Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2008

Tin về Hội thảo Đổi mới tuyển sinh đại học - cao đẳng tại VN: 3

Bàn chuyện tuyển sinh: Rối như canh hẹ

http://www.phapluattp.vn/news/giao-duc/view.aspx?news_id=237579

19-12-2008 23:07:35 GMT +7TRƯƠNG HIỆU
Việc bỏ hay không kỳ thi tuyển sinh đại học còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong ảnh: Phụ huynh cùng các thí sinh nghỉ ngơi sau giờ thi tại Hội đồng thi trường Nguyễn Thị Minh Khai năm 2008. Ảnh: HTDBộ GD&ĐT không nên “ôm khư khư” kỳ thi tuyển sinh mà hãy để các trường tự lo liệu.
Khi nào bỏ hẳn kỳ thi tuyển sinh đại học? Nên hay không nên tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia? Giải pháp nào để có một kỳ thi hoàn hảo, đỡ căng thẳng, tốn kém?

Hôm qua (19-12), lại một lần nữa những vấn đề nóng bỏng “Đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH Việt Nam” được nhiều chuyên gia giáo dục ĐH trong cả nước đưa ra bàn luận tại hội thảo khoa học do hai ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM tổ chức.

Thi đại học: Người bỏ, người không!

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Đại học Hồng Bàng, nêu ý kiến: “Chúng ta quan tâm quá nhiều đến đầu vào, tốn công sức quá nhiều cho vấn đề này. Đề nghị bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, cương quyết đừng bàn cãi đến nó nữa!”. Theo ông Hùng, sắp tới đây, trong tiến trình hội nhập quốc tế, các nước sẽ đưa dịch vụ giáo dục vào Việt Nam mạnh mẽ hơn. Các trường ĐH Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi cách tuyển sinh đầu vào mới theo kịp các trường nước ngoài.

Đồng quan điểm với ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Quang Trình, Phó Trưởng khoa Kinh tế ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng không nên tồn tại kỳ thi tuyển sinh ĐH mà chỉ cần áp dụng một kỳ thi tốt nghiệp THPT chung cho cả nước. Ông Trình nêu thực tế trước 1975, các trường ĐH không tổ chức kỳ thi tuyển ĐH. Hàng ngàn thí sinh ghi danh học nhưng sau kỳ sát hạch chỉ còn khoảng trăm người theo học. Đó là cách tuyển sinh đầu vào và đào tạo khoa học mà không tốn kém, rầm rộ như hiện nay.

Ngược với những quan điểm bỏ hẳn kỳ thi ĐH, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đặt vấn đề: “Trong điều kiện hiện nay, tỷ lệ sinh viên/một vạn dân của Việt Nam vẫn còn thấp, không thể kìm hãm được nhu cầu học tập đang ngày càng tăng cao của người dân. Tuy nhiên, giáo dục ĐH cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Hãy tưởng tượng một kịch bản năm nay không tổ chức kỳ thi ĐH, hàng vạn thí sinh phải chạy vào đâu để tìm chỗ học? Có phải thí sinh cầm hồ sơ xét tuyển chen chúc nhau trước cổng trường, lúc đó ai giải quyết? Ai đủ sức dẹp loạn này?”.

Trong khi đó, giáo sư Lâm Quang Thiệp lo ngại rằng: “Nếu lấy kết quả học bạ THPT làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, chắc rằng các địa phương sẽ nhanh chóng đưa tỷ lệ thí sinh giỏi lên rất cao! Vì vậy, tổ chức một kỳ thi THPT chung không nên gắn với các địa phương, không để các địa phương tổ chức, kết quả sẽ khách quan hơn”.

Đa dạng hóa kỳ thi đại học...

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng kỳ thi tuyển sinh ĐH phải được đa dạng hóa. Tại sao chúng ta cứ phải tổ chức một kỳ thi THPT rồi một kỳ thi ĐH để rồi tự tạo ra áp lực ngay chính những kỳ thi này. Vì vậy, ông Dũng đề nghị Bộ GD&ĐT không nên “ôm khư khư” kỳ thi tuyển sinh mà hãy để cho “người nông dân nghĩ trên luống cày của mình”, để cho các trường tự lo liệu.

Cũng theo ông Dũng, việc cải tiến kỳ thi tuyển sinh cần có lộ trình công bố rõ ràng, chẳng hạn ít nhất là đến năm 2012 mới có tổ chức kỳ thi lấy kết quả chung xét tuyển vào ĐH. Việc nghiên cứu các bộ đề thi do hai ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM thực hiện. Từ đó, một năm có thể tổ chức thi vào nhiều lần, như vậy sẽ không còn tạo ra áp lực căng thẳng như kỳ thi hiện nay.

PGS-TS Nguyễn Văn Nhã - Trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhằm đánh giá kiến thức của học sinh sau 12 năm học, còn kỳ thi ĐH là nhằm sàng lọc thí sinh có đủ khả năng học ĐH hay không. Các trường ĐH với mục đích lựa chọn những thí sinh khá giỏi vào học ĐH, vì vậy sẽ có nhiều cách tổ chức thi tuyển khác nhau như xét tuyển hồ sơ xin nhập học, thi vấn đáp-thi viết, phỏng vấn trực tiếp...

Ba nhóm giải pháp tuyển sinh sau 2009

Do các trường và các ngành đào tạo mục tiêu và yêu cầu khác nhau nên không thể có một phương án tuyển sinh tối ưu áp dụng chung cho tất cả các trường, các đối tượng thí sinh. Vì vậy, cần có sự phân biệt giữa các nhóm ngành, nhóm trường ĐH trong khâu tuyển sinh. Trên cơ sở này, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và giám định chất lượng đào tạo thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất các phương án tuyển sinh sau năm 2009. Cụ thể nhóm các trường không có tính cạnh tranh cao trong kỳ thi là những trường ĐH tư thục, dân lập, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ công lập nên áp dụng hình thức xét tuyển.

Trong khi đó, nhóm các trường có tính cạnh tranh cao trong thi tuyển sinh là các trường ĐH công lập, đặc biệt các trường trọng điểm với các chương trình đào tạo tiên tiến, cử nhân tài năng, chương trình đào tạo chất lượng cao... thì ngoài việc xét tuyển chung kết quả THPT còn có một kỳ thi đầu vào riêng theo yêu cầu của từng trường. Đây là nhóm ngành học đặc thù, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực để thành công nên nhất thiết mức điểm đạt được tối thiểu phải được công bố trước để thí sinh biết và tự lượng sức mình.

Và nhóm thứ ba là các hệ đào tạo đặc biệt gồm tại chức, đào tạo từ xa, văn bằng hai... Đây là đối tượng đã hoàn toàn trưởng thành, có kinh nghiệm làm việc nên xét tuyển từ hồ sơ xin học của người học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét