Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Tản mạn về một bài thơ dịch còn dang dở

Mấy hôm nay tự dưng tôi buồn quá. Nói theo nhà thơ Xuân Diệu thì "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn", đến nỗi không tập trung vào cái gì được cả, cứ vơ vơ vẩn vẩn thế nào ấy.

Tất nhiên là phải có lý do. Ừ, thực ra cũng toàn là chuyện bao đồng thôi, chẳng có cái gì trực tiếp liên quan đến tôi cả. Cứ y như Thúy Kiều ấy thôi, "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa"; có điều tôi không khóc, mà chỉ buồn trong lòng thôi. Lý do gần nhất, trực tiếp nhất có lẽ là thông tin trên facebook về cái chết của một người "bạn" trong friendlist , do cả tin, do lòng tốt với bạn bè đã bị sát hại một cách tàn độc và qua đời ở tuổi 40, cái tuổi đỉnh cao rực nhất của một con người. Trời ơi, sao lại có những kẻ tàn ác như thế cơ chứ? Xã hội bây giờ dường như bất an quá. Giáo dục, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng. Tại sao lại như thế nhỉ? Càng nghĩ thì càng buồn, tê tái.

Người ta buồn thì người ta khóc, đấy là lẽ thường. Nhưng tôi rất ít khi khóc, một đặc điểm mà đến tôi cũng lạ với chính mình. Càng đau thì tôi càng nén vào bên trong. Để giải tỏa, tôi thường làm việc hùng hục để quên đi. Tôi có biết một câu danh ngôn mà tôi rất thích vì nó đúng với tôi, đó là: "Con ong chăm chỉ không có thì giờ để buồn." Đúng quá. Tôi hầu như chẳng bao giờ vì buồn mà lại nằm hay ngồi một chỗ mà khóc cả. Phải đi đâu đó, phải làm một cái gì đó, và khi tôi còn trẻ hơn, thì vào những lúc ấy tôi rất dễ cáu gắt, ai vô phúc mà láng cháng gần chỗ tôi là thế nào cũng bị tôi ... chửi vì những lý do cỏn con không đâu. Cái này, người ta gọi là "giận cá chém thớt", chắc là thế.

Những người biết tôi, đặc biệt là nhân viên nhỏ, hay con cháu, em út, nếu đã lỡ rơi vào tình trạng thấy tôi nổi khùng vì những chuyện không đâu như thế thì cho là tôi dữ tợn. Nhưng thực ra, tôi biết đấy chỉ là biểu hiện của sự yếu đuối mà thôi: kềm không được, thì phải biểu lộ ra bằng một hình thức nào đấy. Cũng như người sợ ma đi đêm thì phải vừa quát to lên cho đỡ sợ vậy mà.

Bây giờ thì già rồi, hết sức lực rồi, nên tôi không còn sức để cáu nữa, thì chỉ lẳng lặng ngồi làm việc, viết lách một chút gì đó thôi. Như hôm nay chẳng hạn.

Hôm trước, cũng một lần tôi rất buồn như thế, tôi lang thang đi tìm một bài thơ để diễn tả tâm trạng của mình, và tìm thấy bài này mà tôi cho là rất hay - well, ít ra là mấy câu đầu. Bài thơ nói về nước mắt, về sức mạnh của những giọt lệ mà Tố Hữu đã khinh bỉ mắng trong một câu thơ cũng khá nổi tiếng: "Khóc là nhục, rên hèn, van yếu đuối ...". Bài thơ này thì có quan điểm ngược lại, cho rằng khóc là một hành động tự nhiên rất cần thiết cho con người, và thực ra nó là biểu hiện của sức mạnh bên trong. Kể cũng lạ, một quan niệm trái ngược với quan niệm của ta, ngược nhau như Đông và Tây vậy.

Tôi dịch ra và thấy hay lắm (!) (mèo khen mèo?). Đọc cho con gái nghe, nó cũng bảo hay (mẹ hát con khen), nghe giống thơ sáng tác. Ừ, dịch là sáng tạo thêm một lần nữa mà, có ai đó đã nói như vậy. Ngặt một cái là tôi dịch dở dang đến đây thì ... tịt, sau đó cố gắng dịch nốt cho thành bài thì mất hứng không dịch được nữa, nên cứ bỏ dở dang đó.

Hôm nay, "trời nhẹ lên cao" (thực ra không phải, trời đang mưa lất phất bên ngoài, mây u ám), tôi cũng buồn. Nên tìm lại bài thơ dịch còn dở dang đó, đọc, và tiếc của đưa lên đây để lưu, và chia sẻ ...

Các bạn đọc ở dưới nhé. Và nếu ai có lòng tốt vào dịch nốt giúp tôi thì hay quá. Còn nếu không, xin hãy cứ thưởng thức bài thơ dịch dở dang này. Ai biết được có khi tôi chỉ dịch được tới đó thôi rồi ngưng cũng là một cái duyên? Vì đoạn sau của bài thơ tôi thấy không còn hay như đoạn đã dịch. Trong văn học, bỏ lửng cũng là một thủ pháp quan trọng. Trong tình yêu cũng thế, "tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở". Vậy thì ai cấm thơ không thể dịch dở dang rồi buông lửng ở đó.

Cho ngàn xưa lơ lửng với ngàn sau ...

Bài thơ dịch dở dang của tôi dưới đây, các bạn đọc nhé!
-----
Tiếng nói không lời


Lan ra từ khóe mắt

Những giọt nước rơi rơi

Tên nó là giọt lệ

Nỗi buồn, niềm vui, nỗi sợ

Hay hoài niệm êm đềm …

Tất thảy đều được ngươi biểu đạt



Chảy thành dòng, cắt ngang gò má

Đẫm mặt người, lấp lánh hạt châu

Chứng tích của niềm đau

Hay chính thiên nhiên giải thoát

Áp lực của tâm hồn và thể chất

Để nhẹ nhõm hơn, để thoát ưu phiền?



Dấu hiệu đầu xuất phát tận trong tim

Báo trước cơn lũ tràn nước mắt

Cơn đau đẻ xé toang da thịt rách

Tái tê khi khuất bóng người thân

Buồn phiền vì lạc chú chó cưng

Mừng rơn khi trúng lô độc đắc

Não nề thay bạc tàn canh thua trắng



Nhưng dù buồn đau hay mừng vui

Trái tim luôn là nơi xuất phát

Mặt hằn đau, lệ dâng lên khóe mắt

Cố nén mà lệ tuôn không dứt

Chỉ ngừng rơi khi suối lệ cạn dòng



Ai bảo lệ là yếu đuối

Lệ chảy tuôn nguồn sức mạnh bên trong 
http://www.buzzle.com/articles/tears-a-silent-expression-poem.html
----
PS: Tựa tiếng Anh của bài thơ này là "Tears - a silent expression". Hôm trước tôi dịch chưa được, nhưng hôm nay khi viết xong entry này thì tôi bỗng "xuất thần" xử lý được cái tựa như sau: Tiếng nói không lời. Vâng, lệ - hay nôm na là nước mắt - là một tiếng nói nhưng không dùng ngôn ngữ, không có lời, dù sức mạnh diễn đạt của nó còn mạnh hơn cả trăm, cả nghìn lời nói. Tôi đã bổ sung vào tựa bài thơ dịch dở dang ở trên rồi đó.

Tiếng nói không lời của tôi, xin tặng bạn bè. "Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu!" http://en.wikipedia.org/wiki/Cry,_the_Beloved_Country

6 nhận xét:

  1. Một người bạn cũ gửi vào fb của tôi một message liên quan đến entry này, rất hay. Đọc một mình thì uổng, nên tôi đưa lên đây để lưu và để mọi người cùng đọc cho vui.
    ----
    Phương Anh ơi,

    Đọc bài thơ mà Phương Anh mới dịch xong.

    Tears- a silent expression (Khóc- không thành tiếng) ==> cảm giác uấ ức, nghẹn ngào hơn?? Mình nghĩ như vậy sau khi đọc mấy dòng cuối Phuong Anh có nhắc đến cuốn truyện của Chinua Achebe mà mình đọc hồi đâu 1970-71 gì đó. Cảm giác nghẹn ngào không khóc được!

    Góp vài lời cho vui hí!. Take care!

    Thu Nguyen

    Trả lờiXóa
  2. PA có nhiều quan niệm trùng hợp với Lãng tử.
    "Giọt lệ" là biểu hiện của Bi kịch, một phạm trù mỹ học quan trọng, "giọt lệ" chiếm hết một chương lớn trong giáo trình Mỹ học đại cương mình từng soạn giảng cho SV ngữ văn năm 2. Nữ sĩ VTPA thực là một nhà mỹ học dân gian đấy.

    Hán ngữ có hai chữ "lệ" 泪 và 淚, một đơn giản, một hàm súc. (Mời nữ sĩ chiết tự giùm
    (Tranh thủ thời cơ nha).

    Nhà thơ Giả Đảo thời Đường có 2 câu:
    兩句三年得,一吟雙淚流 (Lưỡng cú tam niên đắc, Nhất ngâm song lệ lưu)
    Ba năm trời mới làm được hai câu thơ, ngâm lên đôi hàng lệ rơi .
    (Giả Đảo - tác giả bài "Tầm ẩn giả bất ngộ" lừng danh mình mượn làm chân dung của Giang Nam lãng tử trên my Blog đấy).

    Còn về bản dịch tiếng Anh là chỗ sở đoản của mình, tại hạ không dám lạm bàn,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn thầy GNLT đã quá khen ạ (cái gì mà mỹ học dân gian ấy). Học trò AV rất hân hạnh, mà lại còn được trùng nhiều quan niệm với thầy nữa chứ, hi hi. Mong gặp thầy nhiều hơn trên blog này.

      Xóa
  3. Chị Phương Anh, em đã thử đặt mình vào cái tâm trạng buồn mà chị đang nói đến, quả thực không dễ chịu tý nào, chị ạ! Mong sao nỗi buồn rồi sẽ chóng qua, chị Phương Anh nhé!
    Đọc bài thơ dịch dở dang của chị, em bất giác liên tưởng đến mấy câu thơ của Thế Lữ nói về... mụ cười:
    "Cười là tiếng khóc khô không lệ
    Người ta cười trong lúc quá chua cay"...
    Ai muốn khóc thì cứ khóc đi cho vơi, nếu vẫn chưa thì hãy... cười, hu hu! Cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc, chưa biết khóc đau hay cười là đau hơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Welcome levinhhuy ghé thăm nhà chị nhé, hân hạnh quá.

      Bài viết lăng nhăng của chị thế mà cũng nhiều người đồng cảm ghê. Có nghĩa là không chỉ riêng mình chị, mà nhiều người khác cũng đang có những nỗi đau thầm. Giống như em.

      Câu thơ của Thế Lữ chị cũng có nghĩ tới khi dịch bài này đấy em ạ. Bây giờ đọc comment của em, chị lại nhớ đến câu thơ của Nguyễn Công Trứ: "Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười".

      Em đang cười, hay đang khóc hở levinhhuy? Nếu em buồn, thì chị mong là em đang khóc. Vì khóc xong thì nỗi buồn sẽ vơi đi.

      Hãy khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu!

      Xóa
  4. Thích máy câu thơ bên dưới quá chũ nhà ơi....úp lun nà

    Trả lờiXóa