Thứ Bẩy, 20/12/2008 - 9:54 AM
Nguồn: Dân Trí
“Bộ không nên ôm mãi chuyện tuyển sinh”
GS-TSKH Lâm Quang Thiệp: “Đòi hỏi một bằng chung, tiêu chuẩn quốc gia chung cho các tỉnh là ảo tưởng”.
(Dân trí) - Tại Hội thảo về Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức tại ĐHQG TPHCM ngày hôm qua, 19/12, nhiều đại biểu tham dự cho rằng: Tuyển sinh ĐH, CĐ là việc của các trường chứ không phải của Bộ GD-ĐT.
Tuyển sinh ĐH, CĐ là một khâu quan trọng trong hoạt động giáo dục của nhiều nước trên thế giới, vì nó động chạm tới giới trẻ và gia đình của họ, nó là một cái cổng dẫn đến một con đường quan trọng để lập thân, lập nghiệp của giới trẻ, góp phần khá quyết định vào sự thành đạt của họ trong tương lai.
Việc đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ tại Việt Nam vẫn là một “câu chuyện” được nhiều nhà nghiên cứu về giáo dục quan tâm. Năm 2007, nhằm đảm bảo công bằng, nghiêm túc, khách quan trong việc xét tuyển vào ĐH, CĐ đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, giảm áp lực và chi phí cho người học và xã hội, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một đề án tổng thể về đổi mới công tác tuyển sinh. Theo đó, nhiều giải pháp đã được đề xuất.
Một giải pháp được khá nhiều đồng tình là tổ chức thống nhất một kỳ thi quốc gia sau THPT, sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan (TNKQ) và ứng dụng CNTT trong quy trình tổ chức thi, và sử dụng kết quả của kỳ thi này làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ và TCCN. Và đây cũng là những biện pháp đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, cho đến nay xung quanh đề án này vẫn còn những ý kiến khác nhau về tính hợp lý và khả thi của các biện pháp đã được đề xuất trong bối cảnh của Việt Nam, và những tác động tích cực cũng như tiêu cực có thể có của các biện pháp này lên hiệu quả của công tác tuyển sinh và chất lượng đầu vào của sinh viên.
Nhiều đại biểu cho rằng, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá trình độ người học, còn kỳ thi ĐH, CĐ là để đánh giá xem người học có đủ trình độ để học tiếp ở trường mà thí sinh đã lựa chọn hay không. Nếu trộn lẫn hai mục tiêu này vào một kỳ thi thì còn nhiều việc phải bàn. Các trường ĐH sẽ không tin vào kết quả của kỳ thi chung vì chắc chắn tiêu cực sẽ rất nhiều.
Đồng tình với nhiều ý kiến trên, GS-TSKH Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH) cũng cho rằng: “Phương án tổ chức một kỳ thi ở cuối bậc phổ thông của Bộ GD-ĐT là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp THPT không nên tổ chức thành kỳ thi quốc gia. Việc đòi hỏi một bằng chung, tiêu chuẩn quốc gia chung cho các tỉnh là ảo tưởng vì điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương là khác nhau”.
“Bỏ tuyển sinh thì sẽ loạn. Vả lại, đề thi của năm này so với năm kia không tương đương được với nhau. Nếu chúng ta tổ chức một kỳ thi và sử dụng kết quả này thì kết quả của năm nay có giống kết quả năm sau không? Học sinh dự thi năm nay có thể dùng kết quả để xét năm sau không?...” - TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM băn khoăn.
Qua đó, TS Nghĩa nêu lên một vấn đề: “Tuởng tượng kịch bản nếu không thi thì các trường ĐH, CĐ sẽ làm gì, Bộ làm gì, thí sinh như thế nào? Tôi không chủ trương bỏ thi tuyển sinh ngay, bỏ thi phải có cái gì đó để thi sinh biết được thí sinh nên làm gì. Chứ không sẽ diễn ra cảnh hàng ngàn thí sinh và phụ huynh chen lấn vào một trường nào đó để dự thi, còn những trường khác không có ai tới đăng ký!”.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng đào tạo ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết: “Nếu bỏ thi năm nay thì các trường sẽ chết. Chúng ta phải đa dạng hóa hình thức tuyển sinh. Công việc tuyển sinh là của các trường. Bộ không nên ôm khư khư mãi chuyện tuyển sinh, nên giao cho các trường tự xét tuyển cho riêng mình”.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới cần phải có lộ trình, không thể nói đã quyết là làm ngay được, chẳng khác nào chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Kỳ thi này một năm nên tổ chức vài lần, thí sinh muốn thi lúc nào cũng được. Thi một lần như hiện nay thì rất áp lực và tạo nên những tiêu cực, chia địa điểm và thời kỳ thi thì sẽ giảm áp lực.
Đoàn Quý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét