Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Đọc thơ Nguyễn Việt Chiến nhân ngàn năm Thăng Long

Chim vành khuyên, hình chôm trên mạng
-------------------------
Cái tên NVC đối với tôi, cũng như đối với rất nhiều độc giả khác trong nước, là một cái tên không xa lạ. Anh đã ... “cực chẳng đã” trở nên rất nổi tiếng quanh vụ scandal liên quan đến Nguyễn Việt Tiến (thật oái oăm, nghe tên 2 người cứ ngỡ họ là … hai anh em!). Mà kể ra số phận của họ cũng có ít nhiều giống nhau: cùng phải sa vào vòng lao lý, cùng phải chịu cảnh “nhất nhật tại tù”, để rồi thoát khỏi nơi đó mà vẫn còn … nguyên vẹn (hy vọng thế!).

Chuyện scandal kia đúng là một điều chẳng ai ngờ mà cũng không ai mong đợi, nhất là anh NVC (chắc là thế?). Nhưng nó đã xảy ra rồi, và bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi chợt lẩn thẩn nảy ra ý nghĩ rằng, thực ra thì cũng chỉ là … Tái Ông mất ngựa thôi, vì nếu anh không bị dính vào scandal NVT thì chắc thơ của anh không được nhiều người biết đến như vậy. Ít ra, điều đó đúng với trường hợp của tôi.

Vì quả thật, trước khi NVC trở nên nổi tiếng một cách bất đắc dĩ như vậy thì tôi không hề biết đến anh, dù với tư cách nhà báo hay nhà thơ. Nhưng cũng vì vụ “bất đắc dĩ” đó, rồi anh rơi vào tình trạng “vô phúc đáo tụng đình”, được mọi người nhắc đến, tôi mới bắt đầu biết rằng ngoài tư cách nhà báo, anh còn là nhà thơ!

Nhà thơ! Gì chứ đối với tôi, ai mà làm thơ được – mà lại thơ hay nữa chứ! – là đủ để cho tôi ngưỡng mộ, và ngay lập tức xem là bạn, được rồi. Vì tôi cũng thích làm thơ, từ bé (teen) đến giờ (già) cũng đã làm thơ nhiều kha khá rồi. Mặc dù thơ của tôi đều là thơ con cóc và các con họ hàng xa gần của nó (nhái bén, ễnh ương, ếch ộp, và cả nòng nọc nữa!), nhưng dù sao thì cũng có một vài bài được đăng trên báo trước năm 1975 (thi sĩ nhí), và nhiều bài được đăng trên báo … tường (hic hic), vài bài được bạn bè chuyền tay nhau đọc và … khen (chắc là khen “hữu nghị”). Nên nếu tôi có lúc nào … cao hứng, nổ banh xác, và tự nhận mình là … nhà thơ, thì chắc cũng có thể tạm chấp nhận được, phải không các bạn nhỉ?

Vì vậy, nếu tôi xem các nhà thơ đương nhiên là … bạn của tôi (dù họ có đồng ý hay không cũng mặc :D) thì cũng dễ hiểu thôi mà. À mà tự nhiên tôi nhớ ra tên một cái hội mà trước đây tôi đã có lần tham gia, đó là Hội bạn người mù (bây giờ chắc đổi tên rồi, vì không ai dùng chữ ‘mù’ nữa, nghe nó có vẻ xúc phạm, nên chỉ dùng ‘khiếm thị’ thôi, dù bản chất hai từ này cũng không mấy khác nhau). Hay là bây giờ tôi vận động thành lập Hội bạn nhà thơ, nhỉ? Vì tôi nghĩ, nhà thơ của thời đại này cũng khá là thiệt thòi, một loại động vật quý hiếm và đang dần tuyệt chủng (?), cần phải quan tâm, chăm sóc, bảo vệ?

Thôi, tôi nói linh tinh, tửng tửng như thế cũng nhiều rồi, bây giờ trở lại chủ đề chính của entry này, thơ Nguyễn Việt Chiến. Số là tôi lang thang trên mạng thế nào lại lạc vào blog của anh, ở đây. Và đọc được mấy bài thơ anh mới sáng tác nhân dịp 1000 năm Thăng Long mới đây.

Đọc và thấy hay, nên đưa lên đây để chia sẻ. Các bạn đọc nhé. Tôi chỉ chép lên đây 2 bài thơ lục bát mà tôi thích. Còn nếu ai muốn đọc thêm, và hiểu thêm về nhà thơ NVC, thì các bạn lên blog của anh mà đọc. Link tôi đã đưa ở trên.

Chiều nay rùa nổi

Kiếm vua đã trả lâu rồi
Cớ sao rùa vẫn thức đòi trăm năm
Chiều nay
rùa nổi âm thầm
Nhớ gì, mắt cụ xa xăm thế này

Tượng vua Lê vẫn còn đây
Bên kia vua Lý nhớ ngày dời đô
Tượng hai vua dựng ven hồ
Thăng Long dấu tích ngàn xưa vẫn còn

Cớ sao rùa vẫn bồn chồn
Hẳn cụ lại nhớ bạn còn đâu đây
Cụ rùa Văn Miếu chiều nay
Muốn ra sưởi nắng sân đầy trẻ thơ
Lại thương cụ rùa ven hồ
Quanh năm ăn sóng, nằm mưa dãi dầu

Đêm nay các cụ ngủ đâu
Trải mây làm chiếu, gối đầu bằng trăng
Các vua xưa ở vĩnh hằng
Gươm thần gửi lại nằm trong đáy hồ
Vua giao cho các cụ rùa
Thức canh báu vật đến giờ chưa thôi

Ngàn năm
huyền thoại qua rồi
Vầng trăng như lưỡi kiếm nơi đáy hồ

Sâm cầm

Ta chưa gặp lại sâm cầm
Hồ Tây đã vắng thưa dần bóng chim
Tiếng ngàn xưa
đã lặng im
Nhịp chày Yên Thái ngủ quên tháng ngày
May còn Trấn Quốc chùa đây
Tiếng chuông trên sóng vọng đầy khói sương

Còn đâu người đẹp Thọ Xương
Giữa mùa sen nở để thương Tây Hồ
Ta không bán được hư vô
Để mua lấy cái mơ hồ tình em
Muốn xem
mở sóng mà xem
Phủ Tây Hồ nở ở trên sóng lành

Tây Hồ nay sóng ngóng xanh
Tầng tầng cao ốc dập dềnh tháng năm
Còn đâu thấy tiếng sâm cầm
Nhớ về hồ cũ hót thầm trong sương

Còn đâu nước mắt văn chương
Để thơ người cũ
xót thương sâm cầm
Hồ Tây mây nước âm thầm
Người thơ đã hoá sâm cầm rồi chăng?


Nguyễn Việt Chiến
Các bạn có thấy tôi nói về nhà thơ ở trên là đúng không nào? Chính NVC, một nhà thơ, cũng nghĩ rằng nhà thơ là một loại động vật đang dần tuyệt chủng, giống như “sâm cầm” vậy. Đấy, các bạn cứ đọc 2 câu thơ cuối cùng của bài thơ Sâm Cầm mà xem?

Nhưng tôi vẫn nghĩ, thơ, cũng như đối với riêng tôi là tôn giáo, sẽ vẫn mãi mãi có một vị trí không thay thế được trong cuộc sống, và trong việc hình thành tính cách con người. Để cái gọi là “tính người” được đầy đủ, trọn vẹn hơn. Chẳng biết các bạn đọc blog này có ai nghĩ giống tôi không nhỉ, nhất là các bạn trẻ?

À mà tôi trộm nghĩ, những bài thơ như thế này còn có ý nghĩa gấp vạn lần những trò lễ hội đông đúc kẹt xe với bắn pháo hoa gây sự cố chết người, tồn kém mà lại mang tiếng (lưu xú nghìn thu?) như đã diễn ra, phải không? Nào có phải mọi người không yêu quý Hà Nội – Thăng Long mà chống lại đại lễ đâu, chỉ là muốn cách biểu hiện phải làm sao cho nó thực sự văn hóa, thâm trầm, sang trọng mà không phô trương, cho đúng sự thanh cao, sang cả mà chốn đế đô ngàn năm đáng phải có thôi mà?

Và cuối cùng, dành cho các bạn ở SG, không biết sâm cầm là gì (tôi cũng không biết, chỉ nghe thôi): các bạn đọc bài này nhé!

1 nhận xét:

  1. Xin chia xẻ cùng Phương Anh những nhận xét về nhà thơ NVC cũng như hai bài lục bát trên. Phải nói NVC làm thơ rất hay, những bài thơ thấm đậm tình yêu quê hương đất nước, những trăn trở với bối cảnh xã hội bây giờ mà bất lực. NVC mới chỉ dùng " chưởng" nhà báo chứ chưa dùng "chưởng" nhà thơ đã bị vào vòng lao lý rồi. Thử hỏi " võ nghệ" có cao cường đến đâu chăng nữa cũng đành bất lực thôi. Hai bài lục bát trên tôi rất thích. Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở đất Hà Thành, mảnh đất ngàn năm văn hiến mới thấy hết vẻ đẹp sương bay là mặt nước của buổi sáng Tây Hồ, của buổi chiều Hồ Gươm khi trời tắt nắng.NVC nguyên quán Sơn Tây, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên những hình ảnh đẹp của Hồ Tây và Hồ Hoàn kiếm đã in đậm vào tuổi thơ của anh. Cho nên, trước sự phát triển đô thị hóa nhanh một cách chóng mặt, xây dựng bừa bãi, qui hoạch vô lối đã mất dần đi diện tích cây xanh, thay vào đó là những cao óc ngút trời, bầy Sâm Cầm cũng không còn nơi trú ngụ. Báo động sự mất cân bằng sinh thái ở thủ đô trong nay mai, " Hồ Tây nay sóng ngóng xanh,tầng tầng cao ốc dập dềnh tháng năm, còn đâu thấy bóng Sâm Cầm, nhớ về hồ cũ hót thầm trong sương".Nhà thơ đã cảm nhận được sự đau đớn của bầy Sâm Cầm kêu trong sương khi mất tổ cũng như nhà thơ cùng người dân thành phố đang mất dần mầu xanh cuộc đời. Đó là những trăn trở của nhà thơ có tấm lòng yêu quê hương trong từng hơi thở của mình. Đau đớn trước sự dửng dưng của chính sách với một loài động vật quí hiếm.Câu kết của bài thơ thật tâm trạng và hay nhất trong bài.NVC đã nói thay các bạn thơ, bạn văn, bạn báo của mình. Những người như các anh thật quí hiếm như loài Sâm cầm vậy. Cả hai vì thời buổi "loạn ly" mà tiệt chủng dần sao ?
    Lý Đai

    Trả lờiXóa