Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2008

Tin về Hội thảo Đổi mới tuyển sinh đại học và cao đẳng: 9 (lấy lại theo Tuổi trẻ)

Nguồn: VnDG (Cổng thông tin VN)
Đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Có nên tổ chức kỳ thi chung xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học? Thời điểm nào thực hiện? Bỏ thi tuyển sinh đại học liệu có ổn?

Những câu hỏi này một lần nữa được các nhà giáo dục mang ra bàn bạc ở “Hội thảo đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng tại Việt Nam” do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức ngày 19/12.

Không thể phủ nhận những mặt được của phương thức tuyển sinh “ba chung” được áp dụng từ năm 2002 nhưng phương thức này cũng có quá nhiều bất cập.

Hầu hết ý kiến đồng tình việc chấm dứt phương thức tuyển sinh này. Tuy nhiên, ý kiến từ các trường đại học (ĐH) cũng chưa thống nhất phương án thi khác.

Lo lắng “2 trong 1”

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM dự báo một viễn cảnh khi tổ chức kỳ thi “hai trong một” (lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vào ĐH, CĐ): thử tưởng tượng lúc không tổ chức thi ĐH nữa, các trường ĐH sẽ làm gì, hồ sơ chạy đi đâu, làm hồ sơ tuyển sinh ĐH như thế nào? Liệu có tránh khỏi tình trạng hỗn loạn khi hàng chục người chen lấn vào một trường ĐH để mua hồ sơ?

Cùng quan điểm này, ông Mỵ Giang Sơn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng nếu không còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ có nhiều trường rất đông thí sinh, trong khi nhiều trường khác thưa vắng. Các trường CĐ có thể không có nguồn tuyển sinh.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng, tuyển sinh gắn liền với chuẩn đầu vào của từng trường, hãy để các trường được tự chủ chuyện này. Rất nhiều ý kiến không đồng tình việc lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh vào ĐH.

Nói như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã, trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội, khâu tuyển sinh gắn liền với chiến lược phát triển của từng trường ĐH. Chất lượng đầu vào, đầu ra là một tiêu chí xác định vị thế, đẳng cấp của mỗi trường ĐH.

Vì lẽ này, các trường ĐH kiến nghị: muốn thay đổi cách tổ chức thi ĐH phải có chính sách hợp lý và có lộ trình để đảm bảo công bằng và tuyển đúng những người cần cho từng nhóm ngành đào tạo của các trường.

Lộ trình ấy như thế nào? Ngay chính những người làm công tác tuyển sinh ở các trường ĐH vẫn chưa thể hình dung được, chưa biết mình sẽ làm gì chuẩn bị cho kỳ thi chung ấy khi thời điểm sáp nhập đã gần kề (năm 2010).

Nhiều ý kiến tại hội thảo hồ nghi tính khả thi đề án này: liệu có chắc chắn năm 2010 sẽ chỉ có một kỳ thi hay sẽ tiếp tục hoãn như từng hoãn nhiều lần trước đây?

Hậu “ba chung” tuyển sinh theo kiểu gì?

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (ĐHQG TP.HCM) đề xuất ba phương án tuyển sinh cho các nhóm trường khác nhau trong trường hợp không còn kỳ thi “ba chung”. Theo đề xuất này, Tiến sĩ Phương Anh chia các trường ra thành ba nhóm.

Nhóm thứ nhất gồm các trường, ngành không đặc thù, không có tính cạnh tranh cao, không sử dụng kinh phí của Nhà nước. Nhóm này sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ.

Nhóm thứ hai gồm các trường, ngành có tính đặc thù và cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực, năng khiếu đặc biệt của người học hoặc nhận được sự đầu tư đặc biệt của Nhà nước. Nhóm này sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT kết hợp với kết quả một kỳ thi khác.

Xét tuyển hay thi tuyển?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng ở cấp độ từng trường cụ thể, lãnh đạo nhà trường nên xem xét để quyết định một số ngành xét tuyển hay thi tuyển. Những ngành khó tuyển hay không đặc thù thì nên tổ chức xét tuyển với những điều kiện, tiêu chí, chuẩn mực cụ thể. Những ngành có tính cạnh tranh cao thì nên tổ chức thi.

Ở cấp độ mạng lưới trường, Bộ GD-ĐT cần có quy trình, lịch trình cụ thể tổ chức việc xét tuyển hợp lý.

Nhóm thứ ba gồm các hệ đào tạo đặc biệt như hoàn thiện ĐH, tại chức, đào tạo từ xa, văn bằng 2… chỉ cần xét hồ sơ xin học kèm các yếu tố dân số.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã đề xuất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như: từ xét hồ sơ, phỏng vấn, thi vấn đáp, làm bài thi đến tổ chức thi nhiều vòng.

Để phục vụ mục đích đó, các trường phải tạo điều kiện thuận tiện nhất cho thí sinh, đưa ra nhiều giải pháp khác nhau như tổ chức thi tuyển theo học kỳ, đăng ký dự thi qua mạng cùng những chính sách ưu tiên, ưu đãi hợp lý.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Giải pháp giảm áp lực thi cử không phải là nhập hai kỳ thi làm một mà phải chia thành nhiều kỳ thi, chia làm nhiều nơi tổ chức thi và bộ đừng bắt buộc các trường chỉ tuyển sinh một lần trong năm”.

Có thể chứng nhận tốt nghiệp THPT

Dù còn nhiều ý kiến đồng tình duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT, dùng kết quả đó xét tuyển ĐH, nhưng cũng có nhiều ý kiến mạnh dạn đề xuất phương án ngược lại.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lâm Quang Thiệp cho rằng: phương án tổ chức một kỳ thi chung cuối bậc phổ thông là chủ trương đúng của Bộ. “Hai kỳ thi hiện nay tuy khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ đánh giá năng lực học sinh qua chương trình phổ thông.

“Tôi đề xuất phương án một kỳ thi cuối bậc phổ thông nhưng không phải là thi tốt nghiệp, không dùng kết quả này để xét tốt nghiệp. Đây cũng không phải là kỳ thi tuyển trực tiếp vào ĐH như hiện nay, mà là kỳ thi độc lập để đánh giá năng lực người học sau THPT.

Kỳ thi này có thể tổ chức nhiều lần trong năm, người học có thể học bằng nhiều con đường khác nhau đều có thể tham dự kỳ thi này.

Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp không cần thiết phải tổ chức thành kỳ thi quốc gia và để đảm bảo khách quan, kỳ thi chung không nên gắn với các địa phương” - ông nói.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng mạnh dạn đề xuất: “Việc kiểm tra công nhận tốt nghiệp THPT có thể giao về cho các địa phương, Bộ chỉ cần công bố chuẩn tốt nghiệp, việc này phải có sự chuẩn bị, đến năm 2012 chẳng hạn. Nếu chúng ta lo ngại tiêu cực mà không dám đưa ra những chính sách mới, tức là có thể trói buộc những nơi không tiêu cực”.

Ông Mỵ Giang Sơn cho rằng: “Học sinh hoàn thành chương trình THPT có thể được cấp bằng hoặc chứng nhận tốt nghiệp, không nhất thiết phải thi tốt nghiệp”.

Nhiều ý kiến bên lề hội thảo cũng đặt vấn đề: thi tốt nghiệp quy mô quốc gia làm chi khi tỉ lệ đậu nhiều nơi đến 98% và chúng ta đang tiến tới phổ cập THPT? Vấn đề còn lại là chuyện tổ chức thi ĐH như thế nào cho hợp lý và công bằng.

Theo Tiền phong (20/12/2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét