Buồn, là một mẩu mà tôi đã viết trên blog này, cách đây không lâu. Ai muốn biết mẩu đó, xin tìm lại trên blog này (= tìm cách "câu độc giả", hơi bị lộ liễu !) :-)
Buồn, hình như cũng là tựa một bài thơ của tác giả nào đó thời tiền chiến, tôi không nhớ rõ (thật ra vào cái thời gúc-gồ này thì tìm ra ngay thôi, nhưng tôi đang viết trên blog cá nhân = cảm tính, nên cho phép mình ... lười, không tìm), với những câu như sau (hình như thế, xin lỗi không chính xác, nhưng chính xác thì đâm ... mất hay, phải không HQ?):
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn ...
Nhưng cái buồn của tôi đang viết ở đây là một cái buồn khác, không liên quan gì đến 2 cái buồn vừa nêu:
1. Cái buồn số 1, liên quan đến một blogger bạn tôi đòi đóng blog; chuyện đó đã không xảy ra, nên nó thành "vui" mất rồi.
2. Còn cái buồn số 2, là buồn vô cớ của một nghệ sĩ, rất vẩn vơ, vơ vẩn, và nếu người nào duy lý, thì sẽ gọi nó là cái buồn VỚ VẨN (chỉ thêm một cái dấu sắc vào thôi, mà nó khác hẳn về ý nghĩa, tiếng Việt đúng là hay thật!).
Cái buồn của tôi hôm nay, khi viết những giòng này, thì rất có cớ! Đó là vì ông xã tôi hôm nay lại nhắc tôi đọc báo SGGP. Ông xã tôi mà nhắc đọc báo, thì các bạn biết rồi đấy, thế nào cũng có chuyện đáng quan tâm. Đây này, biết ngay mà! Các bạn thử đọc đi, rồi cho tôi biết, có đáng buồn không nào?
Đọc xong, tôi có mấy cảm nghĩ như sau:
1. Ngạc nhiên, nhưng mà rất mừng, vì báo SGGP, là "cơ quan của Đảng bộ ĐCSVN TP HCM, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM", lại là nơi đầu tiên thẳng thắn chỉ ra cái chưa được của một trường đại học công (rất đau khổ, đó lại là cơ quan yêu quý của tôi).
Thiết nghĩ, những việc làm như thế này, dù có ... đau thật, nhưng là cái đau cần thiết, giống như mổ một cái ung ra khỏi cơ thể. Và rất hoan nghênh báo SGGP đã làm việc này! Chắc chắn tác dụng chống tham nhũng trong giáo dục của những việc làm như vậy sẽ cao hơn rất nhiều, so với việc, ví dụ, dạy thêm vài ba tiết học về chống tham nhũng trong chương trình học của học sinh phổ thông!
2. Băn khoăn, là tại sao một việc như vậy lại có thể xảy ra trước thanh thiên bạch nhật như thế? Và, theo bài báo, thì trước sự bức xúc của các nhà khoa học trong Hội đồng, và cả của các cử tọa ngồi bên dưới nữa? Chẳng lẽ, một việc như vậy đã trở nên ... chuyện thường ngày trong môi trường giáo dục của ta rồi hay sao? Mà nếu vậy, thì tại sao, tại sao, tại sao, trời ơi? Một câu hỏi lớn???
3. Phẫn nộ, vì theo cách đặt vấn đề của tờ báo, thì có thể còn có cả xã hội đen có liên quan đến việc này nữa? Lại nhớ những ... cảnh báo, nhắc nhở của ông xã "đa nghi như Tào tháo" của tôi: Em cẩn thận đấy, nói năng thì giữ mồm giữ miệng, chơi với ai thì cũng đừng quá tin người, chẳng biết ai vào với ai đâu!!! Trước đây tôi vẫn nói cứng với ông xã rằng, anh chỉ giỏi nghi ngờ người khác! Nay, bỗng thấy ... sờ sợ, dù vẫn không muốn tin! HQ ạ, phải không em, chị chỉ muốn tin vào điều tốt thôi, còn những điều này chị không muốn tin đâu! Làm sao có thể tin được cơ chứ?!
