Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Các từ có đuôi -philia, và việc dạy ngôn ngữ trong nhà trường hiện nay

Mấy ngày nay trên báo chí Việt đang xôn xao vụ người đàn ông "ôm xác vợ" - nói chính xác là ôm tượng thạch cao có chứa cốt của vợ ông do chính tay ông đặt vào, theo lời khai của chính ông.

Nhân vụ này, các nhà chuyên môn của ngành Y có dịp bàn luận về hội chứng này, sử dụng các thuật ngữ khoa học bằng tiếng Anh, trong đó theo ghi nhận của mình thì người đầu tiên "khởi động" vụ này là BS Nguyễn Văn Tuấn (thật ra đây là BS hay TS thì tôi cũng không rõ, vì trong tiếng Anh 2 từ này đều là "doctor", nhưng một cái là medical doctor, còn cái kia là học vị cao nhất của mọi ngành học, chủ yếu mang tính nghiên cứu - cái này sau này khi gặp trực tiếp tôi sẽ hỏi, nếu nhớ!). Và từ đầu tiên Dr Tuấn (nói như thế cho chắc ăn) nhắc đến là từ necrophilia.

Vì là dân gốc dạy ngoại ngữ, lại theo chuyên ngành ngôn ngữ học, và có một thời gian dài dạy môn English Morphology (Từ pháp học, hay Hình vị học), nên ngay lập tức tôi chú ý ngay đến cấu trúc của từ này. Nó gồm có 2 phần: necro- (=corpse, tức xác chết, hay tử thi) và -philia (=love, tức yêu, hay ái). Đọc lên là hiểu ngay, dù hoàn toàn không thuộc ngành Y. Và rất thú vị khi thấy cụm từ "ái tử thi" mà Dr Tuan đưa ra, vì nghe nó rất ... khoa học, khách quan, không gây ác cảm như từ "yêu xác chết".

Hôm nay lại đọc một comment của BS (vị này là BS thật, bác sĩ điều trị đúng nghĩa, vì tôi đã có đến clinic của bác ấy và gặp bác ấy với tư cách thầy thuốc mặc áo blouse rồi!) lại thấy nhắc đến 2 từ khác là macrophilia (chiết tự thành macro- =lớn, và -philia =yêu), và microphilia (chiết tự thành micro- =nhỏ, và, again, -philia, yêu). Nhưng đến đây thì không hiểu được nữa. Tại sao lại là "yêu cái lớn" và "yêu cái nhỏ" ở đây nhỉ? Mà cái gì lớn, cái gì nhỏ cơ chứ? Khó hiểu quá! Mà nếu nghĩ thêm một chút nữa, theo kiểu Dr Nikonian viết trong một blog entry gần đây, thì, đúng thật là ...!

Nên đành phải lên mạng để tra và tìm hiểu (tất nhiên là để hiểu ngôn ngữ, tức chữ nghĩa mà người ta sử dụng trên báo chí mà thôi, chứ không đời nào dám cho rằng như thế là tôi đã có hiểu biết về chuyên môn ngành Y). Và đã tìm ra một lô một lốc các từ có tiếp tố -philia khác, như sau:

paraphilia = para- (=besides, bên cạnh, nghĩa bóng là lệch lạc, hay nói theo ngôn ngữ của Bộ 4T hiện nay là "lề trái";-)) + -philia --> yêu lệch lạc
pedophilia = pedo- (=child, trẻ em) + -philia --> yêu trẻ vị thành niên
macrophilia = như đã giải thích ở trên, là "yêu cái lớn". (Và tự hỏi, tên khoa học của chứng này trong tiếng Việt là gì nhỉ? Đại ái???????)
microphilia = cũng vậy, đây là "yêu cái nhỏ". (Tiểu ái???)

Còn nhiều từ có đuôi -philia nữa, và định nghĩa của chúng, có thể tìm ở đây.

Đọc cái danh sách-philia, yêu/ái dài lằng ngoằng này bỗng thấy tiếc rằng tôi không còn đi dạy ngôn ngữ nữa. Chứ nếu không thì đây sẽ là một bài giảng thú vị biết mấy. Bắt đầu bằng cách kể một câu chuyện, chà, ly kỳ hấp dẫn phải biết nhỉ, để sau đó giới thiệu từ necrophilia, rồi sau đó hỏi sinh viên xem có biết các paraphilia nào khác nữa không, rồi mới ra bài tập cho các sinh viên đi tìm thêm các -philia, để rồi tuần sau ôn lại, và nói chuyện thêm về các paraphilia khác, rồi còn hỏi xem tìm được ở đâu, vv và vv. Bảo đảm là sau bài học này sinh viên của mình sẽ thu được một khối lượng từ, và căn tố gốc Latinh/Hy Lạp khổng lồ, và sẽ nhớ mãi, kì không bao giờ quên. Thì ngày xưa tôi cũng đã từng có những người thầy dạy cực kỳ inspiring như thế, mà lại!

Và bỗng thấy vừa tự hào, vì vốn liếng kiến thức ngôn ngữ của tôi cũng còn tạm đủ để đọc, hiểu hoặc đoán được người ta đang nói gì, mang máng hình dung được ai đúng ai sai, hoặc có nhầm lẫn khi đánh máy gì không. Và cũng vừa ... lo ngại, khi hình như ngày nay sinh viên của tôi không ai còn có sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng theo kiểu ông đồ như mình và các bạn bè cùng thời của tôi nữa.

Lỗi tại ai?

Một câu hỏi lớn không lời đáp ...

3 nhận xét:

  1. Hê hê, tui là cứ gõ, đúng sai chẳng kiểm tra cứ post lên xong rồi đi làm việc khác xong rồi về đọc lại sữa sau. Nên viết thành macro và micro tứ lung tung.

    Nếu chị để ý bài viết của tui là 1 ngày sau nó sẽ khác. Thường thì tui viết xong là post lên để đó, tối về sữa tiếp. Chủ yếu là sữa nội dung. :D

    Trả lờiXóa
  2. Chào bác Hải,

    Quả là tôi có để ý thấy bác đọc đi đọc lại và sửa chữa. Cái này cũng giống tôi đấy bác ạ, trong triết học nó gọi là "tự phủ nhận chính mình".

    Lại tự hỏi, có phải là một thói quen nào đó được luyện khi đi học không bác nhỉ? Và đã trở thành văn hóa rồi đấy!

    Trả lờiXóa
  3. "...hình như ngày nay sinh viên của mình không ai còn có sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng theo kiểu ông đồ như mình và các bạn bè cùng thời của mình nữa.
    Một câu hỏi lớn không lời đáp ... "
    Cái này thì đúng cô Anh Vũ ah. Thời này chỉ surfing thôi, không mấy thanh niên ngồi tỉ mẩn tra ngọn ngành như thế hệ cha anh xưa.
    Bữa nay cháu tra cụm language arts, vô tình link tới một bài trong blog của cô, đọc mấy bài của cô thấy được chia sẻ. Nhất là đọc câu "lòng ta là những hàng thành quách cũ". Không ngờ cô là cao thủ ngôn ngữ học!

    Trả lờiXóa