Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Ngày 2/9, nghĩ về cái giá của nền độc lập

Thông báo ngưng trao đổi về bài viết:

Bài viết này của tôi từ hôm 2/9 đến giờ đã nhận được tổng cộng trên 50 nhận xét, trao đổi. Một kỷ lục cho đến nay. Rất cám ơn  mọi người đã đọc và trao đổi, giúp tôi hiểu ra được rất nhiều điều.


Với tinh thần muốn nghe tất cả các ý kiến đa dạng của mọi người, trước nay tôi đã đăng hầu hết mọi trao đổi và rất ít khi xóa ý kiến của ai. Tuy nhiên, lần này do vấn đề tôi đặt ra có lẽ nhiều người quan tâm, nên thỉnh thoảng lại có những nhận xét nóng nảy, mang tính đả phá thiếu xây dựng, và đôi khi đụng vào một vài vấn đề nhạy cảm mà tôi không đủ sức để lường trước đến đâu là có thể chấp nhận và đến đâu là quá giới hạn, có thể gây phiền phức cho chủ blog.


Vì biết mình không đủ sức phán đoán (và thực ra cũng không có đủ thời gian để đọc kỹ và lọc) nên tôi sẽ ngưng những trao đổi về bài viết này. Mọi trao đổi mới sẽ không được đăng lên nữa. Rất xin lỗi các bạn, và một lần nữa cám ơn các bạn đã ghé nhà, đọc và trao đổi nhiều ý kiến với những thông tin đa chiều thú vị.

---------------
Hôm nay là ngày 2/9, một ngày lễ mà tất cả mọi người đều được nghỉ - public holiday như trong tiếng Anh người ta vẫn nói.

Ngày 2/9 được Việt Nam chọn làm ngày quốc khánh, còn gọi là ngày "tết độc lập". Một ngày lễ lớn, đánh dấu ngày VN dành lại độc lập từ thực dân Pháp. Một ngày đáng để mọi người dân VN tự hào, và mừng vui. Nghe trên TV, thỉnh thoảng lại thấy có ai đó dùng từ "vỡ òa cảm xúc", một kiểu nói thường bị chê là sáo rỗng,  là "cliché" tức là nói theo công thức (xem định nghĩa cliché ở đây: http://grammar.about.com/od/c/g/clicheterm.htm).

Kể ra, một ngày lễ có ý nghĩa lớn lao như hôm nay thì nếu có ai nói "vỡ òa cảm xúc" có lẽ cũng không phải là giả tạo, sáo ngữ gi cho lắm. Một dân tộc nhỏ bé, một đất nước nông nghiệp lạc hậu, mà chỉ cần dựa vào một chủ thuyết "bách chiến bách thắng (là chủ nghĩa Mác-Lênin) là đã đánh đuổi được 3 tên đế quốc sừng sỏ" - chúng ta vẫn thường tự hào như thế. Niềm vui, niềm tự hào đó tôi tin là có thật, chân thành và sâu sắc.

Niềm tự hào đó trong kéo dài trong rất nhiều năm và được người VN nhắc lại ở mọi lúc, mọi nơi. Cho đến một ngày kia, một vị lãnh đạo nào đó khi thăm Thái Lan, hình như thế, đã phát biểu đại ý như câu tôi trích ở trên, thì được đáp bằng một câu khiến bất cứ người nghe nào trong hoàn cảnh tương tự cũng sẽ cảm thấy lúng túng.

Câu trả lời của Thái Lan lúc ấy đại khái là như thế này (not verbatim): "Phần chúng tôi, chúng tôi tự hào vì đã không phải tốn xương máu để đánh đuổi tên đế quốc nào cả." Một câu nói theo tôi là cực hay, thật nhẹ nhàng mà làm thay đổi hẳn cách suy nghĩ của người VN về cách thức làm thế nào để đưa đất nước tiến lên mà tốn ít công sức, thời gian và xương máu nhất.

Lẩn thẩn, tôi lên mạng gõ cụm từ "cái giá/ chi phí của nền độc lập", gõ bằng tiếng Anh (the cost/ price of independence"), để tìm hiểu xem các nước khác đã phải trả giá hoặc chấp nhận trả giá ra sao cho nền độc lập của mình. Trước hết là Thái Lan, đất nước mà những người lãnh đạo đã khôn ngoan tránh được những cuộc chiến tranh đẫm máu mà vẫn có được độc lập.

Khi tìm Thailand's independence day, tôi nhận được câu trả lời như sau:

Thailand doesn't actually have an independence day, as it's the only country in Southeast Asia that was never colonized by the Europeans. At the moment its national day is December 5, which is the birthday of the current king.

Thái Lan thực ra không có ngày độc lập vì đó là quốc gia duy nhất ở ĐNÁ không phải trở thành thuộc địa của bất cứ quốc gia phương Tây nào. Hiện nay, ngày quốc khánh của Thái Lan là ngày 5/12, đó là ngày sinh nhật của vị vua hiện tại.

(Nguồn: http://www.ask.com/question/when-is-thailand-independence-day)

Nhưng làm sao họ có thể tránh được số phận bị phương Tây đô hộ nhỉ? Đây là câu trả lời của wikipedia:

Despite European pressure, Thailand is the only Southeast Asian nation that has never been colonized.[22] This has been ascribed to the long succession of able rulers in the past four centuries who exploited the rivalry and tension between French Indochina and the British Empire. As a result, the country remained a buffer state between parts of Southeast Asia that were colonized by the two colonizing powers, Great Britain and France. Western influence nevertheless led to many reforms in the 19th century and major concessions, most notably being the loss of a large territory on the east side of the Mekong to the French and the step-by-step absorption by Britain of the Malay Peninsula.

Xin dịch phần in đậm:

Lý giải điều này, người ta cho rằng đó là nhờ vào (một chuỗi) các nhà lãnh đạo có năng lực đã tận dụng sự cạnh tranh và căng thẳng giữa Đông Dương thuộc Pháp và Đế quốc Anh. Vì vậy, đất nước này đã trở thành một quốc gia đệm giữa các vùng của ĐNÁ vốn đang bị cai trị bởi hai lực lượng thực dân lớn là Pháp và Anh. 

Một quốc gia khác trong khu vực là Malaysia cũng bị thực dân đô hộ, nhưng không phải là thực dân Pháp như VN mà là thực dân Anh. Nhắc đến điều này, tôi chợt nhớ  đã nghe một người thầy cũ - giờ đã quá cố, đó là GS LVD của ĐH Văn khoa cũ - nói rằng tất cả các nước cựu thuộc địa Anh đều có được sự phát triển tốt hơn cựu thuộc địa Pháp. Một nhận xét nghe chừng thiên vị nhưng không phải là không thuyết phục. Ví dụ mà thầy tôi đưa ra là Singapore, Malaysia, và cả Hồng Kông nữa, một hòn đảo nhỏ xíu đã được Anh trao trả về cho TQ vào năm 1997 và hiện nay vẫn có trình độ phát triển hơn hẳn nhiều quốc gia khác trong khu vực, với các trường đại học nằm trong danh sách hàng đầu châu Á.

Một điều đáng chú ý khác là, theo wikipedia tiếng Việt, thì ở Malaysia đã từng có Đảng CS Malaysia nổi lên chống lại sự cai trị của thực dân Anh, tạo nên một cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 1948 đến tận năm 1960. Tuy nhiên, thật may mắn cho Malaysia là sau đó thì Anh đã trao trả lại độc lập cho Khối thịnh vượng chung vào ngày 31/8/1957, và nền độc lập của Malaysia đã được xây dựng từ đó, để ngày nay có được một Malaysia thịnh vượng nhất ĐNÁ nếu không kể đến Singapore hoặc Brunei là những đảo quốc bé tí ti, dễ quản lý, riêng Brunei lại còn có rất nhiều dầu mỏ. Thông tin về Malaysia có thể đọc ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/Malaysia

Đọc vào lịch sử hai quốc gia gần gũi chúng ta trong khu vực ĐNÁ thì thấy quả thật họ quá may mắn. Thái Lan thì có được vị trí địa lý nằm ở vùng đệm giữa 2 khu vực bị đô hộ của 2 thế lực sừng sỏ, lại còn có các vị lãnh đạo sáng suốt, nên dân chúng Thái Lan hiện nay vẫn có vua và vẫn rất tôn sùng hoàng gia. Không giống như dân Việt, đã "vùng lên lật đổ chế độ phong kiến thối nát, nhu nhược dưới dự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của ĐCSVN", với sức mạnh long trời lở đất và sát khí đằng đằng, khiến cho đầu rơi máu đổ thây ma chất đầy đường, như trong bài quốc ca mà chúng ta nghe quen nhưng những người ngoại quốc khi nghe lần đầu thì thấy thật là khủng khiếp: "Đường vinh quang xây xác quân thù" (thực ra đâu chỉ là xác quân thù, vì còn cả rất nhiều xác quân sĩ và nhân dân VN nữa chứ).

Cũng vậy, Malaysia thì vì bị (được?) Anh đô hộ và đã học được cách tổ chức xã hội và bộ máy chính quyền của Anh, nên khi được trao trả độc lập thì họ đã có thể tiếp tục xây dựng trên nền những gì có sẵn, tất nhiên thời gian đầu cũng khá khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần dân chủ, cải lương kiểu Anh chứ không triệt để cách mạng như những người CS, họ đã cùng nhau ngồi lại bàn bạc để tìm ra con đường để phát triển đất nước. Và họ đã không chọn con đường cộng sản như một vài quốc gia thời ấy, mà chọn con đường phát triển theo kiểu phương Tây, để tạo ra một Malaysia ngày nay mà chúng ta đã biết.

Nhưng lịch sử là lịch sử,và địa chính trị là địa chính trị, những chuyện đã qua thì đã qua, vị trí địa lý của đất nước thì thời nay không thể thay đổi được nữa (thời xưa thì còn có thể đi đánh chiếm, hoặc đi khai phá những vùng bỏ hoang ...). Nên có bàn bạc về việc thời đó có lẽ cũng vô ích. Vấn đề tôi muốn đặt ra là không hiểu thời nay người ta có chấp nhận trả một cái giá cao như VN đã từng trả - và vẫn còn phải trả đến tận ngày nay - để có được độc lập không nhỉ?

Câu hỏi tưởng chừng không bao giờ có thể trả lời được, chỉ đặt ra để suy nghĩ mà chơi. Nhưng thật may mắn đến không ngờ, tôi tìm được bài viết quá thú vị được đăng cách đây hơn một năm trên tờ Economist, bàn về cái giá của nền độc lập của Tô Cách Lan (Scotland), nếu có. Bài viết ở đây: http://www.economist.com/node/21552564.

Để hiểu bài viết trên thì phải hiểu chút chút về bối cảnh của Tô Cách Lan. Vì vậy, tôi xin cắt ngang ở đây để giới thiệu vắn tắt về đất nước này. Đây là một quốc gia thuộc liên hiệp Anh, vốn đã là một vương quốc độc lập đến tận đầu thế kỷ 18 thì tham gia vào một liên hiệp chính trị với nước Anh để tạo ra Vương quốc Anh ngày nay. Theo wikipedia, Scotland hiện nay vẫn có một hệ thống pháp lý riêng, và khi tôi thăm nước này trong một chuyến đi được Hội đồng Anh tài trợ vào khoảng năm 2006, 2007 gì đó thì đã biết rằng hệ thống giáo dục đại học của Scotland cũng hoàn toàn khác với Anh cũng như xứ Wales và Bắc Ireland. Như vậy, Scotland tuy đã gia nhập UK nhưng vẫn giữ được sự độc lập tương đối, tuy họ không còn tư cách một quốc gia độc lập, và không được quyền có đại diện trong Liên hiệp quốc.

Việc tham gia vào UK cách đây hơn 300 năm chẳng rõ có lấy ý kiến của nhân dân Tô Cách Lan hay không, nhưng chắc chắn là đã được quyết bởi những người lãnh đạo thời ấy, có thể là để đạt được một cái lợi gì đó, hoặc cho riêng giới lãnh đạo hoặc cho đất nước (điều này nếu muốn biết thì phải tìm hiểu thêm). Tuy đã tham gia UK nhưng chắc chắn họ không muốn mất bản sắc, và vẫn giữ sự độc lập về một số mặt, như đoạn mô tả sau đây của wikipedia tiếng Việt (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Scotland):

Sự độc lập liên tục về luật-pháp, hệ thống giáo dục và Giáo hội Scotland là ba nền tảng góp phần gìn giữ văn hoá và nét đặc trưng dân tộc Scotland kể từ khi gia nhập Vương quốc Anh (Kingdom of Great Britain).

Như vậy có nghĩa là dù đã chấp nhận ở trong môt liên hiệp chính trị với một nước mạnh hơn trong suốt một thời gian 3 thế kỷ nay, và vì thế phải chịu số phận lép vế hơn, nhưng độc lập dân tộc vẫn rất quan trọng đối với người Scotland, và thỉnh thoảng vấn đề dành lại độc lập vẫn được đặt ra. Cụ thể, một số đảng phái chính trị và các nhóm dân sự khác đã nhiều lần vận động để tách Scotland ra khỏi UK để trở lại thành một quốc gia độc lập như nó đã từng tồn tại hơn 3 thế kỷ trước. Tất nhiên, một việc như thế sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, người thì muốn độc lập, người lại muốn ổn định, chẳng thà chấp nhận những gì đang có, còn hơn là phiêu lưu vào một tương lai nghe thì hay nhưng chưa biết ra sao. Và vấn đề quan trọng nhất đang được đặt ra cho toàn dân Scotland là: Dành độc lập với giá nào? Đó chính là nội dung của một cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2014 tới đây. Thông tin có thể đọc thêm ở đây: http://en.wikipedia.org/wiki/Scottish_independence.

Độc lập, nhưng với giá nào, đó là nội dung chính của bài báo mà tôi đã nêu ở trên. Bài báo nhắc đến và phân tích kết quả của một đợt khảo sát ý kiến người dân vào năm 2012 về việc có nên phá vỡ một cuộc hôn nhân đã kéo dài 300 năm qua và đã đạt những kết quả tương đối tốt đẹp hay không (dù tất nhiên cuộc hôn nhân ấy vẫn không thể tránh được những khác biệt về quan điểm với những va chạm lớn nhỏ trong quá khứ).

Xin đọc kết quả của đợt khảo sát ấy dưới đây:

The political and cultural issues around independence are hotly debated. Yet fittingly, in the birthplace of Adam Smith economic arguments seem to weigh heaviest. Opinion polls suggest that they will determine whether or not Scots go for independence. One poll found that just 21% of Scots would favour independence if it would leave them £500 ($795) a year worse off, and only 24% would vote to stay in the union even if they would be less well off sticking with Britain. Almost everyone else would vote for independence if it brought in roughly enough money to buy a new iPad, and against it if not.

Dịch thoát:

Những vấn đề chính trị và văn hóa liên quan đến nền độc lập của một quốc gia luôn tạo ra những cuộc tranh luận nóng hổi. Nhưng thật thú vị là ở quê hương của Adam Smith [Adam Smith, một nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới, vốn là người Tô Cách Lan - chú thích của tôi] thì những tranh luận về kinh tế mới thực sự có trọng lượng.  Một khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 21% người Scots được khảo sát là chấp nhận độc lập ngay cả nếu như điều ấy àm thu nhập của họ giảm đi 500 bảng Anh một năm (khoảng 795 USD), và cũng chỉ 24% chấp nhận ở lại trong liên hiệp dù họ có bị thiệt hại đôi chút vì cứ phải dính với nước Anh. Hầu như tất cả mọi người khác cho biết sẽ ủng hộ độc lập nếu nền độc lập ấy mang lại cho họ một số tiền tương đương với tiền mua một cái iPad mới, còn nếu không được như thế thì họ sẽ không cần độc lập. [!!!!]

Ngạc nhiên quá, nghe cứ như chuyện cười, phải không các bạn? Đấy cũng là suy nghĩ của ông xã tôi khi tôi kể những điều này; ông ấy bảo: Ai chẳng biết người Tô Cách Lan là kỹ tính, nói nôm na là keo kiệt, đến nỗi ta có một lô một lốc những truyện cười về sự keo kiệt của Tô Cách Lan, tương tự truyện cười Gabrovo ấy.

Nhưng không ạ, đây không phải là chuyện vui cười, mà là một bài bình luận nghiêm túc trên một tờ báo nghiêm túc. Các bạn có thể đọc toàn bài báo để thấy sự nghiêm túc ấy. Chẳng qua là người dân Scotland là những người nặng tính lý trí nên không để cho những cảm xúc bồng bột về sự tự hào dân tộc vv lôi mình vào những cuộc phiêu lưu bất định. Số phận các quốc gia châu Âu trong tình hình kinh tế hiện nay hoàn toàn không phải là dễ dàng, mặc dù vẫn có những quốc gia nhỏ như Thụy Điển chỉ vài triệu dân nhưng rất mạnh, và là một mô hình hấp dẫn mà những người ủng hộ nền độc lập của Tô Cách Lan đang mơ ước.

Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước, còn thực tế có làm được hay không thì lại là một chuyện khác. Vì sẽ thật đáng buồn nếu sau khi tách ra thành một quốc gia độc lập thì Scotland bị rơi vào khủng hoảng như một vài quốc gia châu Âu trong thời gian vừa qua. Nên mới có chuyện phải bàn bạc kỹ, phải trưng cầu dân ý, và mới có chuyện cho tờ Economist đem ra bàn bạc dưới góc độ kinh tế.

Tất nhiên, nền độc lập không chỉ là chuyện kinh tế, mà còn là chuyện chính trị và văn hóa,  vốn cũng là những yếu tố quan trọng trong đời sống của một quốc gia. Nhưng một khi đã lựa chọn thay đổi thì vẫn cứ phải tính toán đến rủi ro, chứ không thể tin rằng mọi việc sẽ tốt đẹp cả. Nhưng chấp nhận rủi ro đến đâu, đó là điều cần bàn bạc, và toàn dân cần được biết. Như trong đoạn kết luận  sau đây của bài báo:

If Scots really want independence for political or cultural reasons, they should go for it. National pride is impossible to price. But if they vote for independence they should do so in the knowledge that their country could end up as one of Europe's vulnerable, marginal economies.

Tạm dịch:

Nếu người Scots thực sự muốn có độc lập vì những lý do chính trị hay văn hóa, thì họ nên tiếp tục. Không thể đưa ra một cái giá cho niềm tự hào dân tộc. Nhưng nếu họ chọn độc lập thì họ cũng cần phải làm điều này với tất cả sự hiểu biết rằng đất nước mình có thể rơi vào tình trạng tương tự như một số nền kinh tế nhỏ bấp bênh.

Chỉ khoảng hơn một năm nữa thôi là chúng ta sẽ biết được người Tô Cách Lan sẽ chọn cái gì, sự ổn định về kinh tế hay nền độc lập bằng mọi giá, hoặc độc lập với một cái giá cố định nào đó. Còn VN thì từ cách đây 68 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình của ĐCSVN chúng ta đã dành độc lập bằng mọi giá, để rồi bây giờ  mới có một số người ngộ ra rằng cái giá của chúng ta có lẽ quá cao. Không kể biết bao nhiêu máu xương, riêng về thu nhập thì chúng ta đã thua Thái Lan không chỉ 500 bảng Anh một năm như trong câu hỏi khảo sát dành cho người Tô Cách Lan trong bài báo nói trên, mà là rất nhiều lần con số đó, và điều đó đã kéo dài nhiều năm nay mà chưa ai biết đến bao giờ khoảng cách thu nhập mới được san bằng. Mà đó mới chỉ là Thái Lan, chứ không phải là Malaysia hay Singapore, những nước thậm chí còn nghèo và lạc hậu hơn VNCH thời trước 1975. Một điều mà tôi tin chắc rằng hiện nay khi nghĩ đến thì không người Việt nào có thể vui hay tự hào gì được.

Nên hôm nay, vào ngày 2/9, ngày cả nước đang tưng bừng chào mừng ngày độc lập, tôi bỗng có một thắc mắc: Nếu cách đây 68 năm chúng ta bớt cảm tính, bớt sôi máu sùng sục để lật đổ thực dân bằng mọi giá, mà biết giữ cái đầu lạnh để tính toán một chút, và bình tĩnh bàn bạc với nhau, xem xét kinh nghiệm thế giới và đưa ra những lựa chọn cho người dân trong một cuộc trưng cầu dân ý để lấy ý kiến toàn dân về cái giá của nền độc lập - theo kiểu hội nghị Diên Hồng thời xưa  - thì không hiểu người Việt Nam đã chấp nhận độc lập và thống nhất với một cái giá như thế nào nhỉ? Chắc là người Việt đầy tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, lại thiên về cảm tính thì không "keo kiệt" tính toán như dân Tô Cách Lan rồi, nhưng liệu chúng ta có chấp nhận cái giá quá cao như chúng ta đã trả hay không? Và để đạt được cái gì kia chứ?

Sẽ không có câu trả lời, vì việc gì đã xảy ra rồi thì không thể thay đổi được nữa. Nhưng người ta học Sử là để biết hành xử cho đúng trong tương lai. Vậy thì, liệu VN hiện nay có đang đứng trước những lựa chọn quan trọng hay không, và chúng ta có nên một khi đã chọn một con đường nào đó thì phải luôn kiên định và theo đuổi bằng mọi giá hay không, câu trả lời xin để dành cho những người có thẩm quyền quyết định.

53 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay!

    Trả lờiXóa
  2. _ "Ngày 2/9 được Việt Nam chọn làm ngày quốc khánh, còn gọi là ngày "tết độc lập"..."

    Theo thiển ý, câu trên tác giả (có thể) nên viết là...

    - "Ngày 2/9 được (hay là bị ?) đảng cộng sản Việt Nam chọn làm ngày quốc khánh, còn gọi là ngày "tết độc lập"..."

    thì sẽ chính xác bối cảnh và ngữ cảnh lịch sử nước Việt Nam hơn!
    Vì lẽ, ít nhất, và chắc chắn như "đinh đóng cột", là có khoảng trên 50% người dân Việt Nam hiện nay... không (thèm) quan tâm "ý nghĩa" của ngày 2/9 này!

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết rất hay nhưng thật đau xót cho sự mất mát, hy sinh của dân tộc.
    Thực ra thời đó mọi người thấy sự bất công của chế độ cũ nên muốn thay đổi để lập nên một chế độ mới tốt đẹp hơn. Không ngờ, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Chế độ này lại còn đầy rẫy những bất công tàn bạo hơn. Đó là cái giá phải trả cho sự ngộ nhận !

    Trả lờiXóa
  4. Đọc đoạn này của bài trên:

    "...Câu trả lời của Thái Lan lúc ấy đại khái là như thế này (not verbatim): "Phần chúng tôi, chúng tôi tự hào vì đã không phải tốn xương máu để đánh đuổi tên đế quốc nào cả." Một câu nói theo tôi là cực hay, thật nhẹ nhàng mà làm thay đổi hẳn cách suy nghĩ của người VN về cách thức làm thế nào để đưa đất nước tiến lên mà tốn ít công sức, thời gian và xương máu nhất."

    tôi chợt nẩy ra sự so sánh cách ứng xử của các nhà lãnh đạo VN xưa kia và bây giờ đối với thế lực bành trướng phương Bắc. Ngày xưa ở Hội nghị Diên Hồng thì: Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? Quyết chiến! Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh! Thề liều thân cho sông núi...Rõ ràng là các nhà lãnh đạo VN hiện nay đã rất thấm thía câu đối đáp trên của nhà lãnh đạo Thái Lan nên đã không hành xử hùng hổ kiểu Quyết chiến ồn ào đối với Trung quốc khi bị lấn áp trong vụ Hoàng Sa, Trường Sa mà đã khôn ngoan hơn trong cư xử: hòa hoãn bề ngoài nhưng thực chất bên trong đã ngấm ngầm phòng bị chặt chẽ sẵn sàng phản công đúng lúc. Và tôi cho rằng thái độ trầm tĩnh, kiên quyết như vậy rất cần thiết cho người dân một nước nhỏ bé như VN trong việc đối đầu với kẻ thù truyền kiếp phương Bắc chứ không phải là các cuộc xuống đường, biểu tình ồn ào kêu gào chống đối kẻ xâm lược ngạo mạn.

    Xin mạn phép nhắc lại 2 câu danh ngôn của bạn nặc danh 10:52 trong bài Đôi điều với tác giả....phần 4 của cô PA đã đang trong tháng 8:

    11/ “The greatest and most powerful revolutions often start very quietly, hidden in the shadows. Remember that.” ― Richelle Mead, Vampire Academy
    Các cuộc cách mạng vĩ đại và mãnh liệt nhất thường khởi đầu rất âm thầm và ẩn trong bóng tối. Hãy nhớ điều đó.
    12/ “All war is a symptom of man's failure as a thinking animal.” ― John Steinbeck
    “Tất cả các biểu hiện chiến tranh là dấu hiệu loài người thất bại ở vai trò là loài thú biết suy nghĩ.”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn ND 20:55
      Đúng quá rùi. Mọi chuyện đã có Đoảng và nhà nước "no"
      Biểu tình là mất đoàn kết, có hại cho 16 vàng 4 tốt
      He he he

      Xóa
    2. "Hoa hoan" nhưng khong phai la thai đo "HEN NHAT - QUI LUY - QUI GOI" !!! Xin ban lưu y !!!

      Xóa
    3. Hoài Quảng :
      1/ Ước chi mấy ông Thái Lan nói những câu "Phần chúng tôi, chúng tôi tự hào vì đã không phải tốn xương máu để đánh đuổi tên đế quốc nào cả." với lãnh đạo Bắc Việt khoảng năm 1954.
      2/"...khôn ngoan hơn trong cư xử: hòa hoãn bề ngoài nhưng thực chất bên trong đã ngấm ngầm phòng bị chặt chẽ sẵn sàng phản công đúng lúc.." Vâng ! Quả là khôn ngoan ! Ngư dân đen cứ việc lo chống chọi với bọn Tàu lạ đi nhé. Trong đất liền có tụi anh âm thầm giúp các anh em ngư dân đen đây nè. Lỡ có bị tụi tàu lạ bắt , bắn, giết, đốt tàu, thu ngư cụ thì để tụi anh ...âm thầm phòng bị.
      Các cột mốc biên giới như Ải Nam Quan, thác Bản Dốc thì vì tinh thần hòa hoãn mà các cụ lãnh đạo cũng đã , thôi kệ...chia cho nó để yên thân rồi đấy sao !
      Lãnh đạo còn mời tụi nó qua đầu tư theo kiểu đào tận gốc, tróc tận ngọn các cánh rừng cao nguyên. Cái này lãnh đạo mình tính kỹ rồi, đang chơi chiến thuật "vườn không nhà trống" đấy mà.
      Nói chung trước sau gì phe ta cũng phản công. Không phản công tự tụi nó cũng ...chết ! Quả là khôn ngoan.
      3/ Như đã phân tích ở 2/. vì thế không được biểu tình. Biểu tình gây nên ...ồn ào. Hóa ra đánh động cho tụi nó chạy thoát à ?! Đi săn mà theo kiểu "lạy ông tui ở bụi này" thì làm sao giết được thỏ !? Nói chung là phe ta đang "ru ngủ" tụi nó, cấm tiệt các hành động gây hấn như biểu tình phản đối làm náo loạn ...giấc ngủ của tụi nó. Đừng có viện cớ biểu tình là đánh động dư luận thế giới, biểu tình là gây áp lực chính trị, biểu tình là cho tụi nó thấy dân Việt không hèn, biểu tình là thổ lộ lòng yêu nước vô biên, biểu tình là kêu gọi đoàn kết dân tộc đứng lên trước họa xâm lăng phương Bắc, ...nói chung đừng có viện vào những lý do đó mà biểu tình làm chúng ngủ không được. Biểu tình là hốt tất !

      Túm lại : Cái gì nhà nước làm đều là bí mật quốc gia. Dân đen không được can dự vào ! Đất nước này là của ai ?

      Xóa
    4. Chỉ biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước chứ đâu có kêu gọi cầm vũ khí chuẩn bị chiến đấu mà sao lại không được phép? Đây là chuyện nội bộ của VN tại sao chính quyền cọng sản lại sợ Tàu Cọng tức giận? Có phải VN đã lệ thuộc Tàu?

      Xóa
  5. Bài viết có khả năng thuyết phục cao...Việt Nam - người cộng sản và người dân yêu nước trươc đây đã "sùng sục" chống ngoại xâm thế nào thí bây giờ và về sau họ sẽ chống lại kẻ lừa dối và phản bội họ như thế, hơn thế, đến cùng. Đó là cá tính VN rồi mà.

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn Phương Anh. Bài viết rất hay, tuy rằng sẽ có rất nhiều tranh cãi.
    "... chúng ta đã dành độc lập bằng mọi giá, để rồi bây giờ mới có một số người ngộ ra rằng cái giá của chúng ta có lẽ quá cao."
    Tôi đồng ý là dân tộc ta đã phải trả 1 cái giá quá đắt. Nhưng chúng ta khó có thể nói rằng việc đứng lên giành độc lập thời điểm đó (CMT8 1945) là sai lầm, vì tại thời khắc đó, không ai có thể biết được chủ nghĩa thực dân rồi sẽ suy tàn, các nước thuộc địa sẽ lần lượt có được độc lập 1 cách hòa bình.
    Điều đáng tiếc và là sự bất hạnh lớn cho dân tộc VN chính là việc phải đi theo con đường Cộng sản. Chính cái chủ nghĩa quái thai này mới là nguyên nhân gây ra nhiều mất mát cho dân tộc, dẫn đến cuộc nội chiến nồi da xáo thịt 30 năm, và sau đó là một nền kinh tế còi cọc, đạo đức XH băng hoại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước khi Mặt trận Việt Minh cướp chính quyền thì Nhật đã trao
      trả độc lập cho vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim rồi.
      Vậy thì nếu không có cuộc "cướp chính quyền của MTVM",Thì biết
      đâu nhân dân ta đã tránh được mấy chục năm đổ bao núi xương sông
      máu!? Tôi tán thành với bạn Q.H.T "Chính (những ngườimang) cái chủ nghĩa quái thai này (về VN )mới là nguyên nhân...." (Tôi thêm vào mấy từ trong ngoặc đơn để chỉ rõ kẻ chịu trách nhiệm
      vì bản thân cái "chủ nghĩa" tôi nghĩ không chịu trách nhiệm )

      Xóa
  7. Phức tạp là chỗ này: Người dân đi theo tổ chức Việt Minh (một liên minh chưa mang danh CS) cướp chính quyền vì đói quá, khổ quá,hai triệu người chết đói. Ai cho sữa là mẹ, ai cho cơm là cha, chỉ không ngờ rằng "mẹ cha" đó về sau mới lộ nguyên danh là CS.

    Trả lờiXóa
  8. Bà chủ Blog sành sỏi ngữ văn quá, tại sao bây giờ mình mới nhận ra: "Đường vinh quang xây xác quân thù" (thực ra đâu chỉ là xác quân thù, vì còn cả rất nhiều xác quân sĩ và nhân dân VN nữa chứ).
    Ngượng quá !

    Phùng Hoài Ngọc

    Trả lờiXóa
  9. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  10. Thái Lan giàu có, phát triển kinh tế là nhờ vào ngành công nghiệp không khói của họ: các khu đèn đỏ với gái mại dâm hoạt động công khai được nhà nước thừa nhận và thu thuế.

