Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Nhớ canh rau muống ...


Entry này lấy cảm hứng từ một entry trên blog của BS Hồ Hải, người đề nghị sử dụng rau muống làm quốc hoa. Quả thật, rau muống rất gắn bó với nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi. Đến nỗi có hẳn một câu ca dao mà ai cũng biết

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương


Hồi còn bé, gia đình tôi rất hay ăn rau muống. Lúc còn nhỏ, tôi rất ghét rau này vì tôi hay bị sai nhặt rau. Lúc ấy gia đình tôi nghèo, con đông, nên tôi nhớ bó rau muống mà tôi phải nhặt luôn là một bó to đùng, nhặt rất vất vả.

Thời đó, rau do chính người trồng cắt từ ruộng đem ra chợ bán, dịch vụ hồi đó còn kém, nên bó rau bao giờ cũng còn nguyên chùm rễ con, dính bùn sình bê bết. Bên cạnh các lá rau xanh tươi còn nguyên những lá bị sâu ăn thủng lỗ chỗ hoặc úa vàng, thối đen. Đôi khi trên lá còn cả trứng sâu, và cả … con sâu nữa!

Riêng khoản sâu rau muống thì phải nói là ấn tượng: con nào con nấy to khỏe, béo mập! Chắc là vì rau muống là loại thức ăn rất bổ dưỡng chăng, bổ cho con người (hình như có ai nói rau muống bổ ngang thịt bò???), nên cũng bổ cho cả sâu nữa hay sao ấy? Chợt nhớ Việt Nam có câu tục ngữ "Rau nào sâu ấy". Cái câu này chắc hẳn đã được sáng tác ra bởi một người hay phải nhặt rau muống giống như tôi. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảnh nhặt rau, thỉnh thoảng không để ý, tay cầm trúng vào một con sâu mập mạp (!), nhũn nhùn nhùn, cọ quậy ngo ngoe, ôi, cái cảm giác đó thật kinh khủng!

Nhưng còn kinh khủng hơn nếu nhặt rau, rửa rau không kỹ, con sâu “lọt lưới” được ... luộc chung với rau rồi vớt ra đĩa đem lên bàn ăn. Thế nào người phát hiện con sâu đó cũng là mẹ tôi, kèm theo lời mắng tới tấp, con gái đoảng!!!! Bị mẹ mắng thì tất nhiên là không thú vị rồi, nhưng điều kinh hoàng nhất là sự tưởng tượng của tôi. Rằng nếu mẹ không phát hiện ra, thì chắng may mình gắp trúng cọng rau có con sâu đó, sẽ cắn trúng ngay giữa bụng sâu và đứt ra làm đôi .... Ôi, chỉ nghĩ thôi đã thấy rùng mình kinh hãi rồi.

Lá rau muống nè!

Lẩn thẩn, tôi bỗng thắc mắc không hiểu từ đó tới giờ có ai đã ăn nhằm sâu rau muống như vậy chưa? Hẳn là phải có chứ? Có khi tôi đã ăn vài con rồi cũng nên (!!!!). Mà biết đâu những con sâu ấy cũng đã làm tăng thêm chút chất đạm cho tôi hồi đi học đại học, thời Việt Nam đói khổ nhất vào đầu thập niên 1980 ấy? Thôi đúng rồi, chắc là ăn nhiều sâu quá, nên từ lúc học đại học tôi đã bị mang tiếng tưng tửng bất thường, và khó chịu nổi tiếng, kéo dài mãi đến tận ngày nay như thế này đây. Khổ thật!

Nhặt rau thì như thế, còn chế biến rau muống cũng thật cực hình. Tôi nhớ có mấy món mà ở nhà tôi hay ăn, đó là rau muống luộc (of course!), rau muống xào (có hoặc không có thịt bò, xào theo kiểu Bắc, thỉnh thoảng, để đổi vị lại xào theo kiểu người Hoa mà nhà tôi gọi là món "rau muống xào tàu", rất bình dân dễ nhớ!), và còn rau muống chẻ nữa chứ, để ăn sống.

