Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Thẳng thắn, thực chất, và định hướng dư luận

Tựa của entry này, cũng như nhiều cái tựa khác trên blog này của tôi, chắc chắn cần một lời giải thích. Vì, cũng như mọi lần, true to my confusing self, tôi nói rất khó hiểu, như nhiều người đã nhận xét (vì già trước tuổi mà!) ;-) Vậy thì lời giải thích đây.

Hai từ "thẳng thắn" và "thực chất" thực ra không phải của tôi, mà do tôi trích ra trong phần mở đầu của một bài viết mới trên báo Giáo dục và Thời đại. Đoạn trích dưới đây này. Hai từ thẳng thắn và thực chất đã được tô đậm trong đoạn trích.
(GD&TĐ)-Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2010 của các tỉnh thành đã được công bố, phần lớn đều đạt tỉ lệ trên 90%. Điều này đã và đang gây ra một sự hoài nghi lớn từ dư luận. Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi về vấn đề này với lãnh đạo các địa phương, phụ huynh và thầy cô giáo lại cho một cái nhìn thẳng thắn và đúng thực chất hơn. Tỉ lệ ấy chẳng có gì là bất ngờ nếu nhìn dưới con mắt người làm sư phạm.
Bài viết ấy có tựa là "Tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2010: Chẳng có gì là bất thường". Mới đăng hôm nay trên báo GD&TĐ, ở đây.

Tại sao hai từ ấy lại làm tôi chú ý? Là vì tôi cũng là một trong những người "làm sư phạm" như tờ báo đã nói. Không những thế, tôi nghĩ riêng về việc này thì tôi có quyền cho rằng mình biết nhiều hơn người khác một chút, vì tôi không những làm sư phạm, tôi còn "làm khảo thí" tức thi cử nữa cơ!

Và cách đây 1, 2 ngày tôi đã viết một bài cho báo PLTP để nhận định về tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay, cũng đã đăng lên blog ncgdvn.blogspot.com của tôi (lại tự quảng cáo rồi). Một cách vắn tắt, tôi cho rằng không thể kết luận là năng lực thí sinh đã tăng lên chỉ vì có tỷ lệ tốt nghiệp cao do dựa vào điểm thô. Nói cách khác, tôi không hề đồng tình với nhận định rằng "tỷ lệ ấy chẳng có gì là bất ngờ nếu nhìn dưới con mắt người làm sư phạm", như tờ báo của ngành đã nói thay dùm cho tôi.

Phải nói thêm một chút. Tôi không hề kết luận là năm nay đề dễ hơn, hay là bệnh thành tích đang trở lại. Kết luận khơi khơi như vậy là thiếu căn cứ. Rất có thể, như các quan chức ngành giáo dục đang ra sức khẳng định, quả thật là ngành giáo dục trong 4 năm gần đây dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng NTN đã có rất nhiều nỗ lực. Hẳn thế rồi, vì tôi vẫn tin là thầy cô giáo của ta đều là những người tốt: lương thấp như thế, chẳng đủ ăn, mà vẫn kiên trì bám trường lớp như hiện nay. Chỉ như thế thôi cũng đã đáng được khen ngợi lắm rồi, thật chứ.

Nhưng nếu đã nói như thế, thì cũng phải nói thêm: chẳng riêng gì dưới thời Bộ trưởng NTN, mà thời bộ trưởng nào thì các thầy cô của chúng ta cũng đều nỗ lực hết mình. Ngày xưa, có lẽ còn thiếu đói hơn thế này nhiều nữa chứ, mà các thầy cô vẫn cứ làm tốt đó thôi!

Cũng có thể là do thí sinh năm nay tuổi Thân nên thông minh lắm, như một vị quan chức nào đã nói. Hoặc là do các em phấn đấu lập thành tích chào mừng 1000 năm Thăng Long, hay là vì thời tiết mát mẻ hôm các em đi thi (chỉ có điều, nếu tôi nhớ không lầm thì mấy ngày ấy nóng chứ không không mát như lúc này, sau khi đã có mấy trận mưa lớn). Nhưng dù sao thì tất cả cũng chỉ là giả thuyết, và muốn chấp nhận hay bác bỏ giả thuyết nào thì cũng đều phải có căn cứ.

Vì vậy, tôi hơi băn khoăn khi đọc những giòng trên. Và tự nhận thấy, khi một tờ báo của ngành giáo dục phản bác ý kiến dư luận bằng cách hỏi những người bên trong ngành, rồi bảo rằng thông tin đấy mới là "thẳng thắn" và "thực chất", thì e rằng chưa chính xác lắm!

Nó cho thấy có lẽ người viết không rành tiếng Việt. Vì tôi chỉ thấy nói: hãy "thẳng thắn vạch ra những chỗ chưa tốt", chứ không thấy nói "hãy thẳng thắn ca ngợi những cái hay, cái tốt - có căn cứ hoặc chưa có căn cứ - của ngành, theo đúng chủ trương của cấp trên". Cũng vậy với từ "thực chất": "hãy phát biểu đúng thực chất về hiện trạng, dù có thể chưa hoàn hảo của ngành", chứ chưa nghe ai nói: "hãy phát biểu đúng thực chất bằng cách nêu các thành tích vẻ vang của ngành" cả.

Còn nếu không phải là kém tiếng Việt, thì chắc người nói không có khái niệm về thông tin khách quan và đa chiều, về bên thứ ba, về đánh giá độc lập, hoặc về quyền lực thứ tư, đại khái thế.

Làm sao có nổi thời gian để nghe mấy thứ linh tinh đó, ngành giáo dục bận rộn quá mà! Suốt ngày thi đua khen thưởng lập thành tích chào mừng..., rồi thao diễn, hội thi, rồi tập huấn thay sách, rồi vận động hai không ba không bốn không, rồi đổi mới phương pháp, chương trình, quản lý, đưa vào nội dung phòng chống tham nhũng, đủ mọi thứ hầm bà lằng, đó là chưa kể thi cử gần như quanh năm suốt tháng như thế này!

Tóm lại, tôi thấy cách dùng 2 từ "thẳng thắn" và "thực chất" trong bài viết có vẻ hơi lạ, dường như chưa thể hiện được tinh thần "thẳng thắn" và "thực chất". Nên tôi mới đưa 2 từ đó vào tựa của entry này, là như thế!

Còn từ "định hướng dư luận"? Đó cũng là một cụm từ tôi đi nhặt ở một bài báo khác trên cùng tờ báo ấy, cơ quan ngôn luận của ngành giáo dục mà trong đó có tôi. Lần này, nó là đoạn cuối của bài báo, cũng có liên quan đến tỷ lệ tốt nghiệp. Như thế này này (cụm từ "định hướng dư luận" cũng đã được tô đậm):
Cũng nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã gửi lời chúc tốt đẹp, lời cảm ơn sâu sắc đến các phóng viên báo đài và mong rằng trong thời gian tới, các phóng viên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để truyền tải những chủ trương cũng như hoạt động của ngành giáo dục đến đông đảo tầng lớp nhân dân, đồng thời định hướng dư luận để xã hội hiểu đúng hơn về ngành giáo dục.
Bài báo ấy có tựa là "Kết quả đỗ tốt nghiệp cao không phải do buông lỏng kỷ luật trường thi", ở đây.

Tôi là người trong ngành, Thứ trưởng của tôi phát biểu, tất nhiên tôi hiểu rằng các nhà báo trong ngành (vd báo GD&TĐ) sẽ nghe và chấp hành chứ. Nên không có ý kiến gì ở đây cả.

Chỉ thắc mắc một chút: Hình như nếu đã "định hướng dư luận", thì không phải là muốn phát biểu "thẳng thắn" và "thực chất" thế nào cũng được đâu! Cho nên lẽ ra trong bài báo đầu tiên mà tôi trích dẫn, người biên tập nên sử dụng những từ nào khác thay vì 2 từ thẳng thắn và thực chất. Vì có thiếu gì cách nói khác, vẫn định hướng được dư luận theo chỉ đạo của cấp trên, mà không vướng vào lỗi kỹ thuật thô thiển như thế!

