Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Các từ có đuôi -philia, và việc dạy ngôn ngữ trong nhà trường hiện nay

Mấy ngày nay trên báo chí Việt đang xôn xao vụ người đàn ông "ôm xác vợ" - nói chính xác là ôm tượng thạch cao có chứa cốt của vợ ông do chính tay ông đặt vào, theo lời khai của chính ông.

Nhân vụ này, các nhà chuyên môn của ngành Y có dịp bàn luận về hội chứng này, sử dụng các thuật ngữ khoa học bằng tiếng Anh, trong đó theo ghi nhận của mình thì người đầu tiên "khởi động" vụ này là BS Nguyễn Văn Tuấn (thật ra đây là BS hay TS thì tôi cũng không rõ, vì trong tiếng Anh 2 từ này đều là "doctor", nhưng một cái là medical doctor, còn cái kia là học vị cao nhất của mọi ngành học, chủ yếu mang tính nghiên cứu - cái này sau này khi gặp trực tiếp tôi sẽ hỏi, nếu nhớ!). Và từ đầu tiên Dr Tuấn (nói như thế cho chắc ăn) nhắc đến là từ necrophilia.

Vì là dân gốc dạy ngoại ngữ, lại theo chuyên ngành ngôn ngữ học, và có một thời gian dài dạy môn English Morphology (Từ pháp học, hay Hình vị học), nên ngay lập tức tôi chú ý ngay đến cấu trúc của từ này. Nó gồm có 2 phần: necro- (=corpse, tức xác chết, hay tử thi) và -philia (=love, tức yêu, hay ái). Đọc lên là hiểu ngay, dù hoàn toàn không thuộc ngành Y. Và rất thú vị khi thấy cụm từ "ái tử thi" mà Dr Tuan đưa ra, vì nghe nó rất ... khoa học, khách quan, không gây ác cảm như từ "yêu xác chết".

Hôm nay lại đọc một comment của BS (vị này là BS thật, bác sĩ điều trị đúng nghĩa, vì tôi đã có đến clinic của bác ấy và gặp bác ấy với tư cách thầy thuốc mặc áo blouse rồi!) lại thấy nhắc đến 2 từ khác là macrophilia (chiết tự thành macro- =lớn, và -philia =yêu), và microphilia (chiết tự thành micro- =nhỏ, và, again, -philia, yêu). Nhưng đến đây thì không hiểu được nữa. Tại sao lại là "yêu cái lớn" và "yêu cái nhỏ" ở đây nhỉ? Mà cái gì lớn, cái gì nhỏ cơ chứ? Khó hiểu quá! Mà nếu nghĩ thêm một chút nữa, theo kiểu Dr Nikonian viết trong một blog entry gần đây, thì, đúng thật là ...!

Nên đành phải lên mạng để tra và tìm hiểu (tất nhiên là để hiểu ngôn ngữ, tức chữ nghĩa mà người ta sử dụng trên báo chí mà thôi, chứ không đời nào dám cho rằng như thế là tôi đã có hiểu biết về chuyên môn ngành Y). Và đã tìm ra một lô một lốc các từ có tiếp tố -philia khác, như sau:

paraphilia = para- (=besides, bên cạnh, nghĩa bóng là lệch lạc, hay nói theo ngôn ngữ của Bộ 4T hiện nay là "lề trái";-)) + -philia --> yêu lệch lạc
pedophilia = pedo- (=child, trẻ em) + -philia --> yêu trẻ vị thành niên
macrophilia = như đã giải thích ở trên, là "yêu cái lớn". (Và tự hỏi, tên khoa học của chứng này trong tiếng Việt là gì nhỉ? Đại ái???????)
microphilia = cũng vậy, đây là "yêu cái nhỏ". (Tiểu ái???)

Còn nhiều từ có đuôi -philia nữa, và định nghĩa của chúng, có thể tìm ở đây.

Đọc cái danh sách-philia, yêu/ái dài lằng ngoằng này bỗng thấy tiếc rằng tôi không còn đi dạy ngôn ngữ nữa. Chứ nếu không thì đây sẽ là một bài giảng thú vị biết mấy. Bắt đầu bằng cách kể một câu chuyện, chà, ly kỳ hấp dẫn phải biết nhỉ, để sau đó giới thiệu từ necrophilia, rồi sau đó hỏi sinh viên xem có biết các paraphilia nào khác nữa không, rồi mới ra bài tập cho các sinh viên đi tìm thêm các -philia, để rồi tuần sau ôn lại, và nói chuyện thêm về các paraphilia khác, rồi còn hỏi xem tìm được ở đâu, vv và vv. Bảo đảm là sau bài học này sinh viên của mình sẽ thu được một khối lượng từ, và căn tố gốc Latinh/Hy Lạp khổng lồ, và sẽ nhớ mãi, kì không bao giờ quên. Thì ngày xưa tôi cũng đã từng có những người thầy dạy cực kỳ inspiring như thế, mà lại!

Và bỗng thấy vừa tự hào, vì vốn liếng kiến thức ngôn ngữ của tôi cũng còn tạm đủ để đọc, hiểu hoặc đoán được người ta đang nói gì, mang máng hình dung được ai đúng ai sai, hoặc có nhầm lẫn khi đánh máy gì không. Và cũng vừa ... lo ngại, khi hình như ngày nay sinh viên của tôi không ai còn có sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng theo kiểu ông đồ như mình và các bạn bè cùng thời của tôi nữa.

Lỗi tại ai?

Một câu hỏi lớn không lời đáp ...

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Đọc về "ái tử thi", nghĩ về gd phổ thông tại VN

Tôi viết entry này sau khi đọc được trên báo chí loạt bài về người đàn ông ở Quảng Nam 7 năm ôm xác vợ, và bài viết của BS Nguyễn Văn Tuấn cùng BS Hồ Hải về những vấn đề về pháp y và tâm thần của sự kiện này.

Thật ra, đây chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Vốn xuất thân từ một gia đình công chức (chế độ cũ) và nhìn chung là lao động nghèo, do điều kiện may mắn hơn một số người khác là được đi học nhiều năm ở nước ngoài, tôi có cơ hội để nhận rõ sự chênh lệch về những hiểu biết cơ bản về sức khỏe của không chỉ dân nghèo Việt Nam, mà cả sinh viên, học sinh, vốn là những người "tổ quốc mong cho mai sau", và thấy rõ mối nguy cơ của sự tụt hậu của dân tộc Việt so với ngay những nước nhỏ bé khác trong khu vực Đông Nam Á.

Rõ ràng đây là trách nhiệm của ngành giáo dục, cụ thể là của giáo dục phổ thông, trong đó nhiệm vụ dạy người rất quan trọng, nếu không hơn thì tối thiểu cũng quan trọng bằng với dạy chữ. Trong khi đó, qua kinh nghiệm của tôi với tư cách là một phụ huynh, thì hình như hiện nay chương trình giáo dục của mình quên hẳn nhiệm vụ này, mặc dù khi khai trên học bạ thì mình cũng có đầy đủ mọi môn học như ai! Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng lẽ ra cũng phải đóng góp một cách có trách nhiệm trong việc nâng cao dân trí nói chung, trong đó có vấn đề sức khỏe. Nhưng hiện nay hình như điều này cũng chưa được làm tốt lắm.


Vậy phải làm gì đây? Tôi nghĩ, có lẽ tốt nhất là cứ viết những gì mình biết mà có lợi cho xã hội và đưa lên blog, để may ra có ai đi vào và đọc được, và áp dụng, thì cũng là một cách đóng góp cho đời - cho tròn trách nhiệm của một người có học, hay nói theo kiểu cố TS Nguyễn Văn Tài, sếp cũ của tôi, là để "trả nợ sách đèn". Vâng, phải thế thôi, rồi mọi việc hy vọng rằng ngày sẽ tốt hơn!

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Đúng sai, cũ mới, nói hay im, nội dung hay hình thức?

Tôi vừa viết một cái tựa rất điệu, ít ra là đối với tôi. Vì sao? Nó được viết với một phong cách (!), đó là viết ngắn, và viết thành từng cặp đối lập. Đúng hay sai? Cũ hay mới? Nói hay im? Nội dung hay hình thức?

Tại sao tôi lại phải quan tâm đến hình thức của cái tựa nhỉ? Tôi là một người tự hào là không quan tâm đến hình thức mà (cái nết đánh chết cái đẹp là một điều mà tôi đã được giáo huấn thấm đến tận xương; tôi nhớ ngày xưa còn bé ở trong xứ đạo, cô gái nào hay sửa soạn, soi gương một chút là thế nào cũng bị các bà lớn lớn trong xứ mắng mỏ, chửi bới, lườm nguýt, "Gớm, ngắm với chả vuốt!". Nghe sợ lắm!).

Nhưng hôm nay tôi phải quan tâm đến hình thức. Cái này giống như khi bạn tặng quà cho người khác, cái ruột xấu quá, kém giá trị quá, không biết làm sao, nên đành phải đầu tư vào cái vỏ. Thế đấy. Tôi cũng đang không biết làm sao để đầu tư thêm vào cái ruột mà tôi định nói, nên phải đầu tư vào cái vỏ thôi.

Mà tôi định nói gì thế? Đúng hay sai? Cũ hay mới? Nói hay im? Tôi chỉ biết, tôi viết những dòng này sau khi đọc tất cả các bài báo liên quan đến vụ Bà Ba Sương và Nông trường Sông Hậu.

Và nhớ lại hồi đầu thập niên 1980, khi tôi còn là sinh viên ngoại ngữ ở trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, còn trẻ trung phơi phới lắm (mới ngoài 20), dù lúc ấy đất nước đang đói (còn phải xếp hàng mua gạo, mua than quả bàng, ăn bo bo?). Lúc ấy, bọn tôi mơ tưởng về một tương lai tươi sáng của Việt Nam giống như nước Nga (không, Liên Xô chứ!) vĩ đại:

Bạn ơi, nước nhà ta rộng rãi vô cùng
Từ đồi núi bát ngát đến bao cánh đồng
Tự hào thay đất nước chúng ta là nước đầu
Trên hoàn cầu nhân dân sống trong tự do.


Nói thêm là bọn tôi lúc ấy thuộc khoa ngoại ngữ, có Anh, Pháp, và Nga. Bọn học Anh và Pháp chúng tôi ganh tỵ với bọn học Nga ghê lắm. Ban chủ nhiệm khoa toàn là các thầy cô tiếng Nga, ở Hà Nội vào; các thầy cô người Hà Nội, thanh lịch lắm. Còn bọn tôi thì ... thầy mỗi năm một vắng (vì các thầy cô đi vượt biên dần dần, trong vòng 5 năm từ lúc tôi vào trường đến khi tôi ra trường thì thầy cô cũ được đào tạo trước 1975 từ gần 20 người chỉ còn lại đâu có 2 người thôi!).

Vào thời ấy, có mấy bài hát Nga tôi rất mê (bây giờ vẫn mê), trong đó có bài Hoàng hôn trên nông trường

Nắng vàng buông xuống, hoàng hôn rũ bóng trên nương
Hoàng hôn nắng vàng tỏa xuống nông trường
Tít chân trời màu lúa chín đưa hương.

Đôi hàng cây thướt tha cành buông mái tóc
Xa mờ con suối trong đùa theo tiếng hát
Ôi quê hương nhà rộn ràng bao câu ca
Tiếng lòng nao nức trong những lời hát ca

Nông trường ơi đắm say bao la trong lòng ta
Lớn lên như bao nhiêu làng quê
Chiều nay ánh nắng thắm tươi bao màu sắc trên nông trường mến thương ...

(Wow, tôi không ngờ bài hát này bao lâu nay rồi mà tôi vẫn còn nhớ và chép một mạch như thế! Tất nhiên có một vài chỗ ngờ ngợ ...)

Tôi nghĩ, nếu hoàn cảnh đưa đẩy thì khéo rồi tôi cũng là một Bà Ba Sương khác cũng không biết chừng. Chân thành tin vào điều mình làm, và say sưa với cái sự lãng mạn của việc xây dựng một thiên đường hạ giới mang màu sắc xã hội chủ nghĩa trên cái nông trường Sông Hậu đó, và quên rằng bên ngoài nông trường là bao sự đổi thay đầy bão táp. Để rồi bây giờ bà lại một lần nữa trở thành tâm điểm của dư luận như cách đây 10 năm, nhưng ở chiều ngược lại ...

Vậy tôi còn biết làm gì, nói gì? Cho nên mới có cái tựa đúng hay sai, cũ hay mới, nói hay im, nội dung hay hình thức, của cái entry này!

(Huy Quang này, ở chỗ này thì chị không thể "hề hề" được, em ạ! Dù vẫn biết câu, khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười ...)

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Horoscope?

Tôi có một thói quen xấu, nhưng "dễ thương" (!) (lovely vices), là thích đọc horoscope, mà trước đây trên báo trước năm 1975 người ta gọi là Tử vi phương tây. Tôi "cầm tinh con ... Xử Nữ", người phụ nữ đồng trinh (tất nhiên theo nghĩa bóng thôi), vốn được xem là người cầu toàn, khó tính khó nết, tỷ mỷ, trung thành, vân vân và vân vân. Nói theo kiểu Thảo Hảo thì tôi có lẽ là một bông hoa nhựa! so.....o boring!

Thật ra thì tôi chẳng tin gì. Đọc vì tò mò thôi. Nó cũng làm cho mình vui vui một chút. Mấy tay đoán tử vi có cái tài là viết lời lẽ mơ hồ, hiểu chết liền nhưng mà vì thế ai muốn hiểu sao cũng được, vì thế ... trúng tùm lum (vì tự mình đọc ra nghĩa của những cái mơ hồ đó vào đúng hoàn cảnh của mình, rồi giật mình sao nó nói đúng thế!). A self-fulfilled prophecy.

