Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Tản mạn Sài Gòn

Mấy ngày qua tôi lu bu công việc quá nên có nhiều ý tưởng mà không viết được, page view rớt hạng thê thảm! Lại nhớ mấy vụ việc có liên quan đến các blogger nổi tiếng của VN, những việc mà tôi chẳng bao giờ mong nó xảy ra với mình, nên tự an ủi theo kiểu AQ rằng, page view thấp tức là độ an toàn cao! Chứ gì nữa, vào cái thời đi nhẹ nói khẽ như thế này.

Mà không hiểu sao lúc này mọi việc đều nhạy cảm quá nhỉ? Hay tại mình ngây thơ chính trị không hiểu được những âm mưu thâm độc của các lực lượng phản động? Mà, cũng khó hiểu thật chứ, lực lượng phản động ở đâu ra mà lắm thế? Chứ tôi thì tôi nghĩ, hay tại vì ta đang định nghĩa về lực lượng phản động, âm mưu chống phá nhà nước vv một cách khắt khe quá? Chà, mấy chuyện này, vào thời buổi này nữa chứ, tốt nhất là không nên tò mò và bàn bạc nhiều quá! Lo làm việc đi thì hơn, phải không? Tôi cứ nghĩ đơn giản, để đất nước phát triển, tốt nhất là mỗi người lo học hành, sống có trách nhiệm, có đạo đức, làm tốt việc mình làm, thì mọi việc sẽ tự ổn thỏa thôi mà?

Nhưng entry này không nhằm nói chuyện mấy blogger VN bị nổi tiếng một cách bất đắc dĩ, mà nói chuyện tản mạn Sài Gòn, như cái tựa của nó đã nêu. Chẳng là gần đây tôi có mấy chuyến đi xa Sài Gòn, trước đó là đi Indo, sau lại đi Nha Trang, nên cứ đi khỏi Sài Gòn lại nhớ về Sài Gòn, để so sánh, để chê, rồi để thương, và cuối cùng là để ... thấy Sài Gòn nhìn lâu cũng đẹp. Thật đấy.

Đẹp ở chỗ nào đâu, tôi hình dung nhiều người sẽ nói thế. Đường thì đầy lô cốt, chật chội, vỉa hè bị lấn, xe chạy thì không luật lệ, rồi lại kẹt xe liên tục nữa chứ. Chưa kể đường xá thì bụi bặm, trời thì nắng chang chang, lại có nhiều đoạn đường không một bóng cây, đẹp gì mà đẹp?

Ừ. Sài Gòn đúng là như thế thật. Nhưng mà mấy hôm nay trời mưa nhiều, nên đường xá cũng sạch sẽ, trời thì râm mát chứ không nắng, thậm chí có khi còn se se lạnh, thật dễ chịu. Thực ra, mỗi lần trời Sài Gòn lành lạnh như thế thì đó là khi đang bão ở miền Trung đấy, one man's meat is another man's poison, nói ra nghe ích kỷ lắm, nhưng khổ nỗi đối với dân Sài Gòn quanh năm nắng gắt thì không thể không cảm thấy dễ chịu khi trời dịu mát như thế này.

Cách đây vài hôm khi mới ở Nha Trang về, trong lúc chờ xe buýt ở quán cóc vỉa hè trước khi đến cơ quan làm việc, tự dưng tôi bỗng thấy Sài Gòn thật ... dễ thương. Quán cóc, ấy là mấy cái bàn ghế nhựa đã cũ để lăn lóc ở vỉa hè, người qua đường - chủ yếu là những người đang chờ đợi một cái gì đấy, ví dụ như xe buýt, hoặc chờ bạn bè, người thân ra vào những cơ quan gần đó - ghé qua ngồi, và uống một ly sữa đậu nành, một ly cà phê đá, hút một điếu thuốc.

Khách qua đường có người chỉ ghé một lần, nhưng cũng có người do công việc ngày nào cũng phải ghé qua chỗ quán ấy (chờ xe buýt như tôi chẳng hạn), thế là thành quen với chủ quán. Nên chưa ngồi xuống thì chủ quán đã biết ý, lấy ngay một chai đậu nành đổ vào bịch (vì trước đó tôi mấy lần bị vừa khui chai đậu nành xong thì xe buýt đến, vội trả tiền rồi chạy mà không kịp uống). Xe chưa đến thì tôi cũng ngồi, nhìn ngắm người qua đường, đôi khi nói dăm ba câu chuyện vu vơ với chủ quán, cũng thấy vui vui. Sống chậm một cách bắt buộc, nhưng cũng ... giảm stress mà.

