Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Cầu nguyện

Tại sao tôi lại viết entry về cầu nguyện? Không biết nữa, có lẽ chỉ là một điều hết sức ngẫu nhiên mà thôi.

Trước hết, có lẽ entry này là do tôi vừa đọc được trên mạng câu danh ngôn thú vị quá, về "lợi ích" của lời cầu nguyện. Đây này:

“When I was a child, I used to pray to God for a bicycle. But then I realised that God doesn’t work in that way – so I stole a bike and prayed for forgiveness.”
Khi còn bé, tôi thường cầu xin Thượng đế ban cho tôi một chiếc xe đạp. Nhưng rồi tôi nhận ra Thượng đế không hành xử theo cách như vậy - và thế là tôi ăn cắp xe đạp và cầu xin Thượng đế tha thứ.
- Emo Phillips

Thú vị không? Thật là ranh ma, các bạn nhỉ? Tôi cũng nhớ một vài câu danh ngôn khác về Thượng đế, xin chép luôn ra đây cho vui đã:

Cầu nguyện của một người theo chủ nghĩa hoài nghi trong giờ phút lâm chung:
"Lạy Chúa (nếu có Chúa), hãy cứu lấy linh hồn con (nếu con có linh hồn)."

Và cầu nguyện của một cậu bé tiểu học sau giờ thi môn Địa lý:
"Lạy Chúa, nếu quả Ngài là đấng quyền năng, xin hãy làm cho London trở thành thủ đô của nước Pháp."

Theo truyền thống gia đình, tôi theo đạo Công giáo. Tôi nhớ ngày nhỏ, khi chọn khu dân cư để ở (vì công việc, bố mẹ tôi phải thay đổi chỗ ở rất nhiều lần), bao giờ một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của bố mẹ tôi cũng là phải chọn nơi gần nhà thờ. Tôi lớn lên trong những xóm đạo, với những căn nhà nho nhỏ nằm dưới bóng một nhà thờ có tháp chuông cao và tiếng chuông nhà thờ một ngày mấy bận loan báo giờ lễ. Vì vậy, những truyền thống văn hóa của đạo không hề xa lạ với tôi. Trong các thói quen đó, có thói quen cầu nguyện Thượng đế mà có nơi (chủ yếu là sách vở của phương Tây) gọi là trò chuyện cùng Thượng đế.

Ngày còn bé, giống như cậu bé trong lời cầu nguyện mà tôi đã nêu ở trên, tôi luôn tìm đến Chúa để cầu xin những điều mà tôi mong ước mãnh liệt, mà tôi tin rằng sức vóc trẻ em của tôi không thể nào tự mình làm nổi. Và một nơi tôi rất hay đến, cũng theo thói quen của gia đình, là Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng. Tôi nhớ, năm tôi thi vào lớp 6 trường Gia Long, cả bọn trong lớp 5, 7 đứa rủ nhau đi bộ (!) lếch thếch từ xứ Nam Hòa (cạnh khu Cư xá Bắc Hải) đến Nhà thờ Kỳ Đồng để cầu cho mình thi đậu. Thành kính lắm.

Nói thêm: trong cả bọn cùng đi hôm ấy, hình như chỉ có tôi thi đậu. Nhưng hình như cũng chẳng có đứa nào oán trách tại sao Chúa chỉ cho tôi đậu mà mấy đứa khác thì không. Đi nhà thờ cầu nguyện, dường như chỉ là thói quen, vậy thôi, không mong đợi gì và cũng chẳng oán trách gì nếu không được.

Đến lớn, nhất là vì những xáo trộn trong cuộc sống từ năm 1975, tôi bận rộn hơn, và thực dụng hơn, nên thói quen cầu nguyện của tôi đã mất đi nhiều. Hoặc nói đúng hơn cái mất đi chỉ là sự ngây thơ thành kính của một đứa trẻ. Chợt nghĩ, không còn cung kính vái lạy nữa cũng là một biểu hiện của dân chủ hóa trong tôn giáo mà phương Tây cũng đã làm trước mình rất nhiều. Linh mục đối với họ cũng chỉ là một professional, và Thượng đế thì cũng chỉ là một người bạn (trò chuyện với Thượng đế mà).