Kết luận: nghề báo ở VN, quả thật là một nghề khó! Không chỉ nguy hiểm, nó còn đòi hỏi phải rất thông minh, sáng tạo, và ... giỏi ngôn ngữ nữa! Phải không các bạn?

Xin một lần nữa hoan hô và chúc mừng các nhà báo chân chính của Việt Nam!

9 nhận xét:

  1. Phù...cuối cùng cũng đọc xong entry này của mẹ. Thấy mẹ nói là hông có ai comment cho mẹ hết nên con dzô comment nè. Entry mẹ đọc tếu ghê. ^^ Con thích nhất đoạn này

    "[...]Nó cho thấy có lẽ người viết không rành tiếng Việt. Vì tôi chỉ thấy nói: hãy "thẳng thắn vạch ra những chỗ chưa tốt", chứ không thấy nói "hãy thẳng thắn ca ngợi những cái hay, cái tốt - có căn cứ hoặc chưa có căn cứ - của ngành, theo đúng chủ trương của cấp trên". Cũng vậy với từ "thực chất": "hãy phát biểu đúng thực chất về hiện trạng, dù có thể chưa hoàn hảo của ngành", chứ chưa nghe ai nói: "hãy phát biểu đúng thực chất bằng cách nêu các thành tích vẻ vang của ngành" cả."

    Mẹ nói móc ghê thiệt

    Trả lờiXóa
  2. Hi Khuê,

    Thanks for the comment! Đúng là mọi người ... kỳ thiệt, đọc mà hổng chịu comment để động viên, đặng người ta có hứng mà viết tiếp chứ, Khuê hả?

    Còn cái vụ nói móc, hừm... Chứng cớ đâu mà Khuê dám nói mẹ như vậy? Hay tại "đầu óc có sạn" nên Khuê đọc thêm ra các ý khác vào trong bài viết của mẹ, phải không?

    Your mom,

    Trả lờiXóa
  3. Hehe...chắc dzậy đó mẹ ơi ;)

    Trả lờiXóa
  4. "Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2010 của các tỉnh thành đã được công bố, phần lớn đều đạt tỉ lệ trên 90%."!!!!!!!!

    Tại sao không 100% hay 99%??????? Nhớ thời '60, 8 đây đi học phải qua 4 kỳ thi thật nghiêm túc với ban giám khảo lạ hoắc để có 4 Văn Bằng như sau:

    Bằng Tiểu Học (sau lớp 5 bi giờ)
    Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (sau lớp 9 bi giờ)
    Bằng Tú Tài 1 (sau lớp 11 bi giờ)
    Bằng Tú Tài 2 (sau lớp 12 bi giờ)

    Rồi sau đó mới được thi Đại Học để học đại....., không biết bao nhiêu nhân tài chưa kịp phát triển đã bị đào thải quá sớm với những kỳ thi tốn kém mà không ích lợi như kể trên?

    Lâu nay tại các nước tiến bộ chuyện học xong THPT hoặc 12 năm trước khi vô Đại Học là chuyện thông thường và Bằng Tốt Nghiệp THPT hay Chuyên Môn luôn do Hiệu Trưởng cùng trường công nhận sau khi kiểm chứng học lực và học trình của học sinh cùng trường trong 3 hoặc 4 năm Cấp 3 (Lớp 9-12).

    Thực tình để bàn luận, chuyện "Thi Cử" THPT bên Việt Nam hiện nay có cần thiết hay chăng? Và tại sao?

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  5. Bà Tám ui,

    Nếu hỏi Tư thì Tư cũng đồng ý với Tám vậy đó: khỏi cần thi tốt nghiệp hoặc chỉ cần thi nhẹ nhàng, tỷ lệ đậu cao cũng tốt.