Hôm ấy thì tôi phải chờ hơi lâu, chẳng hiểu sao, chắc là kẹt xe (không phải giống mấy nước tư bản, đặc biệt là Pháp, hay Úc đôi khi cũng thế, công nhân đình công, thế là không có xe công cộng nào chạy, đến là khốn khổ). Nên mới có dịp cho một anh bán đậu phộng luộc đến mời. Tôi vốn ít ăn vặt, nhưng lại hay mua quà cho bất cứ ai mời, đặc biệt là những người già bán những thứ quà rẻ tiền như thế, chẳng qua là không nỡ từ chối người mời, vả lại số tiền cũng không lớn.

Anh bán đậu phộng này còn trẻ, chỉ chừng khoảng 30, nên tôi ngần ngừ định không mua, nhưng thấy thái độ dễ thương, không xấn xổ như một vài người bán hàng trẻ khác, nên tôi hỏi bao nhiêu 1 lon. "Dạ, 5 ngàn". Tôi đồng ý mua, và khi anh ta lấy túi để đong đậu phộng tôi mới phát hiện là anh bị mất bàn tay trái, chỉ còn cùi tay. Nhưng với chỉ một bàn tay, anh vẫn làm mọi việc rất vén khéo, sử dụng luôn cùi tay trái làm chỗ móc một bên miệng túi ny lông, còn tay kia anh vừa cầm một bên miệng túi còn lại vừa cầm lon đong đậu phộng, đổ vào túi gọn gàng không ra ngoài một hột nào. Thấy chỉ có 5 ngàn đồng, tôi ái ngại mua luôn 2 lon. Anh ta tỏ ra vui vẻ biết ơn lắm.

Khi tôi trả tiền xong xuôi, có lẽ thấy tôi có vẻ thân thiện, anh mời tiếp, "cô mua vé số không?" Tôi cười, ừ thì cho xem, thế là anh lấy ra mấy xấp vé số, nhanh nhẹn lắm. Tôi lấy cho anh hai tấm (không lựa chọn), anh lại hỏi (hơi ... bẽn lẽn), cái này còn 3 tấm (cùng một số), cô có lấy luôn không? Tôi tặc lưỡi, ừ, thì lấy luôn cho rồi, anh bán hàng giỏi nhỉ? Và anh ta cười, trả lại tiền thối, rồi cám ơn và đi, dáng vẻ nhanh nhẹn, lễ phép, và khi anh ta đứng lên tôi mới để ý quần áo anh ta có vẻ cũ, sờn cả rồi, nhưng sạch sẽ và khá thẳng thóm.

Tự nhiên lại nhớ ngày xưa, trước năm 1975, tôi cũng đã từng ở trong những xóm nghèo, học một loại trường làng, các thầy cô dạy dỗ nghiêm khắc kỹ lưỡng lắm. Nào là tập vở phải giữ cho sạch sẽ, quần áo phải phẳng phiu, giấy rách phải giữ lấy lề. Tôi vẫn nhớ ông già Tám làm gác cổng cho ngôi trường Thánh Tâm (bây giờ là trường Tân Bình) ở ngã Ba Ông Tạ, ngôi trường của người miền Nam, học sinh đa số nói tiếng Nam (có lẽ chỉ mình tôi nói tiếng Bắc).

Ông Tám cũng nói tiếng Nam, mới đầu tôi rất sợ nhưng sau thì rất quý. Ông làm ở đó mấy chục năm, khi tôi vào thời tiểu học đã thấy ông già rồi, mà đến khi tôi lấy chồng ông vẫn còn ở đó thêm mấy năm nữa mới thôi. Không hiểu sao tôi bỗng cảm thấy ông Tám ấy với anh bán đậu phộng - vé số kia có cái gì đó giống nhau: kỹ lưỡng, lễ phép, nhanh nhẹn, có trách nhiệm với chính mình, tự tin theo một kiểu nào đó.

Và tự nhiên tôi nghĩ, đó là những con người tiêu biểu cho đa số dân cư của thành phố này. Bận rộn, ngổn ngang, đôi khi chật vật, lam lũ nữa, nhưng không kém tự tin, cũng biết nắm bắt cơ hội, và biết phải bỏ công sức, mồ hôi nước mắt ra để kiếm miếng ăn hàng ngày, để có được những gì mình muốn - nhỏ thôi, như một bữa cơm có chất, một mái ấm để về, một chỗ để che mưa nắng hàng ngày ...

Lại nhớ đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mà tôi cũng cho là rất Sài Gòn, dù biết rằng, ơ lạ chưa, người ta thì gốc Cà Mau, mình thì gốc Bắc Kỳ, chẳng có ai là Sài Gòn hết cả, mắc mớ gì mà mình thương mến Sài Gòn, rồi lại còn nhận vơ người khác vào làm người SG, tất nhiên là có cả mình trong đó nữa chứ?

Ừ thì người Sài Gòn nó kỳ cục, vô duyên như vâỵ đó, tui biết mà! Thì tui là người SG nè, vậy chớ có ai ở SG mà không phải là có gốc gác từ nơi khác đến đâu, giơ tay cho tui biết cái coi?

(Xí, dzô dziên, tui nghe có người nói dzậy. Nhưng mà kệ mấy người, tui cứ nhận tui là Sài Gòn đó, tức hôn?)

4 nhận xét:

  1. Đọc đoạn đầu entry, em đã nghĩ tới tản văn này của Nguyễn Ngọc Tư, người mà - rất tình cờ - cô đã nhắc đến ở phần cuối bài viết.

    http://www.viet-studies.info/NNTu/NNTu_YeuNguoiNgongNui.htm

    Trích đoạn đầu tản văn (cho những ai không có thời gian đọc hết :-))

    "Bạn cũ ngồi than thở, nói ghét Sài Gòn lắm, chán Sài Gòn lắm, trời ơi, thèm ngồi giữa rơm rạ quê nhà lắm, nhớ Bé Năm Bé Chín lắm. Lần nào gặp nhau thì cũng nói nội dung đó, có lúc người nghe bực quá bèn hỏi vặt vẹo, nhớ sao không về. Bạn tròn mắt, về sao được, con cái học hành ở đây, công việc ở đây, miếng ăn ở đây.

    Nghĩ, thương thành phố, thấy thành phố sao giống cô vợ dại dột, sống với anh chồng thẳng thừng tôi không yêu cô, nhưng rồi đến bữa cơm, anh ta lại về nhà với vẻ mặt quạu đeo, đói meo, vợ vẫn mỉm cười dọn lên những món ăn ngon nhất mà cô có. Vừa ăn chồng vừa nói tôi không yêu cô. Ăn no anh chồng vẫn nói tôi không yêu cô. Cô nàng mù quáng chỉ thản nhiên mỉm cười, lo toan nấu nướng cho bữa chiều, bữa tối.

    Bằng cách đó, thành phố yêu anh. Phố cũng không cần anh đáp lại tình yêu, không cần tìm cách xóa sạch đi quá khứ, bởi cũng chẳng cách nào người ta quên bỏ được thời thơ ấu, mối tình đầu. Của rạ của rơm, của khói đốt đồng, vườn cau, rặng bần… bên mé rạch. Lũ cá rúc vào những cái vũng nước quánh đi dưới nắng. Bầy chim trao trảo lao xao kêu quanh quầy chuối chín cây. Ai đó cất tiếng gọi trẻ con về bữa cơm chiều, chén đũa khua trong cái mùi thơm quặn của nồi kho quẹt. Xao động đến từng chi tiết nhỏ.
    ..."

    SGK

    Trả lờiXóa
  2. chì PA thân mến"Sài gòn đẹp lắm !Sài gòn ơi!Sài gòn ơi!Bởi vì "áo nàng vàng em đi mà chợt mát/bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông"Thấy lãng mạn quá ko chị.Nhớ lại sgon những năm tháng ĐH chở người yêu đi dưới trời mưa!Ôi sao!mong mưa dài, mong sao đường quá ngắn,đế cứ mãi mãi được gần nhau,hãy là!"may mà có anh đời còn dễ thương"Chị cứ viết như thế vì lãnh vực chính tri chị quá ngây thơ"xin lỗi"Tôi còn nhớ nhà văn lớn Nguyễn T đã nói:'Tôi tồn tại vì tôi biết sợ/Nói ít hiếu nhiều/hic !hic!

