Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Tại sao VN có nhiều nhà văn-bác sĩ - hay: nhà văn cần tố chất gì?

Entry này nhằm làm rõ hơn một ý tưởng mơ hồ mà mình đã có từ lâu, và được "kích thích" sau khi có cơ hội trao đổi với một vị thuộc đúng category mà mình muốn nghiên cứu trong cái tựa của entry này, đó là "bác sĩ-nhà văn".

Lý do của việc muốn làm cái đề tài lạ lùng này phải nói như sau: từ bé, mình đã có nhiều ước mơ về nghề nghiệp. Lúc thì muốn làm nhà văn (ngay từ đầu, vậy đây là my innate tendency), khi thì muốn làm nhà báo, rồi có khi muốn làm luật sư, nhà giáo, và cũng có lúc muốn làm ngành y, mặc dù rất sợ bệnh tật, chết chóc (đến giờ đi đường thấy cạnh đung xe chết người thì mình vẫn rùng mình không kềm được, và mau mau chuồn mất, không bao giờ dám nhìn thêm một giây nào nữa!)

Đến bây giờ thì có thể xác định là mình đã không làm nhà văn, vốn là mơ ước đầu tiên và có lẽ vẫn là mơ ước cuối cùng của mình (già, nghỉ hưu rồi chắc sẽ viết văn thôi!) Nhưng không là tác gia nhưng vẫn đọc và theo dõi tình hình văn học trong ngoài nước rất nhiều, và qua quan sát của cá nhân mình, một hiện tượng khá rõ đã nổi lên: ở VN hình như có khá nhiều nhà văn vốn là bác sĩ, hay nói cách khác, có khá nhiều bác sĩ kiêm nhà văn ở VN.

Hiện tượng bác sĩ viết văn (thường viết quanh những vấn đề bệnh tật, chết chóc, mổ xẻ, tâm lý bệnh nhân, cuộc đời của thầy thuốc và những người hoạt động trong ngành y) tất nhiên không chỉ có ở VN. Ở Anh, ít nhất có vài văn sĩ nổi tiếng vốn là bác sĩ rồi bỏ nghề, thành văn sĩ luôn (phải tìm lại tên những vị này, mình đã đọc rồi mà lại). Ở Mỹ, có một tác phẩm mình đã đọc và thấy rất cảm động, hình như đã dịch ra tiếng Việt vào thập niên 1980, tựa tiếng Anh là The Last Diagnosis, tiếng Việt hình như là Cuộc phán xử cuối cùng????, tác giả cũng là một bác sĩ. Tóm lại, cần phải khẳng định lại hiện tượng bác sĩ-nhà văn không phải là không có ở nơi nào khác ngoài VN.

Nhưng dường như (chỉ dường như thôi) ở VN thì hiện tượng này lại có vẻ nhiều hơn các nơi khác. Tất nhiên không phải bác sĩ nào ở VN cũng viết văn - tỷ lệ các bác có viết ra thành sách thì ít thôi. Nhưng văn hay chữ tốt (well, chữ thì không tốt, sorry, nhưng văn thì có hay, chắc vợ không đẹp vì chỉ có vợ người mới đẹp thôi, văn mình thì hay đã hẳn rồi ;-)) thì nhiều lắm. Và thực sự những người có tác phẩm đều là những tác phẩm tốt, cho dù họ không viết văn chuyên nghiệp.

Trong khi đó, ở trong lãnh vực viết văn chuyên nghiệp thì lại khác. VN có trường viết văn Nguyễn Du (giờ đã đổi thành ĐH gì đó thì phải) ở HN. Có các trại sáng tác do Hội Nhà văn tổ chức. Có nguyên một Hội Nhà văn VN nghe chừng cũng to lớn, hoành tráng, bự xự lắm. Rất được nhà nước quan tâm, rất có uy. Nhưng không hiểu sao sau này càng ngày càng kém, không viết ra được bao nhiêu tác phẩm có giá trị. Có thể họ giỏi về kỹ thuật, câu chữ viết khá sắc sảo. Nhưng ... rỗng. Dường như có cái gì đó không thật trong những trang viết của họ. Không có nỗi đau nhân tình. Không hồn. Không tim. Giả. Nói theo kiểu Nhân văn Giai phẩm, thì những tác phẩm của họ giống những cô gái mà một nhà thơ nào đó (quên tên rồi) đã phải kêu lên:

Hỡi tất cả các cô bạn gái
Tôi đã biết hay là tôi chưa quen
Tôi chẳng bị cái gì làm lạc hướng
Chọn áo hồng, phụ áo vá vai
Cũng chẳng theo lối luận bàn sống sượng
Khen chê tóc ngắn tóc dài

...

Trong các bạn có chăng người yêu dấu
Mà bấy lâu tôi đã gắng công tìm
Em trọn đời tôi kiếm gặp
Chỉ là người biết ghét, biết yêu
!


(chép theo trí nhớ, đại khái thế. Hàm ý của bài thơ là hình như xã hội VN ở miền Bắc thời ấy - cuối 1950? hình như người ta yêu ghét theo mệnh lệnh của ai đó, cái gì đó chứ không phải theo mệnh lệnh của trái tim - well, như các nhà văn thường nói thế!)

Vậy thì tại sao, tại sao ở VN lại có cái nghịch lý kỳ dị thế? (well, this is NOT the only one). Tại sao người viết văn chuyên nghiệp lại viết văn vô hồn, còn người được đào tạo, và chọn sống bằng một nghề khác (cụ thể là nghề bác sĩ), lại "nhào vô" viết văn và thành công? Trả lời được câu hỏi này trước hết là thỏa mãn sự tò mò mà mình vẫn còn giữ được (ý muốn nói: tâm hồn vẫn còn trẻ dù nhìn bên ngoài thì ... hỡi ôi), nhưng có lẽ cũng có những tác dụng khác nữa, có thể đóng góp cho xã hội VN ngày nay:

1. có thể giúp người ta hiểu, để làm một nhà văn thì không chỉ cần biết viết lách cho hay ho, mà còn cần nhiều cái khác, sẽ được chỉ ra khi tìm hiểu các bác sĩ-nhà văn thành công ở VN?
2. cũng có thể giúp người ta hiểu, vai trò và sự mong đợi của xã hội vào các trí thức VN, cụ thể là bác sĩ vốn là một trong những - hay duy nhất? - được VN trọng vọng vào bậc nhất, trong xã hội VN hiện nay, và cả thời cận đại nữa?


Đại khái là như thế. Nói là một đề tài khoa học, ví dụ là đề tài luận văn thạc sĩ, tiến sĩ có lẽ người ta cười. Nhưng thật ra muốn trả lời được câu hỏi này thì cần có một nghiên cứu thực, nghiêm túc và chuyên nghiệp. Sẽ cần có sự góp ý của nhiều người. Và ai thì cũng bận rộn túi bụi. Nhưng đã là việc cần làm, và đáng làm, thì cứ sắn tay lên mà làm. Cứ đi bước đầu tiên, rồi sẽ đến bước cuối cùng thôi!

Mọi người ơi, các bạn bè, các sinh viên, các đồng nghiệp của tôi ơi, nếu đọc và thấy việc này đáng làm, thì cho tôi comments để tôi đi tiếp nhé. Sẽ không quên acknowledge công sức của quý vị đâu, intellectual integrity là điều mà XH VN đang cần có để tiến lên mà!

1 nhận xét:

  1. Làm nghiên cứu này thì không phức tạp như nghiên cứu y khoa. Nên nếu có nghiên cứu sinh nào muốn làm thì bắt tay vào làm thôi.

    Chuyện BS thành nhà văn là chuyện rất bình thường. Vấn đề là có muốn viết hay không? Nhưng ai muốn viết cũng phải có một óc quan sát khoa học và cảm được nỗi đau nhân tình.

    Trả lờiXóa