    Trả lờiXóa
  11. Xin đăng lại câu trả lời của bạn Nặc danh 23:19 nhưng đã biên tập cắt đi mấy đoạn liên quan đến lý lịch của tôi:
    ---------

    Nặc danh23:19 Ngày 02 tháng 9 năm 2013

    @Nặc danh 20:45 : Chế độ này lại còn đầy rẫy những bất công tàn bạo hơn. Đó là cái giá phải trả cho sự ngộ nhận! [Phần này đã bị cắt bỏ]. Tự mỗi con người quyết định số mệnh của mình tùy theo nhân quả và trình độ của chính người đó & gia đình thôi! Cộng sản hay Quốc gia bên nào cũng có người tốt kẻ xấu, bạn đừng kết luận phiến diện như vậy. Năm nay tôi gần 60 tuổi, dân Sài Gòn, miền Nam rặt ròng, ba tôi là sĩ quan chế độ cũ, tôi vẫn sống ở VN từ bấy đến nay, chứng kiến tất cả các đổi thay của đất nước để có thể nói như thế...Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai vẫn nằm trong quyền quyết định của từng con người VN tùy vào suy nghĩ, thái độ và hành động của họ. Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm rồi sao vẫn còn hằn học, thù ghét và đổ thừa cho Cộng Sản về tình trạng hiện nay? Bạn bình tâm suy nghĩ lại đi nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hổng lẽ tình trạng hiện nay là do dân còn cộng sản vô can?

      Xóa
    2. Đống ý với bác ND.01:11.
      Lý do là ai có QUYỀN LỢI(thống trị) thì người đó,
      tổ chức đó tất phải có TRÁCH NHIỆM hoàn toàn.
      Đó là nguyên tắc có tính quy luật không chỉ thuộc
      về đạo đức mà còn của pháp luật.

      Xóa
    3. @Nặc danh 01:11_Vậy chứ cộng sản là ai, từ đâu mà ra? chẳng phải không từ quần chúng nhân dân à? Mà tại sao có kẻ thống trị Chừng nào người ta hiểu được câu nói của chúa Jesus: Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi tất cả...thì mới có thể hiểu được hiện tình của VN...

      Xóa
  12. Hồi “đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam”, học sinh miền Bắc chúng tôi được giảng là: “bè lũ bán nước đang muốn biên giới Hoa kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” .

    Bây giờ, không phải là Hoa kỳ, mà là Trung quốc, nếu “biên giới Trung quốc kéo dài đến tận mũi Cà mau” có khi cũng hay.

    He he.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là "yêu nên tốt,ghét nên xấu",do đó đã xuyên tạc
      1 câu nói bóng bảy thành ra 1 luận điệu tuyên truyền :
      "Biên giới 'thế giới tự do' kéo dài đến vĩ tuỳến 17".

      Xóa
  13. Hoài Quảng : Có ai biết mức thu nhập bình quân đầu người của miền Bắc Việt Nam so với miền Nam Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 không ? Tôi không biết, nhưng tôi biết chắc chắn rằng đời sống miền Bắc VN giai đoạn đó là cực kỳ thiếu thốn. Còn miền nam, các vùng nông thôn tuy vẫn nghèo khó, nhưng vẫn có 1 Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông - hoa lệ và sung túc.
    Và bây giờ, Hà Nội và Tp HCM thì ngang ngửa nhau về giàu có (so sánh phiên phiến thôi nhé).

    Còn cái giá phải trả ư ? Dù có đốt cháy rụi cả dãy Trường Sơn - "lá phổi" của nước Việt Nam - cũng quyết phải làm...thì hà cớ gì không dám "thành xây xương lính hào đào máu dân" ! Cái giá phải trả ư ? Chẳng qua, bất quá cũng chỉ...nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ dưới hầm tai họa mà thôi. Nếu công thành mà thành công thì giới ra quyết định chiến tranh sẽ vinh thân phì gia.

    Vậy kết luận : Đánh chiếm miền Nam Việt Nam là một quyết định sáng suốt của giới lãnh đạp chóp bu Cộng Sản miền Bắc.

    Trả lờiXóa
  14. Tôi đã đọc một số bài viết của P.A, đều thấy tâm đắc ! Thật không hổ
    với cái tên thật đẹp: PHƯƠNG ANH !
    Người nhà quê

    Trả lờiXóa
  15. Năm 1945 Việt Minh giành chính quyền không phải từ thực dân Pháp mà từ chính quyền Bảo Đại- Trần Trọng Kim: mới đầu là biểu tình cướp chính quyền ở các địa phương, rồi Bảo Đại thoái vị, chính phủ TT Kim từ chức, và kết thúc với việc Bảo Đại trao ngọc tỷ và bảo kiếm cho đại diện Việt Minh ở Huế. Có thể nói việc chuyển giao quyền hành này là một “diễn biến hòa bình”, cái giá phải trả không đáng kể . Cái giá “quá cao” mà dân tộc phải trả - như nhiều người nhận định- là do việc “gắn độc lập với chủ nghĩa cộng sản”.
    Nếu đảng cs không đủ mạnh để cướp chính quyền thì VN vẫn giành được độc lập vì sau thế chiến 2 chế độ thực dân tan rã, phong trào giải thực ( decolonisation) lên cao và được sự ủng hộ của Liên hiệp quốc, các nước thuộc địa trong đó có những nước rất nhỏ, thua xa VN lần lượt trở thành các quốc gia độc lập bằng cách này cách khác. Trong trường hợp này việc điều đình với Pháp để giành độc lập hoàn toàn cho VN sẽ là trách nhiệm của chính phủ TT Kim, việc xây dựng và phát triển đất nước sẽ theo một phương thức khác, có thể như Mã lai, Thái lan.
    Về vấn đề cô PA nêu ra ở đoạn kết: nếu thế giới không tiến lên chủ nghĩa xã hội, rồi chủ nghĩa cộng sản như Mác khẳng định thì bao nhiêu năm xây dựng cnxh biến thành “công cốc”, đáng lẽ dân tộc không phải trả một giá quá đắt như vậy. Còn nếu trong tương lai xa-không biết bao giờ?- cả thế giới sẽ tiến lên cncs, thì việc chọn cnxh vào giữa thế kỷ 20 có phải là quyết định khôn ngoan? Có đáng trả cái giá như đã phải trả? Nếu 1000 năm nữa thế giới lên cncs thì VN cứ chọn con đường phát triển như Mã lai, Thái lan để dân chúng có cuộc sống tốt hơn, rồi đến năm thứ 800 bắt đầu đi cũng kịp mà.
    Tú Đoàn.

    Trả lờiXóa
  16. Bạn Nặc danh 11:20:

    Tôi buộc lòng phải xóa ý kiến của bạn, vì nó có tính xúc phạm, và có thể gây rắc rối cho chủ blog.
    -------------
    Nặc danh nói...
    .....................
    ...........................
    11:20 Ngày 03 tháng 9 năm 2013

    Trả lờiXóa
  17. Cảm ơn chị Phương Anh về bài viết rất hay, rất đáng suy ngẫm.

    Trả lờiXóa
  18. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  19. Bài của chị PA rất phi lịch sử:dùng quan niệm 2013 để hỏi nhau năm 1945 có nên dùng bạo lực giành độc lập hay không?(nó phi lí tương tự như có người bây giờ hỏi chị:chị có nên lấy chồng chị hay không?) Có bác thì cho rằng ta không đấu tranh thì rồi Pháp cũng trả độc lập cho ta...Nên nhớ:tất cả các cuộc đòi độc lập dù ôn hòa như PBChâu,PCTrinh đều bị Pháp đàn áp, bỏ tù.Còn khởi nghĩa Đề Thám,Yên bái,Duy Tân...thì chặt đầu bêu thây đày biệt xứ...Thực dân Anh cũng đàn áp Ganđi và các phong trào GPDT y như Pháp.Chỉ sau khi bị VN đánh bại ở ĐBPhủ,các phong trào GPDT ở thuộc địa lên cao thì Pháp ,Anh mới trả độc lập cho một số nước nhưng vấn bắt họ nằm trong liên hiệp Pháp,Anh...Nếu các nước thuộc địa ngoan ngoãn vâng lời thì hệ thống đó sẽ tồn tại tới hôm nay và chắc rằng chúng ta đang"bán thân đổi mấy đồng xu..." chứ không gõ bàn phím như hiện nay.Còn về ý chị PA nói thuộc địa của Anh sau đôc lập phát triển hơn thuộc địa của Pháp là đúng nhưng cũng là nhờ một sự kiện lịch sử ở Mĩ đấy:khi quốc hội Mĩ bỏ phiếu cho việc lấy ngôn ngữ nào làm ngôn ngữ chính thức thì số phiếu bỏ cho tiếng Anh đã thắng chỉ hơn 1 phiếu so với số phiếu bỏ cho tiếng Đức (nước Đức rất cay cú với sự kiện này)-vì vây Mĩ phát triển mạnh thì các nước nói tiếng Anh ăn theo thôi.Quy luật kẻ dùng sức mạnh chỉ thua kẻ mạnh hơn luôn đúng,không có ngược lại đâu.Nó đúng cho cả tình trạng VN hiện nay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bạn Phạm Huềnh. Có điều muốn hỏi bạn sức mạnh mà bạn đề cập là loại sức mạnh nào?

      Xóa
    2. Thưa bạn Phạm Huềnh.

      Xin được trích câu này: "Bài của chị PA rất phi lịch sử:dùng quan niệm 2013 để hỏi nhau năm 1945 có nên dùng bạo lực giành độc lập hay không?(nó phi lí tương tự như có người bây giờ hỏi chị:chị có nên lấy chồng chị hay không?)"

      Để được thưa vài điều. Nhìn lại lịch sử để có thể cư xử tốt hơn cho hiện tại và tương lai, là việc đúng đắn nên làm. Kể cả khi bạn dùng trường hợp (có vẻ thiếu tế nhị và lịch sự) cá nhân chị PA để đặt vấn đề. Một người đã thành hôn sau ba, bốn mươi năm vẫn có quyền tự đặt câu hỏi cho bản thân mình, ngây ấy, ta đồng ý thành vợ chồng với người bạn đời hiện hữu là đúng, hay sai.

      Đó cũng là việc bình thường trong xã hội ngày nay. Tất nhiên, khi đặt câu hỏi loại này, người ta phải cố gắng hết sức để nhin rõ bằng cặp mắt thuở ấy, những lý lẽ của hoàn cảnh thuở ấy. Không dễ, nhưng vẫn có thể "khách quan" ở một mức độ nào đó.

      Đâu đó đã xảy ra việc những cụ ông cụ bà đưa nhau ra tòa ly dị. Cá nhân tôi đó là cách hành xử nên được tôn trọng. Cách đây khoảng tuần, tôi được đọc một bài tạp bút, có nhắc tới chuyện, ngày xưa yêu bác yêu đảng, giờ tôi không yêu nữa thì tôi có quyền ly dị, nhỉ? Tưởng không nghiêm túc, hóa ra nghiêm túc vô cùng.

      Tôi không hoàn toàn tán thành với bài viết trên của chị PA, nhưng tôi không hề dám bảo rằng cách đặt vấn đề của chị PA là phi lý.

      Việt Nam chả là cái gì quá đặc biệt so với nhều hoàn cảnh tương tự trên thế giới trong việc bị sử dụng làm thuộc địa. Cho nên, cân đong đo đếm những nước kia trả giá khá nhẹ nhàng (để có được nền độc lập) so với chúng ta, chúng ta tại sao không có quyền thắc mắc, nhỉ.

      Trân trọng.

      Xóa
  20. Hoài Quảng : Anh/bác/chú...Phạm Huềnh ơi ! Vấn đề PA đặt ra và muốn đi tìm một lời giải đáp không phải là để thay đổi lịch sử - Mà là để có một ứng xử thích hợp cho vận nước trong hiện tại và tương lai ( và trong tôi sao vẫn nghe lời của PA vang lên thống thiết về một "mệnh nước nổi trôi" ). Bởi vậy, nhìn lại lịch sử - theo cách đó - không bao giờ là phi lý cả.

    Trả lờiXóa
  21. Xin chào quý vị, Được một người bạn giới thiệu blog này, tôi đã vào đọc 1 số bài và rất thích cách đặt vấn đề của chị Phương Anh. Tư Do và Dân Chủ là hai từ mà diễn đàn chính trị nào cũng trực tiếp hay gián tiếp xoay quanh. Vì thế, hôm nay tôi xin đóng góp 1 chương nói về Tự Do ở bản dịch Việt ngữ Kẻ Tiên Tri trước 1975 của Hồng Hà từ tác phẩm viết bằng Anh ngữ The Prophet của họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ, triết gia Kahlil Gibran (http://en.wikipedia.org/wiki/Khalil_Gibran), best-seller ngay sau khi xuất bản ở thập niên 1930s và sau đó ở Mỹ thập niên 1960s. Tôi rất tâm đắc tác phẩm này vì nội dung phản ánh chân lý cuộc sống.
    -----------------

    Về Tự Do

    Và một diễn giả lên tiếng: Xin hãy nói với chúng tôi về Tự Do.

    Và người đáp:

    Ở cổng thành và bên lò sưởi ta thấy các người quỳ gối và thờ phụng tự do của chính mình,

    Như thể những nô lệ tự hạ mình trước bạo chúa và ca ngợi hắn, dù hắn giết họ.

    Phải, trong rừng, tại đền thờ và trong bóng cung thành, ta đã từng thấy những kẻ tự do nhất trong bọn các người đeo tự do mình như một cái ách và một cái còng.

    Và tim ta ngầm rỉ máu trong ta; vì các người chỉ có thể tự do khi ngay cả
    nỗi khát khao tìm kiếm tự do cũng trở thành yên cương đối với các người,
    và khi các người ngừng nói tới tự do như một mục tiêu và như một viên
    thành.

    Các người sẽ thực sự tự do khi ngày không còn là một nỗi âu lo, cũng như đêm không còn thiếu thốn và phiền muộn,

    Nhưng tốt hơn khi những điều ấy trói đời mình, các người vẫn vươn lên cao hơn chúng, trần truồng và không buộc ràng.

    Làm sao các người vươn lên khỏi ngày và đêm mình trừ khi đập vỡ xiếng xích mà chính trong buổi bình minh của hiểu biết các người đã quấn chặt quanh giờ ngọ của mình?

    Thật ra cái các người gọi là tự do chính là giây chắc nhất trong những xiềng xích ấy, dẫu những khoen của nó lấp lánh dưới ánh nắng và làm lóa mắt các người.
    Và đó chẳng phải những mảnh vỡ của chính bản thân các người phải liệng đi hầu trở nên tự do ư?

    Nếu đó là một luật bất công phải hủy bỏ. luật ấy do chính bàn tay các người đã tự ghi lên vầng trán.

    Các người chẳng thể tấy xóa luật ấy bằng cách đốt sách luật của các người hay rửa sạch trán những phán quan mình, dầu các người có đổ cả đại dương lên họ.

    Nếu đó là một bạo chúa phải truất phế, trước hết hãy phá hủy ngai vàng của hắn dựng trong các người.

    Vì làm sao một kẻ bạo chúa có thể cai trị người tự do, người kiêu hãnh, nếu chẳng phải vì bạo quyền trong chính tự do và ô nhục trong chính lòng kiêu hãnh của họ?

    Và nếu đó là mối âu lo phải bỏ đi, âu lo đó do các người đã tự chọn cho mình hơn do ai cưỡng đặt lên cho,

    Và nếu đó là mối sợ hãi phải đánh tan, chỗ ngự trị của sợ hãi đó ở trong lòng các ngươi chứ chẳng phải trong tay kẻ sợ.

    Quả thật, mọi sự di động trong con người các ngươi với vòng ôm vĩnh viễn nửa vời, điều khát khao và kinh sợ, điều ghê tởm và trìu mến, điều các người theo đuổi và điều các ngươi muốn đào thoát.

    Những điều này di động trong các người như ánh sáng và bóng tối đi thành từng đôi quấn quít.

    Và khi bóng tối nhạt nhòa rồi tan biến, ánh sáng còn lại sẽ trở thành bóng tối cho một ánh sáng khác.

    Cũng vậy, tự do các ngươi khi tuột khỏi những chiếc còng, sẽ trở thành còng xích của một tự do lớn lao hơn.
    -----------------------

    Tôi thích nhất là đoạn:

    Nếu đó là một bạo chúa phải truất phế, trước hết hãy phá hủy ngai vàng của hắn dựng trong các người.

    Vì làm sao một kẻ bạo chúa có thể cai trị người tự do, người kiêu hãnh, nếu chẳng phải vì bạo quyền trong chính tự do và ô nhục trong chính lòng kiêu hãnh của họ?

    Trả lờiXóa
  22. Ấu trĩ hết sức! Lúc đó VN là cái đinh gì mà đòi ngồi đàm phán tay đôi với thực dân? Mà cho dù có đi nữa thì ở vị thế nào? Chắc sẽ "chia để trị" thành 3 quốc gia "3 kỳ" Bắc Trung Nam ko biết chừng giống như Ấn độ thuộc Anh bị Ấn độ và Pakistan thôi!
    Thất ra bọn thực dân cũng đã được chúng ta chìa cành Ôliu ra đấy thôi,nhưng bọn chúng đâu thèm? chúng toan tính nhiều thứ. Ngay cả với Mỹ thì mới đây chẳng phải có bức thư chủ tịch HCM gửi cho ông Truman đó sao?
    Bộ tưởng người ta ko biết sinh mạng là quý giá à? sao ko nói vì mất độc lập mà xảy ra nạn đói năm Ất Dậu làm cả triệu người chết đi? Vậy đó có phải là cái giá cho mất độc lập ko? Ko đọc " Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" à? nếu đọc sao không biết có câu " chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới"??
    Để tôi nói cho biết nhé: Cách mạng tháng 8 - 1945 dẫn đến độc lập 2/9 hầu như rất ít đổ máu nhé, sao gọi là cái giá đắt được??
    Tóm lại là đừng nên nói cái giá cho độc lập là dễ hay đắt. Thời thế mỗi lúc 1 khác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin chép lại phần kết luận bài viết của chị PA:

      "Sẽ không có câu trả lời, vì việc gì đã xảy ra rồi thì không thể thay đổi được nữa. Nhưng người ta học Sử là để biết hành xử cho đúng trong tương lai. Vậy thì, liệu VN hiện nay có đang đứng trước những lựa chọn quan trọng hay không, và chúng ta có nên một khi đã chọn một con đường nào đó thì phải luôn kiên định và theo đuổi bằng mọi giá hay không, câu trả lời xin để dành cho những người có thẩm quyền quyết định."

      Bạn Nặc danh 19:14 đã đọc kỹ chưa, có ý kiến gì về những câu hỏi được nêu ra ở phần cuối này?

      Xóa
    2. Đọc kỹ rồi! Ý kiến thế này: nếu đã lựa chọn 1 con đường mà không kiên định là không có lý tưởng. Còn gió chiều nào theo chiều nấy là kẻ a dua.
      Dĩ nhiên khi thực hiện phải cân nhắc được - mất. Tuy nhiên không phải ai cũng là nhà "kinh tế chính trị" để tính ra "chi phí cơ hội" trong các trường hợp làm hay không làm này. Chính trị khác kinh tế!

      Xóa
    3. Bạn Nặc danh 16:40:

      Tôi có thắc mắc: bạn nói "lý tưởng" ở đây là lý tưởng gì, và nhằm phục vụ ai?





      Xóa
    4. @ Bạn Nặc danh 16:49
      Ở đây chỉ bàn đến trong nội dung đoạn trích của bạn @ Nặc danh 09:41 dẫn lại của chủ thớt!
      p/s: tôi hiểu ý của bạn và tôi chắc bạn cũng rõ câu trả lời rồi khi đặt câu hỏi như vậy! vậy nhé!

      Xóa
  23. Nặc danh 19:14 nói:

    "Cách mạng tháng 8 - 1945 dẫn đến độc lập 2/9 hầu như rất ít đổ máu nhé, sao gọi là cái giá đắt được?"

    Xin chép lại một nhận xét của Nặc danh 11:08 Ngày 03 tháng 9 năm 2013 (comment 12 từ trên đếm xuống):

    "Trước khi Mặt trận Việt Minh cướp chính quyền thì Nhật đã trao trả độc lập cho vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim rồi."

    Câu hỏi của tôi:

    1. Bạn nghĩ gì về nhận xét trên? Gần đây người ta cho rằng có thể đưa ra được nhiều chứng cứ về việc Nhật đã trả độc lập lại cho VN rồi, vào tháng 3/1945, chứ không cần HCM "giành độc lập"!

    2. Cứ cho là CM đã dành chính quyền từ tay Pháp (hoặc cũng có thể là từ chính phủ TTK chăng?), nhưng giành CQ rồi thì thực hiện cải cách ruộng đất theo kiểu Mao để làm gì? Cái đó có phải là một cái giá phải trả cho việc nhận hỗ trợ của Mao để dành chính quyền hay không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1) Nếu Nhật đã trao trả độc lập cho chính quyền Bảo Đại tại sao ko rút quân? có quân chiếm đóng mà gọi là độc lập à? sao không công bố cho toàn thế giới biết? Về danh nghĩa Nhật không phải là nước đô hộ mà là Pháp ( các hòa ước Tân Sửu, Pa trơ nốt,.v.v..là triều đình Huế ký với Pháp) thì Nhật có quyền gì trao trả độc lập?
      Thậm chí lúc thoái vị, vua Bảo Đại còn nói với các ông Trần Huy Liệu, Cù Huy Cân 1 câu nổi tiếng: " trẫm thà làm dân 1 nước độc lập còn hơn làm viua 1 nước nô lệ". Nếu "độc lập' rồi thì Bảo Đại nói câu trên làm gì? Có độc lập hay không, ông Bảo Đại là người hiểu rõ nhất!
      2) Phải phân biệt giữa "giành chính quyền" và " điều hành chính quyền". Đó là cái giá của "điều hành đất nước" chứ không phải là "giành độc lập cho đất nước".
      Thời 1945, Mao còn ở Diên An, lo chống Tưởng còn chưa xong, hơi đâu hỗ trợ đàn em? xem lại lịch sử đi nhá!

      Xóa
    2. Bác ND.14:53 hiểu lầm ý kiến của bác ND.19:59
      vì bác này nói "cải cách ruộng đất" là sự kiện
      xảy ra còn xa hơn nữa nhưng kể từ Mao chiếm
      chính quyền 1949 thì mới bắt đầu yểm trợ cho
      CsVN.không những vũ khí mà còn quân trang quân
      dụng,từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
      rồi lao vào chống Mỹ cứu Cộng đến năm 1975.

      Xóa
    3. Thế thì có quan hệ gì với " cái giá phải trả cho viện nhận hỗ trợ của Mao để giành chính quyền"? Mao chỉ hỗ trợ cho VN sau chiến dịch biên giới 1950 nhé! Còn lúc giành chính quyền vào năm 1945, Mao còn ở Diên An, "hỗ trợ giành chính quyền" là hỗ trợ gì?
      Sao lại lẫn lộn, lập lờ mốc lịch sử thế?
      Còn mấy chuyện về sau, ai cũng biết, khỏi nói!

      Xóa
    4. Nặc danh 16:20

      Bác nói "Còn mấy chuyện về sau, ai cũng biết" là mấy chuyện gì bác nhỉ? Bác có thể nói rõ ra không, chứ nếu không nói có khi chính bác lại bị chê là "lẫn lộn, lập lờ" đấy ạ!

      Xóa
    5. Thì là sau ngày 01/10/1949, Việt Nam Dân chủ cộng hòa công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa!và sau đó là việc CHND Trung Hoa viện trợ cho VN DCCH gì gì đấy!

      Xóa
  24. Bạn nặc danh 7h 59 có dẫn một bản dịch VỀ TỰ DO của Kahlil Gibran rất hay - nhưng có mấy câu dịch có vẻ kỳ kỳ khó hiểu, thí dụ như câu :

    " Quả thật, mọi sự di động trong con người các ngươi với vòng ôm vĩnh viễn nửa vời, điều khát khao và kinh sợ, điều ghê tởm và trìu mến, điều các người theo đuổi và điều các ngươi muốn đào thoát "

    "Vòng ôm vĩnh viễn nửa vời "là cái gì ? Theo đường link bạn ấy dẫn, tìm mãi tôi mới thấy nguyên tác tiếng Anh của câu ấy như vầy :

    " Verily all things move within your being in constant half embrace, the desired and the dreaded, the repugnant and the cherished, the pursued and that which you would escape ".

    Ah thì ra là đây : " constant half embrace ". Nhưng tôi cũng chả biết dịch là gì ? Hình như triết học thì phải.Ai biết chỉ dùm với !