    Trả lờiXóa
  3. Em thích cái đoạn cô tả người bán đậu và vé số. Theo em, đó là một nỗi đau của một xã hội, một nền kinh tế khi trước mặt là mercedes, BMW vi vu như ruồi, sau lưng vẫn là một bà già, một người tàn tật, một đứa trẻ chào mời mấy tấm vé số, mấy cây kẹo.
    Lộc

    Trả lờiXóa
  4. Tôi vừa có một nguời quen tuổi cũng ngòai 60 vừa về Thành Phố Hồ chí minh sau hơn 20 năm xa cách.
    Ông kể tôi nghe Thành phố Hồ chí minh bây giờ xây dựng ghê lắm, đuờng từ Phi truờng Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố nhà cửa xây lại hết, to lắm. Vào trung tâm thành phố thì nhà chọc trời đã xây và đang xây nhiều lắm. Thay đổi hết cả rồi. Ông ta kể một thôi về thành phố Hồ chí minh to lớn, đầy nguời, chỗ ăn nhậu, rồi massage đầy rẫy, muốn gì cũng có.

    Ông ta hỏi tôi là tôi đi Sàigòn (ngộ nhận) lần nào từ ngày tôi sang đây chưa? Tôi trả lời ông là tôi đi thành phố hồ chí minh 6 lần rồi, và lần cuối cùng là tháng 10 năm 2008.

    Ông ta hỏi tôi nghĩ sao về Sàigòn (ông này lại ngộ nhận, ông ta đi về thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải Sàigòn). Tôi thì thấy mỗi nguời đi về VN có mục đích riêng của mình nên tả lại Sàigòn theo mục đích chuyến đi của mình của mình. Suy nghĩ của tôi về thành phố hồ chí minh chắc chắn là không giống nhiều nguời Việt ở ngọai quốc về VN. Ông ta cứ gặng hỏi mãi tôi đành phải trã lời ông ta, "Tôi nhận thấy thành phồ Hồ chí Minh (chứ không phải Sàigòn) chỗ nào cũng treo bảng Phuờng Văn Hóa, Tổ Văn Hóa, Nhà văn Hóa Phuờng, nhà Văn Hóa quận.vv. thậm chí vào ngay nhà dân cũng thấy treo bảng gia đình văn hóa (nhưng mà ở trong thì chứa gái-cái này là thật 100% vì tôi đi với 1 anh phóng viên ảnh báp PL, anh ta muốn chứng minh cho tôi coi đó là sự thật). Giở tờ báo ra đọc đều có mục về văn hóa nhưng tờ báo chỉ hòan tòan đưa tin dối trá, giết nguời, hiếp dâm, chân dài, thậm chí như cái cô gì mà lên phim porno rồi đi tù ma báo cũng đưa tìn cô ta đi lấy chồng, rồi các câu nói vớ vẩn của các cô ca sĩ hát hò nghe không hiều gì hết cũng đua lên báo ngang hàng với câu nói của thủ tuớng. Còn nhà chọc trời là nhà của ai chắc chắn không phải là của nguời thành phố hồ chí minh."

    Tôi nói với ông là tôi biết chắc chắn bằng số liệu là hộ dân có nuớc máy (running water) ít hơn quán nhậu, điểm massage, KARAOK, và các thứ giải trí đồi trụy không? Tôi biết chắc chắn là tôi ngồi uống cốc cafe vỉa hè trong 30 phút là tôi phải trả lời 30 nguời khác nhau, họ bàn vé số, bán báo, bán bó tăm xỉa răng, bán các thứ lặt vặt, xin tiền. Trung binh 1 phút là phải trả lời 1 nguời mời mình.

    Hiện nay Thành phố là thành phố hồ chí minh chứ không phải Sàigòn. Xin đừng ngộ nhận với Sàigòn ngày truớc 1975. Tội nghiệp cho Sàigòn lắm.

    Trả lờiXóa