Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

"Nghĩ trời đất vô cùng ..."

Ai người trước đã qua
Ai người sau chưa đẻ
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ

Chẳng hiểu bằng cách nào 4 câu thơ trên của Trần Tử Ngang qua lời dịch của Thiền sư Nhất Hạnh lại lọt vào trong bộ nhớ của tôi, chắc chắn là từ trước năm 1975 vì sau năm 75 thì chúng tôi chỉ được học và đọc rặt có một thứ thơ ca cách mạng mà thôi. Chẳng bù cho bây giờ, vì có mạng miếc nên muốn gì chỉ cần lên mạng tìm là có để đọc thỏa thích. Nhưng những người đọc có lẽ cũng chỉ là những người đã biết qua những áng văn chương này từ thời trước 75 thôi, chứ bây giờ bọn trẻ có biết rằng những thứ ấy có tồn tại đâu để mà đi tìm cơ chứ!

Vâng, 4 câu thơ rất hay và rất buồn ấy tôi đã đọc được từ thời còn là trẻ con và đã nằm sâu ký ức của tôi suốt bằng ấy năm, dù tôi hoàn toàn chẳng biết Trần Tử Ngang là ai, và thậm chí cũng chẳng để ý rằng người dịch chính là thầy Nhất Hạnh. Mà lẽ ra những câu thơ buồn đến tận cùng ấy sẽ còn nằm dưới đáy trí nhớ của tôi, cái trí nhớ khốn khổ mà ngày càng không chịu tuân theo lệnh của tôi một chút nào nữa, nếu như không tôi không nhận được một món quà bất ngờ từ một người bạn không quen (người bạn không quen! quả là một oxymoron -  tiếng Việt gọi là nghịch ngữ - thực đấy!) mà tôi sẽ đăng ở dưới đây.

Nhưng trước khi đăng bài viết của thêm một người bạn thơ không biết mặt đã hào phóng gửi bài đến góp vui trên blog của tôi, xin được chép ở đây một bài thơ khác mà tôi cho là rất hay, rất lạ, kết hợp thơ mới Việt Nam và việc dịch thơ cổ Đường thi,  cũng đã được tôi thuộc lòng từ thời xa xưa ấy, thời hoa mộng của tôi trước năm 1975. Cũng vậy, may nhờ có mạng, tôi đã tìm ra được tên của tác giả bài thơ ấy, nhà thơ Vi Khuê, một cái tên mà mãi đến bây giờ tôi mới biết. Bài thơ ấy có tên là Hoa Đào.

Đứa con gái có mái tóc
Sylvie Vartan
Ngồi đọc thơ Thôi Hộ
Một buổi sớm mai vàng
Dưới chân
Hoa đào nở ...

Năm trước ngày này bên cánh song
Hoa đào cùng với má em hồng
Dung nhan nay biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy hoa cười với gió đông.

Bài thơ hay và lạ quá phải không các bạn? Tôi nhớ đã đọc được bài thơ ấy năm 14 tuổi, một cái tuổi vô cùng ngây thơ, nữ sinh Gia Long tóc xõa ngang vai, ngồi đọc bài thơ của Vi Khuê và tưởng tượng ra cảnh một cô gái lớn hơn mình vài tuổi, khoảng 17, 18, điệu bộ trẻ trung hiện đại, đang ngồi ở giữa hậu bán thế kỷ 20 mà đọc thơ của người xưa hơn nghìn năm trước, và những dòng thơ cũ vẫn cứ mới, cứ hiện đại và cứ làm rung động trái tim của kẻ hậu bối mãi tận nghìn năm sau. 

