Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Bác sĩ-nhà văn (2)

Sách của những bác sĩ - nhà văn
Pháp luật TPHCM - 27/02/2008
http://tintuc.xalo.vn/02-1497326199/sach_cua_nhung_bac_si_nha_van.html

Khi bước ra khỏi cương vị của một bác sĩ, các tác giả đều chỉ là một người kể chuyện, cùng chia sẻ những trăn trở về cuộc sống và nghề nghiệp. Họ đã viết và đã sống ở những chiều khác nhau - trong chữ nghĩa, trong suy tư và trong ký ức.



Những xúc cảm văn chương sau lời thề Hippocrates.
Đi suốt hành trình tìm lại sự bình yên cho con người, các bác sĩ đã góp nhặt được những câu chuyện từ cuộc sống, để rồi những nụ cười và cả nước mắt cứ thế chảy tràn qua từng trang viết. Những trang sách được viết từ bệnh viện là những trăn trở, sẻ chia và lòng yêu thương chân thành mà người viết đã dành tặng cho đời.

Viết để tìm sự chia sẻ

Có những câu chuyện được các bác sĩ kể từ bệnh viện. Lối kể mộc mạc chân thành, tự nhiên như chính dòng chảy cuộc sống của các tác giả bác sĩ đã để lại cảm xúc dai dẳng trong lòng người đọc.

Tự truyện Gọi bình yên quay về (NXB Trẻ ấn hành) của bác sĩ Lê Quốc Nam là những câu chuyện kể về bệnh nhân tâm thần bằng một góc nhìn đầy nhân văn và bao dung, chia sẻ. Ông không chỉ chữa lành cho những bệnh nhân tâm thần bằng thuốc mà còn đến với họ bằng tất cả tình thương và lòng tận tuỵ. Đó cũng chính là lời khuyên dành cho mỗi người, không nên xa lánh và miệt thị những người bị bệnh tâm thần. Bởi sự cô độc triền miên và không được chia sẻ ấy là một trong những nguyên nhân khiến người ta phát sinh trầm cảm và bệnh tâm thần.

Trong khi đó, ở tập ký sự Viết từ bệnh viện của PGS-TS- bác sĩ Nguyễn Hoài Nam lại là những câu chuyện trong phòng cấp cứu, khoa tim mạch. Mỗi câu chuyện là một cuộc đời, mỗi trang viết là một sự sẻ chia. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam còn đưa người đọc bước vào không khí trang nghiêm thành kính của lễ Macchabée-lễ tri ân những người đã hiến xác cho y học. Khi một trái tim ngừng đập nhưng lại có thể cứu sống một trái tim khác, một đôi mắt đã nhắm lại nhưng mở ra nguồn sáng khác cho đời... thì mỗi con người, cho dù là từ giã cõi đời này, đều tồn tại vĩnh hằng. “Xin cho em nằm cạnh cửa sổ để mỗi buổi sáng em được tắm mình trong ánh nắng mặt trời, để mỗi buổi chiều em được ngắm hoàng hôn và nhìn khói lam chiều trên mỗi nóc nhà”- người ra đi không có nỗi sợ hãi, chỉ có mong ước cuối cùng đẹp rạng ngời như sự hy sinh.

Khi bước ra khỏi cương vị của một bác sĩ, các tác giả đều chỉ là một người kể chuyện, cùng chia sẻ những trăn trở về cuộc sống và nghề nghiệp. “Người bác sĩ có thể chữa khỏi bệnh cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người. Họ cũng từng viết rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thành công. Nhưng họ lại không thể chữa khỏi bệnh cho những người thân yêu hoặc bệnh của chính họ”. Bác sĩ Lê Quốc Nam đã từng quặn lòng khi chứng kiến sự ra đi của người mẹ bị mắc bệnh mà mình không thể chữa trị được, chứng kiến hình ảnh đồng nghiệp-cũng là một bác sĩ chuyên khoa tâm thần - phải “vật lộn từng phút, từng giờ với căn bệnh quái ác này trong khu nội trú của bệnh viện”.

Những trang văn đau đáu cội nguồn

Là một người con sống xa đất nước, nhưng GS-TS-bác sĩ Bùi Minh Đức vẫn luôn đau đáu nỗi thương nhớ về quê hương xứ Huế. Ông đã chọn một lối về rất riêng, khởi đầu bằng những con chữ. Hơn 10 năm ròng rã nghiên cứu để thực hiện quyển sách Dấu ấn văn hoá Huế là cả một cuộc hành trình thương nhớ Huế âm thầm và nhọc nhằn của GS-TS Bùi Minh Đức (bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, hiện là hội viên Hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ).

Nhà văn Trần Hữu Lục đã ví “Bùi Minh Đức như một con ong miệt mài hút mật cho đời” khi vị bác sĩ đã 60 tuổi này cứ đi đi về về với đất nước để “săn tìm, nhặt nhạnh, phát hiện và phủi sạch bụi bặm những con chữ, chắt chiu từng tiếng Huế cổ, câu hò...” mang vào bộ từ điển tiếng Huế (dày 2.000 trang) và tập sách Dấu ấn văn hoá Huế.

Đọc sách của bác sĩ Bùi Minh Đức, ngay cả khi chưa từng đặt chân đến kinh đô Huế, người đọc vẫn như thấy Huế rất thân thương và gần gũi. Lối viết dí dỏm mà sâu sắc, nặng tình với Huế của ông lôi cuốn qua từng trang chữ. Từng trang viết như những dòng chảy nhỏ, như đưa chân người lãng du qua một vùng đất thâm trầm và thân thương của dải đất miền Trung. bác sĩ Bùi Minh Đức đã mang đến cho người đọc những trang văn sâu sắc, lắng đọng đau đáu cội nguồn.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam chia sẻ: “Viết, có nghĩa là đang sống”. Có lẽ chính vì vậy những vị bác sĩ như Nguyễn Hoài Nam, Phan Cao Toại, Lê Quốc Nam, Bùi Minh Đức... đã viết và đã sống ở những chiều khác nhau - trong chữ nghĩa, trong suy tư và trong ký ức. Những bác sĩ-nhà văn ấy không chỉ sống trọn vẹn với lời thề Hippocrates mà còn sống trọn với niềm đam mê trong khoảng trời của những xúc cảm riêng mình.


Những trang sách dở dang

Bác sĩ Phan Cao Toại (quê Khánh Hoà, Nha Trang) cũng là một nhà văn, nhà biên kịch. Ông là tác giả của nhiều kịch bản phim truyền hình: Hàn Mặc Tử, Bến sông trăng, Tìm chồng, Vàng ri... và hàng loạt truyện ngắn khác. Có một nhân vật mà dường như chưa bao giờ ra khỏi tâm trí bác sĩ Phan Cao Toại trong suốt hành trình cầm bút, đó chính là thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ông cứ đi kiếm tìm những tư liệu về thi sĩ họ Hàn để khắc hoạ nhân vật trong từng trang viết.

Ông đã cho ra đời tập thơ truyện Quy Hoà và Hàn Mặc Tử (do NXB Văn nghệ ấn hành). Sau đó là kịch bản phim Hàn Mặc Tử, rồi đến 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử (đã được công diễn trên Sân khấu Nhà hát kịch Tuổi trẻ, Hà Nội). Những hình ảnh day dứt, giằng xé đau đớn và xót xa của nhân vật trong vở kịch cũng chính là những hình ảnh mà tác giả đã chứng kiến trong đời thực từ những ngày công tác tại trại phong Quy Hoà (Nha Trang).

Viết cho đến hơi thở cuối cùng bác sĩ-nhà văn-nhà biên kịch Phan Cao Toại đã về với cõi vĩnh hằng bỏ lại những trang sách viết dở dang với bao ngổn ngang những câu chuyện đời chưa kịp biến thành con chữ.

2 nhận xét:

  1. Có những bác sĩ có trăn trở thật sự và chính họ viết nên những cuốn sách bằng xúc cảm của mình. Còn cuốn gọi bình yên quay về của bác sĩ Lê Quốc Nam không phải do chính bác sĩ này viết mà do nhà báo Vương Liễu Hằng viết nên được phóng đại rất nhiều và có nhiều chi tiết sai sự thật. Chính bản thân bác sĩ này và gia đình của bác sĩ này cũng hành xử không như những người bình thường mà rất thiếu văn hóa và lỗ mảng. Bác sĩ Nam cũng không có kiến thức gì về tâm lý, kể cả tâm lý giao tiếp tối thiểu mà chỉ là kê toa và bán thuốc tâm thần cho tất cả những người bệnh. Chỉ tội nghiệp cho bệnh nhân thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Sau khi đọc xong cuốn sách gọi bình yên quay về tôi có tìm đến chữa bệnh ở chỗ bác sĩ Lê Quốc Nam nhưng bệnh của tôi sau 2 năm điều trị không khỏi mà vẫn duy trì như lúc đầu. Thật ra bác sĩ này không có kỹ năng của một bác sĩ tâm lý mà chỉ điều trị bệnh tâm thần. Khi tôi stress và trầm cảm thì bác sĩ khuyên rằng "ai cũng có những khó khăn của mình". Vậy mà làm bác sĩ làm gì. Điều này ai chẳng biết. Cơ bản là một bác sĩ tâm lý thì phải biết cách làm cho bệnh nhân thoát ra khỏi tình trạng trầm cảm chứ không phải so sánh kiểu như "chính tôi là bác sĩ mà còn đôi lúc bị trầm cảm huống chi chị". Bó tay luôn.

    Trả lờiXóa