Tử vi của tôi tuần này là như thế này. Và riêng tuần này, tôi thấy nó đặc biệt đúng (vì tôi muốn tin vào nó mà):

This week's scenario is highlighted by your ability to get your point across. Work diligently on projects requiring fine detail. Avoid peers who want to get you involved in their personal dilemmas. You may want to help them, however you may get blamed for the outcome. You will learn more if you listen. Someone you know well will reveal information pertinent to your professional future. New friendships will develop through activities that include large groups. Move quickly if you see an opportunity to advance. Your timing must be impeccable. Don't hesitate to take that business trip you've been thinking about. The time to make deals is now.

No đắt bói, đói đắt quà. Mẹ tôi nói.

Một người quen khác của tôi nói, khi người ta không còn giải thích được cuộc đời của mình thì người ta đổ cho (hay tin vào) định mệnh.

Nếu vậy, tôi đang no (?) nên mới xem bói? Hay tôi đang không giải thích được đời mình?

Hề hề! (nói theo kiểu Huy Quang; còn nói theo kiểu boring của tôi là, Tôi lúng túng quá!)

Im lặng?

Tôi là dân language art. Dân này ai cũng bị kêu là nói nhiều.

Tôi cũng là phụ nữ. Với phụ nữ, nói nhiều gần như là một tật bẩm sinh.

Hồi nhỏ, thật ra tôi ít nói. Vì không có gì để nói, vì không có nhu cầu nói, hoặc vì không dám nói, rồi thành thói quen không nói. Và nói chung được nhiều người thích, vì được khen là ngoan hiền, nhưng đồng thời cũng bị trách là "hiền quá" với cái cách mà tôi hiểu là "ngu quá!".

Đến lớn, tôi làm nghề đi dạy. Đồng thời cũng phải làm quản lý, chưa kể là phải đóng một vai chính trong việc gánh vác gia đình, từ gia đình lớn (cha mẹ, anh chị em), đến gia đình nhỏ (vợ chồng, con cái). Một việc mà tôi chẳng hề được chuẩn bị hồi còn bé.

Từ bé, tôi cũng được dạy là phải chân thực. Nên tôi không hề biết nói dối, từ việc lớn đến việc nhỏ. Những cái mà người ta gọi là white lies, nói dối vô hại, để mọi việc được êm đẹp, hòa hợp, không ai buồn, không ai mất mặt. Tôi hoặc là im lặng từ đầu đến cuối, hoặc nếu nói, thì lại nói rất thật mà không phán đoán được nói như thế có đúng lúc không, có đúng đối tượng không, người nghe có muốn nghe điều mình nói không, có gây hại gì cho ai không ...

Tôi biết, giao tiếp đôi khi cần im lặng chứ không chỉ nói. Nhưng khi nào cần im lặng và khi nào cần nói nhỉ? Nói quá nhiều, nhiều hơn mức cần thiết, thì rõ ràng là lợi bất cập hại. Nhưng không nói gì hết, hoặc không nói khi cần nói, thì cũng rất hại!

Vấn đề là, khi nào cần nói, và khi nào cần im lặng? Và nếu trong gia đình, hoặc trong xã hội, có những vấn đề cần nói, nhưng không ai nói, hoặc rất ít ai dám nhắc đến, thì nó là gì nhỉ?

Tôi nghe người ta nhắc đến sự im lặng trước cơn bão. Sự im lặng đó rõ ràng là không dễ chịu. Ai cũng biết, mà không ai làm gì, hoặc không làm được gì. Rất đáng sợ.

Tôi cũng nghe lời khuyên, khi nước đục, thì không thò tay vào vớt cặn, vì chỉ làm nước đục thêm. Hãy để yên cho cặn lắng xuống, rồi nước sẽ trong lại.

Nếu quả như thế, có lẽ đây là lúc cần sự im lặng, yên tĩnh cho nước đục lắng lại thành trong.

Tôi lúng túng lắm! Không biết nói gì thêm nữa. Và có lẽ đây chính là lúc cần im lặng. Vậy tôi sẽ im lặng thôi.

Mong rằng đây là sự yên lặng để nước trong, chứ không phải là sự yên lặng trước cơn giông tố!

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Viết linh tinh hậu 20/11!

Hôm nay là ngày 21/11.

Hình như sau mọi ngày lễ là đến ngày ... hậu lễ (vớ vẩn quá, điều này là đương nhiên rồi!) Cái cảm giác này mình thấy rất rõ sau những ngày lễ quan trọng, ví dụ như sau ngày mùng 1 tết (ngày xưa cơ, bây giờ thì khác rồi).

Sau mọi sự chuẩn bị, chộn rộn, tôn vinh chúc tụng, quà cáp, ăn uống, và tất nhiên là mệt mỏi, là một sự ... trống trải, thinh lặng, bình thường thì chưa bình thường hẳn nhưng đặc biệt thì cũng đã hết.

20/11 là một việc đối với mình đã nhàm, vì đã 26 năm thực hiện rồi. năm đầu tiên, rất lúng túng. mấy năm vừa qua, thấy nhàn nhạt, gần như là bổn phận phải làm vậy thôi. Nhưng năm nay có nhiều việc xảy ra quá, mà toàn là những việc nặng đầu. Nên hôm nay mới có cảm giác vậy.

21/11 ... với bao nhiêu cảm giác muốn ghi lại, nhưng chưa thể ghi lại. Nhưng nếu không ghi thì quên. Thôi thì ghi hời hợt thế này:

- Được tặng 2 cuốn sách đáng đọc, trong đó có 1 cuốn rất đáng suy nghĩ: The Last Lecture. Cái này phải tìm hiểu thêm, thế nào cũng có một entry.
- Được hỏi ý kiến về một entry trên blog nhân ngày nhà giáo; và quan trọng hơn là ý kiến của mình đã được nghe theo. Thật lạ, là nếu ý kiến đó không được nghe theo thì mình có lẽ sẽ thất vọng một chút, nhưng khi được nghe theo rồi thì mình lại ... hơi lo lo một chút. Mâu thuẫn quá phải không, giống với câu tục ngữ mà mẹ mình hay đọc:
Chưa đánh được người mặt đỏ như vang
Đánh được người rồi mặt vàng như nghệ.

- Được đại diện cho đơn vị nhận một số sách do Fulbright tặng cho đơn vị (không phải cho cá nhân mình), toàn là những thứ công cụ quý hiếm cho một nhà khoa học xã hội đang làm công tác đánh giá chất lượng giáo dục. Vài cái tựa đáng nể (well, quên hết rồi chỉ còn nhớ có một cuốn): Social Statistics!
- Và cuối cùng, còn một đống việc bị đình lại vì lễ 20/11. Và đang phải ngồi đây, tại cơ quan vào ngày Thứ Bảy, để giải quyết nó đây!!!

Nên buồn hay nên vui nhỉ? Chợt nhớ cậu Huy Quang piano với cái kiểu "hề hề hề". Và sự cân bằng của cậu ấy. Bỗng thấy, ở chỗ này, chắc phải nói "hề hề hề", và rồi sau đó, phải cân bằng thôi ;-)!!!!

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009

Buồn!

Tôi buồn quá!

Lý do? Một trang blog tôi mới phát hiện gần đây vừa được chủ nhân tuyên bố sẽ đóng cửa. Chỉ vì nó được ai đó bảo rằng đó là một công cụ đấu tranh dân chủ!

Mà trang web này có gì? Chỉ là những nhận định dưới cái nhìn tư duy phản biện về những vấn đề chuyên môn (y học), cũng như những nhận định, góp ý cho quá trình quản lý xã hội, như bất cứ một công dân, đặc biệt là một trí thức có lòng và có trách nhiệm, đều cần phải làm.

Từ trang web này tôi học được nhiều lắm. Không chỉ những sự kiện, vì các sự kiện này có thể tìm được rất dễ dàng trong thời đại Internet ngày nay. Mà là những phân tích, lập luận, kiến giải về chúng, cho thấy sự hiểu biết và tấm lòng của người viết.

Các nhà hoạt động dân chủ nào đó ơi, các vị muốn gì khi liệt kê blog này vào danh sách của các vị? Chúng tôi chỉ muốn các vị để yên cho chúng tôi để cho tiếng nói chuyên môn, khách quan và trung thực của chúng tôi còn có thể tiếp tục vang lên nữa chứ!

Bác Hải Hồ ơi, nếu được xin bác đừng đóng blog. Bởi cả tôi lẫn các học viên cao học của tôi còn đang chờ những bài viết tiếp của bác. Hoàn toàn với tư cách chuyên môn.

Và tôi tin chắc chắn rằng, một người đàng hoàng như bác, với thiện ý như bác, chắc chắn sẽ không bị hiểu lầm là đấu tranh dân chủ! Bởi một lẽ đơn giản: giống như tôi và nhiều người VN lương thiện khác, chắc là bác phải làm việc đến 12 tiếng một ngày để lo việc mưu sinh. Thời gian bác viết blog âu chỉ là để thể hiện trách nhiệm xã hội của bác mà thôi. Điều mà hiện nay xã hội mình đang cần biết mấy!

Nhưng tôi hiểu nếu bác vẫn quyết định đóng blog. Dù vẫn buồn, rất rất rất buồn ...

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Nghĩa của từ service, và sự nhập nhằng công tư tại VN!

Một người bạn (ừ thì cứ tạm gọi thế, ấy là tôi xem là bạn, còn vị ấy có xem tôi là bạn không thì phải chờ sự xác nhận từ vị ấy;-) của tôi là bác sĩ đang viết về việc cải tổ quản lý y tế ở VN, cho rằng ở VN ngành y được xem là ngành cứu người, còn ở các nước tiên tiến trên thế giới thì họ xem đấy là một dịch vụ (theo nghĩa: sử dụng thì phải trả tiền). Và chính đây là cốt lõi, nguồn gốc của mọi sự khác biệt về chất lượng, về cách hành xử, về quan hệ bệnh nhân - bác sĩ, giữa VN và các nước tiên tiến.

Mặc dù đồng ý với bác ấy gần như là hoàn toàn, tôi vẫn có băn khoăn ở một diều, là ở đây sự khác biệt về quan điểm còn có nguồn gốc từ sự khác biệt về ngôn ngữ nữa. Bởi thật ra, nếu trong tiếng Việt phục vụ (vô vụ lợi, usually) và dịch vụ (ăn bánh trả tiền ;-)) là hai từ khác nhau, và có nghĩa đen lẫn nghĩa biểu cảm có khác nhau, nhưng trong tiếng Anh thì cả 2 từ này đều chỉ dịch ra cùng một từ service mà thôi!!!!

Nói có sách, mách có chứng! Dưới đây là những định nghĩa của từ service

Những định nghĩa của service trên Web bằng Tiếng Anh

1. work done by one person or group that benefits another; "budget separately for goods and services" (hàng hóa dịch vụ)

2. an act of help or assistance; "he did them a service" (ở đây service rõ ràng chỉ là giúp, hỗ trợ --> vô vụ lợi, "cứu tế")

3. the act of public worship following prescribed rules; "the Sunday service" (nếu là dân có đạo, các bạn sẽ biết ngay từ service này dịch là mục vụ, tức sự phục vụ của các người chăn chiên, rõ ràng là vô vụ lợi - ít ra là không thu tiền một cách bắt buộc, còn có lợi gì hay không thì có khi phải hỏi an ninh họ xác nhận cho mới biết được, âm mưu của đế quốc thì dân thường như PA làm sao có nghề mà biết!!!!)

4. a company or agency that performs a public service; subject to government regulation (từ này dịch là Sở, Phòng, Ban ngành vv, không có vụ ăn bánh trả tiền ở đây - có đưa dưới gầm bàn hay không thì tớ không biết đâu nhé!)

5. employment in or work for another; "he retired after 30 years of service"
(service rõ ràng là phục vụ: anh ấy nghỉ hưu sau 30 năm phục vụ!!!!)

6. military service: a force that is a branch of the armed forces - nghĩa vụ quân sự????


(các định nghĩa này lấy từ trang web lừng lẫy của Wordnet - hôm nào khác sẽ phải có entry về wordnet mới được!) link đây: wordnetweb.princeton.edu/perl/webwn

Từ đó, một câu hỏi đặt ra cho vị bác sĩ bạn (nhận vơ ;-)) của tôi là, tại sao sự nhập nhằng, công không ra công tư không ra tư, phục vụ không ra phục vụ mà dịch vụ cũng chẳng ra dịch vụ, lẽ ra phải xảy ra trong các nước nói tiếng Anh vì ngôn ngữ của nó nhập nhằng thế, (ngôn ngữ là công cụ tư duy và cũng là cái khuôn buộc ta phải tư duy ở trong đó, theo thuyết định mệnh trong ngôn ngữ: anh suy nghĩ bằng ngôn ngữ đó thì anh chỉ có thể nghĩ được đến thế mà thôi????). Nhưng không, nó lại xảy ra ở VN!!!

Vậy, chuyện gì đang xảy ra ở đây? Giả thuyết của tôi: VN là thiên tài trong việc nói "dzậy" mà không phải "dzậy"????

Tôi lúng túng lắm các bác ạ!!!!

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Tại sao VN có nhiều nhà văn-bác sĩ - hay: nhà văn cần tố chất gì?

Entry này nhằm làm rõ hơn một ý tưởng mơ hồ mà mình đã có từ lâu, và được "kích thích" sau khi có cơ hội trao đổi với một vị thuộc đúng category mà mình muốn nghiên cứu trong cái tựa của entry này, đó là "bác sĩ-nhà văn".

Lý do của việc muốn làm cái đề tài lạ lùng này phải nói như sau: từ bé, mình đã có nhiều ước mơ về nghề nghiệp. Lúc thì muốn làm nhà văn (ngay từ đầu, vậy đây là my innate tendency), khi thì muốn làm nhà báo, rồi có khi muốn làm luật sư, nhà giáo, và cũng có lúc muốn làm ngành y, mặc dù rất sợ bệnh tật, chết chóc (đến giờ đi đường thấy cạnh đung xe chết người thì mình vẫn rùng mình không kềm được, và mau mau chuồn mất, không bao giờ dám nhìn thêm một giây nào nữa!)

Đến bây giờ thì có thể xác định là mình đã không làm nhà văn, vốn là mơ ước đầu tiên và có lẽ vẫn là mơ ước cuối cùng của mình (già, nghỉ hưu rồi chắc sẽ viết văn thôi!) Nhưng không là tác gia nhưng vẫn đọc và theo dõi tình hình văn học trong ngoài nước rất nhiều, và qua quan sát của cá nhân mình, một hiện tượng khá rõ đã nổi lên: ở VN hình như có khá nhiều nhà văn vốn là bác sĩ, hay nói cách khác, có khá nhiều bác sĩ kiêm nhà văn ở VN.

Hiện tượng bác sĩ viết văn (thường viết quanh những vấn đề bệnh tật, chết chóc, mổ xẻ, tâm lý bệnh nhân, cuộc đời của thầy thuốc và những người hoạt động trong ngành y) tất nhiên không chỉ có ở VN. Ở Anh, ít nhất có vài văn sĩ nổi tiếng vốn là bác sĩ rồi bỏ nghề, thành văn sĩ luôn (phải tìm lại tên những vị này, mình đã đọc rồi mà lại). Ở Mỹ, có một tác phẩm mình đã đọc và thấy rất cảm động, hình như đã dịch ra tiếng Việt vào thập niên 1980, tựa tiếng Anh là The Last Diagnosis, tiếng Việt hình như là Cuộc phán xử cuối cùng????, tác giả cũng là một bác sĩ. Tóm lại, cần phải khẳng định lại hiện tượng bác sĩ-nhà văn không phải là không có ở nơi nào khác ngoài VN.

Nhưng dường như (chỉ dường như thôi) ở VN thì hiện tượng này lại có vẻ nhiều hơn các nơi khác. Tất nhiên không phải bác sĩ nào ở VN cũng viết văn - tỷ lệ các bác có viết ra thành sách thì ít thôi. Nhưng văn hay chữ tốt (well, chữ thì không tốt, sorry, nhưng văn thì có hay, chắc vợ không đẹp vì chỉ có vợ người mới đẹp thôi, văn mình thì hay đã hẳn rồi ;-)) thì nhiều lắm. Và thực sự những người có tác phẩm đều là những tác phẩm tốt, cho dù họ không viết văn chuyên nghiệp.

Trong khi đó, ở trong lãnh vực viết văn chuyên nghiệp thì lại khác. VN có trường viết văn Nguyễn Du (giờ đã đổi thành ĐH gì đó thì phải) ở HN. Có các trại sáng tác do Hội Nhà văn tổ chức. Có nguyên một Hội Nhà văn VN nghe chừng cũng to lớn, hoành tráng, bự xự lắm. Rất được nhà nước quan tâm, rất có uy. Nhưng không hiểu sao sau này càng ngày càng kém, không viết ra được bao nhiêu tác phẩm có giá trị. Có thể họ giỏi về kỹ thuật, câu chữ viết khá sắc sảo. Nhưng ... rỗng. Dường như có cái gì đó không thật trong những trang viết của họ. Không có nỗi đau nhân tình. Không hồn. Không tim. Giả. Nói theo kiểu Nhân văn Giai phẩm, thì những tác phẩm của họ giống những cô gái mà một nhà thơ nào đó (quên tên rồi) đã phải kêu lên:

Hỡi tất cả các cô bạn gái
Tôi đã biết hay là tôi chưa quen
Tôi chẳng bị cái gì làm lạc hướng
Chọn áo hồng, phụ áo vá vai
Cũng chẳng theo lối luận bàn sống sượng
Khen chê tóc ngắn tóc dài

...

Trong các bạn có chăng người yêu dấu
Mà bấy lâu tôi đã gắng công tìm
Em trọn đời tôi kiếm gặp
Chỉ là người biết ghét, biết yêu
!


(chép theo trí nhớ, đại khái thế. Hàm ý của bài thơ là hình như xã hội VN ở miền Bắc thời ấy - cuối 1950? hình như người ta yêu ghét theo mệnh lệnh của ai đó, cái gì đó chứ không phải theo mệnh lệnh của trái tim - well, như các nhà văn thường nói thế!)

Vậy thì tại sao, tại sao ở VN lại có cái nghịch lý kỳ dị thế? (well, this is NOT the only one). Tại sao người viết văn chuyên nghiệp lại viết văn vô hồn, còn người được đào tạo, và chọn sống bằng một nghề khác (cụ thể là nghề bác sĩ), lại "nhào vô" viết văn và thành công? Trả lời được câu hỏi này trước hết là thỏa mãn sự tò mò mà mình vẫn còn giữ được (ý muốn nói: tâm hồn vẫn còn trẻ dù nhìn bên ngoài thì ... hỡi ôi), nhưng có lẽ cũng có những tác dụng khác nữa, có thể đóng góp cho xã hội VN ngày nay:

1. có thể giúp người ta hiểu, để làm một nhà văn thì không chỉ cần biết viết lách cho hay ho, mà còn cần nhiều cái khác, sẽ được chỉ ra khi tìm hiểu các bác sĩ-nhà văn thành công ở VN?
2. cũng có thể giúp người ta hiểu, vai trò và sự mong đợi của xã hội vào các trí thức VN, cụ thể là bác sĩ vốn là một trong những - hay duy nhất? - được VN trọng vọng vào bậc nhất, trong xã hội VN hiện nay, và cả thời cận đại nữa?


Đại khái là như thế. Nói là một đề tài khoa học, ví dụ là đề tài luận văn thạc sĩ, tiến sĩ có lẽ người ta cười. Nhưng thật ra muốn trả lời được câu hỏi này thì cần có một nghiên cứu thực, nghiêm túc và chuyên nghiệp. Sẽ cần có sự góp ý của nhiều người. Và ai thì cũng bận rộn túi bụi. Nhưng đã là việc cần làm, và đáng làm, thì cứ sắn tay lên mà làm. Cứ đi bước đầu tiên, rồi sẽ đến bước cuối cùng thôi!

Mọi người ơi, các bạn bè, các sinh viên, các đồng nghiệp của tôi ơi, nếu đọc và thấy việc này đáng làm, thì cho tôi comments để tôi đi tiếp nhé. Sẽ không quên acknowledge công sức của quý vị đâu, intellectual integrity là điều mà XH VN đang cần có để tiến lên mà!

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

My horoscope for the week (for Virgo)

This week's scenario is highlighted by your ability to put things into a clearer perspective. This is an ideal time to reunite a group that has been growing apart. Once you do, you'll have a keener understanding of how things work. An official announcement will open a new connection. Look behind the scenes & understand all of our options. Focus your energy full force. Creatives in search of better opportunities won't have to look far. You will reach a very positive goal! Play your cards right & you may be celebrating true success. For you, physical attractions begin in the mind. You're fascinated by the life force and the ways in which it manifests itself. Bring people together by showing them interesting new lifestyles or ways to work. Personal relationships will feel more positive than ever. Invest time with family members & you'll be creating great memories for everybody.

--
Seems that a good working week is ahead! ;-)

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Brahms' Lullaby

Lời Việt

Hát ru

“Này này con..lời mẹ ru..
Ngủ ngoan nhé con thân yêu ơi..
Ngàn vì sao nhìn long lanh..vào trong giấc mơ yên lành
Này này con, lời dịu êm,
Mẹ nâng giấc con trong đêm,
Mộng hoa xinh ngàn vì sao..ngày mai sẽ thơm hương cho con…

Này là mắt, nhắm thật sâu..
Xin hồng ân cho giấc mơ..
Này là mắt khép thật sâu..đêm bình an vẫn trôi mau..

Này ngàn hoa, này ngàn xinh..
Vào trong giấc mơ con thiên thần,
Ngủ đi nhé, ngủ ngoan nhé..
Mẹ ru tiếng êm đềm..cho con…”

Lời tiếng Anh

Lullaby and good night
may your dreams be of roses
and the angles up above
may them greet you in your sleep.

When the morning will break
with a smile you will wake.
When the morning will break
with a smile you will wake.

Bác sĩ-nhà văn (7): BS Trương Thìn

Bác này mình nghe từ lâu rồi mà quên. Mà hình như bác ấy không viết văn xuôi mà chỉ làm thơ, viết nhạc. Nhưng thôi cứ đưa vào đây để khỏi quên, khi nào nghiên cứu thật thì cần phải định nghĩa thế nào là nhà văn, rồi chọn lại!

Bác sĩ-nhà văn (6): BS Lê Trung Ngân (blogger)

Những "bác" này do mình tự khám phá ra khi đi lang thang trên mạng
Địa chỉ nhà của bác ấy:

http://bacsingan.vnweblogs.com/post/10824/168880

Thấy toàn là thơ, mà thơ thì còn "thứ dữ" hơn là văn xuôi nữa đấy!

Bác sĩ-nhà văn (5): BS Lê Đình Phương

(so với mấy vị trước như Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Khắc Viện, thì "bác" này còn trẻ lắm; đúng ra mình phải gọi bằng "chú" ;-))

--
http://www.thethaovanhoa.vn/173N20091022093658943T133/le-dinh-phuongbac-si-viet-van.htm

Lê Đình Phương - bác sĩ viết văn (TT&VH) - Cuốn sách Người bệnh cuối ngày (NXB Trẻ) của bác sĩ Lê Đình Phương vừa phát hành, gồm 3 phần: các ghi chép y học, các bút ký du lịch và các tùy bút âm nhạc. Sở dĩ có 3 phần như vậy, vì ngoài viết về y học - là nghề nghiệp chính của mình - tác giả còn rất ham mê du lịch và là một tay chơi dương cầm có hạng. Nhà thơ “quê hương là chùm khế ngọt” Đỗ Trung Quân là người vẽ bìa, minh họa và đề tựa cho Người bệnh cuối ngày.

Đọc Người bệnh cuối ngày, độc giả sẽ liên tưởng đến nhiều bác sĩ viết văn khác ở ta, như: Trần Bồng Sơn, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Thị Vàng Anh, Trương Thìn... Dường như, ngành y với nghiệp cầm bút không có ranh giới trong những tâm hồn “nhìn đâu cũng thấy nỗi niềm”.

Bác sĩ-nhà văn (4): BS Nguyễn Khắc Viện

Tiểu sử Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện
http://nt-foundation.com/index.php?option=com_content&task=view&id=248&Itemid=327

Nguyễn Khắc Viện (1913-1997): nhà báo, nhà nghiên cứu Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình khoa bảng xã Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ của ông là cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, làm Thượng thư Bộ Lễ triều đình Nhà Nguyễn.

Năm 1933, tốt nghiệp tú tài triết học, tú tài toán học và tú tài tây, vào học Trường Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp học tiếp. Đến năm 1939 tốt nghiệp và được làm bác sĩ nội trú tại bệnh viện Trouseau một bệnh viện lớn nhất Pari. Do thông minh hiếu học lại có quyết tâm nên ông lại đỗ thêm bằng bác sĩ về ký sính trùng và các bệnh nhiệt đới.

Năm 1940, ông tham gia phong trào Việt kiều yêu nước chống thực dân Pháp và thời kỳ này do hoạt động bí mật trong điều kiện gian khổ nên ông bị bệnh lao phổi. Năm 1942, trong quá trình điều trị ông tham gia nhóm Mác xít ngay tại bệnh viện, đây cũng là tiền đề cho việc tham gia Đảng cộng sản Pháp của ông về sau. Chịu ảnh hưởng của Nho giáo, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền thống dòng họ, bản thân lại là một trí thức có thực tiễn và lý luận ông trở thành đảng viên Đảng cộng sản Pháp năm 1949, sau này khi trở về nước trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Từ 1952, tham gia tích cực vào phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp phản đối chiến tranh của thực dân Pháp tại Đông Dương. Thường xuyên viết bài giới thiệu Việt Nam, phê phán chủ nghĩa thực dân đăng trên các tạp chí vào báo nổi tiếng tại Pari ″Tư tưởng″ (La Pensée), ″Tinh thần″ (Esprit) Châu Âu (Europe), ″Phê bình mới″ (La nouvelle critique)... Do hoạt động cộng sản, năm1963 chính phủ Pháp trục xuất ông khỏi nước Pháp.

Về nước, Nguyễn Khắc Viện sáng lập và chủ biên Tạp chí đối ngoại ″Nghiên cứu Việt Nam″ bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Etudes Vietnamiennes, Vietnam Studies), báo ″Tin tức Việt Nam″ (Le courrier du Vietnam), làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới), đồng thời cộng tác thường xuyên với nhiều tờ báo tiếng Việt. Cùng Hữu Ngọc chủ biên bộ ″Hợp tuyển văn học Việt Nam″ 4 tập bằng tiếng Pháp. Viết nhiều sách tiếng Pháp: ″Tìm lại Tổ Quốc″, ″Việt Nam một thiên sử dài″, v v... Bản chuyển ngữ ″Truyện Kiều″ của Nguyễn Du sang tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện là một bản dịch thành công. Cũng trong thời gian này ông đã dày công đào tạo bồi dưỡng nhiều cán bộ biên tập có năng lực trình độ ngoại ngữ lẫn chuyên môn đạo đức.

Từ 1984, Nguyễn Khắc Viện sáng lập và làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lí trẻ em và tâm bệnh lí, xuất bản tờ ″Thông tin khoa học tâm lí″, đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị rối loạn tâm trí do hoàn cảnh. Viết nhiều sách tiếng Pháp và tiếng Việt.

Là một bác sỹ, nhà báo, nhà văn hoá, nhà hoạt động cách mạng, Nguyễn Khắc Viện còn là một tấm gương về rèn luyện sức khoẻ chống lại bệnh tật.

Với tài năng và những công lao to lớn ấy ông được bạn bè đồng nghiệp trong và ngoài nước khâm phục kính trọng. Năm 1992, Nguyễn Khắc Viện được nhận giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp. Với tấm lòng yêu trẻ thiết tha, ông đã cống hiến phần lớn khoản tiền thưởng trong giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp tặng ông cho quỹ của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em.

Năm 1997, Nhà nước Việt Nam trao tặng cho ông Huân chương Độc lập Hạng Nhất

Năm 2000, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho cuốn "Việt Nam, một thiên lịch sử".


( Sở Văn hoá - Thông tin )

Bác sĩ-nhà văn (3): Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp

Là thân phụ của Trần Hữu Dũng, chủ trang vietstudies (tôi biết điều này do GS Trần Hữu Dũng nói vậy trên trang của ông!)

Sách của BS Trần Hữu Nghiệp mà tôi biết: Thời gian trong mắt tôi, (Nxb Văn Nghệ - 1993)

Bác sĩ-nhà văn (2)

Sách của những bác sĩ - nhà văn
Pháp luật TPHCM - 27/02/2008
http://tintuc.xalo.vn/02-1497326199/sach_cua_nhung_bac_si_nha_van.html

Khi bước ra khỏi cương vị của một bác sĩ, các tác giả đều chỉ là một người kể chuyện, cùng chia sẻ những trăn trở về cuộc sống và nghề nghiệp. Họ đã viết và đã sống ở những chiều khác nhau - trong chữ nghĩa, trong suy tư và trong ký ức.



Những xúc cảm văn chương sau lời thề Hippocrates.
Đi suốt hành trình tìm lại sự bình yên cho con người, các bác sĩ đã góp nhặt được những câu chuyện từ cuộc sống, để rồi những nụ cười và cả nước mắt cứ thế chảy tràn qua từng trang viết. Những trang sách được viết từ bệnh viện là những trăn trở, sẻ chia và lòng yêu thương chân thành mà người viết đã dành tặng cho đời.

Viết để tìm sự chia sẻ

Có những câu chuyện được các bác sĩ kể từ bệnh viện. Lối kể mộc mạc chân thành, tự nhiên như chính dòng chảy cuộc sống của các tác giả bác sĩ đã để lại cảm xúc dai dẳng trong lòng người đọc.

Tự truyện Gọi bình yên quay về (NXB Trẻ ấn hành) của bác sĩ Lê Quốc Nam là những câu chuyện kể về bệnh nhân tâm thần bằng một góc nhìn đầy nhân văn và bao dung, chia sẻ. Ông không chỉ chữa lành cho những bệnh nhân tâm thần bằng thuốc mà còn đến với họ bằng tất cả tình thương và lòng tận tuỵ. Đó cũng chính là lời khuyên dành cho mỗi người, không nên xa lánh và miệt thị những người bị bệnh tâm thần. Bởi sự cô độc triền miên và không được chia sẻ ấy là một trong những nguyên nhân khiến người ta phát sinh trầm cảm và bệnh tâm thần.

Trong khi đó, ở tập ký sự Viết từ bệnh viện của PGS-TS- bác sĩ Nguyễn Hoài Nam lại là những câu chuyện trong phòng cấp cứu, khoa tim mạch. Mỗi câu chuyện là một cuộc đời, mỗi trang viết là một sự sẻ chia. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam còn đưa người đọc bước vào không khí trang nghiêm thành kính của lễ Macchabée-lễ tri ân những người đã hiến xác cho y học. Khi một trái tim ngừng đập nhưng lại có thể cứu sống một trái tim khác, một đôi mắt đã nhắm lại nhưng mở ra nguồn sáng khác cho đời... thì mỗi con người, cho dù là từ giã cõi đời này, đều tồn tại vĩnh hằng. “Xin cho em nằm cạnh cửa sổ để mỗi buổi sáng em được tắm mình trong ánh nắng mặt trời, để mỗi buổi chiều em được ngắm hoàng hôn và nhìn khói lam chiều trên mỗi nóc nhà”- người ra đi không có nỗi sợ hãi, chỉ có mong ước cuối cùng đẹp rạng ngời như sự hy sinh.

Khi bước ra khỏi cương vị của một bác sĩ, các tác giả đều chỉ là một người kể chuyện, cùng chia sẻ những trăn trở về cuộc sống và nghề nghiệp. “Người bác sĩ có thể chữa khỏi bệnh cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người. Họ cũng từng viết rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thành công. Nhưng họ lại không thể chữa khỏi bệnh cho những người thân yêu hoặc bệnh của chính họ”. Bác sĩ Lê Quốc Nam đã từng quặn lòng khi chứng kiến sự ra đi của người mẹ bị mắc bệnh mà mình không thể chữa trị được, chứng kiến hình ảnh đồng nghiệp-cũng là một bác sĩ chuyên khoa tâm thần - phải “vật lộn từng phút, từng giờ với căn bệnh quái ác này trong khu nội trú của bệnh viện”.

Những trang văn đau đáu cội nguồn

Là một người con sống xa đất nước, nhưng GS-TS-bác sĩ Bùi Minh Đức vẫn luôn đau đáu nỗi thương nhớ về quê hương xứ Huế. Ông đã chọn một lối về rất riêng, khởi đầu bằng những con chữ. Hơn 10 năm ròng rã nghiên cứu để thực hiện quyển sách Dấu ấn văn hoá Huế là cả một cuộc hành trình thương nhớ Huế âm thầm và nhọc nhằn của GS-TS Bùi Minh Đức (bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, hiện là hội viên Hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ).

Nhà văn Trần Hữu Lục đã ví “Bùi Minh Đức như một con ong miệt mài hút mật cho đời” khi vị bác sĩ đã 60 tuổi này cứ đi đi về về với đất nước để “săn tìm, nhặt nhạnh, phát hiện và phủi sạch bụi bặm những con chữ, chắt chiu từng tiếng Huế cổ, câu hò...” mang vào bộ từ điển tiếng Huế (dày 2.000 trang) và tập sách Dấu ấn văn hoá Huế.

Đọc sách của bác sĩ Bùi Minh Đức, ngay cả khi chưa từng đặt chân đến kinh đô Huế, người đọc vẫn như thấy Huế rất thân thương và gần gũi. Lối viết dí dỏm mà sâu sắc, nặng tình với Huế của ông lôi cuốn qua từng trang chữ. Từng trang viết như những dòng chảy nhỏ, như đưa chân người lãng du qua một vùng đất thâm trầm và thân thương của dải đất miền Trung. bác sĩ Bùi Minh Đức đã mang đến cho người đọc những trang văn sâu sắc, lắng đọng đau đáu cội nguồn.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam chia sẻ: “Viết, có nghĩa là đang sống”. Có lẽ chính vì vậy những vị bác sĩ như Nguyễn Hoài Nam, Phan Cao Toại, Lê Quốc Nam, Bùi Minh Đức... đã viết và đã sống ở những chiều khác nhau - trong chữ nghĩa, trong suy tư và trong ký ức. Những bác sĩ-nhà văn ấy không chỉ sống trọn vẹn với lời thề Hippocrates mà còn sống trọn với niềm đam mê trong khoảng trời của những xúc cảm riêng mình.


Những trang sách dở dang

Bác sĩ Phan Cao Toại (quê Khánh Hoà, Nha Trang) cũng là một nhà văn, nhà biên kịch. Ông là tác giả của nhiều kịch bản phim truyền hình: Hàn Mặc Tử, Bến sông trăng, Tìm chồng, Vàng ri... và hàng loạt truyện ngắn khác. Có một nhân vật mà dường như chưa bao giờ ra khỏi tâm trí bác sĩ Phan Cao Toại trong suốt hành trình cầm bút, đó chính là thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ông cứ đi kiếm tìm những tư liệu về thi sĩ họ Hàn để khắc hoạ nhân vật trong từng trang viết.

Ông đã cho ra đời tập thơ truyện Quy Hoà và Hàn Mặc Tử (do NXB Văn nghệ ấn hành). Sau đó là kịch bản phim Hàn Mặc Tử, rồi đến 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử (đã được công diễn trên Sân khấu Nhà hát kịch Tuổi trẻ, Hà Nội). Những hình ảnh day dứt, giằng xé đau đớn và xót xa của nhân vật trong vở kịch cũng chính là những hình ảnh mà tác giả đã chứng kiến trong đời thực từ những ngày công tác tại trại phong Quy Hoà (Nha Trang).

Viết cho đến hơi thở cuối cùng bác sĩ-nhà văn-nhà biên kịch Phan Cao Toại đã về với cõi vĩnh hằng bỏ lại những trang sách viết dở dang với bao ngổn ngang những câu chuyện đời chưa kịp biến thành con chữ.

Các bác sĩ-nhà văn của VN (1)

Khi Bác sĩ - Nhà văn Dương Đình Hùng làm... thơ

Thật đó. Sau 8 tác phẩm văn xuôi gồm truyện ngắn, truyện dài, truyện ký, mới đây BS Dương Đình Hùng lại cho ra mắt tác phẩm thứ 9 là một tập thơ mang cái nhan đề khá mượt mà là Lá ngọc (ảnh), in bởi NXB Thanh Niên.


Đọc xong, nhiều bạn làng thơ cho rằng Dương Đình Hùng có rất nhiều "không gian tím" trong hồn thơ của anh. Ví dụ bài Cà phê tím trong tập ấy - đã nhắc đến "bằng lăng tím", đến "áo tím", và nhất là đến "ngôn ngữ tím" như câu: Bao hẹn ước - thầm yêu như mật ngữ. Đợi hoa tàn - nhặt tím cánh hoa phơi... Được hỏi "hoa" nào vậy? Anh mỉm cười trả lời hãy đợi đấy, sẽ có tập Lá ngọc 2 viết rõ tên loài hoa tím ấy.

Tin, ảnh: Nguyễn
http://vietbao.vn/Van-hoa/Khi-Bac-si-Nha-van-Duong-Dinh-Hung-lam-tho/45255386/181/

Bác sĩ-nhà văn: một hiện tượng phổ biến ở VN?

Đây là một ý tưởng (một giả thuyết khoa học? ;-)) mà tôi đã có trong đầu từ khi còn rất nhỏ, và dường như ngày càng có nhiều chứng cứ để ủng hộ nó (a testable hypothesis? - well, big words are impressive, so if you know them why not use them to impress people :-))

Vẫn nhớ ngày tôi còn bé, chừng 5 tuổi thì phải (tức nửa đầu thập niên 60, nếu trí nhớ của một người đang ở gần cuối quá trình từ trung niên chuyển sang lão niên (?) không phản bội tôi), bố tôi có mua về nhà một cuốn sách của cặp vợ chồng bác sĩ Lương Phán - Nguyễn Thị Lợi (hình như thế) về đọc (hình như ngầm khuyến khích cả mẹ tôi đọc nữa), có tên là (well, lại hình như thế) "Gái trai trước ngưỡng cửa hôn nhân" (!). Một suy nghĩ rất cách mạng của bố tôi vào thời đó (giáo dục giới tính, trước hết là với người phối ngẫu - một phụ nữ được dạy dỗ cẩn thận trong vòng lễ giáo phong kiến kèm thêm sự kiểm soát của cái văn hóa tiết hạnh của nhà thờ công giáo!)

Do mẹ tôi đọc và để đâu đó ở trên giường, trên bàn, nên với sự tò mò của một đứa bé, tôi cũng cầm lên đánh vần và đọc toáng lên cái này cái khác dù chẳng hiểu gì. Phải mở ngoặc ở đây là tôi biết đọc rất sớm do được dạy ở nhà, lúc ấy chưa đi học ở trường nhưng đã biết đọc báo, đã đọc được những mẩu quảng cáo mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ như "Ai đau khổ vì bệnh trĩ", rồi lại "Chẳng phải xoa bóp ngoài da qua loa mà khỏi, hãy uống tiêu độc hoàn ông Tiên" vv. Nhưng dù không hiểu gì, tôi vẫn thấy hình như cuốn sách ấy viết khá thú vị, dí dỏm (???). Và chỉ là ấn tượng mà thôi vì sau đó bố mẹ tôi hình như giấu biến cuốn sách đó đi đâu mất, thế là hết đọc. Nhưng vẫn lại nghe chị tôi nhắc đến nó khi chị ấy 18, 19 tuổi, nói chuyện với bạn bè cùng lứa ở tuổi hết lớp 12, sắp vào đại học. Lúc ấy là năm 1973, 1974 gì đó.

Vào thời gian này có một nhân vật bác sĩ-nhà văn khác mới xuất hiện, đó là Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Hình như cuốn sách đầu tiên của ông là Viết cho tuổi mới lớn hay là Viết cho tuổi dậy thì gì đó. Sách này là chị tôi mua để chị ấy đọc (hơn tôi 5 tuổi, tức chị ấy 18 thì tôi 13), chứ không phải cho tôi. Nhưng cũng vậy, tôi vẫn đọc được vì chị ấy không cần phải giấu đi đâu, tôi thì cũng khá lớn rồi. Và rất thích sách của bác Ngọc, vì có đọc thật, và thực sự bác ấy viết nhẹ nhàng, dí dỏm lắm. Bác ấy có tài văn chương thật đấy!(tôi cho mình có quyền nói thế vì tôi đọc rất nhiều, theo truyền thống gia đình, và cũng giỏi văn khi đi học, và thậm chí có cả văn, thơ đăng báo, xuất bản nữa cơ mà!)

Rồi sau đó lại thấy nổi lên một vị bác sĩ - nhà văn khác, là Bác sĩ Trần Bổng Sơn, vị mà nếu thắc mắc không biết hỏi ai thì cứ nhè bác ấy mà hỏi! Bác Sơn có viết sách không thì tôi không biết, nhưng mà các mẩu tư vấn ngắn ngắn (khoảng 1000-1200 từ) của bác ấy thì viết thú vị lắm. Có thể gọi là nhà văn, hoặc chính xác hơn, theo truyền thống Anh (UK), thì là essayist! Hoàn toàn có thể xem là một writer (chà, mà hôm nào phải xem kỹ lại xem định nghĩa writer là thế nào nhỉ?)

Không chỉ có thế, mà còn một số vị khác, tương tự bác Sơn, ví dụ tôi quên tên rồi, nhưng khi viết về những vấn đề y học thường thức đều rất dí dỏm, thú vị. Chợt nghĩ, có lẽ đây là truyền thống đào tạo bác sĩ của VN hay sao ấy, vì họ là những người phải nói về rất nhiều điều thuộc loại cấm kỵ (taboo) như tình dục và bệnh tật, chết chóc, nên phải luyện nói năng sao cho đỡ shcock, cho người nghe dễ hiểu và dễ chấp nhận, và chấp nhận một cách nhẹ nhàng, thậm chí còn thấy được sự hài hước trong những cảnh ngộ éo le nữa (nói chuyện vui buồn, hài hước lại nhớ mấy câu thơ chẳng rõ của ai - Cười như chàng trẻ hỏng thi, Khóc như thiếu nữ sắp đi lấy chồng; hoặc Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười - văn chương Việt Nam thâm thúy, ý nhị lắm!)

Rồi bây giờ thì có hiện tượng Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Việt kiều Úc, với những bài viết rất dí dỏm mà đầy thông tin, mà nổi tiếng nhất là những bài liên quan đến thịt chó mắm tôm và nhẹ cân lùn ngực lép. Nhưng tôi thực sự đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác từ khi lang thang trên thế giới mạng, tìm ra khá nhiều blog của nhiều vị bác sĩ, mới thấy rằng dù họ chưa nổi tiếng (hay nổi tiếng mà tôi chưa biết vì cuộc sống khá hạn hẹp của mình), người nào viết cũng rất hay, rất thâm thúy ý nhị, mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười (well, nếu không 10 thì cũng 9!)

Ví dụ như Bác sĩ Hồ (?) Hải ở bshohai.blogspot.com hoặc Bác sĩ Lê Đình Phương, Dr Nikonian, người vừa ra cuốn sách gì đại khái là người bệnh cuối ngày (the last patient of the day) mà báo chí nước ngoài đang nói đến gì đó (theo thông tin của chính bác ấy, tự nhận là sính ngoại ...)

Khiến cho tôi nổi hứng lên mà viết entry này, để tiếp tục củng cố cái niềm tin cái giả thuyết khoa học do chính mình tạo ra, và sẽ tiếp tục tìm hiểu về việc này. Ví dụ như là tìm thêm các trường hợp khác, rồi bắt đầu thực hiện phỏng vấn, quan sát, đo đạc (chà chà!), để tạm thời đưa ra kết luận (nghe impressive, và scientific quá đi chứ, phải không?)

Vài hàng để ghi lại cảm nghĩ. Và chợt thấy biết ơn blog, biết ơn thế giới ảo, biết ơn các mạng xã hội biết bao ... Nếu mà không có nó thì không biết VN ta còn lạc hậu đến đâu???

--
Cập nhật ngày 27/2/2010
"BS" Nguyễn Văn Tuấn mà tôi nêu ở trên thật ra là một GS và là một nhà nghiên cứu, giảng dạy trong ngành Y (dịch tễ học), chứ không phải là một bác sĩ điều trị. Tôi đã gặp và hỏi chuyện trực tiếp nên biết.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Lại nói về việc dịch: (the) common good, (the) public good, a public good (public goods)!

Tình cờ đọc một tựa bài viết trên SciDev.net có cụm từ public good (nguyên văn: clean technology as a public good), lại nhớ đến một cuộc tranh cãi mệt mỏi với một đồng nghiệp về cách dịch từ này, nên ghi lại ở đây vài ý để chính mình nhớ, và chia sẻ với những ai ... không may láng cháng đến trang blog này của mình.

Nếu ai tra nghĩa của cụm từ public good sẽ thấy nó có một số nghĩa khác nhau, ví dụ như những định nghĩa sau theo trang search của google:

Definitions of Public good on the Web:

In economics, a public good is a good that is non-rivaled and non-excludable. This means, respectively, that consumption of the good by one individual does not reduce availability of the good for consumption by others; and that no one can be effectively excluded from using the good. ...
en.wikipedia.org/wiki/Public_good

The general welfare of the people; the best interests of the community
en.wiktionary.org/wiki/public_good

A good that cannot be charged for in relation to use (like the view of a park or survival of a species), so there is no incentive to produce or maintain the good. ...
www.economics.noaa.gov/

a good, such as national defense, that costs little or nothing for an extra individual to enjoy and the costs of preventing any individual from the enjoyment of which are high; public goods have the properties of nonrivalrous consumption and nonexcludability.
www2.wwnorton.com/college/econ/stec3/economics/glossary.htm

A pure public good is characterized by its nonexclusive nature: anyone can benefit from it, and a person's use of the good does not diminish ...
www.minneapolisfed.org/community_education/student/essay/topics/gloss97.cfm

a good or service that has the characteristics of non-rivalry in consumption and non-excludability (chapter 15)
www.johnwiley.com.au/highered/eco2e/micro/student-res/glossary.html

a good or service that is provided to the public without profit
libraryclass103.wordpress.com/2009/01/20/definitions-set-1/


những chỗ in đậm (bold) là mình mới thêm vào để nhấn mạnh. cần lưu ý: public good có khi được đối xử như một từ đếm được (a good, goods), và có khi được đối xử như một từ không đếm được (chỉ dùng the ... good - giống như the young, the old, the ugly vv).

và rắc rối chính là ở chỗ này đây. khi dùng đếm được, thì phải dịch là hàng hóa, dịch vụ (các định nghĩa ở trên đã làm rõ), còn khi không đếm được, thì phải dùng với nghĩa ích lợi (và có thể dùng the public good hoặc the common good, nghĩa giống nhau, cả hai đều dịch là công ích).

chỉ có vậy thôi, ai không tin cứ dùng ngữ học dữ liệu mà kiểm tra (có thể kiểm tra trên google, ai không rõ cách làm thì hỏi chủ nhân của blog này). thế mà mình lại xui xẻo, bị một người biết một mà không biết hai, chê rằng là mình không đúng mà lại còn dám sửa người khác!

thế nên mới nói dịch là một nghề rất là thù địch, có thể bị phục binh bất cứ nơi nào!

dịch mà không phản, ấy mới là dịch vậy!

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Choosing a thesis topic

And here are some good pieces of advice from the Internet:

Source: http://graduate-schools.suite101.com/article.cfm/dissertation_and_thesis_topics

---
...
Here are some criteria to keep in mind when choosing a dissertation or thesis topic.

1. Choose a topic you love. This may be the most important criteria. You're going to be spending so much time with this project, and your quality of life will be much better if these hours are spent enjoyably. What's more, the quality of your research, writing, and arguments will be much better if you feel genuine passion for your work, Choose a topic you find both fascinating and socially significant. Never let someone pressure you into writing about a certain topic!

2. Pick something your advisor finds interesting and is knowledgeable about. Of course, is this is not possible, you might want to change your advisor instead of changing your topic.

3. Pick a topic that will be helpful in your career path. If your goal is an academic career, pick a topic that you can easily modify into journal articles or a book, and that will lend itself well to future research. If you want to work at a teaching oriented institution, consider a topic you can use in the classroom. If you are going into industry, choose a topic that will make you more marketable.

4. Find a topic that establishes your niche in your field. Do your research and find a topic that fits into existing bodies of literature, but that builds upon theory and expands it.

5. Choose research that is unique. Do significant research to make sure this topic has not been done before. Be creative and choose an idea that stands out from the pack as original and innovative.

6. Think carefully before you choose a controversial topic. Academics are a sensitive lot, and in every field there are certain topics and positions that will send highly educated people into intellectual temper tantrums. This doesn't mean you should avoid topics that push people's buttons. However, if you choose a controversial topic, think carefully about whether it might restrict your employment, tenure, or publishing opportunities.

7. Pick a topic that you already have some expertise about. This will help preserve your sanity and get you out the door faster. This isn't the time to explore a brand new area. Along the way, take coursework and write class papers that will help you write your dissertation or thesis.

8. Pick a manageable topic. This is a huge project, but it isn't your life's research. A good advisor will help you narrow down your topic so that you don't remain in graduate school for many long years.


Read more: http://graduate-schools.suite101.com/article.cfm/dissertation_and_thesis_topics#ixzz0W9LM7eQk

MY REFLECTIONS FOR THE FIRST THESIS SUPERVISING SESSION (Nov 7, 2009)

MY REFLECTIONS FOR THE FIRST THESIS SUPERVISING SESSION (Nov 7, 2009)

There may be different classification systems of research topics, but as a practitioner I’d like to classify them into doable and undoable topics.

But how do you know which one is doable, and which one is undoable? To decide, I always look at these 3 factors:

1. data availability: most important factor because research in social sciences is evidence-based. The quality of your research can only be as good a the quality of your data!
2. relevance to the target audience: you would not want to talk to black people about what kind of cosmetics is suitable for blondes!
3. significance of results: this means, do the target audience learn something after reading your research?

If the answers all of these questions are no, then you should change your topic IMMEDIATELY! If there are 2 ‘yeses’, then work in more details on the ‘no’ that is left to see whether it can change. If there is only one yes, consider whether you should stay with the topic, or change. If it is really significant, then by all means go ahead if you have nothing to loose. If it is relevant and is something that interests you, my advise is not to do it for your thesis; wait until you have finished your thesis first!

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Reflections on Fran's first class (6/11)

Just a quick entry lest I forget what is important to note:

1. In terms of content: not just 'how-to', but more importantly, 'why'!
2. In terms of methodology (didactic approach): interaction and student participation
3. In terms of assessment method: not (just) tests and examinations, but rather, porfolio!
4. In terms of assessment purpose: not (just) for grades, but for feedback!
5. In terms of student-teacher relationship: teachers not only teach, but also learn; teachers ask ss to give feedback on their performance; we never do that!!!!!

Another piece of good news!

Here is the URL to another lesson bank (free) from the Internet:

http://www.newsenglishlessons.com/

Here you can choose the appropriate lesson from a bank, with MP3 files and pdf lesson activities. And for all levels, all (well, almost all) topics imaginable.

Go there and make use of this free resource!

Phản biện cần thông tin khoa học

Phản biện cần thông tin khoa học


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=235958&ChannelID=3


Thứ Năm, 27/12/2007, 08:04 (GMT+7)

Bộ Y tế: quyết định dừng sử dụng mắm tôm là cần thiết

TT (Hà Nội) - Quyết định dừng sử dụng mắm tôm trên phạm vi toàn quốc vào thời điểm cao trào của dịch tả là phù hợp với tình hình thực tế, là biện pháp cần thiết trong trường hợp khẩn cấp có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng người dân.

Hôm qua 26-12, Bộ Y tế đã có thông báo chính thức, khẳng định như trên, trả lời băn khoăn của dư luận xung quanh quyết định dừng sử dụng mắm tôm.

Trong thông báo này, Bộ Y tế dẫn kết quả cuộc điều tra 61 người bệnh đầu tiên trong vụ dịch, trong đó mắm tôm bị nghi là thực phẩm mang mầm bệnh và có nhiều khả năng gây bệnh. Bộ Y tế cũng cho rằng cùng với các hoạt động chống dịch khác, quyết định dừng sử dụng mắm tôm đã góp phần vào kết quả dập tắt dịch tả trong vòng hơn một tháng.

L.ANH


Tưởng rằng không có gì để nói thêm nữa trong vụ mắm tôm, nhưng khi đọc được bản tin trên đây, cúng tôi không thể không có thêm vài hàng bình luận.

Bộ Y tế vẫn viện dẫn kết quả 61 người bệnh đầu tiên có tiền sử ăn mắm tôm để kết luận rằng mắm tôm là thủ phạm của vụ bệnh tả và tiêu chảy cấp tính. Một người đọc bình thường phải hỏi ngay: tại sao mắm tôm? Thế còn các “thói quen” khác như ăn uống khác như ăn cơm, ăn rau sống, uống nước, uống bia, tắm sông, v.v… thì sao?

Thật là ngạc nhiên khi động từ “nghi” được sử dụng để “kết tội” một yếu tố dịch tễ học. Trong khoa học, phải có giả thuyết khoa học và kiểm định giả thuyết khoa học (chứ không thể nói “nghi” được). Dựa vào lí do sinh học gì để nói mắm tôm là thủ phạm bộc phát bệnh, khi hàng chục nghiên cứu trong y văn chỉ ra rằng với nồng độ muối lên đến >15% thì vi khuẩn tả không thể tồn tại.

Ngoài ra, vi khuẩn tả không thể tồn tại trong môi trường pH<3.>

Câu văn “Bộ Y tế cũng cho rằng cùng với các hoạt động chống dịch khác, quyết định dừng sử dụng mắm tôm đã góp phần vào kết quả dập tắt dịch tả trong vòng hơn một tháng” hàm nói đến một mối liên hệ nhân-quả (cause-effect relation). Lí giải của Bộ Y tế có thể diễn giải một cách gọn như sau: sau khi mắm tôm bị cấm, số bệnh nhân giảm xuống; suy ra, mắm tôm là nguyên nhân.

Nếu dùng cách lí giải và logic trên, chúng ta cũng có thể tiên đoán: ngưng cấm mắm tôm, bệnh tả sẽ bộc phát. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Do đó, lí giải trên cũng có vấn đề về logic và thực tế. Thật ra, chúng tôi thấy cách lí giải như thế của Bộ Y tế quá dễ dãi, và càng không phù hợp chút nào đối với một ngành hoạt động được xem là khoa học: ngành y tế.

Dịch tiêu chảy và bệnh tả vừa qua không phải là lần đầu ở nước ta. Trong quá khứ, đã có hàng chục vụ như thế. Thật ra, năm nào các bệnh viện cũng đều có điều trị nhiều ca bệnh tiêu chảy và bệnh tả. Nhưng trong thời gian đó mắm tôm vẫn được sản xuất, vẫn được phân phối, và vẫn được tiêu thụ. Như vậy có thể cho rằng mắm tôm là thủ phạm không? Câu trả lời quá hiển nhiên!

