Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Dạy phòng chống tham nhũng bằng ... thơ?

Chà, tựa entry này nghe "gợi cảm" quá, đúng không? Thật ra, nó là tựa của một bài báo đã đăng trên báo mạng của vietnamnet cách đây cả tháng trời, vào ngày 28/2, ở đây.

Tác giả của bài viết đó, nếu ai đã click vào link ở trên chắc đã nhận ra, là ... còn ai trồng khoai đất này nữa, đích thị rồi, tôi đấy :-). Nhưng chính tôi cũng không biết điều này, cho đến hôm nay mới hay, khi nhận được mail của tòa soạn nhắc đến lãnh nhuận bút (300 ngàn, bằng một buổi dạy của tôi cho sinh viên cao học).

Thật ra thì vấn đề này tôi được một nhà báo quen đặt để viết. Tôi nhận lời, nhưng nói đã có viết một mẩu trên blog rồi, xin gửi nhà báo nếu thấy dùng được. Bài đó đã đăng từ tháng 12/2009 trên trang blog ncgdvn của tôi (nhà báo liên hệ với tôi cách đây mấy tháng rồi). Với cái tựa khác: Chống tham nhũng và giáo dục công dân. Khi viết, đâu có biết là sẽ có ai khác sử dụng, và lại càng không biết là sẽ có chút nhuận bút. Nhu cầu viết trước hết là để cho mình, và để chia sẻ với mọi người, nên viết xong là thấy hài lòng rồi. Còn có đăng lên báo là để chia sẻ thêm với một độc giả rộng rãi hơn nữa, lại còn có nhuận bút nữa chứ, thì quá tốt rồi.

Tôi chưa kịp đọc lại bản đăng trên báo để xem sự khác biệt giữa bản đã biên tập và bản gốc. Mà có lẽ cũng không cần thiết lắm. Chỉ ghi nhận một sự tình cờ thú vị: tôi, một kẻ yêu thơ (nhưng đã không chọn thơ làm cái nghiệp, hay nói đúng hơn, thơ đã từ chối chọn tôi), đã không nhắc đến thơ trong tựa bài viết của mình, vì muốn đặt vấn đề một cách nghiêm túc. Nhưng rồi chính tờ báo lại đưa thơ vào tựa bài, và đó thực ra cũng là điều tôi muốn nói, dù lúc ấy tôi không ý thức.

Bởi vì thơ văn thực sự có tác động tốt đối với tâm hồn mỗi người, và vì thế hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giáo dục. Mặc dù mối liên hệ giữa thơ và việc chống tham nhũng khá là mơ hồ, thậm chí vô lý. Tôi vẫn nhớ Huy Quang, một blogger ở miền Bắc mà tôi không biết mặt, chỉ biết tên (và biết ... lưng, qua hình chụp trên blog) hay nhắc đến "cảm xúc sạch". Tôi không tin một người thực sự yêu thơ văn lại là một người tham tiền, muốn kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả bằng cách tham nhũng. Tại sao tôi tin vậy ư? Không biết. Có lẽ qua kinh nghiệm những người tôi biết chăng ...

Tản mạn vài dòng, cũng là để say hello với bạn bè trên blog này. Cả tuần nay tôi bận quá, vừa đi làm vừa đi dạy, mà lại làm 2, 3 jobs cùng một lúc (không thì ... lấy gì ăn?) nên không có entry mới, "blog bliếc" buồn hiu hắt. Nay có tin này, cũng kéo ra (tám ra) được một entry. Và thấy vui vui, vì entry này cũng có ... thơ. Ít ra là có cái tựa có chứa từ "THƠ".

Và tự nhiên lại nhớ mấy câu thơ đã thuộc từ hồi đi học, chả nhớ là của ai:
Sẽ là gì cuộc sống của nhà thơ
Nếu không là đau khổ?
Và đại dương kia có nghĩa lý gì
Khi không còn bão tố?

--

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Đọc: "Nếu tôi là một nhà lãnh đạo"

Thông thường, một tựa bài như vậy sẽ không làm tôi quan tâm, có lẽ vì tôi cũng không quá quan tâm đến những vấn đề chính trị (tôi đang hiểu chính trị theo nghĩa của phương Tây, tức là quyền lực, cụ thể ở đây là quyền lực nhà nước).

Nhưng không hiểu sao hôm nay tôi lại tình cờ ngồi đọc bài này. Nó vừa được đăng trên Tuần Việt Nam, ở đây. Bài viết dài, hơi khô khan so với "gu" của tôi, nên tôi không đọc kỹ lắm. Bây giờ, già rồi (hic), chỉ muốn đọc cái gì nhẹ nhàng thôi - công việc hàng ngày đối với tôi đã quá nặng rồi, chẳng hơi sức đâu mà rước những cái nặng nề vào đầu mình nữa.

Nhưng không ngờ, đọc loáng thoáng mà cũng phát hiện ra khá nhiều ý tưởng sâu sắc, của một người (tự xưng) là còn trẻ, 30 năm nữa mới mong làm lãnh đạo (nếu vậy, người trẻ này chắc chỉ mới 20 ngoài, hoặc nhỏ hơn?)

Nên phải trích dẫn lại đây kèm những bình luận của tôi, để chia sẻ với bạn bè xa gần, và xem như góp thêm một tiếng nói của người dân đến các vị đang ngồi trong bộ máy nhà nước hiện nay, tại sao không? Mặc dù nếu xem đây là góp ý thì tôi cũng chỉ mới làm lần này là lần đầu tiên, vì, như đã nói ở trên, tôi ít quan tâm đến chính trị!

Dưới đây là những trích dẫn mà tôi cho là đáng chú ý:
[D]ù là các cơ quan nhà nước, hay Nhà lãnh đạo, chúng tôi cũng không được phép có quyền cấm đoán và bác bỏ tùy tiện các ý kiến khác nhau của nhân dân.

Tôi sẽ nêu quan điểm của mình một cách công khai và cùng nhân dân bảo vệ nó mạnh mẽ : Tiêu chí căn bản nhất để phân định các ý kiến khác nhau trong xã hội, phải được xã hội thượng tôn là Luật pháp và Khoa học.

Khác với cách xây dựng xã hội bằng quan điểm, lập trường và các khẩu hiệu chính trị, bằng các dự án, gói thầu, xin - cho, giao - nhận vội vã , tôi sẽ đề xuất, phải luật định cụ thể, việc bắt buộc đưa các Nhà khoa học, các nghiên cứu khoa học vào mọi công việc của xã hội trước tiên, toàn diện và triệt để.

Phải có định chế luật pháp đủ mạnh, thậm chí là từ Hiến pháp để đảm bảo rằng, vị trí thượng tôn của Khoa học và các nguyên tắc Luật pháp sẽ là cơ sở tối cao, tiên quyết và bất khả xâm phạm để phục vụ nhân dân.

Vâng, không thể nói gì thêm. Khoa học và luật pháp phải là cơ sở của mọi quyết sách của nhà nước trong một xã hội hiện đại. Nếu không muốn tự mình gây ra những lộn xộn, rắc rối, hoặc xung đột do những quy định thiếu khoa học hoặc do luật pháp không được thực hiện nghiêm.

Tôi sẽ không bao giờ huênh hoang nói về tầm nhìn và thế giới quan của mình và các cơ quan công quyền, bởi tầm nhìn đó, nếu có thật, cũng chính là trí tuệ được kết tinh từ nhân dân, từ xã hội, được phản ánh qua báo chí, dư luận, được tiếp thu và vận dụng vào luật pháp, vào thể chế và trở thành chính sách.

Và khi báo chí, truyền thông không truyền tải hữu hiệu những phê bình, góp ý, phản biện, thì có nghĩa rằng, lúc đó chúng tôi chỉ làm việc bằng cái nhìn thiển cận, hạn chế của riêng mình, chứ không còn bằng tầm nhìn và trí tuệ của toàn xã hội nữa.

Vai trò của truyền thông! Tôi nghĩ, về việc này chắc tôi còn phải viết dài dài. Bởi vì tôi chân thành tin vào lợi ích của tự do ngôn luận và quyền được thông tin của người dân. Việc kiểm duyệt, độc quyền thông tin xét về ngắn hạn có thể có lợi cho người này người khác, và đôi lúc cũng cần thiết hoặc ít ra là có thể hiểu được. Nhưng nếu đó là nguyên tắc hành xử của nhà nước thì chắc chắn sẽ có tác hại không ít đến sự phát triển của xã hội. Điều này đặc biệt đúng trong giới khoa học: phải có đủ thông tin về lãnh vực mình quan tâm, phải công bố những gì mình tìm được, và phải được quyền cũng như có trách nhiệm tranh luận để thúc đẩy phát triển.

Còn đây là phần trích trong đoạn cuối:
[C]ó thể đây là những điều tôi nói hộ cho những nhà lãnh đạo hiện nay của tôi, khi họ quá bận bịu với công việc của mình mà chưa có dịp viết ra.

Và câu hỏi của tôi sau khi đọc bài này: Khi nào đất nước ta có những người lãnh đạo có cùng quan điểm như bài viết, đặc biệt là về những vấn đề tôi trích dẫn ở trên?

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Rất đáng đọc và suy ngẫm: "Dân chủ TQ cất bước từ dân chủ trong Đảng"

Bài đó ở đây.

Tôi không hiểu các bạn bè tôi, những người hay đọc blog này, sẽ nghĩ gì về bài viết. Riêng tôi, tôi lưu lại đây để làm tư liệu cho chính mình, và làm cái cớ cho những trao đổi, tranh luận với những người có cùng mối quan tâm.

Sẽ nghĩ thêm về bài viết sau (bây giờ phải đi làm). Nhưng bây giờ thì cần ghi lại một suy nghĩ riêng: lập luận của tác giả bài viết (người TQ) có nhiều ý trùng với ý của tôi trước đây, khi tôi vẫn còn ở tuổi cuối 30, đầu 40, là giảng viên, và Phó Trưởng Khoa, của một ngôi trường và một khoa khá nổi tiếng (vào thời đó, ít ra là thế).

Tôi đã từng động viên các bạn bè, đồng nghiệp và sinh viên của mình, những người có tài năng và tâm huyết nhưng vì lý do gì đó không muốn hoặc không được vào đảng thời trước, nay bắt đầu có cơ hội để vào (lúc ấy, cũng như bây giờ, tôi vẫn không phải là đảng viên), rằng: nếu các bạn nói "vàng thau lẫn lộn" (trong đảng, that is), thì chính các bạn lại càng nên vào, để vàng nhiều hơn thau!

Tôi đã nói như vậy, và tin như vậy, trong một thời gian khá dài. Nhưng rồi cho đến nay tôi vẫn chưa - và sẽ không - là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vì sao? Vì sao? Có lẽ vì tôi chưa thấy, và vì thế chưa tin, rằng đảng có khả năng thực sự đổi mới? (Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu đảng chứng minh được rằng tôi sai). Mặc dù tôi vẫn biết, trong cơ chế hiện nay chỉ có đảng viên mới là người có đầy đủ quyền tham gia các hoạt động chính trị của đất nước.