Người ta cầu nguyện để làm gì? Hoặc một câu hỏi rộng hơn, tôn giáo tồn tại để làm gì? Câu hỏi này sau năm 1975 tôi đã tranh luận rất nhiều với bạn bè, vì lúc ấy tôi đi học đại học, có những người bạn từ miền Bắc vào, hoàn toàn không có tôn giáo, tín ngưỡng. Thậm chí họ cho rằng tôn giáo là lạc hậu (là thuốc phiện của quần chúng, như Karl Marx nói). Nhưng ngay từ hồi ấy tôi đã cãi rất dữ, dùng ngay lập luận của duy vật biện chứng (?) để nói rằng, tôn giáo là một hiện tượng xã hội, và nếu nó tồn tại trên khắp toàn cầu và qua mọi thời đại dù hình thức này hay hình thức khác, thì rõ ràng nó phải có lý do để tồn tại. Không thể nào khác được.

Bây giờ, tôi đã qua bên kia dốc của cuộc đời rồi. Những tranh luận về ý nghĩa của tôn giáo đối với tôi bây giờ không còn cần thiết nữa - mình tin gì thì đã tin rồi, mà nếu bây giờ có ai chứng minh được điều ngược lại với những gì tôi tin, tôi nghĩ, thì có lẽ tôi cũng không quan tâm và không thay đổi được nữa. Có một câu nói tôi hay nhắc đến, và rất thích, đó là: "Ai là ai, thì ai cũng biết rồi!" Thế đấy.

Vậy thì tại sao tôi lại viết lăng nhăng về cầu nguyện như thế này? Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ chỉ ngẫu nhiên thôi.

Vì sáng nay, theo thói quen đọc báo (mạng) vào buổi sáng, chẳng hiểu thế nào tôi lại đọc được bài viết (cũng không nhớ ở đâu, hình như là EpochTimes?) về một loạt vụ giết trẻ em tại các trường học ở Trung Quốc, và phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo rằng phải tìm hiểu "root causes" (nguyên nhân sâu xa) của hiện tượng này. Và lời kết luận của bài viết: nguyên nhân sâu xa của các vụ việc trên có lẽ là do các tôn giáo không được tạo điều kiện để phát triển tại Trung Quốc từ sau cách mạng đến bây giờ.

Lại nhớ đến một lô tin tức rùng rợn khủng khiếp gần đây trên báo chí Việt: xác chết không đầu, hay tưới xăng đốt vợ, hoặc học sinh trung học cầm dao đâm bạn từ phía sau lưng, vv.

Rồi lại đọc được bài viết của BS Hồ Hải, "viết vội cho em gái". Đối với tôi, bài viết đó cũng giống như một lời cầu nguyện (= trò chuyện).

Nhu cầu trò chuyện, trước hết là cho chính người nói, chưa cần xét có phải là cho người nghe hay không. Chính vì vậy mà một trong những hình phạt nặng nề dành cho các tội nhân là bị cách ly khỏi thế giới loài người, trước hết là để tước đi quyền được trò chuyện với những người hiểu mình.

Tôi lẩn thẩn tự nghĩ, một xã hội mà con người bị cô lập về tinh thần, không có ai để trò chuyện, kể cả Thượng đế, trong những lúc buồn bã, bi quan, thất bại, tuyệt vọng ... Thì họ sẽ làm gì, nếu không phải là phát điên lên?

Và bạo lực gia đình, bạo lực học đường, và bạo loạn xã hội sẽ từ đó phát sinh?

Cầu nguyện là gì, nếu không phải là tự tìm ra cách giải thoát, và tìm lại niềm tin vào cuộc sống?

Phải chăng một thế giới không có tôn giáo, tín ngưỡng, thực sự là một sa mạc về tinh thần, và là dấu hiệu của các mầm mống gây bất ổn xã hội, như tôi đã từng đọc được ở đâu đó?

Hay phải chăng tôi đã quá già, và đã lẩn thẩn rồi?
--
Nhân tiện, bài viết mới này tôi thấy cũng rất đáng đọc, không phải liên quan đến cầu nguyện nhưng nó cũng nằm trong dòng suy nghĩ này của tôi - chia sẻ, trò chuyện, trao đổi ý kiến. Trên Tuần Việt Nam, ở đây.

