Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Đúng sai, cũ mới, nói hay im, nội dung hay hình thức?

Tôi vừa viết một cái tựa rất điệu, ít ra là đối với tôi. Vì sao? Nó được viết với một phong cách (!), đó là viết ngắn, và viết thành từng cặp đối lập. Đúng hay sai? Cũ hay mới? Nói hay im? Nội dung hay hình thức?

Tại sao tôi lại phải quan tâm đến hình thức của cái tựa nhỉ? Tôi là một người tự hào là không quan tâm đến hình thức mà (cái nết đánh chết cái đẹp là một điều mà tôi đã được giáo huấn thấm đến tận xương; tôi nhớ ngày xưa còn bé ở trong xứ đạo, cô gái nào hay sửa soạn, soi gương một chút là thế nào cũng bị các bà lớn lớn trong xứ mắng mỏ, chửi bới, lườm nguýt, "Gớm, ngắm với chả vuốt!". Nghe sợ lắm!).

Nhưng hôm nay tôi phải quan tâm đến hình thức. Cái này giống như khi bạn tặng quà cho người khác, cái ruột xấu quá, kém giá trị quá, không biết làm sao, nên đành phải đầu tư vào cái vỏ. Thế đấy. Tôi cũng đang không biết làm sao để đầu tư thêm vào cái ruột mà tôi định nói, nên phải đầu tư vào cái vỏ thôi.

Mà tôi định nói gì thế? Đúng hay sai? Cũ hay mới? Nói hay im? Tôi chỉ biết, tôi viết những dòng này sau khi đọc tất cả các bài báo liên quan đến vụ Bà Ba Sương và Nông trường Sông Hậu.

Và nhớ lại hồi đầu thập niên 1980, khi tôi còn là sinh viên ngoại ngữ ở trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, còn trẻ trung phơi phới lắm (mới ngoài 20), dù lúc ấy đất nước đang đói (còn phải xếp hàng mua gạo, mua than quả bàng, ăn bo bo?). Lúc ấy, bọn tôi mơ tưởng về một tương lai tươi sáng của Việt Nam giống như nước Nga (không, Liên Xô chứ!) vĩ đại:

Bạn ơi, nước nhà ta rộng rãi vô cùng
Từ đồi núi bát ngát đến bao cánh đồng
Tự hào thay đất nước chúng ta là nước đầu
Trên hoàn cầu nhân dân sống trong tự do.


Nói thêm là bọn tôi lúc ấy thuộc khoa ngoại ngữ, có Anh, Pháp, và Nga. Bọn học Anh và Pháp chúng tôi ganh tỵ với bọn học Nga ghê lắm. Ban chủ nhiệm khoa toàn là các thầy cô tiếng Nga, ở Hà Nội vào; các thầy cô người Hà Nội, thanh lịch lắm. Còn bọn tôi thì ... thầy mỗi năm một vắng (vì các thầy cô đi vượt biên dần dần, trong vòng 5 năm từ lúc tôi vào trường đến khi tôi ra trường thì thầy cô cũ được đào tạo trước 1975 từ gần 20 người chỉ còn lại đâu có 2 người thôi!).

Vào thời ấy, có mấy bài hát Nga tôi rất mê (bây giờ vẫn mê), trong đó có bài Hoàng hôn trên nông trường

Nắng vàng buông xuống, hoàng hôn rũ bóng trên nương
Hoàng hôn nắng vàng tỏa xuống nông trường
Tít chân trời màu lúa chín đưa hương.

Đôi hàng cây thướt tha cành buông mái tóc
Xa mờ con suối trong đùa theo tiếng hát
Ôi quê hương nhà rộn ràng bao câu ca
Tiếng lòng nao nức trong những lời hát ca

Nông trường ơi đắm say bao la trong lòng ta
Lớn lên như bao nhiêu làng quê
Chiều nay ánh nắng thắm tươi bao màu sắc trên nông trường mến thương ...

(Wow, tôi không ngờ bài hát này bao lâu nay rồi mà tôi vẫn còn nhớ và chép một mạch như thế! Tất nhiên có một vài chỗ ngờ ngợ ...)

Tôi nghĩ, nếu hoàn cảnh đưa đẩy thì khéo rồi tôi cũng là một Bà Ba Sương khác cũng không biết chừng. Chân thành tin vào điều mình làm, và say sưa với cái sự lãng mạn của việc xây dựng một thiên đường hạ giới mang màu sắc xã hội chủ nghĩa trên cái nông trường Sông Hậu đó, và quên rằng bên ngoài nông trường là bao sự đổi thay đầy bão táp. Để rồi bây giờ bà lại một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận như cách đây 10 năm, nhưng ở chiều ngược lại ...

Vậy tôi còn biết làm gì, nói gì? Cho nên mới có cái tựa đúng hay sai, cũ hay mới, nói hay im, nội dung hay hình thức, của cái entry này!

(Huy Quang này, ở chỗ này thì chị không thể "hề hề" được, em ạ! Dù vẫn biết câu, khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười ...)

4 nhận xét:

  1. Nếu là doanh nghiệp ở VN, không cẩn thận thì thằng nào cũng có tội, nhiều khi không phải tội do mình.
    Tôi có thằng em, tất cả việc liên quan đến doanh nghiệp của nó, nó tự làm hết, kể cả kế toán trưởng. Tôi không như nó, kế toán đến là nhắm mắt, nhắm mũi ký, chắc có ngày đi tù. Tôi lo cho dịch vụ thật tốt, nếu để ý nhiều đến luật thì không còn thời gian nữa. Chuyện bà Sương ta hiểu rằng nếu phạm luật thì phải trả giá, nhưng xét cho cùng, thằng nào chẳng có tội nếu "khui" ra. Thằng to thì tội càng to.
    Vì vậy, nếu doanh nghiệp phát triển tốt thì càng phải để ý hơn để khỏi phạm luật, không thì "đứt như phim truyền hình" chứ không chơi.
    Đọc bà Sương, thương lắm, nhưng nhìn đó để cẩn thận, dù bị tù, bà vẫn là tấm gương sáng.
    Sống một đời, tuy đau thương, nhưng đáng nhớ lắm!
    Thế là tốt rồi chị ạ.
    HQ

    Trả lờiXóa
  2. Làm ăn cũng phải biết điểm dừng. Thuyền to thì sóng lớn.

    Tử vi là để biết mình
    Nhân tướng học là để biết Người
    Kinh dịch là để biết thiên hạ về đâu.

    Chuyện bà Sương là chuyện tranh ăn, nhưng bà Sương không tự lượng biết mình, nên vậy. Nếu không có cộng đồng thì bà Sương sẽ chết trong quang lạnh vì chuyện tranh ăn.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn Quang và bác Hải.

    Mong mọi việc kết thúc một cách công bằng cho Bà Ba Sương. Việc này quả là một bài học cho nhiều người Việt Nam, mà bài học lớn nhất là làm gì cũng phải chú ý đến luật lệ, quy định - duy lý chứ không duy tình, là cái mà người Việt không sao chấp nhận được.

    PA

    Trả lờiXóa
  4. Hoàng Hôn Trên Nông Trường (Nhạc Nga)

    Nắng vàng buông xuống, hoàng hôn rũ bóng trên nương
    Hoàng hôn nắng vàng tỏa xuống nông trường
    Tít chân trời màu lúa chín đưa hương.

    Đôi hàng cây thướt tha cành buông mái tóc
    Xa mờ con suối xanh đùa theo tiếng hát
    Ôi quê hương nhà rộn ràng bao mơ hoa
    Tiếng lòng xao xuyến trong những lời hát ca

    Nông trường ơi đắm say bao la trong lòng ta lớn lên như bao nhiêu làng quê.
    Chiều nay ánh nắng thắm tô lên bao màu sắc huy hoàng trên nông trường mến thương.

    Trả lờiXóa