Nhưng thử nghĩ mà xem, sao lại thế nhỉ? Sao lại chỉ có đảng viên mới được quyền tham gia đầy đủ mọi hoạt động chính trị? Ví dụ, có vị trí lãnh đạo hoặc quản lý trong các cơ quan (tôi là một trường hợp rất ngoại lệ mà tôi vẫn rất biết ơn, nhưng còn những người khác giống tôi thì sao? Họ ở đâu?) Ví dụ, có thể là đại biểu quốc hội (vốn hiện nay có đến 90% hoặc hơn nữa là đảng viên, trong khi tỷ lệ đảng viên chỉ khoảng hơn 3% dân số). Ví dụ, được đóng góp vào các chính sách lớn của quốc gia.

Chẳng phải cái tài của một đảng cầm quyền là thu hút tài trí của toàn dân để đóng góp vào sự phát triển của đất nước, của xã hội hay sao? Có xá gì niềm tin vào các chủ thuyết mà thực ra chỉ là sản phẩm của chính con người tạo ra và không thực sự tồn tại, nhỉ?

Viết ra đây, để suy nghĩ và chia sẻ. Mong nhận ý kiến của mọi người.

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Bài đáng đọc: "Lỗi hay không lỗi"

Bài ấy nói về phôi bằng mới do Bộ Giáo dục vừa ban hành. Một việc đã được bàn luận om xòm trên báo chí, và trên các blogs, trong thời gian gần đây. Nhưng bài này không bàn về những chỗ lỗi nho nhỏ (và ... hơi lớn) mà mọi người đã chỉ ra, mà bàn chuyện lớn hơn, đó là sửa đổi mẫu phôi bằng để làm gi. Tức mục đích của việc sửa đổi. Một vấn đề mang tính triết học. Why, chứ không phải là what, hay là how.

Đọc bài đó ở đây. Rất đáng đọc.

Tôi đang rất bận nên chỉ kịp đưa link vào đây để lưu, và sẽ trở lại khi có thời gian và ... còn hứng thú. Ở đây chỉ ghi nhận một điều rất nhanh: Quả thật, phôi bằng ấy thực sự là không giống ai. Không giống chính những mẫu văn bằng trước đây đã có, mà cũng chẳng giống nước ngoài!

Tất nhiên VN không nhất thiết phải giống ai. Mà cũng không nhất thiết phải giống hoàn toàn. Vấn đề là trả lời được câu hỏi tại sao cần giống, tại sao cần khác. Dường như Bộ chưa có câu trả lời cho việc đó. Mà chỉ trả lời từng chi tiết một, với những lập luận khác nhau cho những chi tiết khác nhau.

Thiếu triết lý, vì khi thực hiện, chưa đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi: WHY?

Không có triết lý đúng, thì không thể định hướng đúng, và vì thế sẽ không bao giờ đến đích. Đó có phải là vấn nạn chính của giáo dục VN hiện nay không?

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010

Quà vặt của một thời

Một người bạn của tôi mới mail cho tôi bài viết này, chẳng biết xuất xứ từ đâu. Thấy nó hay hay, và giúp tôi ôn lại kỷ niệm xưa, tôi đưa lên đây để lưu và chia sẻ với mọi người. Để hiểu, và nhớ, về một thời đã và đang lui dần vào quá khứ.

Về tựa của bài viết: Tác giả Vân Giang đặt tên là Quà một thời, còn người bạn khi gửi cho tôi thì gửi subject của mail là Ăn hàng rong. Còn tên entry này, Quà vặt của một thời, là do tôi đặt. Cho nó dễ hiểu hơn một chút. Mặc dù tựa của tác giả cũng đã rất hay, nhưng hơi kiệm lời, e những người dài dòng như tôi sẽ không hiểu!

--
QUÀ MỘT THỜI


Vân Giang

Lời tác giả: Thân tặng bạn bè tôi, những người dân Sài Gòn đã sống cùng thời với tôi trên mảnh đất thân yêu này, dù còn ở lại hay đã đi xa; Những người bạn mới quen và cả những người chưa từng quen biết. Để nhớ về những món quà tuyệt diệu của tuổi thơ mà bây giờ chỉ còn lưu lại trong chúng ta hương vị ngọt ngào của một thời đã xa mãi mãi.

***
Tôi là một người có "tâm hồn ăn uống". Cái thân hình đều đặn ba vòng bằng nhau bây giờ là kết quả (hay hậu quả?!) của mấy chục năm miệt mài thưởng thức một cách hết sức nhiệt tình những món ngon và chưa ngon của hầu hết những quán hàng tiệm ăn to nhỏ lớn bé trong lòng thành phố! Ăn trong nhà hàng máy lạnh có nhạc nhè nhẹ êm dịu mọi người nói năng nhỏ nhẹ lịch sự hay ăn trong một quán nướng ồn ào tiếng cụng ly côm cốp cười nói rân trời của mấy ông bợm nhậu, hay ăn nhỏ nhẻ mát mẻ trong một sân vườn cạnh bờ sông bốn bề gió lộng nước lách tách vỗ sóng bên sàn gỗ dưới chân...
Tôi đã ăn cùng với bạn bè, người thân, người yêu và cả với người ghét (thí dụ như phải đi ăn đám cưới của cảnh sát khu vực chẳng hạn!) những món ăn đã có từ thời xưa hay những món vừa được sáng chế ra lúc mới đây, những món có tên gọi bình dân hay những món nghe nghĩ mãi chẳng biết là món gì bởi cái tên gọi vừa cầu kỳ vừa bí hiểm! Có món tôi thích, có món không. Nhưng chưa bao giờ có một món ăn nào làm cho tôi chợt ngẩn người vì một nỗi nhớ nhung lạ lùng, đến dường như khắc khoải, như trong một lần gần đây khi đi qua một ngôi trường tiểu học nhỏ nằm cạnh một đường ray xe lửa, trong khi đứng chờ bên cạnh thanh chắn ngang đường ray, giữa tiếng bánh sắt nghiến rầm rập, hình ảnh hai em bé học sinh cùng uống chung một chiếc ly nhựa nhỏ nước xi rô bất giác làm tôi nhớ đến món quà của tuổi nhỏ ngày xưa, bây giờ không còn thấy bán nữa: cục đá nhận! Và tôi nhớ đến bàng hoàng tha thiết những món quà hồi tôi còn nhỏ, những món quà của một thời!

Ồ, nói ra thì thấy lạ lùng, chứ hồi nhỏ quả không mấy ai là không mê cái vị ngọt lạnh dễ chịu của cục đá nhận mà cách làm vừa đơn giản vừa… mất vệ sinh của xe nước giải khát bán ở cổng trường! Có lẽ khi ấy kem cây chưa có nhiều, lại mắc không phù hợp với túi tiền ít ỏi của lũ học trò nhỏ chúng tôi, nên cục đá nhận vừa lạnh vừa ngọt, có màu sắc rực rỡ lại rẻ tiền được hoan nghênh số một!

Người bán hàng dùng một cái bàn bào nước đá bằng gỗ bốn chân có một lưỡi dao bào bằng thép trên mặt đặt cục nước đá lên, bào ra những vụn đá tơi xốp trắng toát đầy cái đĩa nhôm nhỏ hứng ở dưới, nhanh nhẹn dùng một cái ly nhựa nhỏ hốt đầy đá bào vào ấn chặt như cách ta làm bánh bằng khuôn, gõ nhẹ cho cục đá bào đã được nén chặt trong ly rớt ra, vớ lấy chai xi rô màu xanh, đỏ hay vàng theo yêu cầu (xanh lá cây là mùi Bạc Hà, vàng là Chanh, đỏ là Cam hay Lựu) trên nắp chai xi rô bằng nhựa đã đục sẵn một lỗ nhỏ, xịt mấy cái trên cục đá nhận cho nước xi rô thấm vào, vừa xịt vừa khéo léo xoay tròn cục đá cho màu loang đều, có khi còn rưới thêm một chút nước chanh muối lên trên nếu được nằn nì xin thêm. Đứa học trò trả tiền chộp ngay lấy cục đá nhận ngửa cổ mút lấy mút để vị ngọt lạnh trong lúc đứa bạn không có tiền kiên nhẫn chờ kế bên đợi khi cục đá nhạt màu vì đã gần hết xi rô thì được mút ké một chút, cứ thế hai đứa nhỏ vừa đi vừa kề đầu chụm vai chia nhau một cục nước đá nhận đã hết cả vị ngọt lẫn mùi thơm, chỉ còn trơ cái lạnh và nhạt trên đầu lưỡi bị nhuộm màu!

Ở cổng trường tiểu học của tôi hồi đó có nhiều hàng quà rong lắm. Mặc dù đã có lời dạy không nên ăn quà vặt nhưng hầu hết học sinh đều vi phạm bởi sức hấp dẫn của những món quà này. Mà ngày xưa thì quà bánh cũng chẳng lấy gì làm phong phú đẹp đẽ như ngày nay, chỉ những món đơn giản rẻ tiền mà sao nhớ nhung đến thế, hay vì trong những món quà thời ấy còn chất chứa cả một thời trẻ dại hồn nhiên chưa biết nghĩ suy gì?! Trẻ con ngày nay đi học hầu hết đều được Cha Mẹ đưa đón bằng xe riêng, ít thấy em nào đi một mình, hàng quà lại bị cấm bày bán trước cổng nên chẳng còn cảnh lê la ăn quà trước khi vào lớp như chúng tôi ngày xưa. Hồi tôi nhỏ, đi học toàn là tự đi bộ một mình, mấy đồng bạc cắc đút túi cứ như muốn nhảy ra khỏi tay trước những mẹt quà bày sát lối vào trường, thôi thì đủ món đủ thức tùy theo mùa theo vụ:

Đây là hàng bánh tráng kẹo có bà bán hàng mặc áo nâu nhanh nhẹn trở bánh trên bếp than nhỏ trong một cái nồi bầu miệng loe bằng đất nung, vừa thoăn thoắt bẻ bánh mới nướng xong còn đang nóng hổi, kéo những đường mạch nha dẻo quẹo trên mặt bánh rắc lên nhúm dừa nạo trắng muốt rồi gập đôi miếng bánh lại, món quà này tương đối mắc tiền, chỉ khi nào có tiền nhiều một chút tôi mới ăn.

Đây là mẹt hàng của một chị còn trẻ tuổi tóc búi gọn phía sau gáy, bán đủ thứ bánh kẹo xanh đỏ rất ưa nhìn:

Những cái bánh bằng bột gạo nướng với đường nhỏ xíu tròn tròn như những cái móc dùng để treo màn cửa màu vàng cam được xâu từng chùm vào một sợi dây lác để đeo vào cổ như một sợi dây chuyền, những xấp me ngào bột màu nâu đỏ nhỏ cỡ đồng xu ăn với muối ớt chua chua ngọt ngọt, những viên cốm nếp ngào đường tròn cỡ nắm tay thơm thơm mùi gừng, những cục kẹo ú đẫm bột hình khối tam giác màu vàng nhạt, những cục kẹo sữa màu trắng đục cắn vào có vị bùi béo của đậu phụng rang giã nhuyễn gói bằng giấy màu trắng có chữ màu xanh, những viên kẹo màu xanh màu vàng màu đỏ bọc giấy bóng kiếng trong thơm mùi trái cây, những bịch mứt dừa nhuộm đủ màu, những bịch bánh tráng tròn nhỏ màu vàng đỏ mặn mà…

Còn ai nhớ vị ngọt chát của những trái Trâm to bằng đầu ngón tay cái màu tím thẫm ăn vào nhuộm tím cả lưỡi cả miệng? Những trái Nhãn Lồng mọc hoang nhỏ cỡ đầu ngón tay út vỏ màu trắng ngà với chút xíu cơm mỏng dính ngòn ngọt. Những trái Sung chín đỏ nhìn ngon mắt nhưng nhạt phèo và ruột đôi khi có đầy kiến gió. Những trái Chùm Ruột chua ghê răng ăn với muối ớt. Những trái Bình Bát trông giống như trái Mãng Cầu Xiêm nhưng lổn nhổn hạt chua chua… Loại trái cây mọc hoang dại trong lùm, trong bụi nơi vùng ngoại ô thành phố được bày bán trong những mẹt hàng nho nhỏ bên cổng trường thuở ấy đã gợi thèm thuồng biết bao đứa học trò nhỏ mỗi lúc ghé nhìn.