5 nhận xét:

  1. Hôm qua, Chủ Nhật Holy Trinity, 1 linh mục trẻ gốc Việt ở nhà thờ (Our Lady Queen of Angels - http://www.olqa.org/) thuyết trình đề tài "Thành Công và Thất Bại của những Xã Hội với Triết Lý Đạo Giáo Đặc Trưng", từ 2 căn bản "Thượng Đế của riêng tôi là ai? Tôi và Thượng Đế liên hệ với nhau ra sao?..... qua những khác biệt cùng tư duy đặc thù từ hầu hết những triết lý đạo giáo ở 3 vùng địa cầu Âu Mỹ, Á Châu, Trung Đông (Do Thái & Hồi Giáo), cũng như chủ thuyết Không Thượng Đế từ vài vùng lớn nhỏ khác. Để tài thuyết trình này thật hấp dẫn với nhiều dẫn chứng cụ thể và thực tế nhưng ít ai có cái nhìn tổng quát nhưng chi tiết về từng đạo cùng cách giao lưu đặc thù để so sánh vừa vỹ mô cùng vi mô.

    "Thượng Đế của riêng tôi là ai? Tôi và Thượng Đế liên hệ với nhau ra sao?..... với cả ngàn câu trả lời phức tạp cùng khác nhau như trời và vực nhưng thực ra chỉ kết cuộc với Tư Duy Chân Thật của từng cá nhân rồi từ đó tạo sinh nhân bản cùng hậu quả đặc thù cho mỗi xã hội lớn bé, và luôn ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các lãnh vực sinh hoạt hằng ngày, ít nhiều nhân bản hoặc tốt xấu và hậu quả ra sao.... cũng luôn tùy theo "Tôi và Thượng Đế liên hệ với nhau ra sao?" và đấy cũng là phương cách mỗi người .

    Hôm qua cũng là ngày ĐHQG-HCM tổ chức "Tập Huấn 4" cho chuyên gia AUN-QA thuộc các trường đại học Việt Nam (May 28 - 31, 2010), thật tình 8 đây "Hiểu chết liền(!!!!)" vì tại sao Tập Huấn này được tổ chức cả ngay trong 2 ngày cuối tuần? Ông Tư nhà ta có dành chút thì giờ cầu nguyện ở nhà thờ hay không, và nếu có hay chưa thì vì sao?

    Hiểu chết liền! Phải không Ông Tư?

    Bà 8

    TB: Hôm nay là ngày Chiến Sĩ Trận Vong bên USA, tụi tớ ở Nam Cali. sẽ có những buổi cầu nguyện đặc thù để tưởng nhớ đến những người đã Vị Quốc Vong Thân, những dân tình đã chết tức tưởi hoặc khổ đau, cùng Thương Phế Binh và Quả Phụ từ cả 2 phía do cuộc chiến Huynh Đệ Tương Tàn của nước Việt vừa rồi. Đây cũng là chút nhân bản đặc thù và 1 cách cầu nguyện với tự giao lưu nghiêm túc, phải không?

    Trả lờiXóa
  2. Tám à,

    Sáng ra đọc comment của Tám, Tư tưởng tượng ra một vị LM nghiêm khắc đang đứng trước mặt mình với những câu hỏi dành cho đứa trẻ chưa ngoan, hic hic hic...

    Nói vắn tắt để mong Tám hiểu, nếu không thì Tám lại cứ phải thốt lên câu "hiểu chết liền", là Tư đây đích thực là một con chiên ghẻ. Theo nghĩa là không giữ đầy đủ các conventions của tôn giáo mà mình (mang tiếng) đã theo. Tám có thể trách mắng sao Tư cũng đành chịu, nhưng thực tế nó là như vậy đó.

    Nhưng Tư cũng vẫn tự an ủi: mặc dù là chiên ghẻ, thì tinh thần của đạo Công giáo cũng đã thấm đẫm trong tâm hồn của Tư rồi, tới mức saturation rồi, và có lẽ khó mà chứa thêm cái gì khác được nữa, Tám ạ.

    Với Tư, đúng là tôn giáo, hay Thượng đế, trước hết cũng chỉ là một construct mà con người đã tạo ra cho chính mình, để giữ gìn phần thiện, phần nhân bản của mình. Để từ đó, xã hội sẽ tốt đẹp hơn, bình ổn hơn, nhiều tình thương hơn, không tàn ác, không bạo loạn ...