Nếu mắm tôm là nguyên nhân gây bệnh thì tại sao 134 mẫu mắm tôm được lấy đi xét nghiệm và tất cả đều âm tính với vi khuẩn tả? Xác suất của một kết quả 134/134 âm tính như thế là bao nhiêu? Thấp lắm. Nếu không tin, Bộ Y tế thử hỏi các chuyên gia trong Bộ tính toán thử xem. Nếu cần, chúng tôi có thể hướng dẫn (miễn phí) cách tính.

Nói tóm lại, những phát biểu mới nhất của Bộ Y tế liên quan đến mắm tôm vẫn chưa mang tính thuyết phục. Chưa thuyết phục vì các phát biểu này thiếu khoa học tính, và không phù hợp với thực tế.

Có lẽ Bộ Y tế nên công bố cho quần chúng biết cách thu thập thông tin về 61 bệnh nhân đó ra sao (cụ thể câu hỏi nào được đặt ra và ai thu thập các thông tin đó), và xử lí các thông tin đó như thế nào, mà Bộ đi đến kết luận lúc ban đầu. Các thông tin này sẽ giúp cho sự phản biện khách quan hơn và không phải mang tính một chiều như hiện nay.

Posted by Nguyễn Văn Tuấn at 4:57 PM

Cơ sở khoa học của Bộ Y tế (bổ sung)

Cơ sở khoa học của Bộ Y tế (bổ sung)
Theo dõi những câu hỏi và trả lời trực tuyến do báo Tuổi trẻ tổ chức hôm thứ Bảy về vụ qui định lái xe gắn máy, tôi thấy nhiều người dân đặt câu hỏi hay, hết sức thiết thực, nhưng ngược lại những câu trả lời của các quan chức y tế và chuyên gia thì quá thất vọng. Thất vọng vì họ không trả lời câu hỏi của người dân, hay trả lời mà cứ như là hô khẩu hiệu tuyên truyền, hoàn toàn không có một bằng chứng khoa học nào cả. Xin trích dẫn vài câu hỏi, trả lời, và bình luận của tôi như sau:


Hỏi: Xin chào quý cơ quan, cho tôi được phép hỏi tại sao lại ra luật như vậy mà chưa xem xét ý kiến củq người dân. Tôi biết "Nhà nước này là của dân và do dân" mà đúng không? Ông Bộ Y tế thực tế đã xem xét kỹ các yếu tố trên về tai nạn giao thông chưa mà dám ra quy định như vậy? Tôi đã chạy xe máy gần 20 năm nay rồi mà chưa có lần nào gây tai nạn giao thông... mặc dù tôi không đủ tiêu chuẩn như quy định của Bộ Y tế mới đề ra như hiện nay. Tôi mong các cơ quan chức năng nên xem xét lại vấn đề này. (Cô minh, 39 tuổi, minhnghi2009@yahoo.com).


Trả lời: Đúng như vậy, Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mọi quy định của pháp luật đều vì lợi ích của người dân. Mọi hoạt động của Bộ Y tế cũng vì mục đích cao đẹp đó. Cũng vì xuất phát từ vấn đề bảo đảm an toàn và hạnh phúc của dân khi tham gia giao thông mà chúng tôi có quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe.


Xin chúc mừng chị đã đảm bảo an toàn giao thông trong 20 năm qua, chúc chị luôn luôn có "phong độ" như vậy trong thời gian tới. Chị chưa nói rõ về sự thiếu hụt về sức khỏe của chị nên chúng tôi chưa có bình luận gì. Quan điểm của Bộ Y tế khi xây dựng quy định này là phù hợp với chuyên môn, tạo điều kiện tối đa cho người dân nhưng phải bảo đảm an toàn giao thông. Khi quy định này đi vào thực tiễn, nếu có điểm nào chưa phù hợp, chúng tôi sẵn sàng sửa đổi, bổ sung.


Bình luận: Có ai dám tin rằng qui định này “vì lợi ích của người dân” không, khi mà có đến 5-6 triệu phụ nữ Việt Nam có nguy cơ không được phép lái xe gắn máy trên 50 cc hay lái xe ôtô. Đảm bảo an toàn giao thông? Bằng chứng nào cho thấy giao thông sẽ an toàn hơn nếu áp dụng mấy qui định mới này? Tôi nghĩ vị quan chức này chưa trả lời câu hỏi của người hỏi.


Hỏi: Từ xưa đến nay có ai gây ra tai nạn giao thông duới 1m45 hay dưới 40kg không? Cho dù có cao hay nặng đi chăng nữa thì nếu không có ý thức trong việc tham gia điều khiển phương tiện giao thông thì cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Những người "lùn" và "ốm" có thể là do trời sinh người ta vậy chứ bản thân họ có muốn không? Nếu cấm họ thi lấy bằng và điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vậy có phải là phân biệt đối xử không? (nguyen minh phuong, 30 tuổi, elvisphuong84@yahoo.com).


Trả lời: Mọi người đều thừa nhận rằng sức khỏe là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Nội dung này đã luật pháp khẳng định. Tôi hoàn toàn đồng tình với bạn về vấn đề ý thức của người tham gia giao thông, bạn có thấy rằng rất nhiều tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian qua là do ý thức của người tham gia giao thông quá kém. Chúng tôi ban hành quy định này cũng là nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người. Với những người không đủ điều kiện về sức khỏe lái xe máy trên 50cm3, vì sự an toàn giao thông của cá nhân và cộng đồng, có thể lựa chọn phương tiện giao thông phù hợp như xe gắn máy dung tích xi lanh dưới 50cm3.


Bình luận: Vị quan chức này vẫn chưa trả lời một câu hỏi rất hay và rất thực tế. Câu hỏi là có ai gây ra tai nạn giao thông dưới 145 cm hay dưới 40 kg không, mà ông quan chức này nói “mọi người đều …”! Mọi người là ai? Nếu muốn nói là “theo quan điểm của tôi” thì nói phức cho rồi, sao lại nói “mọi người”? Chắc chắc rất nhiều người trong thời gian qua không đồng tình và bất đồng ý với Bộ Y tế. Xin đừng ngụy biện theo kiểu mượn danh quần chúng (“mọi người”) để biện minh cho quan điểm phi khoa học của Bộ.


Hỏi: Tôi từng du học ở Mỹ và được cấp bằng lái xe ở đó. Tôi còn nhớ quá trình tiến hành các thủ tục cấp phép họ không có một yêu cầu nào về các chứng nhận sức khỏe. Vậy mà tổ chức giao thông ở họ vẫn tốt, tai nạn ít hơn Việt Nam rất nhiều. Vậy xin hỏi các cơ sở khoa học của quy định Tiêu chuẩn sức khỏe của Bộ Y tế là như thế nào? Tiêu chuẩn cần thiết cho ai? Cho xã hội? Cho các cá nhân điều khiển phương tiện? Cho các cơ sở, các cá nhân trực tiếp khám và ban hành giấy chứng nhận sức khỏe? Hay bộ chỉ muốn chứng tỏ mình quan trọng? (Tran Minh, 34 tuổi, thcongdan1@gmail.com).


Trả lời: Chào bạn Tran Minh, Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, về mặt này Bộ Y tế đúng là một cơ quan quan trọng, chắc bạn và mọi người cũng đồng ý với tôi như vậy. Cơ sở khoa học của tiêu chuẩn sức khỏe chủ yếu dựa trên kết quả điều tra quốc gia năm 2001-2002. Trong những ngày vừa qua, có nhiều ý kiến không đồng tình với một số tiêu chuẩn về thể lực: chiều cao, cân nặng, vòng ngực ... Có thể có những tiêu chuẩn cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế về thể lực của người Việt Nam hiện tại nhưng việc đưa ra tiêu chuẩn vẫn cần thiết đối với đảm bảo an toàn giao thông cho chính người điều khiển phương tiện và cho những người khác. Người điều khiển phương tiện có quyền lựa chọn phương tiện phù hợp với điều kiện thể lực, sức khỏe phù hợp với chính mình.


Bình luận: Lại một câu hỏi về cơ sở khoa học của những qui định của Bộ Y tế, nhưng cách hỏi chứng tỏ người hỏi nắm vững vấn đề và có trình độ khoa học. Tuy nhiên, câu trả lời thì giống như không trả lời, vì không hàm chứa một information content (nội dung). Nói rằng cơ sở khoa học là một cuộc điều tra 2001-2002 hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả. Kết quả của cuộc điều tra đó là gì? Có phải cuộc điều tra đó có mục tiêu phân tích mối liên hệ giữa thể trạng và tai nạn giao thông không? Tôi không tin như vậy, bởi vì ngay cả Bộ trưởng GTVT còn nói chẳng có nghiên cứu nào như thế trong quá khứ cả. Như vậy, vị quan chức này vẫn chưa trả lời câu hỏi của bạn đọc.


Hỏi: Dạ thưa thầy, dưới cái nhìn của nhà nhân trắc học, thầy có nhận định thế nào về những số đo ước lượng (chiều cao, cân nặng, vòng ngực) trong quy định của Bộ Y tế ban hành, những con số đó có hợp lý hay không? Ngoài ra, việc không chấp nhận cho những người không đủ 1 trong 83 hạng mục sức khỏe (nhiều hạng mục khá mơ hồ) sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới người dân, điều đó có quan tâm tới ý nghĩa nhân văn đúng mực chưa ạ? Em xin cảm ơn thầy và kính chúc thầy luôn mạnh khỏe! (Mai Trần, 25 tuổi, pixie_spring@yahoo.com.au)


Trả lời: Chào bạn, về các số đo và tiêu chuẩn thể lực, quy định của Bộ Y tế là có cơ sở khoa học. Tuy vậy, theo "qui tắc 1 - 2 - 3 s (sigma)" cũng có một số cần điều chỉnh, vì người Việt nói chung "nhỏ thó".


Thí dụ, vòng ngực trung bình của nam và nữ thanh niên Việt Nam hiện nay là 75-80cm. Quy định chung cho cả hai giới là vòng ngực phải trên 72cm là chưa phù hợp. Tôi tham gia tiểu ban hình thể các kỳ thi hoa hậu Việt Nam từ năm 1998 đến nay, thấy có nhiều bạn nữ vòng ngực chỉ có 72-73cm nhưng khỏe mạnh và vẫn tham gia thi, vào đến vòng biểu diễn!


Quy định về thể lực và tình trạng sinh lý-bệnh tật là điều cần thiết cho người điều khiển phương tiện giao thông. Ở nước ta từ năm 2001, Bộ Y tế đã có quy định về việc này, nhưng không được phổ biến rộng rãi, chứ đây không phải là lần đầu tiên có quy định. Chính vì vậy, nhiều người cảm thấy có điều gì đó thiếu tính nhân văn.


Bình luận: Lại một câu hỏi rất hay: căn cứ vào bằng chứng nào mà Bộ Y tế đi đến những tiêu chuẩn cụ thể đó. Thế nhưng, một lần nữa, câu trả lời thì rất khó hiểu. Không biết các bạn thì sao, chứ tôi chẳng hiểu cái “qui tắc 1-2-3s (sigma)” là qui tắc gì cả. (Nếu bạn nào hiểu, làm ơn giải thích cho tôi biết). Ngoài ra, tôi không hiểu cái logic của phát biểu “vòng ngực trung bình của nam và nữ thanh niên Việt Nam hiện nay là 75-80cm. Quy định chung cho cả hai giới là vòng ngực phải trên 72cm là chưa phù hợp”. Tại sao chưa hợp lí? Dựa vào tiêu chuẩn gì để nói là hợp lí hay không hợp lí? Số liệu của tôi (chỉ ở nữ) cho thấy vòng ngực trung bình là 80 cm với độ lệch chuẩn là 5.11 cm. Nói cách khác, có khoảng 95% nữ (trên 16 tuổi) có vòng ngực dao động từ 70 cm đến 90 cm. Nhưng mấy con số này chẳng liên quan gì đến câu hỏi của bạn đọc: tại sao có tiêu chuẩn 72 cm? Theo tôi, vị quan chức này vẫn chưa trả lời câu hỏi.


Nói chung, qua vài câu trả lời của các quan chức mà tôi trích dẫn trên đây, tôi thấy rõ ràng rằng những qui định về chiều cao, cân nặng, vòng ngực, v.v… mà Bộ Y tế đưa ra trong việc xét duyệt cấp bằng lái xe gắn máy hoàn toàn không có một cơ sở khoa học đáng tin cậy nào cả. Xin lặp lại để nhấn mạnh: hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào cả.


Đọc qua những trả lời của các nhà khoa học và quan chức này, tôi thấy họ sử dụng cụm từ “khoa học” và “cơ sở khoa học” rất tùy tiện. Điều đáng ngạc nhiên (hay không ngạc nhiên) là mấy quan chức và chuyên gia này đều có bằng tiến sĩ, thậm chí mang hàm giáo sư! Tôi không biết họ hiểu thế nào là khoa học. Nhưng tôi hiểu khoa học bằng cách phân biệt giữa khoa học thật và ngụy khoa học dỏm hay ngụy khoa học (pseudoscience) như sau:


Khoa học
Ngụy khoa học

Tất cả những phát hiện, khám phá của khoa học được lưu truyền trong các tập san chuyên ngành. Các báo cáo được chấp nhận công bố trong các tập san này đều được qua kiểm tra về sự chính xác và phương pháp, bằng những tiêu chuẩn khoa học mà cộng đồng khoa học chấp nhận.

Tài liệu của khoa học dỏm chủ yếu nhắm vào công chúng. Vì nhắm vào công chúng nên giới ngụy khoa học thường đăng bài ở những tạp chí dành cho người không chuyên môn, và do đó, bài báo không có kiểm tra về phương pháp hay tính chính xác.

Tất cả kết quả nghiên cứu đều phải có khả năng tái xác nhận (repeatability). Nói một cách khác, nếu có một nghiên cứu đã được công bố bởi một nhà khoa học nào đó; nếu một nhà nghiên cứu khác lặp lại nghiên cứu đó bằng những phương pháp và với điều kiện đã được mô tả, phải đạt được những kết quả tương tự.

Kết quả không có khả năng lặp lại hay kiểm tra. Mọi “nghiên cứu,” nếu có, thường được mô tả một cách mù mờ, ỡm ờ, để cố tình không cho người khác biết rõ là họ đã làm gì và làm bằng cách nào.


Đối với các nhà khoa học, tất cả những sai lầm, thất bại đều được khai thác triệt để, xem xét kĩ lưỡng để học hỏi. Những lí thuyết sai lầm có thể cho ra những kết quả đúng nhưng ngẫu nhiên; tuy nhiên, không một lí thuyết đúng nào có thể cho ra những kết quả sai lầm.

Đối với giới làm khoa học dỏm, những sai lầm, thất bại thường được bỏ qua, dấu đi, hay chối bỏ. Họ chỉ tuyên truyền những gì hợp với ý định và chủ kiến của họ.


Thuyết phục bằng bằng chứng, bằng lí luận dựa vào logic hay lập luận, bằng cách dựa vào dữ kiện, không đi ra ngoài dữ kiện.

Thuyết phục bằng niềm tin và sự trung thành. Khoa học dỏm có một yếu tố tôn giáo; nó cố gắng cải đạo, chứ không thuyết phục. Nó đòi hỏi người ta phải tin, mặc kệ cho sự thật có đi ngược lại niềm tin.


Theo thời gian, các nhà khoa học tìm tòi và học hỏi thêm và duyệt lại những kết luận hay lí thuyết cũ. Một khi bằng chứng mới mâu thuẫn với bằng chứng cũ, bằng chứng cũ sẽ bị thay thế. Không tiến bộ, lí thuyết và kết luận không bao giờ được thay đổi.

Ý tưởng cũ không bao giờ được bỏ bất kể bằng chứng mới ra sao.



Không nhắm vào danh vọng và thị trường kinh tế hay chính trị.

Giới ngụy khoa học sống nhờ vào việc buôn bán những sản phẩm đáng ngờ (sách, báo, dầu ăn, thuốc trị bách bệnh, v.v…) hay xuất hiện trên đài phát thanh, đài phát hình để tìm đến danh vọng.



Khoa học dựa vào sự thật (facts). Những sự thật phải được quan sát hay thu thập bằng những phương pháp khách quan. Khoa học dựa vào những sự thật có thể thấy, có thể nghe, có thể sờ được, chứ không dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay suy luận theo cảm tính. Điều quan trọng và cần thiết trong khoa học là không chỉ sự thật, mà là sự thật có liên quan đến vấn đề đang được điều tra. Những sự thật này phải được thu thập (i) có tổ chức, trực tiếp, và khách quan; (ii) độc lập với lí thuyết; và (iii) một cách tin cậy để làm nền tảng cho suy luận.


Dựa vào những tiêu chuẩn trên, tôi phải nói rằng những qui định của Bộ Y tế rất phi khoa học. Phi khoa học vì chưa có một nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa thể trạng và an toàn giao thông để đi đến làm luật hay ra qui định như thế. Thật ra, nghiên cứu từ nước ngoài cho thấy qui định của Bộ Y tế đi ngược lại bằng chứng khoa học. Và, như tôi chỉ ra trong bài trước, họ còn sai về giả định đơn giản như chiều dài của chân và chiều cao. Một giả định đơn giản như thế mà Bộ còn sai thì câu hỏi đặt ra là họ còn sai chỗ nào nữa.


Hôm qua, tôi về xem lại qui định về lái xe bên Úc, tôi chẳng thấy một qui định nào về chiều cao, cân nặng, vòng ngực, hay bệnh tật để được hay không được lái xe cả. Trong giấy xin bằng lái xe, họ yêu cầu người đứng đơn khai báo những bệnh tật chưa không cấm lái xe.


Để chắc ăn, tôi xem trên trang web giao thông vận tải của Chính phủ Úc thì thấy họ liệt kê một số bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe như hay bị chóng mặt, rối loạn về ngủ, cận thị, tiểu đường, bệnh tâm thần, bệnh tim, và một số bệnh liên quan đến tuổi tác. Nhưng họ còn nói thêm rằng mắc những bệnh này không có nghĩa là bạn không được lái xe, mà có nghĩa là bạn nên đến khám bác sĩ để tự mình biết đánh giá an toàn và cẩn thận trong khi lái xe.


Tôi nghĩ cách hay nhất là rút lại qui định này để bớt một gánh nặng cho người dân.


NVT

===
TB. Viết xong bài này tôi thấy trên Diễn đàn có giới thiệu 1 bài rất hay với tựa đề là "Có bệnh không nên làm quản lý" của Nguyên Lâm sau đây:

http://www.viet-studies.info/kinhte/NguyenLam_LamQuanLy.htm


Công luận vẫn chưa hết choáng váng vì những quy định của Bộ Y tế đưa ra về “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới”. Trong đó có những chi tiết khiến tất cả những người bình thường đều phải có phản ứng như: những người thấp bé, nhẹ cân (chưa cao đủ 1,45m, nặng chưa tới 40 kg) hoặc ngực lép (vòng ngực trung bình dưới 72cm) không đủ điều kiện lái xe gắn máy từ 50-175cm3; người có bệnh viêm loét thực quản, hẹp thực quản, loét dạ dày, sa trực tràng, trĩ, viêm gan mãn tính, to gan, teo gan, người bị vỡ xương hàm...không được phép lái xe…Nhìn vào những tiêu chí này, người ta nhận ra một vài triệu chứng của những căn bệnh hình như đã thành mãn tính đối với một số nhà quản lý công quyền.





Thứ nhất, đó là bệnh về não trạng duy ý chí, bề trên. Duy ý chí vì đáng lẽ ra pháp luật xuất phát từ thực tế, trên những đòi hỏi của thực tế, pháp luật ở nước ta nhiều khi do các cơ quan quản lý ban hành trước theo suy đoán, ý thích của mình, mà không hỏi người dân, sau đó người dân mới tham gia thụ động. Bề trên vì họ chỉ đứng trên kia nhìn xuống, mà không chịu xuống nhìn, cho rằng mình lúc nào cũng đúng, dân chỉ việc làm theo mà thôi.





Nói đến não trạng cũng vì nhà quản lý công quyền đã đưa ra những quy định “vô cùng… ngớ ngẩn”, “lạ lùng”, không giống ai như vậy. Nó khiến cho mỗi người bình thường đều phải tự hỏi, không hiểu “mấy ổng” có vấn đề hay không, nghi hoặc về não trạng của họ.





Thứ hai, đó là bệnh về mắt, cụ thể là thiển cận. Chẳng lẽ cơ quan quản lý không nhận ra những điều đơn giản như đâu phải cứ thấp bé nhẹ cân là nguyên nhân gây ra tai nạn và to béo nặng cân thì không gây tai nạn? Họ cũng không nhìn thấy được gì hơn ngoài 1,45m hay sao?





Thứ ba, đó là bệnh về tai. Họ đã không biết lắng nghe. Lắng nghe ở đây không phải là một hoạt động bản năng nghe thông thường mà là một hoạt động có ý thức, là quá trình thu nhận thông tin; nó bao gồm cả quá trình tiếp nhận, phân loại, xử lý, lưu giữ và sử dụng thông tin. Về mặt tâm lí và tình cảm thì lắng nghe còn là sự chấp nhận và đồng cảm với những ai sẽ chịu ảnh hưởng của quy định quản lý. Cơ quan quản lý trong trường hợp này không hiểu đã nghe ai, nghe từ đâu, nhưng rõ ràng là họ không hề bỏ công ra lắng nghe từ chính những người có liên quan trực tiếp nhất.





Thứ tư, đó là bệnh về chân tay. Nhà quản lý trong trường hợp này lười đến nỗi chẳng buồn động chân động tay để làm những thao tác tối thiểu như thảo luận đến nơi đến chốn trước khi cho ra những quy định như vậy. Đấy là chưa nói đến những động tác nhọc nhằn, tốn công sức, thời gian như điều tra xã hội học, nghiên cứu đa ngành, đánh giá tác động…





Thứ năm, đó là bệnh về tim. Cơ quan quản lý đã không hề động lòng, tỏ ra vô cảm trước mưu sinh của hàng triệu con người. Họ coi con người như một vật thí nghiệm khi vụng chèo, vụng cả chống rằng, trong khi thực thi, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung sớm nếu thấy quy định không phù hợp thực tế. Và như một tác giả viết, họ đã làm trái với nguyên tắc y đức số một của ngành y là “không làm hại người”, khi làm tổn hại về vật chất và cả tinh thần của hàng triệu người.






Thực ra, đã có những cơ chế phòng bệnh. Trước hết, đó là tự phòng bệnh lấy với nhau. Trong mỗi bộ, Bộ Y tế cũng vậy, đều có Vụ Pháp chế có trách nhiệm thẩm định văn bản của Bộ mình, rồi lấy ý kiến trong Bộ trước khi đưa ra ngoài. Tiếp đó, văn bản được gửi đi lấy ý kiến các bộ ngành khác, gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định. Thế nhưng, những cơ chế này hiện nay có vẻ như chưa đủ sức đề kháng trước những căn bệnh nói trên. Cơ chế khiếu kiện hành chính nước ta cũng hơi trái khoáy khi chỉ cho phép kiện văn bản ảnh hưởng đến cá thể, mà không được kiện những văn bản có phạm vi ảnh hưởng rộng như Quyết định của Bộ Y tế. Còn tòa án hiến pháp lại chưa có ở nước ta, trong khi Quyết định này rõ ràng tác động xấu đến quyền đi lại- một quyền cơ bản của hàng triệu công dân, và phân biệt đối xử, kỳ thị với những người bị thiệt thòi.


Trong Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2008 đã có quy định cơ quan ban hành văn bản phải tiến hành đánh giá tác động của văn bản, nếu không sẽ không được chấp nhận. Theo đó, cần đánh giá chi phí, hệ quả, những tác động có thể xảy ra đối với các nhóm trong xã hội, các khu vực, hoặc toàn bộ xã hội và nền kinh tế từ sự thay đổi chính sách hoặc pháp luật, được thực hiện trong qua trình làm luật, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật hoặc ban hành chính sách mới. Điều quan trọng, cơ bản nhất là nó đưa ra nhiều phương án khác nhau, và nghiên cứu, phân tích, đánh giá, so sánh tác động của các giải pháp đó, lựa chọn chính sách, cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền, để họ có thể lựa chọn được giải pháp tốt nhất. Phương pháp này thiết lập các tiêu chí để đánh giá và so sánh các tác động đó. Đây là sự tiếp nhận một thông lệ tốt của nhiều nước. Tuy nhiên, theo Luật, Quyết định của Bộ lại không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, Luật này đến tháng 1/2009 mới có hiệu lực. Như vậy, hiện tại chỉ còn trông chờ vào Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp có tiếng nói phản biện, và Bộ Y tế “bỗng dưng” khỏi bệnh chăng?





Còn đối với các dạng văn bản quy phạm pháp luật khác, trong quá trình lấy ý kiến góp ý Nghị định thực thi Luật này, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị phải đánh giá tác động đối với tất cả những văn bản nào ảnh hưởng đến nhiều người, nhóm dân cư trong xã hội. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu được chấp thuận, đây sẽ là một bộ lọc gạn lọc những văn bản không cần thiết, một cơ chế phát hiện, phòng ngừa việc ra đời những văn bản “lạ lùng” như vậy.





Cuối cùng, như một giáo sư có nói, “cần ban hành gấp quy định: người thiếu chất xám thì không được làm quản lý”. Người dân cũng tự hỏi: “mấy ổng” mắc nhiều bệnh vậy thì có đủ tiêu chuẩn để ngồi ở cái ghế quản lý công quyền, quyết những chuyện của hàng triệu con người như chúng ta?


Nguyên Lâm

Posted by Nguyễn Văn Tuấn at 3:45 PM
Links to this post
bàn lại tiêu chuẩn sức khỏe để cấp giấy phép lái xe
nlđ - 1 giờ 56 phút trước (nlđ) - theo bộ trưởng bộ tư pháp hà hùng cường, hôm nay, 29-10, bộ y tế sẽ chủ trì cuộc họp liên bộ tư pháp, công an, gtvt, lđ-tb-xh nhằm bàn lại một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn sức khỏe để được cấp ...
Posted by atOctober 28, 2008 10:41 AM
"tiêu chuẩn đi xe máy không thực tế, gây tốn kém"
vnexpress - 2 giờ 20 phút trước "quy định chiều cao, cân nặng đi xe máy của bộ y tế có nhiều điểm khiến người dân băn khoăn bởi tính không thực tế và đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn gây tốn kém", bộ trưởng tư pháp hà hùng cường trao đổi với ...
Posted by atOctober 28, 2008 4:15 AM
bộ y tế nhận lỗi, hạ 83 xuống còn 40 tiêu chuẩn!
vnn - 2 giờ 30 phút trước. bộ y tế đã phải hạ chuẩn đối với người muốn sử dụng phương tiện giao thông. thay vì 83 tiêu chuẩn, nay bộ này dự kiến rút xuống còn... 40. cơ sở khoa học của bộ y tế - blog tuấn nguyễn ...
Posted by atOctober 27, 2008 3:38 PM

Bằng chứng khoa học

Thursday, October 30, 2008
Bằng chứng khoa học
Sáng nay đi làm băng qua ngã tư đường có đèn giao thông gần bệnh viện St Vincent’s tôi chú ý đến hai bà cụ mặc đồng phục lao động đang ngồi chăm chú nhìn xe qua lại và bấm nút như đồng tiền. Tò mò, tôi đến hỏi hai bà làm gì, thì được biết là nhiệm vụ của họ là đếm số lượng xe qua lại. Tôi hỏi tại sao phải 2 người, thì bà cụ nói vì có hai con đường, một bà theo dõi xe đi chiều dọc, còn một bà theo dõi xe đi theo chiều ngang. Tại sao làm việc này? Tại vì có người than phiền là ngã tư này có vẻ ưu tiên cho một luồng xe, và thế là không công bằng, cho nên Nha Công chánh phải làm thu thập dữ liệu để xem than phiền đó có đúng không, và phía bên nào nhiều xe hơn phía bên nào, rồi từ đó sẽ sửa lại (nếu cần) thời gian đèn đỏ và đèn xanh. Hai bà cụ sẽ làm việc này trong vòng 3 ngày để thu thập dữ liệu.