Và đây nữa, những trái Cóc xanh gọt vỏ rồi tách thành một bông hoa nhiều cánh ngâm trong nước Cam Thảo vàng, những lát xoài sống ăn với mắm ruốc tím có điểm những khoanh ớt đỏ thắm, chùm trái Trường trông giống như những trái Vải tí hon vỏ màu đỏ nâu, những chùm trái Sai vỏ đen nhung với lớp ruột màu vàng cam có cái hạt dẹp dẹp nho nhỏ trông giống như .. một con ve chó lớn! Và Thơm xẻ miếng, và Đu Đủ, Mận, Mít bày trong một cái tủ nhỏ bằng kính có đặt cục đá ướp lạnh.

Tôi không biết ăn Ô Môi. Thứ trái cây dài ngoằng và cứng ngắt ấy không ngờ là hậu thân của những bông hoa đỏ thắm xinh đẹp vẫn mọc dọc bờ sông nhiều nhà ở miền tây Lục Tỉnh. Trái Ô Môi hơi giống trái Phượng nhưng to hơn, cũng có vỏ màu nâu đen. Khi ăn phải hái phơi kỹ trên nóc nhà cho khô, dùng dao chặt thành từng khúc ngắn, vạt hai bên vỏ trái cho lộ ra lớp hạt xếp đều đặn dính liền nhau bởi một lớp cơm màu nâu đen như nước màu kho cá, và cái mùi thum thủm của nó thì thật khó tả! Tôi chịu! Chỉ nghe đã muốn bịt mũi chạy xa, vậy mà bọn bạn tôi cứ mua từng khúc gặm ngon lành, còn cẩn thận mút cho bằng hết những chiếc hạt ấy, nghe kể rằng ngọt nhưng hơi chát ăn mãi không chán!

Tôi rất thích đến bên thùng xe làm bắng sắt tròn của ông hàng Kẹo Bông Gòn. Ở giữa tâm vòng tròn có một cái lõi nhỏ, mỗi khi ông bán Kẹo cho vào đó ít đường cát trắng, vừa đạp cái bàn đạp cho vòng thùng tròn quay thì lớp đường kéo tơ hiện ra càng lúc càng nhiều, đưa đôi đũa quơ quanh một vòng thành một lớp bông gòn xốp mịn nhìn thật đẹp mắt, cho vào miệng lớp bông ấy tan nhanh để lại vị ngọt ram ráp trên đầu lưỡi như một chút tiếc nuối. Hàng kẹo kéo thì lúc nào cũng có quay số, số bao nhiêu thì được trúng bấy nhiêu kẹo, nhưng hễ số kẹo càng nhiều thì ông hàng kẹo kéo lại kéo nhỏ cây kẹo thêm một chút, rốt cuộc nếu gộp tất cả số kẹo trúng thưởng vào chung thì có lẽ vừa bằng một cây kẹo mua bằng tiền không quay số mà thôi!

Còn hàng kem cây.

Ngày xưa chúng tôi gọi là hàng “Cà Rem” . Người bán Kem có hai bình thủy để cân đối hai bên “boọc ba ga” một bên đựng kem các mùi như Va ni, Sầu Riêng, Dừa… một bên đựng kem đá với các màu xanh đỏ vàng tượng trưng cho Cam, Chanh và Bạc Hà. Mỗi khi bán, tùy theo giá tiền người bán sẽ dùng dao cắt cục kem lớn nhỏ khác nhau, dùng một que nhỏ ghim vào miếng kem mà đưa. Một loại kem khác, thứ này mắc tiền hơn, mà người ta thường bán trong tiệm nhưng cũng có những xe đẩy bán trước cổng trường, là loại kem múc bằng muỗng tròn để lên trên những cái bánh bột mỏng hình loe dài như một đài hoa xinh xắn có đủ các màu vàng xanh trắng, rưới lên trên khi thì một ít đậu phụng rang giã nhuyễn với một chút sữa đặc có đường, khi thì một chút xi rô xanh xanh đỏ đỏ. Trẻ con không thích ăn kem ly, phải đứng tại chỗ mà ăn, mất thì giờ; vừa đi vừa ăn ngon mà nhanh hơn. Hôm nào có tiền kha khá một chút thì mua hẳn một cái bánh mì ngọt kẹp mấy cục kem có rưới sữa và rắc đậu vào thì quả là ngon hết chỗ chê!

Buổi sáng đến trường sớm mà chưa ăn sáng ở nhà, đã có hàng xôi của bà hàng với hơi nóng nghi ngút bốc lên kèm theo mùi thơm hấp dẫn! Bà hàng lấy một miếng lá chuối cỡ hai bàn tay xoè, đặt lên trên đó một miếng bánh tráng phồng cỡ bàn tay, thường có hai loại xôi là xôi đậu xanh và Xôi Nếp than, ai muốn ăn gì thì bà sẽ xới xôi ấy lên trên miếng bánh phồng, trét một lớp nhưn đậu xanh nấu chín tán mịn lên, rưới một muổng mỡ hành có lẫn mấy miếng tóp mỡ béo ngậy, rắc một lớp đường cát trắng và sau cùng là chan lên một muổng nước cốt dừa. Xôi được gói chặt lại sao cho miếng bánh phồng bọc kín hết như một lớp vỏ bánh, cắn vào vừa bùi vừa béo, thơm ngon làm sao! Cạnh đó lại có bà cụ người Bắc mặc áo vải trắng đầu vấn khăn nhung bày một thúng bán xôi Lúa hay còn gọi là Xôi bắp, cụ có hàm răng đen nhánh với miệng cười hiền từ, thoăn thoắt xé lá gói những gói Xôi bắp với những hạt Bắp màu trắng đục hầm mềm và những hạt nếp dẻo thơm phức, cũng là đậu xanh nấu chín nhưng đậu của xôi Bắp thì giã tơi thành một lớp bột khô rắc lên trên, chan vào một muổng nhỏ hành tím bào mỏng phi vàng rồi sau cùng là một muổng muối đường.

Ít tiền hơn đã có hàng khoai luộc. Cũng tỏa khói nghi ngút nhưng giản dị hơn, chỉ một nồi hay rá nhỏ đặt trên bếp lửa, này là khoai lang Bí vỏ nâu đỏ ruột vàng, khoai lang Dương Ngọc vỏ hồng tím ruột tím nhạt, cả khoai lang trắng ruột trắng như bột, khoai Đà Lạt thì củ nhỏ mà ốm nhưng mật tươm cả ra ngoài vỏ, lâu lâu mới thấy bán. Khoai Mì (Sắn) thì cắt thành từng khúc xếp ngay ngắn bên cạnh những củ khoai Mì Tinh (có người còn gọi là khoai Bình Tinh) và củ Chuối (Dong Riềng) và những củ Từ vỏ vàng nhạt hay những củ khoai Môn tròn trĩnh.

Cũng là khoai mì, nhưng khoai mì quết dừa làm bằng những củ khoai bột tán nhuyễn, trộn thêm xác dừa khô nạo và đường cát trắng, thêm chút muối đậu, gói trong lá chuối, có thể dùng lá cây Dứa dại cắt ngắn từng khúc thay cho muổng xúc ăn, hay nắm lại thành nắm như nắm xôi mà ăn; vừa ngọt, vừa bùi. Lại thơm và béo của dừa khô trộn lẫn, ngon không biết tả sao cho vừa!

Khoai mì mài ra lấy bột đem lọc kỹ, để ráo sẽ cắt thành sợi dài mà dẹp, hấp chín rồi cũng trộn chung với dừa khô nạo nhuyễn là sẽ thành món bánh tằm khoai mì trộn dừa, muốn có màu sắc hồi đó người bán không dùng màu hóa chất mà lấy màu xanh của lá dứa, màu tím của lá cẩm, màu đỏ của trái gấc chín, nên những sợi bánh tằm ăn vào mỗi màu có một mùi thơm riêng biệt, vì vậy ăn ít ngán hơn.

Hồi đó trước cổng trường tôi có một bà già người Tàu mà mọi người thường gọi là Thím Xẩm bán bánh ướt rất ngon. Bánh ướt của người Tàu khác bánh ướt của người Việt ở chỗ bánh họ tráng dầy hơn, lại thoa lên trên một lớp mỡ có hành lá xắt nhỏ rồi cuộn lại thành từng cuộn dẹp, ăn với nước mắm pha loãng và giá trụng. Bà Tàu già ấy quanh năm chỉ thấy mặc một chiếc áo vải màu đen bạc phếch, một chiếc quần ngắn trên mắt cá bó ống và một đôi giày vải đen có thêu đã cũ mèm. Tóc bà cắt ngắn tới ngang cổ, cài một chiếc lược sừng đã bóng lộn vì thời gian. Mặc cho lũ chúng tôi tíu tít hối thúc bà già vẫn chậm chạp cắt bánh, lấy rau, rót nước mắm, rửa đĩa, thu tiền, những động tác chậm chạp của tuổi già và đôi mắt một mí hum húp như thuộc về một nơi chốn khác, không phải là cái nơi ồn ào nhộn nhịp của một cổng trường đang giờ sắp mở cửa.

Cái bánh tôm ăn chung với bánh ướt của bà Tàu già cũng ngon lạ lùng. Khá giống với bánh Cóng của Sóc trăng, nhưng không có tôm, cũng không có giá, tuy gọi là bánh tôm nhưng chỉ có đậu xanh hột được hấp chín và bột gạo, chiên vàng thành những cái bánh tròn xốp, ăn không biết chán.

Cùng một thứ ăn với nước mắm như bánh ướt là huyết heo hấp. Những miếng huyết heo vuông vức cỡ lòng bàn tay màu đỏ nâu được hấp chín rải lên trên từng lớp mỡ hành xếp đầy trong chiếc nồi được ủ nóng bằng mấy lớp bao bố dầy cộm. Người bán dùng dao cắt miếng huyết heo thành từng lát, cho thêm mỡ hành, giá trụng và một nhúm rau thơm cắt nhỏ, chan nước mắm lên, thế là xong! Nhưng món quà này ăn mau ngán, nên người bán hàng, một ông già mặc áo quần màu nâu, đầu đội mũ cối nhựa trắng, chở chiếc nồi trên yên sau chiếc xe đạp cọc cạch cũ kỹ, lâu lâu mới ghé qua cổng trường, dựng chiếc xe đạp vào một góc tường quen thuộc, vừa phì phà điếu thuốc vấn vừa chờ đợi đám khách hàng nhỏ tuổi.

Cũng bán hàng trên xe đạp và cùng là đàn ông bán hàng là món gỏi khô bò. Trong chiếc thùng một mặt có kính đựng đầy ắp những sợi đu đủ xanh bào mỏng, khô bò màu đen sánh cất trong một ngăn tủ nhỏ, chai giấm trắng, chai nước tương đen, chai nước ớt màu đỏ xếp cạnh chồng đĩa nhôm nhỏ, nắm đũa nhôm chiếc cong chiếc thẳng cắm trong một ống đựng treo lủng lẳng, ông hàng gỏi có một chiếc kéo sắt đen và to vừa dùng để cắt khô bò, vừa dùng nhắp thành những tiếng đều đều báo hiệu thay cho tiếng rao mời.

Cái đĩa nhôm trầy trụa và trẹt lét của ông hàng gỏi chỉ được tráng qua nước rồi lau vội bằng một cái khăn màu cháo lòng sau khi có khách ăn xong, lại được bốc đầy có ngọn nắm đu đủ bào, vài sợi khô bò nhỏ xíu cỡ đầu que diêm đặt khéo léo lên trên, một chút rau thơm thái sợi và một nhúm đậu phọng rang vàng giã dập, chan đẫm nước giấm và nước tương, thêm chút ớt đỏ cay cay, chúng tôi vừa ăn vừa xuýt xoa xin thêm giấm, thêm nước tương, ăn hết đu đủ húp cạn hết cả nước giấm mà vẫn còn thấy thòm thèm!

Bánh mì tương cũng là món quà được bọn học trò chúng tôi chiếu cố tận tình vì rẻ mà lại ngon; chỉ có một khúc bánh mì không xẻ ra, rưới một muổng tương đen, một muổng tương đỏ, thứ tương người ta vẫn dùng để ăn phở nhưng có lẽ người bán đã cho thêm ít đường cho dịu bớt, và thêm ít bột cho sánh lại, gắp vào một ít đồ chua làm bằng củ cải trắng và cà rốt cắt sợi ngâm giấm đường là có một món vừa ngon vừa no bụng. Nếu có tiền thì ăn bánh mì bì, bì làm bằng da heo cắt sợi nhuyễn, thêm chút thịt đùi heo chiên cắt nhỏ như que tăm, trộn một chút thính gạo rang vàng cho thơm, bánh mì bì ăn với hành lá xắt nhỏ phi chín chung với tóp mỡ, chan nước mắm chua ngọt, ngon hơn bánh mì tương một bậc, và cũng mắc tiền hơn!

Bắp thì có hai thứ, bắp luộc đựng trong thúng ủ tấm bàng tròn, hơi nóng bốc lên cùng với mùi lá dứa thơm phức, những trái bắp vỏ ướt nước nóng hổi cầm bỏng cả tay, xé lớp vỏ như những lần lụa mỏng mềm mại phía trong cùng là lớp hạt vàng rực đều đặn hiện ra trông thật bắt mắt, hạt bắp luộc dẻo và ngọt, nếu ăn bắp non thì cái cùi bắp mềm mà ngọt không thua gì mía hấp. Bắp nướng thì phải ngồi đợi một bên cái bếp than làm như một cái máng chữ nhật nhỏ của bà hàng, chờ lớp vỏ ngoài cháy đen một phần, bà mới bóc hết làn vỏ bắp ra để những hạt bắp được nướng chín trên lửa từ từ trỡ sang màu vàng ruộm, rồi vàng cháy, mùi bắp nướng thơm lừng tỏa ra trong không khí, xé một miếng vỏ bắp bọc lấy cái cuống trái bắp nướng dốc ngược đầu xuống một chén mỡ hành đặt cạnh bếp, dùng một đoạn sống lá chuối chẻ dập đầu thoa đều mỡ hành lên khắp trái bắp, mùi thơm của bắp và mỡ hành làm chúng tôi nuốt nước miếng thèm thuồng, cầm vội vàng trái bắp nóng hôi hổi trên những ngón tay lóng ngóng và gặm hối hả, vị mặn mà của mỡ hành có lẫn vài miếng tóp mỡ dòn dòn, hạt bắp vừa cứng vừa dẻo, nhồm nhoàm một cái đã thấy chỉ còn trơ lại cái cùi khô khốc vô duyên!

Bây giờ ít thấy bán đậu đỏ bánh lọt, thứ quà ngon mà mắc tiền hơn đá nhận xi rô, vẫn bán trước cổng trường trên những chiếc xe đẩy bằng nhôm sáng loáng thuở nào. Trong những chiếc thẩu tròn xếp thành dãy người ta đựng nào là đậu xanh hấp chín màu vàng đậm đà, nào là đậu đen chín bở, đậu đỏ đều hạt, đậu Mỹ màu trắng hạt to như đầu ngón tay cái,và một cái thẩu đầy những sợi bánh lọt màu trắng trong và dai ngập trong nước đừa đục màu sữa, lại có cả hạt É lấm tấm như những chùm trứng Ếch tí hon có lẫn những tảng nhỏ Lười Ươi nâu như màu mận chín, nước đường thắng kẹo đựng trong hũ thủy tinh trong được múc bằng một cái muổng đặc biệt làm bằng nửa quả Mù U khô cắm trong một cây đũa tre dài.

Đã lâu lắm tôi không còn thấy ai bán Bông Cỏ với Hột Lựu. Hình như món ăn này, cũng như món mía hấp, mía ghim đã lặng lẽ biến mất tự lúc nào chẳng ai hay biết. Mía hấp thì thường là một người đàn ông trung niên đẩy xe ba bánh rao bán trên đường phố vào khoảng tối khuya, tiếng rao "Mía hấp" kéo dài hơi ngân nga và ánh sáng chập chờn của một ngọn đèn dầu nhỏ thắp trong chiếc lồng đèn vuông thường gợi nhớ vào những tối trời tạnh mưa, không khí ẩm và lạnh mà mùi thơm ngọt ngào của những cây mía nóng hổi khi mở nắp chiếc vung to lớn của ông hàng mía lan tỏa trong không gian thật là dễ chịu. Ông hàng Mía hấp có một cái bào to với một bên thân bào là dao bén ngót. Những khúc mía màu nâu tím hay vàng mơ được hấp chín trong một loại nước có vị thuốc Bắc xếp đầy trong một cái thùng sắt to đặt trên bếp than cháy âm ỉ để giữ cho nước trong nồi lúc nào cũng nóng già, khi có người mua ông dùng bào róc sạch vỏ rồi nhanh nhẹn trỡ lưỡi dao tiện thành từng khẩu mía ngắn và đều nhưng không tiện đứt hẳn mà vẫn còn dính vào nhau, mía hấp ăn thơm và mềm, người già răng yếu cũng có thể ăn được. Mía ghim thì chỉ là mía thường, róc vỏ, bỏ mắt và tiện ra thành những lóng ngắn nhỏ cỡ một đốt ngón tay, ghim vào trong một đoạn tre ngắn được chẻ ra nhiều thanh nhỏ ở một đầu thành ra một bông hoa ngộ nghĩnh xoè tròn người ta thường bán trước cửa rạp hát hay rạp xi nê hồi đó. Mía bây giờ người ta đựng trong bịch nylon, tuy cũng tiện tròn nhưng nhìn tẻ nhạt chứ không xinh xắn hấp dẫn như mía ghim thuở đó!

Bông Cỏ thì đặc biệt hơn, trông giống như Sương Sa nhưng hơi mềm mình, và lại thơm ngon hơn nhiều. Có lẽ tuổi nhỏ với khẩu vị đơn giản và đồng tiền có hạn nên món nào hồi xưa mình ăn đều thấy ngon lạ ngon lùng, hay bởi vì những món ăn thời ấy còn chất chứa cả một khung trời ký ức êm đềm dịu ngọt nữa mà bây giờ cho dẫu có ăn bất cứ món gì mình cũng thấy không thể sánh bằng? nhưng món Bông Cỏ thì quả là hơn đứt Sương Sa hay Thạch của người Bắc, Đông Sương của người Trung. Bông Cỏ hình như là xuất xứ từ bên Tàu, cách làm cũng khá lạ, phải ngâm nước một đêm cho nở rồi mới cho vào trong một cái bao vải dày (gọi là bao bồng bột) cùng với một vài (bao nhiêu?) trái chuối Xiêm chín, nhồi lấy nước sền sệt pha chung với nước lã sao cho vừa đủ lượng nước cần dùng, cho vào thau để yên trong mấy giờ sẽ đông lại như Sương Sa nhưng mềm và dẻo hơn, dùng cái muổng như cái vá xới cơm nhưng dẹp và mỏng hơn vát nhẹ thành từng miếng mỏng cho vào ly, ăn với bột mì tinh cắt nhỏ vuông vức pha màu hồng đỏ luộc vừa chín còn cái ngòi bột trăng trắng nhỏ xíu trông giống như những hột Lựu tươi vừa tách ra khỏi trái chín cây (vậy nên mới được gọi tên là Bông Cỏ Hột Lựu), chan nước đường thắng kẹo và nước cốt dừa béo ngậy, thêm vào chút dầu chuối đựng trong cái ve nhỏ xíu mà thơm lừng. Đôi khi người ta còn bán chung với Sương Sáo và Sương Sâm, một thứ màu đen có mùi hôi nhẹ của thuốc Bắc, một thứ màu xanh biếc của lá cây với những đám bọt nhỏ phía trên mặt, ăn cùng với đường cát trắng lạo xạo trong miệng và những vụn đá bào mát lạnh.

Lớn thêm một chút, vào Trung Học, tôi nhớ tới những xe bán Bò Bía trước cổng trường, người bán thoăn thoắt gói những cuốn nhỏ bánh tráng có ít củ sắn và cà rốt thái sợi xào chín giữ nóng trong một cái thau nhỏ đặt trên bếp lửa, cho thêm vài lát Lạp Xưởng mỏng tanh, một ít tép ruốc chấy vàng nhuộm đỏ, có khi một ít trứng chiên vàng cắt sợi, một lá Sà lách, vài ngọn rau thơm, ăn với tương ngọt và tương ớt có ít đồ chua, một ít hành phi dòn và một ít đậu phọng rang giã dối. Cuốn Bò Bía ngọt thì chỉ là một cuốn bánh bột mỏng gói cây kẹo dòn và ít dừa nạo sợi, rắc ít mè rang vàng, chỉ tiện ở chỗ có thể cất vào trong cặp dành ăn trong giờ ra chơi, còn thì chẳng có gì đặc biệt!

Xi rô kem khác với kem ly, vì có cả đá bào và nước xi rô trộn chung với mấy muổng kem thành một thứ vừa dùng để múc ăn vừa có thể uống như nước được, có thấy bọn học trò xúm quanh hối thúc bà hàng thì mới thấy món quà này được ưa chuộng ra sao. Ya ua cũng có thể ăn theo cách này, chung với đường và đá gọi là ya ua đá. Sinh tố bịch thì làm bằng các loại trái cây cho vào máy xay nhuyễn, thêm đường thêm nước thành một loại thức uống ngon lành cho vào bịch ny lon nhỏ cột chặt bỏ tủ đá cho đông cứng lại, bọn con gái chúng tôi vẫn thường mút một đầu bao mút như mút đá nhận mặc cho bọn con trai tròn mắt thèm thuồng mà giả vờ trêu chọc.

