Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

Tôi không có bằng Tiến sĩ!

Ấy chết, phải nói ngay, người xưng 'tôi' trong tựa của entry này không phải là chủ nhân của blog này đâu nhé (phải đính chính chứ nếu không tôi sẽ bị tội ngay lập tức: lâu nay tôi vẫn được trả lương theo học vị, ngạch trật của mình theo hệ thống trả lương công chức do nhà nước quy định mà!).

Vậy chứ cái tựa entry này là tôi muốn nói gì? Xin thưa, đó là câu trả lời của một vị công chức của chính phủ Mỹ mà tôi vừa gặp cách đây ít lâu, trong một buổi ăn trưa mang tính thân mật của những người đang làm việc mà công việc cần liên hệ với nhau.

Do gặp mặt lần đầu tiên, nên tôi hỏi tên tuổi, và hỏi ngành học của bà, chẳng qua là để hiểu xem bà có quan tâm đến những vấn đề gì trong xã hội VN (vì tôi gặp với tư cách một người từ trong giới học thuật - thì ở trong trường ra mà lại). Và ngay lập tức bà ấy trả lời như thế đó, cái câu mà tôi đã lấy làm tựa của entry này nè!

Tất nhiên là tôi khá bất ngờ, vì tôi cũng không mong đợi là mọi công chức đều phải có bằng Tiến sĩ. Và một câu trả lời như vậy lại càng bất thường đối với những người nước ngoài mà tôi gặp. Mà đây lại là một người Mỹ? Lạ quá?

Câu trả lời của tôi: "Why should you have a PhD? I need it because I teach at a university, but who else needs a PhD in their everyday work?"

Bà ấy cười, và đáp lại: "Thank you. I guess I'm becoming like a Vietnamese."

Một câu trả lời rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ, phải không?

Nhưng tại sao gặp lâu rồi mà hôm nay tôi mới nhớ ra câu trả lời của bà ấy và viết entry này? Vì tôi vừa đọc trên vietnamnet bài viết có tên là "Tiến sĩ: Không xưng danh thì ai biết là ai", ở đây. Bài viết theo tôi là rất hay, đáng đọc, trong đó tôi thích nhất câu này:
Bằng tiến sĩ chỉ là cái giấy chứng nhận biết cách nghiên cứu khoa học. Tiến sĩ không phải là một tước vị mà là một nghề như bao nghề bình thường khác.

Tôi còn muốn nói thêm: Nó là một nghề mà ở trong xã hội phương Tây không mấy người muốn chọn. Vì nó khó khăn, gian khổ, mà lại không pay well như rất nhiều ngành nghề khác. Ai chọn ngành này, chỉ vì họ có tư chất như thế, và họ thích làm nghề đó thôi! Giống như nhà thơ, như họa sĩ, hoặc như ... tu sĩ, thật thế. Mấy người hơi hơi bất thường một chút, giống như tôi đây này, hic hic.

Ai muốn làm tu sĩ, sống khổ thế (tôi thì không thể nào tu nổi rồi, khổ quá!!!), thì phải học hành đến nơi đến chốn, tu luyện nghiêm chỉnh, chỉ để được sống nghèo, không có tài sản và gia đình riêng, không được hưởng bất kỳ lạc thú của người thường nào ở trên đời, trời ơi, sao lại dại thế nhỉ? Cũng như mấy vị tiến sĩ, mấy nhà khoa học nghèo khổ (tương đối) mà tốt bụng bên trời Tây mà tôi quen rất nhiều ấy.

Thế tại sao ở VN người ta thích bằng cấp đến thế? Mà không phải chỉ có hiện nay, hình như cái thói sính bằng cấp của người VN đã có từ lâu lắm rồi? Sao thế nhỉ?

Tự hỏi, cái thói đó của người VN có liên quan gì đến cơ chế không đây? Vì tôi thấy có nhiều người hay đổ lỗi cho "thằng Cơ Chế" (tên cũng hay đấy chứ?). Nó là cái thằng nào, mà dường như rất lắm lỗi lầm, nhưng cứ "nhơn nhơn" ra không ai trị được!

Nhưng mà tôi nghĩ lại rồi: Thói sính bằng cấp này cũng ... hay đấy, đặc biệt là cho ngành "công nghiệp giáo dục". Sẽ có một thị trường rộng lớn, béo bở, có nhiều tầng thi cử (một kiểu ngăn sông cấm chợ) vì cầu vượt xa cung, rồi sau đó sẽ đẻ ra các ngành công nghiệp phụ trợ là công nghiệp ... bằng giả nữa, chẳng hạn. Rồi sau đó nữa, là công nghiệp kiểm định dỏm. Trời ơi, cả một tương lai cho "công nghiệp giáo dục" của VN!

Tôi viết tửng tửng chơi chơi thế thôi, nhưng mà tôi đang đau lắm các bạn ạ! Người Việt mình tệ như thế sao? Tôi, thì tôi cứ (muốn) tin là không phải thế. Tại có chỗ nào không đúng đó thôi. Sửa chỗ đó đi, thì mọi việc sẽ ổn.

Chỉ có điều là không biết chỗ đó là chỗ nào! Ai biết, chỉ cho tôi với, được không?

6 nhận xét:

  1. Hi chào cô ! Đọc bài cô vừa vui vui, vừa đáng suy nghĩ. Em cũng có vài điều muốn nói về bằng cấp. Em đã từng học nhiều thầy nhiều cô, nhiều người có bằng cấp, học vị cao(xứng đáng)...nhưng khả năng sư phạm thì "tồi", nhiều người tuy "học vị không cao" nhưng dạy rất hay. Vì vậy tại sao "nghành giáo dục" lại cứ yêu cầu Thạc Sỹ, Tiến Sỹ mới được đứng giảng đường.

    Trả lờiXóa
  2. Dậy sớm đi lang thang, lần này thì ghé vào nhà cô intentionally chứ không phải là đi lạc như lần trước, khi vô tình nhìn thấy cái tựa “50 còn ngơ ngác…” của cô. Nói về chuyện “sính danh”, cô không phải mặc cảm chi cho dân Việt mình vì đây không chỉ là căn bệnh dành riêng cho người Việt mình đâu, có thể là ở các sắc dân Asian thì bênh này nặng hơn chút đỉnh. Tôi vẫn còn nhớ hồi mới qua Mỹ, đi học ESL ở Community College, một vị giáo sư người Canada; (she’s very proud of her Canada citizenship); đã tỏ vẻ bực bội nếu học trò gọi bà là “mrs Wood” thay vì “Doctor Wood”, vì ngày đầu tiên xuất hiện trước lớp she đã tự giới thiệu và yêu cầu được gọi như vậy. Thật ra trong trường lúc đó cũng có không ít các vị giáo sư tự giới thiệu their Doctor Grade, nhưng cũng chẳng ai upset nếu mình gọi khác. Danh xưng “doctor “ ở Mỹ không phải chỉ dành riêng cho bác sĩ mà thôi, như cô có bằng tiến sỹ, cô cũng có quyền yêu cầu người ta gọi mình là “Doctor Phương Anh”. Sau này, lặn lội đi cày trên xứ người, tôi cũng gặp không ít trường hợp như vậy. Có một ông manager cũng feels offended nếu những người coworker; thậm chí his boss; gọi him mà lại quên mất chữ doctor kèm theo. Mới đây tôi cũng nhìn thấy bảng số xe của 1 ông nghè Mỹ tương lai: “DOC2B”!?. Nghĩ cho cùng, lấy được bằng Doctor cực lắm chứ, cho người ta khoe một chút thì có hại gì đến hòa bình thế giới đâu, Tú Xương, Tú Mỡ cũng đã chết lâu rồi, đâu còn ai để mà làm thơ chọc ghẹo. Nhắc về chuyện danh phận, tôi vẫn cứ cảm thấy bực bội khi sau 75, những người thầy, giáo sư, bị giáng chức xuống thành giáo viên, (nhân viên ngành giáo dục). Nếu như vậy, tại sao không gọi kỹ viên, thay vì kỹ sư, kiến trúc viên thay vì kiến trúc sư, và nhiều nữa, võ viên, mục viên, thiền viên…, ai muốn có chữ “sư” phải được nhà nước công nhận, vậy mới fair!.
    Còn rất nhiêu ý chưa viết hết nhung ngẫm nghĩ thấy mình đã bắt đầu bất lịch sự rồi, đang ở nhà người ta mà cứ tưởng nhà mình, xả rác tùm lum. Thôi để hẹn khi khác vậy, nếu cô still welcome. Chúc cô và gia dình một ngày vui.
    Myakc.
    (Bị gọi nặc danh thấy cũng kỳ, thôi thì dùng nickname có lẽ dễ nghe hơn, dù sao cũng là chút danh.)

    Trả lờiXóa
  3. Hi Ngây ngô,

    Câu hỏi của em hay lắm. Cô thử đưa ra câu trả lời xem nhé:
    - Ở các nước, nếu muốn dạy đại học thì phải biết nghiên cứu, vì người ta mong đợi một người tốt nghiệp đại học cũng phải biết nghiên cứu ít nhiều (nghiên cứu = tự đặt câu hỏi và tìm được lời giải đáp cho những vấn đề của riêng mình mà chưa có sẵn trong thực tế) --> bằng tiến sĩ là học vị cao nhất để chứng tỏ rằng mình có biết nghiên cứu (và có thể trở thành nhà khoa học). Tuy nhiên, một người có bằng Tiến sĩ chưa chắc đã có năng lực sư phạm, và năng lực này đôi khi là năng khiếu nữa em ạ.
    - Ở VN, trước đây học là để làm quan (bia Tiến sĩ ở Văn Miếu nói lên điều này). Sau này, do ảnh hưởng phương Tây, mình cũng xây dựng một nền đại học, nhưng chưa phát triển nên chưa tự cấp bằng Tiến sĩ cho mình trong một thời gian dài. Thậm chí khi cô mới đi dạy, cô chỉ có bằng Cử nhân mà thôi, cũng được dạy cả chục năm ở đại học trước khi được cử đi học sau đại học ở nước ngoài (cái này gọi là cơm chấm cơm). Sau đó mở cửa, hội nhập, phát triển đại học, thấy người ta muốn dạy đại học phải có bằng sau đại học nên mình cũng quy định thế. Nhưng vẫn nhầm lẫn bằng cấp khoa học với bằng cấp để làm quan như thời phong kiến. --> Bệnh sính bằng cấp là do chỗ này?

    Dear Myakc (không phải Nặc danh),
    Cám ơn lời an ủi, và chia sẻ. Chắc là bạn đã đọc câu trả lời của tôi dành cho Ngây ngô ở trên ôồi phải không?

    Tôi nghĩ, ở nước ngoài nếu người ta đòi phải gọi Tiến sĩ là Dr có lẽ chưa chắc là sính bằng cấp, cho bằng đòi hỏi một cái quyền mà người ta nghĩ rằng người ta có, cho sòng phẳng vậy mà? Myakc nghĩ sao?

    Mà bạn ạ, ký 'bí danh' như thế này lại làm tôi tò mò nữa rồi. Chẳng lẽ hỏi Myakc là nam hay nữ, bao nhiêu tuổi thì kỳ, nên tôi sẽ không hỏi. Nhưng tò mò hết cỡ luôn đó.

    And of course, you're always welcome here. Tha hồ nói nhảm, tửng từng tưng, vì tôi cũng thế mà! For the fun of it, you know!

    PA

    Trả lờiXóa
  4. Từ một nghìn chín trăm lâu lắm rồi ở ngòai Hà Nôi có câu "Phi cao đảng bất thành phu phụ". Vì lúc đó VN ta chỉ có truờng cao đảng là cao nhất mà thôi.

    Thật ra VN ta ầm ỹ vì có cái Title "Tiến Sĩ đệ tam cấp" ở miền nam (truớc năm 1975)để gọi các ông bà có bằng Master ở nuớc ngòai về.

    Miền bắc chắc hẳn cũng có những ông "Phó tiến sĩ" học ở các nuớc Xếp Hàng cả ngày" về.

    Bây giờ thì theo trào lưu cao hơn nên cứ phải là Tiến sĩ mới đuợc cơ.

    Chuyện học để lấy bằng tiến sĩ thì mỗi nguời có một suy nghĩ riêng. Có nguời thích tiếng, có nguời thích nghiên cứu học thêm thật sự. Xin miễn bàn vì những nguời bỏ công để học là đáng khâm phục rồi.

    Sự thật mà nói học lấy cái bằng TS xong là không thể làm công việc nhiều tiền hơn một nguời có bằng Master đuợc.

    Tôi học đuợc cái câu này:

    Bachelor = Learn to do thing
    Master = Learn to do the thing right
    Doctorate= Learn to do the right thing.

    Chắc vì thế nên những nguời có bằng tiến sĩ thì thường kiếm ít tiền hơn nguời có bằng Master.

    Nếu càng nhiều nguời trong xã hội có doctorate degree thật (chứ không phải DỎM) thì chắc xã hội sẽ có nhiều người "do the right thing" hơn. Xã hội sẽ tố đẹp hơn chăng.

    Choi

    Trả lờiXóa
  5. Bác Choi,

    Rất vui gặp lại bác ở đây.

    Bác nhận xét hay lắm: người có bằng Tiến sĩ vì muốn do the right things nên thường có lương thấp hơn những người biết do things right, đó là Master!

    Và rất đồng ý với bác là nếu có các Tiến sĩ thật, chỉ muốn do the right things, thì xã hội hẳn sẽ tốt lên.

    Vấn đề là không hiểu sao lúc này, ngoài bệnh sính bằng cấp là căn bệnh thâm căn cố đế từ lâu, người Việt lại thêm căn bệnh dối trá, hình như cũng ngấm sâu đến tận xương tủy rồi thì phải? Nên mới có vụ Tiến sĩ 17 ngàn mới đây, đúng là cười ra nước mắt bác nhỉ?

    PA

    Trả lờiXóa
  6. Thưa chị,

    Em xin cảm ơn chị về 1 bài viết thú vị. Kính chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe.

    Trân trọng.

    Trả lờiXóa