Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Đọc Xuân hiểu (Phùng Hồng Kổn)

Sáng hôm nay, mở hộp mail ra tôi rất vui khi nhận được bài viết "góp vui với bloganhvu" của người bạn tạm gọi là "bí ẩn" của tôi, anh Phùng Hồng Kổn.

Tạm gọi như thế, là vì cách đây vài tháng, tự nhiên tôi nhận được bài viết (mà theo tôi là rất hay) của anh PHK gửi qua mail đến tôi, chỉ với mấy từ vô cùng vắn tắt: Góp vui với bloganhvu. Đó là bài cảm nhận của anh về bài thơ Đăng U Châu Đài Ca. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến bài thơ này, và bài viết của anh làm cho tôi vô cùng thích thú.

Đối với tôi, những người cùng thích văn thơ thì tự nhiên đã là bạn rồi, không cần phải quen nhau lâu thì mới có thể là bạn. Mà đã xem là bạn thì tôi muốn biết thêm về người bạn của mình, nhưng anh bạn PHK bí ẩn này của tôi lại không chịu tự giới thiệu, mà chỉ nói, chị tự tìm hiểu không tốt hơn sao. Hừm, thế này thì ... quả là thách đố quá tôi quá đỗi, nên tôi phải vào "hỏi cụ Gúc", và quả nhiên là ra ngay được trang web của anh PHK, một trang web mà theo tôi cũng rất thú vị và đáng đọc.

(Các bạn tò mò rồi phải không, vậy thì vào đây nhé: http://phungkon1.wordpress.com/)

Ồ, mà tôi bỗng vừa mới nhận ra, cái "trò" giữ bí mật không chịu tự giới thiệu của anh PHK thực lợi hại, vì chỉ có thể thì tôi mới chịu bỏ công ra mà đi tìm blog của anh PHK chứ nhỉ! Hay đó là thói quen của một thầy giáo như anh PHK, không "mớm sẵn" mọi thứ cho học trò mà bắt học trò tự khám phá. Rõ quá rồi, đúng là dấu ấn của nghề nghiệp, đã là nhà giáo thì phong cách không lẫn đi đâu được, cái này thì tôi có thể đoan chắc như thế vì tôi cũng là một nhà giáo (well, nửa đường đứt gánh), và cũng có nhiều bạn bè là nhà giáo.

(Mà biết đâu chính vì tôi cũng có phong cách nhà giáo nên mới thu hút được (?!) những bạn bè khác cùng là nhà giáo thì sao nhỉ, ví dụ như anh PHK mà tôi đang nhắc đến trong entry này, hoặc một người bạn khác là anh GNLT mà thỉnh thoảng tôi cũng hay nhắc đến trên blog của tôi.)

Nhưng thôi, dẫn nhập như thế là dài dòng lắm rồi, bây giờ thì xin đăng bài viết góp vui của anh PHK lên để chia sẻ với các bạn chứ. Nhưng trước khi kết thúc, tôi muốn nói rằng tôi rất vui vì trang blog này đã làm được một việc vốn là mục đích chính của nó, đó là: làm một sân chơi cho các tao nhân mặc khách ghé qua, đàm đạo chuyện văn chương và chia sẻ những suy nghĩ về con người, về xã hội, về cuộc sống. Cám ơn anh PHK, và cám ơn tất cả các bạn bè của tôi trên blog này nhé.

Enjoy!
---------------
Đọc Xuân hiểu

Phùng Hồng Kổn

Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu
Mạnh Hạo Nhiên

Dịch thơ:
Giấc xuân sáng chẳng biết
Khắp nơi chim ríu rít
Đêm nghe tiếng gió mưa
Hoa rụng nhiều hay ít
Tương Như

Khi còn nhỏ,tôi đã được nghe bài thơ này cùng với những bài: Đăng u Châu đài ca; Hoàng hạc lâu; Phong Kiều dạ bạc…

Ngày ấy, cha tôi lúc thì đọc, khi thì ngâm, rồi lại bình luận, giảng giải cho anh em chúng tôi.. Ở cái tuổi còn mê mải chơi bi đánh đáo, những bài thơ đường luật rắc rối này chắc chỉ như “nước đổ đầu vịt” - hẳn ai cũng nghĩ thế!

Ba câu đầu tả thực: Giấc ngủ đêm xuân say xưa, không biết trời đã sáng, chim hót vang khắp nơi, đêm qua nghe tiếng gió mưa. 

Sự việc diễn ra rất thường tình, có gì đáng nói? có gì nên thơ? Rồi tác giả kết thúc bằng một câu vu vơ:  Hoa lạc tri đa thiểu?

Trong bài kệ Cáo tật thị chúng, Mãn Giác thiền sư viết:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
(Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở)

Đó là qui luật sinh tồn của thiên nhiên, hết thảy mọi vật đều sinh hoá không ngừng, sinh rồi hoá, hoá để sinh. Đạo Phật còn cho rằng  sống  là gửi, thác mới là về (Sinh kí tử qui). Duyên chi mà tác giả than  “Biết hoa rụng nhiều hay ít” .

Có người bảo: “ Hoa lạc tri đa thiểu - ấy là tác giả bày tỏ tình cảm với những “đời  hoa”- những cô gái “phận hẩm duyên ôi”!.

Người khác nói: “Đặc trưng của nghệ thuật lãng mạn là vai trò nổi bật  của  thế giới nội tâm, của tính chủ thể, của cái tôi. 

Hoa lạc tri đa thiểu là một câu thơ tuyệt bút, nó chắp cánh cho bài thơ bay lên, siêu thoát, vượt khỏi thực tại, sau câu này người đọc chẳng còn nhớ đến trời sáng hay tối, chim hót ra sao, gió mưa thế nào, chỉ thấy lâng lâng thoát tục! Mạnh Hạo Nhiên còn lãng mạn hơn cả những thủ lĩnh của chủ nghĩa lãng mạn ở châu Âu”!.

Với tôi, có lúc đọc bài thơ này tôi có cảm giác như đang thưởng thức một bản Romance, bản nhạc đang mượt mà êm ái ở  gam thứ bỗng chuyển  sang gam trưởng, với đảo phách bất ngờ, khiến người nghe nhớn nhác !

Lúc khác, đọc bài thơ tôi lại liên tưởng đến những bức tranh “Bố cục” của Piet Mondrian (hoạ sĩ trừu tượng Hà Lan). 

Trong tranh, những đường thẳng ngang dọc sắp xếp tưởng như vô định mà gợi cho ta cảm giác như đứng trước biển cả mênh mông! Rồi có lúc, những  những hình chữ nhật nhỏ, to - đầy bí hiểm- trong bức tranh lại khiến người xem  tưởng như bị lọt thỏm vào thế giới ảo thăm thẳm của người nghệ sĩ.

Viết những dòng này tôi chợt nhớ  tới bài  Chớm thu của Trần Đăng Khoa (Sáng tác khi Khoa còn là một chú bé)

Nửa đêm nghe ếch học bài 
Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây
Nghe trời trở gió heo may
Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau

Hồi  nhỏ  không biết Khoa có đọc Mạnh Hạo Nhiên không! phải chăng những ý tưởng đẹp trùng nhau? Bài thơ của Khoa đẹp quá, đẹp như bức tranh  Tôm của Tề Bạch Thạch vậy.

Thưởng ngoạn thơ nói riêng hay nghệ thuật nói chung mỗi  người có một cách khác nhau, chẳng ai giống ai. Đã qua tuổi “tri thiên mệnh”, ngẫm lại, tôi thầm biết ơn đấng sinh thành đã  ươm mầm cho chúng tôi, một thứ mầm riêng, vươn lên thưởng ngoạn cái đẹp.                               
PHK

2 nhận xét:

  1. Con chào cô :)
    Con rất vui khi đọc những nhận xét của cô về thầy chúng con là thầy Kổn ah :))Để biết rõ hơn về thầy,cô có thể ghé fanpage của thầy: https://vi-vn.facebook.com/pages/FC-Th%E1%BA%A7y-K%E1%BB%95n-Phan-%C4%90%C3%ACnh-Ph%C3%B9ng/110934302277603 ah:)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nay mới có thời gian trả lời con đây. Cô rất vui. và mừng cho cô, cho các con và cho nghề giáo nói chung, và mừng cho thầy Kổn của các con nói riêng, rằng vẫn còn có những học sinh yêu kính thầy giáo mình, và vẫn có những thầy cô giáo xứng đáng với sự yêu mến kính trọng đó. Cám ơn con.

      Xóa