Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Người TQ xấu xí (4): "Xấu che tốt khoe"

"Xấu che tốt khoe" là tựa do tôi đặt cho phần trích dẫn này, còn bản gốc của nó do Bá Dương viết và Nguyễn Hồi Thủ dịch thì có tựa là "Kỳ thị chủng tộc".

Thì đúng là bài viết của Bá Dương nói về kỳ thị chủng tộc thật. Nhưng cái làm cho tôi ấn tượng nhất về bài viết lại là đoạn viết về thói quen "xấu che, tốt khoe" của người TQ (mà theo tôi thì VN mình cũng y hệt thế).

Bá Dương so sánh thói quen "xấu che, tốt khoe" đó của người TQ với việc một người bị bệnh trĩ khi thấy hậu môn bị chảy máu thì bèn lấy tay che lại mà giả vờ rằng chẳng có gì xảy ra cả; nếu ai có nói đến việc ấy thì chẳng qua đó là đổ điêu, vu khống, bôi nhọ, và hẳn là phải có ý đồ gì đó xấu xa. Và để người ta không nói động đến mình nữa thì cứ bài chụp mũ có ý đồ xấu mà đánh, thì ắt người ta phải đầu hàng và cao bay xa chạy. Lúc ấy, búi trĩ của mình bỗng nhanh chóng biến mất - mặc dù kỳ thực là nó vẫn còn nguyên đấy, nhưng bỗng trở thành vô hình (cũng như chiếc áo của đức vua cởi truồng ấy thôi!).

Một thói xấu khác đáng lưu ý của người TQ là tinh thần cục bộ, địa phương, lấy cá nhân mình, gia đình mình, địa phương mình làm chuẩn mực để quy chiếu mọi việc và là tiêu chuẩn để phán đoán mọi giá trị của cuộc sống, đồng thời là nguyên tắc ứng xử trong đời.

Và tính cách này sao cũng rất giống người Việt Nam. Có lẽ ở VN không ai lại không biết câu "một người làm quan, cả họ được nhờ". Thói ấy, cứ tưởng là chỉ có ở thời phong kiến ở VN, nhưng hóa ra đến nay nó vẫn cứ tồn tại, có những nơi rất rõ. Tôi đã chứng kiến khá nhiều nơi mà cứ mỗi lần thay đổi lãnh đạo tại một cơ quan thì lại thấy kéo theo một lô nhân sự mới, là con, là cháu, là người làng, người nước, là đồng hương, đồng khói của vị sếp mới ấy. Bất chấp năng lực, tất nhiên.

Bài viết của Bá Dương lời lẽ có lẽ hơi thô tục, gây shock. Và sử dụng rất nhiều ngoa ngữ, ca ngợi nước Mỹ lên tới mây xanh và đánh hạ TQ xuống đến đáy bùn đen. Hẳn là khi ra đời hẳn phải có nhiều người căm hận, chửi rủa.

Nhưng tôi nghĩ, nếu Bá Dương đã không viết như thế thì có lẽ ngày nay TQ đã chẳng tỉnh ngộ như thế này, để nhận ra những cái chưa tốt của mình, để mà còn điều chỉnh. Cho nên cái liệu pháp shock của Bá Dương có lẽ cũng cần thiết, và đã có tác dụng tốt chăng?

Các bạn đọc tiếp ở dưới nhé.

-----------
Có bao giờ anh nghe nói người Mỹ của tiểu bang Virginia tẩy chay người của tiểu bang Arizona chưa? Hoặc người Nhật ở đảo Honshu (Bổn châu) tẩy chay người ở đảo Shikoku (Tứ Quốc) không? Thế mà cái kỳ thị chủng tộc của người Trung Quốc so với cái kỳ thị của người Mỹ còn kinh khủng hơn nhiều.

Nếu ta đem kết hợp lại với nhau những ý niệm rất hẹp hòi kiểu "Con cháu của Hoàng Đế và Thần Nông", "Đại Hán oai trời", "Không phải là tộc loại của chúng ta", "Lòng dạ khác chúng ta" thì chỗ còn lại cho người các dân tộc khác sống sẽ chẳng còn gì?

Có một số người Trung Quốc ở Mỹ - địa vị xã hội cũng chẳng hơn gì những người Mỹ da đen nhưng lại xem những người này không đáng một đồng xu - hễ cứ nhắc người Mỹ da đen thì lại lắc đầu lia lịa như bị động kinh. Cái hành vi khinh thị ấy có thể làm cho người ta tức mà chết được. Không ai có thể tưởng tượng nếu 11% của dân Trung Quốc là da đen hoặc da đỏ thì mấy ông da vàng kia sẽ sốt lên đến bao nhiêu độ?

Người không cùng một tỉnh đã không thể chấp nhận, bao dung lẫn nhau rồi! Đối với người không cùng một chủng tộc không biết sự thể sẽ như thế nào?

