lấy bài thơ của tác giả làm một cái cớ để thả tâm sự của tôi (nói đúng hơn là của bạn tôi) vào đấy.

Viết xong, đăng lên blog, rồi gửi cho người bạn già, rồi quên mất. Cho đến khi tôi nhận được bài thơ dịch rất kỹ lưỡng, cẩn trọng của người bạn thơ của tôi. Tôi nhớ ra mình cũng đã dịch nên ... đỡ quá, đây là dịp để khoe bản dịch của mình (thực ra là để chia sẻ một điều mình thích). Được chia sẻ điều mình thích đã là một niềm vui tự nó, thế mà tôi còn lại còn được khen nữa chứ. Mà khen đúng ngay  2 câu điệp khúc mà tôi rất thích ấy: "Đêm thong thả đồng hồ gõ nhịp/Tháng ngày qua, còn đây mình tôi".

Hai câu ấy, tôi tin rằng nó thật đúng tâm trạng của người bạn tôi lúc ấy. Cho nên bài thơ có hay, và bản dịch có hay (nếu có ai nghĩ thế) thì trước hết là vì nó chạm vào đúng tâm trạng của người ta. Chạm vào nỗi đau của sự chia ly, và nỗi buồn da diết dù lặng lẽ của việc trải qua những ngày dài mà không có tình yêu của mình ở bên cạnh. Nỗi buồn ly biệt.

Tôi chợt nhớ đến một bài hát khác, cũng có sông, có biệt ly, có cả tiếng còi tàu:

Biệt ly
Sóng trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi, nước trôi 
Ngày tháng trôi ...

Vâng, những dòng sông, những cây cầu, và những cuộc chia ly .... Nên không lạ là tại sao tôi lại thích sông đến thế. À, nhắc đến sông, tôi lại nhớ tác phẩm mới của Nguyễn Ngọc Tư có đúng cái tên ấy: Sông. Thế nào tôi cũng phải đi mua về mà đọc mới được.

Còn bản dịch rất hay của người bạn thơ của tôi, cùng lời dẫn của anh bạn ấy, và cả những bản dịch khác của bài thơ Le Pont Mirabeau nữa, tôi sẽ đăng lên trên entry sau. Các bạn chờ và đọc nhé. Vì entry này đã quá dài rồi, đọc nữa thì loãng mất.
------
Viết thêm: Phải ghi chú thêm mấy dòng nữa cho hết ý. Bài thơ dịch tôi, nếu có ai chú ý sẽ thấy có rất nhiều vần bằng. Tôi cố tình như thế, vì vần bằng trong thơ sẽ gợi lên nỗi sầu man mác, âm thầm nhưng sâu sắc. Như khi quá đau thì ta không kêu lên được nữa, mà lặng đi. Câu thơ nhiều vần bằng là một thủ pháp mà một nhà thơ tiền chiến là Xuân Diệu hình như cũng hay sử dụng, như trong mấy câu này:

Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
Tôi mê Ly Cơ hình nhịp nhàng
Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi.

(Trong tất cả các câu trên, trong 7 chữ chỉ có 1 hoặc 2 chữ có vần bằng thôi. Nghe buồn buồn, trầm trầm, hay lắm phải không các bạn?)

1 nhận xét: