Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Trên những cành bàng (2), hay: Những cây bàng của người nhập cư

(Ghi chú: Ai chưa đọc bài 1, thì đọc trước cho liền mạch và trọn ý nhen:
 http://bloganhvu.blogspot.com/2013/06/tren-nhung-canh-bang.html).

----------
Hôm trước tôi đang viết say sưa về những cành bàng thì phải ngưng dòng ký ức để đi làm. Rồi quần quật đi công tác miền Tây (mới về) nên không có thời gian để viết tiếp. Đã tưởng entry về những cành bàng sẽ lại bỏ dở dang mà không có phần tiếp theo như nhiều entry khác trên blog này. Nhưng không, những cành bàng có xuất xứ từ đồng bằng sông Hồng - theo thông tin của một người bạn cũng có xuất xứ từ vùng đồng bằng sông Hồng, giống gốc gác của tôi - không cho phép tôi quên, mà theo đuổi tôi suốt đoạn đường từ Sài Gòn xuống tận Cần Thơ và từ CT về lại SG.

Vì tôi không thể tưởng tượng được dọc đoạn đường Sài Gòn - Cần Thơ, Cần Thơ - Sài Gòn mà tôi vừa mới đi qua đi lại mới đây lại có thể có nhiều cây bàng đến thế. Đến độ, tôi áng chừng nó đã trở thành một trong những loại cây trồng dọc bên đường phổ biến nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng nên! Ai không tin tôi thì chỉ cần bắt một chuyến xe khách đi từ đây xuống các tỉnh miền Tây và nhìn dọc bên đường thì sẽ thấy ngay thôi!

Nhìn những cây bàng dọc ven đường trên đường từ miền Tây về SG hôm qua, tôi cứ cố moi móc trí nhớ mãi để trả lời câu hỏi: trước khi có những cây bàng ven đường như hiện nay thì ở các tỉnh miền Tây người ta trồng cây gì nhỉ? Cây điệp vàng, cây điệp hồng, cây bằng lăng hoa tím chăng? Hay  những cây gì khác mà tôi chưa kịp để ý và có lẽ cũng chẳng biết tên. Để bây giờ, cây bàng được trồng dọc khắp đường đi, trong sân trường, cả sân của các cơ quan, công sở, và cả nhà riêng nữa? Tôi nghĩ, có thể chỉ cần đến thế hệ cháu tôi thôi thì có lẽ sẽ không ai tin là cây bàng không phải là cây bản địa của vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà phải đinh ninh rằng nó vốn ở vùng đất nước phương Nam này đã từ lâu lắm, vì có thể thấy nó ở khắp nơi!

Nhưng quả thật, mãi tận đến thập niên 90 của thế kỷ trước tôi mới nhìn thấy cây bàng lần đầu tiên khi nó được trồng trong sân trường. Như tôi đã nói trong entry trước, khi nhìn thấy cây bàng (non) lần đầu, tôi thấy nó thật xấu! Mà có lẽ xấu thật: lúc ấy cái cây chỉ mới cao xấp xỉ một thước, với vài nhánh nhỏ. Nhưng không giống những loài cây khác, cành lớn nhánh nhỏ gì cũng vươn lên cao, thì những nhánh bàng lại mọc đâm ngang, trông thô thô và xấu xí. Tôi nhớ một chị đồng nghiệp của tôi lúc ấy, chị PT, khi nhìn thấy cây này đã la to lên: Sao lại trồng cây bàng, trông nhà quê chết! Và hình như không chỉ một mình chị ấy mà chắc cũng có những người khác phản ứng sao đó, nên cây bàng này không tồn tại được lâu trong sân trường, dường như chỉ mới cao lên được tới chừng gần 2 mét (vẫn còn xấu) thì bị bứng đi nơi khác.

Thập niên 90 dường như cũng là lúc cây bàng bắt đầu Nam tiến, well, ít ra là chúng đã "tiến về SG" . Tôi bắt đầu thấy nó được trồng ở những khu dân cư mới ở Tân Bình, Gò Vấp, vv, gần nơi tôi ở. Những khu mà thời ấy người ta gọi là "nhà không số, phố không tên" ấy. Cũng chỉ là người dân tự trồng thôi, bất cứ chỗ nào có khoảnh đất trống thì lại thấy có người trồng. Tôi cũng chẳng để ý nhiều đến chúng, chỉ xem đấy là một loài cây dễ trồng, dễ sống bất kỳ nào đấy mà người ta hay trồng ở những chỗ đất hoang mà thôi. Như cây bã đậu mà trước đây hay được trồng ở nhiều nơi, mọc nhanh và cho bóng mát nhưng nghe nói hạt rất độc, nay đã bị "thoái trào", không còn mấy ai trồng nữa.

Thật lạ kỳ, nhưng trong đầu tôi lúc ấy dường như giữa những cây bàng mà những người nhập cư từ "đàng ngoài" đem vào trồng ở "đàng trong" như thế không hề có chút liên hệ gì với những cây bàng trong văn học. Cây bàng của những ca từ tuyệt vời nổi tiếng ai cũng biết như "Hà Nội mùa thu/cây cơm nguội vàng/cây bàng lá đỏ ..." của TCS, một người con xứ Huế, hay tuyệt vời hơn là những lời lẽ bay bướm, trau chuốt của các nghệ sĩ, văn nhân Hà Nội: "chỉ còn mênh mông hương hồ hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ ...", "ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông..." mà tôi thỉnh thoảng vẫn hát nghêu ngao. Còn cây bàng ngoài kia, trong xóm dân nhập cư gần khu nhà tôi, lúc tôi còn ở khu làng hoa Gò Vấp, xấu xí và dường như biết thân biết phận, thì cứ lầm lũi tồn tại, lầm lũi mọc, bám rễ vào trong đất, và lầm lũi lớn.... Chẳng cần ai chăm sóc, dường như thế! Và tất nhiên là chẳng cần ai khen, chẳng cần ai ngắm, và càng không cần được đưa vào văn thơ, nhạc họa như đám anh em của nó từ cội nguồn "ở tận sông Hồng"...

Lần đầu tiên tôi chú ý đến vẻ đẹp của cây bàng phương Nam (vẻ đẹp thực sự, sờ sờ "bằng xương bằng thịt", chứ không phải là bằng lời văn, lời thơ) là khi tôi thăm Côn Đảo cách đây vài năm. Ở đấy, chẳng hiểu ai mang đến để trồng, mà cây bàng có mặt ở khắp nơi, hẳn là phải từ thời Pháp thuộc, tức là từ thời triều Nguyễn, triều đại của những kẻ nhập cư (chứ gì nữa!). Những cây bàng cả trăm năm tuổi có dư, thân đen xẫm và lồi lõm, cành vươn dài trên bầu trời xanh của vùng đất đảo. Vâng, tôi không viết nhầm đâu ạ, cành bàng vươn dài chứ không phải vươn cao đâu nhé, vươn ngang như người giang tay, lá màu xanh xẫm, trông thật đẹp và cũng thật mạnh mẽ.

Cây bàng không chỉ được trồng ở khắp nơi trên đảo này, mà còn trở thành đặc sản của Côn Đảo nữa. Những trái bàng rụng được dân trên đảo gom sạch để mang về nhà kỳ cụi, hì hục lấy hạt, làm bằng tay đấy nhé. Rồi những hạt bàng be bé, dài dài, trăng trắng vẫn còn lớp vỏ lụa nâu nâu ấy được rang lên đóng hộp để bán cho du khách, với giá cũng không hề rẻ. Một hộp nho nhỏ cỡ bằng hũ chao nhỏ (chắc chừng 100 gr hạt) được bán đến 30 ngàn, hộp lớn hơn chừng 2 lạng thì khoảng 50, 60 ngàn, và nếu mua ký thì chắc khoảng 200-250 ngàn một ký, hình như thế. Hạt bàng rang khô ăn bùi bùi, không có gì đặc sắc, nên dân đảo chế thêm một món "mứt bàng", tức là hạt bàng đã chín đem sên đường thành một loại mứt áo như mứt sen, giá bán cũng bằng với hạt rang không đường, có khi còn rẻ hơn, vì giá hạt bàng thì mắc hơn giá đường mà. Nhưng cả khi làm thành mứt ngọt tôi cũng không thấy có gì đặc biệt cả, có lẽ vì thế mà dân Hà Nội sành ăn không thèm ăn chăng? Chỉ có điều, đối với dân Côn Đảo thì nó vẫn được xem là đặc sản, vẫn được bán (và bán được) cho du khách; mà là đặc sản thật vì hạt bàng khô nếu không mua ở Côn Đảo thì còn mua được ở nơi nào nữa đâu?

Cây bàng Côn Đảo, hay những cây bàng mà tôi thấy dọc con suốt đường từ Cần Thơ về Sài Gòn hôm qua, không hề giống cây bàng mồ côi mùa đông hay cây bàng lá đỏ mùa thu của Hà Nội. Nó đã tự diễn biến (!) để trở thành loài cây xanh quanh năm, vì lúc nào trên cây cũng chỉ đầy lá xanh, từ xanh non đến xanh thẫm. À, cũng có lá vàng lác đác, nhưng những chiếc lá này tự vàng và tự rụng đi, lặng lẽ rơi xuống đất, chưa bao giờ có đủ critical mass (!) để đổi màu những cây bàng của đất phương Nam cả. Và chắc chắn không bao giờ có cây bàng mồ côi mùa đông, vì lúc nào tán lá cũng dày dặn, xum xuê.

Vâng, cây bàng chỉ bắt đầu đẹp trong mắt của tôi sau lần thăm Côn Đảo cách đây vài năm, tức là phải đến hai thập niên sau khi tôi nhìn thấy cây bàng non trồng trong sân trường ĐH Văn khoa (tên cũ trước 75, nhưng tôi và nhiều người bạn khác vẫn rất thích dùng, y như tên SG với TP HCM vậy). Vậy là những cây bàng trồng ở những khu có dân nhập cư từ đàng ngoài vào sinh sống đã vào tuổi 20 rồi. Điều ấy cũng có nghĩa là những đứa trẻ con cái của những người nhập cư nếu được sinh ra vào thời ấy bây giờ cũng đã vào tuổi 20, một lứa tuổi tràn trề sức lực, đẹp biết bao! Một thế hệ nữa đã được sinh ra trên mảnh đất SG này, mảnh đất hào phóng, luôn mở rộng vòng tay với mọi người, trong đó có cả thế hệ của cha mẹ tôi nữa, cách đây gần đúng 60 năm.

Lúc ấy, ông bà ngoại của các con tôi chỉ mới ngoài 20, hăm hở vào Nam, vùng đất mới, đi để "tìm tự do" như trong một bài hát nào đó, vậy mà mấy chục năm đó chưa bao giờ nguôi lòng nhớ vùng đồng bằng sông Hồng quê gốc. Bằng chứng rõ nhất là đến giờ tôi, một kẻ chôn nhau cắt rốn ở Ba Xuyên, lớn lên và sinh sống, bám rễ ở Sài Gòn, mà giờ đây ngoại ngũ tuần vẫn nói tiếng Bắc, vẫn đẫm đìa văn hóa Bắc, dù cũng rất không hài lòng, thậm chí giận, nếu có ai đó xem mình là không phải người miền Nam!

Và, có ai ngờ được không, ngay trên đường nơi nhà tôi đang ở bây giờ, thực ra chỉ cách nhà tôi có vài chục bước chân, ngôi nhà ở khu chợ Cây Quéo thuộc quận Bình Thạnh ngày nay, nơi gần khu Lăng Ông Bà Chiểu, vùng đất trung tâm của Gia Đinh xưa, một vùng đất hoàn toàn của "đàng trong", cũng có một cây bàng! Một cây bàng to, cao, lá xanh, cây còn trẻ, có lẽ chỉ vài chục tuổi, có thể là cùng lứa với những cây bàng Nam tiến của thập niên 90 của thế kỷ trước. Nó có mặt ở đó từ lúc nào, tôi cũng chẳng rõ, dù hàng ngày vẫn đi qua. Nó cứ lầm lũi sống ở đó, rễ bắt sâu, thân mọc cao, hút dưỡng chất của đất này, và giờ đây, ở tuổi thanh niên, đã có thể giang tay trả lại cho đời bóng mát.

Còn thời gian thì vẫn âm thầm trôi mãi...

Trên những cành bàng....
----
Khuyến mãi: Các bạn đọc thêm bài này, "Hà Nội mùa lá đỏ", để thấy cái đẹp của cây bàng Hà Nội, và để hiểu tại sao cây bàng lại vào được văn thơ của giới văn nhân miền Bắc. Còn tôi, nếu có bao giờ làm thơ về cây bàng, tôi sẽ viết "cây bàng lá xanh", cây bàng của những người nhập cư, xanh tươi ở SG, vùng đất nhập cư ...

http://www.baomoi.com/Ha-Noi-mua-la-do/84/5675637.epi

14 nhận xét:

  1. Cây bàng rất thích hợp đất phương nam. Ước năm 1984 mình trồng một cây ở sân trường Trung học Thốt Nốt nơi bà xã công tác, bây giờ đã thành cổ thụ... Lá bàng nhiều tầng lớp, che mát thậm chí che cả mưa to.

    Cây bàng miền Bắc đổi màu thong thả, trải qua sắc vàng, đến đỏ hồng, đỏ xẫm mới rụng...
    à xin hỏi " Ba xuyên" có phải thuộc Sóc Trăng ?

    Lãng tử- người di cư thế hệ 3

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào anh Lãng tử, "người di cư thế hệ thứ 3",

      Vâng, Ba Xuyên bây giờ thuộc tỉnh Sóc Trăng ạ. Như vậy chủ nhân của blog Anh Vũ đúng là người Nam Bộ rặt rồi, không thể chối cãi. Dù vẫn nói giọng Bắc và thích ăn rau muống mà ngày xưa dân miền Nam không mấy ai thèm ăn, chỉ để cho heo thôi (bây giờ thì ăn rồi!).

      Cây bàng phương Nam thật đẹp phải không anh? Vậy là anh cũng là "thủ phạm" phổ biến cây bàng ở vùng đất phương Nam rồi đó. Có lẽ một ngày nào đó PA sẽ cố viết một bài thơ về cây bàng phương Nam.

      Xóa
  2. Mình muốn làm một A real Vietnamese, vượt qua bắc qua nam để thành. Nam bộ rặt, Bắc bộ rặt, VN rặt ! Hì hì, tham quá.

    GNLT

    Trả lờiXóa
  3. à, còn "cây bàng mồ côi muà đông" của Phú Quang một Hanoian rặt, là một hình tượng đẹp và buồn, tuy có áp đặt cái "mồ côi" của nhà thơ cho nó (tên nhà thơ là gì, quên rồi, do cục bướu!), à ... ông Phan Vũ. Bàng trồng trên phố thì từng dãy, trong sân trường thì thường có một, hai cây... Thơ hiện đại VN có nhược điểm áp đặt cho thiên nhiên theo ý mình, ít khi chú ý đặc điểm sinh học của nó ( máu nghề phê bình văn học lại "nhiều chuyện" rồi, khổ quá, hay lại là hậu quả cục u bướu).

    GNLT

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ của Phan Vũ hay quá phải không anh? Nhiều chuyện chắc chẳng phải là do cục u bướu gì đâu, mà đích thị nó là đặc điểm của dân phê bình văn học rồi anh GNLT à!

      Xóa
  4. Hi... Hạt Cat không biết TỒNG CHÍ NAY... nên gọi là gì đây?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không hiểu ý của Hạt Cát nhỉ?

      Xóa
    2. Hạt Cát muốn hỏi tên của "nặc danh GNLT là gì" nhưng lại trọ trẹ nói tiếng tàu Quảng Đông " tồng chí này"... Do lúc viêt phản hồi mình chưa mở mở blog nên lười mà ghi " nặc danh" cho nhanh, có ghi GNLT ở cuối thôi. . Từ sau rút kinh nghiệm.

      Xóa
    3. Bài thơ Phan Vũ rất hay, mạch thơ tuôn chảy như suối rừng mùa xuân, khỏa lấp qua một vài nhược điểm, như " cây bàng mồ côi". "Hà Nội phố" là tiếng lòng người nghệ sĩ Hà Nội mang phong cách thanh lịch, tinh tế trên từng câu thơ, hình ảnh, nhịp điệu, vô cùng hiện đại- đương đại.

      Xóa
  5. Thưa chị Phương Anh ,

    Đã lâu ko thăm blog cũa chị , hôm nay thấy chị có bài trên tintuchangngay online . Nếu kễ từ những lùm sùm v/v CHHV tuyệt thực thì bài này hay nhứt vì có cái nhìn bao quát và đúng đắn .
    Tôi đã giới thiệu bài này trên Nguyễn Thông's blog vì tôi cũng quan niệm "một cá nhân có thễ sai lầm chứ một CP hay một nhà nước ko thể mắc sai lầm .
    Sau đây là thiển ý cũa tôi về vụ LS Vũ :
    Nếu CP đã tuyên bố với cã nước rằng , CHHV phạm tội hình sự thì phải đối xử ông Vũ như mọi phạm nhân HS khác . Đằng này , ông được gia đình gửi vào giá vẽ , giấy bút , v.v... để vẽ ; rồi thức ăn thừa mứa ; rồi được ở phòng với 1 PN khác , có TV , toa-lét riêng , v.v... (theo báo chí nhà nước đăng) . Chĩ thiếu một thứ là ko cho vợ vào ở với ông .
    Như vậy là PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ ; thành ra , CP tự mình mâu thuẩn với mình .
    2/ Hơn nữa , nếu đối xữ như hiện nay , thì ông Vũ không phải là tù HÌNH SỰ ; và nếu vậy , CP phải đưa ông ra tòa để xử lại . Và nếu ko muốn buộc tội ông về chính trị , vì e ngại quốc tế chĩ trích về NHÂN QUYỀN , v.v... thì thả ông ra .
    Chứ không thể NHẬP NHẰNG NHƯ THẾ NÀY MÃI , THẾ GIỚI NÓ CƯỜI !




    Trả lờiXóa
  6. Thưa chị PA ,
    Sau khi đọc bài AI THỰC SỰ TÌM RA CHỮ QUỐC NGỮ cũa KTS ĐỖ XUÂN ĐẠM ở http://huynhngocchenh.blogspot.com/2013/06/ai-thuc-su-tim-ra-chu-quoc-ngu.html#more , tôi có ý kiến sau :
    Mới nhìn sơ qua bài viết này , tôi nghĩ ngay rằng tấm hình được ghi "chữ cái La tinh" chính là "chữ cái Hy lạp" . Vì trước đây , tôi đã từng quen với chữ cái LA TINH , trong các văn chương cổ và LUẬT PHÁP . (Không dấu gì các bạn , trước đây tôi rất ĐAM MÊ môn khảo cổ và ngôn ngữ học đối chiếu , v.v...) . Tuy vậy , để chắc ăn , tôi vào Wikipedia để kiểm chứng . Thì đúng như vậy . Chữ cái HL cũng ko xa lạ với tôi vì nó là chữ viết cũa nước Hy lạp ngày nay ; và chữ cái Cyril (Cyrillic alphabet) cũa dân Nga cũng từ chữ cái HL mà ra . Các bạn nào đã du học ở Nga có thể kiểm chứng điều này giùm tôi . Xin đọc về 'chữ cái LT' ở đây :
    http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3ng_ch%E1%BB%AF_c%C3%A1i_Latinh
    . . .
    Cùng với sự bành trướng của Đế quốc La Mã, bảng chữ cái Latinh cùng tiếng Latinh cũng mở rộng từ bán đảo Ý sang các vùng lân cận bên bờ Địa Trung Hải. Cho đến cuối thế kỷ 15, bảng chữ cái Latinh đã phổ biến khắp Tây, Bắc và Trung Âu, chỉ có Đông và Nam Âu vẫn tiếp tục sử dụng bảng chữ cái Cyril (được người Nga dùng , có nguồn gốc từ chữ cái HL .- Tài) . Ở giai đoạn sau, cùng với quá trình thực dân hóa của các quốc gia châu Âu, bảng chữ cái Latinh bắt đầu xuất hiện trên khắp thế giới, từ châu Mỹ, châu Đại Dương, châu Phi và một phần châu Á.
    . . .
    Nếu tôi có sai điều gì , xin các bạn đóng góp , đặc biệt từ chị PA . Cám ơn ,
    16.06.13