Những quả ổi luộc ngâm trong nước cam thảo màu vàng luôn là món hấp dẫn tôi hơn cả Me và Cà Na ngâm. Xẻ đôi trái Ổi ra, màu ruột vẫn trắng ngà và dòn tan, nhưng lớp vỏ ngoài lại hơi mềm và ngọt mùi cam thảo, trét lên một lớp muối ớt cay cay thì thật là tuyệt! Me thì dòn và đã được lấy sạch hột, Cà Na hơi chát mà chua chua, trời ơi còn Xoài sống thì cắn miếng nào biết miếng đó, Chùm ruột chỉ nhìn thôi đã ứa nước miếng vì thèm, Cóc chín trái vàng lườm và thơm nức mũi. Những món trái cây ngâm ấy được gói trong mấy tấm lá chuối xanh rờn, một góc là nhúm muối ớt đỏ tươi ngon lành, buổi trưa trời nắng đổ lửa hay buổi sáng rét nhẹ chúng tôi đều chiếu cố tận tình như nhau! Vậy mà chẳng thấy đứa nào đau bụng đau bão gì, ấy thế mới lạ!

Còn hàng Phá Lấu trên đường Pasteur, nơi có xe nước mía Viễn Đông nổi tiếng một thời với những cây tăm tre xiên vào từng xâu nhỏ gan, lưỡi, tim … phá lấu màu nâu đen thơm phức vừa miệng đặt trong mấy cái đĩa nhôm bày trên một mẹt hàng có bốn chân gác chéo, mà tôi đã đi ăn cùng với người bạn trai đầu tiên. Ly nước mía mát lạnh hơn cả những câu chuyện thủ thỉ không đầu không đuôi tuổi học trò nhớ lại vẫn còn cảm thấy ngọt ngào. Hẻm Casino SaiGon có hàng Bún chả và bánh cuốn Thanh Trì một ngày nào đã dung dăng dung dẻ cùng các bạn vào ăn sau khi mỏi chân mỏi mắt khắp phố phường, trong Crystal Place hay trong P***age Eden. Hiệu kem Pole Nord nằm bên thương xá Tax với một dãy ki ốt hoa tươi trên đường Nguyễn Huệ một tối nào tôi nhận từ tay người bạn trai sắp theo tàu đi xa một bông hồng màu đỏ thắm với bàn tay ấm áp ân cần. Quán cơm Bà cả Đọi nằm trên một căn phòng nhỏ thấp sâu trong hẻm với những món ăn được dọn ra trên chiếc đi văng bóng gỗ bóng màu thời gian, những món ăn quen thuộc như bữa cơm thường ngày gợi nên cảm giác gia đình cùng ăn với bọn bạn là sinh viên miền Trung vào SaiGon trọ học….

Vậy mà thoắt cái đã mấy mươi năm! Những món ăn tôi đã ăn trong cả một thời ấu thơ cùng với bạn bè, những món ăn tôi đã chia sẻ cùng với những người thân thương một thuở, bây giờ có món vẫn còn bày bán đâu đó trong thành phố, có món đã lâu lắm chẳng còn nhìn thấy lại. Nhưng cùng với thời gian trôi qua, và mọi điều đã thay đổi, tôi mãi mãi sẽ chẳng bao giờ còn có thể thêm một lần nữa nếm được cái hương vị ngọt ngào tuyệt diệu của những món quà ấy, cho dù có tha thiết ước ao, hay thèm thuồng mong đợi đến thế nào!

Như có lần tôi đã bày tỏ cùng một người bạn ít tuổi hơn nhiều, và lại không cùng sinh ra, lớn lên trong cùng một hoàn cảnh sống, về những món ăn ở một nơi mà cô đã đến, nghe ca tụng nhưng thất vọng lúc nếm thử, rằng cái hương vị trong ký ức của mỗi một người khi ăn một món ăn nào là hương vị rất đặc biệt chỉ riêng người ấy mới cảm nhận được, gói ghém cả những ngọt ngào của quá khứ và kỷ niệm, mà không phải ai cũng có thể sẻ chia. Nhớ lại những món ăn một ngày nào, là tôi nhớ lại biết bao là êm ái và dịu ngọt, mà những món quà tuy tầm thường bé nhỏ ngày xưa ấy, cho dẫu chỉ là quà của một thời, nhưng lại là một thời của những tháng ngày yên vui mãi mãi trong tâm tưởng, mà những khoảnh khắc quý báu ấy thì mãi mãi tôi chẳng bao giờ có thể nguôi quên.

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Nhân vụ National Geographic Society, nhớ lại một bài thơ

Mấy ngày nay báo chí và các trang mạng om xòm về vụ NGS ghi sai thông tin về Paracel Islands. Với tư cách là một công dân VN, tôi cũng rất bức xúc về việc này.

Và rất vui khi thấy NGS đã có phản hồi, dù chưa được như ta mong muốn. Một thắng lợi của sức mạnh của truyền thông công dân, và xã hội dân sự. Có lẽ nhà nước VN nên suy nghĩ và tìm cách khai thác sức mạnh này tốt hơn nữa cho sự phát triển đất nước nhỉ?

Nhân dịp này, tự nhiên tôi nhớ lại một bài thơ mà thời trước năm 1975 vẫn được ngâm trên TV (thời đó còn TV trắng đen) nhân vụ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Bài thơ này hình như hồi ấy do Hồng Vân ngâm thơ.

Hồng Vân là một trong ba ca sĩ thuộc tam ca gì đó tôi quên rồi, chuyên hát dân ca, sau 1975 vẫn còn đi hát nhiều năm mới nghỉ, bây giờ chắc phải ngoài lục tuần hoặc hơn nữa rồi, tôi không chắc lắm. Các bác nào cùng tuổi tôi hoặc lớn hơn chắc còn nhớ.

Và dưới đây là bài thơ, xin chép lại chia sẻ với mọi người trẻ hơn tôi, và ôn lại kỷ niệm với các bác cùng thời hoặc lớn hơn tôi. Bài thơ ngắn, chỉ có mấy câu thôi.

Bạch Đằng Giang oai hùng chiến tích
Xác quân Tàu la liệt đầy sông
Hải quân ta nối chí tiền nhân
Thề diệt lũ giặc Tàu cướp nước

Hoàng, Trường Sa với Việt Nam là một
Đế quốc Tàu đừng dại dột xâm lăng!


Thông điệp nằm trong 2 câu cuối của bài thơ đó, tôi hy vọng vẫn là thông điệp chung của mọi người VN đến bất kỳ ai muốn chiếm đất của dân tộc ta, phải không?

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

That's what friends are for...


Tôi không rõ tựa của entry này có phải là tên của bài hát ấy hay không, nhưng trước khi bắt đầu viết những giòng này, và ngay bây giờ nữa, khi đang viết, thì giòng nhạc ấy và lời hát ấy đang bay bổng trong đầu tôi:
Keep smiling, keep shining
Knowing you can always count on me, for sure
That's what friends are for
In good times, in bad times
I'll be on your side forever more
Oh, that's what friends are for
Hãy cười lên, hãy tươi lên
Biết rằng bạn luôn có thể dựa vào tôi, tất nhiên
Bạn bè để làm gì chứ?
Lúc vui, lúc buồn
Luôn có tôi bên bạn, mãi mãi
Nếu không, sao là bạn của nhau?


Phần dịch trên là của tôi, dịch hơi thoáng, nhưng bảo đảm là đúng! Thật thế, vì tôi nói là nó đúng mà. Chuyên gia chất lượng giáo dục, tiến sĩ giáo dục ngôn ngữ nói chứ bộ! (hừm, hèn gì mà 2 đứa con tôi nó nói tôi là "siêu chảnh"!) :-)

Tại sao tôi lại viết những giòng này? Vì cách đây vài ngày bạn bè lớp cũ của tôi - well, một số người trong lớp cũ, nói chính xác là như thế - lớp Anh văn khóa 1978 trường ĐH Tổng hợp mới họp mặt lại tại nhà một người bạn. Ăn uống, vui đùa, kể lại chuyện cũ, cả những chuyện tình tự kể, linh tinh lang tang, để đùa vui, để ôn lại quá khứ ... vàng son, thật và tưởng tượng.

Và kể lể ... quá đà, rồi có người phản ứng, rồi giận dỗi, rồi mail qua mail lại, ôi, mệt quá, nhưng cũng ... vui quá, và ... tức cười quá đi mất! ;-)

Vì nó tạo thêm chút hương vị, mặn ngọt chua cay, cả đắng nữa, của cuộc đời, của những người ngũ tuần rồi mà vẫn rất trẻ con (!), bè bạn của tôi.

Bạn bè ơi! Tình bạn là một trong những báu vật hiếm hoi mà thượng đế ban không cho ta, bất kể ta có xứng đáng với nó hay không. Nhưng nó không đương nhiên tồn tại mãi, mà phải được nuôi dưỡng. Và cách nuôi dưỡng tình bạn tốt nhất - nói đúng hơn, cách duy nhất để nuôi dưỡng tình bạn - là hãy xứng đáng như một người bạn. Vậy chúng ta sẽ cố nhé?


Để mỗi chúng ta vẫn còn chỗ dựa về tinh thần, là điều ai cũng rất cần trong cuộc sống hiện nay, đặc biệt khi đã qua phía bên kia dốc của cuộc đời, phải không các bạn?

That's what friends are for ...

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Có ai giải đáp được cho tôi không?

Blog này của tôi, như mọi người thường vào ra đều biết, là để ghi những suy nghĩ cảm tính hoặc/và cảm xúc của tôi về những việc xảy ra quanh tôi mà tôi là nhân chứng hoặc người tham gia trực tiếp, hoặc những gì tôi được nghe, đọc, hoặc nhìn trên báo chí, và trên các phương tiện truyền thông khác, kể cả các trang của các bloggers khác.

Cũng trên blog này, tôi đã từng viết khá nhiều mẩu mà khi viết tôi rất xúc động, như Stressed, hoặc Đàn bò vào thành phố, hoặc Trong trái tim con chim đau nằm yên, hoặc Anh bạn dãi dầu không bước nữa .... Nhưng chưa bao giờ những cảm xúc đau đớn, tê dại lại đến dồn dập với tôi như thế này.

Tôi đã đọc gì, nghe gì, thấy gì?

Tôi đọc blog BS Hồ Hải và thấy vòi nước để chữa lửa ở trên đường Kha Vạn Cân bị hỏng làm xịt nước ra đường nhiều tiếng đồng hồ nhưng không ai đến chữa, ở đây.

Tôi đọc blog của HuyQuangPiano và nghe + nhìn thấy một cháu bé 3 tuổi bị hành hạ dã man bởi những người tự nhận là cha mẹ của cháu, ở đây.

Từ trang của huyquangpiano tôi vào tiếp trang zingvideo thì thấy rất nhiều clip về việc các nữ sinh đánh nhau dã man, tàn bạo, và ... khốn nạn, vì không chỉ đánh nhau, mà các cô bé ấy còn lột quần áo, làm nhục nhau, trước sự chứng kiến của một đám (xin lỗi, tôi không biết dùng từ nào cho lịch sự hơn từ này) những người được gọi là nam giới, là phái mạnh.

ở đây và cơ man những clips khác, cùng nội dung hoặc khác nội dung, nhưng giật gân không kém. Tha hồ xem để ... giải trí???

Lên trang blog boxitvn, thì đọc thấy thư của bạn đọc, cho biết lên google map thấy mấy trường học Việt Nam nằm ở phía kia của biên giới Việt Nam-Trung Quốc???? Ở đây.

Cảm xúc của tôi lúc này là gì ư? Bàng hoàng. Phẫn nộ. Đau. Tê tái. Còn nữa, nhưng có lẽ hết từ để diễn tả rồi.

Cũng hết tựa bài thơ, bài hát để đặt cho entry này rồi. Đành mượn một câu trong phần kết luận của thư bạn đọc trên trang boxitvn mà tôi vừa đề cập đến ở trên:

Có ai giải đáp được cho tôi không?
Có ai giải đáp được cho chúng tôi không?
Có ai giải đáp không?
Có ai không?
Có gì không?

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Mặt trời nhỏ, thơ và giáo dục

Mặt trời nhỏ
Nụ hoa bạn tặng tôi hôm qua
Màu thắm đỏ
Rung rung cánh hoa hé mở
Muốn ngỏ điều gì, hỡi hoa?

Tôi không hiểu nhiều ý nghĩa các loài hoa
Còn bạn thì, tôi tin, cũng thế!
Cả người nhận và người cho đều không hiểu việc mình làm
Chỉ có bông hoa giờ ở đây
Tỏa hương dịu dàng cho lòng tôi say say ...

Bởi vì sáng nay
Nụ hoa đã nở
Sáng một góc phòng
Như một mặt trời nho nhỏ


Phương Anh, 1982

Bài thơ trên tôi đã làm từ năm 1982, lúc tôi còn học năm thứ 4 ở ĐH Tổng hợp (ĐH Văn Khoa cũ). Cách đây đã 28 năm rồi. Tôi vẫn nhớ đã viết bài thơ này một mạch vào buổi sáng khi ngủ dậy, nhìn thấy nụ hoa hồng tỷ muội do một người bạn (trai) cùng lớp tặng cho hôm trước, đã nở.

Nụ hoa đã được tặng một cách hồn nhiên, vô cớ, có lẽ bạn ấy đã hái dọc đường. Đưa cho tôi, "cho PA nè", với một nụ cười dễ thương, vậy thôi. Chỉ có thế thôi, mà tôi cũng làm thơ được, hay thật!

Thời đó, bọn sinh viên Văn khoa chúng tôi là một lũ rất ... kỳ quái, và tự hào về sự kỳ quái của mình. Chất "văn khoa", mà ngày nay người ta gọi một cách "văn vẻ" hơn là "chất nhân văn" vì trường đã đổi tên, thấm đẫm trong từng đứa sinh viên bọn tôi. Lúc nào cũng thẩn thơ lãng mạn, làm thơ viết văn, buồn vui với thời cuộc, tha thiết với cuộc đời, và thổn thức lệ rơi vì những nỗi đau nhân thế.

Nhưng tại sao tôi lại nhớ đến bài thơ vào lúc này? Chẳng là, tôi vừa đi công tác ở Vũng Tàu, sáng sớm được ngắm mặt trời mọc trên biển, đẹp đến sững người. Cách đây vài ngày, bọn bạn bè Văn khoa cũ lại mail để hẹn hò gặp mặt, họp lớp sau 28 năm xa cách. Thế là đầu óc "điên điên khùng khùng" kiểu văn khoa của tôi bắt đầu làm việc theo ý nó, và bài thơ mà tôi đã làm lâu lắm được tự động truy hồi. Cùng với những cảm xúc bâng khuâng và hoài niệm về một thời hoa mộng đã qua...

Những con người kỳ quái, điên điên khùng khùng như lớp tôi vậy, ra đời làm được gì nhỉ? Xin thưa ngay: họ làm được rất nhiều. Bạn bè tôi cả lớp vài chục người, chỉ có 2, 3 làm nghề giáo như tôi. Còn lại đa số là các nhà quản lý và doanh nhân thành đạt trong nhiều lãnh vực khác nhau. Và tôi tin sự thành đạt đó là do sự giáo dục mà chúng tôi được hưởng từ trường văn khoa cũ.

Mặc dù nhìn lại chương trình, không thấy có môn học nào giúp chuẩn bị cho chúng tôi thành doanh nhân hay nhà quản lý. Mà quanh đi quẩn lại, chỉ độc có thưởng thức thơ văn, tìm hiểu văn học sử Việt Nam và thế giới, rồi lý thuyết về ngôn ngữ, tâm lý, rồi lịch sử, văn hóa, và văn minh các khu vực, và một ít triết học - đa số là triết mác-lê (!), nhưng vì học ngoại ngữ nên cũng lọt vào tư tưởng của các triết gia phương Tây như Francis Bacon hoặc Newman chẳng hạn, do sinh viên tự đọc qua tiếng Anh để hoàn thành những bài viết theo yêu cầu của giáo viên.

Còn rất nhiều điều tôi muốn nói qua entry này, về vai trò của thơ, của cảm xúc đẹp trong việc giáo dục và hình thành nhân cách con người, đặc biệt là những người trẻ. Vì thời nay quan điểm giáo dục dường như đã thay đổi hoàn toàn: sinh viên, giáo viên, và nhà trường đều quá thực dụng. Học chỉ chăm chăm để thi, thi chỉ chăm chăm để lấy bằng, lấy bằng chỉ chăm chăm để kiếm vị trí, có vị trí chỉ chăm chăm giữ ghế, để chăm chăm vun vén cá nhân.

Quan niệm đi học là để hình thành nhân cách dường như đã hoàn toàn biến mất. Cùng một lúc với sự mất niềm tin rằng tài năng và đức độ sẽ đem lại cho mình những vị trí quan trọng trong xã hội. Và cũng chẳng còn quan niệm vị trí xã hội chỉ nhằm tạo điều kiện cho những cá nhân có nhân cách tốt có thể phục vụ nhân loại tốt hơn và tiếp tục phát triển tài năng và bản lãnh cá nhân để rồi lại quay lại phục vụ. Chứ vị trí xã hội không có ý nghĩa tự thân.

Nhưng ý tưởng quá ngổn ngang nên viết mãi chưa xong (entry này đã được bắt đầu từ cách đây 2 ngày mà đến nay vẫn chưa kết thúc). Đành bỏ bớt ý tưởng, gói gọn lại quanh một bài thơ và những hồi ức về một thời đã qua để gửi đến mọi người.

Như một món quà cuối tuần, đầu ngày cho tất cả mọi người mà tôi yêu mến. Đặc biệt là bạn bè AV78 mà tôi sẽ gặp chiều nay...

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Hai bài phỏng vấn PA trên báo Đất Việt

Hôm nay tôi nhận được tin từ PV của Báo Đất Việt cho biết có hai bài viết có sử dụng ý kiến của tôi. Hai bài đó, ở đâyở đây.

Tôi chưa đọc lại, hy vọng là ý kiến của tôi không bị sai lệch khi được lọc qua lăng kính của PV. Cứ đưa lên đây để lưu cho mình, và cho bạn bè, những người thường ra vào blog này. Và cũng để ... khoe một tí :-). Bởi vì, là một trí thức (well I believe so, hopefully mọi người không phản đối!) ;-), thì điều làm cho người ta sung sướng, tự hào nhất, là được quyền có ý kiến, và có người nghe. Nếu không phải lãnh đạo lắng nghe và thực hiện, thì ít ra cũng được đưa ra công luận.

Xin mọi người đọc và có ý kiến để cùng chia sẻ nhé!

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Bên lề phố vắng, buổi chiều ...

Đó là câu đầu của một bài thơ, chẳng rõ là của ai, mà tôi đã được học thuộc lòng vào thời tiểu học, cũng chẳng nhớ là lớp mấy. Hình như là lớp năm, tức là lớp một bây giờ.

Tôi nhớ lại bài thơ này, dù rất lâu đã không nhớ hoặc nghĩ gì đến nó, là do đọc một entry trên blog của BS Hồ Hải, nói về thời sinh viên vất vả, khó nhọc của bọn tôi, những năm đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Nó ở đây.

Trong entry ấy, chủ nhân blog đã nhắc đến và chụp hình một trang sách có ghi dòng chữ của chủ nhân cuốn sách khi phải rời xa nó. Những dòng chữ còn đó như chứng nhân lịch sử của một thời đau khổ, một thời lầm lạc của dân tộc. Rất xót xa.

Đối với tôi, dòng chữ ấy còn có một ý nghĩa khác nữa: lòng yêu mến đối với sách vở, một truyền thống đáng trân trọng của người Việt Nam. Nó phản ánh sự tôn trọng của xã hội đối với tri thức, và với giới trí thức. Một truyền thống mà dường như bây giờ đã phai nhạt mất, như rất nhiều truyền thống tốt đẹp khác.

Đọc giòng bút tích của người chủ viết khi chia tay cuốn sách vì buộc phải bán nó để kiếm một ít tiền, tôi thật xúc động. Vì tôi cũng có khá nhiều cuốn sách cũ có ký tên một chủ nhân khác như vậy. Và chính tôi cũng đã từng phải bán sách, để kiếm ít tiền trang trải những nhu cầu trong cuộc sống.

Tôi nhớ có lần đem ra hiệu sách cũ một số sách vở mà tôi cho là rất quý, suy nghĩ mãi mới quyết định đem bán. Thế mà người chủ hiệu sách không hề thèm liếc qua bất kỳ tựa sách nào, thản nhiên bỏ lên cân xem nặng bao nhiêu, và báo cho tôi giá mua tính bằng giá giấy vụn. Đau xót quá, tôi không bán, mang về. Để rồi vài ngày sau cũng lại phải mang lại bán, như giấy vụn!

Nên mới nhớ ra bài thơ này, chép lại cho tôi và mọi người, nhất là thế hệ sau tôi. Có một vài chỗ nhớ mang máng, có thể chưa chính xác hoàn toàn:

Bên lề phố vắng, buổi chiều
Thấy chăng những sách tiêu điều, ngổn ngang?
Phơi bày trước mặt khách hàng
Nhỏ to, cũ mới, tím, vàng, xanh, đen.

Dập dìu kẻ lạ người quen
Sách còn nửa giá, đua chen mua hời
Người quây lớp đứng, lớp ngồi
Khách đòi giá rẻ, chủ nài tiền cao.

Văn chương rẻ mạt, trách nào!
Văn gia bóp óc biết bao công trình
Tạo nên cuốn sách xinh xinh
Ngờ đâu tác phẩm của mình nằm trơ!

Thế gian bao kẻ hững hờ
Đi bên sách quý, còn ngờ của ôi.


Chép xong, thấy bài thơ có chút ngây ngô, hơi ... vè. Lời thơ chưa trau chuốt. Tự nhiên tôi nghĩ, có lẽ tác giả bài thơ này là người Nam Bộ? Thật thà. Nhưng đối với tôi nó vẫn gây xúc động. Nói thêm, hồi tiểu học tôi học ở trường công giáo. Tên là trường Thánh Tâm, ở khu vực Chí Hòa, một xứ đạo rất lớn của người miền Nam. Mọi người nói tiếng Nam rặt.

Tôi còn nhớ mang máng là cô giáo giảng bài này có kể chuyện đi mua sách vở sao đó, mà tôi về nhà cứ suy nghĩ mãi. Và nhớ luôn bài thơ. Vì đi mua sách là một thói quen của ba tôi mà nay đã trở thành một truyền thống của gia đình tôi. Hồi còn nhỏ, ông hay dắt anh chị em tôi đi mua sách ở nhà sách Khai Trí. Rất thích. Đối với tôi, những lần đi mua sách ấy giống như một cuộc đi chơi.

Những mảnh vụn của ký ức sao cứ ùa về. Có lẽ tôi đã già, thật vậy. Bởi người trẻ thì có tương lai để hướng đến. Còn người già, chỉ còn hoài niệm. Những hoài niệm rất có ý nghĩa, gắn với những cảm xúc sâu thẳm. Vui có, buồn có, nhưng đều pha chút xót xa.

Nhưng cũng chỉ có ý nghĩa cho riêng mình. Còn thế gian, người ta sẽ vẫn hững hờ thôi...

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Đọc: "Vấn đề nhạy cảm hay là sự né tránh..."

Thật ra tựa đầy đủ của bài viết ấy là "Vấn đề nhạy cảm hay là sự né tránh trách nhiệm". Nhưng tôi lại thấy chỉ cần nói "sự né tránh" đã là đủ. Tựa ngắn mà đủ ý thì có lẽ hay hơn? Chủ quan, chủ quan!

Bài ấy ở đây. Tôi đọc nó vì được bạn bè nhắc phải đọc, vì nó đáng đọc. Sau khi tôi post entry mới đây về một bài đáng đọc khác, nói về "sợ chụp mũ".

Vậy thì đây, những trích dẫn, kèm phản ứng và bình luận của tôi khi đọc bài này:

[...] [Đ]iều tôi băn khoăn, lo lắng là: liệu các văn kiện trong Đại hội sắp tới có thể tiếp nhận được những trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân cũng như những mong mỏi đề xuất từ cuộc sống nhất là từ cơ sở hay không? Hay chúng ta chỉ làm chiếu lệ, hình thức, mà biểu hiện là các văn bản dự thảo trước khi lấy ý kiến nhân dân và các văn bản sau khi có ý kiến của nhân dân đóng góp sôi nổi, đầy trách nhiệm mà chả khác là bao.

Vâng, thưa TS Mai Liêm Trực. Cái này thì tôi rất có kinh nghiệm ạ. Nó xảy ra hàng ngày đối với rất nhiều quy chế, quy định của nhà nước. Hậu quả có thể thấy của việc này: (1) lãng phí thời gian, công sức của cả người góp ý lẫn người thực hiện việc thu thập ý kiến góp ý; (2) các quy chế, quy định không phù hợp vì thiếu những ý kiến đóng góp của người dân.

Nhưng tệ hại hơn, mà mọi người có thể không thấy, là lãng phí niềm tin của dân chúng. Khi người dân còn góp ý, thì đó là biểu hiện người ta còn tin vào khả năng làm tốt hơn, khả năng thay đổi của người được góp ý.

Nhưng sau khi góp ý, nếu mọi việc vẫn mãi như cũ, thì người ta sẽ không tin nữa. Và sẽ không nói nữa, mà cứ làm thôi. Mỗi người làm một kiểu, theo ý mình, bất chấp luật lệ, quy định, vì đàng nào thì các luật lệ quy định đó cũng chẳng phản ánh thực tế.

Ví dụ, quy định họp chuyên môn là 70 ngàn đồng/lần. Có thể nào mời các chuyên gia đến góp ý cho những vấn đề chuyên môn, khoa học,hoặc những vấn đề chính sách, quản lý, phải đi xa đến 20 cây số, và trả cho họ 70 ngàn không? Cho nên phải lách, họp một lần thì phải khai làm 3 lần, được 210 ngàn, để trả 200 ngàn, giữ lại 10 ngàn mua nước trong buổi họp. Chuyện này ai cũng biết, nhưng quy định thì vẫn thế, không ai nói và/vì cũng chẳng ai buồn thay đổi???

Lạm dụng những từ nhạy cảm, phối hợp, phức tạp để tránh phải đối diện với những vấn đề bức xúc cần giải quyết là không thể chấp nhận được.

Nhất là trong thời điểm hiện nay thì quyết định chậm cũng là quyết định sai vì chậm là mất thời cơ bứt phá.

Phần in đậm nghiêng ở trên quá đúng, không thể bình luận gì thêm.

Cái nghề của lãnh đạo là phải ra quyết định, chứ chờ đến khi mọi người đồng tình rồi mới quyết định thì nói làm gì nữa, đâu cần đến anh lãnh đạo nữa. Cứ nói "nhạy cảm" nhưng ở những cấp cao không ai làm thì ai sẽ làm? Tại sao chúng ta cứ phải né tránh?

Lại một nhận xét quá hay. Nhưng câu hỏi của tôi: Tại sao những người lãnh đạo thuộc kiểu như vậy vẫn có thể tồn tại? Mà theo kinh nghiệm của tôi thì hình như lại tồn tại tốt nữa là khác. Cái này có liên quan gì đến tâm lý đám đông không BS Hồ Hải?

Cũng như tư duy trong quản lý internet trước đây có lúc là "Quản lý được đến đâu thì mở đến đó" rồi sau đó được thay bằng tư duy "Quản lý phải theo kịp với yêu cầu của phát triển".

Nhưng bây giờ, trong những điều kiện của toàn cầu hoá, chúng ta cần tiến thêm một bước nữa đó là "Quản lý phải thúc đẩy phát triển".

Tôi có 2 nhận xét chỗ này: (1) TS Mai Liêm Trực có ý kiến rất hay, rất đột phá so với tư duy quản lý chung tại VN hiện nay; (2) tuy nhiên, quan niệm này các nước có lâu rồi mà??????

Đó chính là lý do các nhà quản lý phải được hưởng lương cao hơn những người được quản lý. Chứ nếu đặt họ ra để cản trở phát triển thì ... thật quái gở (tư duy ngược), còn đặt họ ra để cho họ theo kịp những người bị quản lý thì thật vô tích sự! Không có họ thì xã hội vẫn phát triển mà, vậy trả lương làm gì cho tốn tiền mà chỉ để giúp cho họ theo kịp yêu cầu phát triển? Tư nhân không ai trả tiền, mà họ cũng vẫn theo kịp mọi yêu cầu của phát triển đó thôi?

Vài dòng bình luận. Đọc xong bài này, tôi nghĩ lý do tại sao VN lạc hậu, chậm tiến đã rõ lắm. Vấn đề là có dũng khí để thay đổi không thôi. Và đó là việc của các nhà lãnh đạo, của Đảng Cộng sản cầm quyền, vì quyền đó đang ở trong tay của Đảng Cộng sản. Như TS Mai Liêm Trực đã phát biểu một cách rất tự tin.

Còn tôi, nếu ai cũng như TS Mai Liêm Trực (well, như trong bài báo đã đưa), thì tôi cũng sẽ chia sẻ niềm tin của Ông.

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Bài đáng đọc: "Nếu ai cũng sợ bị chụp mũ"

Nhìn cái tựa là đã hiểu rõ bài viết này bàn về vấn đề gì, và kết luận là gì rồi, phải không? Tuy nhiên, nó vẫn rất đáng đọc, vì bài viết này cũng vậy, những vấn đề nó nêu ra có lẽ ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng dám nói ra. Nên đọc nó, vẫn rất thú vị.

Bài ấy ở đây. Đặc biệt đáng đọc đối với những "cán bộ trẻ" đang được quy hoạch để thay thế thế hệ già nua giống như tôi. Nếu muốn cho VN nhanh chóng phát triển, "ngang tầm khu vực và quốc tế" (cái chỗ đóng ngoặc kép này hình như là đã nhiều người nói rồi nên tôi phải trích dẫn theo đúng nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác).

Còn dưới đây là những trích dẫn từ bài viết, đã qua bộ lọc của tôi:
Nếu ai cũng sợ bị "chụp mũ", nếu chỉ có một trung tâm độc quyền phát ra chân lý, nếu cấp dưới chưa có thói quen dám tranh luận với cấp trên, không dám suy nghĩ bằng cái đầu của mình vì còn sợ "mất đầu" thì tình trạng lạc hậu về nhận thức lý luận ở nước ta còn kéo dài.
Bình luận thêm: sự lạc hậu đó không chỉ về nhận thức lý luận, mà sẽ kéo theo là lạc hậu trong toàn bộ mọi lãnh vực của cuộc sống. Bởi vì rõ ràng là mọi thứ bắt đầu từ nhận thức và lý luận. Nhận thức rằng sự phân phối lợi ích trong cuộc đời này là rất bất công, chẳng có gì tự đến với ta dù ta có tài cao hay đức dày đến mấy, sẽ dẫn đến việc đút lót thánh thần, ẩu đả để dành lộc thánh, vv, dẫm đạp lên nhau để đi dự lễ cầu phúc (= cầu lợi), như đã thấy trong dịp rằm tháng giêng vừa qua.

Sự thành thực rất quan trọng, như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đương chức có lần xuống nói chuyện ở Viện Khoa học Xã hội, đã nói một câu rất chân thành: "Trong ĐH VIII có một câu là, nhận thức của chúng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng rõ ra, nhưng riêng tôi vẫn chưa thấy rõ lắm".

Chỉ có thể nói một chữ: Hay! Không thể bình luận gì thêm.

Tôi nhớ một buổi chiều đồng chí Trường Chinh nói hôm nay tôi hỏi các đồng chí một câu thôi, các đồng chí trả lời không cần lập luận nhiều: Bao giờ kết thúc chặng đường đầu tiên và bao giờ kết thúc thời kỳ quá độ ở Việt Nam?

Mỗi người đưa những mốc thời gian khác nhau, đến lượt tôi thì tôi trả lời là không biết vì lý lẽ của tôi là phải xem đường lối của Đảng như thế nào đã, chứ nếu như hiện nay thì có thể dẫm chân tại chỗ hoặc có thể bị lùi lại thêm nữa.

Câu hỏi của tôi: Vậy câu hỏi của Cố Tổng bí thư Trường Chinh đến nay đã có ai trả lời được chưa ạ?

Chúng ta cần tạo ra bầu không khí dân chủ trong nghiên cứu khoa học, cho phép các nhà khoa học có quyền nói và viết những suy nghĩ của mình. Nếu không cho người ta nói trái với ý của mình thì chẳng bao giờ có tiến bộ trong lý luận, khoa học được cả.

Thật chính xác. Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này.

Trong một thời kỳ dài đã từng tồn tại lối tư duy lạ lùng: chỉ nói đến những mâu thuẫn trong chủ nghĩa tư bản, còn trong chủ nghĩa xã hội thì hình như không có mâu thuẫn. Tư duy mới là tư duy dám nói đến những mâu thuẫn hiện thực trong chủ nghĩa xã hội và tìm cách giải quyết đúng đắn các mâu thuẫn đó, không e ngại, che giấu mâu thuẫn.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng trong những năm qua, chúng ta không những chậm phát hiện mâu thuẫn mà còn chậm giải quyết mâu thuẫn. Đổi mới tư duy chính là phải khắc phục tình trạng đó.

Vâng, đúng ạ. Nhưng bao giờ thì bắt đầu đổi mới tư duy? Và làm sao biết mình đổi mới tư duy xong thì tư duy mới do mình khởi xướng sẽ được thừa nhận và phát huy, chứ không bị ... "chụp mũ"?!!!

Viết đến đây xong, tôi lờ mờ nhận ra thêm: ngay cả nếu dám nói, mà những điều mình nói ra không ai thèm đếm xỉa đến, thì có lẽ cũng sẽ không ai nói nữa. Không chỉ đơn thuần là sợ bị chụp mũ.

Chà chà chà, gay thật!
--
Viết thêm:
Tự nhiên lại nhớ đến phần cuối của một bài học thuộc lòng từ thời tiểu học, chẳng rõ là lớp mấy (hình như là lớp 1?) , nên chép lại để lưu cho mình, cho bạn bè, người thân, và người đời sau (!):

...
Nước ta tên là nước Việt Nam
Làm dân con phải nhớ mới được.
Yêu nước, mến nước,
Làm sao cho nước vẻ vang,
Cho giàu cho mạnh đứng ngang bằng người!


Nếu tôi nhớ đúng bài này học vào lớp 1, thì có nghĩa là vào năm 1965, 1966 gì đó. Hình như miền Nam Việt Nam thời đó phát triển hơn nhiều so với Thái Lan hay thậm chí cả Singapore, Nam Hàn nữa thì phải? Nếu đúng thế, thì lẽ nào chúng ta đang đi ... giật lùi? Hay là đi theo kiểu ốc sên nhà thể thao? Ai không rõ ốc sên làm gì, xin tìm trong blog này của tôi! :-)

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Đi lễ chùa tại Bangkok

Đông mà không hỗn loạn
Hôm qua là ngày rằm. Đoàn Việt Nam đi theo 2 nhóm, nhóm Hà Nội đến Bangkok trước, nên có buổi chiều để đi lễ chùa. Còn nhóm Sài Gòn đến thì đã tối, nên đành đi lễ chùa bằng hình của mọi người đã đi và chụp.

Đông mà không hỗn loạn. Trang nghiêm, thanh thoát. Đó là cảm nghĩ của những người đã đi lễ chùa hôm qua trong đoàn VN.

Xin gửi chùm ảnh từ xứ sở nơi đạo Phật là quốc giáo. Để mọi người suy nghĩ về cách tổ chức các lễ hội tại VN.

Lính Thái bảo vệ an ninh cho những người đi lễ chùa


Mái điện cong vút
Mua hương vào lễ Phật
Thành kính
Tượng Phật từ bi
Ăn mày cửa Phật
Ăn mày cửa Phật 2

Nhìn cảnh lễ chùa ở Bangkok, rồi đọc về những vụ cướp bóc, ẩu đả, chặt chém, rác rưởi ngập đầu, hối lộ thần linh của VN, ví dụ như thế này, và đây nữa, thực không biết nói sao!

Hèn gì Dr Nikonian đem lòng tơ tưởng vợ người. Đọc ở blog của bác ấy. Địa chỉ blog: http://drnikonian.wordpress.com/
--
Cập nhật ngày 2/3/2010
bài này nữa, về cùng một chủ đề, rất đáng đọc. Ở blog của TS Nguyễn Xuân Diện.
Xin trích dẫn một chút:
Xuân Canh Dần tôi đã đi dự rất nhiều lễ hội ở nhiều tỉnh. Tôi nhận thấy rằng mấy năm gần đây, và nhất là năm nay, có sự nở rộ của các lễ hội truyền thống. Nhưng có một điều rất mới là càng những lễ hội làng (các cụ gọi là vào đám, đóng đám, không gọi là lễ hội), quy mô nhỏ thì càng giữ được nét nguyên bản của sinh hoạt văn hóa này. Những lễ lớn hội lớn có sự chỉ đạo của ngành văn hóa trung ương và địa phương thì tính chất của lễ và hội càng mất dần những nét đẹp truyền thống.
Chỗ in đậm ở trên, đọc xong thì phản ứng của tôi, giống tụi nước ngoài khi bình luận về nhiều việc đang diễn ra tại VN, là: No comment!

Địa chỉ blog của TS Diện là: http://nguyenxuandien.blogspot.com/. Có nhiều bài đáng đọc, nếu quan tâm đến những vấn đề liên quan đến văn hóa Việt. Phong cách của blog khá hàn lâm.

Vọng Các và những hoài niệm

Vọng Các - một cái tên rất hay, vừa trang trọng, vừa đầy hoài niệm. Nó là từ mà người miền Nam trước 1975 đã dùng để gọi thành phố Bangkok. Cũng hay, lạ, exotic như những tên khác như Tân Gia Ba (Singapore), Vạn Tượng (Vientianne), hay Hoa Lệ Ước (Washington), vv. Tất nhiên, đó là ý kiến riêng của tôi. Hoài cổ.

Tôi vừa trở lại Bangkok, Vọng Các, ngày hôm qua, sau hơn 16 năm xa thành phố này. Một thời gian đủ dài để một người lúc ấy còn được xem là trẻ, chưa đáng để đề bạt, trở thành một người đã quá già, sắp nghỉ hưu!

Vào đầu thập niên 1990 thì BKK đối với tôi thật quá quen thuộc. Hồi ấy, VN còn bị cấm vận, nên đi đâu ra nước ngoài đều phải qua Bangkok. Lần đầu tôi đến BKK là giữa năm 1989, ra khỏi một VN nghèo đói cùng cực. Bay đến BKK, hải quan sân bay thấy passport của VN - communist country, họ nói thế - thì thái độ của họ khác hẳn. Nghi ngờ. Thù địch. Còn tôi, đến sân bay BKK là đã thấy ... choáng váng! Shocked. Và ... nhục. Vì sự chênh lệch giữa VN và Thailand sao mà rõ rệt thế.

Sau lần đầu tiên đó, tôi còn đi qua BKK nhiều lần, có lẽ tổng cộng đến cả chục lần. Lúc đó VN đang đổi mới, nên mỗi lần đi lại thấy sự chênh lệch về mức sống của người dân giữa SG và BKK dường như giảm đi rõ rệt. Mừng lắm. Dân Việt Nam mình đâu có thua kém ai phải không, chỉ cần cơ chế đúng. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi, những người đi cùng đoàn với tôi (lúc đó đi đâu ra nước ngoài đều phải đi theo đoàn), nói thế. Lạc quan lắm.

Rồi lần cuối cùng tôi ở Bangkok là năm 1993, và ở đó đến 3 tháng - từ tháng 3 đến tháng 6 - để dự một khóa đào tạo ngắn hạn Language Teaching and Testing do ĐH Cambridge tổ chức. Ở lâu, lại vào mùa nóng nực nhất trong năm. Lúc ấy BKK đang có khá nhiều vấn đề về quản lý đô thị, và nạn kẹt xe lên đến mức không chấp nhận nổi. Từ trường AIT (Asian Institute of Technology) đến trung tâm thành phố có lẽ vào khoảng 30 cây số (tôi không chắc lắm), nhưng phải đi trung bình mất 3 tiếng đồng hồ vì kẹt xe. Nói thêm, lúc ấy chính phủ Thái Lan chưa dời sân bay, vẫn còn là sân bay cũ, nhưng kế hoạch dời sân bay thì đang được nhắc đến. Với hy vọng rằng nó sẽ giúp giải quyết vấn nạn kẹt xe.

Ân tượng của tôi về BKK vào năm 1993 là rất ghét nó. Một thành phố ô nhiễm tiêu biểu. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn. Xe cộ đi lại khá hỗn loạn. Lúc ấy, các ông thầy người Anh của tôi từ ĐH Cambridge, những người đã đến thăm VN vài lần, vẫn còn ca ngợi Hà Nội lắm. TP xanh. SG cũng chưa đông và chưa ô nhiễm lắm. Nên họ nói: VN nên học kinh nghiệm xấu của BKK để biết đường mà tránh. Họ nói, đừng để SG, HN biến thành một BKK thứ hai.

Lần này quay lại, tôi chưa có điều kiện đi nhiều, nhưng tôi có cảm giác BKK đã khá hơn rất nhiều nếu nói về việc làm giảm ô nhiễm môi trường. Hay ngược lại, do bây giờ SG ô nhiễm quá, tệ hơn cả BKK trước đây, nên mình thấy BKK khá hơn?

Còn về bất ổn chính trị, biểu tình vv, tôi chưa thấy gì? Nhưng thành phố vẫn thấy yên ắng, ổn định lắm. Mọi việc cứ chạy, công sở cứ hoạt động, shops cứ mở cửa buôn bán, mọi người ai có việc nấy, chẳng ai quan tâm gì? Mặc dù hôm qua ở sân bay có một đoàn cầm cờ đỏ (nhìn hình bên trên), và anh Hảo, cùng đoàn với tôi, bảo: Có vẻ giống đoàn biểu tình? Nhưng trông họ vui vẻ và trật tự lắm.

Trở lại BKK, nhớ rất nhiều hoài niệm, vì nó gắn với một thời "trai trẻ" của tôi, và gắn với công cuộc đổi mới, sự mở cửa của VN. Nhưng đó là những chuyện mà có lẽ tôi còn phải viết dài dài.

Còn entry này chỉ để ghi lại chớp nhoáng vài hình ảnh của Bangkok mà tôi mới ghi được từ hôm qua đến nay. Tranh thủ free Internet trong phòng họp. Vì ở KS thì "nó" tính mình đến 16 baht một phút, tức hơn 10 ngàn tiền Việt/phút!!!!!

Và chép tặng mọi người bài thơ về Bangkok - Vọng Các - của Vũ Hoàng Chương, viết từ năm 1964.

Còn Đâu Vọng Các

Tác giả: Vũ Hoàng Chương

Ôi chùa Phật-Ngọc mái long lanh,
Đất Phật từng gieo hạt ngọc lành!
Du tử dâng hồn lên Vọng-Các
Gương soi chẳng chút úa màu xanh.

Đê mê hài hán bước triều thiên
Nhạc nữ, hoa thần, hay giáng tiên?
Cong vút bàn tay ai mở nhịp:
Cánh Thơ, giàn Nhạc, đêm Hoa-viên.

- Thi sĩ từ đâu tới chốn này?
Tiếng ai vừa cất phới hương say.
- Từ đâu? anh cũng không còn nhớ
Em ạ, chim trời mỏi cánh bay.

Nửa hé vành môi nửa ngập ngừng
Nàng xoay nhịp bước, ngả vòng lưng.
Hỡi ơi đã ngấm men hồ hải
Vào tận vùng cung điện kín bưng!

Xiêm áo tần phi giợn ngọc ngà
Lửa thiêu cuồng vọng khắp làn da...
Phút giây nghe trĩu bên lồng ngực
Tiếng thở dài buông, rũ cánh hoa.

Nàng gượng cười, trăng tắt đã lâu,
U cung đòi lại đóa Lan sầu.
Mái đền cong vút tay ai đó?
Ngà ngọc xin đừng hoen lệ châu!

Xứ Thái mây chìm khóa bến mơ
Vàng son thăm thẳm bụi tung mờ.
Còn hương vương giả thơm giàn nhạc
Hay cũng tàn theo đêm Hội-Thơ?
[ Bangkok 1964 ]