Hôm nay, khi tôi ngồi viết những dòng này, thì gần 40 năm đã trôi qua, đã sang đầu thế kỷ 21 và lại có "đứa con gái có mái tóc/demi garçon/ngồi [nghe mẹ] đọc thơ Thôi Hộ ...", và ngẩn ngơ, bâng khuâng với cái đẹp của bài thơ và cái ý tứ sâu xa của người xưa. Vâng, đứa con gái có mái tóc demi garçon ngồi nghe mẹ đọc thơ Thôi Hộ là con gái tôi, Anh Khuê đấy nhà thơ Vi Khuê ạ. Chẳng biết nhà thơ bây giờ lưu lạc nơi đâu. Nhưng dòng đời thì cứ hờ hững trôi về phía trước, mấy mươi năm chỉ như một thoáng mây bay, chẳng mấy chốc rồi lại thêm nghìn năm nữa ...

Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình 
tuôn 
giọt 
lệ 
...

phải không Trần Tử Ngang ơi, Thôi Hộ ơi, Vi Khuê ơi!

Các bạn đọc bài viết độc đáo của anh Phùng Hồng Kổn ở dưới đây nhé. Và cám ơn anh đã gửi bài góp vui trên blog Anh Vũ. Xem ra blog này của tôi có vẻ cũng có sức thu hút đấy nhỉ ;-), quần hùng tụ hội ngày càng nhiều, vui quá!
------------
Đọc ĐĂNG U CHÂU ĐÀI CA

Phùng Hồng Kổn

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ


Trần Tử Ngang

Dịch nghĩa:

BÀI CA LÚC LÊN ĐÀI U CHÂU

Trước không thấy người xưa,
Sau không thấy kẻ sắp đến.
Ngẫm trời đất thật không cùng,
Một mình bùi ngùi nhỏ nước mắt.

Thơ Đường “ý tại ngôn ngoại” xưa nay ai cũng biết! Tuy “Ý ở ngoài lời” nhưng nhiều bài thơ độc giả vẫn có thể có chung một cách hiểu, nếu có khác nhau chỉ ở mức độ sâu nặng của cảm xúc – bởi lẽ, ở các bài đó tác giả đã hé mở cho người đọc một trường liên tưởng, một trường suy ngẫm.
 

Đăng U Châu đài ca không thuộc dòng thơ trên. Lên đài, tưởng rằng phong cảnh sẽ mở ra trước mắt, tức cảnh sinh tình, hay phong cảnh gợi lại những kí ức, những hoài niệm! Nhưng không, người xưa, kẻ nay – chẳng thấy ai? Người trèo lên đó cũng chẳng muốn nhìn xem phong cảnh xung quanh có gì đẹp!
 

Ngày mà Trần Tử Ngang lên đài U Châu có lẽ thời tiết xấu lắm, trời âm u, mây đen vần vũ, nước nặng trĩu mà không roi xuống được! Vũ trụ mênh mông thăm thẳm, đầy bí ẩn, ngời lữ khách nhỏ nhoi, cô đơn, bùi ngùi rơi lệ.

Người xưa nói: “Thi trung hữu họa” (trong thơ có họa), đọc Đăng U Châu đài ca mời các bạn tìm và thưởng ngoạn bức “Giang phàm lâu các đồ” của Lý Tư Huấn (651-716). Lý Tư Huấn là một họa gia đời Đường, giỏi vẽ sơn thủy, bút lực xung mãn, lột tả được muôn vẻ suối chảy thông reo, khói mây mù tỏa… Trần Tử Ngang và Lý Tư Huấn có lẽ hợp nhau lắm!
 

“Nghệ thuật không có biên giới” ai đó đã nói thế. Thế kỉ XIX ở châu Âu ra đời một loạt các họa phái : “Ấn tượng”; Biểu tượng; Trừu tượng; Dã thú; Lập thể; Siêu thực v.v… Wassily Kandinsky (1866- 1944), họa sĩ Nga – một thủ lĩnh tầm cỡ, người khai sinh những trào lưu cách tân táo bạo nhất trong nghệ thuật. Ông từng vẽ hiện thực vào loại bậc thầy, sau đó lại trở thành chủ soái của hội họa trừu tượng. Bức tranh “Boat trip” là một tác phẩm xuất sắc của ông. Xem bức tranh này tôi có cảm xúc Thiên địa chi du du! Con người dù tài giỏi đến đâu, cũng chỉ là một hạt cát trong vũ trụ, phải vậy chăng?.

Người xưa còn nói “Thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc). Đọc Trần Tử Ngang , nhớ tới J.C.Bach – nhạc sĩ tiền cổ điển Đức, người khai sinh ra thể lọai Prelude (khúc dạo đầu). Đăng U Châu đài ca là một Prelude có giai điệu lạ, không mượt mà đằm thắm, không du dương êm ái, nhưng lại có sức gợi mở kì diệu: quá khứ, tương lai, con người, vũ trụ…cứ mông lung, bồng bềnh, khắc khoải…nó mở ra cho người ta trở về với “thế giới trong ta”, về với chính mình.

--------------
Bài viết của anh PHK hay quá phải không các bạn! Thật xúc tích và gợi mở, tôi chỉ có thể nói được như thế thôi. Mong các bạn đọc và trao đổi nhé. 

Nói thêm: Trong bài viết của anh PHK còn có một bức tranh, nhưng vì máy của tôi làm sao ấy nên không đưa lên được, đành chịu vậy. Khi nào nhờ được người có nghề xem lại thì tôi sẽ đưa lên anh PHK nhé!

Khuyến mãi: Đọc mãi về Đường thi và bài thơ của Thôi Hộ, tự dưng tôi cũng nổi hứng muốn dịch bài thơ trên của Thôi Hộ, mới chết chứ. Tôi đã dịch xong rồi, và nó được đăng ở dưới đây, hay dở tùy người đọc, mà dù dở dù hay thì cũng chỉ được khen chứ không được chê đâu nhé!!! ;-)))

Xuân xưa, năm ấy ngày này
Kề bên mặt ngọc hoa vay ánh hồng
Thoắt rồi trời lại cuối đông
Hoa cười đón gió mà không thấy người.

Phương Anh dịch 

13 nhận xét:

  1. Đã vào,đã đọc, và đã gật gù...

    Trả lờiXóa
  2. Chào anh Hoàng Guitar,

    Đọc comment dài của anh vào sáng chủ nhật (Lễ Lá, như anh đã nhắc), thấy rất có thiện cảm với một người lẽ ra đã phải là dân ban C vì làm gì cũng chỉ dựa vào cảm xúc. Mà anh Hoàng biết không, hồi đó PA cũng cứ phân vân mãi giữa B (Toán) và C (Văn chương) đấy, vì cũng khá toán, và nhất là, vì ... ái mộ một ông thầy dạy Toán rất hay, vẫn còn nhớ thầy tên là thầy Minh, có bộ ria mép giống Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Tức cũng là một quyết định dựa trên cảm xúc. Hy vọng được gặp anh nhiều nhiều trên trang blog Anh Vũ này nhé, và chúc anh một ngày chủ nhật vui vẻ.

    Trả lờiXóa
  3. Bạn may mắn có được tuổi thơ đẹp,cũng vào thời đó bọn mình chỉ cưỡi lưng trâu đọc Thép đã tôi thế đấy & Tố Hữu,ngay cả trong bóng tối của Down Juan cũng không biết,Thi nhân Việt nam cũng chẳng hay,Nghĩ cũng buồn cười,thế mà hồi đó cũng đi thi học sinh giỏi văn cấp tĩnh cơ đấy,nhưng rồi thành dân kỷ thuật và văn chương chỉ còn lại thoảng chút đam mê,giờ đọc đường thi cứ như An Khuê của bạn vậy.
    Mấy câu thơ này:
    Năm trước ngày này bên cánh song
    Hoa đào cùng với má em hồng
    Dung nhan nay biết tìm đâu thấy
    Chỉ thấy hoa cười với gió đông.
    Mình thấy quen quen quá mà không nhớ đọc ở đâu,cứ ngờ ngợ đâu đó trong thơ tiền chiến,còn tác giả Vi Khuê quả là nghe lạ quá.Lần đầu được biết.Xin mang bài Tống biệt hành của Vi Khuê về vườn nhà.Cám ơn nữ sĩ,bài dịch hay quá đi chớ,hihi.Chúc khỏe

