Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Về ... tôi, và quà sinh nhật

Sao lại "Về ... tôi, và quà sinh nhật"?

À là bởi vì, sinh nhật tôi vừa mới qua đúng 2 ngày thôi. Và sinh nhật, thì đương nhiên (?) phải có quà. Ấy là theo kinh nghiệm của tôi, còn kinh nghiệm đó có đúng cho tất cả mọi người VN hay không, thì có lẽ phải cần ... nghiên cứu!

Sinh nhật của tôi bao giờ cũng có quà. Ít nhất là quà của ông xã. Đều đặn, năm nào cũng thế.

Hồi VN còn chưa mở cửa (tôi lập gia đình năm 1985), quà sinh nhật mà tôi và ông xã tôi tặng cho nhau là hết sức ... thực dụng. Chỉ là những cái mà đàng nào thì mình cũng phải mua để mà dùng hàng ngày.

Tôi vẫn nhớ, món quà sinh nhật đầu tiên mà tôi mua cho ông xã (khi đã là ông xã), là mấy cái ... quần xà-lỏn và áo may-ô! Nhưng cũng gói lại cẩn thận, kèm thêm một bức thư "tình cảm mùi mẫn", để vào một chỗ bí mật (để tăng yếu tố bất ngờ, thú vị). Cũng tốn nhiều công sức lắm, và giá trị của nó vì thế tăng lên gấp bội, vì "của một đồng, công một nén" mà!

Quà sinh nhật của ông xã tôi tặng tôi hồi đó thì có lẽ ít thực dụng hơn một chút. Hình như món quà sinh nhật đầu tiên mà ông xã tôi tặng cho tôi là một cái bóp để đựng các đồ lặt vặt đi làm. Nhưng dù gì thì cũng là những đồ dùng hàng ngày, chứ không phải là những thứ ... xa xỉ như ... hoa, chẳng hạn. Mà chính tôi cũng không thích được tặng hoa, vì tôi chỉ thích hoa dại (giống tôi), chứ không thích những loài hoa hương sắc rực rỡ như hoa hồng, hoa lys, hoa cẩm chướng ...

Nhưng những món quà sinh nhật mà tôi hay được ông xã tặng nhất, vừa thực dụng (vì dùng được, lại không đến nỗi quá đắt tiền), là sách. Tôi vốn thích sách, một thói quen học được từ thời còn bé ở gia đình. Vì thế, tôi rất hay được tặng sách, và cũng rất thường xuyên tự mua sách cho mình.

Quay trở lại chuyện sinh nhật năm nay. Tôi cũng có quà, trước hết là của gia đình. Một ổ bánh sinh nhật, cho cả nhà cùng ăn, tất nhiên rồi. Của ông xã. Và 2 cuốn sách, của 2 đứa con, vì chúng biết rõ mẹ chúng thích gì, mà, như đã nói ở trên, sách cũng là loại quà most affordable đối với chúng.

Nhưng năm nay tôi còn một món quà khác nữa, tình cờ thôi, nhưng lại rất ý nghĩa. Đó là bài phỏng vấn viết về tôi như một nhân vật (chà chà, nở mũi!!!!), trên tờ DNSG. Đăng đúng ngày sinh nhật tôi (dù chắc chắn là tờ báo không biết điều này), và được gửi tặng đến nhà tôi đúng vào ngày ấy.

Nên ngày 25/8 khi tôi đi làm về, thì ở nhà, các món quà sinh nhật của tôi đã chờ sẵn. Một ổ bánh, 2 cuốn sách, và 1 tờ báo trong đó có bài phỏng vấn tôi.

Về bánh và sách, các bạn xem hình dưới đây này.
Sách này là con trai tặng mẹ đấy!Còn đây là sách của con gái.

Và bài phỏng vấn, hiện nay nó chỉ có trên báo giấy, ít nữa mới đưa lên online thì mọi người mới kiểm chứng được xem tôi có nói xạo hay không. Tôi có bản mềm của cuộc PV này, nhưng nó khá dài, mà chép hết lên đây thì ... kỳ, mà cũng tốn chỗ chưa chắc đã có ai đọc, Trong khi tôi lại thích ... nói, nên nếu chép hết lên thì còn chỗ ở đâu mà tôi nói nữa đây?

Nhưng dù sao thì cũng muốn đưa lên đây một ít, để ... nói về chính mình nhân dịp sinh nhật của mình, dù đã qua vài ngày.
Còn đây là bánh của ông xã, và 2 ông bà già, ngũ tuần rồi chứ ít gì. Già rồi, mà còn 'hí hửng' quá nhỉ!

Biết là tự nói về mình thì không khiêm tốn, và là điều không được khuyến khích trong văn hóa đông phương cũng như văn hóa thiên chúa giáo mà tôi thấm đẫm không gột đi được, nhưng dù sao thì một năm đến ngày sinh của chính mình, có lẽ ai mà chẳng tự ngồi mà suy nghĩ lại về cuộc sống của mình, phải không?

Vì vậy, nói về chính mình trong dịp như thế này, tưởng cũng chấp nhận được. Mà tôi cũng chỉ xin trích lại đây một ít mà thôi, những gì tôi tâm đắc nhất. Cũng trong tâm trạng reflect về chính mình, về cuộc đời, để còn biết sẽ đi tiếp con đường của chính mình như thế nào thôi mà.

Các bạn đọc ở dưới nhé.

CHỈ LÀM NHỮNG ĐIỀU MÌNH TIN LÀ ĐÚNG

Vũ Thị Phương Anh bảo vệ luận án tiến sĩ ở Úc, năm 36 tuổi. Đến nay, bà đã làm việc trong ngành giáo dục 28 năm và hiện là giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù đứng trong hệ thống giáo dục nhưng người phụ nữ này được biết đến như một tiếng nói phản biện khá bền bỉ chung quanh những bất cập của ngành này. Đằng sau những góp ý thẳng thắn là một tấm lòng dành cho giáo dục. Phải hiểu, phải tha thiết với ngành giáo dục nhiều lắm thì người phụ nữ này mới mạnh dạn nói lời ngỏ với vị tân bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận: “Nếu có cơ hội nói, tôi khuyên bộ trưởng tập trung làm đến nơi đến chốn những việc đúng quy luật mà Bộ đang làm, như tiếp tục đổi mới cơ chế quản trị đại học theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường, và đừng đưa ra thêm những sáng kiến mới, từ trường chuyên, cho đến những chỉ tiêu phi thực tế.”.

Cuộc trò chuyện diễn giữa chúng tôi diễn ra vào một buổi chiều trung tuần tháng 8, ít giờ sau khi GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields ở Ấn Độ.


Trên đây là cái tựa và phần mở đầu của bài phỏng vấn. Rất tình cờ, cuộc trao đổi lại rơi vào đúng ngày NBC được trao giải thưởng Fields (không tính trước vì đâu có ai biết là ngày đó thì NBC có giải). Nên cuộc trao đổi cũng xoay quanh vấn đề giáo dục, nhân tài, đi và ở, trong và ngoài hệ thống, vv. Tôi xin trích lại dưới đây vài câu hỏi, và phần trả lời của tôi.

Lương cho giáo viên đã trở thành câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
Chúng ta là nước nghèo. Vậy thì tại sao Nhà nước lại muốn bao thầu ngành giáo dục? Hãy mở cửa cho tư nhân làm. Tư nhân biết những gia đình nào sẵn sàng đóng học phí năm triệu đồng/tháng và những gia đình nào không đủ khả năng đóng học phí. Giáo dục công nên tập trung chăm sóc cho 2 đối tượng thôi, đó là đối tượng có tài năng đặc biệt và đối tượng nghèo, không đủ điều kiện đi học, còn lại để xã hội tự điều tiết. Có thể nhiều người không đồng tình nhưng tôi cho rằng nên dỡ trần học phí. Tuy nhiên, những trường muốn nâng học phí phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện đi kèm, được công khai, minh bạch.