4. Ngây ngô, tự hỏi rằng, ngoài việc mong đợi đảng, nhà nước, hay là báo chí truyền thông, luôn đi đầu trong việc chống tiêu cực, chống tham nhũng như thế này (giống như báo SGGP đã làm, mà tôi đã "tuyên dương" ở mục 1 ở trên), thì nhân dân như tôi, như ông xã tôi, như các bạn tôi, liệu có thể làm gì được để góp tay vào việc chống tiêu cực trên mọi lãnh vực trong xã hội của ta, không nhỉ? Chẳng hạn, góp ý trong các buổi họp tại cơ quan, và (đối với những ai là đảng viên, là điều mà tôi không được hân hạnh), trong các buổi họp chi bộ, ví dụ thế?
Vì đó chính là cách làm tích cực nhất, thường xuyên nhất, mà có lẽ lại hiệu quả nhất, của việc "giáo dục chống tham nhũng" - khi tất cả mọi người thường xuyên phản ứng với cách hành vi tham nhũng ngay xung quanh mình, như một số người đã làm trong bài báo nói trên. Chứ không phải cứ nhắm mắt làm ngơ, mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà nấy rạng, như lâu nay cái văn hóa "không làm người khác mất mặt", và "kính trọng quyền uy" của chúng ta đã để xảy ra như vậy?
Vì tôi tin là chúng ta, từng người một, đều có trách nhiệm chung trong việc làm trong sạch môi trường sống của chúng ta - môi trường theo nghĩa rộng, bao gồm cả môi trường tinh thần, và đạo đức nữa. Theo đúng tinh thần của cuộc vận động tấm gương đạo đức Hồ chủ tịch? Hay nói một cách gần gũi với cách nói phổ cập của toàn dân, của truyền thống dân tộc hơn, mượn lời BS Hồ Hải, là tất cả chúng ta đều góp phần tạo nên cái cộng nghiệp của dân tộc VN, và vì thế, phải có trách nhiệm, và phải làm một cái gì đó, để mọi việc dần tốt hơn lên?
Nghĩ lan man, để cố tìm giải pháp, dù là giải pháp tinh thần theo kiểu AQ. Để mà quên đi một chút cái cảm giác buồn, là cái lý do của entry này đây.
...
Phất phơ hồn của bông hường
Trong hơi phiêu bạt còn vương máu đồng
Nghe chừng gió nhớ qua sông
E bên lau lách thuyền không vắng bờ...
Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu...
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả, hiu hiu sẽ buồn ...
Và xin phép tác giả bài thơ cho đổi lại câu chót:
Đời (riêng) không sao cả, dưng sao trĩu buồn?
--
Cập nhật ngày 26/1/2010
Phần 2 của bài viết về sự kiện đáng buồn kia ở đây.
Sau buồn, là rất buồn, sau rất buồn, là ... hết buồn. Không tin cứ hỏi Trịnh Công Sơn mà xem. Trong bài hát "Đàn bò vào thành phố".
Rồi người bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn
Người chợt nghe xót xa thân mình ...
...
Và người đã hết buồn, đã hết buồn
Người chợt nghe đá lên trong hồn ...
Thì hôm trước tôi đã nói rồi mà lại, "I am a rock. And a rock feels no pain."
À, đã lỡ cập nhật rồi, thì cập nhật tiếp nhé: bài thơ mà tôi trích dẫn ở đây không phải tên là Buồn, mà là Chiều, của Xuân Diệu. Google bảo thế đấy!
Em đọc rồi, chẳng biết nói gì, buồn nhỉ!
Trả lờiXóaBiết làm sao hở chị?
Ngày nào mà bằng cấp còn là "món trang sức" để thăng quan tiến chức. Ngày nào mà chức danh còn kèm bên tên gọi thân mật kiểu như "bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, kiêm Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế - đọc báo Thanh Niên sáng nay" ... thì chị PA sẽ vẫn còn buồn.
Trả lờiXóaChỉ xin hỏi nhỏ chị PA, theo luật 3/4 của 7 là 5.25 vậy hội đồng cần 5 người đồng thuận hay 6 hả chị ?
SG ơi,
Trả lờiXóaLại hỏi khó bà chị rồi! 5.25 thì lớn hơn 5 nhưng chưa là 6! Cho nên, giống như các luật VN khác, thì hiểu kiểu nào cũng được em ạ! 5 cũng đúng mà 5 cũng sai! Nó tùy thuộc vào ai là người có quyền quyết định cuối cùng, và quyết định đó nhằm mục tiêu gì.
Thế đấy! Nên sẽ "lòng không sao cả, hiu hiu sẽ buồn" dài dài SG nhỉ!
PA
BTW, an "old friend" of mine is mentioned in your comment!
Trả lờiXóaPA