http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2008/12/175692/
Hội thảo “Đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng” còn nhiều ý kiến trái chiều
Thứ sáu, 19/12/2008, 15:41 (GMT+7)
Theo Đề án đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng (TSĐH, CĐ) của Bộ Giáo dục - Đào tạo, sau kỳ thi tuyển sinh ĐH lần cuối cùng vào năm 2009, sẽ chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia mà kết quả sẽ được dùng để xét tốt nghiệp phổ thông và là căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT đã đề nghị các đơn vị đào tạo ĐH, CĐ trong cả nước đóng góp ý kiến đề án này.
Sáng nay, 19-12, ĐHQG TPHCM đã có cuộc hội thảo “Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ” với nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo đại học, đã đưa ra kinh nghiệm tuyển sinh từ Hoa Kỳ và CHLB Nga. Theo đó, tại Hoa Kỳ, hệ thống TSĐH được thực hiện thông qua hai dịch vụ đánh giá phục vụ TSĐH là SAT và ACT. Sau đó các trường ĐH dựa vào kết quả thi của thí sinh ở hai hệ thống này để TSĐH.
Còn tại CHLB Nga, kỳ thi quốc gia duy nhất được tổ chức nhằm đánh giá HS đủ trình độ tốt nghiệp chương trình phổ thông 11 năm, sau đó các trường ĐH có nhu cầu đặc biệt về HS có năng khiếu hoặc thể lực có thể tổ chức thi tuyển riêng.
GS Lâm Quang Thiệp tỏ ra ủng hộ phương pháp thi trắc nghiệm khách quan cho một kỳ thi đại trà vì có thể đánh giá được năng lực của HS, đồng thời tránh áp đặt đánh giá chủ quan của người chấm thi, hạn chế được quay cóp, mang “phao”. GS ủng hộ đề án tổ chức một kỳ thi của bộ nhưng đó phải là kỳ thi độc lập để đánh giá năng lực người học ở cuối bậc phổ thông.
TS. Vũ Thị Phương Anh (Giám đốc Trung tâm Khảo thí - Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM) cũng ủng hộ phương án tổ chức một kỳ thi, sử dụng kết quả đó để làm căn cứ xét tuyển. Nhưng với Việt Nam, bà cho rằng nên có 3 phương án tuyển sinh dựa vào các nhóm yếu tố được các nước trên thế giới xem xét khi tuyển sinh. Đó là dựa vào kết quả các kỳ thi THPT, rồi các trường tự tổ chức kỳ thi TS hoặc kỳ thi chuẩn hóa, phương pháp này được áp dụng nhiều ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Từ đó, ở Việt Nam có thể có 3 phương án tuyển sinh như sau: Các trường/ngành không đặc thù, không có tính cạnh tranh cao hoặc không sử dụng kinh phí của nhà nước thì sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học ba; các trường/ngành đặc thù, có tính cạnh tranh cao hoặc đòi hỏi năng lực, năng khiếu đặc biệt của người học thì sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả của một kỳ thi khác theo yêu cầu hoặc kỳ thi đầu vào do chính trường tổ chức; các hệ đào tạo đặc biệt (hoàn thiện ĐH, tại chức, đào tạo từ xa, văn bằng 2) thì xét hồ sơ xin học kèm theo yếu tố dân số, cần kiểm tra thường xuyên trong quá trình học theo nguyên tắc mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra.
Cô Đồng Thị Tuyết Hạnh, ĐHQG TPHCM, băn khoăn: “Nếu tổ chức một kỳ thi TN THPT quốc gia thì đề thi chung sẽ được soạn thảo và đảm bảo như thế nào? Làm sao phân định được hai mục đích rõ ràng của kỳ thi trong một đề thi? Ai sẽ là người kiểm chứng rằng đề thi có thể xác định chính xác trình độ và phân loại được HS để vừa công nhận TN vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ”?
Theo cô, không nên bỏ kỳ thi nào trong hai kỳ thi TN THPT và TSĐH vì mỗi kỳ thi có mỗi đặc thù và sàng lọc HS theo tiêu chí riêng.
PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã (Trưởng ban Đào tạo- ĐHQG Hà Nội) nêu quan điểm mỗi trường tùy theo nhu cầu mà có cách tuyển sinh riêng như xét tuyển hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp, thi viết hoặc kiểm tra trình độ, năng lực, trắc nghiệm khách quan chứ không nên lấy một chuẩn chung nào cho việc TSĐH trên toàn quốc.
Mục tiêu của kỳ thi TN THPT là nhằm đánh giá kiến thức của HS sau 12 năm, còn TSĐH, CĐ lại nhằm mục tiêu chọn người có đủ trình độ, kỹ năng để theo học chương trình của trường ĐH, CĐ mà họ đăng ký học.
DIỄM LỆ (SGGP 12G
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét