Nói chuyện loanh quanh một hồi lại đụng đến chuyện chất lượng giáo dục VN, và lương giáo viên. Và câu hỏi, "lời hứa năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương bây giờ đã thực hiện đến đâu rồi?"
Ừ nhỉ, năm nay 2010 rồi. Lời hứa đó, bây giờ ai phải thực hiện đây? Hay cũng như rất nhiều việc khác ở VN, những phát biểu đó chỉ thể hiện tình cảm của lãnh đạo, nhằm bày tỏ lòng mong muốn mọi điều tốt hơn cho người dân, một kiểu dỗ ngọt trẻ em mà các bà mẹ hay làm. Ví dụ, khi một em bé lên 3 bị ngã, khóc, mẹ sẽ ôm vào lòng và dỗ "Thôi nín đi mẹ thương, để mẹ đánh cái đất hư này làm con đau nhé!"
Chứ không phải là một lời cam kết thực sự mà những người lãnh đạo đất nước phải thực hiện sau khi đã tuyên bố?
Nhưng cũng phải kiểm tra lại một chút. Mở mạng ra tìm, thấy ngay bài này, đăng ngày hôm qua trên Tuần Việt Nam. Đây. Bao giờ giáo viên sống được bằng lương? Chẳng lẽ đây cũng là một câu hỏi lớn...?
Kết luận của bài viết đáng trích lại ở đây:
Bao giờ giáo viên sống bằng đồng lương của mình? Nếu câu hỏi này chưa trả lời được thì mọi hô hào nâng cao chất lượng đội ngũ chỉ là "suông" và mọi giải pháp khác nâng cao chất lượng giáo dục chỉ là hình thức.
Bởi từ xưa cha ông ta đã dạy: Có thực mới vực được đạo!
Chợt nhớ, tôi cũng đã có lần trả lời phỏng vấn trên báo, trong đó có câu hỏi: Chất lượng giáo dục thấp có phải là do lương hay không? Một câu hỏi, mà bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thật buồn cười, và ... buồn! Vì nó thật là phản quy luật!
Và câu trả lời của tôi hình như là, "chất lượng giáo dục không thể không phụ thuộc vào lực lượng lao động chính của nó là các giáo viên; và lực lượng lao động này chỉ có thể làm việc có chất lượng nếu như họ có một đồng lương cho phép họ sống một cuộc sống có chất lượng!"
Mặc dù, có lẽ cũng giống như tôi, đa số giáo viên là những người có một cuộc sống hết sức đơn giản. Họ chỉ cần một đồng lương đủ để đảm bảo những nhu cầu vật chất hàng ngày - cơm áo, thuốc men, chỗ ở, đi lại di chuyển, nuôi dạy con cái tử tế - cộng với một số nhu cầu tinh thần (ví dụ, sách báo để đọc, có mạng Internet tại nhà để làm việc, để kết nối với bạn bè), sang lắm thì thỉnh thoảng có cuộc hẹn cafe hay ăn uống với bạn bè tí chút.
Và không phải họp hành vô bổ nhiều quá, thi đua hình thức nhiều quá, báo cáo báo chồn nhiều quá .... Vừa hành hạ về tinh thần, vừa làm mất thời gian quý báu, thời gian mà ít ra họ cũng có thể sử dụng để kiếm thêm tí chút thu nhập để bù vào đồng lương mà nhà nước trả không đủ cho họ. Để có thể sống tử tế hơn anh giáo Thứ của Nam Cao...
Và nhất là, được tôn trọng như những người chuyên nghiệp. Professional. Vì giáo viên, giống như luật sư, bác sĩ, kỹ sư, là những người hành nghề mà phải qua đào tạo lâu dài, có chọn lọc cẩn thận, có bằng cấp chuyên nghiệp, có thi tuyển vào nghề gắt gao ... Và vì thế, cần được tôn trọng như những con người chuyên nghiệp. Tức, được trả lương tương xứng với tài năng và công sức bỏ ra.
Nhưng hình như người ta quên giáo viên cũng là những người chuyên nghiệp? Và hình như chính các giáo viên cũng thế? Vì thử hỏi, có người nào chuyên nghiệp mà lại chấp nhận để cho mình bị nợ lương lâu dài, mà vẫn đeo đẳng bám nghề?
Tôi không hiểu!
Hình như ở VN có quá nhiều điều mà tôi không hiểu, anh NVT ạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét