Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Người TQ xấu xí (3): "Giữ mình là thượng sách!"

Lại một thói xấu khác của người VN, ấy quên, người TQ chứ! Nhưng ... sao Bá Dương viết về TQ mà giống viết về VN đến thế nhỉ?

Người TQ thì tôi không biết, nhưng "giữ mình là thượng sách" quả đúng là một đặc tính của người Việt Nam mình. Hoặc ít ra, những người Việt Nam mà tôi biết.

Vì tôi đã từng nhiều lần nghe thấy những lời khuyên đại khái là "Kệ, việc của người ta, quan tâm làm gì, chừng nào đụng đến mình hẵng hay!" khi tôi bày tỏ những bất bình về những việc làm sai trái của những người mà tôi tình cờ có thông tin.

Còn đây là quan điểm "giữ mình là thượng sách" của người TQ do Bá Dương mô tả, để cho chúng ta so sánh với đặc tính của người Việt. Các bạn đọc bên dưới nhé.

-----------
Khổng Tử có một đoạn văn nói cách tránh tai họa rất cao siêu như thế này: "Nước bị nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở. Lúc thiên hạ có đạo lý thì ta xuất đầu lộ diện, lúc không có thì ta ở ẩn. Nước có đạo lý mà nghèo hèn là nhục. Nước vô đạo mà phú quý cũng là nhục" (Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo, tắc kiến. Vô đạo, tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần thả tiện, sỉ dã. Bang vô đạo, hàn thả quý yên, sỉ dã).

Những điều dạy bảo này của thánh nhân thật là thông minh, rành mạch: Con người sống phải theo chiều gió, như hòn bi trơn. Chờ cho người khác bình thiên hạ xong rồi thì ta nhảy ra kiếm một chức quan. Lúc dầu sôi lửa bỏng thì ta ở nhà đánh giày cho thật trơn, và gửi vợ con đến những nơi an toàn nhất.

Đại khái để làm một nhà Nho chính thống - có thể làm hội trưởng Hội Khổng Mạnh được - là kiểu như vậy. Nghĩa là tìm cái thế lợi nhất để thích ứng, để cho bản thân được an toàn, "tấm thân nghìn vàng không ngồi trong căn nhà sắp đổ" (Thiên kim chi tử, tọa bất thùy đường). Những phần tử trí thức cho rằng không bao giờ nên đến gần một nơi mà một viên ngói có thể rơi vào đầu.

Đối với những thối nát chính trị, những đau khổ của dân lành, mình chẳng dính vào làm gì cho mệt thân, có nhìn thấy cũng cứ tai ngơ mắt lấp cho xong. Vì nhìn thấy thường khó tránh khỏi tức giận, tức giận thường khó tránh khỏi nói toáng lên, nói toáng lên thường khó tránh khỏi bị tai vạ.

Than ôi! Trong toàn bộ giáo huấn của nhà Nho hầu như không có gì khuyến khích con người suy nghĩ hay ho, rất ít nói đến quyền lợi, nghĩa vụ, rất ít khích lệ cạnh tranh, mà chỉ muốn học trò mình, rồi lại học trò của học trò mình an phận với hiện trạng mà ung dung tự đắc. Cái gì cũng có thể làm, miễn là nó không đem đến cho mình cái gì nguy hiểm cả.

Tại sao Khổng Tử ít khen ai ngoài Nhan Hồi - cái anh chàng học trò nghèo rớt mùng tơi đó ? Ông hết sức tán dương sự chịu đựng nghèo khổ của anh học trò này mà không hề tìm hiểu trách nhiệm của cái xã hội đã làm cho "ông thánh bậc nhì" này thành nghèo khổ đến như thế.

Lại không hề nghĩ làm thế nào để cải tổ cái quần thể xã hội đó, mà chỉ dương đôi mắt mù quáng dạy đời rằng: "Nghèo cũng hạnh phúc được!".

Nếu mỗi người Trung Quốc đều hạnh phúc kiểu đó, quốc gia dân tộc chắc chắn phải quay về thời kỳ đồ đá mà thôi !

1 nhận xét:

  1. Cả 3 câu chuyện về "Người TQ xấu xí" rất hay, rất thực nhưng không ai comment cả vì theo em, có 2 lý do:
    1, "Sự thật mất lòng", câu chuyện đúng quá, thật quá nên nhiều người không thích.
    2, "Im lặng là đồng ý", nhiều người không nói gì có nghĩa là họ đồng ý và thấm thía với ý tưởng của "Người TQ xấu xí", có tính giáo dục cao.

    Và có thể blog viết quá...dở nên không ai comment (hê hê)

    Như em đã viết ở đâu đó, một "blog" được nhiều người tán dương có thể là "blog" hay, nhưng chưa chắc đã đúng. Và dĩ nhiên, cái đúng không phải lúc nào cũng hay.
    Cũng vậy, bầu cử, đồng chí nào được quá nhiều phiếu, đến gần 100%, chưa chắc đã phải người đồng chí tốt, có khi chỉ là đồng chí mị dân. Do vậy, có đồng chí chẳng được bầu thì lại có ích.
    "Nước trong quá, không có cá; người tài quá, không có quân".

    Còn cái dzụ văn hóa là từ mang tính tích cực hay tiêu cực. Theo em, nó là từ tích cực. Nói đến văn hóa, người ta hay nói đến cái đẹp, tuy nhiên, như thế nào là đẹp lại là chủ đề dài dài. Tỉ dụ như đạo Khổng, có thể gọi là văn hóa Khổng được hay không. Tùy theo ngữ cảnh, tùy theo quan điểm của người viết mà có đưa nó vào mục "văn hóa" được hay không. Đối với tôi, Khổng không phải là văn hóa, nhưng đối với anh, Khổng là văn hóa...
    Tất nhiên, 1 cộng 1 phải là 2 và phương trình phải có lời giải, không thể A cũng được, B cũng xong (!?).
    Với cách lý giải của Bá Dương, em cũng đồng ý cái gọi là "văn hóa" Khổng không phải là văn hóa, nó có một số mặt tích cực, tuy nhiên, về tổng quan, nó nguy hiểm và kéo dân tộc Trung Hoa đi xuống và tất nhiên, nó kéo những dân tộc phụ họa cho cái văn hóa đó xuống theo.

    Túm lại, cả ba câu chuyện về Khổng, về "xin lỗi, cảm ơn", về việc nhỏ như "giữ cửa" đều là những câu chuyện hay mà Bá Dương đã diễn tả như chính những gì em đã thấy.

    Tks!

    Trả lờiXóa