Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc?

Sáng hôm qua, vừa lên xe buýt để đến cơ quan thì thấy ông xã nhắn: "Em đọc báo Tuổi trẻ về việc thi năm nay".

Ông xã tôi chỉ là một thường dân thuộc loại rất ... bình thường, nhưng hết sức quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội, và tình hình đất nước. Nên cái gì mà ông ấy nhắc thì tôi đều phải đọc. Nhưng hôm qua thì bận lu bu suốt cả ngày nên không tập trung được.

Sáng sớm nay vào Tuổi trẻ online, thấy tin ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT (xem ở đây). Nhưng không có một lời bình nào của nhà báo. Qua báo Pháp Luật cũng có tin tương tự. Cũng không có lời bình. Nhưng ở đây có bạn đọc nhận xét không nên bỏ môn ngoại ngữ khỏi danh sách bắt buộc.

Tôi nghĩ, quyết định nói trên thực sự khó hiểu. Vì nó hoàn toàn ngược lại mục tiêu chung của giáo dục VN trong bối cảnh đất nước đang hội nhập. Động thái này cũng đi ngược lại với nhiều động thái khác của Bộ Giáo dục. Đó là một loạt các đề án cải cách chương trình giảng dạy tiếng Anh, tập huấn phương pháp, viết giáo trình mới, tập huấn thay sách, viết ngân hàng đề thi, tập huấn về trắc nghiệm, vv trong cả chục năm qua. Rồi bao nhiêu tiền để thử nghiệm dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, dạy tăng cường tiếng Anh trong trường phổ thông, đổi mới giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành ở đại học vv?

Để kiểm tra thông tin, tôi làm google search với các cụm từ khác nhau và có kết quả lần lượt như sau, mọi kết quả đều vài triệu đường dẫn:
"tiếng Anh": Kết quả 1 - 10 trong khoảng 7.610.000 cho tiếng Anh. (0,26 giây)
"đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh": Kết quả 1 - 10 trong khoảng 2.850.000 cho đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh. (0,84 giây)
"chương trình tiếng Anh": Kết quả 1 - 10 trong khoảng 4.600.000 cho chương trình tiếng Anh. (0,32 giây)
"đề án tiếng Anh": Kết quả 1 - 10 trong khoảng 5.060.000 cho đề án tiếng Anh. (0,18 giây)
"đổi mới chương trình tiếng Anh": Kết quả 1 - 10 trong khoảng 2.960.000 cho đổi mới chương trình tiếng Anh. (0,35 giây)

Đặc biệt, 3 cụm từ "giảng dạy tiếng Anh", "nâng cao năng lực tiếng Anh" và "thi tốt nghiệp môn tiếng Anh" cho kết quả cao bất ngờ, từ gần 15 triệu đường dẫn trở lên, trong đó : Kết quả 1 - 10 trong khoảng 14.900.000 cho giảng dạy tiếng Anh. (0,42 giây); Kết quả 1 - 10 trong khoảng 28.100.000 cho nâng cao năng lực tiếng Anh. (0,40 giây); và Kết quả 1 - 10 trong khoảng 27.600.000 cho thi tốt nghiệp môn tiếng Anh. (0,25 giây) .

Đủ thấy, năng lực tiếng Anh là một vấn đề lớn của thị trường lao động, giảng dạy tiếng Anh là vấn đề lớn của các trường, và thi tốt nghiệp môn tiếng Anh là một chính sách lớn của nhà nước. Những việc này thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.

Ví dụ, hãy đọc ở đây.

Vì tiếng Anh quan trọng như vậy nên trong năm 2008 Thủ tướng chính phủ đã ký duyệt đề án dạy và sử dụng Tiếng Anh 2008-2020 (xem ở đây) với mức kinh phí triển khai 300-400 triệu USD. Hình như đây là chủ trương rất mạnh mẽ của PTT, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân. Và mới đây, Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ đã báo cáo dự án này dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, rất xôm tụ. Xem ở đây.

Chủ trương về ngoại ngữ xuất hiện song song với chủ trương về việc xây dựng các trường đại học "đẳng cấp" quốc tế mà theo chỉ tiêu do Bộ trưởng đưa ra thì đến năm 2020 sẽ lọt vào top 200 thế giới. Mà muốn có đẳng cấp quốc tế, thì trước hết phải được quốc tế biết đến. Tức phải nói chuyện được với người ta. Và ra quốc tế, thì không nói tiếng Việt rồi đi tìm phiên dịch như nhiều quan chức ta hiện nay!

