Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Đôi điều với tác giả của "Đôi điều với tác giả ..." (1)

Bài viết này tôi vừa viết một mạch và đăng trên facebook sau khi đọc bài trên báo Quân đội Nhân dân, nhưng thấy nội dung khá nghiêm túc và muốn chia sẻ rộng rãi hơn như một lời đóng góp thực sự nên đưa lên đây để rộng đường dư luận. Mong được những người có liên quan và có trách nhiệm đọc và trao đổi.
------------------

Thưa ông/bà Trọng Đức,

Tình cờ tôi đọc được bài của ông/bà Trọng Đức viết "đôi điều với tác giả 'viết trên giường bệnh'". Ai chưa đọc, xin đọc ở đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx.

Đọc xong bài của ông/bà, tôi thấy mình cũng cần phải có đôi điều với ông/bà, và phải viết ngay trước khi bài của ông/bà được phổ biến rộng rãi đến nhiều người. Vì theo tôi hiểu, ông/bà viết đôi điều với ông Lê Hiếu Đằng, tác giả của 'viết trên giường bệnh' là để tranh luận với ông LHĐ nhằm "làm thất bại diễn biến hòa bình" như tên gọi của cột báo nơi đăng bài của ông/bà. Nhưng với cách viết của ông/bà thì tôi e rằng nó sẽ có tác dụng ngược, vì những điểm ông/bà nêu ra để phản biện không những không "đập tan được luận điệu ..." như báo chí, truyền thông của Đảng và Nhà nước ta thường nói, mà e rằng nó lại càng củng cố thêm "luận điệu" của họ. 

Tôi xin đưa một vài ví dụ.

1. Ý đầu tiên trong bài viết của ông liên quan đến việc đối xử với tù nhân ở chế độ ta và các chế độ (phản động, thù địch?) khác. Ông LHĐ kể lại một kinh nghiệm cá nhân của ông ấy, rằng ở chế độ cũ, ông ta đang bị tù mà vẫn được chính quyền thời đó tạm trả tự do để đi thi, và đặt câu hỏi là chế độ ta, là chế độ tự do, dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản, có cho phép điều ấy không?

Câu trả lời của ông/bà, xin được phép trích nguyên văn, là như sau:

Thực tế, với tuổi đời như ông Đằng, chắc ông cũng thừa hiểu, trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Ở Việt Nam cũng vậy.

Thực sự tôi chưa hiểu rõ ý ông/bà ở đây. Ông LĐH đã đưa ra một ví dụ cụ thể về trường hợp của chính ông ấy được tạm trả tự do trong thời gian ở tù để đi thi (tất nhiên phải có người bảo lãnh). Như thế tức là việc ấy có tồn tại, ít ra là ở một nước (VN trong chế độ cũ). Vậy tại sao ông lại khẳng định rằng "hầu như chẳng có nước nào [...] cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học"? Ông đọc không kỹ, hay đọc mà chưa hiểu?

Hay ông cho rằng LHĐ nói dối? Nếu vậy, xin ông tập trung vào chất vấn ông LHĐ, đòi ông ấy đưa ra chứng cứ nhiều hơn để ông tin, chứ sao lại đưa ra những nhận định khái quát mà thiếu căn cứ như vậy? Ngoài ra, tôi e rằng để chứng minh rằng ông đã nói sai thì không khó lắm đâu. Tôi nhớ từ đầu thập niên 1990 khi sang Thái Lan, tôi có được đến thăm Viện Đại học Mở của nước này, và họ khoe là trường của họ hãnh diện là đã giúp nhiều tù nhân lấy được tấm bằng đại học trong thời gian ở trong tù. Thời ấy, mạng Internet chưa tồn tại (lúc ấy là năm 1993), tù nhân còn phải học hàm thụ, và đến kỳ thi học kỳ hoặc tốt nghiệp thì họ phải có mặt để thi. Như vậy, hẳn là những tù nhân ấy phải được phép tạm trả tự do để đi thi thì họ mới có thể lấy được tấm bằng đại học trong thời gian ở trong tù chứ ạ? Nếu ông/bà cũng không tin điều này, xin ông/bà thử tìm trên mạng Internet, tôi tin là những thông tin này ngày nay đầy rẫy ở trên mạng đấy ông/bà ạ.

Và để giúp ông/bà, tôi cũng thử tìm. Tôi dùng cụm từ "prisoners allowed to study for degrees" (tù nhân được phép học để lấy bằng đại học), và ngay lập tức tìm ra mẩu tin này (đăng trên tờ The Guardian của Anh vào năm 2011, ở đây:http://www.theguardian.com/education/2011/apr/25/prisoners-law-degrees): Tù nhân đăng ký học ngành Luật! Nếu ông/bà đọc được tiếng Anh (tôi hy vọng thế) thì ông/bà sẽ thấy, các tù nhân của Anh rất thích học Luật, vì họ không hài lòng với hệ thống pháp luật hiện hành của nước họ. Ví dụ người trong mẩu tin này cảm thấy mình đã bị xử không đúng, lẽ ra phải xử tội ngộ sát chứ không phải là tội cố sát như mức án mà anh ta đang phải chịu. Việc này phổ biến đến nỗi bài báo còn đang đặt câu hỏi là "những người này [sau khi có bằng đại học Luật] liệu có được cho phép làm luật sư không?" - tất nhiên là sau khi họ đã thụ án xong và dược trả tự do.

Ngoài mẩu tin đó ra, còn có rất nhiều mẩu tin tương tự khác, có tên tuổi cụ thể, nhưng thôi, hãy tạm quên những tên tuổi ấy. Tôi chú ý đến một khía cạnh khác rất đáng quan tâm, đó là: Tài liệu hướng dẫn học tập dành cho đối tượng tù nhân của Viện Đại học Mở (The Open University) của Anh. Xin lưu ý rằng The Open University của Anh được thế giới đánh giá cao về chất lượng. Xem ở đây:http://labspace.open.ac.uk/file.php/3427/Studying_with_the_OU_-_a_guide_for_learners_in_prison.pdf.

Có tài liệu hướng dẫn riêng cho đối tượng tù nhân thì điều ấy có nghĩa là đối tượng này phải khá nhiều. Phải chăng đây là một cách làm thực sự khôn ngoan và nhân văn, giúp cho những tù nhân dễ dàng hội nhập với xã hội sau khi ra tù? Tôi nghĩ, có lẽ ông/bà Trọng Đức nên đọc kỹ và tham mưu cho Đảng và Nhà nước ta, như thế có lẽ sẽ chống diễn biến hòa bình một cách hiệu quả hơn là những bài viết khơi khơi thiếu lý lẽ và dẫn chứng cụ thể [chỗ in đậm là góp ý của anh Phùng Hoài Ngọc] trên cột báo có đăng bài của ông/bà đấy ạ.

Đấy, thực tế của các nước mà ông/bà mỉa mai gọi là "đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm 'khuôn vàng, thước ngọc' cho toàn thế giới" là như thế đấy ạ. Tất nhiên họ có thể nói dối, nói quá, thổi phồng vv, nhưng nếu vậy xin ông/bà hãy chứng minh là họ nói dối. Hoặc ngược lại, ông/bà hãy tìm ra một vài ví dụ tương tự trong chế độ ta, và trưng ra (cứ thổi phồng lên, tô hồng lên vv nhiều nữa cũng được) cho ông LHĐ và thế giới thấy, thì mới hy vọng "đập tan luận điệu dối trá, xuyên tạc" vv của những kẻ đang âm mưu diễn biến hòa bình được chứ, phải không ông/bà Trọng Đức? Mong ông/bà xem xét và trả lời giúp.

Bài của ông/bà khá dài, nên tôi xin phép viết dần làm 3, 4 Notes khác nhau để trả lời từng điểm của ông/bà nhé. Xin hẹn ông/bà Trọng Đức trong Note sau của tôi.

17 nhận xét:

  1. “Cũng còn nhiều điều nữa muốn trao đổi với ông. Trong khuôn khổ của một bài báo nên chỉ có thể trao đổi một vài điều như vậy, nếu có làm ông phật lòng, cũng mong ông thông cảm.”( kết luận bài viết của tác giả Trọng Đức.)
    Qua câu trên, có thể hiểu tác giả Trọng Đức và cả Báo QĐND thực sự muốn có cuộc tranh luận nghiêm túc, cởi mở về vấn đề ông LH Đằng nêu lên. Vậy để rộng đường dư luận, đề nghị Báo QĐND: (1) cho đăng bài “Viết trên giường bệnh” của ông LH Đằng. (2) đăng các ý kiến phản hồi của ông Đằng và bất cứ ai quan tâm đến vấn đề ( như các notes này của cô PA).
    Trước hết có thể cô PA thử gửi bài này cho QĐND xem sao.
    Tú Đoàn.

    Trả lờiXóa
  2. Tui đọc từ sáng bài của chị mà không biết góp ý thế nào cho thoát ý. Nhưng tranh luận của chị PA chắc cũng như trường hợp của tui. Cái gì bà xã tui không thấy (trải nghiệm) thì nghĩa là điều đó không có, không xảy ra. Tui "thả sức" chứng minh,minh họa, dẫn chứng... đối với bà ấy đều không có giá trị.
    Tui cho rằng đây là "nút thắt", hoặc là xung đột giữa thông tin-tri thức với các giá trị văn hóa truyền thống và quyền lực (hành chính, bạo lực). Người ta vừa sợ phải thay đổi nhận thức, từ bỏ định kiến và có thể là mất vị thế trong mối quan hệ với nhau.
    Định kiến tồn tại được hàng trăm năm vì trong thời đại đó thiếu thông tin tri thức. Nay định kiến có thể chỉ còn rất ít giá trị. Phàm là những người nào thiếu thông tin, không cập nhật thông tin hoặc không chịu chấp nhận thực tế thì càng mang nặng định kiến.
    Điều này càng đúng với những người cầm quyền và đang có nguy cơ bị giảm xút quyền lực vì các diễn biến thực tế.
    Không loại trừ trường hợp họ cố tình không nghe, không thấy để bảo vệ các giá trị giúp họ duy trì quyền lực bấy lâu nay.
    Cuộc đấu tranh để thay đổi các quan niệm về giá trị hay để hình thành các giá trị mới đang diễn ra khi âm thầm, khi gay gắt đang diễn ra trong xã hội và trong...nhà tui. He he!!!

    Trả lờiXóa
  3. Mình cũng xin gửi một link phụ với chị Phương Anh:
    http://learningenglish.voanews.com/content/group-helps-women-former-prisoners-continue-their-education-148105125/610436.html

    Ở cái nước tư bản này ( Mỹ), chuyện ở tù là chuyện phải chấp hành vì vi phạm pháp luật, còn giáo dục là quyền của mọi người nên không bị tước đoạt (dù họ vào tù).
    Vì vậy, khi ra tù chuyện học hành, công việc của họ go on . Xin hãy so sánh với cách quản thúc, giám sát hay kêu gọi lòng thương hại cho họ tái hòa nhập suông ở đất nước dân chủ hơn gấp vạn lần của mình.

    Trả lờiXóa
  4. Trọng kim chứ Trọng chi đức!

    Trả lờiXóa
  5. Chờ trong tâm trạng háo hức những phần sau của chị.

    Trả lờiXóa
  6. Hoan hô chị PA.đã chịu khó dành thì giờ phản bác
    luận điệu của người vỗ ngực tự xưng... trọng đức
    (XHCN) chứ không dám trọng lý !
    Toàn bài này là hậu qủa của nền giáo dục tuyên
    truyền nhồi sọ và tẩy não trong chính sách ngu
    dân thời chưa có Internet nên tha hồ độc quyền
    đổi trắng thay đen !

    Trả lờiXóa
  7. Chị Phương Anh ra đề khó cho bút nô trọng đức rồi! Mấy chú ấy làm gì biết tiếng Anh.Mấy chú chỉ biết tiếng...đảng thôi!

    Trả lờiXóa
  8. Tôi đọc bài "Đôi điều với tác giả ..." cũng thấy tức anh ách mà không biết làm sao.
    Cám ơn chị Phương Anh đã viết bài phản biện rất công phu và đầy thuyết phục. Mong chờ những bài mới của chị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tác giả bài này không biết gì mà nói càn. Ai sống ở nước ngoài nếu quen đọc báo cũng biết là các nước Âu Mỹ rất khuyến khích tù nhân học tập, đó là biện pháp ổn định tâm lý và tự hoàn thiện tốt nhất, do đó góp phần ổn định xã hội, vì những người này khi ra tù sẽ có trình độ văn hoá, dễ có công ăn việc làm hơn. Ở Pháp gần đây một nhà tù lớn vùng Paris còn có chính sách trợ cấp mỗi tháng 200€, và đặc cách có buồng giam cá nhân, cho tù nhân học hàm thụ đại học (1,4% tù nhân học đại học hàm thụ, thậm chí có người còn làm xong luận án tiến sĩ). Ngay ở một nước thứ ba như Ma Rốc, tôi đọc được thông tin sau : "năm 2008 trên 3259 người học trung học trong tù, có 1943 người đã thi đỗ tú tài, đồng thời có nhiều người đã xong đại học một cách xuất sắc."

      Xóa
  9. Cảm ơn Chị Phương Anh về bài viết này.

    Trả lờiXóa
  10. Chị Phương Anh có những phân tích rất chính xác và xúc tích. Thời buổi này có nhiều nhà báo có nhận thức và trình độ kém lắm (tôi chỉ nói chung thôi, không nói trọng đức đâu nhé). Cảm ơn về bài viết của chị.

    Trả lờiXóa
  11. Mong các anh em an ninh không đọc các notes tranh luận của cô PA với ông/bà Trọng Đức + các comments bằng những đôi mắt mang hình viên đạn nhé. Bạn nặc danh 15:58 ơi, súc tích chứ không phải xúc tích bạn ui! Heheh, chớ có tự ái vì "bị" tui "sửa lưng" nhé!!! ; ))

    Trả lờiXóa
  12. Tôi chưa đọc bài của Trọng Đức, nhưng qua phân tích khoa học, khách quan của tác giả Vũ Thị Phương Anh thì có thể hình dung ra cái lý sự cùn của Trọng Đức. Là người Việt chân chính có lẽ nên tránh xa cái ấn phẩm độc hại là Hai tờ báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân

    Trả lờiXóa
  13. Nhung bai viet cua chi Vu Thi Phuong Anh rat khoa hoc, co tam nhan van, co tam chinh tri,loi viet di vao long nguoi. Cam on chi rat nhieu. Bai tho GIAC MO VIET NAM CHI VIET HAY QUA. Co the coi day la loi hieu trieu cho nhung nguoi dan Viet thuc tinh. Toi manh dan de nghi chi them mot cau ket vao cuoi bai tho : GIAC MO - VIET NAM !.

    Trả lờiXóa
  14. Tôi nghĩ Việt Nam chưa xuất hiện 1 lãnh tụ chính trị đủ tầm.
    Bút chiến cho vui thế thôi.

    Trả lờiXóa
  15. Thế còn Phương Uyên sau khi đã ra khỏi tù rồi trở lại trường ... Bị Trường Đại học Công Nghệ Thực Phẩm đuổi học thì sao? Các vị không bình luận?

    Trả lờiXóa
  16. Sao mọi người không nghĩ ra trường hợp LHĐ tham gia phong trào đấu tranh "học sinh, sinh viên" nên mức độ được chế độ cũ đánh giá là ở mức "tự phát, đua đòi"; mặt khác, có thể gia đình đã dùng tiền đút lót - hay nhờ vả thế lực nào đó nên được chế độ cũ tha cho ra thi (việc dùng tiền, thế lực chạy chọt, thậm chí chạy cả quân dịch ở chế độ VNCH đầy rẫy, ai còn lạ lẫm gì), nên có gì mà bàn cãi "hay ho, tốt xấu...". Muốn đánh giá thực tế nên gặp các cựu tù đày ở các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc v.v... hoặc gặp cựu tù Nguyễn Văn Thương (6 lần bị tra tấn cưa chân) hay gặp lại bảy Nhu - viên cai tù nhà tù Phú Quốc của chế độ VNCH thì rõ hơn...

    Trả lờiXóa