Sáng nay tôi đang trên xe buýt đến nơi làm việc thì nhận được tin nhắn của ông xã tôi: "Trên báo TT hôm nay ở trang 5 có cái biếm họa hay quá!"
Ông xã tôi, mọi người hay vào blog này chắc còn nhớ, là một người hết sức bình thường, hiền lành, tốt bụng (well ít ra là tôi nghĩ thế), ít nói, nhưng lâu lâu lại có những quan sát nhận xét hết sức sắc sảo về những vấn đề chung của toàn xã hội. Và vì tôi làm ngành giáo, và cũng vì ngành này có ảnh hưởng đến con cái trong gia đình, nên ông ấy rất quan tâm, săm soi vào các hoạt động và hiệu quả của giáo dục VN. Nhiều nhận xét của ông ấy về giáo dục đại học, trong đó có cả nơi mà tôi làm việc, cứ làm tôi giật mình thon thót vậy. Nên khi nào ông ấy nói cái gì cần đọc là tôi phải đọc ngay.
Vậy là phải tìm tờ báo để đọc (bình thường tôi ít đọc báo giấy, chủ yếu đọc tin tức online, và hay đọc ... báo lề trái, hic hic hic!). Và thấy cái biếm họa đó thú vị thật. Bức tranh đó vẽ một người đang đứng trong nhà sách, nhìn lên các biển chỉ dẫn các kệ đựng các loại sách khác nhau. Các loại sách đó là: (1) Quốc văn; (2) Đạo văn; (3) Độn văn; và (4) Nhái văn. Điều hay nhất là mấy từ "độn văn" và "nhái văn" chính là các cách dùng của tôi trong một bài báo đăng trên NLĐ cách đây mấy hôm, và cũng đã được đưa lên trên blog ncgdvn của tôi, ở đây. Hay thật, thế là tôi có đóng góp cá nhân vào sự phát triển ngôn ngữ Việt rồi nhé! Hãnh diện thật!
Nhưng rồi nghĩ lại, tôi bỗng hoảng: trước đây khi học lý thuyết ngôn ngữ, tôi nhớ có thuyết rằng ngôn ngữ là tấm gương phản ánh cuộc sống và văn hóa của từng nơi. Ví dụ, người Eskimo có nhiều từ chỉ "tuyết" trong khi tiếng Anh chỉ có 1 từ, hoặc người Việt có nhiều từ như cơm, xôi, cháo, gạo, nếp, tẻ, đòng đòng vv, nhưng tiếng Anh cũng chỉ độc một từ rice mà thôi. Vậy nếu tiếng Việt có nhiều từ dành cho đạo văn đến thế, thì chắc hiện tượng này nó phổ biến lắm lắm? Chà chà chà, nguy quá, vậy chẳng biết tôi có nên nhận sự đóng góp này không nhỉ, hay chối phắt đi cho xong? Vậy kệ nó, ai muốn "đạo từ" (word plagiarism, theo cách nói của SG) thì cứ để cho họ đạo, không cần quan tâm đến nó!
Quay trở lại bức biếm họa. Tôi lên mạng tìm để đưa nó lên blog cho mọi người xem cho nó trực quan sinh động, nhưng không tìm thấy. Bên cạnh lại có Khuê (con gái mẹ), 13 tuổi, nên Khuê mách nước cho mẹ lên google hình ảnh để tìm.
Tìm bằng tiếng Việt, dùng các từ "biếm họa", "đạo văn", nhưng không tìm thấy. Tức mình, lại nhân tiện đang search, tôi gõ luôn tiếng Anh: "cartoon", "plagiarism". Và thế là thấy ngay trang này: http://www.cartoonstock.com/directory/p/plagiarism.asp.
Vào xem, thấy thật thú vị! Có đến 29 tấm hình biếm họa về đạo văn, với những chú thích rất mỉa mai, chế giễu tệ nạn này. Mới thấy con người ở đâu cũng vậy: thấy của người khác, sao cứ muốn lấy nhỉ? Có lẽ nhân chi sơ tính bản ác chăng, chứ có phải là tính bản thiện như ai đó đã nói đâu?
Chỉ có điều, nơi nào giáo dục làm tốt việc dạy người, và pháp luật làm tốt việc răn đe cưỡng chế, thì các tật xấu đó sẽ khó có cơ hội bộc lộ, nên sẽ giảm đi. Và dường như riêng về khoản đạo văn này thì Tây nó làm tốt việc giáo dục và việc cưỡng chế hơn ta rất rất rất nhiều lần thì phải!
Đấy, thì cứ nghĩ mà xem: trong khi Tây nó có nhiều biếm họa về đạo văn đưa lên mạng như thế, thì VN đố mà bói ra một cái (trừ cái hôm nay mới đưa lên báo TT).
Và những lời cuối cùng: tất cả các hình trong entry này đều lấy từ trang web có cái link đã giới thiệu ở trên. Trang đó là không phải là nơi cung cấp hình ảnh miễn phí, mà là nơi bán hình ảnh, tức nếu muốn sử dụng thì phải trả tiền. Như vậy, tôi đưa vào đây tức cũng đã là một dạng ... chôm chỉa (!) rồi đó, strictly speaking, thật vậy. Nhưng lời ... bào chữa của tôi (chẳng hiểu có được chấp nhận không, hic hic) là ở đây tôi không sử dụng với mục đích thương mại, mà chỉ là để trao đổi và giải trí thôi, nên chắc là không sao. Mà nếu có sao, thì cũng chỉ vi phạm quyền sử dụng (giống như ăn cắp vặt), chứ không vi phạm quyền nhân thân (tức tội mạo danh, mình không phải là công an mà dám nói với người khác mình là công an để ... lừa đảo cái gì đó, chẳng hạn).
Wow, viết cứ y như là "chuyên gia" về đạo văn vậy! Thực ra tôi chỉ mới quan tâm đến việc này ít lâu thôi, nhân sự cố chính tôi bị đạo văn. Hình như đạo văn, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đã ăn vào máu người VN rồi hay sao ấy, nên bây giờ sửa chắc khó lắm. Nhưng cũng phải sửa thôi, nếu muốn phát triển, và nếu muốn không bị kiện tụng quốc tế, hoặc bị cộng đồng thế giới tẩy chay...
Chao ơi, một thói quen xấu sao khó sửa đến thế này nhỉ? Có lẽ VN cần phải có nhiều hơn nữa các tranh biếm họa về đạo văn chăng?
Muốn tìm tranh biếm họa trên báo Tuổi Trẻ cô PA nên chờ thêm vài ngày nữa rồi check lại trên www.tuoitre.vn xem sao. Từ khóa tìm kiếm (trên tuoitre.vn) là "góc biếm họa". Em vừa kiểm tra, tranh biếm họa mới nhất trên đó được đề ngày 10/5/2010. (http://tuoitre.vn/Tim-kiem/Index.html?keyword=g%C3%B3c%20bi%E1%BA%BFm%20h%E1%BB%8Da&scope=*&channel=-1&from=&to=&page=1)
Trả lờiXóaBetween, hôm trước mọi người có nhắc đến việc Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước sẽ không thể xử lý đến nơi đến chốn chuyện đạo văn vì há miệng mắc quai, thì gần đây lại có một nghi án đạo văn liên quan đến một người được cho là thành viên hội đồng này. Không biết cô có đọc qua chưa?
http://vn.360plus.yahoo.com/ngoducthohannom/article?mid=26
SGK
Wow! Không biết ai nhận vơ của ai, nhưng 8 đây có 2 cái cartoons không biết chôm (không nhớ chôm từ "chôm" này lúc nào hay từ ai) từ Internet và cũng không biết khi nào, với 2 câu như sau:
Trả lờiXóaThầy: "All my students plagiarised their research papers. I can't steal any of it."
Trò: "If it's OK to copy from the Internet, it must be Ơ to copy from my friend's test, right?"
Cả 2 cartoons thật thấm thía.
Bà 8
Hi SGK,
Trả lờiXóaCám ơn em. Cô cũng đã vào tìm kiếm trên Tuổi trẻ, và mở đến trang kết quả mà em nói rồi, nhưng chưa mở thêm ra xem trong đó có gì. Đúng là ... già rồi, kém kỹ năng explore thật!
Còn vụ nói trên blog của ngoducthohannom thì cô đọc rồi, do được NVT giới thiệu trên blog của ông. Đúng là VN mình lậm lắm lắm rồi em ạ, đạo văn của người khác mà cứ ... tỉnh bơ như thế thì có chết không? Làm cô nhớ vụ của cô, em nhỉ?
Bà Tám ui,
Mấy cái cartoons hay thật. Hay ở các captions ấy, Tám nhỉ. Tư thích cái cartoon mà Tư đưa đầu tiên trên trang này:
"A real history buff, huh?" (Nói về một ông dân biểu đang cầm cuốn sách lịch sử đọc say sưa)
"Hah! He just likes to plagiarize campaign promises."
Tám có thấy nó hay hông?
Tư
"Chao ơi, một thói quen xấu sao khó sửa đến thế này nhỉ? Có lẽ VN cần phải có nhiều hơn nữa các tranh biếm họa về đạo văn chăng? "
Trả lờiXóaPA ạ ,
PA có thấy là PA "lạc quan" và quá hiền lành không khi nghĩ tranh biếm họa về đạo văn có thể cải thiện được việc đạo văn.
Mình thì mình bi quan hơn nhiều PA ạ
Chị Phương Khanh,
Trả lờiXóaChị có thể làm gì khi sống trong một hoàn cảnh như em, nếu không phải là cố mà lạc quan và hiền lành hở chị Khanh?
Em nghĩ, thái độ như chị vừa tả là thái độ tích cực nhất để tồn tại và (mong) có ít nhiều tác động đến xã hội, chị ạ. Mà em thì chưa được như thế đâu, cũng phẫn nộ, cũng đau đớn, cũng có những lúc cảm thấy bi quan lắm lắm lắm.
Nhưng vụ biếm họa là em nói thật chứ chẳng nói đùa (dù cũng hay đùa - theo Karl Marx thì phải, đùa là vũ khí của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh). Vì nó là phản ứng của cộng đồng đối với hiện tượng xấu. Khi cộng đồng hoàn toàn không biểu lộ bất kỳ phản ứng gì nữa đối với những cái xấu, thì chị nghĩ xem tình trạng đó đáng lạc quan hay đang bi quan, chị nhỉ?
Nhưng mà cuối cùng thì ai cũng phải sống thôi. Em lại sực nhớ câu giáo lý đầu tiên được học hồi 5 tuổi (em theo đạo Công giáo):
Hỏi: Ta sống ở đời này để làm gì?
Thưa: ...????
PA
PA ạ ,
Trả lờiXóaMình hiểu , hiểu lắm !
Mình nghĩ PA đã làm "hết" phần của mình rồi.
Mà nếu mỗi người đều cố làm hết phần mình có thể làm được , thì rồi cái xấu phải nhạt nhòa dần , phải không?
Cám ơn PA.
PK
[...]"Ông xã tôi, mọi người hay vào blog này chắc còn nhớ, là một người hết sức bình thường, hiền lành, tốt bụng (well ít ra là tôi nghĩ thế), ít nói, nhưng lâu lâu lại có những quan sát nhận xét hết sức sắc sảo về những vấn đề chung của toàn xã hội. Và vì tôi làm ngành giáo, và cũng vì ngành này có ảnh hưởng đến con cái trong gia đình, nên ông ấy rất quan tâm, săm soi vào các hoạt động và hiệu quả của giáo dục VN. Nhiều nhận xét của ông ấy về giáo dục đại học, trong đó có cả nơi mà tôi làm việc, cứ làm tôi giật mình thon thót vậy. Nên khi nào ông ấy nói cái gì cần đọc là tôi phải đọc ngay."
Trả lờiXóaChà, đoạn này mẹ khen bố nhiều quá ta! ^^ Entry của mẹ hay quá. Cái hình copycat dzui ghê! hihi :)
Hi Khuê,
Trả lờiXóaBố Khuê thì đương nhiên mẹ phải khen rồi, đúng không?
Vì sao ư? Vì ... đó là chồng của mẹ, quá dễ Khuê nhỉ?
Khuê nói bố vào đọc đi, cho bố ... sướng! Mà có khi bố đọc rồi ấy nhỉ, mà làm bộ không nói gì thôi!
Blog của Khuê dạo này cũng có vẻ xôm tụ ghê. Mẹ còm rồi đó, Khuê đọc chưa?
PA