    Và cầu nguyện là gì, nếu chẳng phải là reflection - mà Tám đã gọi là "tư duy chân thật" - của từng cá nhân về những hành vi, những sự kiện đã xảy ra, xem xét cái hay cái dở của nó, nghiêm khắc và nghiêm túc trước những nguyên tắc hành xử của một đấng toàn năng toàn thiện mà mình đã chọn, để rút kinh nghiệm cho chính mình, rồi lại tiếp tục cuộc hành trình qua cuộc đời này.

    Trong ngôn ngữ đảm bảo chất lượng (quản lý chất lượng, CAPA gì của Tám đó) thì cầu nguyện là một cách thực hiện continuous improvement, Tám nhỉ?

    Vậy viết blog như thế này, có được xem là cầu nguyện không, hở Tám? ;-)

    Trả lờiXóa
  3. Câu "lạy Chúa, nếu Chúa có thật, xin Chúa cứu rỗi con" là của Rochefoucault, một á thánh đó bác.

    Trả lờiXóa
  4. Hi DrNikonian,

    Thật hân hạnh đón "bác" đến tệ xá!

    Và đúng là Ông Tư này có mắt như mù. Câu đó của Rochefoucault sao?

    Lại càng có thêm chứng cớ về cái sự "ghẻ" của con chiên Ông Tư này, Dr nhỉ?

    PA

    Trả lờiXóa
  5. Khi cầu nguyện, chúng ta mong tìm thấy trong lời kinh sự an ủi. Con chiên thường cầu xin sự bằng an trong tâm hồn, nương dựa niềm tin. Lời kinh cầu có một tác dụng tâm lý rõ rệt.
    "Tôn giáo là thuốc phiện" có thể hiểu theo hướng tích cực. Thuốc phiện là một loại dược phẩm được con người biết đến rất sớm và hiện nay vẫn còn được sử dụng. Đây là loại thuốc giảm đau có hiệu quả cao. Hiện nay, để tạo cuộc sống có chất lượng cho các bệnh nhân ở giai đoạn cuối (palliative care), thuốc phiện thường được kê toa khi các loại thuốc giảm đau khác không còn tác dụng.
    Trong vở cải lương xã hội "Tô Ánh Nguyệt", cố soạn giả Trần Hữu Trang đã dựng nên bi kịch trong một xã hội khi mà nếp cũ đã không còn phù hợp và giá trị mới chưa được xác lập rõ. Ở bối cảnh đó, con người chỉ còn biết dựa vào niềm tin để cư xử. Niềm tin vào chân thiện mỹ. Sự khủng hoảng của xã hội đang chuyển đổi hôm nay đang lập lại bi kịch đã được cố soạn giả Trần Hữu Trang mô tả. Và con người cần tìm niềm tin cho mình. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay mọi người hay lễ bái. Các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam tham dự việc rước xá lợi Phật, cúng dường và dâng hương tại nhiều ngôi chùa. Thế quyền đã tìm đến thần quyền như một biện minh cho sự tồn tại của mình. Tuy vậy, việc trỗi dậy của tôn giáo trong đời sống hiện nay cũng đã gây nhiều quan ngại cho việc chính quyền. Các xung đột tôn giáo gần đây cho thấy điều đó.
    Nói về cầu nguyện, có một bài hát hay, em thích nghe. Bài "Kinh khổ" của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, chắc cô có biết.
    Cây thuốc phiện Papaver somniferum, thuộc họ Papveraceae. Họ này có nhiều hoa rất đẹp. Nổi tiếng nhất có lẽ là loài corn poppy (Papaver rhoeas) có hoa màu đỏ tươi, thường thấy trên chai nước hoa Kenzo, hình thái của loài này rất giống cây thuốc phiện. Hoa poppy tượng trưng cho giấc ngủ nghìn thu. Tại Úc, hoa poppy thường được cài lên áo vào ngày lễ tưởng niệm Remmbrance day (11 tháng 11) và ngày ANZAC day (25 tháng 4) để tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ. Tại Việt Nam, hoa được tìm thấy ở Đà Lạt. Trước đây hoa được người dân gọi bằng tên tiếng Pháp coquelicot (từ tượng thanh, giống tiếng gáy của gà trống), không rõ hiện nay hoa có tên gì.

    Trả lờiXóa