Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Cả tôi nữa ...

Hôm qua cơ quan tôi tổ chức Hội nghị Thi đua yêu nước.

Tôi không đi dự, mà cử mấy em trẻ ở TT đi dự. Lý do chính thức: tôi đi dự những Hội nghị như thế rất nhiều rồi, còn các em trẻ thì nên đi, để biết, và để có sự giao lưu, quen biết nhiều người hơn, sau này dễ làm việc.

Nhưng cũng còn một lý do không chính thức nữa: Tôi thấy "thi đua yêu nước" là một việc làm hơi ... kỳ kỳ. Yêu nước là tình cảm tự nhiên của mỗi người, và vì vậy, không cần, cũng không thể, thi đua. Vì thi đua - competition - tức là có hơn, có kém. Vậy làm sao đo được ai yêu nước hơn ai?

Mà hơn nữa, thi đua tức là có những người bị loại - ngay từ vòng đầu tiên, gọi là vòng loại. Thì đó, TT của tôi có hơn một chục người, mà chỉ cử có 3 người đi "thi đua yêu nước", tức ngay từ vòng đầu tiên là vòng cử đi dự hội nghị, đã có những người không được vào danh sách "thi đua yêu nước" rồi. Bị loại ngay từ đầu. Những người không được quyền, hoặc không được phân công, yêu nước!

Và trong khi những người yêu nước đang đi dự hội nghị - rất đông, nơi những con người ưu tú của các đơn vị được tập hợp lại để nói chuyện yêu nước - thì những con người không yêu nước (well, thì không yêu nước bằng người khác) phải ở cơ quan, lặng lẽ làm việc, việc của mình, và cả việc của những người đang "mắc" họp về việc yêu nước nên không làm được, với đồng lương chỉ có thể sống cầm hơi trong thời buổi gạo châu củi quế đúng nghĩa này. Họ không được "tổ chức phân công" yêu nước, mà chỉ được phân công làm việc để người khác có thể yêu nước mà thôi.

May quá, trong số người bị phân công ở nhà làm việc chứ không được phân công đi yêu nước ấy, tôi đã tự phân công tôi. Nên hy vọng các em trong TT không thấy tủi, không thắc mắc tại sao người khác thì được phân công yêu nước, còn mình thì không?

Không hiểu có ai nghĩ gì về điều này không nhỉ? Và không hiểu những việc làm kỳ lạ, chỉ có ở VN như thế này, có sẽ sớm thay đổi không?

Tôi không trả lời được. Tôi chỉ xin chia sẻ với những người không được phân công yêu nước bằng bài thơ này của Langston Hughes, nhà thơ người Mỹ da đen đầu thế kỷ 20 mà tôi rất thích. Bài thơ có tên, "I, too" - Cả tôi nữa!

Vì cả tôi nữa - ừ, tôi, PA ấy - tôi cũng yêu nước, có lẽ cũng không kém gì ai.

I, Too

by Langston Hughes

I, too, sing America.

I am the darker brother.
They send me to eat in the kitchen
When company comes,
But I laugh,
And eat well,
And grow strong.

Tomorrow,
I’ll be at the table
When company comes.
Nobody’ll dare
Say to me,
“Eat in the kitchen,”
Then.

Besides,
They’ll see how beautiful I am
And be ashamed—

I, too, am America.
http://www.poetryfoundation.org/archive/poem.html?id=177020
---------
Còn đây là bản dịch của tôi (vừa mới dịch xong), xin tặng các bạn độc giả của blog này:


Cả tôi nữa

Cả tôi nữa, cũng ngợi ca nước Mỹ.

Tôi, thằng em da đen.
Họ xấu hổ đuổi tôi xuống bếp
Khi khách đến chơi nhà.
Tôi chỉ cười
Vẫn ăn uống thản nhiên
Và sống vui, lớn mạnh.

Ngày mai
Tôi sẽ ngồi vào bàn ăn
Ngang hàng với khách.
Sẽ chẳng ai
Dám đuổi tôi vào bếp
Mỗi khi có khách
Đến nhà chơi.

Họ sẽ được thấy tôi
Thấy rằng tôi vô cùng cao đẹp
Rồi họ sẽ âm thầm hổ thẹn.

Vì cả tôi, tôi cũng là nước Mỹ.

4 nhận xét:

  1. 1.Không hiểu có ai nghĩ gì về điều này không nhỉ?
    2. Và không hiểu những việc làm kỳ lạ, chỉ có ở VN như thế này, có sẽ sớm thay đổi không?
    Giả nhời:
    1. Có.
    2.Không.

    Trả lờiXóa
  2. Bà mẹ quê ơi,

    Mấy câu "giả nhời" buồn quá! Nhưng mà rất hay, ngắn gọn, "to the point"!

    Trả lờiXóa
  3. Thật đúng là buồn cười nhể? ối giời ơi là giời thi đua yêu nước, đây là lần đầu tiên tôi mới nghe đấy, hi hi hi. Người không đi thi chắc là không yêu nước, người không đoạt giải chắc là người yêu nước ít hơn người đoạt giải, còn người đoạt giải yêu nước nhất; nhưng mà tôi thắc mắc một chút là có ai đo được và so sánh được kết quả của lòng yêu nước cho kẻ thắng cuộc và người thua cuộc không nhỉ? Bi giờ mà vẫn còn các cuộc thi như thế này thì biết đến bao giờ Việt Nam ta mới phát triển đây ?

    Trả lờiXóa
  4. Quê hương..là chùm khế ngọt.
    Chắc con người, ai cũng nặng tình với quê hương mình, non sông của mình một cách hết sức tự nhiên...Mỗi người có cách biểu lộ cảm xúc khác nhau nên cũng khó nói. Chỉ trong lúc gian khó nhất thì mới thấy rõ, dù cách gì đi nữa thì chỉ có duy nhất một ý nghĩa mà thôi.

    Trả lờiXóa