Với tư cách một người rất đúng nghề (giáo dục ngôn ngữ, chuyên ngành kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh), trước đây tôi đã thấy những chính sách gần đây của Bộ về tiếng Anh là khá mạnh mẽ, quyết liệt, và nhất quán. Ví dụ đầu tiên là đưa môn tiếng Anh vào danh sách các môn thi bắt buộc. Gần đây là yêu cầu phải đạt mức trình độ tiếng Anh theo các thang đo quốc tế (IELTS, TOEFL) trong kỳ thi cao học.

Tất nhiên các chính sách này chưa hoàn hảo. Và việc triển khai còn nhiều vấn đề, khiến người ta có thể nghi ngờ về tính khả thi của chính sách. Nhưng nếu chính sách tốt mà làm không được thì phải xem lại việc triển khai sao cho tốt, chứ không phải là thay đổi chính sách, trời ạ!

Nay, lại có quyết định như thế này! Ông xã tôi, ăn nói thẳng thừng và cực đoan, bảo: chính sách ngu dân? Tôi, với bản chất "hữu khuynh", luôn đứng về phía ... chính quyền (!), thì tôi thấy nói như thế là quá nặng và chưa hiểu hết những cái rối rắm, phức tạp trong công việc của nhà quản lý. Nhưng nghĩ lại mà xem, có phức tạp rối rắm thì mới cần đến nhà quản lý chứ!

Nên không biết nói sao nữa. Chỉ viết một mẩu nhật ký blog. Và cái tựa: trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Tôi cũng nhớ một câu nghe được ở đâu đó: Việt Nam là một dân tộc rất mạnh. Mạnh ai nấy làm.

Hay, đây lại là cách làm của ốc sên nhà thể thao? Ai không rõ ốc sên làm gì, thì xem entry trước của tôi. Ở đây.

--
Tái bút lúc 12:29 đêm ngày 10/1/10

Mẩu này mình viết xong từ cách đây mấy ngày, tựa đầu tiên là "Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, hay trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Sau đó, gửi đi đến mấy nơi để chia sẻ. Chẳng biết cái thành ngữ "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" có gì hay thế, mà bây giờ thấy các báo cũng dùng thành ngữ ấy để bàn về việc này. Thành ra nhàm. Nên bèn sửa lại cái tựa, vừa ngắn, vừa ... khỏi đụng hàng!

(Thật ra thì cũng có một tí ... tâm trạng đấy nhưng không viết ra được!)

7 nhận xét:

  1. Muốn phát triển, hội nhập thì phải "nói chuyện" với thiên hạ để hiểu mình, hiểu người. Biết địch, biết ta, trăm trận, trăm thắng; bí quyết thành công là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"..., châm ngôn xưa không thiếu. Muốn thành công không thể thiếu "nhân hoà", muốn "nhân hoà" thì phải hiểu người, muốn hiểu người thì phải "talk" với người, muốn "talk" với người thì phải hiểu ngôn ngữ người...hay là định cho cả thế giới phải nói tiếng Việt, tiếng Việt là văn minh nhất thế giới, văn hoá Việt Nam là nhất thế giới, không cần phải hiểu ai?
    Ngôn ngữ thể hiện văn hoá, hiểu ngôn ngữ bạn là hiểu văn hoá bạn để ứng xử tốt hơn, có lợi cho bạn, cho mình hơn...
    Sang Thụy sĩ mà xem người ta hiểu ngôn ngữ như thế nào: cô bán nước trên tàu hoả cũng nói tốt 3 ngoại ngữ, chẳng trách sao họ văn minh thế!
    Hay mình văn minh hơn họ, văn minh "tiềm ẩn"(!!??)
    Buồn quá!
    Chẳng hiểu cái quái gì!
    Đã đến lúc, rất nhiều người trong chúng ta đã quá kiêu ngạo nên đã không hiểu được những vấn đề sơ khai nhất.
    Bực quá đi mất!
    Xin lỗi chị PA, chẳng biết nói ở đâu, nói ở đây cho đỡ tức.
    Buồn cười quá, rõ là điên, đi uống rượu thôi!

    Trả lờiXóa
  2. À, em nhận được sách rồi, cám ơn chị!
    Cho em số tài khoản để em chuyển tiền.
    Chị không phải bán sách, nhưng cái công là quí rồi, lại phải bỏ tiền, nghe không ổn lắm.
    Đúng không chị?

    Trả lờiXóa
  3. Quang ơi,

    Không lẽ em nghĩ chị là giáo viên nên nghèo đến nỗi không có tiền gửi sách tặng em à?

    Nói tiền nữa là chị giận đấy, không thèm đọc và còm trên blog em đâu nhé!

    Còn nếu muốn tặng gì cái gì cho nó hết nợ (!) thì ... tặng chị một cái đàn piano nhé! (Nghe xong, hoảng luôn! Sợ chưa?)

    Nói đùa thôi, cuốn sách có mấy chục ngàn ấy mà, để tiền thì mất giá, mua vàng thì không đủ (!), ít bữa trượt giá là bay hơi hết ấy mà. Cho nhau, còn giữ được chút tình, là quý chứ em!

    Chúc vui, và đọc có gì hay thì viết blog chia sẻ với mọi người nhé!

    PA

    Trả lờiXóa
  4. Cô em vợ tui nó mới thi lại IELTS thử xem trìnhn độ english của nó thế nào thì khg ngờ nó đứng đầu với 8.5 về General Module.

    Nhưng ở đời, đặc biệt ở VN mà con gái giỏi thì bất hạnh. Năm nay đã bắt đầu mon men 34 tuổi rồi mà vẫn không có mãnh tình rách vắt vai. Không phải không ai quan tâm. Nhưng cô nàng có lẽ thuộc loại nhìn đời với lăng kính màu hồng. Nên cứ chàng nào đến dù giỏi mà khg thích thì chịu.

    Ôi đời là bể khổ mà tình là dây oan!

    Trả lờiXóa
  5. Bác Hải,

    Chà, bác có cô em vợ ... thứ dữ ghê. Dữ cũng ... ngang với tôi rồi đó. ;-)

    Nhưng cô ấy chưa có mảnh tình vắt vai thì ... bác phải thừa nhận là hai bác (bác và bác gái) dở quá, phải không? Hoặc cô ấy đòi hỏi cao quá.

    Vậy cô ấy phải học cái bài này mà tôi thì rất thuộc: đã là phụ nữ, mà lại bị trời bắt giỏi, thì phải biết đó là một cái tội rất to. Nên phải ra sức tu hành, đi làm thì nói năng nhỏ nhẹ dịu dàng, chịu khó rót nước cho các sếp, vâng vâng dạ dạ ... cho mọi người thương.

    Còn chuyện riêng tư, có anh nào để ý đến, thì mau mau đồng ý cho rồi. Như tôi chẳng hạn. Lấy được ông xã từ năm 25 tuổi, mừng húm! ;-) Nên hiện giờ ông ấy vẫn bảo: "May mà anh lấy em, chứ hồi đó không quen anh thì chắc em thành bà cô mất rồi! Không ai chịu nổi."

    Thì ông xã tôi ông ấy vẫn cứ tự tin thế đấy, đàn ông mà! ;-)

    (Nhân tiện, ngày xưa, năm 1993, tôi thi IELTS cũng được 8.5 đấy! Lúc ấy là academic module, chưa có general module. Và cũng là sự kiện hiếm có, đứng đầu danh sách thí sinh VN đi thi để dành học bổng AusAID năm ấy!)

    PA

    Trả lờiXóa
  6. Hehehe, chị có thấy tôi viết 1 bài nào mà có link bằng english là hầu như khg có người vào còm khg?

    Tối nay đi ăn sinh nhật đứa cháu kêu bằng dượng. Gặp cô em vợ. Mấy anh em ngồi moral thì cô ta quạu. Khổ thế. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Con bé nó khó đăm đăm chị ạ.

    À mà ban đầu nghe giọng chị qua phone tôi cũng thấy chị khó không kém phần khốc liệt. :P Nhưng không hiểu sao chúng ta lại có thể làm việc với nhau nhỉ? Vì tôi là đứa rất đại khái qua loa đến chủ quan và dễ bị lừa. Bằng chứng là cái vụ vừa rồi. Nếu chị không kiểm tra thêm thì có thể tôi đã đưa một số dự án khả thi cho bên đối tác đầu tư rồi. Mặc dù tôi đã biết trước bản chất của các tổ chức tài chính này!!!

    Chúc hạnh phúc,

    Trả lờiXóa