    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nặc danh 22:11 thân mến: Bạn nói đúng, câu dịch của Hồng Hà + câu nguyên tác Anh ngữ: " Quả thật, mọi sự di động trong con người các ngươi với vòng ôm vĩnh viễn nửa vời, điều khát khao và kinh sợ, điều ghê tởm và trìu mến, điều các người theo đuổi và điều các ngươi muốn đào thoát "

      " Verily all things move within your being in constant half embrace, the desired and the dreaded, the repugnant and the cherished, the pursued and that which you would escape ".

      có cụm từ " constant half embrace " mà HH dịch là "vòng ôm vĩnh viễn nửa vời" tôi cũng thấy là kỳ kỳ, tối nghĩa...Nhưng đọc tiếp nội dung thì theo tôi, Kahlil Gibran muốn nói đến tính tương đối và quy luật của cuộc sống mà trong kinh Dịch của triết học Đông phương diễn giải như sau: http://vi.wikiquote.org/wiki/Kinh_D%E1%BB%8Bch

      Nguyên tác The Prophet by Kahlil Gibran đọc ở đây: http://www-personal.umich.edu/~jrcole/gibran/prophet/prophet.htm

      Bạn nào có ý kiến gì khác cho phép tôi được học hỏi nhé.

      Xóa
  25. Bạn Nặc danh 19:14 nói rất đúng. Cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật chứ ko phải từ thực dân Pháp, và ko phải là bằng mọi giá để có ngày 2/9, bởi hy sinh là rất ít.

    Nhưng chị PA nên đọc thêm các tài liệu, vì sau khi tuyên bố độc lập, cụ Hồ có thiện chí tham gia vào khối Liên hiệp Pháp, nhưng chính người Pháp khước từ thiện chí đó và quyết tâm quay lại tái chiếm. Với bối cảnh dân tộc lúc đó, trải qua 1 nạn đói làm chết 2 triệu người, ăn còn phải nghĩ chả lẽ phát động hội nghị toàn dân là đánh hay hàng sao ???

    Và nữa, bối cảnh lịch sử lúc đó không thể nói chủ nghĩa CS được, bởi người ta đi làm cách mạng là vì quá đói, quá bị áp bức, bóc lột thì người ta hy vọng Việt Minh sẽ làm được cái điều sửa đổi những áp bức đó, chứ rao giảng gì về chủ nghĩa CS, mà có đi nữa thì tôi dám chắc những người đi theo cách mạng đó sẽ không hiểu.

    Cái bối cảnh lịch sử tàu Tưởng thì nhăm nhe, Pháp khước từ đề nghị tham gia Liên hiệp và lộ rõ ý đồ quay lại, Cộng sản quốc tế thì nghi ngờ động cơ của HCM, cho rằng cụ Hồ ko phải là CS đích thực và từ chối sự giúp đỡ nếu không nêu ngọn cờ CS lên, thì phải làm sao ??? Cụ Hồ cũng muốn tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế chứ, nhưng ai giúp ??? Mỹ cũng nghi ngờ VN sẽ là nước CS nên Truman có trả lời thư cụ Hồ đâu, Liên Xô thì tỏ rõ không coi trọng cụ và nói trắng ra cụ là người theo dân tộc chủ nghĩa (mà cái này tôi e là đúng), vậy thì Pháp quay lại, đánh hay hàng ??? Nên tựa bài về cái giá phải trả cho độc lập tôi e là không thỏa đáng chị ạ.

    Chế độ này còn nhiều sự bất cập và nói thẳng ra thì sẽ ảnh hưởng đến chủ blog. Nhưng với hoàn cảnh lịch sử và địa chính trị của đất nước, tôi nghĩ chuyện phải kháng Pháp sau ngày độc lập của cụ Hồ là sự tất yếu. Còn để đất nước thụt lùi sau gần 40 năm thống nhất (tôi không thích từ giải phóng), thì cái lỗi duy nhất là của người lãnh đạo, hay nói chính xác là tư duy lãnh đạo của thể chế độc trị.

    Tại sao những năm 60 đến 70 thế kỷ trước, Singapore nhìn sang Sài Gòn còn phải mơ ước, và Hong Kong còn chưa sánh bằng, mà giờ đây thì sao ???

    Vài lời chia sẻ với chị, thân ái.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là cái giá phải trả trong việc giành chính quyền năm 1945 không đáng kể. Cái giá “quá cao” mà dân tộc phải trả - như nhiều người nhận định- là do việc “gắn độc lập với chủ nghĩa cộng sản”.Bạn Nặc danh 03:07 khuyên cô PA đọc thêm tài liệu để thấy là "cụ Hồ đã cố gắng tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế". Vậy xin dẫn thêm tài liệu chính thức có trong sách giáo khoa mà học sinh được học để làm rõ vấn đề:
      "Năm 1920, Người đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, quyết định chọn con đường cứu nước là con đường cách mạng vô sản. Cuối tháng 12 năm 1920, Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và bỏ phiếu tán thành Quốc tế III do Lênin lãnh đạo. Như vậy, chính Cách mạng Tháng Mười và tư tưởng của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa là yếu tố cơ bản và trực tiếp quyết định Bác Hồ lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, mở ra triển vọng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người ở Việt Nam.
      Mùa xuân năm 1930, Bác Hồ chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và xác định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin “làm cốt” cho hoạt động của Đảng. Rồi mùa xuân năm 1941, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng tại Pác Bó (Cao Bằng). Tại đây, Bác làm hai bài thơ tiếng Việt đầu tiên khi về nước, trong đó có bài Pác Bó hùng vĩ: Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lênin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà. Vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, Bác đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, tự chủ, sáng tạo, đặt cách mạng giải phóng dân tộc lên hàng đầu, lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa"
      Tú Đoàn.

      Xóa
  26. Thực sự thì người Việt Nam chấp nhận hi sinh kể cả tính mạng của mình để có thể đổi lấy tự do, độc lập cho dân tộc. Ta không thể sống sung sướng trong khi đồng bào ta đang phải chịu gian khổ, phải chịu sự áp bức bóc lột của bọn đế quốc được. Vì vậy phải đấu tranh chống lại bọn chúng thôi. Bài viết này có ý phủ nhận sự hi sinh của ông cha ta ngày xưa là vô nghĩa thì phải

    Trả lờiXóa
  27. Sự thực lịch sử là những người cộng sản cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít tinh trước Nhà hát lớn ngày 19 tháng 8 là do Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức để ra mắt quốc dân, sau khi Nhật trao trả độc lập cho Bảo Đại. Những người cộng sản đã bố trí lực lượng, cướp diễn đàn, rồi chuyển cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình, dựa vào uy thế quần chúng, kéo nhau đến chiếm các trụ sở của chính quyền thành phố.( cuộc cướp chính quyền đúng là không tốn một giọt máu). Đặt vấn đề là những người cộng sản cướp chính quyền từ tay Pháp hay tay Nhật là vô nghĩa vì dù từ tay ai thì họ vẫn đi theo con đường cách mạng chuyên chính vô sản. Họ muốn một mình một chiếu. Những gì xảy ra trong những năm tháng trước và sau tháng 8/1945, những cuộc thanh toán, tranh giành ảnh hưởng giữa những người cộng sản và các đảng phái chính trị khác là minh chứng hùng hồn.

    Tôi tán thành cách đặt vấn đề của chị Phương Anh: "việc gì đã xảy ra rồi thì không thể thay đổi được nữa. Nhưng người ta học Sử là để biết hành xử cho đúng trong tương lai. Vậy thì, liệu VN hiện nay có đang đứng trước những lựa chọn quan trọng hay không, và chúng ta có nên một khi đã chọn một con đường nào đó thì phải luôn kiên định và theo đuổi bằng mọi giá hay không, câu trả lời xin để dành cho những người có thẩm quyền quyết định."

    Trả lờiXóa
  28. Tôi cho rằng nguyên nhân khiến dân tộc Việt Nam tới thế kỷ 21 vẫn mãi trầm luân là đây:

    http://phungmai871.blogspot.com/2007/06/hy-vt-b-khi-nng-ca-tnh-c-v-s-xu.html

    Chứ chẳng phải do chủ nghĩa CS đâu!

    Trả lờiXóa
  29. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa