Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Tiêu cực hay tích cực?

Tựa của entry này chẳng có liên quan gì đến vụ thầy Khoa (chống tiêu cực trong giáo dục), mà chỉ nhắc lại một sự kiện nho nhỏ đã xảy ra với tôi tại cơ quan chiều nay mà thôi.

Chẳng là tôi được mời vào một hội đồng - xin tạm không nói là hội đồng gì, vì thực ra điều này cũng không quan trọng - nơi đó vai trò của tôi rất ... không có tác dụng gì cả, có mặt cũng được mà không có mặt cũng được. Bản thân tôi cũng thấy mình chẳng được lợi gì - chẳng hạn, có thêm thông tin, tạo thêm quan hệ, có thêm hiểu biết về những vấn đề mình quan tâm - ngoài việc, có lẽ vậy, nhận được một chút thù lao ngồi hội đồng.

Vì vậy, tôi không đến. Cũng vì còn nhiều việc khác phải làm tại cơ quan, việc nhà nước cả. Mà toàn là việc gấp.

Tuy không đến, nhưng nếu tôi đến (ví dụ, bị gọi, bị nhắc) thì tôi cũng chuẩn bị một lời góp ý mà tôi biết nếu nói ra có lẽ cũng chẳng ai nghe theo, chẳng qua cũng để làm đủ thủ tục mà thôi, nếu phải có mặt. Nhưng vì đã không đến, nên tôi đã không nói. Cũng không sao, không ai quan tâm, không ai hỏi.

Giá mà cứ để mọi việc trôi qua rồi cũng xong (Việt Nam mình nó thế, đặc biệt là ... văn hóa Bắc, hình như thế: nếu không hài lòng, thì cũng chẳng cần phải nói ra, mọi người tự khắc sẽ đoán ra thôi mà, rồi người ta cũng tự tìm cách ứng xử phù hợp thôi). Nhưng tôi lại tình cờ gặp một đồng nghiệp mà tôi xem là bạn thực sự, một trong những nhân vật chính trong cái hội đồng đó. Nên tôi sực nhớ câu góp ý mà mình định nói, và nói với chị ấy.

Như một người bạn, vì tôi nghĩ có thể chị ấy sẽ nghe một chút, và sẽ xử lý thông tin đó trong việc ra quyết định của chị ấy sau này.

Nhưng không hiểu do cách nói của tôi dở, hay cũng có thể chị ấy vốn đã không hài lòng về chuyện tôi không đến dự (đây là lần thứ 2 tôi không dự, sau một số lần có dự và thấy mọi chuyện "có mợ thì chợ cũng đông"), chị ấy trách tôi, "lẽ ra em phải có mặt trong hội đồng để nói điều đó".

Vì xem nhau là bạn, không giữ kẽ, nên tôi bèn nói thật, rằng tôi không thấy mình có vai trò gì nên không đến. Và thế là tôi bị chị ấy trách - nói đúng hơn là lên lớp, rằng, nếu cả như chị, thì chị vẫn đến và nói, còn có ai nghe hay không thì đó là việc khác. Ít ra, mình cũng đã cố nói ra. Vì chị "tích cực".

Có lẽ cũng hơi ... đanh đá, tôi nhận luôn: "Vâng, còn em thì rất tiêu cực. Em thấy nói ra vô ích, thì không nói. Bởi nói nhiều lần, vẫn không đi đến đâu, luôn luôn là thiểu số tuyệt đối, mà hội đồng thì làm việc theo kiểu bỏ phiếu số đông, không có chỗ cho những ý kiến khác biệt. Thì nói để làm gì?"

Ấy là chuyện xảy ra vào chiều nay, vào giờ tan sở. Tức là cách đây 5 tiếng đồng hồ rồi. Tôi đã về nhà, ăn cơm, đọc báo, xem TV, tắm rửa, chuẩn bị viết lách một chút ...

Vậy mà giờ đây lại nhớ đến chuyện ấy, và băn khoăn tự hỏi: "Trong trường hợp vừa nêu, tôi là tích cực hay là tiêu cực nhỉ?"

Tôi nghĩ, tôi chỉ có các lựa chọn sau:

Một là đến và nói một cách gay gắt để cố gắng đưa được ý kiến mình ra. Có thể mọi người sẽ tạm không thông qua nếu tôi rất gay gắt. Nhưng mọi người sẽ quay ra oán trách, thậm chí kiện, vì những trường hợp khác tương tự mà không có mặt tôi thì vẫn sẽ qua. Và sẽ đổ vỡ nhiều, mà chẳng đi đến đâu cả: không hề giải quyết được một cách hệ thống.

Hai là tôi vẫn sẽ nói, nhẹ nhàng hơn, dù biết sẽ không ai nghe, nhưng tôi cũng sẽ hài lòng vì đã "tích cực" nói xong tiếng nói của mình. Nhìn bên ngoài, đây là cách làm "tốt" nhất: tôi vẫn nói điều mình nghĩ, còn mọi người thì vẫn cứ làm theo ý mình, vì dù sao cũng đã tạo điều kiện cho tôi nói.

Làm như thế, sẽ giữ được sự "hài hòa, ổn định"!

Ba, là vì thấy mình chẳng có tác dụng gì, thôi thì ... không đến. Vì thực chất tôi chẳng có đóng góp gì, hoặc thậm chí, tệ hơn nữa, đã là đóng góp vào ... màn kịch "đã lắng nghe ý kiến các bên, tôn trọng sự đa dạng."

Theo cách nhìn của tôi, thái độ thứ ba mà tôi đã chọn thực ra là tích cực. Thậm chí, có chút hy sinh nữa. Hy sinh không nhận thù lao của sự có mặt bù nhìn của mình. Hoặc chấp nhận bị trách, bị phê phán là đã không đến. Bị mọi người tẩy chay vì sự khó chịu của mình. Chấp nhận mọi thứ không tốt, để tìm cách nói lên điều mình muốn nói: hình như không có ai quan tâm đến ý kiến của tôi - tất nhiên không phải vì tôi là tôi, mà vì mảng công việc mà tôi đại diện.

Rồi sẽ có lúc có ai đó chú ý đến sự vắng mặt của tôi, và lúc ấy, có lẽ là lúc tôi đã thực sự có thể nói mà có tác dụng. Còn bây giờ, thôi thì không nhận thù lao, cũng chẳng mất thì giờ vô ích làm gì, để thời gian làm việc khác có ích hơn.

Nhưng hình như có một cách định nghĩa tích cực theo kiểu khác. Tích cực, là go with the flow. Là, if you cannot beat them, join them, như một người bạn Việt kiều Mỹ gốc Hoa với tính cách thực dụng - mặc dù cũng rất dễ thương, vì dù sao cũng chân thành - đã khuyên tôi.

Tích cực, nếu theo định nghĩa này, thì rất ngược lại với cách làm của thầy Khoa, phải không? Nếu thầy Khoa tích cực, thì thầy nên ở lại trong ngành giáo dục, chống tiêu cực được đến đâu thì chống, cũng chẳng phải chuyện riêng của thầy. Ừ thì cứ chống, nhưng hiệu trưởng không nghe thì thôi. Chứ không phải là chống đến cùng như thế, rồi nghỉ việc. Nghe chưa thầy Khoa?

Nghe chưa, hả Phương Anh?

Tôi thực sự đang hoang mang lắm: có phải những người như tôi hay thầy Khoa là những người bất bình thường trong xã hội VN ngày nay hay không?

Mà nếu họ bất bình thường, theo nghĩa là có những ý kiến và hành xử khác biệt, thì có phải chăng xã hội VN ngày nay sẽ không thể nào "khoan dung", chấp nhận họ được, phải không?

Vậy mà hồi tôi ở Úc, thì cái đất nước Kangaroo ấy cứ mãi ca ngợi đặc điểm multiculralism của họ, vì như thế tức là có sự đa dạng về văn hóa và sự khoan dung, chấp nhận sự khác biệt, rất cần thiết cho sự phát triển đất nước (ấy là họ nói vậy).

Cũng trên blog này, tôi đã có viết một mẩu về khoan dung cách đây ít lâu. Hình như trong bài đó, tôi nghĩ rằng sự khoan dung, chấp nhận sự khác biệt của nước Mỹ cũng là một success factor của họ.

Cho tới cách đây hơn 5 tiếng đồng hồ, tôi vẫn còn nghĩ như vậy.

Nhưng bây giờ thì tôi bắt đầu nghĩ lại rồi: Phải chăng tôi đã sai?

Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng hay sao em?

Tôi lại chợt nhớ một câu mà tôi rất thích trong Kinh thánh: "Trong nhà cha ta có nhiều chỗ ở."

Còn ở nhà mẹ Việt Nam ta, thì có câu này: "Ăn thì nhiều, ở hết bao nhiêu?"

Đấy, khác biệt về giá trị, và về văn hóa đấy. Nếu vậy, liệu có chỗ nào cho những người như tôi và thầy Khoa không, nhỉ?

12 nhận xét:

  1. Em không đủ trải nghiệm để nói về những chuyện này, chỉ có một ý nhỏ muốn chỉ ra ở đây.
    Thật ra, khi cô không đến dự Hội đồng, những người khác có hiểu đó là một dạng silent protest (im lặng để nói, im lặng vì cảm thấy ý kiến của mình thực chất không có tác dụng, và im lặng vì, nói như Nguyễn Ngọc Tư, không muốn làm "hội đồng gật, hội đồng ừ") hay họ sẽ nghĩ theo cách khác (không đến vì...lười họp hay lập dị!!!)? Em nghĩ sự im lặng là một lựa chọn tích cực nếu nó có thể "thay lời muốn nói", truyền đạt thông điệp đến người khác.
    Nhưng làm sao biết khi nào "silence is golden", khi nào không, xem ra cũng khó.
    SGK

    Trả lờiXóa
  2. Em đang chọn một cách tích cực "chiết trung", không bỏ mà cũng không "go with the flow". Nhưng mà bỏ hay không thì cũng tùy hoàn cảnh cô nhỉ. Như thầy Khoa bỏ thì có thể nói là quyết định hợp lý (vì thật ra là thầy đã bị đẩy ra). Còn về cái hội đồng mà cô nói đến thì em chưa đủ "dữ liệu" để nhìn nhận (theo ý chủ quan của em) là như thế là tích cực hay tiêu cực.
    Em chỉ đang nghĩ, nói một điều gì đó mà có lý thì tự bản thân nó cũng có một sức mạnh nào đó rồi, và tự hỏi ở một hoàn cảnh như thế nào thì một lời nói hợp lý lại chẳng có tác dụng gì. Một hoàn cảnh như thế thì bi đát quá!
    Có lần một em đồng nghiệp bảo em là "Em nghe mọi người bảo dạo này chị có vẻ dễ tính hơn, ngồi hội đồng chấm thesis không còn hỏi nhiều nữa". Em kể chuyện đó vì em đã thấy bất ngờ: em vốn không nghĩ hành vi của mình bị/được theo dõi kĩ như thế. Mà thông tin cũng lan truyền nhanh hơn em tưởng tượng. Em đang phỏng đoán là nếu cô nói chắc là tác dụng vẫn có, chỉ có điều nó không rõ ràng, trong khi đó cần có nhiều việc phải làm đem lại tác dụng nhiều hơn.

    Trả lờiXóa
  3. Hi SGK và Hà Thanh,

    Cám ơn các bạn đã response rất nhanh chóng, và chia sẻ, góp ý.

    Có một điều tôi vẫn băn khoăn mãi là làm thế nào để có thể làm nhạt bớt văn hóa "đám đông", "ai sao mình vậy", chấp nhận và tôn trọng các hệ giá trị khác nhau, các phương pháp khác nhau, các em nhỉ?

    Vì như thế mới thực sự là "giải phóng" (liberating) các năng lực cá nhân và các ý tưởng mới mẻ, góp phần giải quyết những vấn đề của cuộc sống ngày nay.

    Có lẽ tôi bị lạc đề - mà tôi thì hay bị lạc đề lắm! :-) Ở đây hình như đang nói tiêu cực và tích cực cơ mà, có liên quan gì đến tolerance nhỉ?

    À phải rồi, tiêu cực và tích cực cũng có những cách định nghĩa khác nhau, và chưa chắc cách định nghĩa của số đông đã là đúng. Nhưng tất nhiên muốn tạo ra sự thay đổi thì phải quan tâm đến những tác động của việc mình làm lên đám đông rồi!

    Về tâm lý đám đông, VN có lẽ còn phải học nhiều lắm các em ạ! Hôm nào chắc tôi phải mạo muội viết về đề tài này mới được!

    PA

    Trả lờiXóa
  4. Tôi nhận được comment này từ một nick mang tên CiOne Fan gửi cho tôi qua Buzz. Thấy cũng là một ý kiến để chia sẻ với mọi người, nên tôi đưa lên đây. Ý kiến đó dưới đây.

    CiOne Fan - Ở đây là VN mà. nó thế đấy. rồi ai cũng hiểu, rồi ai cũng như ai, rồi vẫn là VN mà thôi. cũng chỉ là một VN mãi mãi đang phát triển.

    Trả lờiXóa
  5. Đây là góp ý chân thật:

    1. Đã không đi thì đừng nói ý kiến nữa làm gì, dù là nói sau cuộc họp với bất kỳ ai. Vì chuyện đã rồi. Nó cũng giống như việc đã nhờ người ta thì đừng thòng thêm 1 câu là: Thấy không muốn làm thì thôi. Vì đã xem là bạn thì đừng có ưỡm ờ, nữa có, nữa không. Vì trong tân toán học chỉ có: Đúng - Sai, không có nữa đúng - nữa sai.

    2. Chuyện văn hóa nền VN nó là vậy. Xem lại mình, mình thấy mình đôi khi cũng bị lọt vào trong số đó khi làm việc với đám đông mà không duy lý. Nên khi nào còn làm việc công quyền là còn điều ấy xảy ra. Còn xảy ra là còn nhiều đụng chạm. Nếu chấp nhận đụng chạm thì đi và nói mạnh ý kiến của mình để đám đông thay đổi. Nếu thấy không thay đổi được gì dù có làm mạnh thì không đi, không nghe, không nói làm gì.

    OK?

    Trả lờiXóa
  6. isn't it too late to realize this ? it's your fate to be torn with all these and more (as evidenced above!!!)

    Trả lờiXóa
  7. Bác Hải và Nặc danh,

    Ý kiến của các bác thật đáng suy ngẫm! Rất cám ơn, nhất là ý kiến của bác Hải. Tôi hiểu rồi, bác Hải ạ. Mặc dù từ hiểu đến làm vẫn còn cả một đoạn đường dài.

    It's really my fate, Nặc danh à!

    "Năm mươi còn ngơ ngác, theo dòng đời tới lui" (Vũ Thành An, Bài không tên số 7)

    Trả lờiXóa
  8. Cô ơi,

    Nếu đứng ở vị trí cô chắc em cũng khg muốn đi, khi biết "có cũng như khg" hoặc "nói ra cũng thế"...
    Hôm nay em cũng có tâm trạng hơi nản chút chăng? hình như muôn đời vẫn vậy, khi nguời ta "có thế, có tác dụng" thì đuơng nhiên "họ đúng", rồi dần dần họ tự cho mình cái quyền "khg coi ai ra gì"...
    Chắc câu nói của em khiến cô lại suy nghĩ nữa rồi, em sorry!

    Trả lờiXóa
  9. Được họp, bị họp, từ chối họp (hay đi nhậu, v..v..) là những chuyện thường ngày khắp nơi. Core Values & Work Ethics căn bản luôn chấp nhận hành động "từ chối" nên không phải từ chối là tiêu cực (negativity?), nhưng từ chối thế nào để tránh tiêu cực là vấn đề không đơn giản và luôn tùy thuộc vào mức độ văn hóa, tập tục, thói quen của 1 xã hội trong 1 môi trường lớn bé nào đó.