Tôi nghĩ Nhà nước càng bớt thọc tay vào quản lý giáo dục càng tốt. Ví dụ, Bộ Giáo dục của liên bang ở Mỹ chỉ làm một việc là xét cấp tiền hoặc cho vay tiền đối với người học đại học. Nhưng để vay được tiền thì người học phải chọn học ở những trường đã chứng minh được việc đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng, nhằm đảm bảo cả chất lượng lẫn khả năng hoàn trả khi người học tốt nghiệp ra trường. Các tiêu chuẩn chất lượng này được quy định bởi chính các trường, bởi các hội nghề nghiệp, và sự thừa nhận của thị trường. Tất cả đều minh bạch và các đối tượng liên quan tự giám sát lẫn nhau. Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết.
[...]

Bà phê phán ngành giáo dục ở nhiều mặt. Tại sao bà không thoát ra khỏi hệ thống này cho thảnh thơi?
Tôi luôn ở trong tâm thế sẵn sàng rời hệ thồng bất kỳ lúc nào nếu không thể làm được những điều mình tin là đúng. Thực tế, tôi cũng đã nhiều lần xin từ chức.

Nhưng rồi bà vẫn được giữ lại?
Có thể vì người ta thừa nhận điều mình nói là đúng. Mà cũng có thể vì không có nhiều người giống như tôi lại chấp nhận làm việc với mức lương hàng tháng năm, bảy triệu đồng trong khu vực nhà nước như thế này. Thực ra, tôi có thể kiếm tiền một cách khá dễ dàng ở bên ngoài. Nhưng kiếm tiền dễ tôi không thích. Tôi mong được làm đúng giá trị của mình và được tưởng thưởng một cách xứng đáng. Với tôi, phần thưởng vật chất không phải là chính yếu.
[...]

Có nói ra hết những điều bà suy nghĩ?
Tôi biết tự kiểm duyệt mình. Tôi nghĩ mình là một công dân tốt. Một người được giáo dục cẩn thận trước hết là biết tôn trọng pháp luật. Những chỗ pháp luật chưa hợp lý thì mình góp ý, xây dựng cho tốt hơn. Còn việc những ý kiến của mình có được lắng nghe hay không lại là một câu chuyện khác.
[...]
Điều đau đớn nhất với những người làm khoa học là cảm giác mình bị phí hoài. Có một thời kỳ dài, mỗi năm Úc cho Việt Nam 150 suất học bổng. Những người sau khi học xong ở lại cũng nhiều, nhưng số lượng những người về nước cũng không ít. Nhưng bây giờ những người đó đang ở đâu? Họ đi làm cho các công ty nước ngoài không hoàn toàn vì thu nhập, mà bởi vì ở đó tài năng của người ta được trân trọng.

Tại sao bà không ở lại Úc như những người khác?
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, tôi được đề nghị ở lại làm chương trình hậu tiến sĩ (postdoc) Lúc đó Úc đang có chương trình khuyến khích nhập cư “chất xám”. Bạn bè dẫn tôi đến cơ quan nhập cư, tôi hỏi tất cả thủ tục xong rồi… thôi. Tôi quyết định về vì muốn gần chồng con. Đơn giản có vậy thôi


Bài phỏng vấn ấy kết thúc với câu hỏi liên quan đến đi và ở mà tôi có trích ở trên. Xin nói thêm: ông xã tôi ít khi (thèm) đọc những bài báo chí viết về tôi, phỏng vấn tôi, vì ... ông ấy đã hiểu tôi quá rõ rồi, vả lại báo chí có thể có quan điểm khác, mục đích khác, mối quan tâm khác khi trao đổi với tôi, và đó không phải là cái ông ấy quan tâm. Nhưng hôm ấy, 25/8, ông xã tôi có bỏ thời gian đọc hết bài phỏng vấn khá dài, và ... trầm ngâm suy nghĩ. Không chê gì hết, và điều này cũng khác thường. Có lẽ vì bài viết kết thúc bằng câu tôi nói "vì muốn gần chồng con. Đơn giản có vậy thôi."

Vâng, đơn giản chỉ có thế. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong bài thơ của Robert Frost:

I took the one [ie, the road] less traveled by
And that has made all the difference.


And that has made all the difference, bạn bè của tôi ơi!

Và cám ơn T., PV của DNSG, về buổi nói chuyện rất thú vị, và bài viết rất hay của em. Một món quà sinh nhật rất có ý nghĩa T. ạ. Vào sinh nhật trọn 50 tuổi (bước sang 51) của chị.

Có ai biết, 25/8 cũng là ngày Bảo Đại thoái vị không nhỉ? Có lẽ điều đó đã "ám" vào vận mệnh của tôi chăng?

41 nhận xét:

  1. Tôi nghĩ Nhà nước càng bớt thọc tay vào quản lý giáo dục càng tốt. Ví dụ, Bộ Giáo dục của liên bang ở Mỹ chỉ làm một việc là xét cấp tiền hoặc cho vay tiền đối với người học đại học. Nhưng để vay được tiền thì người học phải chọn học ở những trường đã chứng minh được việc đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng, nhằm đảm bảo cả chất lượng lẫn khả năng hoàn trả khi người học tốt nghiệp ra trường. Các tiêu chuẩn chất lượng này được quy định bởi chính các trường, bởi các hội nghề nghiệp, và sự thừa nhận của thị trường. Tất cả đều minh bạch và các đối tượng liên quan tự giám sát lẫn nhau. Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết.

    Nói thì nghe có vẻ xuôi, nhưng hình như luẩn quẩn chị ạ. Em không ở trong ngành này (ơn Chúa!), nhưng vẫn cảm thấy có gì đấy luẩn quẩn ở đây. Rất có thể là tư duy của những người đang làm ở trong ngành giáo dục viet-nam đều đang bị hiệu ứng luẩn quẩn. Có gì thấy luẩn quẩn, em cứ chỉ ra, - và để hỏi (người trong ngành) luôn. Em đã tô đậm mấy chỗ luẩn quẩn ở trên kia. Xong rồi em hỏi:

    (1) Ai cho lập trường?

    (2) Như thế nào được coi là "chứng minh được việc đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng"?

    Trả lờiXóa
  2. Dear dao_hoa_daochu,

    1. Chỉ cần một cái đơn xin phép kinh doanh Cá Thể hay là thành lập công ty và đóng lệ phí cũng như hội đủ điều kiện về vệ sinh, phòng cháy chữa cháy là cp1 thể mở truờng tư. Giấy phép ở thành phố nào thì thành phố đó cấp. Bộ giáo dục accredited hay không là chuyện tính sau.

    2. Tiêu chuẩn chất luợng truớc nhất là do nguời tiêu thụ quyết định. Không có học viên thì không có chất luợng. Học viên có nhiều rồi và muốn phát triển thì xin accredited, chứng minh đầy đủ khả năng quản lý, truyền đạt theo tiêu chuẩn quy định của những cơ quan như bộ Giáo dục và các cơ quan xác nhận của vùng, của hiệp hội nghành.

    Những truờng của hệ thống tiểu bang và những truờng tư có trên 100 năm tuổi thì học viên đâu có cần hỏi về việc accreditation làm gì cho mất thì giờ.

    Ỏ VN thì là do "cung không đủ" nên mới có "Dỏm".

    Choi

    _______________________

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng đồng ý về việc nhà nuớc đừng có nhúng tay quá sâu trong vấn đề giáo dục mà hãy để cho tư nhân mở truờng tư (Uyển ngữ gọi là truờng dân lập hay cái tên gì đó đang tràn lan ở VN.

    Nhà nuớc chỉ nên bao cấp ở thành phố và tỉnh thành một số truờng công ở mỗi tỉnh tùy theo dân số của tỉnh thành đó. Cứ lấy cái mẫu của VNCH ngày xưa mà làm. Ngày xưa thì Sàigòn có một số truờng trung học công lập như Chu Văn An, Petrus Ký, Trưng vuơng, Gia Long, Võ Truờng Tỏan, Nguyễn Trãi, Lê Văn Duyệt, truờng quốc gia nghĩa tử, truờng va7n hóa quân đội v.v Những truờng này thi tuyển học sinh vào lớp đệ thất sau khi tốt nghiệp tiểu học. Ngòai ra tỉnh nào cũng có ít nhất là một truờng công. Còn lại là tuờng tư thục. Diều then chốt là các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất cấp (sau này bỏ kỳ thi này), thi tú tài 1, tú tài 2, là có các hội đồng thi và tiêu chuẩn quốc gia thi giống y hệt như nhau. Học sinh dù là thí sinh tự do, tự học hay học ở nhà cũng đều có cơ hội nộp đơn thi như nhau. Bài thi rọc phách không thể gian lận đuợc. Tất cả mọi học sinh có cơ hội đồng đêu như nhau không hề bị phân biệt bởi giai cấp hay giàu nghèo.

    Lên Đại học cũng thế, mỗi truờng tự tổ chức thi tuyển theo tiêu chuẩn của truờng. Cuỉ có Luật và Văn Khoa là không có thi tuyển.

    Truờng tư là cơ sở kinh doanh giáo dục, họ phải tìm thầy giỏi để dạy như truờng Nguyễn Bá Tòng (truờng tư) nhưng số học sinh thi tú tài đỗ rất cao. Ngòai ra còn có những truờng của tôn giáo như hệ thống của dòng Lasan như Taberd ở Sàigòn. Học sinh ban việt thi tú tài đỗ 95%, tú tài pháp thì hầu như đỗ 100%( bài thi của Pháp qui định) và những bằng này có giá trị tuơng đuơng như của VNCH. Nguời dân tộc Hoa cũng có truờng Bác Ái, học sinh học rất giỏi)

    Bao nhiêu năm qua VN cứ quanh quẩn với đổ mới và cải cách. Cái cũ đã có và làm tốt rồi thì bỏ đi và cứ quanh quẩn để dẫn đến tình trạng ngày hôm nay đầy rẫy bằng giả. Cái thứ mà ngày xưa chư abao giờ nghe đến.

    Choi

    Trả lờiXóa
  4. Chị PA thân mến,
    Chúc chị một mùa sinh nhật vui vẻ,một gia đình đầm ấm và hạnh phúc!Mong chị và mãi mãi" chỉ làm những điều mình tin là đúng..".Tôi khoái cách viết của chị trong phần giới thiệu tiểu sử".."One a teacher alway a teacher; change is the only constant..."không biết viết đúng ko nữa!hic hic!!! Thân mến

    Trả lờiXóa
  5. Dear Đào hoa đảo chủ (phải vậy không?)

    Cám ơn bạn đã có ý kiến phản biện. Đọc những chỗ highlight của bạn cũng thấy ... quả thật nó lòng vòng thiệt. Nhưng tôi vẫn tin là nó không đến nỗi lòng vòng, vì 2 lẽ:

    - Ngoài những câu hỏi và trả lời trên đây, còn có những phần khác làm cho ý tưởng của tôi rõ hơn.
    - Ngay trong phần trả lời mà bạn đã trích lại, tôi nghĩ cũng có những ý trả lời được câu hỏi của bạn.
    1. Đương nhiên là nhà nước cấp phép. Khi cấp phép thì xét xem có đủ điều kiện để làm không, và mục tiêu (theo lời tuyên bố trong sứ mạng đã nộp theo hồ sơ cấp phép) có tốt không.
    2. Nhưng sau khi được cấp phép rồi thì có thể không làm theo đã khai. Nhà nước không thể ăn rồi đi theo ... rình bắt xem có làm sai không (mà sao nhà nước biết thế nào là sai, thế nào là đúng, phải không? chỉ có người trực tiếp làm mới biết rõ chứ?)
    3. Vì thế, tốt nhất là nhà nước để mọi người tự làm, bên mua bên bán giám sát nhau. Trong bên bán (tức các trường) cũng phải lập ra hiệp hội để bảo vệ uy tín của mình, loại khỏi cuộc chơi những "thằng" dỏm, làm bậy, xé rào. Đây chính là kiểm định. Nhưng kiểm định có tốt không thì lại phải được nhà nước công nhận.

    Tóm lại, nhà nước là vòng đầu (cấp phép) và vòng cuối (hậu kiểm, công nhận, và điều tiết, xử lý vi phạm), còn khúc giữa thì để thị trường tự giải quyết! Miễn là thông tin minh bạch, luật lệ rõ ràng, xử lý công minh.

    Có lẽ bạn vẫn chưa hài lòng lắm phải không? Nhưng vấn đề lớn quá mà! Một mình tôi nói thì cũng chỉ được đến thế mà thôi!

    Bác Chơi quý mến,
    Cám ơn bác đã ủng hộ ý tưởng của em, và mừng hơn là hiểu biết của em về giáo dục Mỹ không có gì sai sót trầm trọng (vì không thấy bác sửa lưng gì!)

    Anh Cà Tửng,
    Cám ơn lời chúc tốt đẹp, chân thành, ấm áp của anh!

    PA

    Trả lờiXóa
  6. 1. Đương nhiên là nhà nước cấp phép. Khi cấp phép thì xét xem có đủ điều kiện để làm không, và mục tiêu (theo lời tuyên bố trong sứ mạng đã nộp theo hồ sơ cấp phép) có tốt không.

    2. Nhưng sau khi được cấp phép rồi thì có thể không làm theo đã khai. Nhà nước không thể ăn rồi đi theo ... rình bắt xem có làm sai không (mà sao nhà nước biết thế nào là sai, thế nào là đúng, phải không? chỉ có người trực tiếp làm mới biết rõ chứ?)

    3. Vì thế, tốt nhất là nhà nước để mọi người tự làm, bên mua bên bán giám sát nhau. Trong bên bán (tức các trường) cũng phải lập ra hiệp hội để bảo vệ uy tín của mình, loại khỏi cuộc chơi những "thằng" dỏm, làm bậy, xé rào. Đây chính là kiểm định. Nhưng kiểm định có tốt không thì lại phải được nhà nước công nhận.


    "Mà sao nhà nước biết thế nào là kiểm định tốt, thế nào là kiểm định không tốt, phải không? chỉ có người trực tiếp làm mới biết rõ chứ?

    Vì thế, tốt nhất là nhà nước để mọi người tự làm, bên kiểm định và bên bị kiểm định giám sát nhau. Trong bên kiểm định cũng phải lập ra hiệp hội để bảo vệ uy tín của mình..."
    :-D

    Chị Phương Anh, rõ ràng chị suy nghĩ cũng chưa thật rõ ràng, đúng không ạ?! Em nghĩ là chị nên bỏ chút thời gian để thong thả sắp xếp mọi "ý tưởng" của mình cho nó thành hệ thống (dùng mindmap chẳng hạn), thì chỗ nào chưa kín kẽ nó mới lộ ra được.

    Vì chị đã đặt vấn đề cụ thể là "người mua - người bán", em nghĩ để cho trực quan, ta nên thử lấy trường hợp sữa bột trẻ em có chứa mê-la-min ra làm ví dụ. Bỏ qua khâu sản xuất phân phối, để cho ngắn gọn, ta có "người bán" là thằng bán sữa, "người mua" - trẻ em mua sữa (và uống)...

    Chị thử so sánh tiếp xem.

    Trả lờiXóa
  7. Đào hoa đảo chủ,

    Đây chắc chắn là sự khác biệt tư duy giữa giới khoa học tự nhiên và khoa học xã hội rồi. Nên chị nói cỡ nào thì em cũng sẽ thấy lòng vòng thôi. Chứ với chị thì nó rõ lắm.

    Bây giờ cố gắng nói lại nhé:

    Chỉ có 3 bên thôi em ạ:
    1. người mua
    2. người bán
    (3. nhà nước)

    Tạm quên nhà nước, hãy nói người bán và người mua.

    Trong một thị trường tự do và lý tưởng thì mọi việc như sau:

    Người mua là yếu nhất. Nhưng người mua cũng có quyền của mình: nếu bị lừa một lần, thì có thể "xúi" mọi người tẩy chay --> người bán cũng phải biết sợ mà làm ăn cho đàng hoàng.

    Người bán thì mạnh hơn, có thể lừa được người mua. Nhưng người bán cũng cần người mua, và nếu làm ăn bậy bạ thì sẽ không có ai mua --> mỗi người bán đều phải cố gắng.

    Lại nữa, có nhiều người bán, nên có thằng đàng hoàng, có thằng bậy bạ, cạnh tranh không lành mạnh --> những thằng đàng hoàng bèn thành lập hiệp hội, cùng cam kết làm tốt để bảo vệ uy tín, và tẩy chay/ lên án bọn bậy bạ làm "ô danh" giới người bán.

    Cái này chính là Kiểm định "xịn" trong gd đại học ở Mỹ.

    Và trong một thời gian dài mọi việc diễn ra như thế, chẳng cần nhà nước.

    Thế bọn bán hàng bậy bạ có chịu thua không? Không, chúng cũng lập hiệp hội, cũng bắt chước cái gọi là kiểm định, rồi cũng làm y chang bọn đàng hoàng về mặt hình thức, nhưng mà ... vẫn dỏm.

    Làm sao biết nó dỏm? À, là vì người mua họ bị lừa một vài lần rồi thì họ kêu ầm lên, om xòm dư luận, vv và vv.

    3. Enter the government.

    Bây giờ mới thấy cần nhà nước đây. Vậy nhà nước làm gì?
    a. Thẩm định ngay từ đầu xem thằng nào đủ điều kiện sản xuất hàng hóa thì cấp phép.
    b. Đưa ra một số quy định để bảo vệ người mua (vd: người bán phải cung cấp thông tin đầy đủ, phải bồi thường thiệt hại nếu bị kiện và thua kiện vv).
    c. Tạo các dịch vụ công về thông tin và giáo dục người tiêu dùng để họ biết tự bảo vệ.
    d. Khuyến khích và công nhận những thằng làm tốt (tốt = không bị ai kiện, thông tin minh bạch, có trách nhiệm khi có vụ việc xảy ra), tẩy chay và trừng phạt (không công nhận hoặc tước giấy phép) những thằng làm dỏm.

    Như vậy, kiểm định = tự quản của giới người bán vẫn phải chịu sự kiểm soát của nhà nước qua việc công nhận, là thế.

    Tóm lại, cần hai thứ:
    1. nhà nước công tâm và có luật lệ, nhưng mà luật tổng quát, điều hòa mối quan hệ giữa các bên thôi.
    2. thị trường tự do, thông tin đầy đủ, có nhiều lựa chọn cho mọi người.
    Thì mọi việc sẽ ổn thôi.

    Nhà nước không nên can thiệp theo kiểu: phải thu học phí bao nhiêu, chỉ tiêu tuyển sinh thế nào (xin hàng năm), đề thi cụ thể ra sao, có bao nhiêu trường đẳng cấp quốc tế, bao nhiêu tiến sĩ vào năm nào, bao nhiêu ông tiến sĩ toán, tất cả đều bằng ngân sách, làm sai ... thì nhà nước bù lỗ rồi làm tiếp theo kiểu Vinashin!

    Em đồng ý chưa? Nếu chưa, thì chị ... thua!

    PA

    Mà chị nói thêm một chút này:

    Luật là như thế đấy, nó lòng vòng, vì là cuộc sống, chứ đâu phải là khoa học chính xác mà đưa ra rồi không thay đổi nữa?

    Chắc chắn trong thị trường thì bên bán lẫn bên mua mỗi bên đều vận động để bảo vệ quyền lợi của mình. Còn nhà nước thì có khi cũng sai, cố tình hoặc vô tình. Nên luật lệ cũng phải đổi, nhà nước thì có nhiệm kỳ.

    Đấy là tổ chức xã hội của một nước tự do dân chủ kiểu phương tây với tam quyền phân lập, em ạ.

    Trả lờiXóa
  8. (1) Đây chắc chắn là sự khác biệt tư duy giữa giới khoa học tự nhiên và khoa học xã hội rồi. Nên chị nói cỡ nào thì em cũng sẽ thấy lòng vòng thôi. Chứ với chị thì nó rõ lắm.

    Chị Phương Anh, Albert Einstein anh em bảo: "You do not really understand something unless you can explain it to your grandmother." Chị có nghĩ lão ấy phân biệt "bà tự nhiên" và "bà xã hội" không?

    (2) nhà nước công tâm và có luật lệ, nhưng mà luật tổng quát, điều hòa mối quan hệ giữa các bên thôi.

    Đấy là tổ chức xã hội của một nước tự do dân chủ kiểu phương tây với tam quyền phân lập, em ạ.


    Khồng, vậy là chị chưa được ra tòa của một nước tự do dân chủ kiểu phương tây với tam quyền phân lập bao giờ rồi, luật nó cụ thể lắm, chị ạ. (Em nói mà chị không tin, thì có thể tham khảo trường hợp anh Lý Tống)

    (3) Nhà nước không nên can thiệp theo kiểu: phải thu học phí bao nhiêu, chỉ tiêu tuyển sinh thế nào (xin hàng năm), đề thi cụ thể ra sao, có bao nhiêu trường đẳng cấp quốc tế, bao nhiêu tiến sĩ vào năm nào, bao nhiêu ông tiến sĩ toán, tất cả đều bằng ngân sách, làm sai ... thì nhà nước bù lỗ rồi làm tiếp theo kiểu Vinashin!

    Cái này, rõ ràng không phải cái này:

    Tôi nghĩ Nhà nước càng bớt thọc tay vào quản lý giáo dục càng tốt.

    Chị nhớ chuyện một người đi câu về khoe câu được con cá dài "từng này" (dang tay làm khoảng cách), người khác hỏi "từng nào?", "ờ... từng này" (khép tay vào một chút), "từng nào?", "ờ..." một lúc, thì "ờ... từng này" (giơ mỗi ngón tay út), không?

    Hay cái dưới là "khoa học xã hội", cái trên là "khoa học tự nhiên"? :-D

    Trả lờiXóa
  9. Dear dao_hoa_daochu,

    Trong phạm vi blog rất là hạn hẹp không thể đua ưa tất cả các chi tiết cụ thể dựoc.
    Trong post của chị P.A., tôi dù học hành rất kém nhưng tôi cũng hiểu ý chị muốn nói điều gì ở trong đó.

    Mọi nguời ai cũng hiểu là VN cần có thay đổi trong ngành giáo dục một các cụ thể để những em học sinh và SV có thể có mội truờng học và chất lượng giáo dục tốt hơn.

    Bài trả lời phỏng vấn chỉ đưa ra ý kiến để đánh tiếng với các ông lớn là cần có sự suy nghĩ lại trong vấn đề giáo dục.

    Vấn đề thị truờng tự do điều tiết và quyết định cái nào tốt và cái nào không tốt và không nên dùng thì ai cũng biết cả. Ngay cả nhà nuớc độc quyền đi nữa về một sản phẩm hữu hình và vô hình nào đó, nếu không có nhân dân tiêu thụ thì cũng phải dẹp đi thôi. Thời gian 1975-1986 nhân dân miến Nam đã chứng minh điều đó. Chỉ lấy cái ví dụ rất nhỏ nhoi thôi là viên gạch hoa cũ đã lót nhà ở miến Nam cũng đuợc chở ra miền Bắc để bán lại. Truớc năm 1990, Nguời dân cả nuớc khi có ốm đau bịnh tật cứ lùng mấy ông Bác sĩ chế độ cũ để khám chứ không dám khám mấy ông BS cách mạng.

    Nhà nuớc hiện nay càng bớt thọc tay vào quản lý giáo dục càng tốt. Theo tôi đề nghị này rất có lý vì nhà nuớc đã thọc tay quá sâu và qúa lâu vào quản lý giáo dục nên hâu qủa dẫn đến ngày hôm nay. Hiện này ở VN có ai không muốn đi học hay cho con cái đi học ở ngọai quốc hay những truờng có dính tí tên nuớc ngòai vào hay không? Điều này chứng tỏ là khách hàng đã ngấy đến tận cổ hàng giáo dục nội địa. Thi tuyển vào đại học công lập(rồi la tóang lên 1 chọi 5, 1 chọi 4)là do chính sách quản lý và phát triển kém hay là chủ trương ngu dân nên dẫn đến cung không đủ cho khách hàng.

    Dân số tăng, thu nhập bình quân trên đầu nguời tăng trong lúc ngành giáo dục không tăng theo kịp là lỗi của nhà nuớc. Sai thì phải sửa chứ không phải vì năng lực không điều hành nổi nên kiểm sóat, ngăn chặn, và quản lý chặt. Nhà nuớc mà thọc tay sâu vào sâu qúa tức là chủ truơng ngu dân để trị đấy.

    Trả lờiXóa
  10. Chào bác Chơi,

    Cám ơn bác quá chừng; bác cứu em một màn thua đã rõ! Đa tạ, đa tạ! ;-)

    Đào hoa đảo chủ,

    Em bắt như thế thì chị chịu rồi. Thôi thì tóm tắt lại cái mà chị hiểu từ những comments của em nhé:

    1. Em không đồng tình với câu phát biểu của chị: "nhà nước các ít thọc tay vào quản lý giáo dục càng tốt".

    Vậy theo em, nhà nước VN cần phải làm như thế nào để giáo dục tốt lên?

    2. Ý của chị là lâu nay nhà nước vẫn luôn quản lý chặt mà mọi việc vẫn không tốt. Hình như mô hình quản lý của mình còn thiếu một cái gì đó?

    Và chị cho rằng cái thiếu đó là thị trường tự do, trong đó người tiêu dùng được lựa chọn và được có tiếng nói công khai thông qua báo chí. Và đó là cái cần được bổ sung.

    Em nghĩ gì về nhận định này? Hay em nghĩ chỉ cần có vai trò của nhà nước là đủ?

    Trả lờiXóa
  11. Chị PA,

    Chị dừng phí thời giờ với ông này, mất công cho chị lắm. Bảo ổng sang Blog BS Hồ Hải, hôm nay, bên dó dang thiếu người.

    LAH

    Trả lờiXóa
  12. Chị Phương Anh, những gì chưa chặt chẽ trong bài của chị, em đã ít nhiều phân tích ở trên rồi, ít nhiều cũng có đầu có đuôi, có nếu có thì, có phương pháp, và tương đối nghiêm túc. Những cái đấy có ích gì cho chị hay không, chị là trí thức, lại còn làm việc ở trong ngành giáo dục, chị tự xem xét.

    À mới cả, chị đã lần nào nhìn thấy phản biện tự nhảy vào bảo vệ đề tài khoa học thay cho chủ trì chưa (em thậm chí còn chả mấy khi tự đến, toàn gửi phản biện đến, để các bạn tây tự đọc bi bô cho nhau nghe, còn mình ở nhà lên mạng chát chít)? (Hay là giáo dục ở một nước tự do dân chủ kiểu phương tây với tam quyền phân lập nó thế, ạ?) :-D

    @Bác gì nặc danh

    Trong post của chị P.A., tôi dù học hành rất kém nhưng tôi cũng hiểu ý chị muốn nói điều gì ở trong đó.

    Người "học hành rất kém" có thể "hiểu" hoàn toàn không giống như cách hiểu của những người phát triển bình thường đâu, bác ạ.

    Trả lờiXóa
  13. Người phát triển bình thườnglúc 09:55 29 tháng 8, 2010

    Người "học hành rất kém" có thể "hiểu" hoàn toàn không giống như cách hiểu của những người phát triển bình thường đâu, bác ạ.

    lol, bạn này hài hước quá (iconvỗtay)!

    Trả lờiXóa
  14. Dear dao_hoa_daochu,

    Y're so funny....

    choi

    Trả lờiXóa
  15. Chào mọi người

    Sáng nay em có đọc qua một số comment, nhưng vì đang chuẩn bị đi chơi nên không định tham gia cuộc tranh luận. Trưa nay vừa mới về thì thấy đã có thêm một số nhận xét nữa, một phần trong số đó có vẻ hơi lệch chủ đề và đụng chạm nữa. Để tránh trường hợp chuyện nọ xọ chuyện kia, em chỉ xin bàn về câu "Tôi nghĩ Nhà nước càng bớt thọc tay vào quản lý giáo dục càng tốt", vì thấy bạn dao_hoa_daochu (cho phép em gọi tắt là bạn HDS - Hoàng Dược Sư) có nhắc đến và còn liên hệ với truyện cười.

    Không phải biện bạch gì, nhưng em nghĩ có lẽ câu này không thể hiện thật chính xác quan điểm của cô Phương Anh. Điều này cũng dễ hiểu, vì ngôn ngữ nói và viết nhiều khi có một số điểm imprecise khá lắt léo, mà nếu không nghĩ kĩ mình cũng không để ý. Chẳng hạn, với câu vừa trích, người ta có thể bắt bẻ là: Nếu càng ít quản lí càng tốt, thì tốt nhất là không quản lí gì cả! Chỗ này làm em nhớ tới một nhận xét của thầy giáo dạy Kinh tế ở cấp 3 của em: Trong Economics, đối với những thứ có thể xem như harmful, chẳng hạn smoking, người ta không tìm cách minimize, mà là optimize. Có lẽ cũng có thể nói vậy đối với quản lý nhà nước trong giáo dục.
    Đến đây, em xin phép được diễn đạt lại ý của cô PA theo cách em hiểu:

    - Hiện nay, sự can thiệp của nhà nước là khá sâu, và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến inefficiency (allocative/productive) trong giáo dục. Vì vậy, có thể nói the current level of intervention is sub-optimal. Ở đây, có thể tiến thêm một bước nữa, và nhận định rằng the current amount of intervention actually surpasses the optimal level, nhất là khi so với kinh nghiệm của những nước tạm gọi là thành công trong giáo dục và xét đến sự can thiệp khá rộng và sâu ở VN hiện nay.

    - Như vậy, for optimization purposes, thì VN có lẽ nên giảm bớt government intervention.

    Dĩ nhiên, cô PA cũng không có ý là set it at zero, vì cô cũng đã có nhắc đến vai trò của chính phủ ở hai khâu đầu và cuối. Cô cũng suggest những việc chính phủ có thể hoặc nên làm - theo quan điểm của cô, thì khi làm những việc đó (và chỉ những việc đó thôi), thì efficiency sẽ tăng, và outcome, nếu có, cũng gần với optimal level hơn hiện tại (nếu may mắn có khi còn hit the right spot, nhưng cái đó là nói một cách lạc quan).



    Nếu em có hiểu sai điều gì mọi người cứ chỉnh lại. Thật ra, nếu nghĩ sâu nghĩ kĩ về từng câu, thì hầu như mọi thứ chúng ta nói ra đều dễ gây tranh cãi, và nói theo dân Sin thì we can argue till the cows go home mà cũng không đâu vào đâu cả. :)

    Entry sinh nhật, có lẽ cũng nên let there be peace. :)

    Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ.

    SGK

    Trả lờiXóa
  16. http://tuanvietnam.net/2010-08-29-chi-lam-nhung-dieu-minh-tin-la-dung

    Nguyên văn bài phỏng vấn.

    SGK

    Trả lờiXóa
  17. cháu vừa đọc xong bài phỏng vấn cô trên tuanvietnam.net thấy cô có nhắc đến blog cá nhân liền tìm đến ngay đọc blog của cô. Cháu hiện đang là sinh viên Quản lý giáo dục nên cháu rất quan tâm đến những vấn đề mà cô nói đến ở trên. Quả thực là càng ở trong ngành thì càng thấy những điểm xấu của nó lộ ra nhiều, bất cập càng lớn và tham nhũng cũng không phải ít, đúng như những j cô đã nói ở trên.
    Trước hết cháu xin được gửi lời chúc sinh nhật muộn tới cô, chúc cô sang tuổi mới có sức khỏe dồi dào để cống hiến cho nền giáo dục thật nhiều thành tựu và luôn hạnh phúc trong cuộc sống :D
    Sau đây, cháu cũng muốn đưa ra vài ý kiến của mình về vấn đề mà mọi người đưa ra về bài phỏng vấn trên.
    Đầu tiên thì cháu nhìn nhận những quan điểm của cô đưa ra hoàn toàn chính đáng.
    - về vai trò của NN trong quản lý giáo dục, hãy nhìn nhận giống như việc bố mẹ chúng ta quản lý chúng ta vậy (chắc mọi ng cmt ở trên đều làm cha mẹ rồi nhưng mà cháu nghĩ nên đặt vai trò bị động vào bản thân chúng ta sẽ dể hiểu hơn trong ví dụ này). Thử tưởng tượng bố mẹ lúc nào cũng quản lý chặt chẽ mọi việc, quyết định mọi thứ, bắt phải làm theo những thứ mà bố mẹ đưa ra,... Đối với bố mẹ thì luôn cho rằng đó là cách bảo vệ con, là cách có thể kiểm soát, quản lý con tốt nhất để không bị mắc sai lầm và lại luôn cho rằng mình đúng đắn và có kinh nghiệm hơn. Song, mặt trái đem lại là những đứa con bị phụ thuộc, giống như những con rối, không có tư duy bật phá và khi đứng trước những khó khăn nó va phải thì luôn lưỡng lự, ỉ nại, trông chờ bố mẹ quyết định cho. Có những đứa trẻ ngang bướng thì không chấp nhận theo ý bố mẹ,luôn tìm cách làm trái lại, thậm chí vượt ra khỏi tầm kiểm soát một cách âm thầm, dối trá mà bố mẹ không hay biết. Lúc nhận ra sự hư hỏng ở con cái mình thì mọi thứ đều đã quá muộn. Dù là phản ứng của đứa trẻ nào đi chăng nữa thì đó cũng chính là sự kìm chế sự phát triển của chúng, và dĩ nhiên chúng ta hiếm thấy có 1 nhân tố nào trở thành có ích cho xã hội.
    Nhà nước giống như bố mẹ, và các trường giống như những đứa con.Nếu NN cứ tiếp tục nắm giữ toàn quyền quản lý trong tay thì không những ôm việc mà làm cũng không hiệu quả.

    Trả lờiXóa
  18. Hiện nay, chúng ta cũng đang được thấy sự phát triển nhanh chóng của 1 loại hình kinh doanh là bán hàng đa cấp. Bỏ qua các yếu tố ngoài lề mà ở đây cháu chỉ quan tâm nói đến là cách thức nó phát triển trong hệ thống của nó. Hình thức kinh doanh này hiệu quả 1 phần không nhỏ là từ cách "quản lý" người dưới quyền của họ.
    Trong một cuộc nói chuyện với người trong nghề, cháu đã được biết, bản thân những ng cấp cao không hề quản lý thời gian hay bất cứ vấn đề gì của cấp dưới, mà họ chỉ giúp đỡ cấp dưới mình bằng cách giúp cấp dưới tiếp cận với khách hàng nếu họ gặp khó khăn, tổ chức các buổi giao lưu, và đv biệt chú trọng trang bị cho họ các kiến thức cần thiết cho kinh doanh đạt hiệu quả(vì "không gian"không cho phép nên cháu chỉ tóm tắt ý chính thôi ạ).
    Còn những người cấp dưới, làm sao họ có thể làm viêc hăng say và chăm chỉ trong khi không có sự giám sát chặt chẽ, bởi vì họ làm vì bản thân họ, không phải vì ai khác, không làm thì chết đói. Họ tự phát triển, và làm cho doanh thu của họ tăng theo, họ đc lợi nhuận.
    Nhà nước là cấp trên và nhà trường là cấp dưới thì việc tự chủ với nhà trường là điều cần thiết, khiến họ thoải mái, đánh giá được bản thân,thay đổi vì bản thân, hoạt động vì bản thân, phát triển trước hết cũng vì bản thân họ.
    Về vấn đề mà cô PA đưa ra ví dụ về BGD Mỹ, chúng ta cũng nên nhìn nhận là đấy chỉ là ví dụ cho việc NN nên giảm cường độ tham gia quản lý thôi, còn đối với VN hiện nay, mọi việc đều phải thay đổitheo đúng điều kiện của VN chứ không phải bốp chát ngay như xuất phát từ lí do tương tự của sự ra đời KIểm định chất lượng tại VN.
    Vậy NN cần thay đổi ra sao, tham gia đến mức nào là vừa đủ, và tham gia như thế nào?
    CHáu xin đề xuất 1 ý tưởng: áp dụng được tính tích cực trong cách thức bán hàng đa cấp trên vào trong sự quản lý giáo dục. t ừ đ ó c ân đ ối l ại đ ư ợc m ức đ ộ tham gia cua NN v ào c ác v ấn đ ề.
    Có lẽ là hơi ngớ ngẩn, song cháu nghĩ có thể thực hiện được vì trong thời kì giáo dục cũng bị cuốn vào kinh tế , thì việc áp dụng những biện pháp, cách thức của kinh tế vào trong giáo dục là điều nên làm và có thể mang lại hiệu quả. Chính vì vậy mà cháu đưa ra ý tưởng trên, mong mọi ng cho ý kiến ạ.
    P/S
    Cho phép cháu được góp ý thêm là mong mọi ng khi cmt sử dụng tiếng anh ít nhất có thể để tất cả chúng ta đều hiểu rõ ý tác giả cmt. Xin chân thành cảm ơn!
    Hơi dài chút nhưng mong mọi ng cố gắng đọc hết ạ :D

    Trả lờiXóa
  19. Trước hết chúc mừng sinh nhật chị với lời chúc tốt đẹp nhất.

    Về bài phỏng vấn, theo cảm nhận của mình, em cho là khá hay. Với phạm vi một bài báo như vậy, những ý suy tư chính của chị được bộc lộ khá rõ ràng, sáng sủa về mặt tổng quan, còn chi tiết, tất nhiên cần một form khác để diễn tả vì đây là vấn đề phức tạp, tồn tại nhiều quan điểm khác biệt nhau.

    Về ý kiến tranh luận với bác dao_hoa_daochu, em cho rằng chị cũng giải thích rõ ràng và dễ hiểu. Chỉ có điều, câu phản biện "Nhà nước càng bớt thọc tay..." gây dị ứng với một số người chăng? Em thấy hoàn toàn bình thường vì như có bác ở trên đã viết, ngôn ngữ nói và viết khác nhau, chị dùng vậy cho nó có hình tượng, người đọc cần hiểu rộng ra.

    Em cũng thấy chia sẻ với cái cơ chế mà chị đã nêu trong tranh luận với bác dao_hoa_daochu. Theo lý thuyết trò chơi, thì rõ ràng có các chủ thể tham gia là bên cung ứng dịch vụ GD và bên sử dụng dịch vụ được coi là hai bên. Ở đây, rõ ràng là cần chủ thể Nhà nước ít nhất với tư cách trọng tài và một bộ luật điều tiết cuộc chơi cho fair play. Quan sát cách tổ chức (không chỉ riêng giáo dục) của một số nước châu âu, em thấy họ làm rất khoa học, hiệu quả nằm ở chỗ tạo ra một bộ luật chặt chẽ với chế tài nghiêm minh (theo cơ chế này - và tất nhiên là vai trò rất lớn để duy trì sự nghiêm minh là NN nếu NN không bị các trùm mafia/tài phiệt đứng sau giật dây làm hại người dân). Vai trò trọng tài, cao hơn là quản lý tầm vĩ mô được thực hiện nhẹ nhàng vì đó là hệ quả của cách tổ chức thông minh, khoa học. Họ tập chung vào lo vấn đề chiến lược (sau khi đã thiết lập được hệ thống như vậy) cũng như quan sát phản hồi để hoàn thiện hệ thống và sửa lỗi phát sinh trong quá trình vận hành. Như vậy thay vì can thiệp quá sâu, sai, không cần thiết, kéo theo là gây cản trở cho giáo dục thì chủ thể nhà nước cần văn minh hơn, khoa học hơn trong vai trò của mình. Ngoài ra còn một số chủ thể phụ trợ khác cùng Nhà nước điều tiết theo nguyên tắc Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Câu chuyện này dường như là đơn giản về mặt nhận thức luận phải không chị? Thế nhưng áp dụng vào "điều kiện khắc nghiệt" của Việt Nam quả thật là một thử thách cực cực lớn. Nhận thức lại và tư duy khoa học hơn + ý chí sắt đá + quyết tâm cực lớn + đoàn kết để thực hiện có lẽ là những điều kiện cần chị nhỉ?

    Vài dòng chia sẻ với chị cùng các bác.
    Minh

    Trả lờiXóa
  20. @SGK

    "Xảo ngôn lệnh sắc", có gì hay đâu, vốn không phải là việc nên gắng. Em ạ.

    Đơn giản chỉ là một lời nói sai, đã có người chỉ rõ ra chỗ sai cho, thì đơn giản là nên sửa, để từ sau diễn đạt được chuẩn xác hơn.

    Mình sai mình còn không sửa, mà lại mong góp ý để cả ngành giáo dục sửa sai?

    Trí thức ở Việt Nam bây giờ, liệu còn biết Khổng Tử là ai?

    Trả lờiXóa
  21. Các bác, các chú, các anh em ơi,

    Trời ơi, không ngờ chỉ có một câu nói nho nhỏ như vậy mà lại thành chuyện tranh cãi ở đây!

    Thôi thì như thế này: đúng là câu nói trên của tôi, đặc biệt nếu chỉ đọc một mình hoặc chỉ đọc trong bài phỏng vấn ấy, là chưa chính xác. Cám ơn bạn Đào hoa đảo chủ (?) đã chỉ ra. Tôi cũng đã nhận là mình thua rồi mà?

    Nhân tiện, tôi có một câu hỏi cho bạn ở trên, nhưng chưa thấy trả lời? Nếu bạn có thời gian và có quan tâm, xin trả lời giúp nhé.

    Tôi cũng muốn nói thêm: đấy chỉ là cách nói khi phỏng vấn, văn nói. Tôi tin (hoặc mong) là người đọc sẽ xem đấy là một cuộc trò chuyện, chứ không phải là một bài xã luận, một báo cáo chuyên đề, hoặc một bài nghiên cứu, và đòi hỏi sự chính xác một cách tuyệt đối trong từng ngôn từ.

    Cũng cám ơn những người đã đọc ra điều tôi muốn nói, cho dù có những câu chưa tuyệt đối chính xác.

    Và cuối cùng, let there be peace, mọi người nhỉ?

    Trả lờiXóa
  22. "Xảo ngôn lệnh sắc"

    =)) =)) Thằng Đào 4`, hết nạc vạc đến xương, trẻ không tha, già không thương hả em?

    Trả lờiXóa
  23. Tôi cũng đã nhận là mình thua rồi mà?

    Ra là chuyện thua - thắng hả bác?

    Lúc đầu em tưởng thằng Đào em em nó đùa, giờ thấy bác viết thế em lại bắt đầu nghĩ là nó nghiêm túc.

    Trả lờiXóa
  24. Hi Nặc danh,

    Trời, lại bắt bẻ câu chữ ư? Thua, là cách người Bắc như tôi sử dụng để nói rằng mình đã sai nên không nói nữa, bạn ạ!

    Có phải người Việt mình (nói cho giống văn phong của Nhà nước thì phải là "một bô phận người Việt" !!!) thích bắt bẻ câu chữ không nhỉ?

    PA

    Trả lờiXóa
  25. @dao_hoa_daochu: Dạ, em nào dám xảo ngôn lệnh sắc hay cố gắng cưỡng từ đoạt lý gì ạ. Em có nói là câu đó cô PA diễn đạt có những chỗ không chính xác, có thể bị bắt bẻ, và thử tìm cách diễn đạt lại theo suy nghĩ (có thể cũng chưa thật mạch lạc và sáng tỏ) của mình. Nếu đó đúng là ý cô PA muốn nói thì tốt, còn không thì em nói mọi người cứ góp ý. Dù sao cũng cảm ơn anh/chị đã có lời khuyên, nếu có dịp em sẽ áp dụng.

    @cô PA: Hôm nay tình cờ biết thêm 25/8 là ngày sinh cụ Giáp cô ạ. Ngày này kể ra cũng có nhiều điều đáng nhớ.

    SGK

    Trả lờiXóa
  26. Đọc bài của chị P.A. về gd, tôi có cảm tưởng là cần phải đánh giá lại tính hiệu quả của gd. Có đúng vậy chăng?

    Trả lờiXóa
  27. @ anhhang

    Nhiều người, khi viết com dùng thêm Anh ngữ, như thế cũng rất tốt, vì sẽ rõ ràng hơn, mọi người biết thêm từ mới. Như bản tin bên VNExpress dưới dây, dọc xong không biết cử nhân chuyên ngành Kỹ thuật điện và bằng thạc sĩ Quản trị Kỹ thuật là bằng gì. Xin vui lòng giải thích dùm. Chắc là người viết dịch từ Anh ngữ sang ?

    Ông tới từ bang Virginia và có bằng cử nhân chuyên ngành Kỹ thuật điện và bằng thạc sĩ Quản trị Kỹ thuật của trường Đại học George Washington. Ông tham gia ngành ngoại giao năm 1991, sau 15 năm làm công chức trong Bộ Hải quân Mỹ.

    http://www.vnexpress.net/GL/The-gioi/2010/08/3BA1FD8C/


    Bình

    Trả lờiXóa
  28. Chào bạn Bình,
    Tôi nghĩ KT điện là Electrical Engineering, còn QL KT là Industrial Management. Nhưng chỉ là đoán thôi.

    Trả lờiXóa
  29. Chào Chi PA,

    B.Sc Electrical Engneering là bằng Kỹ sư Diện, nó là bằng Bachelor of Applied Science (Cử nhân ứng dụng).

    Thạc sĩ Quản trị Kỹ thuật, tôi không biết chắc chắn họ dịch từ dâu ? Tôi có quen một ông Viet Nam có bằng Master of Industrial Management, tôi lại nghĩ chử Industrial là kỷ nghệ ? Người Việt hải ngoại có thói quen dùng nguyên văn, rất ít khi nghe họ dịch ra tiếng Việt. Như họ nói trường M.I.T, trường Cal Tech v.vv nếu dịch ra dài dòng lắm.

    Vài hàng góp ý,

    Van

    Trả lờiXóa
  30. Bachelor of Electrical Technology = cử nhân chuyên ngành Kỹ thuật điện

    Master og High Technology Management = thạc sĩ Quản trị Kỹ thuật.

    Trả lờiXóa
  31. Trên thế giới, chỉ có vài Universities bên India dùng danh từ Bachelor of Technology.

    http://en.wikipedia.org/wiki/Bachelor_of_Engineering


    Some of the universities in India award BTech i.e.; Bachelor of Technology instead of B.E for same engineering course. It is said that as compared to B.E there is a little bit more stress on practicals in B.Tech.[

    Ông lảnh sự này học trường George Washington University tại Washington DC, ngay downtown. Nghe nói con trai ông Thủ tướng Dũng, trước dây học tại dây. Trường này khá sang trọng, học phí rất dắc, gấp 9 lần George Mason University, loại trung bình, là trường sinh viên Vietnam học nhiều nhất..

    http://www.gwu.edu/learn/undergraduateprograms/exploreundergraduateprograms/fulllistofacademicofferings/electricalengineering

    Hệ thống Dại Học Mỹ không dùng Bachelor of Technology mà dùng B.E Electrical Engneering.

    Do dó, tôi nghi ngờ, người viết bài báo bị sai lầm. Hoặc là bên Vietnam dùng danh từ cử nhân chuyên ngành Kỹ thuật điện nên cứ dịch sang ???