Kỳ thị chủng tộc là một thứ quan niệm ghẻ lở, nó dai dẳng và lây lan. Nhưng cái đáng làm ta ngạc nhiên, kinh dị là phương pháp nước Mỹ dùng xử lý cái loại ghẻ lở đó. Phương pháp của họ có thể không giống Trung Quốc, vì phương pháp Trung Quốc là: "Dấu bệnh vì sợ phải chữa" (Húy tật kỵ y) và "Cái xấu trong nhà không thể để lộ ra ngoài" (Gia xú bất khả ngoại dương). Sự thực đó là nguyên tắc chứ không phải phương pháp.

Phương pháp "chân chính" là một đằng bị chảy máu ở hậu môn lại lấy tay che đít nói: "Không, tôi có bị bệnh trĩ hành hạ đâu? Ai bảo tôi có bệnh trĩ tức là có ý đồ hoặc có lòng dạ gì đó!" Có cái "ý đồ" gì đó là một vũ khí truyền thống toàn năng. Chỉ cần tung nó ra, niệm vài câu thần chú là đối phương phải vắt giò lên cổ mà chạy; đồng thời cái búi trĩ kia bỗng nhiên lành lại.

Ồ! Xin lỗi! Tôi nhỡ mồm! Không phải cái búi trĩ kia bỗng nhiên lành mà tự nó đang ở tình trạng có bệnh bỗng nhiên biến thành tình trạng không có bệnh gì cả. Con giòi của hũ tương, cái con người dị dạng, chỉ biết che dấu bệnh của mình chứ không muốn chữa nó.

Nước Mỹ là một xã hội lành mạnh, cường tráng đến độ nó có thể tự điều chỉnh mình. Thay vì lấy tay che đít thì cái phản ứng của nó lại là nói toáng lên cho mọi người biết: "Tôi có bệnh trĩ đây! Mỗi ngày tôi bị chảy mất 8.000 ga-lông máu [gallon = khoảng hơn 4 lít]. Tôi muốn biết giá của một chiếc quan tài là bao nhiêu?" Tất cả mọi người đều biết thì mọi người đều ý thức rằng mình có liên quan. Sau đó tiêm thuốc, uống thuốc, mổ xẻ, biến ghế gỗ thành ghế xô-pha, biến cái lưng còng thành lưng thẳng để có thể đứng thẳng lên được.

Tất cả các phương tiện truyền thông hay văn học đều phải nói lên cái kỳ thị chủng tộc này, làm cho mọi người đều biết, làm cho mọi người đều sợ vì thấy mình có liên quan. Một xã hội lành mạnh phải dựa trên một tâm lý lành mạnh của người dân - người dân có trí tuệ biết tôn trọng sự thực, có dũng cảm thừa nhận những sai lầm, có năng lực tự sửa đổi.

Kỳ thị chủng tộc là một sai lầm. Đó là một sự thực không thể chối cãi. Người Mỹ có được cái trí tuệ và dũng cảm tìm cách sửa đổi và giải quyết một cách thỏa đáng những lỗi lầm. Họ có khả năng lựa chọn những quyết định đúng đắn khiến cho sự kỳ thị chủng tộc dần dần bớt đi, và có thể một ngày nào đó không còn nữa.
-----
Nói tiếp về phần chót của bài viết: Bá Dương đã mất từ lâu nên không chứng kiến được nước Mỹ đã chứng minh khả năng tự cải thiện thói "kỳ thị chủng tộc" của mình một cách xuất sắc, thông qua việc đưa một người da đen lên vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước: Tổng thống Obama. Ước mơ của mục sư Martin Luther King, tác giả bài diễn thuyết lừng lẫy "I have a dream" đã thành hiện thực, quá rõ ràng.

Có lẽ sau khi có cuốn "Người TQ xấu xí" thì người TQ cũng đang dần tự cải thiện. Còn Việt Nam?

Những gì tôi được đọc và nghe phổ biến về VN đa phần chỉ là những gì đẹp đẽ, như cuốn sách "Người Việt cao quý" của Vũ Hạnh, hay những câu thơ ... ngạo nghễ mà tôi đã được học hồi phổ thông:

"Hỡi sông Hồng đất nước 4000 năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
...
Thuở đất nước của Hùng Vương có Đảng
Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ"
...

"Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau!"

...
"Chào sáu mốt (1961) đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn tám hướng
Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu!"

Ta cao quý thế, đẹp đẽ thế, ngạo nghễ thế (theo thơ Tố Hữu thì ta đã ngạo nghễ từ năm 1961 kia mà, lúc ấy ta đã đỉnh cao muôn trượng, mắt nhìn tám hướng, trông cả địa cầu rồi cơ đấy), vậy thì còn cần gì phải cải tiến nữa! Dường như các vị lãnh đạo cộng sản VN luôn luôn có tâm trạng "những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả/Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!" nên không cảm thấy phải cải cách gì (nhưng, chẳng lẽ không có ai thấy 2 câu thơ ấy là rất mâu thuẫn hay sao?)

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Có vẻ như nếu đổi chữ TQ thành chữ VN thì loạt bài này vẫn đúng. Đúng nhưng chưa đủ.

    Trả lờiXóa