    Trả lờiXóa
  4. Anh XL ơi,
    Cám ơn anh ghé qua và comment, lại còn khen thơ dịch của chủ blog hay nữa chứ, đúng là bạn tốt mà! ;-)

    Về câu hỏi của anh liên quan đến mấy câu thơ quen quen trong bài thơ Hoa Đào, thì đúng rồi, nó chính là thơ Thôi Hộ (Đường thi) mà nhiều người đã dịch, và tác giả Vi Khuê viết bài Hoa Đào thực ra chỉ có mấy câu thơ tự do ở phần trên thôi, phần 4 câu thơ ở dưới là xếp bài thơ cổ vào thôi (đứa con gái ... ngồi đọc thơ Thôi Hộ ...).

    Còn bài Tống biệt hành của Vi Khuê thì quả là hay quá phải không anh? Đọc lên, thấy xúc động mãnh liệt. Sự xúc động này không phân biệt giữa những người hồi nhỏ đọc Thép đã tôi ... hoặc đọc ...tiểu thuyết Quỳnh Dao, anh XL nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Thích nhất là phần khuyến mãi của bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thích nhất là comment của bạn Nặc danh 06:19 Ngày 26 tháng 3 năm 2013, hi hi hi!

      Xóa
  6. Câu này bất chấp logic :
    "Chẳng hiểu bằng cách nào 4 câu thơ trên của Trần Tử Ngang qua lời dịch của Thiền sư Nhất Hạnh lại lọt vào trong bộ nhớ của tôi, chắc chắn là từ trước năm 1975 vì sau năm 75 thì chúng tôi chỉ được học và đọc rặt có một thứ thơ ca cách mạng mà thôi".

    Vế đầu của câu văn nếu là :"Ngay từ hồi học phổ thông trước 1975 Phương Anh tôi đã học bài Đăng U châu đài ca..." , thì toàn câu mới hoàn chỉnh thể hiện đúng ý đồ so sánh hai giai đoạn học thơ. Nhưng hóa ra nữ sĩ cũng "chẳng hiểu bằng cách nào" kia mà !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh GNLT đúng là ông thầy, chuyên bắt bẻ học trò, bắt bẻ người khác, hu hu hu!!!!

      Tuy nhiên, nếu anh đọc kỹ một chút, thì thấy trong vế sau tôi có nói "chỉ được HỌC và ĐỌC" rặt một thứ thơ văn CM thôi!

      Ý nói: Trước năm 75, nếu không học, thì cũng có thể ĐỌC, các loại sách vở báo chí bàn về cổ thi, về văn học nghệ thuật đông tây kim cổ. Nên bài thơ mới có cơ hội lọt vào bộ nhớ của PA tôi, là thế anh GNLT ạ!!

      Vì ai có sống ở miền Nam trước năm 75 thì mới thấy đời sống văn hóa nghệ thuật là vô cùng phong phú, đa dạng. Có thể thì một Nhất Hạnh, nhà văn CM với cây Bút Máu mới có thể tồn tại một cách rất tử tế để đợi ngày toàn thắng chứ anh GNLT ơi?

      Xóa
    2. Thực ra bài thơ Trần Tử Ngang là tác phẩm kinh điển bậc cao, các nhà trường phổ thông ở TQ, Nhật và Viẹt Nam hiện nay đều không dám cho vào sách giáo khoa phổ thông (Lãng tử đã đọc qua chương trình SGK của họ rồi đấy), bởi e rằng lứa tuổi học sinh không tiếp thu được. Mặt khác đó là bài thơ nhạy cảm đối với nhà cầm quyền, ban tuyên giáo đọc dễ bị chạm nọc, giật mình lắm.... Ở miền Bắc trước đây, sách cổ kim cũng không ít đâu, chỉ có điều khó thấy bày bán trên thị trường như ở miền Nam.

