Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2010

Ngậm ngùi ...

Tựa của entry này chẳng liên quan gì đến bài thơ nổi tiếng đã được Phạm Duy phổ nhạc với 2 câu mở đầu tuyệt vời này đâu:

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu ...


Mà nó là cảm giác của tôi khi sáng sớm, mở mạng ra thấy bài viết mới của NVT, sau chuyến về VN vừa qua của anh ấy, có ghé thăm trường ĐH KHTN. Bài viết ấy, ở đây.

Xin trích lại ở đây một đoạn đáng lưu ý:

Điều làm tôi – nói theo ngôn ngữ ngày nay – “bức xúc” nhất là chúng ta đã thua Thái Lan về khoa học và công nghệ. Thua khá xa. Nhưng chúng ta vẫn có cơ hội để đuổi kịp và thậm chí qua mặt họ dễ dàng, nếu chúng ta có thể huy động tiềm năng của giới trẻ và sự hợp tác của đồng nghiệp Việt kiều. Điều này chỉ xảy ra với 2 điều kiện chính: đầu tư cho nghiên cứu khoa học và có chính sách cởi mở với Việt kiều. Không thể nào làm nghiên cứu mà không có tiền, và cũng không thể nào kêu gọi nhà khoa học làm nghiên cứu trong khi đồng lương còn chưa đủ sống hay sống chật vật. Do đó, cần phải cải cách chế độ lương bổng sao cho một giảng viên hay nhà khoa học có thể sống với đồng lương của mình mà không phải “chấm mút” ở ngoài. Phải có chế độ thưởng cho những người làm nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh và có kết quả, và có hình phạt những người làm khoa học dỏm hay phí tiền của Nhà nước.

Có lẽ điều quan trọng nhất là cải tiến hệ thống phân phối tài trợ cho nghiên cứu. Hiện nay, nước ta chỉ đầu tư khoảng 200 triệu USD cho khoa học, mà phần lớn chỉ là xây dựng cơ sở vật chất, chứ kinh phí thật sự cho nghiên cứu khoa học thì chẳng bao nhiêu. Ấy thế mà mỗi năm Bộ KHCN phải trả lại cho ngân sách Nhà nước đến 20-30 triệu USD. Điều này chứng tỏ rằng hệ thống phân phối tài trợ cho nghiên cứu khoa học có vấn đề. Vấn đề ở đây, theo cái nhìn của tôi, là cách chọn các công trình xứng đáng và công bằng, cách đánh giá một đề tài nghiên cứu, và cách quản lí một dự án khoa học. Tôi biết rằng Bộ KHCN cũng thấy được và đang cố gắng giải quyết các vấn đề này, nhưng cho đến nay thì hình như họ vẫn bị chi phối bởi những “cây đa cây đề” và cải cách vẫn còn đầy khó khăn.

Và cũng xin tâm sự với anh một vài điều, với tư cách một cá nhân làm khoa học, và cũng là GĐ một TT có chức năng làm khoa học (trong nhiều chức năng khác nhau):

Trung tâm của tôi nhỏ xíu, toàn là trẻ em và phụ nữ(!) (quả thật vậy, phụ nữ là đã hẳn rồi vì TT của tôi có 11 người nhưng chỉ có 2 nam, và trẻ em là vì đa số đều là các em mới ra trường vài năm, và đây là công việc đầu tiên của các em).

Hàng năm tôi cũng được cấp một số tiền một vài trăm triệu (tùy theo năm) để làm một vài "hoạt động khoa học" nho nhỏ, như tổ chức hội thảo, hoặc in một vài tài liệu, và làm một vài "đề tài nghiên cứu" nho nhỏ. Ban đầu, thấy các em hăng hái lắm. Thì mới ra trường mà, trước đây đi học khó khăn thế, nay lại được cấp tiền (ít thôi, nói cho đúng là rất ít) để làm đề tài, và được tính vào nhiệm vụ.

Nhưng chỉ làm vài năm thì các em đều nản vì cái cách quản lý đề tài theo kiểu rất hành chính hiện nay. Thứ nhất, người ta quan tâm đầu tiên đến việc sử dụng kinh phí sao cho đúng tiến độ - với những thủ tục rất nhiêu khê, phải khai từng đồng và nộp từng tờ giấy. Kế đến, điều kiện để trao đổi, chia sẻ, đọc sách vở tài liệu bằng tiếng Việt vô cùng hạn chế, còn tiếng Anh thì lại không đọc được. Thứ ba, việc nghiệm thu cũng rất nặng tính hành chính (= hành là chính) và thủ tục, ít có trao đổi chia sẻ, mà nặng hình thức và đối phó.

Tóm lại, tất cả đều hành chính hóa và trở nên vô nghĩa, không đem lại những hứng thú lẽ ra phải có đối với những người làm khoa học. Mà kinh phí được cấp thì cực kỳ hạn hẹp. Nên cuối cùng ai cũng nản, chẳng muốn làm nữa.

Vậy đấy anh NVT ạ. Đó mới chỉ là một nhìn góc rất rất rất hẹp của vấn đề. Còn nhiều lắm, nếu anh có đọc tản mạn trên các blogs của tôi. Lương, và thưởng đang là một vấn đề lớn. Những người được tưởng thưởng hiện nay, không do sự sáng tạo, sự độc lập trong tư duy, sự mạnh dạn theo đuổi các ý tưởng mới mẻ, mà chỉ là sự vâng lời, và có lẽ, tính quần chúng. Tức làm vừa lòng đám đông. Lời nói thẳng, sự khác biệt, tư duy độc lập ... hình như đã và đang tiếp tục bị loại ra khỏi cuộc sống khoa học. Tư duy tầm thường, cỏn con, vụn vặt chiếm lĩnh. Thì đột phá làm sao đây?

Tất nhiên, không phải mọi mảng trong bức tranh cuộc sống hiện đều tối tăm. Cũng có những nỗ lực âm thầm, và những điểm sáng, anh ạ. Nhưng ... mệt mỏi lắm.

Và ngậm ngùi lắm. Như những gì anh đã viết, trong bài viết của anh.

Dù sao tôi vẫn tin rằng trên đất nước này, vẫn còn, nhiều hơn một, những kẻ có lòng. Giống như anh.

2 nhận xét:

  1. Những kẻ có lòng thì nhiều, nhưng có quyền (quyết định) thì ít ạ :)

    Trả lờiXóa
  2. Chà, thế thì biết làm sao đây, SG nhỉ?

    Thôi thì lại ... ngậm ngùi vậy!

    PA

    Trả lờiXóa