Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Đọc thơ Trần Tử Ngang (Giang Nam Lãng Tử)

Entry này tôi bắt đầu từ cách đây mấy ngày rồi nhưng hôm nay mới kết thúc, nên cái tâm trạng được mô tả dưới đây là tâm trạng của cách đây mấy ngày các bạn nhé, còn lúc viết mấy dòng này thì tâm trạng tôi đã bình thường trở lại rồi! ;-)
---------------------
Chưa bao giờ tôi thấy hứng khởi như hôm nay, thực vậy!

Sao, cái gì thế, các bạn sẽ tò mò hỏi. À, cũng không có gì quan trọng lắm đâu, chỉ là gần đây tôi bỗng nhận ra là mình đã thu hút được khá nhiều bạn hữu thông qua  blog này, những người rất gần và những người rất xa.

Gần, như anh NĐH mà gần đây các bạn thấy sự xuất hiện với tần suất khá dày, người tôi biết rõ là ai, và xa như anh PHK, người đã gửi cho tôi bài bình thơ Đăng U Châu Đài Ca cách đây vài ngày qua mail, với tông tích và lời lẽ vô cùng bí hiểm, và dường như không có ý định lộ diện cho tôi biết anh ấy là ai. Hoặc anh Hoàng Guitar mà tôi cũng chỉ biết qua những lời comment trên blog tôi, từ khá lâu rồi, khi xuất hiện lúc lại biến mất!

(Nhưng mà tôi tự hỏi, ai là ai thì có quan trọng gì đâu nhỉ, miễn là có cái gì đó chia sẻ được với nhau!)

Hoặc không gần, không xa là anh GNLT, người mà tôi cho là mình biết khá rõ vì đã đọc nhiều bài viết của anh ấy (văn tức là người mà), nhưng thực ra lại chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời. Sự hiện diện của anh ấy đối với tôi là thông qua một trang blog có tên là Giang Nam Lãng Tử, các bạn vào đây để đọc nếu tò mò này: http://giangnamlangtu.wordpress.com/

Vâng, sự hứng khởi của tôi là do tôi có nhận được một bài viết của anh GNLT để tiếp tục bàn về thơ Đường vốn là chủ đề của 3, 4 bài viết được đăng gần đây trên blog của tôi. Xin nói thêm, đây là bài viết của một người có nghề (nghiên cứu văn học Trung Hoa) chứ không phải nghiệp dư như tôi hoặc một số thân hữu khác đã viết hoặc bàn bạc về thơ Đường trên blog này. 

Nói như thế, để giải thích cho lý do tại sao tôi sẽ không bình luận hay dẫn dắt gì về nội dung bài viết của anh GNLT, vì sợ rằng sẽ "múa rìu qua mắt thợ" mất. Mà, mind you, đây là một "ông thợ" vô cùng khó tính, rất hay ... bắt bẻ, dường như xem ai cũng như là học trò đang học Văn với mình ấy thôi, hi hi hi!

Nói đùa chút cho vui, các bạn đọc bài viết của anh Giang Nam Lãng Tử dưới đây nhé. Tôi cho đây là một bài viết rất sâu sắc, nhưng viết đến đây thì tôi nhớ ra câu ca dao: "Đàn ông nông nổi giếng khơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu" nên ... thôi, không lạm bàn nữa, "biết thì thưa thốt", vâng ạ!

Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn tin đây là một bài viết quả thực là đáng đọc. Bỏ qua rất uổng, "bà con" ơi!

Enjoy!
--------------------
Đọc thơ “Đăng U Châu đài ca”

Đọc thơ “Đăng U Châu đài ca”
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ

Bài ca lên đài U Châu
“Ngó trước không thấy Người xưa
Nhìn về sau, chưa thấy Người mới tới
Nghĩ trời đất mênh mông chơi vơi
Một mình thương cảm, bỗng nhiên nước mắt rơi xuống”

Đài U Châu thời Đường chỉ là một thành trì nhỏ, về sau được xây dựng thành Bắc Kinh. Trần Tử Ngang (661-702) tự Bá Ngọc là một viên quan dưới thời Võ Tắc Thiên, đỗ tiến sĩ lúc 23 tuổi. Nhà thơ sống cuối thời Sơ Đường, tiên phong trong việc yêu cầu sáng tác phải có “ký thác”. “Kí thác" tức là “gửi vào thơ” tâm tình của mình trước hiện thực đời sống, lìa bỏ hẳn thơ sắc tình và ca công tụng đức. Nói rõ hơn, Trần tiên sinh đòi hỏi thi ca phải có lý tưởng cao cả, phải gắn với hiện thực cuộc sống (Sau này phong cách thơ ký thác của họ Trần ảnh hưởng tới sáng tác của các thi gia hàng đầu như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị).

Trong nền thi ca TQ cổ điển có những “dấu hiệu chung” gọi là “mã nghệ thuật” (một khái niệm hiện đại) các nhà văn thơ có thể dùng chung. “Đăng cao” (lên cao) là một trong nhiều mã nghệ thuật của Đường thi. “Chiều cao” của không gian được gợi ý một tư tưởng, lý tưởng cao cả. Đỗ Phủ viết bài thơ “Đăng cao” (Trèo lên cao), Lí Bạch viết bài “Độc tọa Kính Đình sơn” (Ngồi một mình trên đỉnh núi Kính Đình),Thôi Hiệu trèo lên lầu cao Hoàng hạc (Hoàng hạc lâu), Trần Tử Ngang viết “Đăng U châu đài ca” (trèo lên đài U châu mà ca).v.v…. cho đến ông Hồ Chí Minh vừa ra khỏi nhà tù Quảng Tây cũng thích “đăng cao” (Tân xuất ngục học đăng sơn): “Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh/trông lại trời Nam nhớ bạn xưa” (Bài chót của Nhật ký trong tù). “Lên cao, trèo cao” chỉ là tưởng tượng, ước lệ, chứ thực ra thi nhân ngồi ở thư phòng, nằm trong lữ quán mà viết thơ… Nếu không hiểu được “mã nghệ thuật đăng cao”, bạn đọc dễ lạc đường khi đọc thơ và bình luận.

Trên cơ sở đó ta đọc- hiểu bài “Đăng U châu đài ca”.

Bài thơ viết theo cấu trúc (5.5.6.6) chủ yếu thuộc loại thơ cổ phong và đang tiến gần tới dạng tứ tuyệt.

Thi nhân trèo lên đài cao để tìm người, không phải để hóng gió hay ngoạn cảnh.

Tìm ai ?

Tìm một người tương tự như “cổ nhân” viết hoa, tức một triết gia, một lãnh tụ anh hùng hay một minh quân (tỷ như vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ...), tóm lại là tìm một ngọn cờ để hướng theo. Nhưng buồn thay “tiền bất kiến cổ nhân ». Thực tế nhà thơ tìm mãi ở đời này mà chẳng có ai được như cổ nhân (viết hoa).

Nhà thơ lại hy vọng một mẫu người mới (lai giả - viết hoa), có thể khác với cổ nhân, nhưng sẽ là nhân vật lý tưởng cho thời đại mới. Nhưng than ôi «hậu bất kiến lai giả » ! Nhìn mãi trước sau chưa thấy nên rơi thầm nước mắt.

Lãng tử nghĩ rằng bài thơ mang cảm hứng lớn, cảm hứng đất nước. Cái người mà nhà thơ trông đợi ấy phải là một nhân vật lý tưởng của thời đại, bậc anh hùng cái thế, minh quân của đất nước. Tìm người theo mẫu mực truyền thống (cổ nhân), hoặc là một hình mẫu con người mới (lai giả) đều là tốt.

Trần thi nhân nghĩ về vận mệnh đất nước hơn là buồn thân phận cá nhân. Nỗi cô đơn của ông là tâm sự của một người ưu thời mẫn thế, không phải một kẻ cô đơn thiếu bạn hữu, thiếu bạn tình.

Nhà thơ đứng trên đài cao, khoảng giữa Trời và Đất, khoảng giữa Quá khứ và Tương lai.

Nhà thơ hiện ra như một nhân vật có tầm vóc vũ trụ, chẳng phải kẻ rỗi hơi đi tìm mưa ngắm mây hóng gió.

Nhà thơ Chế Lan Viên mượn ý Trần Tử Ngang từng viết :

Ôi thương thay những thế kỉ vắng anh hùng
Những thế kỉ thiếu người cầm thanh gươm nghìn cân ra trận

(“Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”).

Phải chăng Chế Lan Viên viết cùng một cảm hứng lớn lao như Trần Tử Ngang ? Nhìn chung nhà thơ Việt Nam hiện đại ưa giãi bày rõ ràng trực tiếp mà thiếu vẻ kín đáo như thi nhân cổ điển. Mặt khác họ Chế chuẩn bị không khí cho một “minh quân” tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện cuối bài thơ đấy chứ, đâu phải Chế đang chờ tìm ai. Vậy ra họ Chế vẫn làm thơ minh họa, chẳng thể nào sánh được với cổ nhân.

Lại nhớ Bài ca Xuân 61 của Tố Hữu nổi đình đám một thời, có đoạn :

Chào 61 đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu

Tố Hữu cũng là một người am hiểu Đường thi nhưng ông đã trở thành một kẻ đạo văn siêu hạng ! Thực chất Tố Hữu đã copy tứ thơ của Trần Tử Ngang... Tố Hữu coi năm 1961 (sau Đại hội Đảng III năm 1960) như một cái U châu đài, để ông ta trèo lên, ngạo nghễ ca bài ba hoa khoác lác.(Theo cách phán xét sơ thẩm của Lãng tử thì nhà thơ Tố Hữu xứng với công 3 tội 7, coi như đi buôn bị lỗ).

Bài thơ của Trần Tử Ngang có thể gieo vào bạn đọc những cảm xúc, liên tưởng bất ngờ khác nhau, nếu bình thơ chệch hướng thì coi đó là bài phóng tác hay bài “họa”...

Lãng tử chợt thấy mình cũng rơi vào tâm trạng Trần tiên sinh. Năm 2013 liệu có xuất hiện “cổ nhân” hay “lai giả”đủ tâm đủ tầm làm thay đổi đất nước Việt Nam trì trệ và đau thương này không ? Bao giờ ?

Lãng tử chỉ biết loay hoay với thơ và suy ngẫm như trên, xin chia sẻ cùng bạn hữu.

Giang Nam lãng tử
An Giang 26/3/2013

1 nhận xét:

  1. Vì tiên sinh nhắc đến ông Lành,nên cũng đành bắt chước nữ sĩ chia sẽ vài thắc mắc :
    Con người nói chung và con người Việt nam nói riêng,sinh ra trên đời gồm cả tâm hồn và thể xác là do tạo hóa và sự khổ công ngày đêm ( có khi mòn cả đầu gối)của các bậc sinh thành ,vậy mà Tố Hửu thay mặt cho đảng đi cướp công,bảo rằng đảng "...đã cho ta cả linh hồn và cả trái tim".Lạ là cho đến nay chưa thấy ai kiện đảng để lấy lại công bằng cho các bậc cha mẹ cả.Có lẽ hôm nào ngồi làm cái đơn để đòi đảng của seza trả về cho Seza mới được.Hay là tiên sinh GNLT làm phát coi.

    Trả lờiXóa