    Còn vào đại học thì tùy từng trường quyết định theo yêu cầu của chính họ: trường chất lượng cao, nhiều người muốn học, cần năng khiếu riêng thì thi khó, còn nếu không thì dùng open admission.

    Nhưng ở VN thì mọi điều nó rối rắm lắm Tám ui, và những cơ sở để quyết định chính sách nhiều khi Tư này cũng không hiểu nổi! Mà chắc chắn các quyết định loại này rất ít dựa trên luận cứ khoa học, Tám ạ!

    Thôi thì ... OIV! only in Vietnam. (nói theo ngôn ngữ Việt: ở VN nó thế!)

    Bó tay, Tám ạ!

    PA

    Trả lờiXóa
  6. Nhân nói chuyện ngôn ngữ, em muốn hỏi ý kiến của cô về bài báo sau: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201026/20100622234608.aspx.
    Trong bài báo này, PGS-TS Đặng Ngọc Lệ (giảng viên Ngôn ngữ học ĐHSP) đề nghị sửa một câu trong đề thi Ngữ văn ở TPHCM từ "Thể hiện mình là một nhu cầu của lứa tuổi học sinh" thành "Học sinh ngày nay muốn thể hiện mình là một nhu cầu cần thiết". Em lại có cảm giác câu gốc ổn và rõ nghĩa hơn. Không biết có phải vốn tiếng Việt của mình có vấn đề không?

    SGK

    Trả lờiXóa
  7. Hi SGK,

    1. Tôi đã nhận góp ý của em về đề thi tiếng Anh, về cơ bản là đồng ý với em, nhưng chưa có thời gian để liên lạc với báo giới về vấn đề này. Tôi sẽ chuyển đến những tờ báo tôi quen trong vài ngày nữa nhé (đầu tuần bận kinh khủng!!!!!)

    2. Ừ có lẽ tiếng Việt của cả tôi lẫn em có vấn đề, vì PGS Đặng Ngọc Lệ là dân nghiên cứu ngôn ngữ, nên nói thì phải đúng hơn mình? Nhưng sao tôi cũng thấy cách nói của PGS Lệ lại không hay và rõ bằng câu gốc, em ạ?

    Mà đâu là chuẩn mực em nhỉ? Hình như xã hội mình đang có vấn đề về chính chỗ đó: chuẩn mực!!!!!

    PA

    Trả lờiXóa
  8. Nhân dịp mùa Thi "Tốt Nghiệp" THPT bên Việt Nam, bà 8 xin giới thiệu vài link về Cô Cậu Tú trong mùa "Ra Trường ở vùng Little Saigon, California:

    2010 - Mùa ra trường trung học: Nhiều Thủ Khoa, Á Khoa mang họ Việt Nam
    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114977&z=1

    Little Saigon: 8 trường trung học làm lễ tốt nghiệp cho 3,300 học sinh
    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114865&z=3

    Hai nữ tân khoa gốc Việt nhận ‘học bổng Bill Gates’
    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114453&z=3

    Người trẻ Việt học hành thành đạt từ trung học tới đại học
    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=114384&z=3

    Trả lờiXóa
  9. Bà Tám ui,

    Người Việt học giỏi, cái đó khỏi phải nói rồi. Không chỉ ở Mỹ, mà ở khắp thế giới. Kể cả ở VN nữa, thật vậy. Chương trình nặng thế, vô lý thế, mà vẫn có những em ngốn được hết, mà rất giỏi nữa, mới ghê chứ! Cho nên nơi nào chương trình nhẹ nhàng hơn, và hợp lý hơn, tất nhiên sẽ tạo ra những người Việt thành đạt theo yêu cầu của xã hội đó.

    Nhưng Tư đây xin đặt câu hỏi ngược lại với Tám nhé: Hình như mình chỉ học giỏi (= học từ người khác), nhưng có vẻ làm giỏi, và đặc biệt là phát minh giỏi, thì chưa có hoặc chưa có nhiều, phải không Tám?

    Chỉ là những suy nghĩ vẩn vơ...

    Trả lờiXóa