    Theo 8 đây, "Im Lặng Là Vàng" khi từ chối tham gia vào 1 sự việc nào đó rất ư tiêu cực và chắc chắn còn tạo thêm nhiều tiêu cực trong vài lãnh vực khác nữa. Tám không rành về Core Values & Work Ethics ở cơ quan nhà nước bên Việt Nam hoặc từ các văn hoá khác, nhưng "Từ Chối với Lý Do" là Trách Nhiệm của người được mời, cũng như là dịp để 2 phía bàn luận tí chút để tránh hiểu lầm cũng như hoang mang và nghi kỵ từ những người khác. Một thói quen nhưng "bắt buộc phải làm" rất ư positive ở cơ sở công tư, gia đình, bạn bè tại Mỹ và Tây Âu là "người mời" luôn thông báo cho những "người được mời" lý do "vắng mặt chân thật" của 1 vài cá nhân nào đó trước khi bắt đầu vào 1 đề tài nào đó. Sự thật có thể bị mất lòng nhưng trong 1 giới hạn chật hẹp để sửa đổi cùng ngăn ngừa (CAPA).

    Riêng theo 8 đây, tất cả hành động từ trước đến nay của Thầy Khoa là tích cực (positivity?) trong một xã hội tiêu cực cùng inactive. Mặc dù với nhiều lý do chính đáng, nhưng "Im Lặng Là Vàng" khi từ chối tham gia 1 chuyện chi đó là inactive negativity (tiêu cực thụ động?). Một xã hội tiến hay lùi nhanh hoặc chậm đều luôn tùy thuộc vào cá tính active/passive positivity cùng active/passive negativity của mỗi cá nhân trong khoảng thời gian nào đó. Nước USA với 300, Âu Châu với vài ngàn, Á và Phi Châu với cả gần chục ngàn tuổi... như hiện nay!

    Chị PA và các bạn nghĩ sao? Và mình nên làm thế nào trong tinh thần cởi mở và xây dựng chung?

    Bà 8

    Trả lờiXóa
  10. Chào Bà Tám,

    Với lợi thế của người ở xa và không trực tiếp liên quan, bao giờ ý kiến của Tám cũng có những điểm gì đó mà Tư cần học hỏi. Cám ơn Tám nhé.

    Nói như vậy không có nghĩa là các ý kiến của những người ở VN là không có gì cho Tư học hỏi, mà ngược lại, bất kỳ ai ở nơi nào cũng có chỗ để bổ khuyết cho Tư.

    Một thông tin nho nhỏ với Tám: Mấy comment của Tám hôm trước về vụ cầu nguyện vv làm Tư bị xao động ghê gớm, và đang thực sự examining my conscience. The work of the Holy Spirit?

    PA

    Trả lờiXóa
  11. Một thầy bói già nghề nói là đa số các cặp vợ chồng hạnh phúc thì Can Chi Ngũ Hành đều tương hợp , mặc dù trước khi lấy nhau họ hoặc gia đình không bên nào đi xem tuổi .
    Bản tính con người như một loại ma túy , vì vậy để thay đổi tư duy của cả một đám đông thì thật sự khó nếu như mình không có số làm lãnh tụ hehe .
    Do đó việc chọn phương pháp để ứng xử với đời cũng tùy vào sức chịu đựng của mình , nếu khỏe thì cương tới cùng , còn không thì ... hát vài bài nhạc yêu thích ... hehe .

    Trả lờiXóa
  12. "Bị trúng gió" chỉ được cái nói đúng thôi!

    Hôm nay Ông Tư mới viết về Khuất Nguyên và Nguyễn Trãi đó, "bi trung gio" thử còm cái coi sao nè?

    Không làm Khuất Nguyên cũng không làm Nguyễn Trãi, Ông Tư chọn làm Từ Thức, được chưa?

    Dù sao cũng cám ơn lời khuyên của người bị trúng gió nhé! Bị trúng gió, mà cũng còn "xung" quá ha, còn khuyên nhủ được người khác nữa chớ! ;-)

    PA

    Trả lờiXóa