Luộc rau muống! Nhớ lại "cực hình" hồi đó, tôi chợt cất tiếng thở dài đánh sượt vốn là “bản quyền” của tôi (tôi rất hay thờ dài, bất giác thôi, nhiều người nói thế!) Để luộc được một nồi rau muống to đùng cho cả chục người ăn như gia đình tôi hồi đó, công phu lắm. Rau muống luộc phải xanh, chin vừa, lấy ra đĩa phải rời từng cộng chứ không cuộn bùi nhùi lại với nhau thành một búi, và tô nước luộc phải thật trong xanh. Vậy phải cần một cái nồi to, rộng, nhiều nước, nước sôi đều mới thả rau vào, giữ lửa to đều cho sôi ùng ục, rồi vớt ra ngay. Bây giờ nghe những cái ấy thì thấy dễ làm lắm. Nhưng ngày xưa, ngay cả đồ nghề làm bếp còn không có đủ, nồi nhỏ mà rau nhiều, lại làm biếng không luộc làm 2 lần, rồi đun bếp củi, lửa tắt lên tắt xuống, không khéo léo, cẩn thận thì đố mà luộc được, thật đấy!

Những lỗi thông thường khi luộc rau muống: nồi nhỏ, ít nước không đủ ngập rau, nước sôi không đều, lửa nhỏ, thì luộc mãi luộc mãi, cọng rau dai nhách, đen xì, chỗ chin chỗ sống, hoặc mềm nhũn, vớt ra như một đống bùi nhùi … Tôi chợt nghĩ, muốn biết tài khéo và sự kiên nhẫn, bền bỉ của con gái Việt (nhà nghèo đông anh em), chỉ cần xem cô ấy luộc rau muống như thế nào, từ lúc nhặt đến lúc luộc xong, đó chính là cái test tốt nhất, thật vậy.

Còn rau muống xào. Cũng vậy, sau khi nhặt, rửa, ngắt ra từng khúc (không hiểu sao mẹ tôi không cho dùng dao cắt khúc), thì phải đổ vào chảo to, nóng, đảo đều cho chin, nêm mắm muối, rồi cuối cùng giã thật nhiều tỏi thơm lừng để trộn vào trước khi xúc ra đĩa. Nếu xào thịt bò thì chế biến thịt bò riêng, xào thịt bò trước (cũng nhiều tỏi, ướp vào thịt bò), rồi xong rau thì trộn chung vào. Món này thì tôi thích, và làm nhiều nên làm cũng giỏi, không tin cứ hỏi ông xã tôi hoặc các cậu em tôi sẽ rõ! ;-)

Còn món rau muống chẻ mới là ngán ngẩm nhất nè: trước hết phải tước hết lá, sau đó cọng rau muống đã tước lá phải chẻ bằng lưỡi lam, được kẹp vào một thanh tre nhỏ hơn chiếc đũa một chút để rọc đôi cọng rau, rồi sau đó cầm 2 nửa cọng rau đó chẻ tiếp ra thành những sợi nhỏ và thả ngay vào chậu nước có vắt chanh cho ra hết nhựa để cọng rau được trắng. Do rau muống rất nhiều nhựa nên khi nhặt rau xong thế nào đầu ngón tay cũng bám nhựa đen thui, mấy ngày mới rửa hết.

Cái này tôi chào thua hoàn toàn nên không có kinh nghiệm gì để kể ngoài mấy giòng như vậy. Vì ngày xưa còn bé, chỉ có bà chị khéo léo đảm đang của tôi mới thích làm thôi (mẹ tôi thì khỏi nói), còn tôi thì chắp tay vái lạy! Tôi hoàn toàn không thích ăn rau muống sống, nên đến giờ vẫn tự hỏi, tại sao người ta nhọc công và mất thời gian đến thế chỉ để chẻ ra được một dĩa rau muống sống để ăn. Nếu ăn rau muống sống bổ, thì cầm nguyên một cọng ăn sống cho rồi? (Thật đúng là con gái đoảng!!!)