Có thể nói rằng lời than phiền của dân chúng tương đối nhỏ. Nếu có chậm trễ vài giây cũng chẳng dẫn đến thiệt thòi gì đáng kể. Nhưng vấn đề không phải chỉ vài giây, mà là tích lũy suốt ngày thì sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất lao động và bất công . Nhưng trước khi thay đổi chu trình đèn đường, Nha Công chánh phải cẩn thận thu thập dữ liệu để làm cơ sở khoa học.


Nhìn người lại nghĩ đến ta. Người ta chỉ vì một việc nhỏ như thế mà còn phải cẩn thận thu thập dữ liệu để đảm bảo tính khách quan, còn ở nước ta, một qui định ảnh hưởng đến hàng triệu người mà chẳng hề trình bày được một thông tin khoa học nào đáng tin cậy, chẳng làm được một nghiên cứu khoa học nào. Tìm trong Pubmed, hoàn toàn không có một nghiên cứu nào về thể trạng và an toàn giao thông ở Việt Nam. Hoàn toàn không. Ấy thế mà các quan chức nhà ta mở miệng ra là nói là “có cơ sở khoa học”! Tôi nghĩ chắc họ hiểu lầm ý nghĩa của cơ sở khoa học, chứ chẳng phải nói dóc gì đâu.


Tôi là người tin vào trường phái y học thực chứng (evidence-based medicine), làm gì cũng phải căn cứ vào bằng chứng thu thập và xử lí có hệ thống. Đành rằng bằng chứng khoa học cũng có thể sai, nhưng không dựa vào bằng chứng khoa học thì sai lầm sẽ nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Hi vọng rằng qua bài học “chiều cao cân nặng” này Bộ Y tế sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm để bà con nhờ trong tương lai.

Nguồn: tuan's blog
NVT

Posted by Nguyễn Văn Tuấn at 2:55 PM

Thế nào là “Cơ sở khoa học”

Thursday, October 30, 2008
Thế nào là “Cơ sở khoa học” ?
Hai chữ “khoa học” đang trở thành một loại ngôn ngữ thời thượng của một số người muốn tăng trọng lượng cho phát biểu của mình. Các quan chức, không chỉ riêng ngành y tế, sử dụng hai chữ đó như là một dấu ấn cho độ tin cậy của những nhận xét. Nhưng tôi e rằng hai chữ “khoa học” đã bị hiểu lầm, rồi từ hiểu lầm dẫn đến lạm dụng, và lạm dụng khoa học dẫn đến việc gây khó khăn cho nhiều người và bất bình đẳng trong xã hội.


Khi được hỏi dựa trên cơ sở nào mà Bộ Y tế ra qui định người lái xe gắn máy trên 50 cc phải có chiều cao trên 145 cm và cân nặng trên 40 kg, các quan chức y tế cho biết họ dựa trên “cơ sở khoa học”. Họ giải thích thêm rằng đó là những số liệu về chiều cao và trọng lượng trung bình tính từ một cuộc điều tra nhân trắc học ở nước ta vào thập niên 1990. Phát biểu của một quan chức y tế cho biết: “Người Việt Nam 20-24 tuổi, nam có chiều cao là 163,72±4,67cm, cân nặng là 52,11±4,70 và nữ có chiều cao là 153,00±4,32cm, cân nặng là 44,60±4,22. […] Như vậy, việc quy định người có chiều cao dưới 1m45 hoặc cân nặng dưới 40kg thì không được lái xe A1 là có cơ sở khoa học và cũng phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.” Ngoài ra, Bộ Y tế còn cho biết họ đã tham khảo với các chuyên gia về nhân trắc học, xã hội học, chuyên gia pháp luật, và các giáo sư và những vị có uy tín trong ngành y tế.


Thật khó hiểu được cái logic biện chứng cho tiêu chuẩn thể trạng về an toàn giao thông bằng một liên kết giữa những con số trung bình và qui định về một ngưỡng chiều cao hay cân nặng. Thật ra, một liên kết như càng không thể xem đó là giải thích “khoa học”. Thế thì câu hỏi đặt ra là: cơ sở khoa học là gì? Theo cách hiểu được cộng đồng khoa học nhất trí, một qui định hay phát biểu được xem là khoa học nếu hội đủ ít nhất là 3 điều kiện: dữ liệu thật, công bố trước công chúng, và tính tái xác định. Một qui định hay phát biểu không hội đủ 3 điều kiện này không thể xem là mang tính khoa học được.


Khoa học dựa vào sự thật hay dữ liệu thật. Những sự thật phải được quan sát hay thu thập và đo lường bằng những phương pháp chuẩn. Điều quan trọng và cần thiết trong khoa học là không chỉ sự thật, mà là dữ liệu có liên quan đến vấn đề đang được điều tra. Ở đây vấn đề đang được quan tâm là an toàn giao thông và yếu tố gây nên tai nạn giao thông, chứ không phải những con số thống kê mang tính mô tả về chiều cao, cân nặng, hay vòng ngực. Do đó, đưa ra những con số trung bình từ một cuộc điều tra cộng đồng (chưa hẳn là một nghiên cứu khoa học) chẳng có liên quan gì đến an toàn giao thông không thể xem là bằng chứng khoa học được.


Khoa học không dựa vào kinh nghiệm cá nhân (dù cá nhân đó là chuyên gia) hay suy luận theo cảm tính. Theo y học thực chứng, ý kiến cá nhân của các giáo sư và chuyên gia có giá trị khoa học thấp nhất. Điều này đúng vì lịch sử y tế và y học cho thấy suy luận theo cảm tính đã gây ra rất nhiều tác hại cho bệnh nhân. Do đó, dựa vào ý kiến của chuyên gia thì không thể nói đó là bằng chứng khoa học được.


Bằng chứng khoa học là những kết quả và dữ liệu nghiên cứu đã được công bố trên các tập san khoa học chuyên ngành, và các tập san này có hệ thống bình duyệt (phản biện) từ các chuyên gia. Người viết bài này đã xem qua thư viện y sinh học quốc tế và chưa thấy bất cứ một nghiên cứu nào từ Việt Nam về mối liên hệ giữa chiều cao, cân nặng, hay vòng ngực và tai nạn giao thông. Các nghiên cứu từ nước ngoài cho thấy chẳng có mối tương quan nào giữa chiều cao hay trọng lượng và tai nạn giao thông, nhất là ở nữ. Do đó, chưa có thể nói rằng những qui định của Bộ Y tế về thể trạng để cấp bằng lái xe gắn máy là dựa vào bằng chứng khoa học được.


Để mang tính chất khoa học, tất cả kết quả nghiên cứu đều phải có khả năng tái xác nhận. Liên quan đến đặc tính này, có thể nói mối liên hệ giữa chiều dài của chân và chiều cao mang tính khoa học, bởi vì nghiên cứu từ Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, và Nhật đều cho ra một kết quả nhất quán: chiều dài của chân bằng 46% chiều cao khi đứng. Kết quả của một nghiên cứu đơn thuần chưa thể xem là mang tính khoa học nếu kết quả này chưa được lặp lại nhiều lần trong nhiều quần thể khác nhau. Do đó, giả định của Bộ Y tế cho rằng chiều dài của chân bằng 51,7% chiều cao (để qui định chiều cao tối thiếu 145 cm) là không có cơ sở khoa học. Cho đến nay, chúng ta chưa thấy bất cứ một mối liên hệ nào giữa thể trạng và tai nạn giao thông tại Việt Nam, cho nên chúng ta có quyền nghi ngờ “cơ sở khoa học” của Bộ Y tế.


Y tế và y khoa ngày nay dựa vào bằng chứng khoa học (còn gọi là y học thực chứng – evidence-based medicine). Bằng chứng khoa học có thể không hoàn hảo, nhưng dựa vào bằng chứng khoa học chúng ta ít sai hơn là dựa vào kinh nghiệm và niềm tin duy ý chí. Do đó, ở các nước tiên tiến ngày nay, mọi chính sách y tế công cộng đều dựa vào bằng chứng từ nghiên cứu khoa học và kiến thức thực địa, chứ không phải dựa vào ý kiến cá nhân của chuyên gia hoặc một chỉ đạo duy ý chí nào.


Chính vì dựa vào bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa việc thắt dây an toàn và tai nạn giao thông mà ở các nước phương Tây, Nhà nước có qui định bắt buộc người lái xe và hành khách xe ôtô phải thắt dây an toàn, hay người đi xe gắn máy và xe đạp phải đội nón bảo hộ. Nhưng vì chưa đủ bằng chứng khoa học về thể trạng và an toàn giao thông, cho nên chưa có nước nào dựa vào chiều cao hay cân nặng hay vòng ngực để hạn chế cấp bằng lái xe gắn máy. Thật vậy, ở các nước phương Tây, người khuyết tật, người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, thấp khớp, cao huyết áp, v.v… cũng được quyền lái xe.


Những lí giải trên đây cho thấy rõ ràng rằng qui định của Bộ Y tế chẳng những không có cơ sở khoa học, mà còn không phù hợp với trào lưu quốc tế, và vô hình chung gây khó khăn cho hàng triệu người, nhất là phụ nữ, và như đã chứng minh trong bài trước, gây bất bình đẳng xã hội một cách nghiêm trọng.


Điều đáng khích lệ là Bộ Y tế đã thấy sai lầm và đã rút lại qui định này. Nhưng quan trọng hơn là Bộ cần phải tài trợ nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa để trong tương lai các chính sách của Bộ mang tính khoa học hơn.

Nguồn: tuan's blog

Posted by Nguyễn Văn Tuấn at 10:18 PM

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

Good news: Learn English while watching videos!

Good news for teachers and learners: There is a website where you can go watch videos and learn English at the same time. The link is below:

http://englishcentral.com/en/videos

Here you can find short real-life videos about current issues followed by exercises for you to practice your English. What is more, there is built-in speech recognition technology on the web page, so you can practice speaking just like a native speaker!

Well, don't take my word for it; go there and see for yourself!

Cultural Awareness Activity for a New Class (Intermediate Level)

Pre-reading, lead-in activities

1. Ask ss whether they have foreign friends. It does not matter whether they have one or not.

2. If they have one, ask them what difficulties they have, if any, communicating with their foreign friends. If they do not, ask them what they think will be the most difficult aspect of communicating with a foreigner.

3. Allow them some time to talk about their experience.

Reading

1. Put them in group using their laptop to explore the Culture Crossing Web page (http://culturecrossing.net). After a while, ask them what they found on the web page, and whether they think it's useful.

2. Ask them to go to the Culture Crossing Web page to read the Guide about Vietnam and a country of their choice, then compare the differences.

Post-reading

1. Ask them to say whether they agree or disagree with what they found in the guide.

2. Ask them to change whatever they want to change, and give an explanation of the changes.

English learning and teaching resources from the Internet

Here are some websites that you might find useful:



1. http://englishcompanion.ning.com/

ENGLISH COMPANION NING COMMUNITY



English Companion Ning Community: Principles and Practices

This document is meant to make clear to members of the EC Ning community why the EC Ning exists, how to use it, and what is permissible. This is an evolving document created by the community and subject to revision as the members of the EC Ning community deem necessary. I like Michael’s suggested credo: “The English Companion Ning is a community where above all else professionalism is expected, cultivated, and required. All posted content must add positively to our professional neighborhood; therefore, any person whose acts are deemed outside of this basic etiquette may be asked to leave.”



A few more specific points are worth spelling out for future reference and new members:



Guiding Principles:

-The English Companion Ning is a place “Where English teachers meet to help each other.”

- It exists to support its members not to make money. No ads or anything for sale here.

- Members are welcome to refer and link to their own books, blogs, businesses, or websites within the context of their EC Ning posts but should not use this site to promote their own books, blogs, businesses, or websites (i.e., don't try to sell us anything).

- If you were, are, will be, or do work to help an English teacher we want you in our community.



Common Practices

- Post your content in the most appropriate place. EC Ning member “Clix” offers the following elegant summary of posting practices:

- blogs are for stating why you teach something (e.g., classics or YA)

- forums are for arguing about whether to teach something (e.g., classics or YA)

- groups are for sharing suggestions how to teach something (e.g., classics and YA)

- Respect people even as you challenge, question, or disagree with them

- Make an extra effort to support new teachers to ensure their success

- Do not duplicate postings or discussions. This is especially relevant for the Teaching Texts group. Before starting a new discussion (e.g., about The Things They Carried) use the search function to see if a discussion on that topic already exists.



Recommendations for Efficient Use

- Give each post a clear title with words people can find through search. “The Zen and the Art of Teaching” is a bit vague and would return every post with “teaching” in it. “Classroom Discussion Strategies,” while not a sexy title will get more hits and be more helpful for those who search for “discussion strategies.”

- Consider setting up an RSS feed to EC Ning or creating an account with Pageflakes to track content on the EC Ning

- Link to articles you reference whenever possible. This makes for more efficient use by those who read your ideas.

- Consult the EC Ning FAQs

- Add tags to all postings to improve search within the EC Ning.



2. http://eflclassroom.ning.com/

EFL CLASSROOM 2.0