      Xóa
    3. Nhà văn Vũ Hạnh viết truyện ngắn Bút Máu

      Xóa
  7. Đọc bản dịch thơ “Đề đô thành nam trang”của Phương Anh

    “Xuân xưa, năm ấy ngày này
    Kề bên mặt ngọc hoa vay ánh hồng
    Thoắt rồi trời lại cuối đông
    Hoa cười đón gió mà không thấy người”.

    Phương Anh dịch

    Lãng tử nhất trí với quy chế “chỉ được khen, cấm chê”, xin có lời bàn về bài thơ nguyên tác của Thôi Hộ trước nha, khen dịch giả sau.

    Đề đô thành nam trang
    (còn gọi Đề tích sở kiến xứ)

    Khứ niên kim nhật thử môn trung
    Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng
    Nhân diện bất tri hà xứ khứ
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong

    Xin chú ý vào ba chữ “tương ánh hồng” (câu 2): Mặt người và hoa đào toả hồng lẫn nhau, nhà thơ không phân biệt rõ được ai hồng hơn ai. Vì sao không nhìn rõ ? Đấy là cách tả khéo vẻ đẹp của thiếu nữ đồng thời tự miêu tả tâm trạng thi nhân say đắm ngẩn ngơ đến nỗi hoa mắt không phân biệt được hoa với người.

    Một năm sau quay lại, chàng chỉ nhớ “mặt người” nên vẫn coi hoa đào là “hoa năm ngoái” (đào hoa y cựu/ câu 4) mặc dù đích thực là “hoa năm nay”. Bởi thế, hoa đào tự ái, cứ hồn nhiên cười giỡn (tiếu) với gió đông, cười (tiếu) vào mũi gã si tình. Đây là trường hợp trớ trêu: người buồn mà cảnh cứ vui .

    Bài thơ tứ tuyệt Thôi Hộ hay nhất ở câu 2 và câu 4. Câu 1 và 3 rất bình thường, chỉ là tường thuật giản đơn.

    Nữ sĩ Phương Anh đã dịch rất sáng tạo. Cô gái ở Đào Hoa thôn chắc chắn phải đẹp hơn hoa đào nên hoa đào phải vay ánh hồng của cô. (Chỉ lo loài hoa đào phát đơn khiếu kiện đông người thì Nữ sĩ gặp rày rà lớn.

    Nữ sĩ Phương Anh lại hạ câu kết cực kỳ táo bạo:
    “Hoa cười đón gió mà không thấy người”.

    Lãng tử hiểu rằng : Hoa đào (năm nay) đón gió mà không thấy người. Nếu áp vào bài thơ thì nhà thơ si tình đã hóa thành “hoa đào” rồi (đón chờ ai, ai đón ?). Thôi Hộ chỉ viết được “hoa đào giỡn gió” bởi gió hướng đông đương nhiên tới, không cần đón chờ.

    Thêm một thông tin: Điện ảnh Đài Loan đã dựa vào giai thoaị chuyện tình Thôi Hộ và bài tứ tuyệt mà chế tác bộ phim truyện dài 20 tập “Nhân diện đào hoa” vô cùng ly kỳ và vớ vẩn, sến sền sệt !
    Giang Nam Lãng tử
    AG 27/3/2013

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là lời bình của một ông thầy dạy văn, lại chuyên dạy văn học Trung Quốc/Trung Hoa có khác, anh GNLT ơi!

      Đọc xong lời nhận xét của anh lần đầu thì thấy rất sung sướng, vì toàn là khen (theo đúng nguyên tắc: chỉ được khen, không được chê!). Nhưng đọc lại thì lại thấy rất lo, vì được khen dịch rất sáng tạo, rồi lại dịch rất táo bạo, thì nó có nghĩa là gì nếu không phải là dịch rất xa bản gốc, hoặc nói thẳng ra là dịch không đạt, hu hu hu!!!

      Anh GNLT ơi là anh GNLT ơi!

      Xóa
  8. Nữ sĩ Phương Anh ơi, văn chương ít nhất chuốc được một tiếng cười vui cho nhau là thích rồi... quả là Lãng tử không lừa được chị.

    Trả lờiXóa