Tôi còn chưa nói đến canh rau muống, là món đã được nêu trong câu ca dao. Cái này thì tôi có thể nói dài dài được đấy, đầy đủ màu sắc, mùi vị, hẳn là thi vị lắm. Thì “canh rau muống” đã được vào trong văn học rồi còn gì? Đẹp lắm chứ.

Nên tôi sẽ để dành đề tài ấy cho entry mới. Viết dài quá, Khuê đọc không nổi, lại “phew” sau khi đọc xong thì khổ! Fan ruột của blog này mà, phải chiều chớ! ;-)

Chỉ một thông tin cuối cùng trước khi kết thúc thôi: Theo hiểu biết khá hạn hẹp của tooi, một người không thuộc ngành sinh học, chuyên ngành thực vật, tôi biết rau muống tiếng Anh gọi là Water Morning Glory (còn gọi là Swamp Morning Glory), cùng họ với các Morning Glory khác như hoa bìm bìm, hoa trắng đơn sơ hay tim tím màu nhung nhớ.

Mà tên hoa đẹp quá đúng không: Niềm vinh quang buổi sáng. Còn bé, tôi rất thích hoa này, màu tím thẫm trong nhụy rồi lan ra màu phơn phớt tím, cuối cùng thành màu trắng ở ngoài cùng. Tôi rất thích nhìn sâu vào nhụy hoa và ... bâng khuâng, buồn cái gì không rõ. Nhưng đây là một loại hoa rất không bền, nở đó rồi tàn đó ngay.


Ở Châu Á, người Mã Lai và Philippines cũng rất thích ăn rau muống, và họ gọi nó là Kan-kung hay Kan-kong gì đó. Hình như còn có tên Tàu là Ong-Choi (Ông Xôi, có họ với Bó Xôi, Pok-Choi?) Còn tên khoa học của rau muống là Ipomoea Aquatica.

Nhớ hồi ở Úc, tôi ở cùng nhà với một cô bạn Úc đã từng làm việc ở Mã Lai 2 năm. Khi nấu cơm, bọn tôi nhặt rau muống, cô bạn người Hà Nội của tôi bỏ hết lá, chỉ lấy cọng để làm nộm rau muống, và cô bạn Úc ấy cứ tròn mắt tiếc rẻ khi bọn tôi quẳng hết lá rau đi. Cô ấy bảo, “what a waste, all the goodness thrown away like that!”. Vì ở Mã, ngược lại với VN ta, người ta ăn hết lá rau muống, mà quẳng hết cọng đi, cô ấy bảo vậy. Và đến lượt tôi và bạn tôi lại tròn xoe kinh ngạc, “trời ơi, uổng quá vậy?”

Kết luận của tôi: rau muống thì nên ăn hết cả lá, cả cọng, và có khi nên ăn cả sâu nữa cũng nên? Rau nào sâu ấy mà?

Hình rau muống, và thông tin về rau muống, cả hoa nữa, link đây này: http://images.google.com/images?q=ipomoea+aquatica. Đây nữa: http://plants.usda.gov/java/profile?symbol=IPAQ. Tôi đã “chôm” đưa lên đây mấy tấm hình đấy, minh họa cho đẹp! Thể theo lời yêu cầu của bạn Khuê! ;-)
--
Viết thêm tí:

Đọc xong bài của SGK giới thiệu, đọc lại cái tên rau muống bằng tiếng Anh, ngắm các bông hoa trong hình, tôi bỗng thấy cái tên tiếng Anh đó phải dịch ra là "ban mai rạng rỡ" thì mới đúng điệu. Vì hoa rau muống nở vào buổi sáng sớm, và đến trưa là tàn. Thật hay, ban mai rạng rỡ, có thể là quốc hoa được quá đi chứ nhỉ!

15 nhận xét:

  1. Cô đọc bài này đi ạ:
    http://www.vietducinfo.com/show_article.php?id=25609&PHPSESSID=fafwsecb
    Bài viết nói nhiều chuyện trên trời dưới biển về rau muống, trong đó nhắc tới cả Khuất Nguyên lẫn Nguyễn Trãi! Có một đoạn về cái tên "morning glory" như sau:


    "Rau muống có nhiều tên: Túc Mãng theo Khuất Nguyên, Mộng Thái theo cách gọi của người Quảng Châu, Mục Túc theo Nguyễn Trãi. Như vậy rau muống là rau mục, rau mộng, rau mãng mà Trung Hoa ở phương Bắc đất khô và lạnh nên không có rau muống như sách Thảo Mộc Trạng có nói rõ rau muống là thứ rau của phương Nam. Do đó mục, mãng, mộng các từ Hán Việt đều phiên âm từ Việt ngữ. Muống, Mãng, mộng biến âm với Mang hay Man. Rau muống là rau Man, Mang của tộc Man ở phương Nam mà người Tàu trước đây gọi là Nam Man. Chữ Man ở đây thường được hiểu nghĩa là man di, mọi rợ một cách lệch lạc. Trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, Huỳnh Tịnh Của có ghi Mang, Mâng, Mưng là hừng sáng, hừng rạng, mâng đông là rạng đông. Nói tóm lại rau muống là rau hừng rạng, rau ánh sáng bình minh, rau rạng ngời của đại tộc Man Việt.

    Người Âu Châu không có rau muống nên khi phiên dịch phải theo qui luật phiên âm hay dịch nghĩa của tên địa phương gốc. Do đó khi dịch cây rau muống là water morning Glory, người Âu Châu đã xác định chữ muống có etymology ngữ nguyên Man là morning glory tức là hừng rạng. Morning Glory trong tiếng Nhật dịch là ASAGAO triêu nhan: Khuôn mặt ban ngày."

    SGK

    Trả lờiXóa
  2. Còn người Mã Lai gọi rau muống là kangkung cô ạ, có điều em nhớ món rau muống xào em ăn bên kia có cả cọng.

    SGK

    Trả lờiXóa
  3. Hi Hùng,

    Em hay quá, tìm đâu ra bài viết hay có đoạn hay thế? Cô chưa đọc bài, còn đang ở cơ quan, nhưng quả thật thấy thú vị vì ... tư tưởng (chẳng biết lớn hay nhỏ?) gặp nhau.

    Mà em cũng già trước tuổi lắm đấy nhé!

    PA

    Trả lờiXóa
  4. Đọc tới cái đoạn " chẻ rau muống" em mắc cười quá :P. đúng là công phu. Trong món bánh tráng cuốn cá nục hấp của người Trung (Hội an, Đà Nẵng), trong các loại rau cũng có 1 cọng rau muống,cọng rau muống non, ko cần chẻ, ăn giòn tan cũng ngon bá phát

    Bi giờ thì em không thích ăn rau muống,vì báo chí" cảnh cáo" nhiều quá, có thể, ăn rau muống, không chỉ thấy có " rau nào sâu nấy", mà còn là " rau nào nhớt nấy". Cái này mới ghê.

    Trả lờiXóa
  5. Hì hì, tớ ngày xưa cũng là tay đầu bếp có hạng đấy. Nước luộc rau muống mà muốn trong xanh thì phải vắt ít chanh. Thời ốm đói mới giải phóng lấy nước luộc rau muống làm canh là chuyện thường tình, thêm chút bột ngọt và muối thì cũng tuyệt cú mèo khi húp nước chay.

    Cái tên tiếng Anh của rau muống quả thật là quá độc. Tớ thấy chỉ có bông lúa và rau muống là đặc thù cho VN thôi. Mấy loại khác cũng được, nhưng không phù hợp nhiều điểm về văn hóa, lịch sử, thân phận và tính cáh người Việt.

    PA qua Thái đi đến chợ để ăn món dân gian Thái sẽ thấy tụi nó ăn côn trùng chiên giòn có ngào đường và ớt sẽ hết sợ những con sâu ngay.

    Trả lờiXóa
  6. Entry của mẹ hay và tếu ghê. Hồi đó chắc mẹ ăn nhiều sâu lắm nên đầu óc mới khác thường như vậy (theo nghĩa tốt nhé ;p )

    Trả lờiXóa
  7. Em chỉ biết khi ăn lẩu mà có rau muống thì rau đó sẽ lặt hết lá, vì nếu giữ lá thì khi bỏ vào nồi lẩu mà vớt ra ko kịp sẽ nhừ, mất ngon.

    Em mới biết ăn rau muống từ ngày vào đại học, cơm bụi sinh viên toàn cho ăn rau muống xào và canh rau muống nhiều khi lạnh tanh. ấy vậy mà ghiền rau muống luôn cô ạ :-)

    Trả lờiXóa
  8. Hi Sông,
    Em hay quá, đã cống hiến cho nền văn học nước nhà một câu thành ngữ mới: sâu nào nhớt nấy!

    Bác Hải:
    1. "tớ ngày xưa cũng là tay đầu bếp có hạng". Vậy bây giờ hết nghèo rồi, bác hết là đầu bếp giỏi rồi ư? Nếu vậy, nghèo hóa ra cũng có cái lợi đấy chứ?
    2. Ăn sâu: thì con nhộng mà ở VN vẫn ăn chẳng phải là sâu sao? Nhưng sợ thì vẫn sợ bác ạ. Giống như lươn. Ăn thì thích, mà sao sợ nó thế!

    Hi Khuê,
    Nhận xét của Khuê dí dỏm nhỉ? Hay là Khuê đã lén ăn mất mấy con sâu của mẹ rồi đó?

    Xuxu:
    "Em mới biết ăn rau muống từ ngày vào đại học": Dấu hiệu để cô biết em không phải là dân Bắc kỳ rồi! Bắc kỳ thì người ta ăn rau muống từ khi chưa lọt lòng mẹ cơ! ;-)

    Trả lờiXóa
  9. Dạ, em đúng là người miền Nam ạ. Ý em là trước đó nhà em cũng có ăn nhưng em không ăn được [vì lẽ gì đó], còn lên đại học thì...no choice :-)

    Ah, nhân bàn chuyện rau muống, em nhớ trong phim Miền đất phúc của TFS, đến phần đất nước vừa giải phóng, kinh tế trì trệ vì bao cấp, có đoạn 2 nhân vật ngồi lặt rau muống và có câu thoại, đại ý ngày xưa rau muống chỉ dành cho lợn, nay đói quá đến người cũng phải xơi. Câu này có đúng không vậy cô?

    Trả lờiXóa
  10. Hehehehe.... bài Canh Rau Muống này hay đây, nuộc hay xào rau Muống mà cũng công phu ra phết!

    Chừng nào rảnh xin chị chủ nhà "lấu" thêm vài món linh tinh khác như Canh Rau Lang, Canh Rau Rút Riêu Cua và vài món Cờ Tây đặc sản của dân Bắc Bộ thời mới ri cư vào Nam khi đất nước bị chia cắt, cũng như vài món Chè Bo Bo và Mứt Khoai Sắn, cơm Ngô........ sau ngày Thống Nhất đất nước nhé.

    Chủ ý là để các thế hệ sau này biết chút đỉnh văn hóa cùng thói quen về ẩm thực của người Việt qua lịch sử, thế thôi. Còn vụ "Rau Nào Sâu Nấy" thì 8 đây xin No Table vì hổng thấy or chưa nếm!