    Van

    Trả lờiXóa
  32. Định không viết gì hết nhưng đọc comment Đào hoa Đảo chủ, hỏi "Trí thức ở Việt Nam bây giờ, liệu còn biết Khổng Tử là ai?", tôi hơi băn khoăn. Vì không biết Đào hoa Đào chủ là già hay trẻ, nam hay nữ… nên tôi mạn phép gọi thẳng nickname Đào hoa Đảo chủ.
    1. Nghe khẩu khí thì có vẻ Đào hoa Đảo chủ xem mình là trí thức?.
    2. Nghe khẩu khí thì có vẻ Đào hoa Đảo chủ ngưỡng mộ Khổng Tử?
    3. Tôi băn khoăn chưa hiểu “trí thức Việt Nam” và “biết Khổng Tử là ai” có gì liên quan?
    Cũng phải thưa ngay rằng tôi chưa bao giờ dám xem mình là trí thức.

    Trả lờiXóa
  33. Mặc dù vậy, tôi cũng có nghe phong thanh về nhân vật Khổng Tử mà Đào hoa Đảo chủ nhắc đến. Theo tôi được biết, cuộc đời Khổng Tử chỉ phù thịnh không phù suy, chạy từ nước suy sang nước thịnh, nước hết thịnh thì Khổng Tử bỏ đi hoặc bị “mất tín nhiệm” mà phải bỏ đi (không biết những năm tháng dọc đường gió bụi như vậy Khổng Tử có chạy ngang qua đảo Đào Hoa không ta, hì hì). Ông nói: “Nguy bằng bất nhập, loạn bằng bất cư, thiên hạ hữu đạo tác kiến, thiên hạ vô đạo tắc ẩn”, diễn nôm ra là nước lâm nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở, lúc thiên hạ có đạo lý thì ta xuất hiện, lúc không có thì ta lên ở ẩn.

    Trả lờiXóa
  34. Không được tin dùng, cuối đời, Khổng Tử trở về cố quốc, mở trường dạy học. Sử chép ông có ba ngàn học trò, hình như toàn người xuất chúng. Thế nhưng, không thấy sử chép trong số hơn ba ngàn học trò có người nào giỏi bằng hoặc giỏi hơn Khổng Tử. Có người tò mò tìm hiểu, rồi mách nhỏ với tôi, rằng Khổng Tử chủ trương “bất cải, bất tác” (không cải sửa, không sáng tác), tức là đặt niềm tin tuyệt đối vào những cái cũ mà ông cho rằng có giá trị.

    Trả lờiXóa
  35. Thành ra hệ thống giáo dục mà Khổng Tử tạo ra, được gọi là Nho giáo, có tình trạng thầy luôn hơn trò, trò sau kém hơn trò trước… Cũng may Khổng Tử chỉ tham gia vào mặt trận giáo dục và tư tưởng. Chứ ông mà làm canh tác, chăn nuôi… chẳng hạn như nuôi heo, rồi nhân rộng mô hình theo kiểu F1 tốt hơn F2, F2 tốt hơn F3… Fn>Fn+1 thì dân Trung Quốc đói rã họng? Gần đây, Trung Quốc mở hàng loạt Viện Khổng Tử ở nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Không biết định mần cái chi mà tôi lại nghi nghi…

    Trả lờiXóa
  36. Nhân nhắc đến heo, tôi chợt nhớ đến câu chuyện về hai ông bác sĩ thú y ở làng tôi cách nay mấy chục năm. Tôi nhớ không lầm thì một tên Đ, ông kia tên C. Cái thời ấy làm thú y là ghê lắm. Gà rù, heo bệnh, heo đẻ, mèo hen, chó ghẻ… đều phải đến thỉnh một trong hai ông. Đương nhiên là cả hai ông đều kèn cựa nhau, chê bai nhau chẳng ra gì. Có lần, bầy gà nhà chị H bị bệnh. Chị H là hàng xóm, ở cạnh nhà tôi. Chị kêu tôi đi thỉnh ông Đ về trị. Ông Đ vừa rời nhà chị H thì ông C xăm xăm xộc cửa vô, nói: “Hai ngày nữa bầy gà gần chết nhớ báo cho tui. Tui mua rẻ nấu cháo cho đám thợ gặt”. Không ngờ, hai ngày sau bầy gà nhà chị H rũ cánh, gục đầu. Kinh!

    Trả lờiXóa
  37. Quýnh quáng, chị H chạy đi thỉnh ông C. Ông C đến, giở cái bao tải, rồi nói: “Ông Đ trị thì tôi không có đụng vô. Giờ có bán gà không hay để gà chết?”. Sau bữa đó, uy tín của ông Đ đối với chị H rớt thê thảm. Hết gà rồi đến heo. Ít ngày sau, đến lượt con heo đực nhà chị H động dục. Chị H lại kêu tôi đi thỉnh, lần này là ông C, tới “giải quyết triệt để bản năng giống đực của con heo”. Tui nói “hoạn thì biểu là hoạn, còn bày đặt…”. Thế nhưng, tôi vẫn đi thỉnh ông C. Ông C vừa xong việc thì đến lượt ông Đ, lập tức xộc vô chuồng heo, mắt liếc ngang liếc dọc, hỏi: “Phần thừa (của con heo) đâu, bán lại cho thầy tiềm thuốc bắc”. Chị H. bảo cho ông Đ: “Biếu thầy C rùi. Thầy C nói mang về nấu cháo cho bầy chó con mới mở mắt”. Ông Đ hỉ mũi, nói: “Chó nào. Ăn hết phần của chó”.

    Trả lờiXóa
  38. Liếc qua vết khâu giữa hai chân con heo, ông Đ phán: “Ngon thì cầm cự được năm ngày. Chừng nào (heo) sắp chết, báo tui”. Chị H nổi sùng: “Phỉ phui”. Không ngờ mới đến ngày thứ tư thì con heo đã nằm bẹp dí, bụng trướng, không tiểu được. Ông C trốn biệt. Xót của, chị H đành cầu cứu ông Đ. Ông Đ đến cùng với hai người con trai của mình. Giở cái bao lớn, ông nói: “Ông Đ trị thì tôi không có đụng vô. Giờ bán hay chờ heo chết?”. Kể từ đó, chị H bỏ luôn nuôi heo, nuôi gà.

    Trả lờiXóa
  39. Nhiều người ví ngành giáo dục như một con bệnh. Có bệnh thì trị. Chị P.A kiên nhẫn đứng chân trong hệ thống để vạch ra những bất cập của ngành giáo dục, góp ý, xây dựng với hy vọng ngành giáo dục sẽ tốt lên. Thái độ dấn thân này nên được ghi nhận. Chí ít, chị không lựa chọn thái độ như Khổng Tử. Đọc những comment của Đào hoa Đảo chủ (ĐHĐC) thì thấy rằng ĐHĐC sử dụng lập luận để chứng minh quan điểm của chị P.A là sai. Kết quả là chị P.A đã "xin thua". Tôi đồ rằng chứng minh luận điểm của chị P.A sai mới là bước một của ĐHĐC. Tôi nghĩ bước tiếp theo của ĐHĐC, tức là những giải pháp cấp thời cũng như dài hạn,để điều trị con bệnh giáo dục. Nhưng chờ hoài không thấy nên tôi hơi nghi nghi, đành commnent ra đây.
    Thiển nghĩ, nếu vạch ra cái sai của người khác mà không cung cấp một giải pháp tốt hơn thì cũng có khác chi câu chuyện về hai ông bác sĩ thú y ở làng tôi ngày nào. Tôi hy vọng điều "thiển nghĩ" của tôi là sai!

    Trả lờiXóa
  40. Dây là bản tin tiếng Anh từ Lảnh sự Mỹ tại Thành Phố HCM. Báo chí Vietnam lấy bản tin từ bản tiếng Việt. Chúng ta thấy rằng bản tiếng Việt, người dịch của Lảnh sự Mỹ, không dịch dược chính xác danh từ bên Khoa Học, Kỹ sư. Lý do là họ biết tiếng Anh, nhưng không rành danh từ bên các ngành bên Khoa Học và Kỹ sư v.vv vì không có di học các ngành này.

    A native of Virginia, he received a Bachelor of Science degree in Electrical Engineering in 1976 and a Master of Science in Engineering Administration in 1978, both from the George Washington University in Washington, DC.

    http://hochiminh.usconsulate.gov/consul_general.html

    Van

    Trả lờiXóa
  41. Cám ơn bác Văn về thông tin nói trên.

    PA

    Trả lờiXóa