    Trả lờiXóa
  7. Sau đây là còm cũa tôi trên blog Nguyễn Thông .

    Thưa các bạn ,
    Có lẽ entry này trên blog Nguyễn Thông có thể giử kỹ lục trong thế giới blog tại VN vì đã có trên 160 còm .
    Mới đây tôi đọc bài sau đây cũa Vũ thị Phương Anh trên :
    http://www.tintuchangngayonline.com/2013/06/vu-thi-phuong-anh-suy-nghi-cua-toi-ve.html
    Tôi thấy rất hay :
    Bà PA nói , dù cho việc CHHV tuyệt thực là ngụy tạo và vợ cũa CHHV dựng chuyện đi nữa , thì nếu sau này phô bày ra ánh sáng thì vợ chồng CHHV sẽ mất UY TÍN với dân VN và toàn thế giới .
    Còn đang là một chính quyền với BỘ MÁY NHÂN SỰ KHỔNG LỒ MẤY TRIỆU NGƯỜI dưới tay cũa mình , CP phải hành xử ĐƯỜNG ĐƯỜNG CHÍNH CHÍNH , cứ dựa theo Hiến Pháp mà thực thi pháp luật .
    Không cần phải ĐÔI CO, TRANH CẢI , ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG với HAI NGƯỜI NÀY (qua việc đưa hình ảnh , video , v.v... lên TV , báo chí, mạng ) .
    Nếu CP cứ tiếp tục làm như vậy , CP cũng giống như HÀNG TÔM HÀNG CÁ ngoài chợ !
    Vì nếu là NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN , CP Việt Nam cứ theo luật mà hành xử , giống như ngày hôm nay 17.6.13 , Cãnh sát cũa tỉnh Quebec họp báo tuyên bố bắt thị trưởng Montreal vì cáo buộc tham nhũng . Có người dân Canada nào PHẢN ĐỐI việc làm trên . Và CS tỉnh Quebec nói , còn sẽ bắt thêm người .
    Tôi thấy bài viết này là hay nhứt , vì có cái nhìn bao quát và đúng đắn về TRẬN ĐẤU giửa CPVN vs vợ chồng CHHV . Vì một người dân có thể sai lầm nhưng một CP không thể mắc lỗi lầm !
    Và nếu CP cứ dựa vào Hiến Pháp mà thực thi pháp luật thì không ai phản đối đâu .

    Trả lờiXóa
  8. Đang ngon trớn "cây bàng" tự nhiên ông Tài này vào đâm hơi, đồ dô dziên

    Trả lờiXóa
  9. Nhỡ bác Tài do dzien rồi,cho XL tới lun .Thấy bài viết của Chi PA trên bolapquechoa,link tiếp sang facebook muốn nói vài lời bên đó mà tìm không ra bài viết,nên qua đây khen chị vài chữ cho sướng.Bài viết đấy rất chi là hay-chữ ít mà lời nhiều.Còn cây bàng phương nam của chị có lẽ tôi không yêu bằng bông gió Đà Lạt,hôm nào chị nổ một phát nhé.Chúc chị khỏe.

    Trả lờiXóa