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  11. Xuxu à,

    Lợn ngoài Bắc (Heo trong Nam Bộ) thích Rau Muống nhưng vì Bắc Bộ đất ít người đông nên Lợn ít khi được đãi với loại rau quý này. Bắc Việt trồng Chuối đủ loại khắp nơi, buồng Chuối với nhiếu nải và quả thì người xơi còn thân cây chuối vì dai người xơi không được nên luôn được thái mỏng cho Lợn ăn chung với Cám cho chóng nhớn để rồi bị làm thịt khi tốt béo.

    Tớ có 1 đồng môn thường dạy học trò Đại Học sau ngày Giải Phóng là 3 kí Rau Muống "bổ" bằng 1 kí thịt Bò, nhưng ít ai tin nên chị ta chán quá cũng vượt biên luôn.

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  12. Hi Xuxu,

    Hình như ở miền Nam thì trước năm 1975 người ta ít ăn rau muống, và đúng là cho heo ăn thật! Nhưng với người Bắc thì từ trước 1975, hoặc nếu em có đọc bài mà SGK giới thiệu thì cả ngàn đời nay, người dân Việt đã ăn rau muống rồi.

    Còn tại sao sau 1975 dân Nam lại ăn rau muống thì cô không rõ, cũng có thể vì đói quá? Nhưng cô thấy có nhiều món Bắc giờ đã được Nam hóa, nhiều thí dụ về việc thay đổi thói quen ăn uống của người Nam xảy ra trong đời của cô. Ví dụ, trước đây người Nam không ăn cà muối, giờ đã ăn nhưng làm kiểu khác (chua cay ngọt - Bắc thì chỉ mặn chua thôi). Hoặc người Nam trước đây không ăn thịt chó, không ăn tiết canh, không ăn canh cua (con cua đồng ấy), giờ ... ăn tuốt. Chẳng rõ có phải tại đói không? Hay là đổi khẩu vị?

    Bà Tám,
    Cám ơn bà Tám động viên. Tư sẽ cố nhớ và viết tiếp theo cái topic này: món ăn Việt (món ăn Bắc).

    Tám chờ để thưởng thức nhé!

    PA

    Trả lờiXóa
  13. Thưa cô PA và bà Tám,

    Nếu kết hợp cả 2 ý của cô và bà Tám thì chắc em đã có câu trả lời rồi ạ. Em cám ơn Cô và Bà nhiều.

    Còn chuyện nhiều món Bắc được Nam hóa thì có lẽ do em lớn lên trong thời mọi sự đã rồi, tức miền Nam ăn nhiều món Bắc và cả các món miền khác nữa nên không để ý. Nhưng hình như chỉ nhà nào có gốc Bắc thì bữa trưa mới có tô canh cua rau đay thôi ạ.

    Vậy là cô PA đã có thêm 1 chuyên mục cho blog này rồi cô nhỉ, gì chứ chuyện ăn uống thì chắc chắn sẽ không ế còm đâu cô ạ :)

    Trả lờiXóa
  14. Hoa rau muống đẹp đơn sơ cô nhỉ... Hồi nhỏ em cũng sống nhờ rau muống với khoai lang thui. Buổi sáng mẹ cho củ khoai lang ăn từ nhà đến trường là no. Còn trưa và chiều toàn ăn rau muống thui cô ơi. Nhưng ngon mà, cô nhỉ

    Trả lờiXóa
  15. Ừ, ngày trước, cô còn rất thích ăn khoai lang nướng cơ. Nó rất thơm, và ngon. Ngọt, bùi, thơm, ấm... ăn vào lúc hơi đói, còn gì bằng!

    Em có nhớ câu trong bài hát "Ai bảo chăn trâu là khổ" không: Khoai lùi bếp nóng, ngon hơn là vàng cơ mà! Mà, vàng đâu có ăn được, nên chắc chắn là không ngon rồi Miên nhỉ?

    PA

    Trả lờiXóa